3.12.09

BỎ RƠI DÂN CHỦ

Joshua Muravchik

Trần Quốc Việt dịch





Điều ngạc nhiên nhất trong nửa năm đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống Obama là sự thờ ơ của chính quyền đối với các vấn đề nhân quyền và dân chủ. Không có chính quyền nào coi các vấn đề này là những mục tiêu chính, lại càng không phải là những mục tiêu duy nhất ở nước ngoài. Nhưng kể từ thời Jimmy Cater nói về nhân quyền trong diễn văn nhậm chức của ông vào năm 1977 và tạo ra một cấu trúc hạ tầng mới để cho lời của ông có ý nghĩa hành chánh, cho đến nay thúc đẩy về nhân quyền vẫn là một trong những mục tiêu trước sau như một của các nhà ngoại giao Mỹ và là mục tiêu thỉnh thoảng của người lính Mỹ.

Chính quyền Obama đã làm đứt đoạn truyền thống này. Vị Tổng thống mới đã báo trước ý định của mình ngay lúc trước khi nhậm chức, khi ông nói với các biên tập viên của tờ Washington Post rằng dân chủ không quan trọng bằng “thoát khỏi cảnh túng thiếu và thoát khỏi cảnh sợ hãi. Nếu người dân bất an, nếu người dân đói, thì các cuộc bầu cử có thể hay không thể giải quyết được những vấn đề này, nhưng bầu cử không phải là lớp men hoàn thiện.”

Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton đã noi gương, như qua lời tuyên bố mở đầu của bà cho các buổi điều trần phê chuẩn chức vụ Ngoại trưởng tại Thượng viện. Cây viết xã luận Fred Hiatt tổng kết trên tờ Washington Post như sau: bà Clinton “đã đề cập đến mọi mục tiêu ta có thể tưởng đến, ngoại trừ mục tiêu đẩy mạnh dân chủ. Nào là xây dựng liên minh, chống khủng bố, chặn đứng bệnh tật, nâng cao nữ quyền, phát triển thịnh vượng, nhưng hầu như chẳng ngó ngàng gì đến các cuộc bầu cử, nhân quyền, tự do, giải phóng hay tự trị.”

Một vài ngày sau khi tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Obama đã chủ tâm dành cuộc phỏng vấn đầu tiên cho báo chí ngoại quốc cho đài truyền hình vệ tinh Al-Arablya phát thanh bằng tiếng Ả Rập do Ả Rập Saudi làm chủ. Cuộc phỏng vấn này hoàn toàn bàn về mối quan hệ giữa Mỹ với Trung Đông và với thế giới Hồi giáo rộng lớn hơn. Tuy nhiên, trong suốt cuộc phỏng vấn ông Obama không bao giờ nhắc đến dân chủ hay nhân quyền.

Một tháng sau, khi tuyên bố kế hoạch và thời biểu cho việc rút quân Mỹ ra khỏi Iraq, Tổng thống nói ông cố gắng đạt được “mục tiêu khả thi” về “một nước Iraq có chủ quyền, ổn định, và tự lực,” và ông nói về “một nước Iraq hòa bình hơn và thịnh vượng hơn.” Song về dân chủ, một trong những mục tiêu chính của cuộc chiến của Mỹ tại Iraq, và cũng là mục tiêu đã chứng tỏ có nhiều tiến bộ đáng khâm phục, ông lại im lặng.

Trong lúc cắt giảm quân tại Iraq, ông Obama ra lệnh điều thêm quân đến Afghanistan, nơi Mỹ đang đánh nhau trong một cuộc chiến tranh mà ông từ lâu đã cho là cần thiết hơn và có chính nghĩa hơn cuộc chiến ở Iraq. Nhưng đồng thời, ông nói về nhu cầu “tái tập trung vào Al Qaeda” ở Afghanistan, ít nhất điều này ám chỉ rằng Mỹ từ bỏ kế hoạch dân chủ hóa ở đấy. Tờ Washington Post tường thuật rằng “những gợi ý từ các viên chức cấp cao của chính quyền Mỹ… cho rằng Mỹ nên bỏ qua mục tiêu dân chủ ở Afghanistan” đã khiến Ngoại trưởng nước này “khẩn cầu tha thiết Mỹ tiếp tục ủng hộ chính phủ dân cử.”

Vào đầu tháng Tư, cựu phóng viên tờ New York Times Joel Brinkley đã tổng kết thành tựu ban đầu của chính quyền mới như sau:

“Cả Tổng thống Obama lẫn Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton thậm chí đều không thốt ra từ dân chủ nào, hiểu theo nghĩa đẩy mạnh dân chủ, kể từ khi nhậm chức cách đây hơn hai tháng. Vụ phụ trách về Dân chủ, Nhân quyền và Lao động trực thuộc Bộ Ngoại giao cho đến nay đã công bố 30 bản báo cáo (public releases), nhưng không có báo cáo nào thảo luận về việc đẩy mạnh dân chủ. E rằng dân chủ hiện đang bị loại bỏ ra khỏi từ vựng chung của chính quyền Obama.”

Mới nhìn qua, động cơ của Obama dường như quá rõ ràng. Cựu viên chức Bộ Ngoại giao J. Scott Carpenter nhận xét rằng thật là “hiển nhiên và dễ hiểu” khi “chính quyền Obama muốn tránh xa ngôn ngữ cùng hậu quả thấy rõ của chính quyền Bush”. Nhưng có hai lý do tại sao lời giải thích này không được thuyết phục.

Thứ nhất, Obama có thể có đóng góp riêng của ông vào vấn đề này mà không nhất thiết phải đoạn tuyệt quá đột ngột với các mục tiêu nhân quyền và dân chủ. Năm 1981, Ronald Reagan đắc cử Tổng thống với một chương trình tranh cử (mandate) tương tự như của Obama, nghĩa là đảo ngược lại đường lối của vị Tổng thống tiền nhiệm vốn không được lòng dân. Thoạt đầu, Reagan có ý muốn tránh né vấn đề về nhân quyền vì xem nó như một phần trong chính sách cấp tiến mơ hồ của Carter. Trong một cuộc phỏng vấn lúc ban đầu, Bộ trưởng Ngoại giao Alexander Haig tuyên bố rằng chính quyền Reagan sẽ đẩy mạnh về nhân quyền chủ yếu thông qua việc chống khủng bố. Song chẳng bao lâu, Reagan nghĩ lại: thay vì từ bỏ hẳn, ông đã lồng quan điểm riêng của ông vào vấn đề này bằng cách thay đổi ngôn từ và chương trình để nhấn mạnh hơn nữa vào công cuộc chấn hưng dân chủ.

Tương tự, Obama có thể trách chính quyền Bush bất tài trong việc nâng cao dân chủ và hứa hẹn đội ngũ của ông sẽ làm tốt hơn. Quả thực, Michael McFaul, người phụ trách các vấn đề về dân chủ trong chiến dịch tranh cử của Obama, đã tuyên bố sau cuộc bầu cử tổng thống là chính quyền mới sẽ “nói ít và làm nhiều” cho sự nghiệp dân chủ hóa hơn so với những gì Bush đã làm được. Nhưng khi McFaul được bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia, ông được giao giữ chức vụ phụ trách về Nga thay vì được giao nhiệm vụ giám sát công cuộc đẩy mạnh dân chủ. Trọng trách này trước đây vào thời Bush đã được giao cho các thành viên cấp cao của hội đồng an ninh quốc gia, giờ thì bỏ trống không giao cho ai hết.

Thêm một lý do nữa tại sao sự rẽ hướng về chính sách đối ngoại của Obama không thể nào được hiểu đơn thuần là do thôi thúc của ông muốn khác với Bush, rằng sự thờ ơ của Obama về dân chủ và nhân quyền có tính chất toàn cầu. Ý tưởng đẩy mạnh những giá trị này không xuất phát từ Bush mà bắt nguồn từ Carter và Reagan, về sau được Bill Clinton củng cố. Cái mới của Bush là áp dụng ý tưởng này tại Trung Đông, vùng đất trước đây thường được miễn. Từ bỏ di sản của Bush có nghĩa là đảo ngược lại chính sách của Mỹ tại Trung Đông. Nhưng Obama cắt giảm nỗ lực dân chủ không chỉ ở đấy mà còn ở khắp mọi nơi.

Chẳng hạn, trong lần viếng thăm ngoại giao chính thức đầu tiên đến Trung Quốc, Hillary Clinton cho các phóng viên biết rằng bà sẽ không đề cập nhiều về nhân quyền hay Tây Tạng vì “đòi hỏi của chúng ta về các vấn đề này không thể can thiệp vào vấn đề khủng hoảng kinh tế toàn cầu, khủng hoảng thay đổi khí hậu toàn cầu và khủng hoảng an ninh.” Tổ chức ân xá quốc tế tuyên bố là “sửng sốt và cực kỳ thất vọng” trước những lời phát biểu của bà. Không nao núng, bà Clinton đi tiếp đến Nga; tại đây bà vô tâm tặng nhà độc tài Nga Vladimir Putin món đồ chơi “bấm nút làm lại từ đầu” trong khi hàng loạt vụ sát hại các nhà báo độc lập, vốn đặc trưng cho thời cai trị của Putin, không những chưa được giải quyết, mà còn tiếp tục kéo dài thêm.

Chắc chắn Nga và Trung Quốc là hai nước lớn mà Washington phải giao thiệp về rất nhiều vấn đề, và do tầm quan trọng của hai nước này, tất cả các chính quyền Mỹ đều có tội là không vận động họ tôn trọng nhân quyền ở mức đồng đều. Tuy nhiên, chính quyền Obama hạ thấp vai trò nhân quyền không chỉ với các chế độ cỡ như Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa mà cả với chính quyền các nước yếu, mà vốn chẳng có ảnh hưởng gì tới Mỹ.

Ví dụ, bà Clinton ra lệnh duyệt lại các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với chế độ độc tài quân phiệt ở Miến Điện vì các biện pháp này “chẳng ảnh hưởng gì đến chính quyền Miến Điện.” Thái độ xuống nước này ắt hẳn đã khiến cho nhóm quân đội nắm quyền ở đấy thêm tự tin khi đưa nhà lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi ra toà vào tháng Năm sau khi họ lấy làm mãn nguyện là đã quản thúc bà tại gia hầu như trong suốt muời tám năm vừa qua. Chính quyền Sudan lại càng yếu hơn nữa và bị thế giới xa lánh hơn cả Miến Điện, nhưng chính quyền Obama cũng cho biết là đang xem xét giảm các biện pháp trừng phạt có từ thời Bush nhằm chống lại Khartoum sau khi chế độ này mở chiến dịch tàn sát và hãm hiếp ở Darfur. Theo tờ Washington Post:

”Nhiều nhà hoạt động nhân quyền đã sửng sốt trước việc chính quyền rõ ràng sẵn sàng xem xét việc giảm mức độ trừng phạt đối với Miến Điện và Sudan.Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống, Obama chế giễu cách giải quyết của Bush về vụ thảm sát ở vùng Darfur thuộc Sudan, mà Bush coi là diệt chủng; nhưng kể từ khi nhậm chức, chính quyền đã bất ngờ trước việc Sudan mới đây đã xua đuổi các tổ chức nhân đạo quốc tế.”

Mặc dù thật khó thấy lợi ích ngoại giao nào từ việc hạ thấp nhân quyền ở Miến Điện và Sudan, nhưng Obama cũng không đạt được điều gì về chính trị qua việc nương tay đối với những chế độ mà người Mỹ dù Tả hay Hữu đều chỉ trích. Ngay cả một người hâm mộ Tổng thống rất nồng nhiệt như nhà báo E.J. Dionne, người đầu tiên nhìn thấy một “học thuyết Obama” trong chính sách ngoại giao, cũng thừa nhận là có “cảm giác ray rứt” về “sự chú ý gần như hời hợt qua loa ” mà học thuyết này “cho đến nay đã dành cho các quan tâm về nhân quyền và dân chủ.”

Cho dù có hay không bằng chứng đủ rõ ràng và quan trọng để khẳng định nhãn hiệu “học thuyết”, việc chính quyền mới đã gạt bỏ dân chủ và nhân quyền một cách nhất quán gợi ý rằng đây là một đường hướng Tổng thống đã suy nghĩ thấu đáo. Sau cuộc họp của ông với Tổ chức Các Nước châu Mỹ vào tháng Tư, Obama phát biểu trong cuộc họp báo: “Điều chúng ta chứng tỏ ở đây là chúng ta có thể đạt được tiến bộ khi đoạn tuyệt với với một số tranh luận mốc meo và những ý thức hệ cũ kỹ đã chi phối và bóp méo quá lâu cuộc tranh luận tại bán cầu này.” Bộ trưởng Ngoại giao của ông lặp lại ý tưởng này: “Chúng ta hãy bỏ qua ý thức hệ,” bà Ngoại trưởng nói. “Đó là chuyện quá xưa rồi.”

Lời tuyên bố trên tránh né câu hỏi là những ý thức hệ nào là lỗi thời hay phải chăng tất cả các ý thức hệ đều lỗi thời như nhau cả. Chủ nghĩa cộng sản, từng khuấy động đảo điên thế kỷ hai mươi, chắc chắn đang trong cơn hấp hối. Dân chủ thì ngược lại, trong các thập niên vừa qua, đã và đang khởi sắc và lan rộng hơn bao giờ hết, đến mức đã có hơn sáu mươi phần trăm chính phủ trên thế giới được chọn ra qua các cuộc bầu cử trung thực. Gộp chung những “ý thức hệ ” này lại với nhau là coi thường dân chủ một cách vô lý.

Obama dường như tin rằng dân chủ được khen ngợi quá đáng, hay ít nhất cũng được đánh giá quá cao. Khi được hỏi về chủ đề này trong cuộc phỏng vấn dành cho tờ Washington Post vào trước ngày nhậm chức, Obama nói rằng ông quan tâm nhiều hơn đến việc “tạo ra cuộc sống tốt hơn thực sự cho người dân ngay tại nơi họ sống và ít để tâm hơn đến hình thức, quan tâm nhiều hơn đến thực chất.” Ông mở rộng ý này trong lần đến thăm thành phố Strasbourg ở Pháp:

”Chúng ta dành quá nhiều thời gian bàn về dân chủ, dù rõ ràng chúng ta nên cố gắng đẩy mạnh dân chủ ở khắp mọi nơi. Nhưng dân chủ, tức một xã hội hoạt động tốt nhằm đẩy mạnh tự do bình đẳng và bác ái, không chỉ phụ thuộc vào việc đi bầu. Dân chủ cũng có nghĩa là ta không bị cảnh sát làm tiền vì cảnh sát không được trả lương hợp lý. Dân chủ cũng có nghĩa là ta không phải hối lộ nếu ta muốn làm ăn. Điều tôi muốn nói là có rất nhiều nhân tố kết hợp mà người dân cần… thừa nhận trong công cuộc xây dựng một xã hội dân sự cho phép một quốc gia thành công.”

Cho dù Tổng thống có ý thức điều này hay không, ông đang lặp lại một chủ đề mà các nhà tuyên truyền Xô-viết lần đầu tiên đưa ra cách đây đã lâu, và nhiều biến thể của chủ đề này về sau được đủ các loại nhà độc tài Thế giới Thứ Ba từ tả sang hữu đều tán tụng. Đã từ lâu người ta không còn tin vào lý thuyết đó nữa sau vô số các nghiên cứu khác nhau chứng minh rằng các thể chế dân chủ hoàn thành tốt hơn việc nâng cao phúc lợi về kinh tế và xã hội, duy trì hoà bình và ngăn ngừa các thảm họa. Hãy khoan nhắc đến chuyện là thật không thích hợp khi một vị Tổng thống Mỹ nói về dân chủ chỉ như một “hình thức”, kém quan trọng hơn thực chất.

Khuynh hướng giảm thiểu tầm quan trọng của dân chủ và nhân quyền thể hiện rõ qua một số hành động quan trọng ở nước ngoài. Khi Hugo Chavez, với tham vọng trở thành nhà độc tài của Venezuela, tổ chức cuộc trưng cầu dân ý để gạt qua một bên truyền thống lâu đời của nước này về giới hạn số nhiệm kỳ của Tổng thống, chính phủ Mỹ đã cố gắng quá đáng để chấp thuận quá trình này. Hãng thông tấn Associated Press tường thuật:

“Chính quyền Obama nói cuộc trưng cầu dân ý nhằm mở đường cho Tổng thống Venezuela Hugo Chavez ra tái tranh cử là dân chủ. Đây là lời khen ngợi hiếm hoi dành cho một kẻ chống Mỹ sau bao năm trời bị chính quyền Bush chỉ trích. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ ông Gordon Duguid lưu ý về ‘các báo cáo đáng quan ngại về sự hăm dọa.’ Nhưng ông nói thêm rằng ‘nói chung đây là một quá trình hoàn toàn phù hợp với tiến trình dân chủ.’”

Tuy có nhấn mạnh vào việc không có những sự bất thường diễn ra trong cuộc trưng cầu, lời đáp trên đã cố tình bỏ qua một vấn đề lớn hơn. Giới hạn số nhiệm kỳ đã và đang là một trụ cột của dân chủ trên khắp châu Mỹ Latinh, nơi có một lịch sử đáng than phiền về các nhà lãnh đạo dân cử cố bám vào chức vụ nhờ vào các thủ đoạn bất chính.

Dù thủ tục này có theo đúng luật một cách tỉ mỉ đến mấy chăng nữa, mưu chước hiến pháp này của ông Chavez, một kẻ không giấu tham vọng nắm quyền tổng thống suốt đời, tạo ra mối đe doạ đáng sợ cho sự tồn vong của nền dân chủ nước đó.

Có lẽ sự chuyển hướng thấy rõ nhất trong chính sách của Mỹ là đối với Ai Cập. Hiển nhiên vốn là nước Ả Rập lớn nhất và có ảnh hưởng nhất về mặt trí thức, Ai Cập cũng là nước Ả Rập gần gũi nhất với Washington. Như vậy, việc chính quyền Bush sẵn sàng gây sức ép với chính phủ của Hosni Mubarak từng là một dấu hiệu thật lòng về sự nghiêm túc của chính quyền trong mong muốn đẩy mạnh dân chủ.

Về phần mình, những người Ai Cập quan tâm đến cải cách đã kêu gọi Mỹ nên viện trợ Ai Cập kèm theo điều kiện về cải cách. Chính quyền Bush chưa bao giờ đi theo hướng này, nhưng ý tưởng đó đã nhận được sự ủng hộ ở Quốc hội, nên nó chẳng khác gì thanh gươm treo lơ lửng trên đầu chính quyền của ông Mubarak. Obama đã loại bỏ mối đe dọa này. Như hãng thông tấn Associated Press đưa tin: “Tuần qua đại sứ của Ai Cập tại Mỹ, ông Sameh Shukri, nói rằng các mối quan hệ đang cải thiện và Washington đã từ bỏ những điều kiện để cho mối quan hệ tốt đẹp hơn, trong đó có đòi hỏi về ‘nhân quyền, dân chủ và các tự do tôn giáo và tự do thông thường (general).’”

“Đặt điều kiện” với Ai Cập “không phải là chính sách của chúng tôi,” Bộ trưởng Ngoại giao Clinton cho biết trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Ai Cập vào đầu tháng này. “Chúng tôi cũng muốn đưa quan hệ của chúng ta đến cấp kế tiếp.”

Trong khi hứa hẹn viện trợ không ràng buộc cho chế độ, chính quyền Obama rút lui sự giúp đỡ cho các nhóm độc lập, sự giúp đỡ mà chính quyền Bush cương quyết duy trì bất chấp bao phản đối từ phía nhà cầm quyền Ai Cập. Khi tuyên bố loại bỏ các chương trình trực tiếp ủng hộ các tổ chức xã hội dân sự Ai Cập, đại sứ Mỹ, bà Margaret Scobey, giải thích rằng điều này sẽ “giúp thúc đẩy” mối quan hệ với chính phủ Ai Cập được suôn sẻ hơn. Tờ New York Times tóm tắt các bước sau của chính quyền Obama:

“Toà Bạch Ốc đã trợ giúp Tổng thống Mubarak qua việc loại bỏ sự tài trợ của Mỹ dành cho các tổ chức xã hội dân sự mà nhà nước Ai Cập vốn từ chối công nhận, và qua việc công khai tuyên bố rằng sự tài trợ cho quân đội lẫn cho dân sự đều không kèm theo điều kiện nào về cải cách. Điều này gây ra sự hốt hoảng ở những người cấp tiến, ở những nhà học giả và ở những người hoạt động dân chủ trong khu vực.”

