29.6.10

CÁC NHÀ BẤT ĐỒNG CHÍNH KIẾN VIỆT NAM KHÔNG HIỆN DIỆN TRONG TÂM TƯỞNG TÂY PHƯƠNG

Dustin Roasa

Trần Quốc Việt dịch


Vào ngày 8 tháng Mười năm 2009, một phụ nữ người Hà Nội tên Trần Khải Thanh Thuỷ đi xuống Hải Phòng, thành phố biển ở Việt Nam, để dự phiên toà xử sáu nhà hoạt động đấu tranh dân chủ. Nhưng chị không đến được toà án. Ngược lại, chị bị công an chặn đường bắt phải quay về nhà chờ có thông báo mới. Tối hôm ấy, hai người đột nhập vào nhà dùng gạch đánh chị trước mặt chồng và con gái, trong khi đó các công an bên ngoài thản nhiên đứng nhìn. Rồi công an bắt chị và cáo buộc chị tội hành hung.

Phiên toà xử Trần Khải Thanh Thuỷ diễn ra vào tháng Hai năm nay và kéo dài một ngày. Chứng cớ buộc tội chính là tấm ảnh được xem là của nạn nhân, người bị băng bó ở đầu, về sau những người viết blog Việt Nam chứng minh rằng ảnh đó đã bị nguỵ tạo thô thiển. “Đây là sự thêu dệt và hoàn toàn vu cáo,” Trần Khải Thanh Thuỷ nói về những về những cáo trạng. “Tôi phản đối phiên toà này, và tôi không đến đây để chấp nhận điều này.” Toà án kết tội chị ba năm rưỡi tù, nhưng chị đã không nghe được bản án vì chánh án đã đuổi chị ra khỏi toà do tội tự tiện nói trước toà. Thông cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) tuyên bố là vụ xử “cố tình bóp méo sự thật.”

Đây không phải là sự bất đồng đầu tiên giữa Trần Khải Thanh Thuỷ với nhà cầm quyền. Chị đã bị ở tù vào năm 2007 vì viết những bài báo chỉ trích chính quyền và kêu gọi dân chủ đa đảng. Các tổ chức nhân quyền và chính phủ nước ngoài xem chị là tù nhân lương tâm và đang kêu gọi trả tự do cho chị. Chị ít nhất là nhà hoạt động đấu tranh dân chủ thứ mười sáu bị cầm tù ở Việt Nam kể từ tháng Mười năm 2009, nằm trong điều mà đại sứ Mỹ tại Việt Nam mô tả là sự “tăng vọt” các vi phạm nhân quyền.

Quả thực đã có sự tăng vọt, nhưng đấy chỉ là phần nào của câu chuyện lớn hơn rất nhiều, và có tính lịch sử hơn. Lần đầu tiên kể từ khi thống nhất vào năm 1975, Đảng Cộng sản cầm quyền đang đối mặt với sự thách thức bền bỉ hơn và có tổ chức hơn về tính chính danh của Đảng. Những người bất đồng chính kiến thuộc đủ mọi tầng lớp trong xã hội đã cùng nhau kêu gọi tổ chức các cuộc bầu cử và đa nguyên chính trị. Phong trào này tuy nhỏ, nhưng đang lớn dần, và, xét theo mức độ trấn áp khốc liệt, nhà cầm quyền xem đây là vấn đề nghiêm trọng.

Song thế giới bên ngoài hầu như chẳng lưu ý đến. Là nhà báo đã từng làm việc ở Đông Nam Á trong năm năm vừa qua và hay tiếp xúc với các nhà hoạt động đấu tranh dân chủ ở Việt Nam, tôi thường tự hỏi tại sao phong trào đã không thu hút đuợc sự quan tâm sâu rộng của thế giới như những phong trào tương tự ở Trung Quốc, Miến Điện, và Zimbabwe. Cho dù lý do thế nào chăng nữa, bạn có lẽ đang đọc ở đây lần đầu tiên một bài viết về phong trào đấu tranh dân chủ ở Việt Nam.

Câu chuyện ấy mở đầu vào ngày 8 tháng Tư năm 2006, khi một nhóm các nhà hoạt động dân chủ công bố trên mạng bản tuyên bố tên “Tuyên ngôn Tự do Dân chủ Năm 2006″. Hơn hai ngàn người bao gồm các luật sư, cựu đảng viên Đảng Cộng sản, nhà sư Phật giáo, linh mục Công giáo, nhà văn, trí thức từ mọi miền đất nước, liều bị bắt để ký tên vào văn kiện này. Họ được biết đến qua tên Khối 8406, được đặt tên theo ngày công bố bản tuyên ngôn. Tuyên ngôn kêu gọi tổ chức các cuộc bầu cử và kêu gọi xác lập một thể chế chính trị tôn trọng các quyền cơ bản, lời lẽ trong bản tuyên ngôn đánh thẳng vào phần cốt lõi nhất trong tính chính danh của Đảng. Các cuộc chiến tranh giành độc lập chống người Pháp và người Mỹ của Việt Nam, theo lời các tác giả của bản tuyên ngôn, về cơ bản thực chất là mang tính dân tộc. Song qua bạo lực và khủng bố trấn áp, những người theo đuổi ý thức hệ cộng sản đã cướp và tiếm đoạt công lao đấu tranh ấy để phục vụ cho các mục đích riêng của mình. Điều này đúng hay sai nói chung không quan trọng. Điều quan trọng là qua việc truy đuổi chính quyền ngay chính trên lãnh địa mà chính quyền xem là thiêng liêng, tức vai trò lãnh đạo của Đảng trong các cuộc chiến tranh giành độc lập và thống nhất của Việt Nam, các nhà bất đồng chính kiến đang phát đi một thông điệp rằng họ không nói suông.

Nhà cầm quyền trả đũa bằng nhiều vụ bắt giam. Những ai thoát khỏi cảnh tù tội thì đối mặt với cảnh bị đánh đập, sách nhiễu, và hăm dọa. Báo chí nhà nước đăng những bài báo lên án những thành viên Khối 8406 là “lạm dụng tự do dân chủ” và mưu toan lật đổ chính quyền. Cuộc trấn áp này đã gây ra hậu quả đáng sợ. Đa số các nhà bất đồng chính kiến ngừng phát biểu công khai, nhưng một thiểu số rút lui vào hoạt động bí mật, họ vẫn âm thầm tiếp tục tổ chức và cho ra những nội san và tuyên bố.

Tôi có dịp thăm vài thành viên Khối 8406 ở Việt Nam vào mùa đông năm 2007, và tâm trạng của họ là bi quan. Mặc dù họ tin là, theo thời gian cùng với lòng kiên nhẫn, toàn thể nhân dân sẽ tìm thấy đủ can đảm để chung sức với họ, nhưng phong trào luôn luôn bị trấn áp và các thành viên đang bị mất hút dần vào chốn lao tù. Các nhà bất đồng chính kiến bị cô lập nên cần một vấn đề để kích hoạt sự ủng hộ. Người thì hy vọng các quyền lao động sẽ là câu trả lời – các cuộc đình công là hiện tượng ngày càng gia tăng tại các xí nghiềp trong nước – ngược lại kẻ thì hy vọng các quyền về đất đai và tự do tôn giáo sẽ tạo ra sự ủng hộ hợp lòng dân. Các nhà bất đồng chính kiến cũng hy vọng các nhà báo sẽ bắt đầu đổ xô vào trong nước để tường thuật câu chuyện của họ, và các nhà hoạt động dân chủ người nước ngoài sẽ quan tâm đến phong trào của họ. Trừ một vài ngoại lệ, bao niềm hy vọng này đã không thành. Tại sao?

Phải chăng Việt Nam thiếu một nhà lãnh đạo có tầm thu hút lớn để lay động luơng tâm thế giới, như Aung San Suu Kyi của Miến Điện hay Morgan Tsvangirai của Zimbabwe? Các nhà lãnh đạo phong trào Việt Nam không có nhân vật nổi tiếng tương tự, nhưng họ cũng đã chứng tỏ rất can đảm và từng trải qua nhiều gian khổ không kém. Chẳng hạn, bác sĩ Nguyễn Đan Quế ở thành phố Hồ Chí Minh, trong ba mươi năm vừa qua đã ở tù đến hai mươi năm, tuy nhiên không ai biết đến ông ngoại trừ các độc giả chăm chỉ nhất của trang mạng của tổ chức Human Rights Watch. Ông tranh đấu không ngừng nghỉ với tư cách tác giả, nhà tư tưởng, và nhà chiến lược của phong trào. Ông hiện thực sự sống trong cảnh bị quản chế tại gia, nơi ông bị công an theo dõi và sách nhiễu thường xuyên. Dù bản thân và gia đình đã phải trả một giá quá lớn, ông vẫn từ chối những lời mời sang sống lưu vong ở Hoa Kỳ. Không có tiếng nói nào tốt hơn cho phong trào bất đồng chính kiến Việt Nam bằng tiếng nói của Nguyễn Đan Quế. Nhưng thế giới chẳng đáp lại lời họ.

Phải chăng phong trào không có đủ sự ủng hộ ngay trong nước để được xem là một hiện tượng quần chúng thực sự? Mặc dù chính các nhà bất đồng chính kiến thừa nhận rằng phong trào còn nhỏ, có lẽ với chỉ độ vài ngàn thành viên tích cực, nhưng họ tuyên bố có nhiều người Việt Nam ủng hộ họ nhưng không thể bộc lộ do sợ nhà cầm quyền. Ta không có cách thật sự nào để kiểm chứng lời tuyên bố này, nhưng phong trào tranh đấu dân chủ tại Trung Quốc, vẫn số lượng nhỏ như vậy và vẫn sự ủng hộ không thể xác định được trong quần chúng như vậy, đã được truyền thông quốc tế bênh vực ủng hộ. Các nhà báo như Howard French trong suốt nhiều năm đã tích cực đưa những nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc lên trang nhất tờ New York Times, ngược lại tờ báo ấy quyết định nhắc đến các nhà bất đồng chính kiến Việt Nam chỉ một vài lần. Còn các tờ báo khác hầu như hành xử cũng chẳng gì tốt hơn.

Phải chăng chính quyền Việt Nam thật ra chẳng tồi tệ đến như thế? Theo các tổ chức như Human Rights Watch, Freedom House, Phóng Viên Không Biên Giới, và nhiều tổ chức khác, Việt Nam là một trong những nước hà khắc nhất thế giới. Chính quyền Việt Nam không cho phép đối lập chính trị; chính quyền kiểm soát toàn bộ truyền thông trong nước; chính quyền không cho phép công nhân tập hợp tổ chức; chính quyền thường xuyên tịch thu đất đai của nông dân để làm giàu cho nhà cầm quyền và cho những kẻ có những mối quen biết về chính trị. Tuy nhiên không hiểu sao chính quyền đã tìm được cách giới hạn các cuộc thảo luận quốc tế về Việt Nam chỉ riêng vào lĩnh vực du lịch và kinh tế đang bùng nổ ở trong nước. Những người Phương Tây tái khám phá đất nước này sau nhiều năm cô lập đã kinh ngạc khi thấy Việt Nam không còn giống như vùng chiến sự ngày xưa và khi thấy Việt Nam mời gọi đầu tư nước ngoài. Các cuộc thảo luận hay trò chuyện đều không đi xa quá điều ấy.

Phải chăng thế giới đối xử Việt Nam khác vì Việt Nam chiếm một vị trí độc đáo trong tâm tưởng Tây Phương? Trước tiên, dĩ nhiên, “Việt Nam” gợi tưởng đến chiến tranh. Trong tâm tưởng Tây Phương, tất cả những ý nghĩa khác của từ này đều bắt nguồn từ sự gợi tưởng ấy. “Việt Nam” là ẩn dụ đầy bất trắc của niềm tự tin thái quá Tây Phương và, ngược lại, là sự cao quý của các phong trào cách mạng thế giới thứ ba. “Việt Nam” gắn liền với thập niên sáu mươi và với sự thay đổi căn bản trong các giá trị Mỹ cùng sự xuất hiện nền văn hoá đại chúng mới. Trong những năm gần đây, “Việt Nam” đã bắt đầu được dùng đến để biện minh cho nhiều lập trường trái ngược nhau về các cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Iraq. Nếu ta ủng hộ sự tham chiến tiếp tục của Mỹ trong các cuộc chiến này, “Việt Nam” là câu chuyện cảnh báo về cái giá bỏ rơi đồng minh, là chuyện kể về các trại cải tạo và thuyền nhân. Còn nếu ta phản đối các cuộc chiến này, “Việt Nam” là câu chuyện cảnh báo không kém về những làng mạc bị ném bom tan tành và những người lãnh đạo không trung thực. Cho nên, ta không lấy làm ngạc nhiên rằng trong tâm tưởng Tây Phương, “Việt Nam” không còn giống nhiều Việt Nam ngày nay, một nước của tám mươi lăm triệu người dưới ách cai trị của một trong những chế độ độc tài cộng sản cuối cùng trên trái đất.

Dù vậy, có lẽ “Việt Nam” khắc sâu trong lòng nhất là Việt Nam của mặc cảm có tội. Chuyện Hoa Kỳ đã làm những điều kinh hoàng – từ chất độc da cam, ném bom rải thảm, đến những vùng oanh kích tự do – là hiển nhiên, và nhiều hậu quả từ những hành động này ngày nay ta vẫn còn nhìn thấy ở cảnh và người ở đấy.

