12.11.13

Vaclav Havel- Chờ Tự Do

Trần Quốc Việt dịch
 
 
Lời người dịch:  Tên vở kịch nổi tiếng nhất của nhà viết kịch Samuel Beckett là Chờ Godot. Godot là hiện thân của sự chờ đợi vô vọng dằng dặc, là biểu tượng của sự đau khổ về sự khắc khoải chờ đợi điều gì đấy tưởng chừng như không bao giờ đến. Cho nên khi cuộc cách mạng Tiệp Khắc bùng nổ trên đường phố, người ta không bất ngờ khi thấy những biểu ngữ ghi "Godot ở đây!" và nghe tiếng reo hò trên đường phố "Godot đã đến!" Tự do cuối cùng đã đến!
 
Đây là trích đoạn bài diễn văn của cựu tổng thống Vaclav Havel đọc trước Viện Hàn Lâm Pháp bàn về hai cách chờ Tự Do.
 
 
 
 
Từ một quốc gia đã chờ đợi tự do suốt bao nhiêu năm dài tôi đến với các bạn hôm nay. Vì vậy tôi mong các bạn cho phép tôi trình bày những ý kiến vắn tắt về hiện tượng chờ.
 
"Chờ Godot" đến để giải phóng hay cứu thoát là cách chờ đầu tiên trong vô vàn những cách chờ khác nhau. Đa phần chúng tôi chịu đựng ách cai trị cộng sản thường gần như chờ đợi theo cách đầu tiên này. Bị vây hãm, bị đè nén, bị đô hộ trong lòng chế độ toàn trị, nhiều cá nhân đã mất hết tất cả hy vọng tìm ra lối thoát, mất tất cả ý chí hành động và mất cả ý thức rằng họ có thể hành động. Tóm lại, họ mất hy vọng.
 
Tuy nhiên họ đã không và không thể nào mất nhu cầu hy vọng, vì không có hy vọng cuộc đời mất hết ý nghĩa. Vì vậy họ chờ Godot. Không thể nào ấp ủ hy vọng trong lòng, họ chờ đợi điều gì đấy tựa như sự giải thoát mơ hồ từ bên ngoài. Nhưng Godot không bao giờ đến, chỉ vì Godot không tồn tại. Godot chỉ thể hiện niềm hy vọng. Godot không phải là chính hy vọng, chỉ là ảo vọng. Godot sinh ra từ chính sự tuyệt vọng của chúng ta-miếng vải rách ấy để vá lại tâm hồn tả tơi. Miếng vải vá ấy lại chi chít những lỗ thủng. Đấy là niềm hy vọng của những người không có hy vọng.
 
Cách chờ cuối cùng trong vô vàn những cách chờ là cách chờ khác. Cách chờ ấy là sự kiên nhẫn và được khích lệ bởi hy vọng rằng phản kháng bằng cách nói lên sự thật là vấn đề nguyên tắc, là điều phải ta nên làm mà không cần đoán liệu phản kháng ấy sẽ đi đến đâu vào ngày mai, ngày mốt hay bao giờ. Cách chờ như thế xuất phát từ niềm tin rằng lập lại sự thật thách thức này tự  riêng nó có ý nghĩa, cho dù người ta có nhận thức được sự thật hay không, hay sự thật chiến thắng, hay bị đàn áp đến trăm lần, chỉ mong sao đâm thủng được bức màn dối trá liên tục.
 
Cách chờ ấy cũng được khích lệ bởi niềm tin rằng hạt giống, một khi đã gieo xuống, sẽ bén rễ và nâỷ mầm vào một ngày nào đó, dù không ai biết khi nào. Cách chờ ấy dạy chúng ta kiên nhẫn chờ, chờ trong tâm trạng hy vọng, không phải là sự thể hiện tuyệt vọng. Khác với chờ Godot là cách chờ vô nghĩa tự dối mình và vì thế phí thời gian, cách chờ thứ hai thật sự có ý nghĩa; chờ không phải là sự dối lòng ngọt ngào mà là sự thật cay đắng, và thời gian chờ đợi không hoài phí. Chờ cho đến lúc hạt giống tốt nẩy mầm không giống như chờ Godot. Chờ Godot nghĩa là chờ hoa huệ chúng ta không bao giờ trồng nở hoa.
 