Như cây viết blog người Ai Cập trẻ nổi tiếng, “Sandmonkey”, không dằn được sự bất kính và văng tục, khi thốt lên: “Chúng ta hãy nhìn vào sự thật, Obama sẽ không thúc đẩy nhân quyền và dân chủ. Kỷ nguyên đó đã không còn nữa. Giờ đây chúng ta rốt lại chỉ còn là ngoại giao và hữu nghị thôi, và đó là những gì người Mỹ muốn, thậm chí cái giá mà các nhà hoạt động dân chủ ở Ai Cập phải trả là bị hiếp tả tơi.”

Điều này hình thành nên bối cảnh cho bài diễn văn được mong chờ nhiều của Tổng thống trước thế giới Hồi giáo được đọc tại Cairo vào ngày 4 tháng Sáu.

Người ta kỳ vọng rằng Tổng thống nhân dịp này sẽ đề cập đến nhiều vấn đề gai góc, bối cảnh cuộc nói chuyện này cũng sẽ buộc Obama giải thích quan điểm của ông về dân chủ và nhân quyền một cách rõ ràng hơn nhiều so với trước đây. Trên tờ New York Times, James Traub đã phân tích vấn đề này như sau:

“Ai Cập là mục tiêu trọng tâm của Chính sách Tự do (Freedom Agenda ) của Tổng thống Bush… Nhưng khi một đảng Hồi giáo đối lập đạt kết quả cao trong bầu cử, bộ máy an ninh của Ai Cập bắt đầu đàn áp mạnh. Chính quyền Bush lên tiếng yếu ớt vì e ngại làm mất lòng một đồng minh quan trọng… Lời lẽ của Obama hẳn nhiên sẽ được đặt trong khuôn khổ của sự kiện đó. Phải chăng Bush nên thúc đẩy mạnh hơn nữa cải cách về dân chủ tại Ai Cập cũng như tại các nước đồng minh khác? Phải chăng chính quyền của ông nên nói năng mềm mỏng hơn, ít công khai hơn? Giống như cha mình, phải chăng ông cũng nên ít quan tâm hơn cách hành xử của các chế độ đối với công dân của họ mà nên quan tâm hơn đến việc đạt được sự hợp tác về các mục tiêu an ninh quốc gia của Mỹ?”

Trong bài diễn văn, ông Obama đã bàn thẳng đến vấn đề đó, coi “dân chủ”, “tự do tôn giáo,” và “nữ quyền” là ba trong số bảy “vấn đề cụ thể” mà ông nói “cuối cùng chúng ta phải cùng nhau đối mặt.” Về dân chủ, ông nói một cách hùng hồn:

“Tất cả mọi người đều mong muốn một số điều nhất định: khả năng nói thẳng ý kiến của mình và có tiếng nói trong chính quyền của mình: niềm tin vào thượng tôn pháp luật và sự áp dụng công lý bình đẵng; chính quyền phải minh bạch và không ăn cắp của dân; quyền tự do sống như mình muốn. Đó không chỉ là các tư tưởng Mỹ mà đó là nhân quyền. Và vì thế chúng tôi sẽ ủng hộ những điều này ở khắp mọi nơi.”

Tuy tuyên bố trên khá mạnh mẽ, nhưng ý nghĩa cuối cùng của nó vẫn khó nắm bắt. Ngay lập tức sau những lời này, Obama đưa ra liền cảnh báo rằng ” không có con đường thẳng tắp để thực hiện được sự hứa hẹn này.” Và mặc dù ông khẳng định niềm tin của ông về “các chính quyền phản ánh ý muốn của nhân dân,” nhưng ông lại nói thêm, “Mỗi quốc gia thực hiện nguyên tắc này theo cách riêng của mình, xuất phát từ truyền thống của dân tộc mình. Mỹ không mạo muội biết điều gì là tốt nhất cho mọi người.”

Than ôi, ý tưởng này sao rất giống lời tuyên bố mà nhiều chế độ chuyên quyền hay cổ võ, trong đó có chế độ quân chủ tuyệt đối của Ả Rập Saudi, nơi Obama mới thăm viếng ngày hôm trước. Không có nơi đâu trong bài diễn văn này Tổng thống đề cập đến điểm cực kỳ quan trọng là các cuộc bầu cử chỉ là cách duy nhất được biết để quyết định ý muốn của nhân dân. Rõ ràng, điều đó ắt hẳn là “quá đáng.”

Khi chuyển sang vấn đề nữ quyền, những lời mạnh mẽ nhất của Obama là phụ nữ nên được học hành và tự do chọn có nên hay không nên sống theo vai trò truyền thống. Cũng ở đây, ông ra sức tránh tỏ vẻ rằng Mỹ có một thành tích xứng đáng hơn các quốc gia ông đang nói chuyện hay có điều cần dạy cho họ. Trái hẳn là đằng khác:

“Sự bình đẳng của phụ nữ hoàn toàn không đơn giản là một vấn đề đối với Hồi giáo. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Bangladesh, Indonesia, chúng ta đã thấy các quốc gia có đa số người theo đạo Hồi này đã bầu phụ nữ làm lãnh đạo. Trong khi đó cuộc đấu tranh cho sự bình đẳng phụ nữ vẫn còn đang tiếp diễn trong nhiều khía cạnh của cuộc sống Mỹ, và trong nhiều quốc gia trên khắp thế giới.”

Ở ba nơi khác nhau trong bài diễn văn, Obama đã bảo vệ quyền của phụ nữ trùm khăn che đầu (hijab), rõ ràng đi ngược lại điều cấm tại các trường công Pháp hay tại các văn phòng của chính quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ hay có lẽ trong quân đội Mỹ, nơi yêu cầu phải đội mũ lính. Nhưng ông không nói một lời nào về quyền không trùm khăn che đầu, mặc dù số lượng phụ nữ bị buộc phải mặc trang phục tôn giáo ắt hẳn nhiều gấp hàng chục ngàn lần số lượng bị tước đi cơ hội đó. Điều này lại càng kỳ lạ hơn vì ông vừa đến từ Ả Rập Saudi, là nơi abbayas- áo chùng che kín từ đấu đến ngón chân được mặc phủ lên bên ngoài áo quần thông thường- là bắt buộc cho phụ nữ bất kỳ khi nào họ đi ra khỏi nhà. Trong chặng dừng chân ở Riyadh, nhiệt độ mùa xuân êm dịu đã là 104 độ F; trong những tháng tới, trời sẽ nóng hơn từ hai mươi đến ba mươi độ nữa. Abbayas lại phải là màu đen, trong khi đàn ông ra đường đều mặc màu trắng, mà người ta giải thích là để chống nắng tốt hơn.

Obama cũng không trực tiếp hay gián tiếp chỉ ra rằng tất cả các phụ nữ Ả Rập Saudi đều được yêu cầu phải có người “giám hộ” nam, có thể là cha, chồng, chú bác, anh ruột, và thậm chí cả con trai, và nếu không có giấy xác nhận cho phép của người giám hộ, họ không tài nào được đi làm, đi học hay đi xa, hay họ có thể bị cưỡng ép lập gia đình khi mới có chín tuổi. Khi nói về nữ quyền ở Ai Cập, Obama hẳn có thể cũng tìm thấy điều gì đó để nói, dù rất kiệm lời, về tập tục cắt bỏ một phần bộ phận sinh dục của các bé gái (genital mutilation), vốn phổ biến ở nước này nhiều hơn hầu hết ở các nơi khác, song ông lại im lặng về vấn đề này.

Về tự do tôn giáo, ông nhắc đến “truyền thống bao dung đáng tự hào” của đạo Hồi. Ở một trong những đoạn văn có tính động viên hơn, ông tuyên bố rằng “sự đa dạng phong phú về tôn giáo phải được duy trì, cho dù sự đa dạng đó dành cho người theo đạo Thiên chúa phái Maronite ở Lebanon hay phái Copt ở Ai Cập.” Một trong hai tổ chức đứng ra cùng điều hợp cho buổi nói chuyện này là Đại học Al-Azhar, một trường mà ông Obama đã khen ngợi là “ngọn hải đăng của nền học thuật Hồi giáo.” Lời khen ấy có thể đúng, nhưng Đại học Al-Azhar chỉ nhận người Hồi giáo. Những tín đồ nước ngoài cũng như người trong nước nào trung thành với thông điệp của Đấng Tiên tri có thể theo học tại đây, nhưng những người Ai Cập theo đạo Thiên chúa thì không được theo học. Có lẽ điều này có thể hiểu nếu đây là trường chỉ chuyên dạy về nền học thuật Hồi giáo (cho dù có đúng như vậy, người ta vẫn hỏi tại sao lại cấm họ), nhưng ngày nay Đại học Al-Azhar lại cấp những bằng cấp về y khoa, công nghệ, và khá nhiều ngành học khác. Hàng chục ngàn sinh viên được nhà nước tài trợ nhờ vào tiền dân Ai Cập đóng thuế, nhưng mười phần trăm dân số là người theo đạo Thiên chúa phái Copts lại bị cấm theo học ở trường này.

Trong những đoạn văn này, cũng như trong suốt bài diễn văn, phương pháp của Obama là dụ thính giả nuốt có lẽ một vài sự thật khó chịu bằng cách phết lên chúng một loại nước sốt đặc êm dịu của những sự thật nửa vời, những bóp méo, những bỏ sót, và những so sánh không đúng.

Như vậy, bài diễn văn bóng bẩy ở Cairo là đỉnh cao của những chủ đề của Obama trong những tháng ban đầu sau khi nhậm chức. Ông đã từng trách Mỹ về cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, về sự nóng ấm lên trên toàn cầu, về các cuộc chiến ma túy ở Mexico, về “việc không biết ơn vai trò của Châu Âu trên thế giới,” và nói chung về việc “rất hay thường xuyên” cố “áp đặt điều kiện của chúng ta.” Ông nhấn mạnh tất cả điều này qua việc phái ngoại trưởng của ông thực hiện, như lời của tờ New York Times, “chuyến công du sám hối” đến Châu Á và Châu Mỹ La Tinh. Giờ đây ông lại thêm những lời xin lỗi mới vì đã lật đổ chính phủ Iran vào năm 1953, vì đã đối xử với các nước Hồi giáo như “tay sai” trong Chiến tranh Lạnh “mà chẳng đếm xỉa gì đến các nguyện vọng riêng của họ.”

Rồi tất cả những sự nhận lỗi về mình này sẽ đạt đến mục đích gì? Có lẽ đây là một chiến lược nhằm, như ông diễn tả, “khôi phục địa vị của Mỹ trên thế giới.” Hay giống như nhiều người khác, trong đó có nhiều người Hồi giáo và người Châu Âu, ông có lẽ cũng thành thực tin rằng Hoa Kỳ có thể phải chịu trách nhiệm cho một phần lớn các căn bệnh của thế giới. Nói gì thì nói, hình như Obama hy vọng sự tự phê bình như thế sẽ mở đường cho việc đối thoại thành công nhằm giải quyết các bất đồng giữa chúng ta với các nước Iran, Syria, Trung Quốc, Nga, Miến Điện, Sudan, Cuba, Venezuela, và phe “trung dung” của Taliban.

Chiến lược này có thể được gọi là hòa bình nhờ tương đương về đạo đức (moral equivalence), và từ đó cuối cùng ta hoàn toàn hiểu tại sao Obama chống lại sự ủng hộ về nhân quyền và dân chủ. Vì chừng nào những vấn đề nhân quyền và dân chủ còn được nhấn mạnh thì lý thuyết tương đối về văn hoá vốn đan quyện trong bài diễn văn Cairo của ông và trong những tuyên bố tương tự ở các nơi khác tỏ ra vô lý. Cố tìm ra một khuyết điểm của tự do tôn giáo ở Mỹ, Obama tuyên bố rằng “ở Hoa Kỳ, các điều luật về cho tiền từ thiện gây khó khăn hơn nhiều cho những người Hồi giáo muốn làm tròn bổn phận tôn giáo của họ.” Rõ ràng, ông đang ám chỉ đến chuyện là tiền đóng góp cho các tổ chức ở nước ngoài không được khấu trừ vào thuế. Dĩ nhiên, điều này chẳng có gì liên quan đến tự do tôn giáo ngoại trừ chỉ đảm bảo rằng các khấu trừ thuế chỉ được dành cho các tổ chức thiện nguyện chính đáng chứ không phải cho, chẳng hạn, “những kẻ quá khích bạo lực,” như Obama gọi họ (tránh dùng từ “kẻ khủng bố”).

Hãy xem xét lời cáo buộc lỗi vặt vãnh này về nước Mỹ khi so sánh với tình trạng tự do tôn giáo tại Ai Cập, nơi những người theo đạo Thiên chúa có thể không được xây hay tu sửa nhà thờ nếu không có văn bản cho phép từ tổng thống nước này hay từ một thống đốc tỉnh (và nơi người Do Thái không còn cảm thấy sống an toàn). Hay hãy so sánh cái lỗi rất nhỏ không đáng ấy với thực tiễn tại nơi dừng chân trước đó trên lộ trình công du của Obama, tức Ả Rập Saudi, nơi không có nhà thờ Thiên chúa nào có thể đứng nổi, nơi người Do Thái có một thời không được phép đặt chân đến, và nơi ngay cả chính những người theo Hồi giáo thuộc các hệ phái không phải Sunni cũng bị ngăn cản xây nơi thờ tự của họ.

Tóm lại, mặc dù ta có thể tìm thấy những điều không hay từ nền dân chủ và nhân quyền của Mỹ, nhưng những điều không hay hiện diện tràn lan trong thế giới Hồi giáo còn nặng nề hơn nhiều khi so thứ bậc về mức độ. Nếu dân chủ và nhân quyền được coi như những giá trị cao quý, thì tất cả các xã hội đều không bình đẳng về mặt đạo đức. Đây là ý tưởng, tựa như dao, cắt sâu vào xúc cảm tinh tế đa văn hoá của Obama.

Nước Mỹ không chỉ hiện thân cho những giá trị này, nước Mỹ còn có trách nhiệm hơn bất kỳ nước nào khác về công cuộc truyền bá chúng. Ngày nay nhiều dân tộc hưởng hồng phúc của tự do là nhờ ảnh hưởng của Hoa Kỳ, nhờ sự giúp đỡ, nhờ gương sáng, và nhờ vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trong việc làm sụp đổ khối Trục, Liên Xô, và chủ nghĩa thực dân châu Âu. Hơn thế nữa, sự tiến bộ về nhân quyền và dân chủ cần thiết phải thực thi ảnh hưởng Mỹ và qua đó có thể tăng thêm sức mạnh của ảnh hưởng đó, song hình như cả hai quá trình này đều không được đón mừng bởi các vị tông đồ rao giảng về tự phủ định quốc gia.

Ở Cairo, lại một lần nữa, Tổng thống Obama chỉ trích chính quyền Bush vì đã hành động “ngược lại những lý tưởng của chúng tôi” khi chính quyền Bush vi phạm những luật lệ về quá trình xét xử trong lúc đang diễn ra cuộc chiến tranh chống khủng bố và chấp thuận “những kỹ thuật thẩm vấn được nâng cao” mà nhiều người tin là chẳng khác gì tra tấn. Tệ hại nhất, những vi phạm này là những câu trả lời dở cho những câu hỏi mà không có những câu trả lời hay. Trong các biện pháp tra hỏi này có một số biện pháp có thể sai trái, nhưng cho đến nay vẫn không có một lời tố cáo nghiêm túc nào về bất kỳ viên chức nào đã sử dụng đến các biện pháp này cho bất kỳ mục đích xấu xa nào, nghĩa là, cho bất kỳ mục đích gì ngoại trừ mục tiêu bảo vệ nước chúng ta trong thời chiến tranh và lúc tổ quốc lâm nguy.

Để tâm lâu vào chủ đề này, như Obama từng làm, là phải nhấn mạnh thật nhiều hơn vào các giá trị nhân quyền. Như thế thật là lạ lùng khi tách rời nhân quyền và dân chủ ra khỏi các việc cần phải làm trong chính sách đối ngoại của chúng ta. Đây không phải là nơi để tiến hành tranh luận về sự tra tấn, nhưng thậm chí nếu Khaled Sheikh Mohammed, kẻ chủ mưu vụ tấn công 9/11 và cũng là nạn nhân chính của biện pháp trấn nước, và những kẻ khác có bị hành hạ, thì ta chẳng mảy may nghi ngờ rằng họ đã toan tính làm điều ác. Thật là khó hiểu khi lớn tiếng ta thán về cảnh họ bị đối xử trong khi đó làm tắt đi tiếng nói của Mỹ thay mặt cho những nhà tranh đấu cấp tiến như ông Ayman Nour và ông Sa’ad Edin Ibrahim, do ủng hộ dân chủ một cách hoà bình mà bị trấn áp bởi chính chính quyền đã tiếp đón Obama ở Cairo. Trong vấn đề này ta không thể tìm thấy sự nhất quán về chiến lược cũng như về đạo đức.

__________________

Joshua Muravchik là thành viên của Viện Nghiên cứu Chính sách Ngoại giao của Đại học John Hopkins, khoa Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp.

Nguồn: commentarymagazine.com số tháng Bảy/tháng Tám năm 2009

Bản tiếng Việt © 2009 Trần Quốc Việt

Bản tiếng Việt © 2009 talawas blog

30.11.09

WALL STREET JOURNAL -SỐ PHẬN CỦA LIU XIAOBO

Trần Quốc Việt dịch




Tuần tới sẽ đánh dấu hai ngày kỷ niệm đối với Trung Quốc: đã một năm trôi qua kể từ khi nhà bất đồng chính kiến Liu Xiaobo biến mất hút vào bao tử cồn cào của bộ máy an ninh quốc gia, và cũng đã qua một năm kể từ ngày ra đời của tuyên ngôn kêu gọi cải cách chính trị mà ông góp phần khởi thảo, tức Hiến Chương 08. Khi tình trạng nhân quyền của Trung Quốc tiếp tục xấu đi, thế giới không được quên ông Liu và những gì ông đã hy sinh cho sự hiện đại hoá nền chính trị của Trung Quốc.

Vị giáo sư văn học 53 tuổi này đã bị công an chính thức bắt vào tháng Sáu và bị buộc tội “kích động” và “phá hoại.” Tội thật của ông là đã chứng tỏ sự sai trái của ý tưởng cho rằng nhân dân Trung Quốc không quan tâm đến bản chất chuyên quyền của chính quyền nước họ. Kể từ lúc ra đời cho đến nay, Hiến Chương 08 đã thu được hàng ngàn chữ ký từ những người Trung Quốc thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội. Sự hưởng ứng đó vẫn còn tiếp tục dù những người ký tên thừa biết rằng chắc chắn chính quyền sẽ sách nhiễu họ; có người bị bắt giam trong thời gian ông Obama sang thăm gần đây.

Những công dân này liều mình chỉ để yêu cầu chính quyền làm đúng theo những lý tưởng được ghi trong chính hiến pháp của họ, những lý tưởng chưa bao giờ được thực hiện. Những lý tưởng này bao gồm các quyền tự do dân sự như quyền tự do ngôn luận và quyền được bảo vệ bình đẳng trước pháp luật. Hiến Chương cũng kêu gọi tổ chức các cuộc bầu cử dân chủ để lập ra chính quyền “của nhân dân, bởi nhân dân, và vì nhân dân.”

Theo tin tức cho biết, tổng thống Obama có đề cập đến trường hợp của ông Liu tại các cuộc hội đàm riêng trong tháng này với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Nhưng cho đến nay, sự can thiệp đó dường như chẳng có tác dụng gì; thời gian ông ở tù không án vừa bị gia hạn thêm hai tháng nữa. Luật sư bào chữa Mo Shaoping không được phép chính thức thụ lý vụ án này với lý do là ông ta cũng là một người đã ký tên vào Hiến Chương 08.

Ngay từ bây giờ, chúng ta phải tạo áp lực tối đa từ khắp nơi để đòi cho ông Liu sớm được thả, vì một khi bản cáo trạng được đưa ra, rất ít có cơ may là ông sẽ tránh được một bản án tù dài hạn. Ông Liu và Hiến Chương 08 là những biểu tượng quan trọng cho sự khao khát về cải cách chính trị của nhân dân Trung Quốc đi kèm với những thập niên cải cách thành công về kinh tế. Điều rất quan trọng là ông không phải chịu chung số phận của bao nhà tranh đấu khác trước ông: nhiều người trong số họ đã biến mất trong chế độ lao tù và rồi bị buộc phải sống lưu vong ở nước ngoài.

Nguồn: Wall Street Journal, ngày 29 tháng 11 năm 2009

Bản tiếng Việt © 2009 Trần Quốc Việt

Bản tiếng Việt © 2009 talawas blog

16.11.09

YOANI SANCHEZ-NGƯỜI BÓNG

Trần Quốc Việt dịch


Sau những gì xảy ra vào thứ Sáu vừa qua, tôi đã quyết định đưa ra ánh sáng một loạt hình ảnh về những kẻ theo dõi và sách nhiễu tôi.

