25.10.10

RYSZARD KAPUSCINSKI- TỰ TÌM ĐƯỜNG ĐẾN TƯƠNG LAI

Trần Quốc Việt dịch

Warsaw – Một khi ta rời xa các ốc đảo khách sạn quốc tế, phi trường và ngân hàng, hành tinh còn lại là nơi rất yên tĩnh, rất buồn chán và nhịp đời đi rất chậm. Đa số mọi người đều chỉ biết chăm lo cho đàn gia súc và sống nhờ vào mảnh vườn rau của mình.

Tốc độ và của cải đi chung với nhau. Điều này thật tai hại vì sự song hành này có nghĩa là khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, mà vào giữa thế kỷ chúng ta tưởng sẽ giảm đi, nào ngờ đang ngày càng trở nên vĩnh viễn – và càng lớn hơn. Tất cả các lý thuyết tăng trưởng kinh tế từ thập niên 1950 bàn về thế giới đang phát triến “cất cánh” và đuổi kịp rốt cuộc chẳng có ý nghĩa gì, ít nhất bên ngoài châu Á phi thường.

Hoá ra sự thật chính trong thời đại ngày nay không phải là vũ khí hạt nhân hay sự xung đột giữa các nền văn minh. Sự thật ấy chính là sự bất bình đẳng trên phạm vi toàn cầu. Kỳ lạ thay, ngược lại với các giả thuyết Mác-xít cũ kỹ, đây là sự bất bình đẳng không tạo ra cuộc nổi dậy quyết liệt tại những nơi chúng ta quen gọi “Thế giới thứ Ba”. Đây là sự bất bình đẳng đa số bây giờ mặc nhiên chấp nhận như là một phần của thực tại.

Vào thập niên 1950 và 1960 trong men say của phong trào giải phóng thuộc địa, các nhà lãnh đạo Thế giới thứ Ba và những người đi theo họ tưởng mình có thể dẹp tan bao ngăn cách giữa người giàu và kẻ nghèo, giữa Bắc và Nam, trong cuộc đồng khởi khá lớn chống đế quốc. Khoảng ba mươi năm sau kinh nghiệm cay đắng đã dạy cho nhân dân biết rằng đây là ngõ cụt. Những nhà lãnh đạo giờ tan thanh danh còn nhân dân thì tan ảo mộng.

Vì thế, người dân đã xoay sang cách hội nhập từ từ qua di dân. Từng người một, từng gia đình một, họ tìm được chốn nhỏ nương thân trong thế giới đã phát triển. Họ đi lau chùi nhà cửa và hái dâu ở California, họ rao bán những đồ trang sức rẻ tiền trước đền Pantheon ở La Mã hay trước Tháp Nghiêng Pisa.

Những hành động hội nhập cá nhân nhỏ nhoi cộng lại thành cuộc di dân tập thể này không phải là vấn đề ý thức hệ mà là vấn đề bản năng sinh tồn.

Rồi khi những người này đến được thế giới đã phát triển, họ sống khép mình lại với nhau. Họ không tự tổ chức để mưu cầu quyền lực trong xã hội cưu mang họ. Dù là người Ba Lan ở Canada, người Thổ ở Đức hay người Đại Hàn ở Mỹ, họ đều chỉ biết trông coi cửa hàng của mình hay đi làm. Họ sống phục tùng, sống điềm tĩnh và lặng lẽ, an vui với cuộc đời bé nhỏ còn lại nơi xứ lạ.

Sự hội nhập này đang thay đổi bộ mặt của châu Âu tựa như ở Mỹ. Vào một đêm hè oi bức ở Paris, từ phi trường tôi đáp xe buýt đi vào thành phố. Khi đi ngang qua khu vực người châu Phi ở Paris, tôi ngỡ mình đang ở Lagos. Năm 1996 tôi có mặt ở nhà ga Rotterdam vào độ 10 giờ tối. Lúc đó chỉ có hai người da trắng, người thâu ngân đổi tiền và tôi. Còn lại tất cả mọi người đều là da đen. Tưởng chừng như ta đang ở nhà ga nào đấy ở Nairobi.

Hiện tượng này sẽ đánh dấu tương lai của chúng ta. Người ta sẽ ở lại. Họ sẽ có con, và con họ sẽ đến trường rồi đi làm. Sự hội nhập của họ sẽ thành vĩnh viễn và tạo ra xã hội pha trộn nhiều nền văn minh.