Tôi sống ở Phnom Penh, Cambodia, một đất nước chỉ mới vừa đây thoát ra được cơn chấn thương từ cuộc chiến tranh Việt Nam mà họ đã bị lôi kéo vào. Trong những di sản thấy rõ nhất của thời chiến này là hình ảnh vô số người tàn phế ở trong nước, nhiều người trong số họ bị mất tay chân do hàng ngàn quả bom chưa nổ do máy bay Mỹ thả xuống trong những phi vụ bí mật ở miền đông Cambodia đã san bằng toàn bộ những ngôi làng và sát hại hàng chục ngàn người. Những vùng rộng lớn ở miền đông Cambodia hiện vẫn còn đầy rẫy những quả bom còn sót lại chưa nổ này, để rồi từ đấy tiếp tục giết và gây tàn phế cho nhiều người Cambodia nghèo ở nông thôn. Việt Nam cũng có những tàn tích riêng của cuộc chiến, trong đó có đạn pháo chưa nổ còn sót lại và những trẻ em bị khuyết tật bẩm sinh do chất độc da cam gây ra. Tôi sống và làm việc ở Việt Nam từ năm 2004 đến 2005, và bản thân thường cảm thấy it nhiều ray rứt hay xấu hổ. Nhưng tôi ngạc nhiên rằng tôi không bao giờ gặp phải sự thù hận từ phía những người Việt Nam. Thay vào đấy, tôi chủ yếu cảm nhận sự cởi mở và quan tâm. Có nhiều dịp khi chủ đề chiến tranh được nhắc đến, phản ứng thường phụ thuộc tuổi tác người đối diện. Người trẻ nói chung thờ ơ về cuộc xung đột đã diễn ra trước khi họ chào đời và chẳng ảnh hưởng gì mấy đến cuộc đời họ. Còn những người Việt Nam đủ lớn tuổi để trải qua chiến tranh nói chung là rất lịch sự, tôi nghĩ điều này có lẽ do người Việt Nam phân biệt rạch ròi giữa nhân dân Mỹ và các hành động của chính quyền Hoa Kỳ. Tôi thậm chí thỉnh thoảng đã gặp phải điều mà tôi hiểu là sự thương hại, mà tôi tin là có liên quan đến kết quả của cuộc chiến: họ thắng ta thua. Tuy thế tôi vẫn không bao giờ cảm thấy vơi hết sự ray rứt và xấu hổ trong lòng.

Khi ở Việt Nam phần lớn thời gian tôi làm việc cho các báo nhà nước ở Hà Nội. Vào đầu đợt làm việc ở một trong những tờ báo này, tôi có lần biên tập một bài báo về các phi công Mỹ trong thời gian chiến tranh bị giam tại “Khách sạn Hilton”, một nhà tù miền Bắc khét tiếng về việc đối xử tàn tệ và tra tấn các người tù. Bài báo khẳng định rằng miền Bắc Việt Nam đã đối xử tốt với các người tù. Để chứng minh điều ấy, báo đưa ra một loạt các tấm hình trắng đen đã bị nổi hột chụp cảnh người Mỹ đang chơi bóng chuyền và đánh cờ và ngồi thành vòng tròn trò chuyện với nhau ở trong sân nhà tù. Qua các dáng bộ cứng ngắc và những nụ cười gượng gạo, những tấm hình này rõ ràng đã được dàn dựng trước. Tôi nghĩ đến chuyện nên than phiền với người biên tập về điều này. Không phải vì lời góp ý sẽ thay đổi số báo ra ngày hôm sau – những người phụ trách kiểm duyệt của báo đều có quyết định cuối cùng về tất cả nội dung của báo sẽ được in ra – mà vì, ít ra, cũng phải có người lên tiếng phản đối. Tuy nhiên, sau khi suy nghĩ lại, tôi đã từ bỏ ý định ấy. Là người Mỹ, tôi lập luận, tôi không có quyền phàn nàn, khi xét đến tất cả những chuyện ghê sợ mà nước tôi đã gây ra ở Việt Nam trong thời chiến tranh. Chẳng quan trọng là những chuyện này xảy ra trước khi tôi sinh ra, và tôi sẽ lên án những chuyện này ngay nếu có bất kỳ ai hỏi đến. Tôi sẵn sàng chấp nhận phiên bản lịch sử mà tôi biết là giả dối để tránh đối diện với cảm giác xấu hổ mà tôi đã không tìm được những lời giải hợp lý.

Từ nơi ấy tôi nhảy ngay qua nơi khác với những công việc mới còn đáng lo hơn nhiều. Những tù binh cuối cùng đã trở về Hoa Kỳ cách đây hơn ba mươi năm; thế còn ở đây ngay bây giờ thì sao? Ngoài các nhà bất đồng chính kiến, trong dân chúng nói chung ở Việt Nam có sự bất mãn thật sự về chế độ chính trị hiện nay. Sau nhiều tháng gầy dựng lòng tin, một số người Việt Nam tôi quen biết đã thổ lộ tâm tư của mình. Một người bạn làm báo đã chợt vỡ lẽ ra khi đọc cuốn Mộ Lenin của tác giả David Remnick tại một đại học ở nước ngoài. “Cũng giống như ở đây thôi,” chị thì thầm với tôi vào một buổi tối khá khuya ở một nhà hàng, “Tôi chẳng biết làm gì về hơn về chuyện này. Tôi còn phải lo cho gia đình.” Một tay ghi-ta chơi cho một trong vài ban nhạc rock trong nước phàn nàn rằng các nghệ sĩ trình diễn phải cẩn thận những gì họ nói trên sân khấu vì sợ rắc rối với công an. Một nha sĩ thất nghiệp cho biết ông không mở phòng mạch được vì thiếu tiền lo lót.

Là ngoại kiều, tôi sống thoải mái và chẳng phải lo sợ gì nhà cầm quyền. Nhưng hễ lúc nào tôi bắt đầu quên đi hiện thực trước mặt, thì một sự việc đã xảy ra thoáng qua trên đường phố lại hiện về nhắc nhở tôi đến thực tại thực sự như thế nào. Tôi sẽ không bao giờ quên cái cảnh tượng một người phụ nữ bán trứng rong bị một tốp công an đánh đập vào một buổi sáng trên đường tôi lái xe đi làm. Chị là phụ nữ nghèo ở nông thôn dạt lên thành phố kiếm sống, và tôi chẳng biết chị bị tội gì, hay có lẽ tội vặt vãnh không đáng. Khi lòng đỏ trứng ứa ra từ những vỏ trứng bị bể chảy xuống lòng đường, những người đang trên đường đi làm thấy vậy khiếp sợ giả vờ không chú ý đến, còn người phụ nữ bán hàng rong ấy nhẫn nhục chịu đòn mà không một lời cầu cứu. Tôi cố gắng không chú ý đến cảnh tượng đau lòng đang xảy ra ấy, nhưng khác với những người đi đường khác, tôi không sợ công an. Các lý do của tôi thì khác, và đến thời điểm ấy đã trở thành một phản xạ: tôi lấy quyền gì mà lên án vụ đánh người ấy, xét đến những gì nước của tôi đã gây ra tại Việt Nam trong thời chiến?

Niềm ray rứt và nỗi xấu hổ đằng sau quyết định của tôi đã không phản đối vụ đánh đập chị bán trứng rong ấy, tôi tin, cũng chính là các thôi thúc giải thích quyết định của cộng đồng quốc tế làm ngơ trước phong trào đấu tranh dân chủ tại Việt Nam. Một người Tây Phương ủng hộ dân chủ ở Việt Nam đương thời có thể gượng gạo nêu ra nhiều lý lẽ tương tự như những lý lẽ biện minh cho chiến tranh của người Mỹ – phải chăng chúng ta đã không rút ra được bài học gì? Hãy quên đi rằng đưa ra sự ủng hộ công khai, và, nếu cần thiết, cả về vật chất cho phong trào bất đồng chính kiến sở tại là tuyệt đối khác hẳn với sự ủng hộ can thiệp bằng quân sự. Theo nếp nghĩ này, những người Tây Phương đã từ lâu mất đi “thẩm quyền đạo đức” của mình để can dự vào Việt Nam đương thời ngoại trừ với tư cách du khách hay nhà đầu tư.

Một vấn đề gắn liền với sự giả định này là thực ra nó chỉ là sự ích kỷ vì nó cho phép những người Tây Phương tránh đưọc những cảm xúc phức tạp và khó chịu. Vấn đề khác là chẳng ai bận tâm nói chuyện với những người Việt ấy. Ta có thể hỏi những nhà bất đồng chính kiến ấy sự ủng hộ nào họ muốn, dù rằng các câu trả lời của họ cho câu hỏi này sẽ gây ra những nguy hiểm rất lớn cho bản thân họ.

Các nhà bất đồng chính kiến mà tôi biết hy vọng sự tham gia nước ngoài vào sự nghiệp đấu tranh của họ. Họ cần đến sự ủng hộ của các nhà báo và các nhà hoạt động dân chủ để thuật lại câu chuyện của họ và qua đó áp lực Đảng Cộng sản phải thay đổi. Thêm vào đấy, họ nói, cộng đồng quốc tế có nghĩa vụ buộc Việt Nam phải tôn trọng những tiêu chuẩn nhân quyền thông qua những tổ chức quốc tế mà Việt Nam đã gia nhập hay hy vọng gia nhập. Cuối cùng nhiều người chọn ra Hoa Kỳ: người Mỹ phải tác động hơn nữa, vừa với tư cách cá nhân và vừa thông qua chính phủ, để đòi hỏi có sự thay đổi ở Việt Nam.

Điểm cuối cùng này dễ dẫn đến tranh cãi, nhưng nó không dựa vào niềm tin hơi ngây thơ về các ý định của Mỹ; mà đấy là sự thừa nhận hiện thực có tính địa-chính trị. Hoa Kỳ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam; Hoa Kỳ cũng là nơi có cộng đồng người Việt lưu vong đông nhất thế giới; người Mỹ là một trong những nhóm khách du lịch lớn nhất đến Việt Nam hàng năm; và, tuy Trung Quốc mới trỗi lên gần đây, nhưng Hoa Kỳ vẫn là người dự phần có ảnh hưởng trong khu vực Đông Nam Á. Những hoang tưởng do tội lỗi gây ra về những người Mỹ đang sám hối tội lỗi của họ trong quá khứ bằng cách đứng bên lề vẫn chỉ đơn thuần là những hoang tưởng. Chúng không giải thích sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Mỹ ở tại nước này. Khi mối ảnh hưởng này còn duy trì, thì người Mỹ phải bảo đảm rằng nó có yếu tố nhân quyền mà không nhất thiết phải hợp với quyền lợi Mỹ về thương mại hay về chiến lược.

Trong các nhà bất đồng chính kiến tôi có dịp nói chuyện, Nguyễn Thanh Giang, nhà địa vật lý bảy mươi bốn tuổi ở miền Bắc, có những quan điểm khá tiêu biểu về những chủ đề này. Tuy ông chưa bao giờ là đảng viên Đảng Cộng sản, nhưng ông vẫn được giữ chức vụ lãnh đạo ở Cục Địa chất Hà Nội trong một thời gian dài. Chính quyền cho phép ông sang Hoa Kỳ để dự một số hội nghị vào những năm tám mươi và chín mươi – ông là một trong những nhà khoa học đầu tiên được phép đến Mỹ – nhờ vậy ông đã mở mắt thấy được những vấn đề ở Việt Nam. Từ đấy ông bắt đầu viết những bài góp ý và thư ngỏ gởi tới Đảng nhằm kêu gọi cải cách. Năm 1999 ông bị bắt giam về tội bất đồng chính kiến và bị biệt giam hơn một tháng, nhưng ông được thả ra do áp lực từ chính phủ Hoa Kỳ và từ các tổ chức nhân quyền và khoa học. Hiện giờ ông về hưu và sống trong cảnh bị quản chế tại gia ở Hà Nội.

Tuy Nguyễn Thanh Giang kêu gọi Mỹ ủng hộ sự nghiệp đấu tranh dân chủ, nhưng ông không phải là kẻ biện minh cho những hành vi của Mỹ trong thời chiến. Người Mỹ đúng khi cảm thấy đau buồn và xấu hổ, ông viết trong một điện thư gởi cho tôi. “Nhưng nhà cầm quyền Việt Nam cũng phải nên bày tỏ sự đau buồn và xấu hổ tương tự,” ông viết. Chế độ ở Việt Nam đã làm những chuyện “trái với đạo lý và xuẩn ngốc không kém” trong và sau chiến tranh, bao gồm chiến dịch Cải cách Ruộng đất giữa thập niên 1950 đã khiến hàng trăm ngàn người chết, và vụ trấn áp tàn bạo phong trào Nhân Văn, một nhóm cải cách của Đảng Cộng sản. Ông nêu những chuyện này ra không phải để xí xoá cho hành vi của Mỹ, mà để chứng minh điều ông tin là bản chất thật sự của chiến tranh, tức một “trò chơi bẩn thỉu” mà khi tàn cuộc không ai lại không vấy bùn. Nhưng tội lỗi không có nghĩa là sự ân hận nên khiến cho người Mỹ bị tê liệt; trái lại, họ nên coi đó là một trách nhiệm đặc biệt để “đền bù sự tàn phá do bom Mỹ gây ra ở Việt Nam ” bằng cách ủng hộ phong trào đấu tranh dân chủ.