Mối quan hệ của tôi với phim ảnh đã luôn bắt đầu từ hàng ghế sau, trong bóng tối căn phòng, nơi ta có thể nghe tiếng chiếc máy chiếu phim cũ. Mối quan hệ này tiếp tục như thế cho tới khi tôi bắt đầu sống trong chính cuốn phim của mình, một cuốn phim hành động về các kẻ truy đuổi và người bị truy đuổi, trong đó vai của tôi là vưọt thoát và lẩn trốn. Lý do cho sự thay đổi đột ngột từ khán giả thành vai chính trong phim là blog này, trên không gian rộng lớn này, vốn hầu như chưa được phim chạm đến, đó là internet. Cách đây hai năm tôi thức giấc dậy với ao ước muốn viết về kịch bản trung thực mỗi ngày của mình, chứ không phải hài kịch lạc quan họ khoe trong báo chí chính thống. Rồi từ đó, tôi đi từ xem phim đến sống trong phim.

Tôi có những hoài nghi rằng phải chăng ngày nào đó tôi sẽ thấy bức màn nhung hạ xuống, và tôi có thể còn sống để rời khỏi rạp chiếu phim. Cuốn phim dài mà chúng tôi sống qua trong đấy ở Cuba trong hàng chục năm dường như chưa gần đến đoạn nơi các dòng chữ nhỏ cuối cùng hiện ra rồi màn ảnh chợt tắt. Tuy nhiên, khán giả hiện không còn quan tâm đến những thước phim dài lê thê phát ra từ các kẻ chiếu phim hợp pháp này nữa. Hay đúng hơn, người dân dường như say mê trước hình ảnh của những người tạo ra blog, là một trang giấy trắng trên đó họ ghi lại bao câu hỏi, dằn vặt và niềm vui của các công dân.

Tin mình là Kubrick hay Tarantino, tôi đã bắt đầu đưa lên mạng những nhân vật hiện theo dõi và quấy rầy chúng tôi. Tựa như ma quỷ, những kẻ từ thế giới bóng tối này sống nhờ vào hạnh phúc con người của chúng tôi rồi cấy vào chúng tôi nỗi khiếp sợ qua các cú đấm, sự răn đe và cưỡng ép. Những cá nhân được huấn luyện cách khuất phục bằng vũ lực không thể nào tiên đoán được đổi vai từ người đi săn thành kẻ bị săn đuổi, những bộ mặt bị mắc bẫy trên máy ảnh, trên điện thoại di động, hay trên võng mạc tò mò của công dân. Vốn quen với việc thu thập bằng chứng của từng người cho hồ sơ này, rồi cất trong ngăn kéo nào đó, ở một văn phòng đâu đó, bây giờ họ ngạc nhiên thấy rằng chúng tôi liệt kê các cử chỉ của họ, ánh mắt của họ, một hồ sơ tỉ mỉ về sự lộng hành của họ.

Nguồn: www.desdecuba.com/generationy (bài đăng ngày 12.11.2009)

Bản tiếng Việt © 2009 Trần Quốc Việt

Bản tiếng Việt © 2009 talawas blog

15.11.09

YOANI SANCHEZ- ĐỔ LỖI TẠI NẠN NHÂN

Trần Quốc Việt dịch

Sau một vụ tấn công, sẽ có những kẻ thiển cận nào đó trách chính nạn nhân nữ về chuyện đã xảy ra. Nếu đó là một phụ nữ bị hãm hiếp, ai đấy sẽ giải thích rằng tại váy chị mặc quá ngắn hay dáng đi sao khêu gợi. Nếu đó là vụ cướp giật, có nhiều kẻ cho rằng cái ví sặc sỡ hay đôi bông tai sáng lấp lánh chị mang đã kích thích lòng tham của tội phạm. Với những trường hợp nạn nhân là đối tượng của sự đàn áp chính trị, cũng không thiếu người biện minh cho cuộc tấn công đó; họ nói rằng sự thiếu thận trọng là nguyên nhân dẫn đến những phản ứng “mạnh” như thế. Đối mặt với những thái độ này, nạn nhân cảm thấy bị bạo hành đến những hai lần.

Hàng chục con mắt theo dõi khi Orlando và tôi bị các cú đấm cưỡng ép lên xe hẳn không muốn ra làm chứng, và như thế họ đã đặt mình về phía tội phạm.

Vị bác sĩ không làm bệnh án về vụ bạo hành, do bị cảnh cáo trước rằng với “ca bệnh” này, không được có bất kỳ giấy tờ chứng thương nào, đang vi phạm lời thề Hippocrates và, với hành động giả ngơ đó, mặc nhiên thành kẻ đồng lõa với thủ phạm.

Những kẻ thấy cần phải nhiều vết bầm tím hơn, thậm chí phải gãy xương, thì mới cảm thấy thương người bị đánh: không những họ đong đếm nỗi đau của người khác, mà còn như thể họ đang nói với kẻ thủ ác, “có đánh thì phải để lại nhiều dấu vết hơn, phải hung hăng hơn chứ.”

Cũng không thiếu những kẻ luôn khăng khăng rằng nạn nhân tự mình gây ra thương tích, những kẻ bịt tai trước tiếng la hét hay lời khóc than ngay sát bên mình, nhưng lại đi nhấn mạnh và rêu rao những chuyện xảy ra cách chỗ họ hàng ngàn dặm, dưới một chính thể khác với một ý thức hệ khác. Họ chính là những kẻ vô đạo tưởng rằng các trại cưỡng bức lao động[1] là chốn lạc thú, nơi ta vừa học quân sự vừa vui với việc đồng quê. Những kẻ tiếp tục tin rằng vụ hành hình ba người[2] là hợp lý để duy trì chủ nghĩa xã hội, và coi việc những người không chịu khép mình vào khuôn khổ bị đánh là do họ tự chuốc họa vào thân khi lên tiếng chỉ trích. Chẳng có bằng chứng nào, thậm chí ngay cả mấy chữ Nơi an nghỉ cuối cùng trên bia mộ trắng [của nạn nhân] có thể thuyết phục được những kẻ cả đời chỉ biết biện minh cho bạo lực. Với họ, nạn nhân chính là nguyên nhân, còn kẻ tấn công chỉ là người thừa hành một bài học bắt buộc, một chánh án đơn thuần và là người uốn nắn các lệch lạc của chúng ta.

Bệnh án vắn tắt

Các vết thương từ vụ bắt cóc vào thứ Sáu vừa qua đang lành dần. Các vết bầm giờ đã đỡ hơn, song điều tôi lo nhất là cơn đau nhói ở vùng thắt lưng khiến tôi đi lại phải dùng nạng. Tối qua tôi có đến bệnh viện và họ điều trị các chỗ bị viêm đau. Không có gì mà tuổi trẻ và sức khoẻ của tôi không vượt qua được. May là trong lúc ghì đầu tôi xuống sàn xe, họ đánh tôi nhưng không trúng mắt, chỉ trúng vào xương gò má và lông mày. Tôi hy vọng sẽ lành hẳn trong vài ngày tới.

Tôi cảm ơn bạn bè và gia đình đã săn sóc và ủng hộ tôi. Nỗi đau nào cũng phai dần, ngay cả nỗi đau tâm lý thường khó vượt qua nhất. Chị Claudia và anh Orlando vẫn chưa hết bàng hoàng, nhưng hai người đều rất cứng cỏi và rồi cũng sẽ vượt qua được. Chúng tôi đã bắt đầu tươi cười trở lại, vì đó vị thuốc hay nhất để chữa căn bệnh bạo hành. Liệu pháp chính cho tôi vẫn là blog của mình, và là hàng ngàn chủ đề còn đang chờ đưọc đề cập đến.

Chú thích của biên tập (trang desdecuba): bài này được ghi lại qua điện thoại.

Nguồn: www.desdecuba.com/generationy (Bài đăng ngày 8.11)

Bản tiếng Việt © 2009 Trần Quốc Việt

Bản tiếng Việt © 2009 talawas blog


--------------------------------------------------------------------------------

[1] Trại cưõng bức lao động, tên chính thức là “Những Đơn vị quân đội trợ giúp sản xuất”, được thành lập ở Cuba vào năm 1965 dưới ngọn cờ cải tạo ý thức hệ. Người tù ở đây bao gồm đủ loại “phần tử chống xã hội” cũng như các tu sĩ và những người đồng tính nam. (Chú thích của người dịch từ nguyên bản tiếng Tây Ban Nha sang tiếng Anh.)

[2] Vụ hành hình ba người: Vào ngày 2 tháng Tư năm 2003, một nhóm người Cuba cướp một chiếc phà với khoảng 50 người trên phà, với dự định chạy thẳng sang Mỹ. Chỉ hơn một tuần sau đó, ba người bị bắt là Lorenzo Copello, Barbaro Sevilla và Jorge Martinez đã bị tử hình vì có “những hành động khủng bố nghiêm trọng.”

14.11.09

YOANI SANCHEZ- MỘT VỤ BẮT CÓC KIỂU XÃ HỘI ĐEN

Trần Quốc Việt dịch

Gần Đường 23, ngay đoạn vòng cung Avenida de los Presidentes, chúng tôi thấy một chiếc xe hơi màu đen, sản xuất tại Trung Quốc, dừng lại với ba người lạ lực lưỡng. “Yoani, hãy lên xe ngay,” một gã vừa ra lệnh, vừa chụp mạnh cổ tay tôi. Hai gã kia vây quanh chị Claudia Cadelo, anh Orlando Luis Pardo Lazo, và một người bạn cùng đi chung cả nhóm để đến dự cuộc tuần hành chống bạo lực. Mỉa mai thay, ngày tuần hành trong hoà bình và hoà hợp giờ bị thay bằng đêm đen chứa đầy những cú đấm, những tiếng la thét và lời chửi thề tục tĩu. Chính những “kẻ tấn công” này gọi một chiếc xe công an tuần tra tới chở hai người bạn đường khác của tôi đi, để Orlando và tôi ở lại chịu trận với chiếc xe mang bản số vàng đó, thế giới kinh hoàng của sự bất chấp luật pháp và sự miễn tội trong trận sống mái cuối cùng.

Tôi từ chối bưóc vào chiếc xe sáng loáng do hãng Geely sản xuất này và đòi họ cho xem giấy tờ công tác hay trát bắt. Dĩ nhiên họ không cho chúng tôi xem bất kỳ giấy tờ nào chứng minh tính hợp pháp của việc bắt giữ người. Thấy những người hiếu kỳ xúm quanh lại xem nên tôi la to, “Bà con ơi giúp dùm, những người này muốn bắt cóc chúng tôi.” Nhưng họ ngăn cản những ai muốn can thiệp vào khi họ la to, “Đừng dính vào chuyện này, đây là bọn phản cách mạng.” Tiếng la đó đã bộc lộ rõ ràng toàn bộ bối cảnh ý thức hệ của sự thi hành lệnh này. Thấy chúng tôi lớn tiếng cãi lại, họ liền gọi điện thoại nói với người nào đó có vẻ là cấp trên, “Chúng tôi làm gì bây giờ? Bọn này ngoan cố không chịu lên xe.” Tôi hình dung ra câu trả lời từ phía bên kia là rất rõ ràng, vì sau đó là trận mưa đấm đá và xô đẩy; họ ghì đầu tôi xuống, cố đẩy tôi vào xe cho được. Tôi bám vào cửa xe… thế là họ đấm vào các khớp đốt ngón tay… tôi giật được một tờ giấy từ trong túi của một gã và vội nhét vào miệng. Lại thêm một cơn mưa đấm nữa nhằm buộc tôi trả họ tờ giấy.

Orlando đã lọt hẳn vào trong xe. Anh bị một thế karate ghì chặt xuống sàn, không cựa quậy được. Một tên ép đầu gối lên ngực tôi, còn tên ngồi trên ghế trước thì thụi vào vị trí thận và đấm vào đầu để tôi phải há miệng nhổ tờ giấy ra ngoài. Có lúc tôi tưởng mình sẽ không bao giờ thoát khỏi chiếc xe này. Tên ngồi cạnh tài xế giật tóc tôi nói: “Mày giở trò vậy đủ rồi, Yoani,” “Tao chán các trò hề của mày lắm.” Ở băng ghế phía sau là một cảnh tượng hiếm thấy: hai chân tôi chổng lên trên, mặt đỏ bừng do sức ép đầu gối, toàn thân đau đớn; phía bên kia, anh Orlando bị khoá chặt bởi một tay đánh người chuyên nghiệ. Trong cơn tuyệt vọng, tôi suýt nắm được hòn dái của y qua vải quần.Tôi bấu móng tay vào, nghĩ rằng y sẽ đè vỡ ngực tôi cho tới hơi thở cuối cùng. “Các người giết tôi đi,” tôi kêu thét sau khi cố hít vào chút hơi tàn cuối cùng. Gã ngồi phía trước cảnh cáo tên trẻ hơn, “Hãy để cho nó thở.”

Tôi nghe Orlando thở hổn hển; Các cú đánh tiếp tục trút tới tấp xuống người chúng tôi; tôi định mở cửa lao xuống nhưng chẳng có tay cầm nào bên trong xe. Chúng tôi đành phó mặc họ muốn làm gì thì làm; nghe tiếng Orlando khiến tôi vững lòng hơn. Sau này anh bảo tôi anh cũng cảm thấy như vậy khi nghe những lời nói tắc nghẹn của tôi… Những lời nói đó cho anh biết là “Yoani vẫn còn sống.”

Chúng tôi bị vất nằm bỏ mặc trên đường ở Timba, mình mẩy ê nhức. Một phụ nữ bước đến hỏi, “Chuyện gì xảy ra vậy?”… “Bị bắt cóc,” tôi gắng gượng nói. Hai chúng tôi ôm nhau khóc giữa hè phố; tôi chỉ nghĩ đến Teo. Trời ơi, làm sao tôi giải thích cho con biết các vết đánh bầm tím này? Làm sao tôi có thể bảo con rằng con đang sống trong một nước nơi chuyện này lại có thể xảy ra, làm sao tôi sẽ nhìn thẳng vào mắt con mà nói rằng mẹ của con, vì viết blog và bày tỏ ý kiến trên mạng, đã bị người ta đánh giữa đường như vậy. Làm sao tả được những bộ mặt tàn bạo của những kẻ đã cưỡng ép chúng tôi lên xe, niềm vui thấy rõ của họ khi đánh chúng tôi, việc họ vén váy tôi lên khi họ kéo tôi gần như trần truồng lên xe.

Tuy nhiên, tôi cũng thấy được mức độ hoảng sợ của những kẻ đánh người này, sợ hãi về những điều mới, về những gì họ không thể hủy diệt được bởi lẽ họ không hiểu, sự khiếp sợ ồn ào của kẻ biết rằng ngày tàn của mình đang gần kề.

Nguồn: www.desdecuba.com/generationy (Bài đăng ngày 7.11.2009)

Bản tiếng Việt © 2009 Trần Quốc Việt

Bản tiếng Việt © 2009 talawas blog

11.11.09

DAVID LUHNOW- VỤ HÀNH HUNG LÀM CHẤN ĐỘNG GIỚI VIẾT BLOG CUBA

Trần Quốc Việt dịch

Lời toà soạn: Khắp nơi trên thế giới, các blogger đang dần thay thế vai trò của truyền thông chính thống, đặc biệt là tại những nước độc tài hay toàn trị. Để ngăn chặn ảnh hưởng ngày một gia tăng của các bàn phím độc lập này, nhà cầm quyền không ngần ngại áp dụng đủ mọi biện pháp sách nhiễu, đe dọa và trấn áp, kể cả việc sử dụng côn đồ, ví dụ vụ blogger Cuba Yoani Sánchez và đồng nghiệp của cô là Orlando Luis Pardo Lazo bị hành hung hồi đầu tháng 11 vừa rồi. Yoani Sánchez sinh năm 1975, hiện sống tại Havana. Tốt nghiệp khoa ngữ văn, chuyên ngành văn chương Mỹ Latin đương đại, Sánchez bắt đầu nghiệp viết báo mạng và blog vào năm 2004. Mới đây, cô gửi 7 câu hỏi tới Tổng thống Mỹ Obama và 7 câu hỏi tới Chủ tịch Cuba Raúl Castro. Và cô đã nhận được thư trả lời của Obama.

talawas xin giới thiệu với bạn đọc chùm bài về vụ Yoani Sánchez bị hành
hung.

Trần Quốc Việt dịch

Vào thứ Sáu vừa qua, Yoani Sánchez, cây viết blog bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất của Cuba, đang đi bộ trên một đường phố ở Havana cùng với hai blogger khác và một người bạn, thì hai người đàn ông chị khẳng định là công an Cuba mặc thường phục buộc chị vào một chiếc xe hơi đen bề ngoài trông bình thường. Họ đánh đập chị và bảo chị chấm dứt việc chỉ trích chính quyền.

Cuộc hành hung này, được xem như là vụ đầu tiên chống lại phong trào viết blog ngày càng phát triển trên đảo quốc, đã phơi bày hồ sơ đàn áp của chế độ, và qua đó nêu bật lên rằng chẳng có mấy thay đổi về các quyền tự do về chính trị trong suốt ba năm qua kể từ lúc ông Raúl Castro lên nắm quyền chủ tịch nước thay thế nhà độc tài Fidel Castro về nghỉ.

Theo bản báo cáo của Hiệp hội Báo chí liên Mỹ, một tổ chức bảo vệ tự do báo chí, sự sút giảm doanh thu từ du lịch vì cơn suy thoái kinh tế toàn cầu và thiệt hại từ các trận bão năm ngoái khiến chính quyền nước này kiểm soát thậm chí càng chặt chẽ hơn phong trào bất đồng chính kiến và quyền tự do ngôn luận. Tổ chức này cũng cho biết Cuba hiện bỏ tù 26 nhà báo, và đã nêu ra 102 vụ chống lại các nhà báo trong năm vừa qua, bao gồm từ các vụ hành hung, bắt giam tuỳ tiện đến đe dọa tính mạng.

Bộ ngoại giao Mỹ vào hôm thứ Hai đã lên án vụ hành hung trên, đồng thời kêu gọi Cuba tôn trọng quyền công dân. Khi được hỏi ý kiến, chính quyền Cuba từ chối bình luận về vụ này.

Cách đây gần ba năm, khi ông Raúl Castro lên nắm quyền thay người anh bệnh hoạn Fidel, nhiều người Cuba hy vọng ông ta sẽ nới lỏng hơn về kinh tế và chính trị.

Theo lời ông Philip Peters, một nhà phân tích ở Viện Lexington, một think tank về thị trường tự do tại Washington, cho đến nay, chính quyền đã đi những bước táo bạo trong nông nghiệp, cấp 80 ngàn phần đất cho nông dân cá thể thuê trong một cố gắng giảm sự thiếu hụt lương thực kinh niên.

Nhưng các nhà phân tích cho rằng những thay đổi này đã không đi xa hơn thế, đặc biệt về tự do tư tưởng. Các phương tiện thông tin đại chúng của nhà nước vẫn bị kiểm soát chặt chẽ như trước.

Chính quyền, cho đến lúc này, vẫn chấp nhận cho phong trào viết blog ngày càng phát triển, chủ yếu vì sự tiếp cận internet vẫn còn bị hạn chế trên đảo quốc Cuba. Nhưng cuộc hành hung blogger Sánchez có thể báo trước rằng sự chấp nhận này sẽ tàn lụi.

“Tôi không nghĩ họ đánh vào cá nhân Yoani Sánchez, mà đúng hơn là đánh vào hiện tượng bùng nổ của các cây viết blog, một hiện tượng về các ý kiến khác nhau đang diễn ra tại Cuba,” chị Sánchez phát biểu trong cuộc phỏng vấn của blog Medaite.

Nhưng theo chị, mưu toan đó đã thất bại. “Họ vẫn chưa hiểu tiềm năng của thế giới mạng, và các biện pháp trấn áp ấy chẳng làm được gì cả ngoại trừ tăng số lượng người vào xem blog của tôi,” chị cho biết.

Chân dung sâu sắc cuộc sống hàng ngày ở Cuba qua sự khắc họa của chị Sánchez, năm nay 34 tuổi, dù mang đến bao phiền toái, tủi nhục và đau khổ cho chị, song vẫn chứng tỏ đó là những lời chỉ trích chế độ Castro còn hiệu quả hơn rất nhiều các hô hào suông ồn ào và khoác lác của cộng đồng Cuba lưu vong ở Miami.

Vào đầu năm nay, chị đoạt được một giải báo chí hàng đầu của Đại học Columbia, nhưng chính quyền Cuba cấm chị sang New York để nhận giải.

Vụ hành hung này không làm chị Sánchez khiếp sợ. Mấy ngày sau đó, chị vẫn tiếp tục viết blog. Sau khi bị tống ra khỏi xe cùng với một cây viết blog khác, chị lo lắng cho con trai của mình.