Riêng đối với đa phần thế giới, tương lai thật sự không tồn tại. Tuyệt vọng là người bạn đường đồng hành của sự cách biệt rất lớn này giữa giàu và nghèo trên hành tinh.

Tưởng như rằng chúng ta chẳng còn sót lại trí tưởng tượng nào để giải quyết vấn đề bần hàn này của đa số. Chắc chắn nhờ cứu trợ nhân đạo khẩn cấp nạn đói có thể bị dập tắt ở nơi này hay nơi khác.

Nhưng tất cả các máy tính trên thế giới, với tất cả các dữ liệu chứa trong chúng, chẳng góp phần gì vào việc xoá bỏ cảnh bần hàn tập thể ấy. Tự nhiên ta dễ đi đến kết luận rằng trí tưởng tượng của con người có giới hạn. Một thời trí tưởng tượng này đã dựng lên những thánh đường nguy nga. Nhưng giờ đây trí tượng tượng ấy đã cạn kiệt khi đối diện với vấn đề này.

Nếu có bất kỳ bài học nào rút ra từ tất cả các cuộc cách mạng bị thất bại trong thế kỷ hai mươi, từ chủ nghĩa cộng sản, đến chủ nghĩa xã hội Liên Phi hay Liên Ả Rập, bài học đó là không có con đường tắt nào đến tương lai. Con đường ý thức hệ đưa đến thiên đường ảo ảnh là con đường lừa dối. Con đường ấy không khả thi, không thực tế.

Cho nên lịch sử đã đến Thời điểm Thực tế của mình. Nhân dân cố gắng làm những cái gì có kết quả. Họ thấy cái gì được thì làm.

Thiếu đi những tư tưởng chỉ đạo này có thể nguy hiểm vì lấp đầy vào đấy có thể là lòng thù hận và nghi ngờ. Nhưng thế giới nói chung, từ nước giàu nhất đến nước nghèo nhất, đã vượt xa ý thức hệ. Trong tâm trạng tan vỡ ảo mộng của chúng ta dường như chẳng thể nào tập hợp được bất kỳ tập thể dân chúng nào dưới một ngọn cờ tư tưởng. Điều đó hoá ra lại hay. Như thế nhân dân chắc chắn tiếp tục theo con đường trung đạo, tức con đường thực tế tiến lên dò dẫm từng bước nhỏ tuỳ thuộc vào những điều làm được và những điều không làm được. Thời đại của những bước nhảy vọt vĩ đại và giấc mơ hoang tưởng đã qua.

Như vậy trí thức sẽ trở nên như thế nào trong các xã hội thực tế? Trí thức là những người tạo ra văn hoá. Và giữa tất cả những tan vỡ ảo vọng trong thế kỷ hai mươi, văn hoá của một dân tộc nào đấy là những gì trường tồn như những trụ cột còn sót lại quanh cảnh đổ nát hoang tàn của các nhà nước và ý thức hệ.

Vai trò của trí thức cũng sẽ phải đặc biệt quan trọng với tư cách là những người canh chừng sự vận dụng truyền thông bất chính, canh chừng sự chọn lọc và uốn nắn thông tin. Vai trò chủ yếu của họ là sẽ phải nói lên những gì không được nói, vạch ra những gì không được vạch ra, bàn luận về phần của hiện thực mà có thể không đi vào được cuốn phim ăn khách hay không thể chen chân lên được màn ảnh truyền hình.

Bất kỳ sự chọn lọc thông tin nào cũng là sự kiểm duyệt. Sự kiểm duyệt có thể là độc đoán hay hành chánh, như kiểm duyệt dưới thời Xô viết cũ hay như kiểm duyệt hiện nay ở Trung Quốc. Hay kiểm duyệt có thể xuất hiện do sự chọn lựa của người tiêu thụ và của nhà sản xuất chiều theo thị hiếu tập thể tầm thường để đảm bảo kết quả bội thu ở phòng bán vé.

Cả hai hình thức chọn lọc đều xoá sạch đi sự thật về hiện thực. Vai trò của trí thức là phải đâm thủng cả hai bức màn kiểm duyệt này.

