30.8.11

NIKOLAI GROZNI- BÓNG MA NHỮNG CUỘC CÁCH MẠNG ĐÃ QUA

Trần Quốc Việt dịch
Paris
Kể từ khi cuộc nổi dậy ở Ai Cập bắt đầu vào ngày 25 tháng Giêng, tôi hầu như không rời xa màn hình ti vi một ly nào. Tôi có thể đang ở Pháp, nhưng hồn bay bổng ở tận quảng trường Tahrir. Tôi đang ném đá. Tôi đang thở bằng hơi cay. Tôi đang châm ngòi bom xăng. Tôi đang tránh đạn. Tôi đang đánh nhau với đám cảnh sát đầu mít đặc. Tôi đang nguyền rủa mọi biểu tượng của chế độ cho đến khi khàn cả giọng.

Tại sao? Vì trước đây tôi đã từng làm tất cả những chuyện này, suốt trong mùa hè năm 1989 và 1990, khi cơn dịch phẫn nộ bùng phát và lan tràn ra trên khắp Đông Âu và Liên Xô, và rồi lần nữa vào năm 1991 và 1997, khi Đảng Cộng Sản Bulgaria và kẻ kế thừa ghê tởm của nó cuối cùng mất hết sự bám víu quá chặt vào quyền lực.

Có rất nhiều điểm tương đồng giữa Ai Cập ngày nay và Bulgaria vào thời cuối chiến tranh lạnh: Hosni Mubarak, từ chức vào thứ Sáu, nắm quyền lực suốt trong 30 năm; Todor Zhivkov, lãnh tụ Đảng Cộng sản, trị vì suốt 35 năm. Nhân dân cả hai nước đều bị nghiền nát bởi một chế độ áp bức, một quốc hội bù nhìn, một nền tư pháp tôi tớ cho nhà độc tài và một đài truyền hình nhà nước câm điếc, bởi những công an, mật vụ, cán bộ trung kiên và kẻ chỉ điểm ăn lương.

Ở Bulgaria, cũng như ở Ai Cập, tự do thể hiện và tự do hội họp đều bị coi như hoạt động tội phạm do các phần tử ở nước ngoài xúi giục. Ở Bulgaria, cũng như ở Ai Cập, cách mạng được tiến hành chủ yếu bởi lớp trẻ. Nhiều người Ai Cập gọi Mubarak một cách miệt thị là " Pharaoh". Còn ở Bulgaria, nhân vật trung tâm của chế độ, cựu thủ tướng Georgi Dimitrov, thật ra chỉ là một xác khô, xác ướp của ông được trưng bày trong một cái lăng vĩ cuồng đối diện với trụ sở Đảng Cộng sản. Nhiều người Bulgaria thường nói đùa rằng họ sống trong một triều đại Ai Cập nhưng ở trên một hành tinh tương tự khác.

Tôi nhớ nhiều tháng sau khi cuộc nổi dậy bắt đầu tôi không có mái nhà. Nền tảng của xã hội như đã tồn tại suốt trong 45 năm giờ tan rã. Ý nghĩ về trường lớp, hay về thực hành dương cầm, hay mơ về bữa ăn tối với gia đình, tất cả tưởng chừng như vô lý. Ngưòi ta thân nhau rất nhanh, ôm chặt nhau và thề tiếp tục biểu tình. Tuổi mười sáu, lòng tràn đầy phấn khích và háo hức đấu tranh, tôi ngủ qua đêm ở nhà những người lạ, hay cả trên hè phố. Rồi tình hình ngày càng trở nên thật tồi tệ. Những cuộc đình công rất lớn đã làm tê liệt cả nước. Các trạm xăng chẳng còn xăng. Bệnh viện hết những thứ cần thiết, kể cả thuốc tê. Các siêu thị chỉ bán thuốc tẩy. Điện mỗi ngày chỉ có một vài giờ.

Có lần, sau khi cùng với những người biểu tình trẻ đi lang thang khắp nơi trong thành phố trong mấy ngày liền không ăn hay ngủ, tôi đến thăm người yêu sống trên tầng 11 trong khu căn hộ tập thể kiểu Xô Viết, và tôi mắc kẹt trong thang máy đến mấy tiếng đồng hồ vì điện lại bị mất. Tôi nhớ ngay cả trong thời thời điểm tuyệt vọng ấy, khi gió lùa mạnh qua buồng thang máy tối đen, tôi vẫn nghĩ dù sao chờ bao lâu cũng đáng.