“Trong lúc chúng tôi ôm nhau khóc, tôi chỉ nghĩ đến Teo. Chúa ơi, làm sao tôi giải thích cho cháu biết các vết đánh bầm tím này? Làm sao tôi có thể bảo cháu rằng cháu đang sống trong một nước đã để chuyện này xảy ra?” chị viết.

Nguồn: Wall Street Journal ngày 11 tháng 11 năm 2009 (http://online.wsj.com/article/SB125790719186842977.html)

Bản tiếng Việt © 2009 Trần Quốc Việt

Bản tiếng Việt © 2009 talawas blog

2.11.09

Marcus Walker – Dân chủ tiến đến đâu sau khi bức tường sụp đổ

Trần Quốc Việt dịch

Đối với nhiều người quan sát, sự sụp đổ bức tường Berlin vào ngày 9 tháng 11 năm 1989 là biểu tượng cho sự chiến thắng của nền dân chủ cấp tiến và của thị trường tự do trước đối thủ ý thức hệ nặng ký cuối cùng của mình.

Sau hai thập niên và cuộc khủng hoảng tài chính gần đây hơn, bắt đầu có sự tranh luận rằng liệu sự đánh giá trên phải chăng là quá sớm.

Một số nhà tư tưởng Phương Tây giờ cho rằng dân chủ đang trong giai đoạn cạnh tranh mới về hình thức chính quyền nào có thể mang lại tốt hơn sự thịnh vượng, an sinh và sức mạnh dân tộc với các chế độ chuyên quyền đang mạnh lên bất ngờ.

Những người chỉ trích quan điểm đó khẳng định rằng dân chủ đã phục vụ tốt hơn rất nhiều nhu cầu của nhân dân và nâng cao đáng kể mức sống ở khắp phần lớn vùng trung và đông Âu. Họ cũng nói thêm rằng ta cần phải chờ xem về lâu dài các nhà độc tài ở bất kỳ nơi đâu có đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân hay không.

Vào mùa hè năm 1989, nhà kinh tế chính trị Mỹ Francis Fukuyama đã tiên đoán sự “Sự cáo chung của lịch sử” trong một bài viết quan trọng, trong đó nêu lên ý rằng không còn mô hình khả tín nào tồn tại nổi trước nền tự do về kinh tế và chính trị như Mỹ và Tây Âu đang áp dụng. Mục tiêu còn lại đối với các nước khác, theo ông, là hãy ráng đuổi kịp họ.

Ngày nay, lịch sử đang quay lại, theo các tác giả chẳng hạn như nhà viết sử quân đội Do Thái Azar Gat. Trong cuốn sách mới của mình, Chiến thắng song dễ tổn thương, ông nhận xét rằng mặc dù dân chủ là thể chế hiền hòa nhất trong lịch sử, chính lại một lần nữa, dân chủ nhất định phải chứng tỏ sự ưu việt của mình khi đối mặt với đối thủ ý thức hệ mới nhất của nó: chủ nghĩa tư bản chuyên quyền, đang được các cường quốc đầy tự tin như Trung Quốc và Nga theo đuổi.

Hồi tưởng lại, năm 1989 đã dẫn đến sự chấp nhận chủ nghĩa tư bản gần như ở khắp mọi nơi, nhưng ta không thể nói như vậy về dân chủ.

Thật vậy, qua sự chuyển đổi từ kinh tế cộng sản sang chủ nghĩa tư bản, tuy rằng một hình thức chủ nghĩa tư bản đặt dưới sự kiểm soát của nhà nước mà Adam Smith chắc sẽ không thừa nhận, Trung Quốc và Nga đã chọn “một hình thái chủ nghĩa chuyên quyền có hiệu quả hơn rất nhiều” hơn hẳn con đường mòn họ đã đi qua trong thời Chiến tranh Lạnh, giáo sư Gat nói.

Những nhà khoa học về chính trị khác cho rằng còn quá sớm để xác định liệu hai cường quốc trên có thật sự đại diện cho con đường phát triển phi truyền thống so với Phương Tây.

Theo Niall Ferguson, một sử gia về kinh tế ở Khoa Thương mại Harvard, “Hoàn toàn không có gì chắc chắn rằng Trung Quốc có thể duy trì cấu trúc quyền lực hiện nay.”

Hơn nữa, tuy nước Nga ngày nay có thể ngày càng trở nên khẳng định hơn, nhưng so với Liên Xô trước đây, nó vẫn còn là một cường quốc khá yếu; trong khi đó, hai nền kinh tế đang phát triển chính, Ấn Độ và Brazil, đang ở về phe dân chủ, giáo sư Ferguson chỉ ra.

Một phần sức mạnh gần đây của các nhà cai trị chuyên quyền ở Nga, Iran và Venezuela là nhờ vào giá dầu tăng cao, Tom Carothers, người đứng đầu dự án nghiên cứu về đân chủ ở tổ chức Carnegie Endowment for International Peace nhận xét. “Nhưng khi giá hàng hóa hạ, họ cũng khốn đốn theo,” ông nói.

Dân chủ cấp tiến vẫn còn là thể chế thích hợp nhất nhằm bảo vệ quyền của cá nhân, ông Carothers khẳng định: “Người dân chẳng ai muốn mình bị chính quyền xử tệ cả.”

Tuy nhiên, ông Carothers nói, “Người dân cũng muốn chính quyền lo cho dân và làm cho dân cảm thấy an tâm.” Ông nói thêm là những người lãnh đạo ở một số nước có thể lợi dụng lòng mong muốn đó của người dân để đặt ưu tiên vấn đề trật tự và phát triển kinh tế lên trước quyền của cá nhân và tự do.

Ngày nay, 46% tất cả các nước có nền dân chủ đã phát triển hoàn toàn, theo Freedom House, một think tank độc lập có trụ sở tại Washington và thường nhận phần lớn nguồn tài trợ từ chính phủ Mỹ.

Số lượng trên đã tăng lên từ 36% vào năm 1989. Phần nhiều sự tiến bộ theo chiều hướng dân chủ này đã diễn ra ở các nước vệ tinh cũ của Xô Viết tại trung Âu như Ba Lan, nơi đã đạt được sự tiến bộ kinh tế ngoạn mục dưới thể chế dân chủ.

Nhưng sự lan truyền dân chủ đã bị chựng lại trong những năm vừa qua, theo ông Chris Walker, giám đốc nghiên cứu ở Freedom House. Cũng theo Freedom House, tỷ lệ 46% các nước theo thể chế dân chủ cấp tiến trên thế giới hôm nay vẫn dừng lại chính xác ở mức vào năm 1999.

Mặc dù các nước như Serbia, Croatia và Slovakia đã trở nên dân chủ hơn trong những năm gần đây, nước Nga của Vladimir Putin và đa số các nước láng giềng từ thời Liên Xô cũ đã trượt trở lại chủ nghĩa chuyên quyền, ông Walker nhận xét.

Ngày nay, ngay cả giáo sư Fukuyama cũng dè dặt hơn nhiều so với hồi năm 1989 về lịch sử sẽ cáo chung như thế nào. Thành công bất ngờ của Trung Quốc trong phát triển kinh tế tư bản trong khi vẫn duy trì chế độ cai trị độc đảng là thách thức lớn nhất đối với khái niệm cho rằng chế độ chuyên quyền tất yếu sẽ tiêu vong, giáo sư Fukuyama nhận xét.

“Họ đã làm chủ được sự phát triển kinh tế trong hoàn cảnh chuyên quyền, và ta có thể khẳng định họ đã làm được điều đó nhanh hơn bởi vì họ là những kẻ chuyên quyền,” ông nói.

Sự hấp dẫn của Trung Quốc như là một con đường khác ngoài con đường theo kiểu Tây Phương đang mở rộng đến những nơi như Nam Phi, là nơi đã được dân chủ hoá sau Chiến tranh Lạnh, nhưng giờ đây xem Bắc Kinh như là tấm gương để noi theo.

Bộ trưởng Lao động Nam Phi Membathisi Mdladlana tuyên bố trong cuộc viếng thăm Bắc Kinh vào năm 2007 rằng “Rõ ràng có điều gì đó đúng qua những gì Trung Quốc đang làm, và Nam Phi có rất nhiều điều để học hỏi từ việc chia sẻ kinh nghiệm với họ.”

Trung Quốc lẫn Nga đều không tích cực truyền bá hệ thống chính quyền của họ như cách Mỹ vẫn làm. Nhưng sự phát triển gần đây của Trung Quốc đặc biệt đang nuôi dưỡng một niềm tin ở nhiều nơi trên thế giới rằng dân chủ không cần thiết, thậm chí càng chẳng có lợi cho sự thịnh vượng, một số nhà phân tích nói.

“Có hàng trăm triệu người, đặc biệt ở Châu Á, tin rằng dân chủ thường có nghĩa là nhiều tranh cãi vặt, nhiều sự do dự và kém hiệu quả về kinh tế, và rằng dân chủ đòi hỏi sự thiệt thòi (tradeoff) đối với sụ phồn thịnh mà họ không sẵn sàng chịu,” ông Jonathan Eyal, giám đốc nghiên cứu ở viện nghiên cứu Royal United Services, một think tank độc lập chuyên về ngoại vụ ở London, phát biểu.

Ông Eyal cho rằng phản ứng quyết liệt nhằm chống lại dân chủ theo kiểu Tây Phương bắt đầu ngay trong lúc những cuộc cách mạng dân chủ trong năm 1989 vẫn còn đang diễn ra – trước hết là do cách Bắc Kinh phản ứng trước các biến động của năm đó.

Những người cộng sản cai trị tại Trung Quốc, trước đấy đã đàn áp đẫm máu các cuộc biểu tình trên đường phố quanh quảng trường Thiên An Môn vào tháng Sáu năm 1989, giờ sững sờ bàng hoàng trước các cuộc cách mạng đang tràn qua Đông Âu vào mùa hè và mùa thu năm đó. Phản ứng đầu tiên của họ là ngừng lại ngay mọi thay đổi về chính trị và kinh tế. Nhưng “nhà lãnh đạo tối cao” Đặng Tiểu Bình lại có quan điểm cho rằng khối Xô Viết thất bại là do sự trì trệ về kinh tế.

Vào đầu năm 1992, chỉ mấy tuần sau khi Liên Xô giải thể, ông Đặng đã đi tham quan một vòng phía nam Trung Quốc để đẩy mạnh chiến lược thay đổi kinh tế nhanh chóng, đồng thời tăng cường sự kiểm soát về chính trị.

“Đường lối của ông Đặng rất mới mẻ,” sử gia hàng đầu về Trung Quốc ông Michael Yahuda nói. “Trong thời kỳ cải cách trước, từ năm 1979 đến năm 1989, cũng đã có nhiều thảo luận về cải cách chính trị. Sau thời điểm đó không còn nhắc đến sự thay đổi về chính trị nữa,” ông cho biết.

Vào năm 1989, những người theo dõi tình hình Trung Quốc không ai tin trong 20 năm tới đảng cộng sản vẫn có thể còn độc quyền về quyền lực, giáo sư Yahuda nói.

Giáo sư Fukuyama cho rằng cuối cùng dân chủ vẫn còn có cơ may thắng thế tại Trung Quốc. “Nếu thu nhập của người Trung Quốc tăng gấp đôi trong vòng từ 10 đến 15 năm tới, như vậy đặt họ cùng với mức thu nhập của người Nam Hàn và người Đài Loan vào lúc thời điểm quá độ về dân chủ ở hai nước này, phải chăng đến lúc đó sẽ có áp lực (hợp lòng dân) đòi dân chủ hóa?” ông hy vọng được như thế.

Nam Hàn và Đài Loan là những bằng chứng nổi tiếng cho lập luận rằng sự thịnh vượng rồi cuối cùng sẽ mở ra dân chủ. Cách đây khoảng 20 năm, cả hai chế độ vốn chuyên quyền này đã nhường chỗ cho nền dân chủ cấp tiến, diễn ra cùng lúc với sự tiến bộ về kinh tế. Điều này dường như khẳng định lý thuyết của Tây Phương cho rằng chủ nghĩa tư bản tạo ra một giai cấp trung lưu giàu có mà đòi hỏi có sự đại diện để đổi lại tiền đóng thuế.

Giáo sư Gat cho rằng Nam Hàn và Đài Loan không phải là người dẫn đường tốt cho tương lai Trung Quốc. Ông nói: “Họ hồi đó là hai nước nhỏ nằm trong quỹ đạo Mỹ trong thời Chiến tranh Lạnh và đã chịu rất nhiều ảnh hưởng Mỹ.”

Trong khi đó, việc Singapore kiên trì theo đuổi chế độ gia trưởng nghiêm ngặt chứng tỏ rằng có hơn một con đường phát triển kinh tế ngay cả ở mức độ cao, ông nói.

Trước sự sụp đổ của khối Xô Viết, Ấn Độ đáp lại bằng cách từ bỏ nền kinh tế xã hội chủ nghĩa của nó vào năm 1991 để ủng hộ cải cách theo định hướng thị trường, trong khi vẫn duy trì nền dân chủ còn đầy khó khăn của mình. Sự hấp dẫn của dân chủ bên ngoài Phương Tây có thể trông chờ vào việc Ấn Độ thực hiện dân chủ như thế nào, giáo sư Yahuda nhận xét: “Đây là một sự chọn lựa khác cho thế giới đang phát triển.”

Nguồn: Wall Street Journal ngày 29 tháng 10 năm 2009.

Bản tiếng Việt © Trần Quốc Việt 2009

Bản tiếng Việt © talawas blog 2009

20.10.09

CHẤT ĐỘC DA CAM Ở VIỆT NAM: LÀM NGƠ TỘI ÁC TRƯỚC MẮT

Dave Lindorff

Trần Quốc Việt dịch



Vào ngày 13 tháng Mười, tờ New York Times đăng một tin nhan đề “Cánh cửa đã mở cho các phúc lợi y tế liên quan đến chất độc da cam“, tin này chắc chắn là tốt đối với các cựu binh Mỹ từng tham dự cuộc chiến tranh Đông Dương. Bài báo này tường thuật rằng mãi đến 38 năm sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ ngừng rải chất khai quang diệt cỏ có pha chất dioxin cực độc trên nhiều vùng ở miền Nam Việt Nam, Bộ mới thừa nhận những gì các cựu binh Mỹ đã tuyên bố từ lâu: thêm vào 13 căn bệnh đã được xác định trước đây là do bị nhiễm chất hoá học này gây ra, Bộ cũng chịu trách nhiệm thêm ba bệnh nữa đáng sợ hơn, đó là bệnh Parkinson, bệnh tim do thiếu máu (ischemic heart disease), và bệnh bạch cầu tế bào đa mao (hairy- cell leukemia).

Theo một chính sách mới đã được Bộ Cựu Chiến binh Mỹ chấp nhận, mà qua đó, Bộ này sẽ bắt đầu từ bây giờ cung cấp sự giúp đỡ y tế miễn phí cho bất kỳ ai, nằm trong số 2.1 triệu cựu binh Mỹ đã tham chiến tại Việt Nam, nếu họ có thể chứng minh rằng họ có thể đã bị bệnh do nhiễm chất độc da cam.

Đây là một bước tiến muộn màng nữa trong cuộc tranh đấu kéo dài hàng chục năm của các cựu binh Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam để buộc Bộ Quốc phòng và Bộ Cựu Chiến binh phải thừa nhận trách nhiệm của chính phủ Mỹ vì đã làm họ bị nhiễm độc và từ đó gây ra những tổn thuơng vĩnh viễn cho bản thân họ và thường là cho con cháu của họ. Là một trong các loại chất cực độc mà con người từng biết đến, dioxin là chất được biết đã gây ra nhiều bệnh ảnh hưởng đến toàn cơ thể (systemic disease) khá nguy hiểm, bệnh rối loạn miễn dịch (autoimmune illnesses), ung thư và khuyết tật bẩm sinh. (Đây cũng là lời cảnh báo về cách giải quyết nói chung của Chính phủ và Bộ Quốc phòng về các mối hiểm nguy khác sinh ra từ việc họ sử dụng các chất độc trên chiến trường – đáng kể nhất là việc sử dụng ngày càng phổ biến về các vật phóng (projectiles) có chất depleted uranium trong bom, trong đạn đại bác và đạn thường – một cách giải quyết bộc lộ rõ ràng sự thiếu quan tâm đến các ảnh hưởng về sức khỏe đối với lính và dân thường, không cung cấp thông tin cho lính, và từ chối cung cấp sự giúp đỡ về y tế cho những nạn nhân sau cùng.)

Tuy bài báo trên của phóng viên James Dao, người chuyên viết về các vấn đề quân đội, có nhắc đến vai trò trì hoãn mà Chính phủ đã đóng trong suốt câu chuyện trường thiên đáng tiếc này nhưng chẳng có, dù chỉ một lời nào, nhắc đến số nạn nhân còn lớn hơn rất nhiều của chất độc da cam tại Việt Nam, những con người đã hứng trọn trên đầu và trên đất của họ chất hoá học độc hại đã thật sự rải xuống trong thời chiến này, hay cũng chẳng nhắc đến việc Chính phủ cương quyết từ chối nhận bất kỳ trách nhiệm nào cho những hậu quả do chính mình gây ra.

Theo bài báo trên, Bộ Cựu Chiến binh ước tính rằng có đến 200 ngàn cựu binh Mỹ đang bị những bệnh có liên quan đến chất độc da cam. Nhưng theo một vụ kiện thay mặt cho những nạn nhân người Việt, đã bị một chánh án liên bang bác đơn khi ông phán quyết rằng “vụ kiện không có cơ sở”, thì có ít nhất ba triệu người Việt, và có thể có đến 4.8 triệu người cũng đang bị cùng những bệnh giống như các bệnh mà các cựu binh Mỹ và con cái họ đang mắc phải. Người ta ước tính rằng có đến 800 ngàn người Việt ở miền Nam Việt Nam hiện đang gánh chịu những vấn đề về sức khỏe kinh niên gây ra do bị nhiễm chất độc da cam, hoặc do bản thân bị nhiễm hay do cha mẹ hoặc ông bà truyền qua. Đa phần những nạn nhân này, người thì bị chậm phát triển, kẻ thì không đi lại được hay cả hai tay đều bị tàn phế, đều cần được săn sóc thường xuyên.

Tổ chức Veterans For Peace, với một số lớn hội viên là cựu binh thời chiến tranh Việt Nam, đã phát ra lời kêu gọi Mỹ hãy cung cấp tài chính cho các chương trình y tế, giáo dục, giáo dục hướng nghiệp, săn sóc lâu dài, săn sóc tại nhà, và thiết bị dùng để dọn sạch các điểm nóng về dioxin tại Việt Nam -lời kêu gọi mà Quốc hội và tòa Bạch Ốc thường xuyên bỏ qua. Các cuộc xét nghiệm bên ngoài vành đai ba căn cứ Mỹ chính trước đây ở miền Nam Việt Nam đã phát hiện mức độ dioxin cao từ 300 đến 400 lần mức độ an toàn cho phép. Mỹ đã trút xuống những số lượng rất lớn chất độc da cam trải dài đến mấy dặm bao quanh các căn cứ này nhằm khai quang sạch rừng rậm mà các binh lính cộng sản người Việt có thể lợi dụng để tiếp cận các căn cứ, nhưng khi Mỹ rút đi thì những nơi bị rải thuốc này không bao giờ được dọn sạch.

Một tổ chức khác, gồm một số cựu binh Mỹ, trong số họ có người từng là bác sĩ quân y hay là từng là lính trước khi trở thành bác sĩ, là Hội Vietnam Friendship Village Project USA Inc, hiện quyên góp tiền để giúp lập ra những cộng đồng ở Việt Nam để săn sóc cho nạn nhân chất độc da cam.

Tưởng chừng như là môt vết đâm đau đớn vào nguyên tắc chuẩn mực thời chiến khi ta nghĩ đến việc Mỹ dùng hai quả bom nguyên tử vào các mục tiêu dân sự ở Nhật một vài năm sau đó, nhưng trước đó trong Thế chiến thứ Hai, ngay giữa cuộc chiến tàn bạo nhất để giành từng hòn đảo trong cuộc chiến Thái Bình Dương, một cố vấn về pháp lý trong Bộ Quốc phòng Mỹ đã phán quyết rằng yêu cầu của quân đội xin phép được sử dụng thuốc diệt cỏ dại nhằm chống lại người Nhật trên các đảo Thái Bình Dương sẽ bị xem là bất hợp pháp, chiếu theo Công ước Hague (tiền thân của Công ước Geneva ngày nay). Ông phán quyết rằng hành động cố gắng hủy diệt những vụ mùa của dân thường trên các đảo này nhằm cắt đứt nguồn lương thực của quân Nhật sẽ bị coi như là tội ác chống lại nhân loại. Nhưng Mỹ vẫn xúc tiến việc sử dụng thuốc diệt cỏ dại, lập luận rằng cho dù việc làm này là bất hợp pháp, Mỹ vẫn có quyền tự do hành động vì người Nhật đã vi phạm luật chiến tranh trước, khi họ dùng chất độc Strychnine để giết các đội chó bảo vệ trong quân đội tại Siberia. Theo các luật lệ trong chiến tranh, nếu một bên phá luật, bên kia không còn bị luật ràng buộc nữa.