Một số người Mỹ đã lên án tình cảnh tại Việt Nam. Song rất ít người trong số họ thuộc về cánh Tả. Một số nhỏ các tờ báo Mỹ đăng những bài ủng hộ phong trào đấu tranh dân chủ Việt Nam thường có khuynh hướng bảo thủ: các tờ Wall Street Journal, New York Post, New York Sun. George W. Bush đã mời bốn nhà hoạt động dân chủ người Mỹ gốc Việt, trong đó có một người từng bị ở tù, đến toà Bạch Ốc vào năm 2007 và giúp đạt được sự phóng thích cho nhà bất đồng chính kiến trên mạng Nguyễn Vũ Bình trước khi Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết thăm toà Bạch Ốc trong cùng năm. Barack Obama, ngược lại, đã không biểu lộ sự quan tâm như thế về chủ đề này, mà ta có lẽ chẳng lấy làm ngạc nhiên vì ông cũng chẳng mở miệng nói gì về nhân quyền ở Châu Á. Như vậy chỉ còn lại hai nhóm cử tri chính người Mỹ hoạt động tại Việt Nam, và cả hai đều bảo thủ: mạng lưới những người quan tâm đến tự do tôn giáo và các nhà đầu tư quan tâm đến tự do kinh tế.

Tự do tôn giáo và tự do kinh tế thật sự là những vấn đề quan trọng đối với phong trào đấu tranh dân chủ, nhưng chương trình hành động của phong trào bao quát hơn nhiều và bao gồm những vấn đề tha thiết đối với những ai cấp tiến, chẳng hạn các vấn đề người thiểu số và các quyền lao động. Những nhà bất đồng chính kiến xem mình là đồng minh tự nhiên của hàng triệu công nhân Việt Nam đang làm việc tại các nhà máy sản xuất hàng hoá cho Phương Tây. Các cuộc đình công, tuy bất hợp pháp, nhưng đã gia tăng trong những năm vừa qua, nên các nhà bất đồng chính kiến đang cố gắng đi sâu vào công nhân, bất chấp chính quyền ra sức ngăn chặn họ. Chừng nào chính quyền Việt Nam và giới chủ Tây Phương là những tiếng nói duy nhất ở các nhà máy, các công nhân nhất định còn chịu bao điều kiện khắc nghiệt, tiền công thấp, và sự cô lập về chính trị.

Tuy nhiên, vẫn có con đường tiến đến tương lai cho những người Mỹ nào quan tâm đến dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam. Khi hồi tưởng lại quá khứ của mình ở Việt Nam, Hoa Kỳ hầu như chẳng có gì để cảm thấy tốt, nhưng nước Anh cũng đâu có vui gì khi hồi tưởng lại lịch sử của họ ở Zimbabwe hay ở Miến Điện. Thế mà người Anh và chính quyền họ đã và đang là những người chỉ trích chính cả hai chế độ, cho dù biết làm thế là chịu đựng những lời tố cáo có thể đoán trước được như thói xưa đánh chết cũng không chừa. Người Mỹ cất tiếng phản đối chế độ hiện nay tại Việt Nam có thể lường trước lời tố cáo như vậy từ chính quyền Việt Nam và cũng từ bên ngoài nước này. Điều ấy sẽ gợi lên những ký ức không vui, nhất là đang có chiến tranh diễn ra tại Iraq và Afghanistan.

Nhưng cái giá đứng bên lề lại quá cao, đặc biệt khi xét đến những biến chuyển gần đây ở Việt Nam mà gợi ý rằng phong trào đang ở vào một giai đoạn rất quan trọng. Vào mùa hè năm 2008, các nhà bất đồng chính kiến nhận một món quà không ngờ từ nhà cầm quyền. Chính quyền Việt Nam đã âm thầm nhượng đất trị giá hàng tỷ đô la cho một công ty Trung Quốc ở cao nguyên trung phần Việt Nam. Theo điều khoản của việc mua bán này, công ty Trung Quốc đã đưa vào hàng ngàn công nhân nước ngoài, vào lúc thất nghiệp lên cao tại Việt Nam, và họ đồng thời xây dựng những khu nhà ở và những nhà hàng mang bảng hiệu tiếng Trung Quốc.

Ít có vấn đề nào đoàn kết người Việt Nam cho bằng sự nghi ngờ về người hàng xóm to lớn của họ ở phương Bắc. Hai nước có chung lịch sử đầy sóng gió được đánh dấu qua những thời kỳ dài Bắc thuộc và chiến tranh, gần đây nhất là cuộc chiến tranh tuy ngắn nhưng đẫm máu vào năm 1979. Phản ứng mạnh mẽ chống lại vụ khai thác mỏ đã bùng lên. Tướng Võ Nguyên Giáp chín mươi tám tuổi, vị anh hùng quân đội của Việt Nam trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, đã công khai chỉ trích sự nhượng bộ đất đai này. Những người viết blog ở Việt Nam viết về hiểm hoạ thâm nhập từ các nhân viên tình báo và quân đội bí mật Trung Quốc. Phong trào đấu tranh dân chủ đã chụp lấy vấn đề này này để phát ra những lời hiệu triệu cháy bỏng kêu gọi lòng yêu nước của người Việt được lồng trong những nguyên tắc dân chủ: tầng lớp cai trị cao nhất trong chính quyền tham lam, vô trách nhiệm, đang bán đứng linh hồn Việt Nam cho Trung Quốc, và chỉ có thể chế chính trị thật sự dân chủ mới có thể ngăn chặn họ lại.

Một người chỉ trích đã kết nối vấn đề Trung Quốc với dân chủ là Lê Công Định, luật sư bốn mươi mốt tuổi từng theo học tại Đại học Tulane nhờ học bổng Fulbright. Lê Công Định nổi tiếng ở Việt Nam sau khi đại diện cho chính phủ trong một số vụ kiện nổi bật, trong đó có việc tranh chấp thương mại với Hoa Kỳ về vụ bán phá giá cá ba sa, mà Việt Nam đã thắng. Anh cũng đảm nhận công việc đầy bất trắc là biện hộ cho các nhà bất đồng chính kiến tại toà, nhưng danh tiếng cùng với địa vị cao trong chính quyền đã bảo vệ anh khỏi bị trả thù. Cuối cùng anh bị rắc rối với nhà cầm quyền khi anh bắt đầu viết các bài về vụ khai thác bauxite và cũng về vụ tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc liên quan đến các đảo có tiềm năng chứa nhiều dầu lửa trên biển Đông. Vào ngày 20 tháng Giêng năm nay, anh bị kết án năm năm tù vể tội tuyên truyền chống nhà nước. Án tù áp đặt lên Lê Công Định phát đi một tín hiệu rõ ràng: phát biểu công khai về Trung Quốc và dân chủ sẽ không dược dung thứ, dù với những ai có mối quan hệ với chính quyền hay xuất thân trong các gia đình tốt về chính trị.
Khi qua vấn đề Trung Quốc, ngày càng có nhiều người Việt trở nên ý thức về phong trào đấu tranh dân chủ, và khi sự trấn áp các nhà bất đồng chính kiến càng tiếp tục khốc liệt như hiện nay, sự ủng hộ quốc tế dành cho sự nghiệp đấu tranh dân chủ ở Việt Nam càng cực kỳ quan trọng hơn bao giờ hết. Trường hợp Lê Công Định nhắc nhở rằng trong các xã hội chuyên chế, bất đồng chính kiến là một chuyện đầy nguy hiểm mà chẳng đảm bảo thắng lợi. Dù vậy, ta hãy tưởng tượng nếu những lời kể của Solzhenitsyn về các quần đảo ngục tù bị bỏ rơi ngoài tai. Hay nếu Hiến chương 77 không bao giờ được ai ngoài biên giới Tiệp Khắc đọc đến. Ngay giờ đây có những Solzhenitsyn và những Havel ở Việt Nam. Liệu có ai sẽ lắng nghe họ?

Dustin Roasa là nhà báo tự do tại Cambodia viết về các vấn đề nhân quyền và phát triển ở Đông Nam Á. Ông đã sống ở Việt Nam từ năm 2004 đến 2005 và thường quay trở lại Việt Nam.

Nguồn: “Vietnamese Dissidents: Absent from the Western Mind”, Tạp chí Dissent, số mùa Hè năm 2010.

Bản tiếng Việt © 2010 Trần Quốc Việt

Bản tiếng Việt © 2010 talawas

28.6.10

Leszek Kolakowsi – Chủ nghĩa xã hội còn lại gì

Trần Quốc Việt dịch

Lời người dịch: Leszek Kolakowsi (1927-2009) là một triết gia Ba Lan nổi tiếng thế giới, có ảnh hưởng rất lớn đến phong trào phản kháng ở Đông Âu, đặc biệt tại Ba Lan. Ông bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Ba Lan năm 1966 và bị cấm dạy tại Đại học Warsaw năm 1968, sau khi ông phê phán chủ nghĩa Stalin qua các bài viết được lưu hành bí mật. Từ đó ông bắt đầu cuộc đời lưu vong, và lần luợt giảng dạy tại các đại học như Berkeley, Yale, Chicago, và cuối cùng Oxford. Trong năm thập niên, ông viết hơn 30 cuốn sách, chủ yếu về triết học, nổi bật nhất và có tầm ảnh hưởng lớn nhất là bộ sách 3 tập, Main Currents of Marxism: Its Rise, Growth and Dissolution (1976). Tác phẩm này là “giấy khai tử” về trí thức của tư tưởng Mác-xít viết ra 13 năm trước khi chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu đi vào nghĩa trang lịch sử năm 1989. Các nhà lãnh đạo phong đoàn Công đoàn Đoàn kết tranh đấu bền bỉ dựa trên các tư tưởng chống Mác-xít của ông. Ông nhận được rất nhiều giải thưởng lớn, là người đầu tiện nhận Giải thưởng John W. Kluge, trị giá 1 triệu đô-la, được xem như là Giải Nobel cho các ngành nhân văn và xã hội. Ông là “người đánh thức hy vọng của con người” và là một Socrates của Ba Lan trong thế kỷ hai mươi.

_______________

Karl Marx – một khối óc lớn, một người rất thông thái, và là một tác giả Đức có tài – mất cách đây 119 năm. Ông sống trong thời đại hơi nước; trong đời mình ông chưa bao giờ nhìn thấy xe hơi, điện thoại, hay bóng đèn điện chứ đừng nói gì đến những máy móc kỹ thuật sau này. Những người hâm mộ ông và những tín đồ của ông đã thường nói và một số người hiện giờ vẫn hay nói: điều đó không quan trọng, những lời dạy của ông vẫn còn hoàn toàn quan hệ đến thời đại của chúng ta vì hệ thống ông phân tích và đả kích, tức chủ nghĩa tư bản, vẫn còn hiện diện ở đây. Chắc chắn Marx vẫn đáng đọc. Tuy nhiên, vấn đề là: Phải chăng lý thuyết của ông thực sự giải thích được bất kỳ điều gì trong thế giới của chúng ta và phải chăng lý thuyết ấy tạo ra một cơ sở cho bất kỳ sự tiên đoán nào? Câu trả lời là: Không. Một câu hỏi khác là đã có một thời các lý thuyết của ông có ích lợi hay không. Câu trả lời, rõ ràng là: Có; những lý thuyết này đã hoạt động thành công như là một loạt khẩu hiệu được xem là để biện minh và tôn vinh chủ nghĩa cộng sản cùng với sự nô lệ tất yếu đi kèm với nó.

Khi chúng ta hỏi những lý thuyết đó giải thích được gì hay Marx khám phá được gì, chúng ta có thể chỉ hỏi về những tư tưởng riêng của ông, chứ không phải những chuyện tầm thường thiết tưởng ai cũng hiểu. Chúng ta không nên biến Marx thành trò cười khi gán cho ông sự khám phá rằng trong tất cả các xã hội không nguyên thuỷ có những nhóm xã hội hay giai cấp do có các quyền lợi xung đột nhau nên đấu tranh lẫn nhau; điều này các nhà lịch sử thời cổ đại đã biết đến. Chính Marx cũng không dám tuyên bố đã khám phá ra điều này; như ông viết trong lá thư gởi Joseph Weydemeyer vào năm 1852, ông không khám phá ra đấu tranh giai cấp, mà đúng hơn là đã chứng minh rằng đấu tranh giai cấp dẫn đến chuyên chính vô sản, rồi cuối cùng lại dẫn đến xoá bỏ các giai cấp. Ta thật không thể nào khẳng định được tại đâu và bằng cách nào ông “đã chứng minh” được lời tuyên bố to tát này trong các tác phẩm của ông vào trước năm 1852. Để “giải thích” điều gì là đặt các sự kiện hay các quá trình vào các định luật; nhưng “các quy luật” hiểu theo nghĩa của Marx lại không phải là các định luật trong các môn khoa học tự nhiên, là nơi các định luật được hiểu như là các công thức khẳng định rằng trong các điều kiện được xác định rõ ràng, các hiện tượng được xác định rõ ràng luôn luôn xảy ra. Những gì Marx gọi là “các quy luật” thực ra chỉ là những khuynh hướng có tính lịch sử. Do vậy trong các lý thuyết của ông không có sự phân biệt rạch ròi giữa giải thích và tiên đoán. Ngoài ra, ông tin rằng ta có thể hiểu được ý nghĩa của cả quá khứ lẫn hiện tại nhờ suy ra từ tương lai, mà ông tuyên bố biết trước được. Vì thế, đối với Marx, chỉ những gì không (chưa) tồn tại có thể giải thích những gì hiện đang tồn tại. Nhưng ta nên nói thêm rằng đối với Marx, tương lai hiện đang tồn tại, theo cách nhìn biện chứng Hegel kỳ lạ, cho dù tương lai ta chẳng thể nào biết được.