Trong nhiều năm, tôi cố gắng giải thích cho những người bạn Mỹ tôi lớn lên như thế nào sau Bức màn Sắt. Nhưng thường tôi nghe cùng câu trả lời: "Ồ, tưởng gì, tuổi tập tành làm người lớn của cậu hình như chẳng khác gì bọn mình; này nhé, cậu cũng say sưa chè chén, cũng hút thuốc, tụ tập lại chơi bời, cũng bị rắc rối. Ở đây chúng mình cũng tập tành như thế!" Tôi chợt hiểu ra rằng tôi đã không giải thích rõ ràng mọi sự.

Ước gì tôi có thể tái hiện lại không khí áp bức đầy sợ hãi ngày xưa ấy ... nhưng biết làm thế nào? Liệu tôi có nên kể rằng vào năm lớp một tôi bị bắt buộc ghi nhật ký để bày tỏ lòng biết ơn của mình về những kỳ tích mà xác ướp đã thực hiện vì tôi? Hay khi tôi học lớp chín tôi bị thầy giáo đánh vì tội chơi nhạc jazz trên dương cầm? (Jazz bị xem là nhạc đế quốc đồi trụy.) Thế còn người bà con của tôi, Iliya Popov, ở tù hàng chục năm trời trong những trại tập trung nơi hàng ngàn người chết và xác của họ bị ném cho lợn ăn? Thử hỏi như thế đáng đủ sợ chưa?

Điều khiến nhiều người không thật sự hiểu những chuyện đã xảy ra trong tất cả những năm đó ở Bulgaria và trong suốt ba thập niên qua ở Ai Cập, và xảy ra khắp nơi trong thế giới Ả Rập, là rằng nhân phẩm, chính ý tưỏng về nhân phẩm ấy, khó nắm bắt vô cùng. (Mới đây một người bạn chỉ cho tôi thấy, trên Facebook, điều đó ở khắp mọi nơi.) Nhân phẩm, như Bob Dylan có lần nói, chưa bao giờ được chụp ảnh. Đa số mọi người đều không biết họ có nhân phẩm cho đến ngày họ mất hoàn toàn nhân phẩm.

Tôi muốn khen ngợi các anh chị em người Ai Cập của mình can đảm phi thường và yêu cầu họ không bao giờ bỏ cuộc. Dù sao, tuy ông Mubarak có thể không còn nữa, nhưng thay đổi thật sự sẽ đến rất chậm, và với một giá rất đắt. Phải mất hai năm sau khi nhà độc tài nước tôi bị lật đổ trước khi chính phủ dân chủ đầu tiên ở Bulgaria lên cầm quyền, nhưng chính phủ non trẻ ấy tồn tại chưa đến một năm. Từ năm 1989 đến 2009,Bulgaria trải qua 10 chính phủ. Ngay cả hiện nay, cấu trúc quyền lực vô hình do những người Cộng sản lập ra vẫn đa phần còn nguyên vẹn, với tầng lớp cầm quyền hiện nay vẫn còn rất nhiều nhân viên an ninh chế độ cũ và những kẻ chỉ điểm.

Tuy nhiên, ngày nay trẻ em ở Bulgaria lớn lên tự do lắng nghe nhạc nào họ muốn nghe, nói những điều họ muốn nói, họp mặt ở bất kỳ nơi nào và bất kỳ lúc nào họ muốn, tự do chọn tương lai của mình. Những thiếu nữ sẽ không còn bao giờ bị các bác sĩ do nhà nước chỉ định khám xem họ có còn trinh. Các nam sinh trung học sẽ không còn bao giờ bị bắt buộc trần truồng phơi bày thân thể của mình ra trước mặt uỷ ban quân sự gồm những kẻ tình dục bệnh hoạn có nhiệm vụ phát hiện những dấu hiệu đồng tính luyến ái ở các tân binh tương lai. Còn xác ướp đã được an táng.

Cho dù chuyện gì diễn ra kế tiếp ở Ai Cập chăng nữa, Ai cập sẽ vẫn rất xứng đáng. Sau khi sống quá lâu trong cảnh áp bức, người Ai Cập đã đạt được điều quan trọng nhất: họ đã giành lại được nhân phẩm của mình.



Nikolai Grozni là tác giả của tiểu thuyết "Thần đồng" sắp ra mắt.