Nhưng Việt Cộng và quân đội Bắc Việt đã không bao giờ sử dụng các chất độc để chống lại quân đội Mỹ hay chống lại quân đội Cộng hòa miền Nam. Và trong chiến tranh Việt Nam, Bộ Quốc phòng Mỹ thậm chí không bao giờ xem xét rằng việc phun thuốc diệt cỏ dại rất độc trên diện tích hơn 1.4 héc ta, 12% tổng diện tích đất của Việt Nam và gần như 25% diện tích đất của miền Nam Việt Nam, có thể xem là tội ác chống lại nhân loại.

Hơn nữa, trước khi bắt đầu chiến dịch khai quang rộng lớn trên, Bộ Quốc phòng Mỹ đã biết về các cuộc nghiên cứu xác định rằng chất độc da cam có pha nhiều chất dioxin rất độc, song vẫn giấu kín các nghiên cứu này, trong đó có các nghiên cứu của các công ty hoá chất như Dow Chemical và Monsanto, và thậm chí không bao giờ báo cho những người lính vốn tiếp xúc hàng ngày với chất này để đề phòng, hay báo cho những người lính được phái đến để đánh nhau trong các vùng đã bị rải đầy thuốc.

Thảm họa y khoa đang diễn ra tại Việt Nam ngày nay, gây ra do Mỹ sử dụng bất hợp pháp chất độc da cam nhằm khai quang cả một quốc gia, có thể là một dịp tốt cho Tổng thống Obama bắt đầu chứng tỏ giá trị Giải Nobel Hòa bình mà ông mới được trao tặng. Ông có thể bắt đầu chiến dịch hoà bình của mình bằng cách cuối cùng tôn trọng lời hứa, mà đã bị bội hứa ngay lập tức, của Tổng thống Richard Nixon, lúc kết thúc các cuộc hoà đàm vào cuối cuộc chiến, để giúp viện trợ hàng tỷ đô la tái thiết cho Việt Nam. Không có một đô la viện trợ nào như đã hứa được trao.

Phóng viên Dao cho biết ông đã không đề cập đến ý nghĩa đối với các nạn nhân dioxin người Việt Nam khi đưa tin về quyết định của Bộ Cựu Chiến binh thừa nhận thêm ba căn bệnh mới có liên quan đến chất độc da cam, bởi vì “tôi chỉ chuyên viết bài về tin cựu binh Mỹ”, và vì ông chỉ đưọc viết bản tin trong 800 từ. Điều này có thể đúng (mặc dù rõ ràng người Việt Nam ít ra cũng được đáng nhắc đến trong bài, dù chỉ một câu). Nhưng trước đó vào ngày 25 tháng Bảy, cũng tờ New York Times khi đăng bài (do Janie Lorber viết, chứ không phải do Dao) về sự khám phá của một ban chuyên gia thuộc viện y khoa quốc gia về mối liên hệ giữa bệnh Parkinson, bệnh tim do thiếu máu (ischemic heart disease), và bệnh bạch cầu với chất độc da cam, cũng không nhắc đến các nạn nhân người Việt. Trong trường hợp này, về mặt báo chí, sự vô tâm này khó mà tha thứ được, vì đây là bài viết về khám phá mới trong y khoa, chứ không phải bài về quyết định chính sách liên quan đến phúc lợi y tế dành cho các cựu binh Mỹ.

Ngay từ bây giờ, cách duy nhất để tờ New York Times có thể vớt vát một chút danh tiếng báo chí của mình về chủ đề này là yêu cầu các phóng viên Dao, Lorbe, và các phóng viên khác viết một bài về tác động chất độc da cam do Mỹ sử dụng đối với nhân dân Việt Nam. Họ có thể bắt đầu bằng việc gọi điện đến một cựu binh Mỹ ở các Hội Veterans For Peace hay Vietnam Friendship Village Project USA.

Nguồn: Dave Lindorff, “Agent Orange in Vietnam: Ignoring the crimes before our eyes”, The Huffington Post, 17/10/2009. Tác giả đã chấp thuận cho người dịch dịch sang tiếng Việt và có giúp người dịch hiểu rõ một câu trong bài. Chân thành cảm ơn tác giả.

Bản tiếng Việt © 2009 Trần Quốc Việt

Bản tiếng Việt © 2009 talawas blog

7.10.09

LƯƠNG TÂM VÀ TÔN GIÁO

Trần Quốc Việt


Qua các vụ trấn áp tôn giáo gần đây, đặc biệt qua sự hành xử của chế độ trong vụ Bát Nhã, niềm hy vọng về một sự thức tỉnh lương tâm trong tầng lớp cầm quyền của chế độ đã thành ảo vọng. Chế độ tự nó không có lương tâm, nhưng chế độ là tập hợp những cá nhân cụ thể ít nhiều đều có lương tâm hẳn hoi. Song đứng trước một cỗ máy cai trị sẵn sàng nghiền nát tất cả những gì nó xem là vật cản trong hiện tại và tương lai, lương tâm của nhiều cá nhân tự động chùn lại và khép mình trong tiếng thở dài cam phận hay lẩn khuất dưới bóng của mái ấm gia đình hay danh vọng.

Chế độ toàn trị sống được là nhờ bạo lực và dối trá. Hai cái này hợp lại và, qua thời gian, đã bào mòn dần các lớp men lương tâm tích lũy từ thời sơ khai của tiến hóa. Cho nên ở Việt Nam có cảnh một em bé bị chủ của quán phở hành hạ dã man bao năm trời mà không ai lên tiếng. Cảnh đám người hiếu kỳ dửng dưng nhìn người bị đụng xe nằm trên đường phố. Cảnh đám đông bị lùa vào các quán cơm tù ngay khi các xe khách ghé vào. Cảnh đánh ghen mà nạn nhân bị lột trần truồng, bị xúc phạm thân thể trước hàng trăm cặp mắt thờ ơ bên lề. Cảnh bao thiếu nữ lui tới các nơi phá thai công khai như đi chợ. Cuộc sống nhân phẩm đã bị hủy diệt từ rất lâu ở mức độ cá nhân trong thời gian quá dài so với đời người, cho nên các sự kiện đàn áp tôn giáo vừa qua là giọt nước cuối cùng làm tràn cái ly vô lương tâm của chế độ khi nó dùng bạo lực trấn áp giới tu sĩ và những người thực hành tôn giáo. Biến cố Bát Nhã là đỉnh cao của bạo lực vì làm tổn thương đến nền văn minh tâm linh và đạo lý của con người. Quyền lực xui khiến những kẻ bên trên cam tâm đi ngược lại hướng tiến hoá của lương tâm con người, còn sự sợ hãi làm đa số ở phía dưới câm lặng và nhẫn nhục trước bao cảnh bất công cá nhân trong đời thường, rồi tiếp tục ngoảnh mặt trước những cảnh bất công lớn hơn ngoài xã hội, rồi dần biến thành một đám đông thầm lặng cùng khiếm khuyết một phần lương tâm bình thường, như lương tâm bình thường của người dân trong các nước theo thể chế dân chủ và tự do.

Nền tảng của tôn giáo là sự yêu thương, đối nghịch với sự bạo lực chính trị nhân danh ý thức hệ. Nhưng ý thức hệ nào chăng nữa cũng chỉ là phần thế tục tạm bợ, còn tôn giáo là lĩnh vực thiêng liêng trường cửu như lòng yêu nước tiềm tàng trong mỗi dân tộc. Theo nhà văn người Anh George Orwell, Marx nhìn tôn giáo với ánh mắt trân trọng và nhân ái, khác hẳn với những tín đồ của bạo lực mượn tên ông làm điều Ác. Tác giả của Trại súc vật viết như sau:

“Chính những kẻ hủy diệt nền văn minh của chúng ta đôi lúc cũng ý thức về điều này. Câu nói nổi tiếng của Marx, ‘tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân’, thường bị cắt ra khỏi ngữ cảnh của nó rồi bị gán một ý nghĩa khác một cách tinh tế nhưng vẫn rất khác ý nghĩa ông muốn nói đến. Marx, dù sao trong đoạn văn ấy, đã không nói rằng tôn giáo đơn thuần là một liều thuốc phiện do bên trên ban xuống; ông nói rằng tôn giáo là cái gì đó do nhân dân tạo ra cho mình để cung cấp một nhu cầu mà ông thừa nhận là có thực. ‘Tôn giáo là tiếng thở dài của linh hồn trong một thế giới không có linh hồn. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân.’ Phải chăng điều ông muốn nói đơn thuần rằng con người không sống chỉ nhờ vào bánh mì, rằng sự hận thù là không đủ, rằng một thế giới đáng sống không thể dựa trên nền tảng của ‘chủ nghĩa hiện thực’ và súng máy? Giá mà ông thấy trước được ảnh hưởng trí thức của ông sẽ lớn lao như thế, có lẽ ông sẽ lặp lại lời của mình thường xuyên hơn và vang vọng hơn.”[1]

Tôi đọc ở đâu đó rằng trước khi nhắm mắt, Marx xin gặp một linh mục và nói rằng “Tôi không phải là một người mác-xít”.

Người ta nhìn thấy biểu tượng của thế giới không có linh hồn ấy qua bức hình Mao nhìn xuống cuộc duyệt binh ở Quảng trường Thiên An Môn vừa qua. Sáu mươi năm cái Ác ngự trị được kỷ niệm bằng cuộc phô trương trơ trẽn công cụ của bạo lực – súng ống và binh lính – ở một nơi mà mùi máu oan khuất của bao thanh niên Trung Quốc dường như vẫn còn phảng phất đâu đây, cho dù bao dấu vết của cuộc thảm sát trong đêm ấy đã được chùi rửa sạch bóng từ hai mươi năm về trước.

Trái ngược hoàn toàn với Mao, Đức Dalai Lama là biểu tượng của thương yêu và là niềm hy vọng vào vẻ đẹp vĩnh cửu của lòng nhân ái trong một thế giới vẫn còn cái Ác. Ông thường kể câu chuyện rằng các nhà sư Tây Tạng, sau khi đào thoát đến Ấn Độ, đã đến gặp ông, tâm sự rằng điều họ sợ nhất khi đang ở trong tù là họ sợ một ngày nào đó họ không còn thương yêu những kẻ cai tù hành hạ họ nữa. Tín đồ thật sự còn sót lại của Mao ở Trung Quốc không nhiều, nhưng số lượng người mến phục Đức Dalai Lama ngày càng tăng ở nhiều quốc gia. Nếu Mao từng nói: “Chủ nghĩa cộng sản không phải là thương yêu. Chủ nghĩa cộng sản là cái búa chúng ta dùng đẻ đập nát kẻ thù”, thì Đức Dalai Lama nói, “Tôn giáo của tôi rất đơn giản. Tôn giáo của tôi là tình thương.” Vì thế ta không lấy làm lạ khi biết rằng vài tuần trước lúc nhắm mắt, ông Triệu Tử Dương đã ngỏ ý nhờ Đức Dalai Lama cầu siêu cho ông. Ước vọng của nhà lãnh đạo một thời của Trung Quốc, mà số phận gắn liền với sự kiện Thiên An Môn, đã được toại nguyện[2]. Và hôm nay, giá mà tận mắt chứng kiến cảnh các tăng ni đầu xanh tuổi trẻ ở Bát Nhã đứng âm thầm dưới mưa hàng giờ nhìn cái Ác hoành hoành qua những cánh tay bạo lực nối dài của chế độ, những người dân bị kích động, Đức Dalai Lama chắc sẽ xót thương cho những quần chúng xã hội đen này nhiều hơn cả các tăng ni bị nạn như ông từng nhắc nhở người Tây Tạng rằng công an hay cán bộ thi hành lệnh của chế độ “theo luật Nhân Quả, họ sẽ dễ bị đầu thai vào các kiếp đời khốn khổ và hèn mọn, và bổn phận của chúng ta đối với họ, cúng như đối với mọi sinh linh khác, là giúp họ lên được Niết Bàn, thay vì để họ chìm xuống các tầng thấp hơn của sự luân hồi.”[3]

Cách đây hơn hai ngàn năm, Chúa Jesus kêu lên lần cuối khi bị đóng đinh trên cây thập giá: “Cha ơi, hãy tha thứ cho họ; vì họ không biết việc họ làm…” Tiếng kêu bi thương ấy đã hiện lên trong lòng bao tín hữu Thiên chúa ở Tam Toà và Đồng Hới khi thấy các cha và linh mục bị đánh đập, nhà thờ bị xây kín. Tinh thần thương yêu ấy càng đậm nét hơn qua ánh đạo vàng từ bi và qua những giọt nước mắt nhòe trong mưa của bao mái đầu xanh khao khát muốn tìm lại lương tâm cá nhân đích thực mà thế hệ cha anh đã đánh mất trong đêm dài mịt mùng của lịch sử.

© 2009 Trần Quốc Việt

© 2009 talawas blog


--------------------------------------------------------------------------------

[1] George Orwell, My Country Right Or Left 1940-1943, Edited by Sonia Orwell and Ian Augus,Harcourt Brace Jovanovich 1968, trang 18

[2] Time Magazine, ấn bản phát hành tại Mỹ 19/3/2008

[3] My Land and My People, Memoirs of the Dalai Lama of Tibet, Potala
Corporation, 1983 trang 233-234

25.9.09

KHIÊU VŨ VỚI TRỊNH PHƯƠNG

David Feith

Trần Quốc Việt dịch




Trong kỷ nguyên tài chính toàn cầu này, Mỹ và Trung Quốc có nhiều quyền lợi chung về thương mại và nợ nần. Tuy nhiên tính cách cốt lõi của một quốc gia được thể hiện không phải qua hoàn cảnh kinh tế, mà qua sự tôn trọng nhân quyền. Trong lĩnh vực này Mỹ và Trung Quốc ít có điểm gì chung, như câu chuyện bi hùng của Trịnh Phương (Zheng Fang) cho thấy.

Năm 1989 ông Phương là một trong cả trăm ngàn người Trung Quốc tràn ngập Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh để biểu tình đòi quyền dân chủ. Lúc đó ông là đảng viên và là sinh viên trường Đại học Thể thao Bắc Kinh, đồng thời cũng là vận động viên chạy nước rút loại giỏi. Nhưng vì tham gia biểu tình ôn hòa, ông đã trở thành kẻ thù của nhà nước.

Khi chính quyền ra lệnh cho quân đội trấn áp, Giải phóng quân Nhân dân đã sát hại và gây tàn phế cho hàng ngàn sinh viên tay không. Ông Phương là một trong những sinh viên này. Ngày 4 tháng Sáu năm 1989 ông bị xe tăng cán khi cùng với các sinh viên khác cố thoát khỏi quảng trường. Ông sống sót nhưng hai chân bị nghiến nát. Chân trái bị cưa dưới đầu gối, còn chân phải bị cưa ở giữa bắp đùi.

Ngay sau đó, các viên chức Trung Quốc bắt đầu gây áp lực buộc ông Phương phải “thừa nhận” rằng ông bị tàn phế là do một tai nạn giao thông đơn thuần.

Ông từ chối, ngay cả khi chính quyền không cấp bằng đại học cho ông khiến ông khó tìm việc. Thay vì nản lòng, ông quyết tâm phải giỏi trở lại trong thể thao.

Từ một kẻ tàn phế phải ngồi trên xe lăn, ông trở thành vận động viên vô địch về ném đĩa và phóng lao, phá hai kỷ lục châu Á trong cuộc tranh tài thể thao dành cho người khuyết tật toàn Trung Quốc năm 1992. Ông lọt vào cuộc tranh tài thể thao dành cho người khuyết tật Nam Thái Bình Dương và Viễn Đông và chấp nhận điều yêu cầu của chính quyền là ông không được hé lộ với phóng viên về đôi chân của ông.

Nhưng vào trước cuộc tranh tài này, rõ ràng do sợ rằng thế giới phát giác ra nguyên nhân sự tàn phế của ông, các viên chức Trung Quốc đã cấm ông thi đấu. Rồi từ đó ông không bao giờ được mời tham gia vào một cuộc tranh tài thể thao nào nữa.

Trở về tỉnh Hải Nam, ban đầu ông Phương làm việc cho văn phòng địa ốc nhưng rồi phải xoay sang ngồi bán thuốc lá và nước giải khát bên đường. Trong thời gian này ông cũng liên lạc với các cơ quan truyền thông nước ngoài để phát biểu về vụ thảm sát Thiên An Môn và về mưu toan của chính quyền nhằm che đậy vụ tai tiếng này.

Chẳng bao lâu sau ông thường xuyên bị quấy rầy. Người yêu của ông, rõ ràng bị Cục An ninh Trung Quốc gây áp lực, đã bỏ ông. Điện thoại nhà ông bị cắt thường xuyên, đôi lúc bị cắt ngang khi ông đang trả lời phỏng vấn của các cơ quan truyền thông nước ngoài như đài Tiếng nói Hoa Kỳ. Năm 1999, đang trên đường lên Bắc Kinh tìm việc làm, ông bị công an chặn lại ở một nhà ga, bắt giữ cả tuần lễ, rồi cảnh cáo không được rời nơi cư trú nếu không được phép.

Nhưng ông Phương vẫn tiếp tục bày tỏ ý kiến của mình không dè dặt. Năm 2001 ông nói với tờ New York Times: “Trong tương lai gần, rất có thể chính quyền sẽ không đảo ngược quan điểm của họ về vụ ngày 4 tháng Sáu. Có thể họ bắt đầu từ từ, như nói rằng sử dụng xe tăng là sai lầm.”

Với lý lịch như vậy, thật là kinh ngạc khi chính quyền Trung Quốc cấp hộ chiếu cho ông Phương vào tháng Tám năm 2008. Có lẽ họ nghĩ rằng cho ông ra định cư ở nuớc ngoài sẽ chẳng quan trọng gì đối với bất kỳ ai ngoài ông.

Họ đã lầm. Ông Phương đến Mỹ nhập cư vào tháng Hai vừa qua, và chờ đón ông là các nhà hoạt động nhân quyền, đứng đầu là ông Chu Phong Tỏa (Zhou Fengsuo), người đã từng là sinh viên Thiên An Môn hiện sống ở San Francisco; bà Sài Linh (Chai Ling), từng là một lãnh đạo của các cuộc biểu tình sinh viên Thiên An Môn sống ở Boston; và ông Michael Horowitz, thành viên của Viện Nghiên cứu Hudson của Washington.

Giờ đây họ công bố câu chuyện của ông và giúp ông giành lại những gì chính quyền Trung Quốc đã cướp đi của ông cách đây 20 năm, đó là khả năng đi lại. Nhờ các bác sĩ và các chuyên gia làm việc miễn phí, ông Phương đang điều trị vật lý trị liệu ở bệnh viện phục hồi chức năng Adventist ở Maryland. Ông đang tập đi lại bằng đôi chân giả kỹ thuật cao do công ty Ossur thân tặng (công ty này cũng chế tạo chân tay giả cho thương binh Mỹ).

Ngày 7 tháng 10 tới, ông Phương dự kiến sẽ khiêu vũ lần đầu tiên trong đời với vợ ở thủ đô Washington. Dịp này sẽ có sự tham dự của các vị dân cử trong Quốc hội Mỹ và sẽ được đưa lên YouTube. Khi ông khiêu vũ, người xem trên khắp toàn cầu “sẽ so sánh giữa hai hệ thống, giữa số phận của ông ở Trung Quốc và số phận của ông ở thể chế dân chủ,” ông Dương Kiến Lợi (Yang Jianli), người từng là sinh viên Thiên An Môn, và đã bị tù từ năm 2002 đến 2007, nói với tôi.

Bà Linh nhận xét với tôi là dịp khiêu vũ này của ông Phương “sẽ phát đi một thông điệp rất hùng hồn cho bao người đang đấu tranh tại Trung Quốc rằng họ không bị lãng quên.”

Một thông điệp như thế hiện nay đang rất cần, khi mà chính phủ Mỹ đang hạ thấp tầm quan trọng của nhân quyền. Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton tuyên bố vào tháng Hai rằng vấn đề nhân quyền “không thể ảnh hưởng” đến sự hợp tác Mỹ – Trung Quốc về kinh tế và về thay đổi khí hậu. Các viên chức cấp cao Mỹ cũng từ chối công khai gặp Đức Dalai Lama, người đại diện cho dân tộc thiểu số Tây Tạng bị đau khổ triền miên tại Trung Quốc.