Tuy nhiên, tất cả các tiên đoán quan trọng của Marx hoá ra đều không đúng. Đầu tiên, ông tiên đoán sự phân cực giai cấp ngày càng tăng và sự biến mất của giai cấp trung lưu trong các xã hội dựa trên nền kinh tế thị trường. Karl Kautsky nhấn mạnh đúng rằng nếu sự tiên đoán này sai, toàn bộ lý thuyết của Marx sẽ sụp đổ tan tành. Rõ ràng điều tiên đoán này chứng tỏ là sai, hay ngược lại thì đúng hơn. Giai cấp trung lưu ngày càng phát triển, trái lại giai cấp lao động theo nghĩa Marx muốn nói đã co dần lại trong các xã hội tư bản đang ở giữa thời tiến bộ về kỹ thuật.

Thứ hai, ông tiên đoán sự bần cùng không chỉ tương đối mà còn tuyệt đối của giai cấp lao động. Điều tiên đoán này đã sai ngay chính trong đời ông. Thật ra, ta nên lưu ý rằng tác giả của bộ Tư bản đã cập nhật trong lần tái bản lần thứ hai những số liệu và thống kê, nhưng không phải những số liệu và thống kê liên quan đến tiền lương của công nhân; giá mà được cập nhật, những số liệu đó sẽ mâu thuẫn với lý thuyết của ông. Ngay cả những người theo chủ nghĩa Marx giáo điều nhất trong những thập niên gần đây cũng không cố gắng bấu víu vào điều tiên đoán rõ ràng là sai này.

Thứ ba, và quan trọng nhất, lý thuyết của Marx tiên đoán sự tất yếu của cách mạng vô sản. Một cuộc cách mạng như thế chưa từng bao giờ diễn ra ở bất kỳ đâu. Cuộc cách mạng Bolshevik ở Nga chẳng liên quan gì đến những lời tiên đoán của Marx. Động lực của cuộc cách mạng ấy không phải là sự xung đột giữa giai cấp lao động công nghiệp và tư bản, mà đúng hơn là được tiến hành theo những khẩu hiệu không có nội dung xã hội chủ nghĩa, chứ đừng nói đến nội dung chủ nghĩa Marx: Hoà bình và ruộng đất cho nông dân. Thiết tưởng không cần nhắc rằng những khẩu hiệu này về sau đã bị đảo ngược lại. Trong thế kỷ hai mươi, biến động được xem là gần giống nhất cuộc cách mạng của giai cấp lao động là những sự kiện diễn ra ở Ba Lan từ năm 1980 đến 1981: phong trào cách mạng của những công nhân công nghiệp (vốn được giới trí thức ủng hộ rất mạnh) chống lại những kẻ bóc lột, tức là nhà nước. Hơn nữa trường hợp duy nhất này của cuộc cách mạng của giai cấp lao động (thậm chí nếu ta xem đây là cuộc cách mạng) là nhằm chống lại nhà nước xã hội chủ nghĩa, và được tiến hành dưới dấu thánh giá, kèm theo sự ban phúc của Đức Giáo hoàng.

Thứ tư, ta phải nhắc đến điều tiên đoán của Marx về sự suy giảm tất yếu của tỷ suất lợi nhuận, một quá trình được xem là cuối cùng sẽ dẫn đến sự sụp đổ của nền kinh tế tư bản. Không khác với những tiên đoán khác, tiên đoán này cũng hoàn toàn sai lầm. Ngay cả theo lý thuyết của Marx, đây không thể nào là một tỷ suất cố định bình thường hoạt động tất yếu, vì chính sự phát triển kỹ thuật làm giảm đi một phần tư bản khả biến trong chi phí sản xuất cũng làm giảm đi giá trị của tư bản bất biến. Vì thế tỷ suất lợi nhuận có thể vẫn không thay đổi hay thậm chí còn tăng lên, nếu điều mà Marx gọi là “lao động sống” cho một sản phẩm giảm. Và ngay cho dù “quy luật” này có đúng chăng nữa, cơ chế mà qua đó sự hoạt động của nó sẽ gây ra sự suy yếu và tàn lụi của chủ nghĩa tư bản cũng không thể nào khả thi được, vì sự sụp đổ tỷ suất lợi nhuận có thể xảy ra một cách hợp lý trong những điều kiện mà số lượng tuyệt đối của lợi nhuận đang tăng lên. Tuy có thể không có giá trị, song điều này đã được Rosa Luxemburg lưu ý đến, và bà đã nghĩ ra một lý thuyết của riêng mình về sự sụp đổ không thể nào tránh được của chủ nghĩa tư bản, nhưng rồi lý thuyết ấy cũng chứng tỏ sai không kém.

Khía cạnh thứ năm của chủ nghĩa Marx đã chứng tỏ sai lầm là điều tiên đoán rằng thị trường sẽ cản trở sự tiến bộ về kỹ thuật. Rõ ràng hoàn toàn ngược lại mới đúng. Các nền kinh tế thị trường đã chứng tỏ cực kỳ hữu hiệu trong việc kích thích sự tiến bộ về kỹ thuật, trái lại “chủ nghĩa xã hội hiện thực” hoá ra trì trệ về kỹ thuật. Do không thể nào phủ nhận được rằng thị trường đã tạo ra sự dư thừa của cải lớn nhất chưa từng được biết đến trong lịch sử nhân loại, một số người Tân Mác-xít đã buộc lòng thay đổi cách nhìn của họ. Một thời, chủ nghĩa tư bản tưởng chừng đáng ghê sợ vì nó tạo ra cảnh bần hàn khốn khổ; về sau, nó cũng lại đáng ghê sợ vì nó tạo ra cảnh dư thừa đến mức giết chết bản sắc văn hoá.

Những người Tân Mác-xít hay than vãn về điều họ gọi là “chủ nghĩa tiêu thụ” hay “xã hội tiêu thụ”. Trong nền văn minh của chúng ta quả thực có nhiều hiện tượng đáng báo động và đáng than phiền liên quan đến mức tiêu thụ gia tăng. Tuy nhiên, vấn đề là nền văn minh mà chúng ta biết như là một sự lựa chọn khác với nền văn minh này còn cực kỳ xấu xa hơn nhiều. Trong tất cả các xã hội cộng sản, những cải cách kinh tế (nếu may ra có đạt được kết quả gì chăng nữa) đều luôn luôn theo cùng một hướng: khôi phục phần nào thị trường, nghĩa là, thị trường của “chủ nghĩa tư bản”.

Về cái gọi là quan niệm duy vật về lịch sử, cách hiểu này đã cho chúng ta một số gợi ý và thấu hiểu bất ngờ lý thú, nhưng nó không có giá trị giải thích. Theo cách giải thích cứng ngắc, kiên định về quan niệm này, mà ta có thể thấy được đề cao đáng kể trong nhiều tác phẩm kinh điển, quan niệm này ám chỉ rằng sự phát triển xã hội phụ thuộc hoàn toàn vào cuộc đấu tranh giai cấp mà cuối cùng, qua trung gian của những “phương thức sản xuất” thay đổi, được quyết định bởi trình độ kỹ thuật của chính xã hội ấy. Hơn thế nữa, quan niệm này cũng ám chỉ rằng luật pháp, tôn giáo, triết học, và những nhân tố khác của văn hoá hết thảy đều không có lịch sử riêng của mình, vì lịch sử của chúng là lịch sử của các mối quan hệ về sản xuất. Đây là một tuyên bố hoàn toàn vô lý, hoàn toàn thiếu cơ sở lịch sử.

Nếu, mặt khác, lý thuyết ấy được hiểu theo nghĩa hời hợt, hạn hẹp, thì nó chỉ nói lên rằng lịch sử văn hoá phải được nghiên cứu sao cho ta nên xem xét đến các cuộc đấu tranh xã hội và đến các quyền lợi xung đột, rằng các thể chế chính trị, phụ thuộc, một cách ít ra là tiêu cực, phần nào vào sự phát triển kỹ thuật và vào các xung đột xã hội. Tuy nhiên, điều này lại là chuyện tầm thường chẳng đáng tranh cãi mà người ta đã biết trước Marx từ lâu. Và vì thế, quan niệm duy vật về lịch sử hoặc là vô lý hoặc là tầm thường.

Một nội dung khác trong lý thuyết của Marx cũng thiếu khả năng giải thích là lý thuyết lao động của ông. Marx đã thêm hai điều quan trọng vào các lý thuyết của Adam Smith và David Ricardo. Thứ nhất, ông cho rằng trong mối quan hệ giữa công nhân và tư bản, công nhân bán sức lao động, chứ không bán lao động; thứ hai, ông phân biệt giữa lao động cụ thể và lao động trừu tượng. Cả hai lý luận này đều không có bất kỳ cơ sở thực nghiệm nào, và cả hai cũng không được cần đến để giải thích các cuộc khủng hoảng, sự cạnh tranh, và xung đột quyền lợi. Các cuộc khủng hoảng và các chu kỳ kinh tế có thể hiểu được bằng cách phân tích sự vận động của giá cả, và lý thuyết về giá trị của ông không đóng góp thêm gì vào sự hiểu biết của chúng ta về những điều này. Có vẻ như giả sử Marx không sinh ra đời thì khoa kinh tế thời ông, phân biệt với ý thức hệ kinh tế, cũng sẽ chẳng khác gì nhiều với khoa kinh tế thời nay.

Những khía cạnh mà tôi đề cập đều không được chọn một cách ngẫu nhiên: chúng tạo thành cái sườn của học thuyết Marx. Mà nghĩ lại, trong chủ nghĩa Marx hầu như chẳng có điều gì khả dĩ đưa ra lời giải cho nhiều vấn đề trong thời đại của chúng ta, chủ yếu vì cách đây một thế kỷ các vấn đề này không cấp bách như hiện nay. Về vấn đề sinh thái, ta sẽ tìm thấy ở Marx chỉ một vài điều tầm thường lãng mạn về sự thống nhất giữa con người với tự nhiên. Còn các vấn đề dân số thì hoàn toàn vắng bóng, ngoại trừ việc Marx từ chối tin rằng các vấn đề như bùng nổ dân số theo nghĩa tuyệt đối lại có thể xảy ra. Những vấn đề lớn lao bất ngờ của Thế giới thứ Ba cũng chẳng thể tìm thấy được lợi ích gì từ trong lý thuyết của ông. Marx và Engles rất tôn sùng châu Âu; họ coi thường các nền văn minh khác, họ còn ca ngợi những thành quả tiến bộ của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc (ở Ấn Độ, Algeria, và Mexico). Đối với họ điều quan trọng là sự chiến thắng của nền văn minh phát triển cao hơn đối với các nền văn minh lạc hậu; lý tưởng về quyền tự quyết dân tộc đối với Engels chỉ là trò hề.

Điều chủ nghĩa Marx ít có khả năng giải thích nhất là chủ nghĩa xã hội toàn trị, cái chủ nghĩa đã phong Marx là đấng tiên tri của nó. Nhiều người Mác-xít phương Tây thường nói rằng chủ nghĩa xã hội như đã tồn tại một thời ở Liên Xô chẳng liên quan gì đến lý thuyết của Marx, và dù có thể đáng bị lên án, nhưng nó được giải thích tốt nhất theo những điều kiện cụ thể ở Nga. Nếu điều này đúng, làm sao có chuyện là rất nhiều người trong thế kỷ mười chín, nhất là những người theo trường phái vô chính phủ, đã tiên đoán khá chính xác rằng chủ nghĩa xã hội dựa trên các lý luận của Marx rồi cuối cùng sẽ biến thành – cụ thể, chế độ nô lệ nhà nước. Proudhon qua lý lẽ đã khẳng định rằng lý tưởng của Marx sẽ biến con người thành tài sản của nhà nước. Còn theo Bakunin, chủ nghĩa xã hội của Marx sẽ là sự cai trị của những kẻ phản bội lại chính giai cấp cai trị, và nó sẽ dựa trên sự bóc lột và áp bức còn tàn tệ hơn những gì con người đã từng biết qua. Hay theo nhà công đoàn chủ nghĩa chủ trương vô chính phủ người Ba Lan Edward Abramowski, nếu nhờ phép lạ nào đấy, chủ nghĩa cộng sản sẽ chiến thắng được trong những điều kiện đạo đức của xã hội đương thời, thì nó sẽ dẫn đến sự phân chia giai cấp và sự bóc lột còn tàn tệ hơn nhiều những gì tồn tại vào thời ấy (vì những thay đổi về thể chế không thay đổi những động cơ con người và hành vi đạo đức.) Benjamin Tucker tuyên bố rằng chủ nghĩa Marx chỉ biết một cách chữa cho các độc quyền, đó là một độc quyền duy nhất.