Nguồn: Nguyên tác tiếng Anh “Some Last Thoughts”, tạp chí NPQ số mùa xuân 2007. Tựa đề của người dịch.

http://www.digitalnpq.org/archive/2007_spring/17_kapuscinksi.html

Bản tiếng Việt © 2010 Trần Quốc Việt

Bản tiếng Việt © 2010 talawas

22.10.10

RYSZARD KAPUSCINSKI- MỘT THẾ GIỚI, HAI NỀN VĂN MINH

Trần Quốc Việt dịch

Warsaw- Trong các xã hội lịch sử, tất cả mọi sự đều được quyết định trong quá khứ. Tất cả nghị lực, tình cảm, say mê của họ đều hướng về quá khứ, đều dành cho việc thảo luận lịch sử, cho ý nghĩa lịch sử. Họ sống trong vương quốc của huyền thoại và nòi giống lập quốc. Họ không thể nói về tương lai vì ở họ tương lai không gợi lên niềm say mê như lịch sử. Họ là dân tộc hoàn toàn lịch sử, sinh ra và sống trong lịch sử của những đấu tranh, phân chia và xung đột lớn. Họ giống như người cựu binh già. Tất cả những điều ông ta muốn nói toàn là về những trải nghiệm thử thách lớn lao chất chứa bao tình cảm sâu đậm khiến ông không bao giờ có thể quên được.

Tất cả những xã hội lịch sử đều sống với gánh nặng làm lu mờ tâm hồn, trí tưởng tượng của họ. Họ phải sống đắm mình trong lịch sử; nhờ lịch sử họ thể hiện mình. Nếu họ mất lịch sử, họ mất bản sắc của họ. Lúc đó họ sẽ không chỉ vô danh. Họ sẽ không còn tồn tại. Quên lịch sử là quên chính mình- một sự bất khả về sinh học và tâm lý. Lịch sử là vấn đề sinh tồn.

Tuy nhiên, để tạo ra giá trị mới, xã hội cần phải có tâm hồn trong sáng để cho phép xã hội sẽ tập trung vào làm điều gì đấy nhắm vào tương lai. Đây là bi kịch các xã hội lịch sử đang mắc phải.

Mỹ, ngược lại, là một quốc gia may mắn. Mỹ không có vấn đề với lịch sử. Tinh thần Mỹ là mở rộng vào tương lai. Là xã hội trẻ, Mỹ có thể đầy sáng tạo khi không có gánh nặng lịch sử đè nó xuống, giữ chặt chân nó, trói chặt tay nó lại.

Nguy cơ đối với Mỹ, và nguy cơ đối với cả thế giới, là rằng sự phát triển của Mỹ rất năng động và sáng tạo đến mức Mỹ sẽ là một thế giới hoàn toàn khác trên cùng hành tinh này. Mỗi ngày, Mỹ đang tạo ra càng lúc càng nhiều những yếu tố của nền văn minh hoàn toàn mới, càng ngày càng tách xa nền văn minh của thế giới còn lại. Khoảng cách này không chỉ là vấn đề của cải và kỹ thuật, mà còn là vấn đề tinh thần.

Địa vị cùng sự ngự trị của nước Mỹ năng động và sự tê liệt của các xã hội lịch sử - đây là vấn đề lớn cho tương lai của nhân loại. Khác với viễn cảnh tất cả chúng ta đều tưởng cách đây 20 năm, thế giới hiện không hội tụ, mà tản mác ra như những thiên hà.

Khi tôi lần đầu tiên đến châu Phi cách đây 30 năm, tôi có thể bắt gặp nền nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và y học cũng hơi hiện đại. Ít nhiều cũng tương tự như châu Âu sau khi bị chiến tranh tàn phá.

Ngày nay, ngay cả những gì còn sót lại từ chủ nghĩa thực dân ở châu Phi cũng hư hỏng dần đi. Chẳng có cái gì mới được xây dựng nên. Trong khi ấy, Mỹ đang tiến vào không gian mạng.

Sau Thế chiến thứ Hai, tại các nước Thế giới thứ Ba đã có sự giác ngộ ý thức lớn lao. Đặc biệt đối với châu Phi và châu Á, chiến tranh đã chứng minh rằng các mẫu quốc, như Anh hay Pháp, có thể bị đánh bại. Các trung tâm quyền lực trên thế giới cũng chuyển từ Đức, Nhật và từ các đế quốc Pháp và Anh sang Hoa Kỳ và Liên Xô – những nước vốn không phải là các cường quốc thực dân truyền thống. Những biến chuyển này đã thuyết phục những người trẻ theo đuổi chủ nghĩa dân tộc tại các nước Thế giới thứ Ba rằng họ có thể giành được độc lập.