Bây giờ bà Clinton có một cơ hội để chứng tỏ rằng bà không hoàn toàn quên về nhân quyền: bà hãy mời ông Phương khiêu vũ lần thứ hai trong đời ông cùng với bà.

________

David Feith là trợ lý biên tập tạp chí Foreign Affairs.

Nguồn: Wall Street Journal 25/9/2009

Bản tiếng Việt © 2009 Trần Quốc Việt

© 2009 talawas blog

21.9.09

MẮT THỦY TINH

John Kein Cross

Trần Quốc Việt dịch


Đâu đó ở một trong những cuốn sách triết học của Đông phương có một câu chuyện khác về Mắt Thủy Tinh. Nếu tôi nhớ đúng, câu chuyện kể về một người ăn xin ngày nọ đã van xin một nhà Triết học bố thí. Nhà triết học từ chối và đi tiếp con đường của mình. Nhưng người ăn xin vẫn kiên trì đuổi theo, miệng không ngớt xin tiền. Người ăn xin đuổi theo nhà triết học ra đến tận ngoài thành phố, cho đến lúc cuối cùng nhà triết học tuyệt vọng, dừng lại nói:
Được rồi, ta sẽ cho ngươi tiền. Nhưng với một điều kiện. Trong hai mắt của ta có một mắt thủy tinh. Ngươi hãy nói đó là mắt nào và ngươi sẽ có tất cả những gì ta có.
Người ăn xin nhìn ông chăm chú rồi cuối cùng nghiêm giọng nói
Thưa thầy, con mắt phải là con mắt thủy tinh ạ. Nhà triết học kinh ngạc.
Hãy nói làm sao ngươi biết – ông kêu lên – Con mắt đó đã do một người thợ giỏi nhất thế gian làm ra, không thể nào phân biệt nó với mắt thật được. Vậy làm thế nào ngươi biết rằng mắt phải của ta là mắt thủy tinh?
Thưa thầy vì – người ăn xin chậm rãi đáp – mắt phải của thầy là mắt ánh lên tình thương xót.

(Trích đoạn từ truyện ngắn Măt thủy tinh của tác giả John Kein Cross trong tuyển tập truyện ngắn Timeless stories for today and tomorrow)
(Đã đăng trên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay số 76 năm 1992.)

17.9.09

BÊN KIA BỨC TƯỜNG

Christoph Niemann

Trần Quốc Việt dịch



Vào tối ngày 9 tháng 11 năm 1989, tôi đang xem tivi.
Thấy Bức tường Berlin đang sụp đổ, mà lòng sững sờ.

Trong đầu óc mười tám tuổi năm ấy tôi vẫn tưởng bức tường luôn luôn ở đấy, nào có hoài nghi rằng nó sẽ vẫn ở đấy đến muôn đời. Tin bức tường sụp đổ tựa như ai bảo tôi lục địa ngầm trôi dạt Bắc Mỹ và Á Âu bất ngờ đổi hướng khiến từ giờ trở đi ta có thể đi tản bộ từ Hamburg đến Boston.

Trong lần duy nhất đến Berlin bị chia cắt vào năm 1988, tôi đã trải nghiệm qua tất cả bao kỳ quặc kinh sợ nơi thành phố này. Tôi nhớ lại rõ ràng cảnh các nhà ga tàu điện ngầm được gọi là các ga ma : một số tuyến tầu điện xuất phát từ phía Tây chạy qua lãnh thổ phía Đông, khiến đi về mỗi ngày như đi qua cõi liêu trai. Hãy tưởng tượng ta lên tàu số 6 chạy tuyến mạn trên ở Union Square, nhưng thay vì dừng lại ở đường 23, ở đường 28, hay ở đường 33, con tàu chỉ chạy chậm dần lại, và ta liếc nhìn ra các sân ga bên đường hiu hắt ánh đèn với bóng dáng lính quân thù trang bị vũ khí đầy mình đang đi tuần tra. Rồi ta xuống tàu ở nhà ga Grand Central để mua tờ báo và chiếc bánh lót dạ như thể chẳng có gì xảy ra.

Chính thức mà nói, bức tường tồn tại để bảo vệ các công dân ở Đông khỏi bị tư bản Tây Berlin xâm lược. Ngày sau khi bức tường được dựng lên năm 1961 tờ báo tuyên truyền Đông Đức Neues Deutschland đăng đầy các lời cảm ơn của người dân Đông Berlin. Một bài báo đã so sánh cách hành xử có kỷ cương của các công dân xã hội chủ nghĩa với đám dân bên phía Tây:" Máu đã đổ và âm thanh điếc đặc đã rền vang lên ở buổi trình diễn nhạc của tay tổ sa đọa người Mỹ Bill Haley tại Cung thể thao tây Berlin. Tuy nhiên, nhờ vào các biện pháp bảo vệ biên giới tổ quốc của chúng ta, cuộc sống ở đây vẫn diễn ra bình yên."
Lý do thật sự bức tường được xây lên thì khác hẳn: không khéo Đông Đức mất hết dân. Hàng triệu người đã đào thoát qua biên giới mở ở bên trong Berlin kể từ lúc chiến tranh chấm dứt.

Ngày nay gia dình tôi và tôi sống rất gần đường Bernauer, nơi bức tường cắt ngang thành phố tàn nhẫn nhất. Vào sáng sớm ngày 13 tháng Tám năm 1961, những toán công an Đông Đức bắt đầu đóng biên giới giữa khu vực Xô Viết và Đồng Minh, chẻ thành phố thành Đông và Tây Berlin. Tại các nơi khác, đường phân chia thường chạy dọc theo biến giới tự nhiên, hay ít ra cũng băng qua những nơi đất trống. Riêng ở đây, bức tường chạy dọc theo con đường nhà dân bình thường. Người dân sống ở bên phía nam của đường Bernauer ngủ dậy thấy nhà mình nằm ngay sát biên giới, căn hộ của họ ở phía Đông, nhưng vỉa hè trưóc mặt toà nhà họ ở thuộc về phía Tây.

Hè vừa qua từ New York chúng tôi dọn về sống ở Berlin. Nhà cửa đến giờ vẫn chưa sửa sang xong. Chúng tôi đều mệt lử. Thêm vào đó chúng tôi có cháu bé hay khó tính, chỉ vui vẻ khi tôi đẩy xe đưa cháu đi dạo thật xa để thăm thú nơi ở mới. Thường thường hai cha con đi ngang qua Đài Tưởng Niệm Bức Tường ở góc đường Bernauer và đường Ackerstrasse. Chính nơi đây lần đầu tiên tôi thấy những tấm ảnh cũ chụp lại cảnh người dân nhảy ra khỏi cửa sổ căn hộ của họ để vượt thoát sang Phía Tây. Sau khi công an bịt kín bằng gạch các cửa sổ ở tầng thấp hơn, người dân cố gắng trốn thoát từ các cửa sổ ở tầng cao hơn. Mãi mãi bỏ lại sau lưng họ là bao tài sản, bạn bè, và thường cả gia đình. Bà Ida Siekmann chết ngay ở đây vào ngày 22 tháng Tám năm 1961, một ngày trước sinh nhật lần thứ 59, sau khi nhảy từ căn hộ của bà ở tầng thứ ba. Bà là nạn nhân chính thức đầu tiên của bức tường.

Thế mà ở đây chính tôi lại thương hại cho bản thân mình vì tôi ngủ chỉ có vài giờ và tôi không thể vào mạng thông suốt được.

Trong những ngày đầu tiên sau khi bức tường dựng lên, bức tường chỉ là đống kẽm gai giăng ngang. Anh Conrad Schumann, người lính 19 tuổi trong quân đội Đông Đức, đang đứng gác ở góc đường Ruppiner và đường Bernauser. Bên Phía Tây bao người đi bộ qua lại chế riễu và xỉ vả anh, rồi đột nhiên nổi hứng, anh bất đầu chạy và phóng mình qua hàng rào kẽm gai để sang Phía Tây, thế là trở thành nhân vật trong một trong những tấm ảnh ấn tượng nhất của thời đại. Mới gần đây thôi tôi chợt nhận ra rằng tôi thường hay chạy bộ ở ngay chính vỉa hè đó.

Ngày nay nơi tôi ở sầm uất với bao nhà hàng, cửa tiệm, phòng trưng bày tranh,và công viên cho trẻ em vui chơi, điều này càng khiến ta thêm rùng minh khi phát hiện ra biết bao tấn kịch đã từng diễn ra ở đây. Ngay sát chỗ tôi và các cháu trai chơi nghịch cát, cách đây độ hơn bốn mươi năm những người hàng xóm tôi hiện nay đã đào một con đường hầm qua đó 57 người đã đào thoát được trước khi có người chỉ điểm cho công an chìm biết sự tồn tại của đường hầm bí mật này. Một tấm ảnh khác ở đài tưởng niệm chụp cảnh cô dâu chú rể vấy tay chào cha mẹ từ phía bên kia hàng rào kẽm gai. Có lẽ họ chỉ sống cách nhau mấy con ngõ, giờ chia lìa nhau ở hai đầu hai nước rạch ròi, thù địch. Tôi nghĩ về cha mẹ tôi có thể lên tàu đi đến Berlin để xem cháu hát ở nhà trẻ.

Trong khi tôi cố gắng tìm về lịch sử qua các viện bảo tàng, sách và ti vi, cách đây 20 năm lịch sử đã thật sự đưọc làm nên chỉ cách một vài con phố ở Phía Đông trong giáo xứ quận Prenzlauer Berg. Người dân đã liều mất việc làm, liều làm tan nát tương lai con cái, và liều cả việc bị tống vào các trại tù Stasi khét tiếng, tuy nhiên họ vẫn hoạt động trong các nhóm đối lập trong suốt nhiều năm trời. Tựa như những nhóm tương tự ở Leipzig, họ bắt đầu tổ chức các cuộc biểu tình công khai vào mùa thu năm 1989. Chỉ trong vòng vài tuần, từ vài mươi người dấn thân can đảm đã lên đến hàng trăm ngàn người trên khắp cả nước, cuối cùng dẫn đến sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Nước Đức, với cả một lịch sử đầy rẫy bao kinh hoàng tàn bạo, chiến tranh, và bạo lực vô nghĩa, cuối cùng đã trải qua một cuộc cách mạng mà không tốn một viên đạn nào.

Trong suốt 28 năm bức tường ở Berlin là một trong những biên giới đáng sợ nhất và khó vượt qua nhất. Ít người thoát qua được phía bên kia bình an vô sự; đa số đã cố liều mình nhưng rồi họ bị bắt và bị tống vào tù, và nhiều người bị sát hại trong lúc đang cố gắng vượt thoát. Ngày nay, chỉ còn rất ít chỗ còn sót lại tàn tích của bức tường năm xưa. Thay vào bức tường đã mất,người ta xếp hai gờ đá nhỏ,chạy song song vào các đường phố của Berlin để đánh dấu nơi đặt bức tường của một thời đã qua.
Hôm nay mỗi lần tôi đạp xe đạp băng qua vết sẹo nhân tạo này, tôi vội nhắm mắt lại và lòng dậy lên niềm biết ơn cái gờ đường bé nhỏ khiêm nhường ấy.


Nguồn :nytimes.com 18/5/2009


© 2009 Trần Quốc Việt

© 2009 talawas blog

4.9.09

LỊCH SỬ HÀNG HAI

Người chiến thắng viết lại lịch sử, người thua mất lịch sử. Nhưng lịch sử như thế nào nếu người thắng và kẻ bại chỉ là một? Nước Nga rơi vào trường hợp này, thắng Đức trong cuộc chiến tranh nóng thế giới lần thứ hai, thua nặng trong cuộc chiến tranh lạnh với thế giới tự do.

Thế là lịch sử chính thống đi hàng hai ở Nga, trông không giống ai hết, ngoại trừ ở mấy nước toàn trị như Việt Nam, Trung Quốc, Cuba, và Bắc Hàn, nơi lịch sử đã không còn là lịch sử trung thực bắt đầu ngay từ thời điểm người chiến thắng nắm toàn quyền trong tay, còn toàn bộ lịch sử trước đó bị họ đem nhúng vào cái chảo thuốc nhuộm chính trị để cho ra đời một thứ lịch sử quốc doanh chính thống một màu duy nhất, nhằm ru ngủ thế hệ hiện tại và lừa bịp các thế hệ sinh sau.

Tuần báo Newsweek viết như sau về lịch sử đi hàng hai ở Nga:

“Ở Nga, lịch sử quan trọng đến nỗi không thể nào phó mặc nó cho các nhà viết sử, hay ít ra đó là những gì mà Điện Kremlin dường như tin tưởng. Vào tháng Năm, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đề nghị rằng ‘chất vấn chiến thắng Xô-viết trong Thế chiến thứ hai’ nên được xem là một tội hình sự, và đã lập ra một uỷ ban có nhiệm vụ ‘phản bác lại những mưu toan làm giả lịch sử mà có hại cho quyền lợi của Nga.’ Ông Medvedev đang làm theo lời dạy trong cuốn cẩm nang cũ thời Xô-viết, theo đó dùng những sự kiện chính, cụ thể là sự thua trận của Quốc xã, để hình thành một bản sắc quốc gia tập thể cho nước Nga đa dạng về sắc tộc và ảm đạm về kinh tế ngày hôm nay. ‘Một phần cơ bản trong cẩm nang này là: hãy quên các tội ác cộng sản.’ Vào tháng Chạp vừa qua, cảnh sát Nga tịch thu tài liệu lưu trữ của Tưởng Niệm, một tổ chức phi chính phủ Nga chuyên ghi lại thời kỳ đen tối của chủ nghĩa Stalin. Sử gia người Anh Orlando Figes tin rằng bản in tại Nga cho cuốn sách đoạt giải của ông, bị huỷ bỏ vào đầu năm nay, là một nạn nhân khác của sự đúng lập trường mới về chính trị. Nước Nga hiện đại có thể là không toàn trị, nhưng Điện Kremlin rất cố ý giám sát một quan điểm lịch sử chính thống, và, giống như chính quyền tiền nhiệm cộng sản trước đây, họ sẵn sàng hy sinh sự thật nhân danh sự thống nhất.”[1]

Tôi có đọc ở đâu đó, người dân Bắc Hàn được dạy rằng quân đội Thiên hoàng Nhật đầu hàng là do cuộc kháng chiến anh hùng dưới sự lãnh đạo của Kim Nhật Thành. Họ không bao giờ biết đến hai quả bom nguyên tử Mỹ đã thả xuống Nhật. Người dân Bắc Hàn hôm nay nhìn lên mặt trăng vẫn chưa biết con người đã lên trăng cách đây bốn mươi năm. Họ không được biết, bởi vì kẻ thù Mỹ đã thực hiện được điều kỳ diệu này. Lịch sử với ý nghĩa đích thực của nó đã chết từ lâu ở Bắc Hàn.

Lịch sử chính thống ở Việt Nam ngày nay đâu có nhắc đến những sự kiện đau lòng như thảm cảnh vượt biển của hàng trăm ngàn người, những cuộc di dân cưỡng bách kiểu đem con bỏ chợ kinh tế mới. Mậu Thân được xem là chiến thắng kỷ niệm ồn ào ở ngoài đường phố, nhưng là “những dải khăn sô cho Huế” chưa bao giờ được cởi ra trong lòng người. Cải cách Ruộng đất, trong suy nghĩ của thế hệ trẻ ngày nay ở trong nước, chắc có lẽ chỉ là mốc khởi đầu bình thường cho một chuỗi dài của những chuyện sai rồi sửa, sửa rồi sai mà họ thấy thường xuyên trong đời. Họ đâu có được dạy qua sách giáo khoa ở trường về nó như là một nhát dao chí mạng đâm vào lòng đạo đức truyền thống được gầy dựng và chắt lọc từ bao đời của dân Việt. Cuộc chiến biên giới phía bắc chống Trung Quốc 1979 có mặt trong sách sử chính thống ngày nay không? Đừng nói gì đến những ngư dân Thanh Hoá bị giết chết hay những ngư dân Quãng Ngãi bị giam cầm. Họ là những hạt bụi trong vô vàn hạt bụi chưa bao giờ đươc cấp hộ chiếu để đi vào lịch sử quốc doanh của chế độ.

Lịch sử hàng hai của các chế độ toàn trị là giả lịch sử, nơi đến cuối cùng của nó không phải ở trong lòng người mà ở trong bãi rác của lịch sử đích thực.

© 2009 Trần Quốc Việt

© 2009 talawas blog


--------------------------------------------------------------------------------

[1] Xem bài của Owen Matthews, Newsweek, ấn bản phát hành ở Mỹ, số ra ngày 27 tháng Bảy 2009, trang 11

22.8.09

CỬA HÀNG ĐÔ LA CỦA BẮC HÀN

David Rose


Trần Quốc Việt dịch


Trùng hợp thay, tôi gặp Chương Triều Liêu ở đại lộ Las Vegas. Nơi gặp, trớ trêu, chẳng phải tại một trong các casino ông rất thích lưu tới nằm trên đại lộ này; mà tại toà nhà hoàn toàn khác hẳn nằm ở mạn bắc cách đó vài dặm, đó là Toà án Liên bang Hoa Kỳ. Từ xà lim, nơi tạm giam tù ở toà án, ông thiểu não đưa mắt cố nhìn qua bức lưới đan dày. Buồn cũng dể hiểu thôi, vì lát nữa, ngay trong buổi sáng ngày 5 tháng Ba năm 2009 ấy, ông sẽ bị toà tuyên án. Ông Liêu bị buộc tội dự mưu và lừa đảo liên quan đến hàng triệu Đô la, số tiền này không do ngân khố Mỹ phát hành mà chạy ra từ các máy in bạc giả ở nước ngoài, rõ ràng là từ Bắc Hàn. Chất lượng những tờ bạc siêu giả này cao đến nỗi ông đưa được một lượng tiền giả rất lớn vào các máy kiểm tra tiền điện tử, vốn được lắp đặt ở toàn bộ các máy kéo ở Las Vegas, một cách an toàn. Viên công tố yêu cầu chánh án kết án ông gần 25 năm, song cuối cùng ông Liêu nhận hơn 12 năm tù.

Tội của ông Liêu đe dọa không chỉ đến tính trung thực của tiền tệ Mỹ mà còn chính đến cấu trúc của hoà bình quốc tế. Những hành vi phạm pháp của ông là phần của một mạng lưới tội phạm rộng lớn mà người ta tin là do Bắc Hàn thiết lập và kiểm soát nhằm mục đích tài trợ cho các chương trình vũ khí hạt nhân và hoả tiễn đạn đạo của mình. Các chuyên gia phân tích tình báo khẳng định rằng toàn bộ mạng lưới này được điều hành bởi một cơ quan bí mật bên trong chính quyền Bắc Hàn và được đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của chính “Lãnh tụ Kính yêu” Kim Chính Nhật. Cơ quan này có tên là Cục 39. (Do ở Bắc Hàn cái gì cũng mờ ảo, các chuyên gia không thống nhất về cách nên gọi đúng “Cục” này là “Cơ quan” hay “Phòng ban”, và họ cũng ngờ rằng con số này chính nó có thể thay đổi.) Cho tới chỉ cách đây vài năm, các cơ quan thi hành luật pháp Mỹ đã đặt Cục 39 trong tầm ngắm của họ – từ việc điều tra mạng lưới của nó, đến vô hiệu hoá các chân rết, và dần dần chặt đứt nguồn ngoại tệ mạnh bất hợp pháp. Thể rồi chính quyền của Tổng thống Bush cương quyết đình chỉ vụ này.

Ông Liêu, sinh ở Đài Loan năm 1962, có tên Mỹ là Wilson. Đời ông có duyên nợ với Las Vegas, nơi cứ mỗi cuối tuần, từ nhà mình ở San Marino, một khu giàu có ở Los Angeles, ông thường cùng vợ, tên là Lý Minh, đến đây. “Hai con gái tôi thích tắm trong các hồ bơi ở đây, thế là cả nhà đến đây để bơi lội, đi mua sắm, và ăn uống,” ông Liêu buồn rầu kể lại. “Chúng tôi xem sô ca nhạc, chẳng hạn sô của Celine Dion, nhạc của cô khiến lòng tôi xúc động. Tối đến, chúng tôi thường chơi kéo máy.”

Trước khi ông Liêu cuối cùng bị bắt ở casino Caesars Palace vào tháng Bảy năm 2007, ông đã dùng các casino để rửa tiền siêu giả với trị giá tiền mặt lên đến vài triệu Đô la. Phần lớn số tiền giả này sau đó lưu hành bên ngoài.