Nguồn: New York Times 13/2/2011

www.nytimes.com/2011/02/13/opinion/13grozni.html

28.8.11

WALL STREET JOURNAL -TỰ DO TRÊN BẬC THỀM QUỐC HỘI CUBA

Trần Quốc Việt dịch

Tuần qua bốn phụ nữ Cuba bước lên bậc thềm của toà nhà quốc hội ở Havana hô vang đều đặn hai tiếng "Tự do" trong 40 phút. Họ chắc chắn không phải là lực lượng phiến loạn. Nhưng ta không tin như thế qua cách chế độ Castro phản ứng. Một video về sự kiện này ghi lại cảnh an ninh nhà nước mặc sắc phục lôi kéo thô bạo những phụ nữ này đến những chiếc xe tuần tra đang chờ sẵn. Những phụ nữ này ắt hẳn là mối đe dọa cho chế độ vì họ bị tra hỏi và bị giam cho đến ngày hôm sau.

Vấn đề lớn hơn của chế độ có thể là đám đông tập trung lại để theo dõi. Trong khoảnh khắc bất đồng chính kiến hiếm hoi ở quảng trường công cộng ấy, đám đông đã hò reo phản đối, huýt gió chế giễu và sỉ nhục các nhân viên an ninh được phái đến để bắt đi những người phụ nữ này.

Một trong bốn phụ nữ, Sara Marta Fonseca, đã dành cho tờ báo mạng Diario de Cuba, trụ sở tại Tây Ban Nha, cuộc phỏng vấn qua điện thoại, khi chị đang trên đường về nhà sau khi được trả tự do. Chị Fonseca, là thành viên của Phong trào Dân Quyền Phụ Nữ Rosa Parks, nói rằng nhóm chị đang yêu cầu " chính quyền chấm dứt đàn áp phong trào Quý Bà Áo Trắng, chấm dứt đàn áp phong trào đối kháng và nhân dân Cuba nói chung." Quý Bà Áo Trắng là những nhà bất đồng chính kiến yêu cầu phóng thích tất cả các người tù chính trị.

Tuy nhiên như chị Fonseca giải thích, nhóm chị thật ra không phát biểu trực tiếp với chính quyền. "Mục tiêu của chúng tôi là một ngày nào đấy nhân dân sẽ cùng tham gia với chúng tôi," chị nói. "Trên thực tế chúng tôi không có sức mạnh và quyền lực để đánh bại chế độ độc tài. Sức mạnh và quyền lực ấy sẽ chỉ được tìm thấy trong sự đoàn kết của nhân dân. Chúng tôi gởi gắm tất cả niềm tin của chúng tôi vào điều này, niềm tin rằng nhân dân này sẽ vượt qua rào cản của sợ hãi và gia nhập phong trào đối kháng để giành lại tự do."

Chị Fonseca cho biết nhóm chị chọn toà nhà quốc hội vì khu vực này có đông dân địa phương và khách du lịch và họ muốn "tạo ra sự quan tâm đến tình cảnh nhân dân Cuba." Cuối cùng, chị nói chị mãn nguyện với kết quả đạt được khi chị nghe đám đông kêu lên " Này kẻ lạm quyền kia, hãy để cho họ yên, họ ôn hoà và họ nói sự thật." Phản ứng này, nhà bất đồng chính kiến từng trải này, nhận xét, "mạnh mẽ hơn" trong qúa khứ. "Tôi rất vui vì dù bị đánh đập và bị lôi kéo nhưng chúng tôi đã có thể thấy nhân dân sẵn sàng cùng tham gia với chúng tôi."

Suốt trong 52 năm chế độ độc tài Cuba đã nắm quyền lực nhờ vào sự sợ hãi. Nghèo đói, cô độc, gia đình tan nát và bao giấc mơ không thành của hai thế hệ người Cuba vẫn còn dai dẳng triền miên vì chế độ đã biến bất đồng chính kiến thành một điều cực kỳ nguy hiểm. Nếu nỗi sợ ấy tan dần đi, chế độ sẽ sụp đổ. Vì thế họ phải bịt miệng bốn người phụ nữ đứng trên bậc thềm toà nhà quốc hội.


Nguồn: Wall Street Journal 27/8/2011

24.8.11

Hãy Thả Ngay Những Người Yêu Nước


Trần Quốc Việt

Yêu nước không phải là quyền! Yêu nước không phải là tội! Yêu nước là bản năng sinh tồn của một dân tộc, là tình cảm sâu thẳm nhất trong mỗi con người.