Cuộc đấu tranh giành độc lập có ba giai đoạn. Đầu tiên là các phong trào giải phóng dân tộc, đặc biệt tại các nước châu Á rộng lớn nhất. Ấn Độ đạt được độc lập năm 1947 và Trung Quốc năm 1949. Thời kỳ này chấm dứt bằng Hội nghị Bandung năm 1955, tại đây triết học chính trị đầu tiên của Thế giới thứ Ba, tức phi liên kết, đã ra đời. Triết học này được các nhân vật đầy màu sắc của thập niên 1950 cổ vũ – Nehru của Ấn Độ, Nasser của Ai Cập, Sukarno của Indonesia.

Đặc trưng cho giai đoạn thứ hai, trong thập niên 1960, là niềm lạc quan mãnh liệt. Chính trong thời kỳ này, phong trào giải phóng thuộc địa lan nhanh nhờ lấy triết học phi liên kết làm kim chỉ nam. Năm 1964, 14 nước châu Phi giành được độc lập.

Đến giai đoạn thứ ba, khởi đầu vào thập niên 1970, niềm lạc quan mãnh liệt ấy vốn đi cùng với sự khai sinh của các quốc gia bắt đầu tiêu tan. Niềm tin rằng độc lập dân tộc tất nhiên có nghĩa là độc lập kinh tế và độc lập văn hoá đã chứng tỏ là một khái niệm ảo tưởng và hoàn toàn không thực tế.

Giai đoạn thứ tư được khai màn bởi cuộc cách mạng Iran năm 1979, ra đời như là phản ứng đối với những nỗ lực phát triển đầy lạc quan. Bản chất kỹ thuật của các giá trị hiện đại và các kế hoạch công nghiệp trong thời kỳ đầy lạc quan ấy đã bỏ qua khía cạnh cực kỳ quan trọng của các xã hội lịch sử, tức các giá trị truyền thống về đạo đức và tôn giáo. Các xã hội lịch sử truyền thống không chấp nhận lối sống mới này vì họ cảm thấy lối sống ấy đe dọa đến phần cơ bản nhất trong bản sắc của họ.

Chẳng hạn, du nhập nhanh chóng kỹ thuật vào Iran lại bị những người Iran coi đó là một sự lăng nhục đối với một dân tộc có văn hoá truyền thống lâu đời. Vì họ không thể học kỹ thuật nên họ cảm thấy xấu hổ. Sự lăng nhục này gây ra phản ứng rất dữ dội. Người dân Iran gần như phá huỷ các nhà máy đường do các chuyên gia người Âu xây dựng bởi vì họ cảm thấy rất phẫn nộ. Vì du nhập từ bên ngoài, họ cảm thấy kỹ thuật được cài vào để thống trị họ. Thay đổi diễn ra quá nhanh nên họ không thể nào chấp nhận được thay đổi.

Đông đảo quần chúng Iran đi theo giáo chủ Ayatollah Khomeini nhận thấy rằng những kế hoạch kinh tế hoành tráng của Shah và các cố vấn tây hoá của ông không đủ để đưa họ lên đến cõi trên, hay lên đến thiên đường. Vì thể họ lại càng nhấn mạnh nhiều vào các giá trị cũ hơn. Người dân núp đằng sau các giá trị cũ này để bảo vệ mình. Những truyền thống cũ và tôn giáo cũ là nơi trú ẩn an toàn duy nhất bày sẵn cho họ.

Hôm nay chúng ta thấy phản ứng diễn ra trên khắp thế giới Hồi giáo thể hiện qua các phong trào tôn giáo và cảm tính chỉ mới là sự khởi đầu. Cuộc cách mạng Iran đã mở ra một thời kỳ mới trong các nước Thế giới thứ Ba – thời kỳ giải phóng thuộc địa về văn hoá. Nhưng cuộc phản cách mạng này không thể thành công. Bởi lẽ nó không sáng tạo mà chỉ chống đỡ. Nó vẫn còn định hình bởi những gì nó kháng cự. Tất yếu nó sẽ dẫn đến sự tê liệt. Trong khi ấy, Mỹ đang di chuyển ở tốc độ ánh sáng tương đối.

Không có gì sẽ thay đổi trừ phi các xã hội lịch sử học để sáng tạo, học để tạo ra cuộc cách mạng tinh thần, cách mạng thái độ, cách mạng tổ chức. Nếu họ không huỷ diệt lịch sử, thì lịch sử nhất định huỷ diệt họ.