Những tiên đoán này được đưa ra vào thế kỷ mười chín, hàng chục năm trước cuộc Cách mạng Nga. Phải chăng những người này có tài nhìn thấu đến tương lai? Không. Đúng ra, ta có thể đưa ra những lời tiên đoán như thế một cách hợp lý, và từ bao kỳ vọng của Marx ta có thể suy đoán ra được chế độ nô lệ toàn xã hội ấy. Tất nhiên, thật vô lý khi cho rằng đây là ý định của đấng tiên tri này, hay chủ nghĩa Marx là nguyên nhân, tác nhân đã sinh ra chủ nghĩa cộng sản trong thế kỷ hai mươi. Chiến thắng của chủ nghĩa cộng sản Nga là kết quả của một loạt sự kiện ngẫu nhiên phi thường. Nhưng ta có thể khẳng định rằng lý thuyết của Marx đã góp phần rất lớn vào sự ra đời của chủ nghĩa toàn trị, và đồng thời ban cho nó hình thức ý thức hệ. Lý thuyết ấy đã dự trù trước sự quốc hữu hoá phổ quát tất cả mọi thứ, và như thế quốc hữu hoá luôn cả con người. Chắc chắn, Marx lấy từ những người theo trường phái Saint-Simon khẩu hiệu là trong tương lai sẽ không còn nhà nước, mà chỉ còn quản lý sự vật; tuy nhiên, ông không chợt nghĩ xa hơn rằng ta không thể quản lý sự vật nếu không dùng người cho mục đích đó, vì thế quản lý toàn bộ sự vật có nghĩa là quản lý hoàn toàn con người.

Điều này không có nghĩa là tác phẩm của Marx không đáng đọc; tác phẩm của ông là một phần văn hoá châu Âu mà ta nên đọc như ta đọc nhiều tác phẩm cổ điển khác. Ta nên đọc các tác phẩm bàn về vật lý của Descartes, nhưng quả là phi lý khi đọc các tác phẩm này như là sách hướng dẫn có giá trị về cách nghiên cứu vật lý thời nay. Tuy hiện giờ ở các nước cộng sản cũ, người ta ghét cay ghét đắng Marx và các sách vở Mác-xít, nhưng sự ghét này theo thời gian rồi cũng có thể qua đi; thậm chí cuối cùng những tác phẩm của Marx vẫn sẽ có người đọc như tàn tích của một thời quá khứ. Một trong những nguyên nhân khiến chủ nghĩa Marx được ưa chuộng nhiều trong giới có học là ở chỗ rằng chủ nghĩa Marx, dưới một hình thức đơn giản, lại rất dễ hiểu; đến cả Sartre cũng nhận thấy rằng những người Mác-xít là lười biếng. Đúng vậy, họ thích có một chiếc chìa khoá mở tung ra tất cả cánh cửa; một sự giải thích có thể áp dụng phổ quát cho tất cả mọi thứ, một công cụ giúp họ có thể nắm vững toàn bộ lịch sử và kinh tế mà chẳng thật sự phải nhọc công học môn nào.

Phải chăng cái chết của chủ nghĩa Marx mặc nhiên đồng nghĩa với sự cáo chung của truyền thống chủ nghĩa xã hội? Không nhất thiết như vậy. Mọi sự, dĩ nhiên, đều phụ thuộc vào ý nghĩa của từ “chủ nghĩa xã hội”, và những ai vẫn còn dùng đến từ ấy để bày tỏ tín ngưỡng của mình đều miễn cưỡng nói lên điều họ muốn nói, ngoại trừ những điều chung chung trống rỗng. Do thế ta cần có một số phân biệt. Cái khó là niềm ao ước phát hiện ra “những quy luật lịch sử” đã làm cho nhiều người tưởng tượng “chủ nghĩa tư bản” và “chủ nghĩa xã hội” là hai “hệ thống” toàn cầu, hoàn toàn đối chọi lấn nhau. Nhưng chẳng có gì so sánh. Chủ nghĩa tư bản đã phát triển một cách tự nhiên và hữu cơ từ sự mở mang thương mại. Chẳng ai đặt kế hoạch cho nó và nó cũng chẳng cần đến một ý thức hệ bao trùm lên tất cả, ngược lại chủ nghĩa xã hội là một sự kiến tạo ý thức hệ. Cuối cùng, chủ nghĩa tư bản là bản chất con người đang phát tác, tức là lòng tham của con người được cho phép đi đến tận cùng con đường của nó, trái lại chủ nghĩa xã hội là một cố gắng thể chế hoá và áp đặt tình huynh đệ. Đến giờ đây, tưởng chừng như hiển nhiên rằng một xã hội mà trong đó lòng tham, bất chấp tất cả các khía cạnh ghê tởm và đáng lên án của nó, là động cơ chính của những hành vi của con người, thì vẫn cực kỳ tốt hơn một xã hội dựa trên tình huynh đệ cưỡng bức, dù trong chủ nghĩa xã hội dân tộc hay trong chủ nghĩa xã hội quốc tế.

Quan niệm về chủ nghĩa xã hội như là một “xã hội thay thế” cho chủ nghĩa tư bản chung quy vẫn là quan niệm về chế độ nô lệ toàn trị; việc xoá bỏ thị trường và quốc hữu hoá toàn diện không thể tạo ra bất kỳ kết quả nào khác đi được. Niềm tin rằng ta có thể tạo dựng nên sự bình đẳng hoàn toàn trong xã hội bằng biện pháp thể chế cũng độc hại không kém. Thế giới từng biết đến nhiều nơi có sự bình đẳng tự nguyện, được duy trì ở trong những tu viện nào đó và ở trong một số các hợp tác xã thế tục. Tuy nhiên, bình đẳng dưới sự cưỡng bách tất yếu phải dùng đến phương cách toàn trị, mà chủ nghĩa toàn trị lại hàm nghĩa sự bất bình đẳng cực độ vì nó đưa đến sự bất bình đẳng về quyền được có thông tin và quyền được có quyền lực. Thực tế mà nói, bình đẳng trong việc phân phối hàng hoá vật chất cũng không thể nào có được khi mà quyền lực chỉ được tập trung vào tay của một thiểu số nắm quyền đứng trên luật pháp. Vì vậy bình đẳng là điều xa vời chưa từng bao giờ tồn tại trong các nước xã hội chủ nghĩa. Lý tưởng này vì thế tự chuốc lấy thất bại. Chúng ta biết rõ tại sao nguyên tắc kế hoạch toàn diện là thảm hoạ về mặt kinh tế, và có quá đủ các bằng chứng từ kinh nghiệm của tất cả các quốc gia cộng sản không có ngoại lệ để khẳng định những chỉ trích của Friedrich von Hayek về điểm này. Chủ nghĩa xã hội theo ý nghĩa này có nghĩa rằng sự trấn áp ngăn cản nhân dân tham gia vào bất kỳ hoạt động nào có ích lợi cho xã hội trừ phi theo lệnh của nhà nước.

Tuy nhiên, truyền thống chủ nghĩa xã hội phong phú và đa dạng, và truyền thống này bao gồm nhiều chủ nghĩa khác nhau ngoài chủ nghĩa Marx. Một số các tư tưởng xã hội chủ nghĩa quả thực đã có khuynh hướng toàn trị cố hữu. Điều này áp dụng cho phần lớn chủ nghĩa xã hội không tưởng thời Phục hưng và Khai sáng, và cho cả Saint-Simon. Song một số tư tưởng xã hội chủ nghĩa đã ủng hộ các giá trị tự do. Ngay khi chủ nghĩa xã hội, vốn khởi đầu như là một ảo tưởng ngây thơ, trở thành một phong trào chính trị thực sự, không phải tất cả các biến thể nào của nó cũng đều có quan niệm về một “xã hội thay thế”, và trong số những biến thể có quan niệm như thế, nhiều biến thể lại không xem trọng quan niệm ấy.

Mọi sự rõ ràng hơn vào trước Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất. Những người theo chủ nghĩa xã hội và cánh tả thời ấy nói chung không những muốn một nền giáo dục phổ cập, bắt buộc, bình đẳng, dịch vụ y tế xã hội, thuế luỹ tiến, và tự do tín ngưỡng, mà còn muốn một nền giáo dục thế tục, xoá bỏ kỳ thị chủng tộc và quốc gia, phụ nữ được bình đẳng, tự do báo chí và tự do hội họp, quy định pháp lý về các điều kiện lao động, và hệ thống bảo hiểm xã hội. Họ đấu tranh chống chủ nghĩa quân phiệt và chủ nghĩa Sô-vanh. Những nhà lãnh đạo chủ nghĩa xã hội châu Âu trong thời kỳ Đệ Nhị Quốc tế, những người như Jaurès, Babel, Turati, Vandervelle, và Martov, là hiện thân những gì tốt đẹp nhất trong đời sống chính trị châu Âu.

Nhưng mọi sự đã thay đổi sau Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, khi cái từ “chủ nghĩa xã hội” (và phần lớn nghĩa của từ “cánh tả”) bắt đầu hầu như bị chủ nghĩa xã hội Leninist-Stalinist độc chiếm hoàn toàn, qua đó đã bóp méo đa số những đòi hỏi và những khẩu hiệu này theo nghĩa ngược lại. Đồng thời, đa số những lý tưởng “xã hội chủ nghĩa” trên thực tế đã lại trở thành hiện thực ở các nước dân chủ hoạt động trong khuôn khổ nền kinh tế thị trường. Than ôi, các phong trào chủ nghĩa xã hội phi toàn trị trong nhiều thập niên đã bị bế tắc về ý thức hệ và thiếu can đảm để tố cáo và đấu tranh kiên trì chống lại hệ thống chính trị sát nhân nhất và tàn bạo nhất trên thế giới (ngoài chủ nghĩa Quốc xã). Chủ nghĩa cộng sản Xô-viết, dù sao, vẫn được coi là một dạng của chủ nghĩa xã hội, nhưng nó tự tô điểm bằng văn phong nhân văn và quốc tế thừa hưởng từ truyền thống chủ nghĩa xã hội. Thế là chế độ chuyên chế Leninist đã ăn cắp được cái từ “chủ nghĩa xã hội”, và những kẻ theo chủ nghĩa xã hội phi toàn trị là tòng phạm trong vụ trộm này. Đành rằng có một vài ngoại lệ cho lẽ thường này, nhưng không nhiều.

Dù thế nào đi nữa, các phong trào chủ nghĩa xã hội đã đóng góp rất nhiều cho việc thay đổi cảnh quan chính trị theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Các phong trào này đã tạo ra một số các cải cách xã hội mà nếu không có chúng thì nhà nước phúc lợi đương thời, mà đa số chúng ta coi là dĩ nhiên, sẽ là điều không tưởng. Do thế thật đáng tiếc nếu chủ nghĩa cộng sản sụp đổ dẫn đến sự cáo chung của truyền thống chủ nghĩa xã hội nói chung và sự lên ngôi của chủ nghĩa Darwin Xã hội như là ý thức hệ chủ đạo.

Dù thừa nhận rằng một xã hội hoàn thiện chắc chắn sẽ không bao giờ hiện hữu trong tầm tay với của con người và rằng con người sẽ luôn luôn tìm ra đủ mọi lý do để đối xử tàn nhẫn với nhau, chúng ta không nên vì thế mà vất bỏ đi khái niệm “công bằng xã hội”, cho dù nó có thể bị Hayek và những tín đồ của ông chê cười. Chắc chắn khái niệm này không thể nào được định nghĩa theo thuật ngữ kinh tế. Ta không thể nào suy ra từ lời diễn đạt “công bằng xã hội” ấy câu trả lời cho những câu hỏi như trong những điều kiện có sẵn hệ thống thuế cụ thể nào là tốt về phương diện kinh tế và đáng nên áp dụng, những phúc lợi xã hội nào là chính đáng, hay cách nào là tốt nhất để các nước giàu trợ giúp cho những vùng nghèo nàn hơn trên thế giới. “Công bằng xã hội” chỉ diễn đạt một thái độ đối với các vấn đề xã hội. Đúng là khái niệm “công bằng xã hội” hay được sử dụng bởi những cá nhân hay toàn thể các xã hội từ chối nhận lấy trách nhiệm về cuộc đời của mình. Nhưng, như lời người xưa dạy, đừng vì sự lạm dụng mà từ bỏ sự hữu dụng.

Với tất cả sự mơ hồ của nó, “công bằng xã hội” giống khái niệm “nhân phẩm”. Thật khó định nghĩa nhân phẩm là gì. Nhân phẩm không phải là nội tạng mà ta khám phá bên trong cơ thể, nhân phẩm không phải là ý niệm thực thể nhưng nếu không có nhân phẩm chúng ta không thể nào trả lời nổi một câu hỏi đơn giản: tại sao chế độ chiếm hữu nô lệ là sai? Tương tự như thế, khái niệm công bằng xã hội là mơ hồ và nó có thể được dùng để làm công cụ ý thức hệ của chủ nghĩa xã hội toàn trị. Tuy nhiên khái niệm này là trung gian hữu ích giữa sự khích lệ với từ thiện, với phát chẩn, và với khái niệm công bằng phân phối; công bằng xã hội không giống như công bằng phân phối vì nó không nhất thiết bao hàm sự thừa nhận lẫn nhau. Công bằng xã hội cũng không đơn thuần là kêu gọi lòng từ thiện, vì nó bao hàm, dù không chính xác, những yêu cầu giúp đỡ nào đấy có thể xứng đáng. Khái niệm công bằng xã hội không hàm nghĩa là có một điều như số phận chung của nhân loại, trong đó tất cả mọi người đều dự phần, nhưng nó gợi ý rằng khái niệm nhân loại là phạm trù rõ ràng dễ hiểu – không phải là phạm trù động vật mà đúng hơn là phạm trù đạo đức.