Ta không thể chờ Godot.
 
Godot sẽ không đến, vì Godot không tồn tại.
 
Thật ra, ta càng không thể tạo ra Godot. Ví dụ điển hình về Godot được tạo ra-tức một Godot thật sự xuất hiện và vì thế là Godot giả- là cộng sản. Cộng sản thường  tuyên bố cứu chúng ta, nhưng cứu cùng chỉ tiêu diệt chúng ta.
 
 Tôi đã từng muốn lịch sử  tiến lên như cách trẻ em kéo cây để cho cây mau lớn.
 
Tôi tin chúng ta phải học chờ như chúng ta học sáng tạo. Chúng ta phải kiên nhẫn gieo hạt giống, chăm chỉ tưới nước và dành cho cây thời gian cần thiết để lớn lên.
 
Tựa như ta không thể nào lừa cây, ta không thể nào lừa lịch sử. Nhưng ta có thể tưới nước lịch sử. Tưới kiên nhẫn mỗi ngày. Tưới với tất cả sự thấu hiểu, với sự khiêm nhường, và với tất cả yêu thương.
 
 
Nguồn: Trích từ diễn văn của cựu Tổng thống Tiệp Khắc Vaclav Havel đọc trước Viện Hàn Lâm Pháp tại Paris vào ngày 27 tháng Mười, 1992. Bản tiếng Anh của Paul Wislon. Tựa đề của người dịch.
 
Từ tác phẩm "The Art of the Impossible" của Vaclav Havel, nhà xuất bản Mỹ Alfred A. Knoff, 1997, trang 103-108. Người dịch có tham khảo bản lược dịch của báo New York Times, số ra ngày 13 tháng Mười Một, 1992 với tựa đề " Planting, Watering and Waiting"

17.10.13

George H.W. Bush-Đức tin bất diệt

Trần Quốc Việt dịch

Ở lễ tang nhà lãnh đạo Xô Viết Leonid Brezhnev, mọi sự được diễn ra trong cuộc diễu binh; không khí buổi lễ thấm đẫm sự lạnh giá và trống rỗng- những người lính đi đều bước, những nón sắt, những từ ngữ cộng sản sáo rỗng khoa trương, nhưng không lời cầu nguyện, không thánh ca an ủi lòng người, không nhắc đến Chúa.

Các nhà lãnh đạo Xô Viết đứng vào vị trí của họ trên Bức tường Kremlin khi gia đình Brezhnev đi theo sau quan tài đến nơi an nghỉ cuối cùng. Tôi tình cờ đứng ở chỗ  rất tốt để nhìn thấy rõ bà Brezhnev. Bà bước đến quan tài, nhìn chồng lần cuối cùng và tại đấy-ngay chính trung tâm lạnh giá, xám xịt của nhà nước toàn trị ấy-bà vạch dấu Thánh giá trên ngực chồng.

Tôi sững sờ. Qua hành động đơn giản ấy, Chúa đã phá tan cốt lõi của chế độ cộng sản. Tôi cũng thấy rõ ràng rằng hàng chục năm trời, ngay cả hàng bao thế kỷ, của ách cai trị hà khắc, thế tục không bao giờ có thể hủy diệt được đức tin trực giác hiện diện trong lòng tất cả chúng ta.  Và qua hành động ấy tôi chợt nhìn thấy được đức tin cho tương lai.

Nguồn: Trích từ bài diễn văn của Phó Tổng Thống Hoa Kỳ George H.W. Bush  trong ngày ra trường của sinh viên ở trường Albion College vào ngày 9 tháng Năm, 1987. Tựa đề của người dịch

Cynthia Falardeau, " George H.W. Bush's Words at Commencement Still Relevant", CNN iReport, ngày 28/12/2012.