Ryszard Kapuscinski (1932-2007) là nhà báo Ba Lan nổi tiếng toàn cầu. Trước khi CNN ra đời, ông đã đến tận những nơi heo hút của Thế giới thứ Ba để cảm nghiệm và ghi chép. Từ đấy một loạt tác phẩm nổi tiếng ra đời như Shah của Shahs, Hoàng đế, hay Chiến tranh Túc cầu.

Nguồn: Tạp chí NPQ số mùa Đông năm 2002

http://www.digitalnpq.org/archive/2002_winter/kapuscinski.html

Bản tiếng Việt © 2010 Trần Quốc Việt

Bản tiếng Việt © 2010 talawas

17.10.10

GYORGY DRAGOMAN-CỘI RỄ TOÀN TRỊ CỦA BÙN ĐỎ

Trần Quốc Việt dịch
BUDAPEST

Những dấu bánh xe màu đỏ in hằn trên các con đường dẫn lên núi lửa Somlo đã tắt, quê hương vùng sản xuất rượu nho nhỏ nhất của Hungary và chỉ cách nơi xảy ra thảm hoạ môi trường tồi tệ nhất trong lịch sử nước này có vài dặm.

Gần hai tuần đã trôi qua kể từ khi đập xi măng ngăn hàng triệu gallon chất thải độc hại bị vỡ khiến chất thải chảy tràn ngập vào hai làng và làm thiệt mạng chín người. Những cánh đồng hiện vẫn còn đỏ, in hình một cách ma quái trong màu trắng tựa như phấn _ thạch cao mà các tổ cứu hộ dùng để trung hoà lớp bụi gây phỏng da.

Cha vợ tôi mới mua một vườn nho nhỏ trên Somlo. Mùa thu này là vụ thu hoạch gia đình đầu tiên nên hai con tôi cứ háo hức chờ đến ngày được đi đạp nho. Do có vụ tràn bùn, chúng cũng biết thêm một điều khác.

Hai cháu hỏi tôi đây có phải là dung nham từ núi lửa phun ra; chúng còn muốn biết liệu nó có giống như tai hoạ hạt nhân mà tôi có dịp bàn đến trong sách tôi viết. Tôi đáp: " Không, đây không phải là dung nham; đúng, nó gây phỏng; không, không có phóng xạ."

Các con tôi không phải là những người duy nhất muốn biết nhiều hơn về "bùn đỏ". Chất thải đến hàng trăm triệu mét khối được trữ trong các hồ chứa trên khắp miền này của Hungary chính xác là chất gì?

Cha vợ tôi bảo tôi ông biết về cái đập đó; mọi người trong vùng đều biết. Nhưng tại vùng này của thế giới người ta lại có niềm tin kỳ lạ về sự tồn tại bất tử của bê tông nên người dân xây nhà chỉ cách đập vài trăm mét, trong khi đó MAL, công ty sở hữu đập, lại rất tự tin về sự bền vững của đập đến mức công ty không có những quy định an toàn phòng khi đập bị vỡ.

Giờ đây mọi thứ đều không rõ ràng. Những ngôi làng bị nạn nằm giữa phong cảnh đỏ như sao Hoả. Người dân cố gắng dọn sạch bằng xẻng xúc tuyết, dụng cụ thường không được lấy ra dùng trong vài tháng tới. Âm thanh đáng sợ của chất thải vỗ bì bõm quanh bề lưỡi xẻng cứ vọng hoài trong tai, và làm cho sự thiếu thông tin đáng tin cậy lúc ban đầu càng thêm đau đớn hơn.

Ngay sau vụ tràn chất thải, Viện Hàn lâm Khoa học Hungary đã tuyên bố chất thải màu đỏ không độc. Tổng giám đốc MAL đã nói trên đài truyền hình rằng chất thải là chất hoàn toàn vô hại, chỉ cần dùng nước rửa sạch đi là xong.

Người ta đã nhanh chóng chứng minh rằng họ nói sai. Những nhân viên cấp cứu có mặt đầu tiên tại hiện trường đã bị phỏng nặng; rõ ràng không ai báo cho họ biết chất thải có nồng độ pH 13, gây phỏng như dung dịch kiềm.