Vào ngày 4 tháng Tư năm 2009, 30 ngày sau khi ông Liêu bị tuyên án, Bắc Hàn phóng hỏa tiễn đạn đạo tầm xa mới có tên là Đại Thần công 2; nếu phóng thành công, hỏa tiễn này có khả năng đến nhiều nơi ở Mỹ. Liên hiệp quốc và nhiều chính phủ đã lên án ngay lập tức vụ thử hỏa tiễn này. Bắc Hàn xem phản ứng quốc tế này là một sự “sỉ nhục không chịu được”, liền trục xuất các nhân viên thanh tra của cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế. Trước đó Bắc Hàn đã rút lui ra khỏi đàm phán quốc tế về chương trình vũ khí nguyên tử của mình. Vào ngày 25 tháng Năm, Bắc Hàn tiến hành thử vũ khí hạt nhân dưới mặt đất, sức nổ của quả bom nguyên tử này được coi là mạnh bằng quả bom đã huỷ diệt Hiroshima năm 1945. Lại bất chấp bao phản đối quốc tế, ngày hôm sau Bắc Hàn bắn tiếp ba hoả tiễn tầm ngắn. Vào ngày 4 tháng Bảy, Bắc Hàn lại mạnh tay hơn, bắn bồi thêm bảy hỏa tiễn nữa vào biển Nhật Bản, qua đó đe dọa trực tiếp toàn bộ vùng Nhật Bản và Nam Hàn.

Mối liên hệ giữa những tờ bạc giả của ông Liêu và những vũ khí hạt nhân và hỏa tiễn của Bắc Hàn là mối quan hệ cật ruột. “Hơn 70 phần trăm bộ phận của hỏa tiễn đều phải nhập từ nước ngoài,” theo lời của ông Syung Je Park, một giám đốc của Viện Nghiên cứu Chiến lược châu Á hợp tác với quân đội Nam Hàn, người mà tôi đã gặp (theo sự nằng nặc của ông) tại một nơi an toàn ở London. Ông Park đã thẩm vấn hơn 1000 người đào thoát Bắc Hàn, trong đó có ông Hwang Jang Yop, một thời là lý thuyết gia hàng đầu của chế độ và cũng là thầy của Kim Chính Nhật. Bắc Hàn trông chờ vào viện trợ quốc tế để tránh bị đói. Do vậy, ông Park nói “Họ cần tiền. Tiền họ có thể lấy từ đâu khác ra?” Câu trả lời, ông và các viên chức cấp cao Mỹ tin chắc, là nhờ vào phương tiện tội phạm có tổ chức: không chỉ sản xuất ra tiền giả mà còn làm và xuất cảng thuốc lá và dược phẩm giả, và bán các loại ma tuý như heroin và thuốc lắc dạng “đá”.

Như đã nhận xét, tâm điểm của toàn bộ hoạt động này là Cục 39. Tuy nhiên, một câu hỏi cần được trả lời là, sau khi Tổng thống Bush bỏ cuộc dở chừng, liệu chính quyền của Tổng thống Obama có phục hồi nỗ lực chống Cục này hay không.

Chính ngôi sao điện ảnh Choe Eun Hee, người bị bắt cóc vào năm 1978 theo lệnh của Kim Chính Nhật và trong vòng chín năm trời bị bắt buộc làm những bộ phim tuyên truyền, là người đầu tiên, sau khi đào thoát, cho biết rằng Kim Chính Nhật rất mê phim, đặc biệt phim James Bond. Nếu Kim Chính Nhật quyết định làm phim hành động tương tự kiểu cây nhà lá vườn, những người viết kịch bản phim rất có thể tìm được các vật liệu thích hợp cho phim ở trong toà nhà tứ giác, nơi đặt trụ sở của Cục 39, bên trong khu Ủy ban Trung ương Đảng rợp bóng cây ở trung tâm Bình Nhưỡng. Bắc Hàn vẫn là một trong những nước bí hiểm nhất thế giới, do vậy việc moi ra được những chi tiết về Cục 39 quả không dễ dàng. Giống như băng Mafia tư nhân, Mafia quốc doanh Bắc Hàn áp dụng luật im lặng qua bạo lực và khủng bố. Tôi đã thoáng nhìn trực tiếp điều này qua cuộc phỏng vấn ông Liêu ở phòng giam tạm tại tòa. Khi ông nói về gia đình mà ông sắp mất do ở tù, ta có thể cảm nhận nỗi tuyệt vọng của ông, và lát sau khi ông chánh án James Mahan cho phép ông phát biểu trước tòa, ông suy sụp hoàn toàn. Nhưng khi tôi hỏi ông Liêu, tại sao ông đã không thương lượng với bên công tố, đổi kiến thức của người trong cuộc như ông để lấy bản án nhẹ hơn, câu trả lời của ông bộc lộ một tâm trạng hoàn toàn khác. “Người Bắc Hàn là bạn tôi,” ông nói. “Tôi có mối liên hệ tốt với họ. Tôi có thể kiếm tiền dễ dàng với họ. Nhưng phản bội họ thì không thể.”

Ông David Asher, người bắt đầu theo dõi Bắc Hàn ở Ngũ giác Đài dưới thời Tổng thống Clinton, rồi tiếp tục phục vụ từ năm 2003 dến năm 2005 với tư cách là người đứng đầu Ủy ban Hành động chống những hoạt động bất hợp pháp thuộc Bộ Ngoại giao (Illicit Activities Initiative) chuyên điều tra sâu rộng về Cục 39 và những hoạt động đa đạng của nó. Chương trình này còn có sự tham gia của Bộ Ngân khố, cơ quan bài trừ ma tuý, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, CIA, và FBI. “Cục 39, xét theo một góc cạnh, giống như một ngân hàng đầu tư,” ông Asher nói, “Nó cung cấp tiền để mua những thứ Kim Chính Nhật cần. Giống như sự làm ăn chung của các băng đảng tội phạm có tổ chức, bạn phải có một bố già, bạn phải có các kế toán, đó là một tổ chức làm ăn rất phức tạp, từ việc theo dõi tất cả sổ sách tiền bạc đến việc không được quên rằng phải nộp tiền cho ông trùm. Nhưng khi các thành viên của tổ chức không thực hiện những gì đã hứa, họ sẽ bị giết.” Theo lời ông Syung Je Park, những nhân viên tài giỏi nhất ở tổng hành dinh của Cục 39, khoảng độ 130 người, vạch kế hoạch và giám sát các hoạt động ở nước ngoài (việc trừ khử thường để giới băng đảng địa phương ra tay) và quản lý các cơ sở sản xuất lớn như các nhà máy làm thuốc lá và ma tuý và các máy in giấy bạc giả. Ông Paul Janiczek, cựu chuyên viên phân tích chuyên về Bắc Hàn ở Bộ Ngoại giao nhận xét, “Cục 39 là đầu não. Tất cả những gì tôi xem xét đều xuất phát từ nơi đó mà ra.” Ông Janiczek cho tôi xem biểu đồ của Bộ Ngoại giao mà minh họa cấu trúc như mê cung của quyền lực Bắc Hàn. Biểu đồ này nêu đích danh người đứng đầu Cục 39, đó là ông Kim Tong-un, trước đây từng là lãnh đạo trong công nghiệp. Ông Syung Je Park cho biết một trong những nhiệm vụ của Cục 39 là quản lý những tài khoản ngân hàng cá nhân lên đến hàng tỷ Đô la của Kim Chính Nhật tại Thuỵ Sỹ và tại những ngân hàng giữ tiền an toàn khác trên khắp thế giới. Cục 39 còn làm việc chặt chẽ với các bộ phận khác, chẳng hạn Cục 99, nơi chuyên về kinh tài nhờ bán hoả tiễn và các vũ khí khác mà sự phát triển của chúng có đóng góp của Cục 39. Hay Cục 35 với trọng trách là cố gắng phá hoại Nam Hàn. Trong cấu trúc quyền lực như ma trận này của Bắc Hàn, Cục 39 ở vị trí thủ lĩnh. Ông Park nêu ra một ví dụ: “Nếu Cục 99 làm ăn có lời, toàn bộ tiền lời đó phải nộp cho Cục 39.”

Nói một cách khác, toàn bộ hoạt động tội phạm này đã trở thành một phần không thể thiếu được của nền kinh tế Bắc Hàn. “Nó không những hái ra tiền,” ông Asher khẳng định, “mà còn ăn khớp với chiến lược của họ là phá hoại quyền lợi kinh tế của các nước phương Tây.” Đã từ lâu các viên chức Mỹ và Nam Hàn phụ trách về tình báo ý thức rằng Bắc Hàn đứng đằng sau rất nhiều các hoạt động xã hội đen: trải qua nhiều năm, có ít nhất 50 trường hợp phạm pháp được ghi nhận, trong đó có nhiều vụ liên quan đến việc bắt và giam giữ các nhà ngoại giao Bắc Hàn tại hàng chục nước, cáo buộc họ có liên quan đến buôn lậu ma tuý và tiền giả, hay cả hai. Nhưng mãi đến năm 2002, mức độ lớn lao của công việc kinh doanh xã hội đen cấp quốc gia này mới trở nên rõ ràng sau khi ông Asher, cùng làm việc với ông William Newcomb, nhà phân tích kinh tế cấp cao của cơ quan tình báo và nghiên cứu, xem xét kỹ càng hơn các “số liệu thống kê đối chiếu” được tính toán hằng năm – nhằm tính toán lượng ngoại tệ mạnh của chế độ dựa theo những dữ liệu xuất cảng và nhập cảng của Bắc Hàn do các đối tác thương mại của nước này cung cấp. “Chúng tôi đã biết nền kinh tế của họ gặp khó khăn rất lớn,” ông Ashler nói. “Điều chúng tôi không thể hiểu được là tại sao các biện pháp trừng phạt dường như không làm họ bận tâm, hay khiến họ muốn thương lượng về chương trình vũ khí hạt nhân của mình. Lẽ ra họ đã bị phá sản từ lâu, thế nhưng họ có vẻ như vẫn tồn tại.”

Ông Ashler và ông Newcomb kết luận rằng kể từ năm 1990, tổng thâm thủng mậu dịch chính thức của Bắc Hàn là hơn 10 tỷ Đô la, và mỗi năm tăng thêm 1,2 tỷ Đô la. Tuy nhiên, cho dù nước này, kể từ những năm 1970, không thể vay mượn tiền trên thị trường quốc tế, chế độ vẫn xoay sở có được đủ ngoại tệ mạnh để nhập về không những các thiết bị quân sự mà còn cả bao hàng hoá để nuôi dưỡng nền “kinh tế cung đình” của Kim Chính Nhật cùng với giới thân cận. Lối sống của họ phụ thuộc vào những hàng ngoại nhập về như xe hơi, rượu cognac, hàng điện tử cấp cao và các hàng xa xỉ khác, hoàn toàn khác xa với nếp sống khắc khổ của người dân thường. (Năm 1991, chính quyền Bắc Hàn phát động chiến dịch “Chúng ta hãy ăn ngày hai bữa” – một khẩu hiệu mà bản thân giới lãnh đạo không làm theo.” Khoảng trống giữa nhu cầu ngoại tệ mạnh của chế độ và phương tiện của nó được Cục 39 điền vào, theo ước tính mang về mỗi năm độ chừng 500 triệu đến 1 tỷ Đô la hay nhiều hơn nữa.

So với lượng tiền Mỹ đang lưu hành trên khắp thế giới, ít nhất một nửa số giấy bạc này đang nằm trong tay những người ở ngoài nước Mỹ, tính đến hôm nay toàn bộ số tiền siêu giả mà người ta tin là do Bắc Hàn làm ra tuy là không nhiều, nhưng chất lượng siêu đẳng của nó có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Năm 2004, Ngân hàng Trung ương ở Đài Loan báo động rằng tiền siêu giả đã xuất hiện ở đảo quốc này. Điều này đã gây ra sự rúng động, thế là khách hàng ào ào đổ xô đến các ngân hàng mong tìm cách trả lại những tờ bạc 100 Đô la mà tổng giá trị lên đến hàng trăm triệu, dẫu rằng đa số những tờ bạc này hoàn toàn thật. ”Thực tế là tẩy chay Đô la,” ông Asher nhận xét. “Vì đâu có ai biết tiền mình đang có là thật hay giả.”

Cơ quan đặc nhiệm Secret Service, trực thuộc Bộ Ngân khố, thường đi đầu trong cuộc chiến chống tiền giả, đã duy trì cuộc điều tra về tiền siêu giả trên phạm vi toàn thế giới kể từ năm 1989, khi mẫu tiền siêu giả lần đầu tiên, thô thiển hơn tiền siêu giả hôm nay, được một người thâu ngân ngân hàng ở Philippines phát hiện, rõ ràng là vì khi sờ đến nó “cảm thấy” không bình thường. Kể từ năm 1996 trở đi, Mỹ đã cố gắng cao tay hơn các tay sản xuất tiền siêu giả bằng cách hai lần thay đổi thiết kế của tờ bạc 100 Đô la, nhưng rồi bọn làm bạc giả này cũng đuổi kịp. Tiền siêu giả đã hiện diện ở nhiều nước khắp châu Á, châu Âu, và Trung Đông. Suy ra từ vụ ông Liêu, hiện nay một số lượng tiên siêu giả đáng kể đang bắt đầu lưu hành ngay bên trong nước Mỹ.

Các tờ bạc siêu giả được tạo ra với sự cẩn trọng phi thường. Ông Klaus Bender, một chuyên gia về in ấn tiền giấy, trong cuốn sách Moneymakers của mình, viết rằng không giống với những loại tiền giả khác, và càng không giống bất kỳ các tiền tệ khác ngoại trừ tiền giấy thật của Mỹ, những tờ bạc siêu giả này cũng dùng giấy có những sợi dài chạy song song, được sản xuất ra từ một cái máy tên là Fourdrinier và gồm có 75 phần trăm sợi bông Mỹ và 25 phần trăm sợi lanh. Giống như tiền thật, tiền siêu giả hiện đại cũng được in bằng ” mực chuyển màu quang học”, mà tuỳ theo góc độ ánh sáng, màu dường như chuyển từ màu xanh hơi nâu óng ánh sang màu đen. (Quả thật, chất lượng của những tờ bạc siêu giả này siêu đẳng đến nỗi ông Bender gợi ý rằng Bắc Hàn hoàn toàn không thể làm được, mà có thể chỉ do CIA làm ra bí mật ở đâu đó tại Mỹ, một gợi ý không có cơ sở.)

Chất lượng in tiền siêu giả là tuyệt hảo. Lại một lần nữa giống như tờ bạc Đô la thật, những tờ tiền siêu giả này được in ra từ một loại máy in chìm đặc biệt để những hoa văn phức tạp của tiền được nâng lên trên bề mặt. Những đặc điểm nhận dạng được in chìm siêu nhỏ này, bằng 1/42000 của một inch, của tờ bạc Đô la thật, được tái tạo chính xác trên các tờ bạc siêu giả. Tại phiên toà xử ông Liêu ở Las Vegas, phía công tố đã phóng lớn hình ảnh của các tờ giấy bạc siêu giả gấp hàng trăm lần kích cỡ bình thường của chúng, nhưng thậm chí sau khi được phóng lớn lên như vậy, một nhân viên FBI điều tra vụ án phải than lên rằng đến mức này mà mắt thường vẫn còn không nhận ra nổi đâu là tiền giả đâu là tiền thật. Ông nói, “Thú thật, giá tôi là luật sư bảo vệ cho bị cáo, tôi sẽ hỏi bên công tố, làm sao các ông có thể chứng minh đây là tiền giả? Luật sư cho bị cáo có thể thuyết phục bồi thẩm đoàn rằng chúng là tiền thật.” Ông Lorelei Pagano, một chuyên gia tiền giả làm việc cho Secret Service, phát biểu trong một hội nghị kín vào năm 2003 của ngành công nghiệp tiền giấy rằng những kẻ làm ra những tờ bạc siêu giả có lẽ cố ý thêm vào các khiếm khuyết thật nhỏ để họ và khách hàng của họ có thể phân biệt tiền giả và tiền thât. Không làm như vậy sẽ không có cách gì ngăn chặn giới tội phạm không lừa chính kẻ bán tiền siêu giả bằng cách dùng chính tiền siêu giả để mua tiền siêu giả, mà giá bán bằng chỉ khoảng một phần ba giá trị mặt của nó.

Khắc tinh của ông Wilson Liêu là một người tên Bob Hamer, vốn là một nhân viên FBI giờ đã về hưu. Ông mới xuất bản cuốn tự truyện The Last Undercover thuật lại 26 năm gắn bó với cơ quan điều tra liên bang, chủ yếu hoạt động trong bóng tối. Cuộc điều tra do ông tiến hành kéo dài ba năm, có mật danh là Chiến dịch Smoking Dragon, không phải bắt đầu từ tiền siêu giả mà từ thuốc lá giả, được tuồn từ Trung Quốc vào các cảng ở tiểu bang California lên đến hàng triệu điếu. Ông Asher cho biết thuốc lá giả cũng xuất phát từ Bắc Hàn, và là chủ đề của một bản báo cáo của hiệp hội các công ty thuốc lá. Đóng vai là người đi buôn thuốc lá, một nhân viên điều tra của hội đã bí mật đi thăm các nhà máy Bắc Hàn ở Bình Nhưỡng và thành phố Rajin vùng đông bắc. Các nhà máy này chuyên làm giả các loại thuốc lá có thương hiệu nổi tiếng ở phương Tây như Marlboro với số lượng nhiều đến mức mỗi năm chúng thu về đến 720 triệu Đô la tổng doanh thu. Ông Hamer lập ra những chuyện làm ăn giả để thâm nhập vào đường dây buôn lậu thuốc lá, chẳng mấy chốc nhiều đầu mối làm ăn với ông tưởng ông cũng là tay buôn lậu như họ. Vào mùa Xuân năm 2004 tổng hành dinh FBI yêu cầu ông Hamer và các đồng nghiệp của ông xem thử có lấy được tiền siêu giả của Bắc Hàn không. Một trong những khách hàng ruột của ông Hamer tên Châu Tùng “John” Vũ, người này cuối cùng đã nhận tội buôn lậu tiền giả, thuốc lá và ma tuý cũng như làm môi giới cho một vụ mua bán hỏa tiễn, loại đặt trên vai để bắn, sản xuất tại Trung Quốc, nhưng rồi chết trước khi bị kết án. Ông Vũ hứa có thể tìm được nguồn hàng nhờ vào sự giúp đỡ của một kẻ thường xuyên đi Bắc Hàn. Đó chính là ông Wilson Liêu. Trong một lần gặp mặt bị ghi âm lén, ông Vũ cam đoan tiền giả này là hàng rất xịn, “ cả khi anh đến Las Vegas chơi, cứ an tâm đưa tiền vào máy, máy nhận ngay.”

Chỉ trong vòng vài tuần, ông Vũ mang đến cho ông Hamer một tờ mẫu tiền giả “cũ” để xem, nhưng căn dặn ông trước khi đặt mua số lượng nhiều thì ông Hamer nên chờ phía làm bạc giả hoàn thiện hẳn tiền siêu giả loại tờ 100 Đô la mới phát hành năm 2003. Chờ dài hàng tháng trời, nhưng rồi cuối cùng vào tháng Ba năm 2005, ông Vũ điện thoại ông Hamer, nói rằng ông ta đang có hai tờ bạc mẫu, và cuối cùng trao chúng cho ông Hamer tại một nhà kho bí mật ở thành phố Montana, bang California. Ông Hamer liền trao lại chúng cho một nhân viên Secret Service nhờ yêu cầu thử xem tiền thật hay giả. Ông Hamer nhớ lại, “Vài ngay sau tay này gọi tôi, mắng ‘Sao ông lại đưa tôi những tờ bạc này lam gì? Tiền thật quá đi chứ!’ Tôi đáp, ‘Nếu mấy tờ quái quỷ đó mà là tiền thật tôi sẵn sàng thế chấp nhà tôi ở cho ngân hàng để vay vốn đi buôn chúng, vì tôi chỉ trả có 30 xu cho một Đô la loại này’.” Ông Hamer đề nghị gởi những tờ bạc đó đến phòng thí nghiệm trung ương ở thủ đô Washington, nơi này xác nhận chúng quả thực là tiền giả.

Ông Vũ giới thiệu ông Hamer với ông Wilson Liêu tại khách sạn Ritz-Carlton ở thành phố Pasadena. Trong buổi làm quen nay, được thu hình lại, ông Liêu đã không tiết lộ rõ bằng cách nào ông ta có thể thu mua thêm được nhiều tiền siêu giả, nhưng ông khoe về mối quen biết cá nhân ở Bắc Hàn. Ông Vũ thúc giục ông Hamer cứ theo kế hoạch mua khoảng một triệu Đô la tiền siêu giả, và số tiền giả này sẽ được gởi tới Mỹ, ông Vũ nói thêm ông sẽ đứng ra bảo đảm chuyến hàng trót lọt qua việc sử dùng căn nhà của ông Liêu ở Bắc Kinh làm thế chấp. Đi xa hơn nữa, ông Vũ còn đề nghị nên mở một nhà máy sản xuất thuốc lắc dạng “đá” ngay bên trong Bắc Hàn, rồi từ đó làm bàn đạp xâm nhập các mạng lưới phân phối thuốc tại châu Á. “Chúng tôi đề nghị mãi kế hoạch này lên trên, “ông Hamer hồi tưởng lại, “nhưng cơ quan điều tra liên bang nhất định không cho phép chúng tôi đầu tư vào việc sản xuất ma tuý.”