14.10.13

Alexander Solzhenitsyn- Trăm năm cuộc đời

Trần Quốc Việt dịch

Tại sao con người nên sống trăm năm?  Chuyện như thế này. Thánh Allah ban cho tất cả các loài vật mỗi loài năm mươi năm, và thấy như thế là đủ. Nhưng con người đến sau cùng, song Thánh Allah chỉ còn lại vỏn vẹn hai mươi lăm năm.

Con người liền bắt đầu than van như thế không đủ. Thánh Allah nói, "Đủ rồi!". Con người đáp, " Không, chưa đủ." Thánh Allah nói, " Được rồi, ngươi hãy đi hỏi xem có ai dư năm thì cho bớt ngươi."

 Con người đi gặp con ngựa." Ngựa ơi, nghe đây, " con người  nói, " Đời tôi sao ngắn quá. Hãy cho tôi một số năm của bạn." 

 "Được rồi," con ngựa nói, " hãy lấy hai mươi lăm năm của ta."

 Con người đi thêm một đoạn đường thì gặp con chó. "Chó ơi, nghe đây, hãy cho tôi một phần tuổi thọ của bạn."

 "Được rồi, hãy lấy hai mươi lăm năm của ta."

 Con người tiếp tục đi. Trên đường con người gặp con khỉ, và xin thêm được hai mươi lăm năm nữa từ con khỉ.

 Rồi con người quay trở lại gặp Thánh Allah.

 Thánh Allah nói," Ngươi muốn sao thì được vậy. Hai mươi năm đầu tiên ngươi sống ra con người. Hai mươi năm thứ hai người sẽ cày như ngựa. Hai mươi năm thứ ba ngươi sẽ gầm gừ như chó. Còn hai mươi năm cuối cùng thiên hạ sẽ cười nhạo ngươi như cười nhạo con khỉ ..."

 
Nguồn: Trích từ tác phẩm "Khu Ung Thư" (Cancer Ward), bản dịch tiếng Anh của Nicolas Bethell và David Burg, nhà xuất bản Bantam Books, tháng Hai 1969, chương 2, trang 23-24. Tựa đề của người dịch

11.10.13

Trần Quốc Việt- Những núi xương trên sao danh tướng


Hai mươi lăm năm sau khi chiến tranh chấm dứt, Tướng Võ Nguyên Giáp hồi tưởng "giây phút hạnh phúc nhất trong cuộc đời ngắn ngủi của tôi"  là thời khắc Sài Gòn sụp đổ. Ông nói "Với chiến thắng 30 tháng Tư, những người nô lệ đã trở thành những người tự do. "

 "Tự do" trên đỉnh của những núi xương vô định trải dài tên khắp nước: 3 triệu bộ đội cộng sản và dân thường, 250 ngàn lính Việt Nam Cộng Hòa và 58 ngàn lính Mỹ.

Cái giá cho chiến thắng vào ngày 30 tháng Tư của Tướng Giáp- đại diện của một trong những guồng máy chiến tranh tàn bạo nhất trong thế kỷ hai mươi- là sự lập lại cái giá của chiến thắng Điện Biên Phủ mà "cực kỳ cao. Quân đội của ông đã chịu thương vong rất lớn gấp nhiều lần thương vong của người Pháp" như nhận xét của một tờ báo Anh.

 Cái giá cho chiến thắng cuối cùng ấy là sự lập lại cái giá của Mậu Thân khi ngày là gươm đao đêm là địa ngục đối với những người dân Huế, khi để tiến vào Huế  những đạo quân cộng sản của ông đã bỏ lại trong rừng hai mươi thế kỷ văn minh tinh thần và đạo đức của loài người . Ông và những người lãnh đạo cộng sản mơ rằng nhân dân Miền Nam sẽ tổng nổi dậy để đập tan "bè lũ Mỹ Ngụy". Trả giá cho giấc mơ không thành ấy là trong 195 ngàn bộ đội của ông 85 ngàn người bị giết chết hay tàn phế suốt đời .