Nếu yêu nước là có tội, chúng ta hãy đốt hết toàn bộ sách sử.

Nếu yêu nước là có tội, chúng ta hãy mang hết bàn thờ tổ tiên vất ra ngoài đường.

Nếu yêu nước là có tội, chúng ta hãy trở lại rừng tìm dấu vết tổ tiên sâu bọ của mình vì chúng ta không xứng đáng làm con người.

Nếu yêu nước là có tội, chúng ta hãy ra đường vào mỗi Chủ Nhật và thét to lên trước mặt bạo quyền "Chúng tôi không phải là người Việt Nam!" và " Hãy để cho chúng tôi yên với kiếp nô lệ muôn đời này."

Mỗi sáng nhìn vào gương, chúng ta nói thầm "Ta không phải là người Việt Nam, nên ta ra đường và về đến nhà chắc bình an. Nhà tù chỉ nhận những kẻ dở hơi tự cho mình là người Việt Nam trên đất nước Trung Quốc này."

Hoa hãy đừng nở, trăng hãy đừng lên, mưa hãy đừng rơi, và em ơi chúng ta hãy thôi nhau đi vì hôm nay anh là con sâu làm gì được có tổ quốc.

Nhưng anh không muốn làm sâu bởi vì anh quá yêu em , Việt Nam ơi!

Em đang ngồi tù vì yêu nước. Anh đứng ngoài nhà tù lớn muốn với tìm tay em trong ngục tối. Dựng lên giữa hai chúng ta là bức vạn lý tường thành Không Được Yêu Nước.

Nhưng anh muốn trở lại làm người để được yêu em như ngày nào nên ngày mai anh sẽ ra đường thét to lên " Hãy thả ngay những người yêu nước!" để mau chóng được về bên em trong bóng tối lao tù.

13.8.11

ROGER KIMBALL-PHÁP LUẬT CỘNG SẢN THEO QUAN ĐIỂM CỦA LÊ-NIN

Trần Quốc Việt trích dịch
Tất nhiên, chủ nghĩa Marx không chỉ hấp dẫn đối với các khát vọng tinh thần của nhân loại. Chủ nghĩa Marx cũng khẳng định bản chất côn đồ của nó. Điều này không thể nào được nhấn mạnh cho đủ. Thời này, Stalin và chủ nghĩa Stalin đang bốc mùi nặng. Chúng ta quên tình cảm lãng mạn các trí thức Tây phương đã dành cho tội phạm sát hại biết bao nhiêu người này. Chúng ta cũng thường bỏ qua sự thật rằng bản chất côn đồ là đặc trưng cơ bản, chứ không phải ngẫu nhiên, của chủ nghĩa Marx. Marx nói về "chuyên chính vô sản". Ông muốn nói gì qua từ "chuyên chính"? Lê Nin giải thích. "Chuyên chính" ông viết vào năm 1906, "có nghĩa là quyền lực vô hạn dựa trên vũ lực, chứ không dựa trên luật pháp." Phòng khi không đủ sức thuyết phục, Lê Nin thêm từ "khoa học": "Thuật ngữ chuyên chính khoa học hầu như không có nghĩa gì khác hơn là quyền lực không bị trói buộc bởi bất kỳ luật pháp nào, tuyệt đối không bị giới hạn bởi bất kỳ điều luật nào, và trực tiếp dựa trên bạo lực." Vào năm 1917, Lê Nin có cơ hội trình ra cho thế giới thấy lý thuyết này khi được thực hành thì trông giống gì. "Ông đã tạo ra hệ thống," Kolakowski nhận xét, "qua đó, tùy hứng của đảng bộ hay cơ quan công an địa phương, bất kỳ lời phê bình nào biết đâu cũng đều có thể bị chụp mũ phản cách mạng khiến cho tác giả của nó phải bị tù đày hay chết." Từ đấy đưa đến tầm quan trọng của khủng bố, một yếu tố cơ bản trong chương trình thiên đường không tưởng của cách mạng ít ra kể từ khi Robespierre nói về "đức tính và đứa con của nó, khủng bố." "Toà án," Lê Nin viết vào năm 1922, " không được cấm khủng bố ... mà phải trình bày một cách rõ ràng và hệ thống những nguyên nhân hình thành nên nền tảng của khủng bố, phải hợp pháp hoá nó về nguyên tắc, một cách rõ ràng, không cần phải giả vờ."