Dùng tiền đẻ ra từ các hoạt động bí mật khác, ông Hamer đã chuyển khoản số tiền 350 ngàn Đô la, chia làm hai lần, vào tài khoản ngân hàng của một đầu mối của ông Liêu tại Bắc Kinh. Ông trả tiền qua chuyển khoản lần đầu vào ngày 6 tháng Tư năm 2005, ngay ngày hôm sau ông nhận được một bưu phẩm do FedEx chuyển đến, trong đó có 15 tờ bạc siêu giả và một thẻ nhớ computer lưu các tấm ảnh chụp nhiều bó tiền mệnh giá 100 Đô la trông giống như thật. Vào cuối tháng, một chuyến hàng công-ten-nơ chất đầy những cuộn vải trên đường đến Mỹ, nơi nhận cũng là kho hàng ở Pomona. Chen lẫn giữa những súc vải này, ông Liêu hứa với ông Hamer, là số tiền siêu giả có tổng giá trị bề mặt 700 ngàn Đô la. Ông Liêu giữ đúng lời hứa.

Sau nhiều lần bí mật gặp gỡ và thanh toán tiền, ông Hamer nhận tiếp thêm 223.600 Đô la tiền siêu giả. Ông tổ chức lần gặp cuối cùng với ông Liêu tại khách sạn Ritz-Carlton vào ngày 17 tháng Tám. Lần này ông Liêu đến trễ do lái xe từ Las Vegas về muộn. Nhân tiện đó ông khoe với ông Hamer rằng mình là khách đánh lớn đến độ các casino lớn nhất ở đại lộ Las Vegas như Mirage, Mandalay Bay và Caesars Palace đã ban cho ông hạng VIP, ăn ở đều miễn phí. Ông cho ông Hamer xem hóa đơn vận chuyển một chuyến hàng công-ten-nơ khác sắp đến. Độ tuần sau, hàng về, giấu kín bên trong những cuộn vải là 983.500 Đô la tiền siêu giả.

Vào lúc cả ông Vũ, ông Liêu và vài tay buôn lậu thuốc lá nằm khám, ông Hamer cất mẻ lưới cuối cùng với các tay sừng sỏ còn lại ở vùng Los Angeles, nhờ dùng mưu kế điệu hổ ly sơn, mời các chiến hữu đến tham dự bữa tiệc vui mừng ly dị được vợ, do ông bịa ra, ở dinh thự Playboy Mansion. Gần như cùng thời gian đó, ở bờ biển phía đông nưóc Mỹ, một chiến dịch khác mang tên Royal Charm của FBI đã thu gom bọn buôn lậu tiền siêu giả và thuốc lá giả Bắc Hàn. (Vẫn bổn cũ soạn lại, lần này các tay anh chị được mời dự một đám cưới ma, tổ chức trên một du thuyền ở thành phố Atlantic.) Mặc dù đang bị cáo buộc có tội nhưng chưa bị kết án, nhờ đóng tiền thế chân, ông Liêu đã được tại ngoại, trong khi chờ toà xử. Ông Liêu vẫn tiếp tục tiêu thụ tiền siêu giả ở Las Vegas trong khoảng gần hai năm nữa. Ông bị bắt lại lần thứ hai khi Secret Service, sau khi nhận được tin tình báo cho hay tiền siêu giả đang rót vào các casino, liền gắn các thiết bị phát hiện nhạy cảm bên trong các máy kéo ở Caesars Palace. Cho đến nay vẫn không biết chính xác ông Liêu đã rửa được bao nhiêu tiền, nhưng tài khoản trong thẻ chơi của ông tại casino MGM hé lộ rằng chỉ tính riêng ở các máy kéo tại casino MGM Mirage, ông đã đặt vào hơn 1,2 triệu Đô la năm 2005; 1,8 triệu Đô la năm 2006 và 574 ngàn Đô la trong sáu tháng đầu năm 2007. Trong vòng từ tháng Hai năm 2006 cho tới lúc bị bắt lại lần thứ hai, ông đã đưa gần 2 triệu Đô la vào các máy kéo tại Caesars Palace. Qua các camera theo dõi đặt tại casino cuối cùng người ta khám phá ra kỹ thuật rửa tiền của ông Liêu. Trăm lần như một, ông Liêu dường như muốn chơi lớn với cả ngàn Đô la giấy bạc siêu giả, nhưng chỉ kéo máy vài lần để đặt độ cho có lệ, để lại số tiền đã đặt rồi nhưng chưa chơi vẫn còn khá nhiều. Xong ông bấm nút lấy biên nhận cho số tiền còn lại rồi đến quầy tính tiền để đổi biên nhận sang tiền thật.

Hôm tuyên án ông Liêu ở tòa vào tháng Ba vừa qua, ông Tim Vasquez, trợ lý cho luật sư công tố đại diện liên bang Mỹ, đã gọi tiền siêu giả Bắc Hàn là “một sự tấn công nghiêm trọng vào hệ thống tiền tệ của Hoa Kỳ.” Sự tấn công này có hậu quả như thế nào? Trong nhiều năm, các cơ quan Hoa Kỳ tuyên bố công khai rằng số lượng tiền siêu giả lưu hành trên toàn thế giới chỉ độ 50 triệu Đô la. Con số nào đi chăng nữa, đặc biệt con số phỏng đoán về tiền giả chất lượng cao, rõ ràng vẫn chỉ là phỏng đoán. Tại cuộc điều trần trước Quốc hội năm 2006, ông David Asher ám chỉ rằng toàn bộ lượng tiền siêu giả có thể lên đến hàng trăm triệu. Nhưng theo lời ông Syung Je Park, năm 2007 Bắc Hàn đã mua một số lượng rất lớn giấy Fourdrinier đặc biệt, “đủ để in ra 2 tỷ Đô la”.

Trong bài diễn văn thường lệ hằng năm đọc trước Lưỡng viện Quốc hội vào tháng Giêng năm 2002, Tổng thống Bush đã đưa ra tuyên bố nổi tiếng rằng Bắc Hàn là một nước thuộc khối “Trục của cái Ác” cùng với Iran và Iraq. Lời tuyên bố nhớ đời và nghiêm khắc đó nhấn mạnh đến nỗ lực của Ủy ban Hành động chống những hoạt động bất hợp pháp. Bên cạnh các chiến dịch Smoking Dragon và Royal Charm truy quét thành công tội phạm, Ủy ban này đã ghi nhiều thắng lợi đáng kể khác. Trong số đó có các trường hợp liên quan đến ma tuý. Dựa vào tin tình báo do Mỹ cung cấp, hải quân Úc năm 2003 đã khám xét và bắt giữ chiếc tàu Pong Su của Bắc Hàn vì tội chở 150 ký lô heroin. Bắc Hàn, trong nhiều năm liền, đều có liên quan mật thiết đến việc đưa lậu ma tuý vào các nước láng giềng và các nước xa xôi hơn khác. Năm 2003, các viên chức quốc phòng Hoa Kỳ cho biết Bắc Hàn là nước sản xuất thuốc phiện lớn, đứng hạng thứ ba trên thế giới sau Afghanistan và Miến Điện. Tài liệu giải mật của Ngũ giác Đài khẳng định thuốc phiện của Bắc Hàn được chế biến sang heroin tại các nhà máy quốc doanh. Uỷ ban Kiểm soát Ma tuý ở Trung Quốc xem Bắc Hàn là một trong ba “con đường vàng” cung cấp heroin. Người Trung Quốc dùng từ “Kim lộ” có ngụ ý khác, rõ ràng vì chữ “kim” cũng ám chỉ đến họ của Kim Chính Nhật. Cục 39 còn tổ chức nhập cảng ephedrine, một hóa chất chính đầu tiên để tạo ra thuốc lắc dạng ”đá”, sau đó sản xuất thuốc lắc này và tuồn chúng ra nước ngoài. Cảnh sát Nhật tin rằng thuốc lắc từ Bắc Hàn chiếm một số phần trăm thị phần cao trong lượng thuốc lắc bán ra bên ngoài ở các đường phố Nhật. Như ông Syung Je Park nhận xét, “tiền thu về từ ma tuý và tiền thu về từ tiền giả đều chạy thẳng vào Cục 39. Từ đó tiền của Cục 39 chịu sự kiểm soát trực tiếp của Kim Chính Nhật. Và ưu tiên số một của họ Kim là phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân.”

Uỷ ban Hành động chống các hoạt động bất hợp pháp cũng truy đến các ngân hàng. Trong tháng Sáu năm 2004, Mỹ đã gây sức ép thuyết phục được chính phủ Áo đóng cửa Ngân hàng Sao Vàng, hoàn toàn do Bắc Hàn sở hữu, ở Vienna. Tình báo Áo tình nghi rằng Ngân hàng Sao Vàng bảo kê cho việc phân phối tiền siêu giả và cũng tìm cách mua chất liệu làm phân rã hạt nhân. Rồi đến tháng Chín năm 2005, một tháng sau khi ông Liêu và các đồng lõa bị bắt tại Los Angeles, Bộ Ngân khố Mỹ nêu đích danh trung tâm tập kết tài chính quan trọng nhất của Bắc Hàn, đó là Ngân hàng Banco Delta Asia ở Macao, nơi “chuyên về rửa tiền”, một phần do ngân hàng này được sử dụng để phân phối tiền siêu giả. Lời cáo buộc này chẳng khác gì Mỹ tuyên bố rằng bất kỳ những ai làm ăn với ngân hàng này đều bị coi là những hạng không ra gì. Ông Juan Zarate, viên chức cấp cao đứng đằng sau lời cáo buộc trên của Bộ Ngân khố, cho biết “Banco Delta là quan trọng sống còn đối với chế độ. Việc nêu đích danh hoạt động phạm pháp này đã buộc các tổ chức khác, đặc biệt các tổ chức của Trung Quốc, nhận thức họ có nguy cơ làm hại mối quan hệ thương mại của họ với Mỹ.” (Ông Juan Zarate sau này trở thành phó cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng thống Bush.) Nhờ đó đã “làm cho Bắc Hàn mất hết khả năng hoạt động trong thế giới tài chính bình thường, ví dụ như khả năng phát tín dụng thư bằng Đô la để thanh toán cho các giao dịch của họ,” trong đó có sự sắp xếp trả tiền cho các thiết bị cần thiết cho các hỏa tiễn mới.

Uỷ ban đã dự định sẵn nhiều việc sẽ làm. Theo đó, giai đoạn cuối cùng mà ông David Ashler nói rằng Tổng thống Bush đã được báo cáo đầy đủ, là sẽ công bố công khai các cáo trạng tội phạm. “Chúng tôi có thể truy đến tận các tài khoản ngân hàng cá nhân ở nước ngoài của giới lãnh đạo bởi vì chúng tôi có thể chứng minh rằng họ là kẻ đầu sỏ,” ông Asher nói. “Chúng tôi sẽ truy tố các can phạm chóp bu của mạng lưới tội phạm toàn cầu.” “Thế giới muốn có bằng chứng rằng Bắc Hàn là quốc gia tội phạm, chứ không chỉ làm ầm ỷ suôn.” Bà Suzanne Hayden, cựu công tố viên cấp cao ở Bộ Tư pháp, người nắm vai trò tư pháp của bộ trong uỷ ban hành động, khẳng định. “Các vụ truy tố tội phạm đều có bằng chứng. Tất cả các bằng chứng đều nằm trong các bản cáo trạng. Giống như bất kỳ các vụ điều tra rửa tiền khác, chúng tôi sẽ xác định các can phạm chủ chốt rồi từ đó qua họ truy ngược trở lại bắt đầu từ Macao đến những kẻ giấu mặt đằng sau ở Bắc Hàn.” Bà Hayden từng gắn bó với toà án tội phạm quốc tế trong vài năm khi phụ trách vụ nước Nam Tư cũ, truy tố nhà lãnh đạo người Serb, ông Slobodan Milosevich về các hoạt động tội phạm tài chính của ông. Từ kinh nghiệm này, bà thấy những sự tương đồng giữa tội phạm của ông Milosevich với tội phạm của Kim Chính Nhật: “Điều khó khăn nhất là làm sao nối kết các bằng chứng phạm tội với người đứng đầu nhà nước, vì có rất nhiều khả năng chối phăng tiềm tàng. Riêng Bắc Hàn thì rất ít có hoạt động nào mà không có sự chấp thuận của giới lãnh đạo, và những bằng chứng chúng tôi đã có rất thuyết phục. Những vụ án này rất khả thi.” Ông Ashler cho biết các vụ án tội phạm đều dựa vào thông tin từ các nhân viên hoạt động bí mật, từ những người chỉ điểm, và từ hoạt động theo dõi do thám rất lớn. Ông cho biết thêm, ngay từ đầu, vào tháng Sáu năm 2003, xếp của ông, tức cựu Bộ trưởng Ngoại giao Colin Power đã chỉ thị nhân viên “dùng các cơ quan thi hành luật pháp chứ không phải cơ quan tình báo, nhằm chứng minh tuyệt đối rõ ràng những gì họ đang làm,” và ông ta nhấn mạnh thêm “Tôi không muốn trường hợp này giống như trường hợp vũ khí nguyên tử của Iraq” – nghĩa là nói rất nhiều và nói hăng nhưng chẳng có bằng chứng rõ ràng. Kết quả, ông Ashler nói, “chẳng phải chuyện hoàng đế ở truồng. Chúng tôi có băng ghi hình, có âm thanh. Tướng lãnh Bắc Hàn tiếp xúc với tội phạm Trung Quốc, và với các nhân viên Secret Service và FBI.”

Thay vì thế, chính quyền Tổng thống Bush bất ngờ quyết định không đi tiếp. Điều ông Ashler mô tả là “chiến lược ngăn chặn phi chiến tranh tối đa” bất ngờ bị giới hạn lại. Lý do: chính quyền tin rằng nó có nguy cơ khiêu khích Bắc Hàn rút lui vĩnh viễn ra khỏi cuộc đàm phán bàn về chương trình vũ khí và hỏa tiễn của họ. Bà Hayden nói, “Bất ngờ luật chơi thay đổi. Nước cờ ngoại giao bất ngờ xen ngang vào, nguyên tắc phải theo bây giờ là ‘Chúng ta hãy đưa họ đến bàn hội nghị’, và điều đó có nghĩa là mọi thứ phải giảm xuống.”

Thực tế, chương trình theo kế hoạch không những dừng lại mà còn bị đảo ngược. Kim Chính Nhật ra điều kiện phải bãi bỏ trừng phạt nếu Mỹ muốn ông ta tham gia tiếp vào cuộc đàm phán quốc tế; vào tháng Ba năm 2007 chính quyền mở trói ngân hàng Banco Delta Asia, chấm dứt phong tỏa tài sản Bắc Hàn. Các ngân hàng vòng quanh thế giới trước đó đã tránh dây dưa với các công ty Bắc Hàn bây giờ tự do làm ăn trở lại. Những kẻ buôn lậu heroin Bắc Hàn bị bắt trên tàu Phong Su giờ được thả ra và cho phép về nước. Hoạt động bất hợp pháp nhanh chóng trở lại bình thường. Bà Hayden nói, “Hoạt động phạm pháp này sẽ không chấm dứt. Họ sẽ không ngừng làm tiền siêu giả, thuốc lá giả và ma tuý, bởi vì họ đang tuyệt vọng.” Vụ tịch thu tiền siêu giả gần đây nhất, không được truyền thông Mỹ chú ý đến, xảy ra vào tháng Bảy năm 2008, khi bà Trương Mỹ Linh nhận một gói bưu phẩm tưởng đâu là hải sản phơi khô gởi từ Đài Loan đến một nhà mà bà đang thăm viếng ở Sunnyvale thuộc bang Calìornia. Hải quan ở phi trường San Francisco, trong lần khám xét ngẫu nhiên, mở gói bưu phẩm ra, và phát hiện bên trong một lượng tiền siêu giả có trị giá bề mặt 380 ngàn Đô la. Nhân viên Secret Service gài vào một thiết bị theo dõi, rồi niêm phong bưu kiện lại như cũ, và để bà Trương nhận hàng. Khi họ bắt bà, họ biết bà hầu như đã xài hết hàng ngàn Đô la giả mà đưa vào Mỹ tuần trước để mua đồ Louis Vuiton, Footlocker, và ở các tiệm khác. Secret Service tin rằng sự mua sắm có thể là một cách rửa tiền giả. (Mẹo thông thường, theo lời khẳng định của nhân viên đặc biệt cấp cao William P. Bishop, là mua đồ ở các tiệm rồi mang trả lại để lấy tiền thật được hoàn lại.)

Một tuyên bố, lưu hành nội bộ, của văn phòng luật sư công tố đại diện liên bang Mỹ, đề nghị rằng tầm quan trọng của vụ này nên vượt xa một vụ lừa gạt đơn thuần các tiệm bán lẻ ở trong khu mua sắm: “Việc điều tra đến nguồn gốc và sự phân phối (tiền siêu giả) đã và đang là mối ưu tiên hàng đầu đối với Secret Service. Công cuộc điều tra tiền siêu giả là một ca điều tra chiến lược vẫn đang tiếp tục vì nó có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.” Tuyên bố này ghi nhận thêm rằng cuộc điều tra này “đã trải ra khắp toàn cầu, liên quan đến hơn 130 nước và dẫn đến hơn 200 vụ bắt giữ.” Bà Trương đã nhận tội, và bị kết án 33 tháng tù giam vào ngày 30 tháng Giêng năm 2009.

Trước đây tiền siêu giả đã từng xuất hiện với số lượng lớn ở Trung Đông, tại những nơi như Thung lũng Bekaa ở Lebanon. Ông Syung Je Park nói rằng Cục 39 đang nhắm vào vùng này một lần nữa, một phần vì tiền tệ Mỹ làm giả ít có khả năng bị phát hiện ở bên ngoài nước Mỹ. Theo ông Park, Cục 39 gần đây đã đa dạng hóa hoạt động của họ vào lĩnh vực mới, đó là gian lận bảo hiểm. Năm vừa qua, công ty bảo hiểm nhân thọ của chính phủ Bắc Hàn đã lấy được khoảng 100 triệu Đô la tiền bồi thường từ các công ty châu Âu mà Bắc Hàn đòi cho những người đã có mua bảo hiểm nhân thọ bị thiệt mạng trong các tai nạn trực thăng, phà và xe lửa không liên quan với nhau. Ông Park nói các bảo hiểm nhân thọ này là bịp. Một luật sư ở London, người đã chống lại một trong những trường hợp gian lận này ở toà thượng thẩm Anh, đồng ý: “Đáng tiếc là chúng tôi không thể chứng minh cho tòa vừa lòng. Cuối cùng chúng tôi không còn cách nào khác là phải trả.”

Cùng với những vụ thử hỏa tiễn và vũ khí hạt nhân ở Bắc Hàn vào đầu năm nay, bất kỳ lạc quan nào về việc ông Kim Chính Nhật tạm thời quay trở lại bàn thương thảo đã tan tành mây khói. Tương tự như chiến lược tài chính mà Ủy ban Hành động chống những hoạt động bất hợp pháp đã từng theo đuổi trước đây, chính quyền Obama đã bảo trợ một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc mà, bên cạnh việc cho phép lục soát các tàu nào bị nghi ngờ chở vũ khí và các bộ phận liên quan đến Bắc Hàn, cũng sẽ một lần nữa phong toả lại các tài sản cất giữ ở nước ngoài của Bắc Hàn, ngăn cản khả năng làm ăn của chế độ với thế giới bên ngoài. Trong lúc đó, các vụ truy tố các can phạm chủ chốt ở Bắc Hàn vẫn phải xếp lại, và bức tranh đầy đủ hơn các vụ truy tố này có được về Cục 39 cùng với mạng lưới của nó vẫn còn trong vòng bí mật. Điều không thể nghi ngờ là mức độ thử thách mà Tổng thống Obama bây giờ đang đối mặt. Ông Asher kết luận, “Sự thật về Kim Chính Nhật là, y không hẳn là tay chơi tàn bạo hư hỏng như ta thường nghĩ, mà là một tay bố già Mafia rất xảo quyệt. Y biết rõ tất cả các mánh lới trong cẩm nang ngoại giao. Y là tội phạm tầm cỡ thế giới, và là bạo chúa cũng tầm cỡ thế giới.”

Nguồn: Vanity Fair 9/2009

Bản tiếng Việt © 2009 Trần Quốc Việt

Bản tiếng Việt © 2009 talawas blog