Khoảng cách giữa những tuyên bố chính thức và hiện thực của nhân dân đang chết tưởng chừng khơi rộng ra đường nứt trên tường. Đối với nhiều người, sự kiện này gợi tưởng đến thời quá khứ tưởng chừng xa xăm khi hầu như toàn bộ cuộc sống ở Hungary được định hình bởi bao tin đồn và dối trá, khi mọi sự chỉ là trò chơi giả dối và mộng tưởng.

Lần này chúng ta đã đối diện với một nguy cơ chưa từng biết, dù nguy cơ ấy sinh ra từ một chất chúng ta đã và đang tạo ra trong hàng chục năm trời -một sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất để chuyển bauxite sang alumina, để dùng tạo ra nhôm. Sợ hãi hoá thành giận dữ, và nhân dân đòi muốn biết sự thật.

Viện hàn lâm vội vã lấy mẫu mới. Mười ngày sau khi chất thải bắt đầu chảy tràn ra họ mới cho chúng ta biết rằng chất thải quả là độc, có chứa lượng thạch tín cao; khi nó khô, nó sẽ biến thành bụi độc.

Tin này thật chẳng an lòng, nhưng ít ra bây giờ chúng ta biết bùn đỏ thật sự đe doạ như thế nào. Tuy các viên chức chưa nghĩ ra chính xác cách nào để ngăn chặn và dọn sạch vụ tràn chất thải này, một đập phòng hộ mới bao quanh các làng đã chuẩn bị xong, và họ bảo chúng ta rằng chẳng bao lâu nhiều người sẽ có thể về nhà.

Tuy nhiên, rõ ràng thảm hoạ này đã buộc Hungary phải đánh giá lại di sản môi trường, thực tiễn trữ những chất thải công nghiệp độc hại trên khắp cả nước suốt hàng chục năm nay của mình. Bước kế tiếp là phải tìm ra một cách chính xác chất thải nào đang được trữ lại, ở đâu và trong điều kiện như thế nào. Hơn nữa, chúng ta còn phải tìm ra cách tốt nhất để loại bỏ hay kiểm soát được những chất này.

Sự đánh giá lại này nhất định phải là cuộc thảo luận chính trị liên quan không chỉ đến các nhà khoa học. Cuộc thảo luận phải bàn về chuyện tại sao chúng ta đã lại từng chấp nhận những mối đe doạ như thế đối với nhân dân dân và đối với môi trường, như thế có nghĩa là phải bàn cãi về quá khứ của chúng ta - một chủ đề nhiều người đang cầm quyền rất cố muốn tránh.

Cha vợ tôi nói với tôi rằng những người bạn làm rượu nho của ông đã bắt đầu xoá sạch những dấu bánh xe trên những con đường quanh Somlo. Ông nói, ô nhiễm chưa bao giờ chạm đến nguồn cung cấp nước. Từ phương bắc, cách núi lửa rất xa, gió thổi về nên những người làm rượu nho tin có thể cứu được vụ thu hoạch nho. Nhưng đó chỉ là điều duy nhất họ chắc chắn.


Tựa đề của người dịch. Nguên tác tiếng Anh " Seeing Red in Hungary"

Nguồn: New York Times số ra ngày 17 tháng Mười năm 2010

www.nytimes.com/2010/10/17/opinion/17Dragoman.html

Bản tiếng Việt © 2010 Trần Quốc Việt

Bản tiếng Việt © 2010 talawas

2.10.10

ALEXANDER SOLZHENITSYN- NHỮNG NGƯỜI THUA NẶNG TRONG THẾ CHIẾN THỨ BA

talawas – Bài viết sau đây của Alexander Solzhenitsyn, đăng trên New York Times ngày 22/6/1975, không lâu sau khi ông phải dời bỏ Liên Xô sang tị nạn tại phương Tây, cho thấy cái nhìn khá bi quan và quan điểm không khoan nhượng của ông về sai lầm và trách nhiệm của phương Tây trước hiện trạng chính trị thế giới thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Việt Nam được nhiều lần nhắc đến trong bài viết này. Xin giới thiệu cùng độc giả.

________________

Trần Quốc Việt dịch

Paris - Khi Thế Chiến Thứ Nhất theo sát gót Thế Chiến Thứ Hai, câu hỏi ám ảnh mọi người là liệu Thế Chiến Thứ Ba có diễn ra tiếp theo. Bao nhiêu nhượng bộ và hy sinh người ta đã chấp nhận để trì hoãn cuộc thế chiến tương lai ấy, trong niềm mong mỏi may ra hoàn toàn tránh được nó?