Tuy nhiên, điều rất quan trọng ta cần ghi nhớ không phải là sự tàn bạo của chế độ cai trị cộng sản -tức những gì chúng ta có thể gọi chủ nghĩa Marx tồn tại trong thực tế - mà chính là sự giả dối và xem thuờng luật pháp của chế độ. Chính điều này phân biệt độc tài bình thường với độc tài toàn trị. " Luật pháp," Kolakowski nhận xét, " có thể có những hình phạt rất nặng cho những tội nhẹ mà không nhất thiết phải toàn trị; điều đặc trưng của luật pháp toàn trị chính là xử dụng những nguyên tắc như nguyên tắc của Lê Nin: người dân có thể bị hành quyết vì thể hiện những quan điểm mà có thể " phục vụ khách quan quyền lợi của giai cấp tư sản." Điều này có nghĩa chính quyền có thể muốn giết ai cũng được; ở đây làm gì có cái gọi là luật pháp; không phải bộ luật hình sự quá nặng, mà là nó không tồn tại ngoại trừ chỉ ở cái tên."


Tựa đề của người dịch, tựa đề của bài viết dài trong nguyên bản tiếng Anh là "Leszek Kolakowski & sự phân tích về chủ nghĩa toàn trị."


Roger Kimball là biên tập viên và người xuất bản tạp chí New Criterion. Ông còn là nhà phê bình nghệ thuật và người thường đóng góp bài cho các báo và tạp chí nổi tiếng ở Mỹ và Anh.

Nguồn: Tạp chí New Criterion số tháng Sáu 2005

http://www.newcriterion.com/articles.cfm/Leszek-Kolakowski--the-anatomy-of-totalitarianism-1063

11.8.11

LÊ NIN BẢO VỆ CÁCH MẠNG NGA

Trần Quốc Việt dịch


1918/Petrograd


Các đồng chí! Phải đàn áp không thương xót cuộc nổi loạn của bè lũ năm tên phú nông. Quyền lợi của toàn bộ cuộc cách mạng đòi hỏi điều này vì trước mắt chúng ta hiện nay là trận chiến quyết định cuối cùng "với bọn phú nông." Chúng ta cần phải làm gương.

1) Các đồng chí cần treo cổ (nhớ phải treo cổ, để quần chúng chứng kiến) ít nhất một trăm tên phú nông khét tiếng, bọn nhà giàu, và những tên hút máu.

2) Công bố tên của bọn chúng.

3) Tịch thu toàn bộ thóc lúa của bọn chúng.

4) Hành hình các con tin - theo đúng với nội dung điện tín ngày hôm qua.

Việc này cần được thực hiện để làm sao nhân dân dù ở xa cả trăm dặm cũng đều sẽ thấy, rùng mình, biết, và thét to: chúng ta hãy bóp cổ những tên phú nông hút máu đó.

Nhớ điện cho chúng tôi biết các đồng chí đã nhận và đã thực hiện xong việc này.

Chào thân ái,

Lê Nin


Tái bút: Hãy dùng những người cứng cỏi nhất cho việc này.



Nguồn: Tạp chí Lapham's Quarterly

http://www.laphamsquarterly.org/voices-in-time/lenin-preserves-the-russian-revolution.php

4.8.11

CHRISTOPHER HITCHENS - TỰ DO NGÔN LUẬN

Trần Quốc Việt trích dịch

Từ trước bình minh của lịch sử con người, các bạo chúa đã dựa vào tư tưởng rất chính xác rằng lời của họ là luật, hay tuyệt đối. Các hoàng đế thời tiền La Mã và La Mã tìm cách che dấu điều này trong ý tưởng chính họ là những siêu nhân và họ được thần thánh hoá ngay khi còn lúc sinh thời. Các bạo chúa về sau tuyên bố trị vì theo "thần quyền của các quân vương," một sự khẳng định tồn tại cho đến thế kỷ thứ 18. Tất cả những kẻ nối ngôi hiện đại, từ Hitler đến Khomeini đến Kim Chính Nhật, đều nhất mực khẳng định chỉ có một người hay một đảng hay một cuốn sách tiêu biểu cho chân lý tuyệt đối, nên thách thức chân lý ấy là ngu xuẫn hay còn tồi tệ hơn thế. Nhưng chỉ cần một chú bé buột miệng thốt ra sự thật khó chịu là hoàng đế trần truồng như lúc sinh ra, và như thế, toàn bộ lâu đài quyền lực tuyệt đối bắt đầu sụp đổ.