Không có thị trường, nền kinh chắc chắn sụp đổ (thực ra, trong “chủ nghĩa xã hội hiện thực” hoàn toàn không có nền kinh tế, chỉ có chính sách kinh tế). Nhưng người ta cũng thường thừa nhận là thị trường không tự nhiên giải quyết được hết tất cả các vấn đề thúc bách của con người. Khái niệm công bằng xã hội được cần đến để biện minh cho niềm tin rằng có một “nhân loại” – và rằng chúng ta phải xem những cá nhân khác là thuộc về tập thể này, và đối với tập thể này chúng ta có những bổn phận đạo đức nhất định.

Là triết học về xã hội hay về đạo đức, chủ nghĩa xã hội đã dựa trên lý tưởng về tình huynh đệ con người, mà có thể không bao giờ thực hiện được bằng biện pháp thể chế. Chưa từng bao giờ có, và sẽ không bao giờ có một biện pháp thể chế nào bắt buộc con người phải trở thành anh em với nhau. Tình huynh đệ bị ép buộc ấy là ý tưởng độc hại nhất mà con người đã nghĩ ra trong thời hiện đại; nó là con đường tất yếu dẫn tới chế độ chuyên chế toàn trị. Chủ nghĩa xã hội theo ý nghĩa này chẳng khác gì toàn là dối trá lọc lừa. Tuy nhiên, đây không phải là lý do để ta từ bỏ ý tưởng về tình huynh đệ con người. Nếu ý tưởng này là điều trong thực tế chúng ta không thể đạt được qua con đường xây dựng xã hội, thì nó vẫn hữu ích như là lời tuyên bố về các mục tiêu. Tư tưởng xã hội chủ nghĩa như ta biết qua kế hoạch cho một “xã hội thay thế” đã chết. Nhưng như là lời tuyên bố đoàn kết với những nạn nhân cô thế của bất công và những phận người bị áp bức, như là sự thôi thúc chống lại chủ nghĩa Darwin Xã hội, như là ánh sáng luôn soi cho chúng ta thấy một điều gì đấy cao quý hơn sự cạnh tranh và lòng tham, chính vì tất cả những lý do này, chủ nghĩa xã hội, về lý tưởng chứ không phải hệ thống, vẫn còn có ích.

Nguồn: “What is left of socialism”, tạp chí First Things, số tháng Mười năm 2002

Bản tiếng Việt © 2010 Trần Quốc Việt

Bản tiếng Việt © 2010 talawas

23.6.10

NGÀY ẤY BAO GIỜ... ĐẾN

Michael Zantovsky

Trần Quốc Việt trích dịch


Vào một ngày tháng Mười năm 1989, tại nhà hàng phục vụ món cá vốn đã chuyển sang tư hữu từ lâu, Vaclav Havel có mặt để được một nhà báo người Anh phỏng vấn. Khi được hỏi về những sự kiện đang diễn ra trong khối Cộng Sản, qua sự giúp đỡ khiêm nhường của tôi với tư cách người thông dịch, ông bày tỏ niềm vui về chiều hướng mà tình hình đang diễn ra ở Ba Lan bàn tròn, ở Hungary cải tổ, và cả ở Đông Đức một thời rất kiên định. Bằng chứng sụp đổ của chế độ hiện ra khắp mọi nơi xung quanh chúng tôi, thể hiện qua cảnh hàng trăm chiếc xe hơi Trabant bị bỏ rơi không thương tiếc trên những đường phố ở Prague bởi những người dân Đông Đức bỏ phiếu bằng chân cho tương lai mình ở Phương Tây. Tuy nhiên, được hỏi khi nào thời điểm của chân lý có thể sẽ đến với Tiệp Khắc, Havel, với vẻ không sôi nổi thường lệ như hay thấy ở nhà viết kịch, miễn cưỡng trả lời. " Tôi không chắc chắn được, " Ông nói. "Có thể biết đâu đến cả tháng, hay có thể cả năm, hay có lẽ rất lâu. Biết đâu chúng tôi không còn sống để thấy được ngày ấy. Ta khó mà biết." Vài tuần sau ngày ấy đến. Rất ít người có thể tiên đoán điều này chính xác hơn Havel.

Một trong những điều nổi bật nhất về sự sụp đổ của khối Cộng Sản mà qua đó kết thúc cuộc Chiến Tranh Lạnh là sự quá đỗi bất ngờ của nó. Đây chính là điều các sử gia và những nhà nghiên cứu về Xô Viết, mà công việc của họ có lẽ là phân tích tính năng động của chế độ rồi từ đó rút ra những kết luận thích hợp, thích lẫn tránh. Đúng, ý thức hệ đã bị khai tử, mới gần đây nhất, là khi xe tăng Nga lăn bánh vào Prague vào tháng Tám năm 1968. Đúng, sự hấp dẫn sâu rộng của Công Đoàn Đoàn Kết trong quần chúng đã chứng minh rõ ràng chế độ đã bị chính các giai cấp lao động mà nó tuyên bố đại diện quyền lợi của họ chán ghét đến mức độ nào. Đúng, perestroika của Gorbachev đã mang đến tự do ngôn luận và sự đa nguyên trong chừng mực mà cho đến thời điểm ấy là không thể mơ tưởng đến ở ngay chính Liên Xô. Và, cũng đúng là các phong trào nhân quyền và phản kháng ở Tiệp Khắc và ở toàn bộ Trung và Đông Âu đang ngày càng khẳng định hơn vào thời ấy. Tuy nhiên, những ai tiên đoán thời vận vào lúc đó cũng không nên quá trách mình, vì mãi cho đến thời khắc cuối cùng của ngày ấy chính hàng triệu người bình thường, đang sống bên trong "phe chủ nghĩa xã hội hiện thực" và đã nhìn thấy những dấu hiệu thất bại cực kỳ lớn của chế độ trong cuộc sống hàng ngày của họ, vẫn hoàn toàn không thể nào nhận ra được những điềm báo trước về sự tan rã tức thì ấy.

Các lý do khiến chúng tôi không thể thấy được những gì đang xảy đến có thể khác với các lý do được nhấn mạnh trong các đánh giá của những chuyên gia Phương Tây. Ở bên trong, chúng tôi đã bị chi phối quá lâu bởi sự cứng ngắc mù quáng và sự tàn bạo thuộc về bản chất của chế độ. Chúng tôi thấy và hoan nghênh các cải cách của Gorbachev và ngay tại Tiệp Khắc chúng tôi cũng cảm nhận nắm tay sắt của chế độ đang dần nới lỏng, nhưng chúng tôi cũng nhớ rất rõ những chuyện chế độ có khả năng làm khi nó cảm thấy quyền lợi thiết thân của mình, thật ra chính sự tồn tại của nó, đang bị đe dọa. Những bài học từ Berlin năm 1953, Budapest năm 1956, và Prague năm 1968 là những điểm tham chiếu liên quan. Nếu chúng tôi vẫn cần thêm lời nhắc nhở, thì cuộc thảm sát Thiên An Môn mới chỉ xảy ra trước đó năm tháng.

Trong khi bên trong thế giới của " chủ nghĩa xã hội hiện thực" lý do chính cho sự hoài nghi lan rộng về thay đổi sắp xảy đến là sự đề kháng của chế độ đối với thay đổi, thì ngược lại, lý do mà tạo nên những cuộc chính biến ngoạn mục theo tường thuật của nhiều chuyên gia Phương Tây là khả năng hiển nhiên của chế độ để cải cách và thích nghi, xem ra có lẽ không đúng. Theo niềm tin này, những người Phương Tây có thể đã đánh giá quá cao khả năng của Gorbachev để cải cách một số chính sách đã có từ lâu của xã hội chủ nghĩa trong khi lại đánh giá quá thấp tầng lớp lãnh đạo cao nhất trong Đảng và sự xung khắc cơ bản giữa chế độ độc đảng và dân chủ, và giữa nền kinh tế chỉ huy và thị trường tự do. Điều mà một học giả người Mỹ mô tả gần đây nhất vào năm 1991 là " Thức tỉnh của Liên Xô ", thực chất, là sự quằn quại đau đớn của chế độ trước khi chết.

Mỉa mai thay, người mà đã đoán gần chính xác nhất về thời điểm và lý do sụp đổ của Liên Xô đã mất từ lâu. Trong bài viết vào năm 1970 nhan đề " Phải chăng Liên Xô sẽ tồn tại đến năm 1984" tác giả Andrei Amalrik đã bình luận về những dấu hiệu sớm hơn về sự nới lỏng áp lực toàn trị trong thời Brezhnev: "Nếu...ta xem sự "cởi mở" hiện nay là sự mục ruỗng ngày càng tăng của chế độ chứ không phải sự tái sinh của chế độ, thì kết cục tất yếu là cái chết của chế độ, tiếp theo đó là vô chính phủ." Điều này hầu như là những gì đã xảy ra vào thời gian hầu như đúng như tiên đoán -điều rất khó đối với sử gia. Nhưng đối với phần lớn chúng ta, lời nhận xét của Fiedrich von Hayek có lẽ thích hợp hơn: " tâm hồn không thể nào tiên đoán được bước tiến của chính mình."

Tựa đề của người dịch, nguyên tác tiếng Anh "Resumption: The Gears of 1989"

Nguồn: tạp chí World Affairs số tháng Giêng và tháng Hai năm 2010


Michael Zantovsky là chủ tịch uỷ ban Ngoại Vụ, Quốc Phòng, và An Ninh của thượng viện Czech. Ông từng là thư ký báo chí, phát ngôn viên, và giám đốc về chính trị cho tổng thống Czech Vaclav Havel và cũng từng là đại sứ Czech tại Mỹ.


Bản tiếng Việt © 2010 Trần Quốc Việt

Bản tiếng Việt © 2010 talawas

3.6.10

CLAUDIA DREIFUS- ĐẠT LAI LẠT MA

Trần Quốc Việt dịch

Nơi ta ít ngờ gặp được đức Tenzin Gyatso nhất, tức đức Đạt lai Lạt ma đời thứ 14 của Tây Tạng, nhà lãnh đạo tôn giáo và thế tục của nhân dân Tây Tạng, người đoạt giải Nobel hoà bình năm 1989, nguời cổ động chính của thế giới cho sự thay đổi chính trị bất bạo động, là tại một khu nghỉ mát chơi gôn sang trọng tên Sheraton El Conquistador ở thành phố Tucson, tiểu bang Arizona. Tuy nhiên vào một sáng mùa thu gần đây ông có mặt ở nơi này, vẫn mặc áo cà sa màu nâu đỏ sẫm truyền thống, quanh ông là các nhà sư phật giáo cùng các người bảo vệ không phải phật tử. Các du khách kinh ngạc khi thấy ông bước vội qua quầy rượu.

Đức Đạt lai Lạt ma đã đến nơi xa xăm không ngờ này để đọc và giảng đạo luận Nhập Bồ Tát Hạnh[1] của tác giả Tịch Thiên, một vị bồ tát thế kỷ thứ tám. Trong năm ngày trời, 1,500 người theo dự khoá tu học phật pháp đã liều bị đau lưng, tê tay để ngồi hàng giờ ghi xuống lời giảng về tánh nhẫn. Đối với họ, những người tham gia trong phong trào phật giáo ngày càng phát triển ở thế giới Phương Tây, đây là cơ hội hiếm có để tu học với bậc đứng đầu tôn giáo, tựa như theo học những lớp dạy về Thánh Kinh với đức Giáo Hoàng. Hơn nữa, trong số những người khao khát theo học này có nhiều người thế tục hơn, họ là những người tranh đấu kỳ cựu của thập niên 1960 nên xem đức Đạt lai Lạt ma là mục sư Martin Luther King, thánh Ghandhi của phong trào chính trị này. Đây còn là một sinh hoạt đức Đạt lai Lạt ma rõ ràng thích thú, một khoảng thời gian tạm ngưng cần thiết khỏi công việc thường lệ với cương vị người đứng đầu chính phủ Tây Tạng lưu vong ở Ấn Độ. Ông thường nói về mình, “Tôi là một nhà sư Phật giáo bình thường–không hơn không kém.” Qua những lần giảng đạo pháp, ông luôn biểu lộ sự khiêm nhường ấy.

Song đời ông hoàn toàn không bình thường. Ông sinh năm 1935 trong một gia đình nông dân ở miền đông bắc Tây Tạng. Năm lên hai tuổi, sau khi đức Đạt lai Lạt ma đời thứ 13 qua đời, ông được xác nhận là đức Đạt lai Lạt ma đời thứ 14 tái sanh của Đức Phật Từ Bi. Sự xác nhận ấy tạo ra tên mới cho ông: Lhamo Dhondup giờ đổi thành Jetsun Jamphel Ngawang Lobsang Yeshe Tenzin Gyatso (Thánh Đức, Hào Quang Êm Diệu, Hộ Pháp Hùng Biện, Từ bi, Thông thái của Đức Tin, Biển của Trí Tuệ). Được đưa lên Lạp Tát học, ông lớn lên trong một hoàng cung 1,000 phòng. Ông được các nhà sư cận kề, thương yêu và dạy ông các môn học như triết học, y học và siêu hình học. Họ đã cho ông tuổi thơ đầy thần tiên.