Nhưng rất ít người chú ý, hay có can đảm thừa nhận, rằng Thế Chiến Thứ Ba đã diễn ra từ lâu và nó đã thành lịch sử rồi. Cuộc thế chiến ấy đã kết thúc trong năm nay với việc Thế Giới Tự Do bị thua nặng.

Thế Chiến Thứ Ba đã bắt đầu ngay theo sau Thế Chiến Thứ Hai: những hạt giống đã được gieo khi cuộc chiến tranh ấy vừa chấm dứt, và thế chiến mới đã xuất hiện lần đầu tiên ở ở Yalta năm 1945, khi những cây bút hèn nhát Roosevelt và Churchill, muốn mừng chiến thắng của họ bằng một loạt nhượng bộ, đã ký giao đứt Estonia, Latvia, Lithuania, Moldavia, Mongolia, đã kết án tử hình hay lưu đày hàng triệu công dân Xô Viết đến các trại tập trung, đã tạo ra Hội đồng Liên hiệp quốc bất tài, rồi cuối cùng bỏ rơi Nam Tư, Albania, Ba Lan, Bulgaria, Rumania, Tiệp Khắc, Hungary và Đông Đức.

Thế Chiến Thứ Ba đã mở đầu khác với hai cuộc thế chiến trước, không phải bằng trao đổi thư từ cắt đứt quan hệ, hay tấn công ồ ạt bằng máy bay. Thế Chiến Thứ Ba đã mở đầu một cách lén lút; nó luồn vào thế giới dưới những cái tên khác nhau: thay đổi “dân chủ” được 100 phần trăm dân chúng tán thành; Chiến tranh Lạnh; cùng tồn tại hoà bình; bình thường hoá quan hệ; chính trị thực tế; hoà hoãn, hay các hiệp ước thương mại chỉ có lợi cho kẻ xâm lăng. Nhằm tránh cái tên Thế Chiến Thứ Ba bằng mọi giá, phương Tây đã chuẩn y nó, để mặc cho nó tàn phá và nô lệ hai mươi nước, và để mặc cho nó thay đổi diện mạo trái đất.

Khi xem xét cẩn thận, ta thấy ba mươi năm qua là sự suy tàn kéo dài, tuy gập ghềnh, của phương Tây – chỉ trượt dài, chỉ lao xuống, chỉ bạc nhược và sa đoạ. Trong suốt ba mươi năm hoà bình này các cường quốc thắng trận trong hai cuộc thế chiến đầu tiên đã chỉ toàn hướng đến sự yếu đuối, khi bỏ rơi đồng minh thực sự hay tương lai, khi làm tiêu tan đi sự khả tín của mình, khi từ bỏ bao lãnh thổ và dân số cho một kẻ thù không thể nào xoa dịu được: từ Trung Quốc bao la đông dân, đồng minh quan trọng nhất của họ trong Thế Chiến Thứ Hai, đến Bắc Hàn, Cuba, Bắc Việt Nam, và giờ đến Nam Việt Nam và Cambodia; Lào cũng sắp mất nốt; Thái Lan, Nam Hàn hiện bị đe doạ; Bồ Đào Nha đang lao xuống cùng vực thẳm. Phần Lan và Áo cam chịu đợi chờ số phận của họ, bất lực để bảo vệ mình và rõ ràng không có lý do gì để trông mong sự giúp đỡ từ nước ngoài.

Cũng chẳng thể nào kể ra hết tất cả các nước nhỏ ở Châu Phi và Ả Rập đã trở thành những chính quyền bù nhìn của chế độ cộng sản, cũng như rất nhiều nước khác, ngay cả tại Châu Âu, phải quy phục để tồn tại. Còn Liên hiệp quốc, một sự thất bại hoàn toàn, một thể chế dân chủ tồi tệ nhất trên thế giới, món đồ chơi vô trách nhiệm, đã trở thành diễn đàn để từ đấy chế giễu phương Tây, qua đó phản ánh sự sụp đổ quyền lực đớn đau của nó.

Vì thế, nếu những người chiến thắng bị biến thành những kẻ chiến bại khi giao nộp nhiều nước và nhiều dân tộc với số lượng còn hơn cả số luợng phải giao theo sau bất kỳ cuộc đầu hàng quân sự nào trong lịch sử, thì chẳng phải là hoa mỹ khi nói rằng Thế Chiến Thứ Ba đã diễn ra rồi và kết cục phương Tây bại trận.