Người lớn, tất nhiên, là "chín chắn" hơn, nếu không truyện cổ tích ấy sẽ chẳng hay đến như thế. Từng trải trong đời, người lớn có thể luôn luôn nghĩ ra đủ bao nhiêu lý do để im lặng và khiến người khác im lặng theo. Chẳng hạn, chúng ta có thể nên thảo luận chuyện tình dục trên sách báo? Hay công khai bất đồng với chính quyền trong thời chiến tranh? Hay đụng chạm đến tư tưởng ấp ủ của ai đó? Lưỡi và bút dù tự do nhưng không phải lúc nào cũng tạo ra những kết quả làm cho cuộc sống của chúng ta dễ dàng hơn hay thoải mái hơn.

Ý kiến riêng của tôi là ý kiến rất đơn giản. Quyền tự do thể hiện của những người khác cũng chính là một phần quyền của tôi. Nếu tiếng nói của ai đó bị dập tắt thì tôi bị tước đi cái quyền được nghe. Hơn nữa tôi chưa từng bao giờ gặp hay nghe nói đến ai đấy mà tôi sẽ tin tưởng phó thác cho họ công việc quyết định trước những gì mà tôi hay bất kỳ ai khác được phép nói hay đọc. Theo tôi hiển nhiên là tự do thể hiện gồm có việc ta có thể nói với những người khác những điều mà họ có thể không muốn nghe và, trên hết, tự do thể hiện phải mở rộng đến những người có tầm suy nghĩ khác.

Hầu hết tất cả các vụ án tự do ngôn luận nổi tiếng trong lịch sử nhân loại đều liên quan đến khái niệm báng bổ kỳ lạ, mà thực ra chỉ là khái niệm đơn giản cho rằng có những điều ta hoàn toàn không thể nói hay nghe. Phiên toà xử Socrates liên quan đến tội là cách suy nghĩ của ông đã khiến những người trẻ bất kính với các đấng thần linh. Trong phiên toà xử Galileo, những khám phá của ông về thiên văn được coi phá hoại giáo điều cho rằng trái đất là trung tâm và đối tượng của sáng tạo. Phiên toà Khỉ Scopes ở Dayton, Tennessee liên quan đến lời buộc tội rằng tác phẩm Về nguồn gốc các loài của Charles Darwin là báng bổ và đồi bại và cả sai trái. Chúng ta hồi tưởng những lúc khi các chính quyền, cũng như thường các đám đông cuồng nộ, quyết định nhắm mắt bịt tai họ và những người khác, rồi chúng ta lắc đầu tự hỏi họ lấy quyền gì.

Quyền sở hữu chân lý duy nhất là thứ quyền rỗng tếch. Hơn nữa, giống như các thị trường khác, các thị trường về tư tưởng và thông tin bị thiệt hại bởi sự bóp méo và chúng không phản ứng tốt với sự kiểm soát chắp vá vụng về. Nhắc đến thị trường, chúng ta hãy lưu ý đến công trình của nhà kinh tế người Ấn Độ Amartya Sen, người đã chứng minh rằng ở quốc gia nào có thông tin không bị kiểm duyệt thì nơi đó chưa từng bao giờ xảy ra nạn đói lớn nào cả. Đói kém hầu như luôn luôn xảy ra không phải do thiếu hụt thực phẩm mà do chính quyền, bất chấp dư luận, ngu ngốc tích trữ trong những thời khủng hoảng. Hãy nhớ điều này bất kỳ khi nào ta nghe ai nói tự do thể hiện là điều xa xỉ.

Trong đời nghề nghiệp của mình, tôi đã có dịp đến hàng chục quốc gia đang trải qua các cuộc khủng hoảng về chiến tranh hay nghèo khổ hay xung đột tôn giáo. Tôi có thể nói hết sức chắc chắn rằng ở bất kỳ nơi nào ánh sáng của tự do thể hiện và tranh luận bị dập tắt thì bóng tối nơi đấy càng rất dày dặc hơn, càng khắc đậm hơn, và càng kéo dài thêm ra. Nhưng thôi thúc muốn bịt kín tin xấu hay những ý kiến không hợp lòng sẽ luôn luôn là một thôi thúc rất mạnh, chính vì thế mỗi thế hệ cần phải tiếp tục chiến đấu cho trận chiến tái khẳng định quyền tự do ngôn luận.