Những tháng ngày thần tiên ấy chấm dứt khi ông được yêu cầu gánh vác trách nhiệm người đứng đầu nhà nước khi ông 15 tuổi. Sự kiện này lại diễn ra vào chính thời điểm Quân đội Giải phóng Nhân dân đang xâm lăng Tây Tạng. Trong chín năm trời kế tiếp, nhà lãnh đạo trẻ đã cố gắng thương lượng với Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai, tức những kẻ rắp tâm muốn sát nhập Tây Tạng vào Trung Quốc. Rồi đến năm 1959, sau khi Trung Quốc “dẹp tan” cuộc nổi dậy của người dân thường Tây Tạng nhằm chống lại ách cai trị của Trung Quốc, đức Đạt lai Lạt ma đào thoát sang Ấn Độ; từ đấy khoảng độ 100,000 người Tây Tạng đã vuợt qua dãy Himalaya để theo ông.

Ở Ấn Độ ông được phép lập ra chính phủ lưu vong trong một làng nhỏ tên Dharamsala cách New Delhi một ngày đường lái xe. “Đức ngài đã xây dựng nên một cộng đồng Tây Tạng tồn tại được ở Ấn Độ, qua đó bảo tồn được văn hoá Tây Tạng,” người bạn thân thiết của ông, Robert Thurman, giáo sư chuyên ngành về Ấn Độ – Tây Tạng ở đại học Columbia, nhận xét. “Ông đã đoàn kết nhân dân Tây Tạng lại trong hoàn cảnh lưu vong và truyền cho họ niềm hy vọng trong suốt cuộc trấn áp rất khốc liệt, thậm chí gần như diệt chủng trên quê hương họ. Ông cũng là nhà lãnh đạo Tây Tạng đầu tiên trở thành nhà lãnh đạo thế giới, ngay cả khi ông không có cơ sở chính trị– mà chỉ dựa trên sức mạnh đạo lý của mình.”

Ở Tucson, một ngày sau khi khoá tu học kết thúc, đức Đạt lai Lạt ma tiếp người phỏng vấn này tại phòng của ông. Đúng như ta nghĩ trước khi gặp một người mà từ thuở lên 2 đã được xem là thánh, ông chào đón người lạ với vẻ trang trọng dễ chịu, mà chẳng mấy chốc tan biến đi khi ông đắm chìm trong các ý nghĩ và trong cuộc trò chuyện. Một tiếng rưỡi thành ba tiếng; vẻ trang trọng hoá thành tiếng cười. Ta có cảm giác là ông hơi chán trước cảnh sùng kính thái quá ông gặp phải hàng ngày. Ấn tượng nổi bật nhất về đức Đạt lai Lạt ma là niềm vui chan chứa ở ông qua nụ cười nở rộng, qua cảnh ông thích thú trước những sự mâu thuẫn và khiếm khuyết của bản thân. Nhà báo William Shirer có lần nói đến những cuộc phỏng vấn Gandhi dành cho ông trong thập niên 1930 như sau: “Ta cảm thấy ta tưởng chừng như là người duy nhất ở trong phòng, tưởng như ông dành trọn vẹn thời gian trên đời này của ông cho ta.” Lời nhận xét này cũng đúng với đức Tenzin Gyatso.

Hỏi: Thưa đức ngài, ông có vẻ là người rất hạnh phúc. Trong đời mình có những lúc nào đó khi lòng tin của ông vào cái thiện của con người bị thử thách?

Đạt lai Lạt ma: Không.

Hỏi: Từ trước đến nay ông không bao giờ cảm thấy mình gần trở nên hoài nghi?

Đạt lai Lạt ma: Không. Tất nhiên, khi tôi nói rằng bản tính con người là hiền dịu, không hẳn 100 phần trăm như vậy. Phàm con người ai cũng có bản tính đó, nhưng có nhiều người hành động ngược với bản tính của họ, tức là sai. Chắc chắn tôi có nhiều lúc buồn. Những lần Trung Quốc đàn áp tại Lạp Tát năm 1987, 1988, những lúc ấy lại buồn. Có quá nhiều người bị giết. Đôi lúc tôi buồn khi tôi nghe những câu chuyện cá nhân của những người tỵ nạn Tây Tạng bị tra tấn hay đánh đập. Trong lòng chợt cảm thấy khó chịu, cảm thấy giận. Nhưng cảm giác ấy chẳng bao giờ kéo dài lâu. Tôi luôn luôn cố gắng suy nghĩ ở mức độ sâu sắc hơn, cố tìm cách an ủi.

Hỏi: Tôi hiểu rằng ông đã giận lắm trong cuộc chiến tranh vùng vịnh năm 1990, ông chưa bao giờ từng giận đến như thế.

Đạt lai Lạt ma: Giận ư? Không. Nhưng có một điều,là khi người ta bắt đầu đổ lỗi Saddam Hussein, tôi thấy cảm thông với ông ấy.

Hỏi: Với Saddam Hussein?

Đạt lai Lạt ma: Vâng. Vì người ta trút hết lỗi lầm lên ông, như thế không công bằng. Ông ấy có thể xấu, nhưng nếu không có quân đội dưới quyền, ông ta không thể nào hành động hiếu chiến như thế được. Còn quân đội của ông, nếu không có vũ khí thì cũng chẳng làm được điều gì. Mà vũ khí lại không sản xuất tại chính Iraq. Ai cung cấp vũ khí cho họ? Chính các nước Phương Tây! Rồi đến ngày xảy ra chuyện, họ lại đổ hết lỗi tại ông, mà không thừa nhận họ cũng có phần lỗi. Như thế là sai. Cuộc khủng hoảng vùng vịnh cũng chứng minh rõ ràng những hậu quả nghiêm trọng của việc buôn bán vũ khí. Chiến tranh, nếu không có quân đội, cao lắm chỉ giết vài người, còn có thể chấp nhận được. Nhưng chiến dịch quân sự gây ra đau khổ cho rất nhiều người, thì thật đáng buồn.

Hỏi: Ông đã nói giết người đôi lúc có thể chấp nhận được?

Đạt lai Lạt ma
: Tương đối thôi. Trong xã hội con người, người ta bị giết vì nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, khi ta có quân đội lâu đời, và các nước có các quân đội như vậy đánh nhau, tổn thất thật là ghê gớm. Chẳng phải một hay hai người chết, mà cả hàng ngàn người. Còn với vũ khí hạt nhân thì đến hàng triệu người chết, quả thật cả hàng triệu người. Vì lý do đó, việc buôn bán vũ khí thật là vô trách nhiệm. Vô trách nhiệm! Phi quân sự hoá toàn cầu là cực kỳ quan trọng và cần thiết.

Hỏi: Tại Tây Tạng, từ cuối những năm 1950 đến đầu những năm 1970, ông có người anh tham gia lãnh đạo phong trào kháng chiến chống Trung Quốc. Thực ra, các kháng chiến quân này được CIA ủng hộ. Ông cảm thấy sao về điều này?

Đạt lai Lạt ma
: Tôi luôn luôn chống lại bạo lực. Nhưng các kháng chiến quân Tây Tạng thời ấy là những người rất tận tâm. Họ sẵn sàng hy sinh đời mình cho quốc gia Tây Tạng. Và họ đã tìm được cách để nhận sự giúp đỡ từ CIA. Bấy giờ, động cơ giúp đỡ của CIA thuần tuý là chính trị. Họ giúp đỡ không phải vì cảm thông thật sự, không phải vì sự ủng hộ cho sự nghiệp chân chính. Sự giúp đỡ ấy không được lành mạnh cho lắm.

Ngày nay, sự giúp đỡ và ủng hộ chúng tôi nhận được từ Hoa Kỳ thật sự xuất phát từ sự cảm thông và lòng trắc ẩn con người. Cho dù họ mong muốn có quan hệ tốt với Trung Quốc, quốc hội Hoa Kỳ ít nhất vẫn ủng hộ nhân quyền Tây Tạng. Vì thế đây là điều thật sự rất đáng quý và thật lòng.

Hỏi: Để thay đổi chủ đề, giống như một vài nhà lãnh đạo tôn giáo đã phát biểu, ông có nói về nguy cơ bùng nổ dân số toàn cầu.

Đạt lai Lạt ma: À, vấn đề dân số là một thực tế đáng ngại. Tại Ấn Độ, do truyền thống tôn giáo nên nhiều người miễn cưỡng chấp nhận ngừa thai. Do vậy, theo quan điểm Phật giáo, tôi nghĩ về vấn đề này ta có thể mềm dẻo. Tôi nghĩ nói thẳng ra có lẽ tốt hơn, rồi sau cùng tạo ra không gian cởi mở hơn cho các nhà lãnh đạo các truyền thống tôn giáo khác thảo luận vấn đề.

Hỏi: Vậy, ông cảm thấy thế nào về việc đức Giáo Hoàng John Paul II tiếp tục phản đối ngừa thai?

Đạt lai Lạt ma: Đấy là nguyên tắc tôn giáo của ông. Ông đang hành xử dựa trên nguyên tắc nào đấy, đặc biệt khi ông nói về nhu cầu tôn trọng quyền của các bào thai. Quả thật, tôi cảm thấy rất xúc động là đức Giáo Hoàng có lập trường rõ ràng về vấn đề đó.

Hỏi: Ông cũng có thể hiểu nhu cầu của phụ nữ, người có thể không thể nuôi con?

Đạt lai Lạt ma: Cách đây vài năm tôi qua Lithuania, tôi đến thăm một nhà trẻ, ở đấy người ta bảo tôi, “Tất cả những cháu bé này đều vô thừa nhận.” Như thế tôi nghĩ rằng tốt hơn là hoàn cảnh nên được ngăn chặn ngay từ ban đầu, tức ngừa thai. Tất nhiên, theo quan điểm Phật giáo, phá thai, nói chung, là hành động giết người và tiêu cực. Nhưng nó phụ thuộc vào hoàn cảnh. Nếu cháu bé chưa ra đời bị thiểu năng về trí tuệ hay khi ra đời sẽ gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho cha mẹ cháu, thì đây là những trường hợp có thể ngoại lệ. Tôi nghĩ phá thai nên được tán thành hay không đưọc tán thành tuỳ theo từng hoàn cảnh.

Hỏi: Tôi hiểu ông đã trải qua một sự thay đổi lớn trong nhận thức của ông về vai trò của phụ nữ trên thế giới.

Đạt lai Lạt ma: Không hẳn là thay đổi. Tôi đã đạt đến ý thức về sự nhạy cảm trong các vấn đề của phụ nữ; ngay hồi những thập niên 1960 và 1970, tôi không có kiến thức nhiều về vấn đề này. Quan diểm cơ bản của Phật giáo về bình đẳng nam nữ đã có từ lâu đời rồi. Ở các bậc Phật giáo mật tông cao nhất (tantric levels), ở bậc tối thượng mật tông (esoteric level), ta phải tôn trọng phụ nữ: tất cả phụ nữ. Trong xã hội Tây Tạng, từ trưóc đến nay vẫn có những sự kỳ thị vô cảm. Tuy nhiên vẫn có những phụ nữ xuất chúng, tức những đại lạt ma, những người được tôn kính trên khắp Tây Tạng.

Hỏi: Trong số báo gần đây của tạp chí phật giáo Tricycle, diễn viên Spalding Gray hỏi ông về các giấc mơ của ông, ông có nhắc rằng đôi lúc ông mơ thấy những phụ nữ đánh nhau.

Đạt lai Lạt ma: Phụ nữ đánh nhau? Không phải, không phải… Điều tôi muốn nói là rằng, trong các giấc mơ của tôi, thỉnh thoảng nhiều phụ nữ đến gần tôi và tôi ngay lập tức nhận thức, “Mình là bhikshu, mình là nhà sư.” Nói vậy chắc chị hiểu, đây là từa tựa như tình dục…

Hỏi: Trong các giấc mơ của ông, ông nhận thức điều này và ông “chống lại” cảm giác ấy?

Đạt lai Lạt ma: Vâng. Tương tự như vậy, tôi nhiều lúc mơ thấy có người đánh tôi và tôi muốn phản ứng lại. Rồi ngay lập tức tôi nhớ, “Mình là nhà sư mình không nên giết người.”

Hỏi: Ông có từng trải nghiệm sự giận dữ? Ngay cả Chúa Jesus cũng từng có những lúc giận dữ.

Đạt lai Lạt ma: Hãy đừng so sánh tôi với Chúa Jesus. Ông là bậc thầy vĩ đại, bậc thầy vĩ đại… Còn về câu hỏi của chị, lúc tôi còn trẻ hơn, tôi thật sự có cáu giận. Nhưng trong 30 năm qua thì không. Một điều là, sự căm ghét, oán hận, gần như không còn nữa.

Hỏi: Vậy những khuyết điểm và nhược điểm của ông là gì?

Đạt lai Lạt ma: Lười biếng.

Hỏi: Người ta nói ông thường thức dậy lúc 4 giờ sáng. Vậy làm sao ông có thể lười biếng được?

Đạt lai Lạt ma: Không phải lười biếng chuyện ấy. Chẳng hạn, do hay đến các nước Tây Phương, tôi dần dần bắt đầu rất thích trau giồi thêm tiếng Anh của mình. Nhưng khi tôi thật sự cố gắng học, thì sau một vài ngày, tự nhiên tôi thấy không còn hứng thú nữa. (Cười.) Đấy mới là lười biếng. Còn các nhược điểm khác, tôi nghĩ, là giận và quyến luyến. Tôi quyến luyến với chiếc đồng hồ đeo tay và với chuỗi hạt tụng kinh của mình. Rồi, tất nhiên, đôi lúc với những phụ nữ đẹp… Nhưng nhiều nhà sư cũng có những trải nghiệm tương tự. Một phần là do tò mò: nếu ta dùng cái này, không biết cảm giác sẽ như thế nào? (Chỉ vào háng của ông.)