Ngày nay, khi trận đánh kéo dài nhất và gay cấn nhất trong cuộc chiến tranh này, trận đánh Việt Nam, kết thúc đầy bi kịch bằng sự sát hại hàng ngàn người và giam cầm hàng triệu người khác, chúng ta vắt óc để tìm ra một cách vô vọng những lần khi phương Tây giữ vững được chiến tuyến của mình trong suốt ba mươi năm vừa qua.

Quả thật chúng ta có thể kể ra ba lần: Hy Lạp năm 1947, Tây Berlin năm 1948, và Nam Hàn năm 1950. Ba trường hợp này đã khích lệ lòng tin và hy vọng ở phương Tây. Nhưng hãy xem lại chúng trong bối cảnh hiện nay: trong ba nơi này liệu có nơi nào hôm nay có đủ sức mạnh để chống lại ách nô lệ? Ai sẽ bảo vệ họ khi họ bị đe doạ? Thượng viện nào sẽ phê chuẩn gởi vũ khí và viện trợ? Ai sẽ không thích sự thanh bình hơn tự do của họ? Phải chăng Liên minh Đại Tây Dương, sau khi đã mất bốn nước rồi, vẫn còn tồn tại? Khi Israel dũng cảm bảo vệ mình nhờ vào sự đoàn kết kiên cường, thì Châu Âu lại đầu hàng, hết nước này đến nước khác, trước sự đe dọa ít có dịp lái xe đưa gia đình đi chơi hơn vào những chiều Chủ Nhật.

Hai hay ba thập niên vinh quang của kiểu cùng tồn tại hoà bình này và chính khái niệm phương Tây rồi sẽ hoàn toàn biến mất.

Thế Chiến Thứ Ba diễn ra nhanh không ngờ tại nơi dễ tổn thương nhất của phương Tây, tức ao ước của con người muốn kéo dài sự thịnh vượng với cái giá của những nhượng bộ hão huyền. Điều này giải thích niềm hân hoan được thể hiện mỗi lần ký hiệp ước mới (như thể bất kỳ hiệp ước nào cũng luôn luôn được Liên Xô tôn trọng ngoại trừ khi nó phục vụ mục đích của họ.) Chẳng bao lâu, tại cuộc hội nghị an ninh 35 quốc gia Châu Âu, các nước Tây Âu sẽ xác nhận thân phận nô lệ mới của các nước huynh đệ ở phương Đông, trong khi đó vẫn tin tưởng họ đang tạo viễn cảnh xán lạn cho hoà bình.

Tôi đã mô tả hoàn cảnh mà người bình thường tại các nước phương Đông từ Poznan đến Quảng Đông ai cũng thấy rõ. Nhưng tinh thần phương Tây cần phải cứng rắn hơn rất nhiều và đôi mắt phương Tây đặc biệt phải cần tinh tường hơn để nhìn thấy và chấp nhận bằng chứng về sự khích động bạo lực và đổ máu có bài bản, liên tục, thành công trên khắp thế giới xuất phát từ một nguồn trong gần sáu mươi năm.

Họ chỉ cần xem bản đồ thế giới để thấy những nước nào đã bị đánh dấu sẵn cho cơn thảm sát kế tiếp.

Tất nhiên, không ai có quyền buộc phương Tây gánh vác trách nhiệm bảo vệ Malaysia, Indonesia, Đài Loan hay Phillipines; cũng không ai dám trách phương Tây không muốn làm như thế. Nhưng đối với những người trai trẻ đã từ chối chịu đựng đau đớn và gian nan của cuộc chiến tranh xa xăm tại Việt Nam, họ – chứ không phải con họ – phải đứng lên bảo vệ nước Mỹ trước khi họ qua độ tuổi quân dịch. Song đến lúc ấy đã quá muộn.

Giờ chẳng ích gì để hỏi làm sao ngăn ngừa Thế Chiến Thứ Ba. Chúng ta phải có can đảm và sáng suốt để chặn Thế Chiến Thứ Tư. Chúng ta phải chặn nó lại; chứ không phải quỳ xuống khi nó đến.

Nguồn: New York Times, số ra ngày 22 tháng Sáu năm 1975. Leonard Mayhew dịch sang tiếng Anh. http://graphics8.nytimes.com/packages/pdf/oped40/CONFLICTSolzhenitzyn.pdf

Bản tiếng Việt © 2010 Trần Quốc Việt

Bản tiếng Việt © 2010 talawas