Lời người dịch: Christopher Hitchens là nhà văn và nhà báo người Mỹ gốc Anh kỳ cựu và nổi tiếng về những bài viết phản biện về tự do ngôn luận, qua đó ông bảo vệ hùng hồn và cương quyết quyền tự do ngôn luận của tất cả mọi người.
Nguồn: Tạp chí Reader's Digest số tháng Tư 2011

2.8.11

ALEXANDER SOLZHENITSYN -CÔNG LÝ VÀ LƯƠNG TÂM

Lời người dịch - Tác giả viết lá thư sau cho ba sinh viên đã đến thăm ông. Tựa đề của người dịch.
Trần Quốc Việt dịch

Tôi nghĩ tôi đã không thổ lộ hết với các bạn mọi điều, tôi đã không nói rõ ra trọn vẹn những ý nghĩ của mình. Nên ở đây tôi muốn nói thêm mấy lời.

Công lý là tài sản chung của nhân loại suốt từ xưa đến nay. Công lý luôn luôn tồn tại cho đa số ngay cả khi công lý bị các giới ("độc quyền") nào đấy bóp méo. Hiển nhiên công lý là một khái niệm chỉ có ở con người, vì người ta không thể nào truy ra cội nguồn của công lý ở bất kỳ nơi nào khác. Công lý vẫn tồn tại cho dù chỉ có vài cá nhân thừa nhận chỉ mình nó. Theo tôi tình yêu công lý là tình cảm khác với tình yêu con người (hay ít ra hai thứ tình này giống nhau chỉ phần nào thôi). Cho nên trong những thời kỳ suy đồi tràn lan, khi câu hỏi được đưa ra, " Tại sao phải bận tâm?" " Những hy sinh như thế phỏng được gì?" ta có thể tự tin trả lời: "Vì công lý." Không có gì tương đối về công lý, vì không có gì tương đối về lương tâm. Thật ra, công lý chính là lương tâm, không phải lương tâm cá nhân mà lương tâm của toàn thể nhân loại. Những ai sáng suốt thừa nhận tiếng nói của lương tâm mình cũng thường thừa nhận tiếng nói của công lý. Tôi suy tư đến điều ấy trong tất cả các vấn đề về xã hội hay lịch sử (tức những vấn đề nếu chúng ta ý thức được không phải qua tin đồn hay từ sách vở, mà bởi qua cảm nhận tinh thần), công lý sẽ luôn luôn gợi ra cách hành động (hay phán xét) mà sẽ không xung đột với lương tâm của chúng ta.

Vì trí tuệ của chúng ta thường không đủ để nắm bắt, để hiểu, và để thấy trước được con đường của lịch sử ( và, như người ta nói, " kế hoạch" lịch sử đã được chứng minh là vô lý) ta sẽ không bao giờ sai lầm nếu trong bất kỳ hoàn cảnh nào ta cũng hành động đúng theo công lý ( điều này nói theo lối cũ trong tiếng Nga là: sống bằng sự thật * ). Nhờ thế, ta sẽ luôn luôn có thể hành động chứ không chỉ là nhân chứng thụ động.

Và xin đừng bảo tôi rằng "mỗi người hiểu công lý theo cách riêng của mình."
Không! Họ có thể la hét, họ có thể bóp cổ ta, họ có thể xé toang lồng ngực ta, nhưng những niềm tin không gì lay chuyển dựa trên lương tâm luôn luôn đúng và không bao giờ sai lầm như nhịp tim trong lòng (và ta biết trong đời riêng chúng ta thường cố gắng đè nén chính tiếng nói lương tâm ấy).

Chẳng hạn, tôi chắc chắn rằng những người giỏi nhất trong những người Ả Rập hiểu rằng - theo công lý -Do thái có quyền tồn tại và sống.

Ryazan, tháng Mười 1967

Nguồn:
tạp chí Survey, Số 73, mùa Thu 1969
Tạp chí Dissent đăng lại
dissentmagazine.org/files/TwoLettersfromSolzhenitsyn.pdf



* Các từ sự thật (pravda) và công lý (spravedlivost) có cùng ngữ căn trong tiếng Nga (chú thích trong bản tiếng Anh)