Và, dĩ nhiên, ta có cảm giác rằng cái gì mà tình dục ắt hẳn là cái gì đấy rất hạnh phúc, một sự trải nghiệm kỳ diệu. Khi cảm giác này nảy nở, tôi luôn luôn nhìn đến khía cạnh tiêu cực của nó. Đức Bồ Tát Long Thọ, một trong những vị thầy Ấn Độ, đã có lời dạy như sau: “Nếu ta ngứa, gãi được chỗ ngứa thì thấy thích. Nhưng tốt hơn là đừng có ngứa gì hết.” Tình dục cũng giống như thế. Nếu ta có thể sống mà không có cảm giác ấy, thì có nhiều bình an hơn. (Mỉm cười.) Và nếu không có chuyện giao hợp, ta chẳng phải lo ngại phá thai, bao cao su, đại loại những thứ như thế.

Hỏi: Thưa ông, tiếng cười của ông nổi danh toàn thế giới – Điều gì khiến ông cười?

Đạt lai Lạt ma: Do trong gia đình có điểm chung… thường hay thích cười. Một người anh của tôi, Gyalo Thondup, chẳng mấy khi cười. Còn người anh khác, Lobsang Samten, lại rất thích kể chuyện cười tục. Đến người anh thứ ba, Taktser Rinpoche, cũng hay cười. Nói chung tất cả người Tây Tạng rất hiền hoà vui vẻ. Thuở nhỏ, tôi có người trợ lý về tôn giáo, người này luôn luôn nói với tôi, “Nếu thầy có thể cười thật thoải mái thì rất có lợi cho sức khỏe của thầy.”

Hỏi: Ông thường làm gì để giải trí, để thư giãn?

Đạt lai Lạt ma: Mỗi buổi sáng trước khi thức dậy tôi thích để cho các ý tưởng nhập vào mình. Tôi thiền vài tiếng đồng hồ cho người được mạnh khoẻ và tươi tỉnh trở lại. Sau đó, công việc xử thế hàng ngày của tôi thường xuất phát từ mục đích giúp đỡ, hay tạo ra bầu không khí tích cực cho những người khác. Ngoài ra tôi làm vườn… làm vườn là một trong những thú tiêu khiển của tôi. Tôi cũng đọc bộ bách khoa có hình. (Cười.) Tôi là người của hoà bình, nhưng tôi thích xem những sách có hình về chiến tranh thế giới lần thứ hai. Tôi có vài cuốn sách như thế, tôi nghĩ do hai tờ Time Life hợp tác ấn hành. Tôi vừa đặt mua một bộ mới. Ba mươi cuốn.

Hỏi: Thật sao? Tại sao Tái Sanh của Từ Bi lại thích thú như thế về một trong những sự kiện khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại?

Đạt lai Lạt ma: Có lẽ vì những câu chuyện chiến tranh ấy rất tiêu cực và ghê rợn, chúng củng cố niềm tin của tôi vào bất bạo động. (Mỉm cười.) Tuy nhiên tôi thấy những máy móc bạo lực ấy lại rất hấp dẫn. Nào xe tăng, nào máy bay, đặc biệt các hàng không mẫu hạm. Rồi đến các tàu lặn của Đức (U-Boat), các tàu ngầm…

Hỏi: Có lần tôi đọc trong sách rằng khi còn bé ở Lạp Tát, ông đã thích các đồ chơi chiến tranh.

Đạt lai Lạt ma: Vâng, thích lắm. Tôi cũng đã có khẩu súng hơi ở Lạp Tát. Còn tôi hiện đang có một khẩu ở Ấn Độ. Tôi thường cho các con chim nhỏ ăn, nhưng khi chim bay tụ lại, các con diều hâu thấy chúng liền bay đến bắt — trông rất đau lòng. Vì thế để bảo vệ bầy chim nhỏ này, tôi giữ súng hơi.

Hỏi: Vậy đây là súng phật giáo?

Đạt lai Lạt ma: (Cười) Súng từ bi!

Hỏi: Cho phép tôi hỏi ông một câu hỏi khó về điều ông vừa nhắc đến. Ông là người không thể nào thiếu được đối với phong trào của ông. Ông có từng bao giờ sợ rằng ông sẽ chịu cùng số phận như Mahatma Gandhi và Martin Luther King Jr.?

Đạt lai Lạt ma: Đôi lúc tôi cũng chợt nghĩ đến điều này. Riêng chuyện “không thể nào thiếu được”, người ta vẫn tiếp tục phong trào nếu không có tôi.

Hỏi: Các học giả Châu Á khẳng định rằng quốc gia Tây Tạng sẽ không thể nào tồn tại nổi sau năm 1959 nếu ông không phải là nhà lãnh đạo chính trị tài giỏi đến như thế. Nếu điều đó đúng, ông có lo ngại rằng Trung Quốc có thể kết liễu phong trào độc lập Tây Tạng bằng cách giết ông?

Đạt lai Lạt ma: Một số người Trung Quốc cũng nói thực với người Tây Tạng rằng: “Các anh chỉ có một người. Nếu chúng tôi xử lý chuyện này, vấn đề coi như được giải quyết xong.”

Hỏi: Ông có chuẩn bị sẵn cho khả năng đó không?

Đạt lai Lạt ma: Không hẳn lắm, mặc dù nói chung, là phật tử, nhập thiền hằng ngày của tôi cũng chuẩn bị sẵn cho cái chết. Chết vì lão bệnh tự nhiên, tôi hoàn toàn sẵn sàng. Còn chết bất ngờ, đấy thực sự là bi kịch — nếu xét theo quan điểm của những người thực hành tôn giáo.

Hỏi: Vào tháng Chín, những người Palestine đã chấp nhận thoả hiệp để đạt đến sự tự trị trong khu vực. Nếu người Trung Quốc đưa ra mặc cả như thế, ông có chấp nhận hay không?

Đạt lai Lạt ma
: Thật sự, trong 14 năm qua, lập trường cơ bản của tôi rất tương tự. Có một sự khác biệt: trong trường hợp Palestine, hầu như tất cả các chính quyền đều xem vùng đất ấy bị chiếm đóng nên biểu lộ sự quan ngại. Trong trường hợp Tây Tạng, chỉ có quốc hội Mỹ và vài chuyên gia pháp lý xem Tây Tạng là nước có quyền tự quyết nhưng bị chiếm đóng.

Hỏi: Cảm giác của ông thế nào khi ông theo dõi việc ký kết hiệp định hoà bình Trung Đông gần đây?

Đạt lai Lạt ma: Đấy là thành tựu lớn. Vấn đề này chỉ hơn vấn đề Tây Tạng một năm. Vấn đề của chúng tôi bắt đầu vào năm 1949, vấn đề của họ bắt đầu vào năm 1948. Trong những năm đó, biết bao nhiêu hận thù dựng lên. Hãy tưởng tượng: từ thuở nhỏ, người Palestine đã được dạy căm thù. Điều đó được xem như có lợi cho quyền lợi dân tộc. Thực ra, điều đó rất tiêu cực; phát sinh ra biết bao bạo lực. Giờ đây, hai bên đạt đến hiệp định trong tinh thần hoà giải, trong tinh thần bất bạo động. Điều này quả là kỳ diệu.

Hỏi: Có bất kỳ các dấu hiệu nào Trung Quốc biết đâu có thể chấp nhận thoả hiệp?

Đạt lai Lạt ma: (Nói nhanh) Không.

Hỏi: Ông có lần viết Trung Quốc muốn cai trị thế giới. Ông vẫn còn nghĩ như thế?

Đạt lai Lạt ma: Ý của tôi không phải như vậy. Lời nhận xét ấy có quan hệ nhiều đến ý định về thế giới quan Marxist, hơn là về chủ nghĩa bành trướng lịch sử dân tộc Trung Quốc.

Hỏi: Ông nghĩ điều đó vẫn còn đúng?

Đạt lai Lạt ma: Tôi nghĩ, điều ấy đã được thay đổi. Tinh thần ấy… có lẽ vào thập niên 1960 cùng với cuộc Cách mạng Văn hoá, nó hiện diện vào lúc đó. Về bên phía Xô Viết, vào khoảng năm 1956, Khrushchev nhận thức rằng mục tiêu ấy không thực tế. Vào cuối cuộc Cách mạng Văn hoá, vào thập niên 1970, người Trung Quốc nhận thức rằng mục tiêu ấy là không tưởng. Hiện giờ tôi nghĩ vấn đề là chủ nghĩa Sô vanh dân tộc Trung Quốc. Đối với họ, tất cả các dân tộc khác đều man di mọi rợ.

Hỏi: Bao gồm cả ông?

Đạt lai Lạt ma: À, Chắc chắn rồi! Tất nhiên rồi! Họ là nước kiêu ngạo. Sau khi chủ nghĩa Marx không còn nữa, chiến lược của họ là vươn đến mức độ phát triển kinh tế của các nước Tây Phương. Họ xem mình là người bênh vực cho thế giới thứ ba, đặc biệt sau khi Liên Xô sụp đổ. Giờ họ coi Nga là một phần của Tây Phương. Vì vậy những gì ta có là quốc gia đông dân nhất thế giới, chế độ toàn trị thuộc loại tệ hại nhất, cai trị bằng khủng bố – kèm với vũ khí hạt nhân và với ý thức hệ cho rằng sức mạnh là nguồn quyền lực tối hậu. Trưóc đây kinh tế của họ yếu kém, nhung hiện giờ đang cải thiện — nhưng những điều khác vẫn không thay đổi. Tạp chí Time đã gọi họ “siêu cường của thế kỷ tới.”

Hỏi: Điều đó có làm ông sợ?

Đạt lai Lạt ma
: Dù sao chúng tôi cũng đã mất nước rồi. Nhưng tôi lo ngại cho thế giới! Cộng đồng thế giới có trách nhiệm đạo đức để cố gắng giúp dân chủ ở Trung Quốc. Vấn đề bây giờ, là làm sao tạo ra dân chủ? Các trí thức và sinh viên Trung Quốc, họ vốn là lực lượng chính trị mạnh, và rất quan trọng. Cộng đồng thế giới phải dành mọi khích lệ cho lực lượng này. Chúng ta không nên buông thả theo bất kỳ hành động nào làm nản lòng họ.

Hỏi: Ông có nghĩ rằng vào thời điểm của cuộc phản kháng ở Quảng trường Thiên An Môn, phong trào dân chủ sẽ thành công?

Đạt lai Lạt ma: Vâng. Thật sự, biến cố ngày 4 tháng Sáu khiến tôi sửng sốt. Tôi không ngờ họ bắn vào chính dân của họ.

Hỏi: Nhưng nếu những người cộng sản Trung Quốc đã tàn bạo với những người Tây Tạng như ông tố cáo, thì tại sao họ lại không tàn bạo với những người biểu tình ủng hộ dân chủ?

Đạt lai Lạt ma: Vì đó chính là dân của họ! Sao họ có thể đành bắn vào dân họ? Trong Cách mạng Văn hoá thì điều này còn dễ hiểu. Quảng trường Thiên An Môn đã chứng minh rằng một chế độ không do dự khi bắn vào nhân dân của họ, một chế độ như thế… Từ đấy ta không nên còn hoài nghi về thái độ của họ đối với những người nước khác.

Hỏi: Từ sự đánh giá không-lạc-quan lắm này, ông thấy tình huống nào có thể diễn ra cho Trung Quốc và Tây Tạng?

Đạt lai Lạt ma: Cơ bản là chế độ cộng sản Trung Quốc: chế độ nhất định thay đổi, chỉ là vấn đề thời gian thôi. Trên khắp thế giới ngày nay, có sự phát triển về tự do và dân chủ. Hơn nữa phong trào dân chủ, bên trong và bên ngoài Trung Quốc, vẫn hoạt động rất tích cực. Một khi người Trung Quốc muốn lắng nghe các vấn đề của những người khác, thì những người Tây Tạng sẽ không chống lại quốc gia Trung Quốc. Đường hướng của chúng tôi là theo tinh thần hoà giải. Chắc chắn chúng ta có thể có sự đồng thuận.

Trong khi đó, cộng đồng quốc tế phải ủng hộ Tây Tạng và tạo áp lực đối với Trung Quốc. Nếu không có điều này, đường hướng của chúng tôi, theo 14 năm kinh nghiệm vừa qua, không có hy vọng phản hồi.

Hỏi: Để kết thúc, tôi có đọc đâu đó ông tiên đoán rằng, khác với thế kỷ 20, thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của hoà bình và công bằng. Tại sao?

Đạt lai Lạt ma: Vì tôi tin trong thế kỷ 20, con người đã học được từ rất nhiều, rất nhiều kinh nghiệm. Một phần tích cực, đa phần tiêu cực. Bao nhiêu đau thương, bao nhiêu đổ nát! Quá nhiều người bị giết trong hai cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỷ này. Nhưng bản chất con người là bản chất cao quý ở chỗ khi ta đối diện với một hoàn cảnh rất nghiêm trọng, tâm hồn con người liền tỉnh thức để tìm hướng đi khác. Đấy là khả năng của con người.

Nguồn: “The Dalai Lama”, New York Times 28/11/1993.

Bản tiếng Việt © 2010 Trần Quốc Việt

Bản tiếng Việt © 2010 talawas



--------------------------------------------------------------------------------

[1] Tựa đề bản dịch của ni sư Trí Hải (nguồn: Thư viện Hoa sen).