 Không phải một mình ông không bao giờ ân hận cho những tổn thất sinh mạng ghê gớm ấy. Ông Nguyễn Văn Linh nói "tổn thất ấy là cần thiết cho chiến thắng sau này" trong dịp gặp gỡ với báo chí nhân dịp kỷ niệm 20 năm cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân.  Hay như Lê Đức Thọ thường nói với Kissinger  trong các cuộc mật đàm Paris rằng họ sẽ tiếp tục đánh Mỹ cho đến nhiều đời con đời cháu sau này .

Nhận xét về tướng Giáp, Tướng Marcel Bigeard từng là đại tá nhảy dù Pháp đầu hàng ở Điện Biên Phủ nói "đối với Giáp, mạng người chẳng có nghĩa gì."  Sinh mạng con người đối với ông và những người cộng sản khác như Hồ Chí Minh chỉ là những dăm bào, vỏ trấu, những chiếc lá chưa kịp vàng được bốc lên để ném không ngừng vào lò lửa chiến tranh cháy hừng hực ở Việt Nam trong hậu bán thế kỷ hai mươi.

 Cho nên ta hiểu tại sao Tướng Giáp không màng đến cái giá phải trả để chiến thắng và không bao giờ ân hận. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông nói "Mỗi phút, trên trái đất này  hàng trăm ngàn người chết. Cuộc sống hay cái chết của một trăm, một ngàn, một vạn người, cho dù của đồng bào tôi chăng nữa, chẳng có nghĩa gì nhiều."

 Vâng, ông nói thật lòng, tất cả những nạn nhân của ông- những người lính và người dân hai miền- là những chiếc lá xanh bị cơn cuồng phong cộng sản thổi vào lò lửa chiến tranh hay được dùng làm phân bón để dựng nên chế độ độc tài tàn ác này.

Là người cộng sản trung kiên, lúc sinh thời Tướng Giáp thích đọc Mác và Lê Nin. Chắc ông thích thú khi đọc được lời sau của Lê Nin" Chẳng quan trọng nếu ba phần tư nhân loại tiêu vong, điều quan trọng là một phần tư còn lại là cộng sản."

Câu này có lẽ nên được khắc lên trên bia mộ ông.


 
Tài liệu tham khảo


1. Joseph R. Gregory, Gen. Vo Nguyen Giap, Who Ousted U.S. From Vietnam, is Dead, The New York Times, October 4, 2013

2. Bart Barnes, Vo Nguyen Giap, renowned Vietnamese general, dies in Hanoi, The Washington Post, October 4, 2013

3. Robert Templer, General Vo Nguyen Giap obituary, The Guardian, October 4, 2013

4. Associated Press, Vietnam military mastermind Gen. Vo Nguyeen Giap, who defeated French and Americans, dies, 102, October 4, 2013

5. Clayton Jones, Viet Cong leader recalls blitz that changed the war- TET OFFENSIVE-20 YEARS LATER, The Christian Science Monitor, January 29, 1988

6. Douglas Pike, The Tet Offensive and the Escalation of Vietnam War; 1965-1968:view from Hanoi, the University of North Carolina, Chapel Hill, North Carolina, February 21, 1978.

7. Larry Berman, No Peace , No Honor, Free Press 2001






 




  
 


Tướng Võ Nguyên Giáp qua nét cọ của Chóe

 Trần Quốc Việt sưu tầm

 Họa sĩ Chóe là cây cọ vẽ biếm hàng đầu của Việt Nam. Ông tên thật là Nguyễn Hải Chí(1943-2003) từng nổi tiếng thế giới qua các tranh biếm đặc sắc  đăng trên các nhật báo Sài Gòn  trước 1975. Đây là tranh biếm của ông về tướng Võ Nguyên Giáp trên báo Sài Gòn vào năm 1972.


http://www.virtual.vietnam.ttu.edu/cgi-bin/starfetch.exe?KA4GD2zlWj239pOO8u@68TYaxGrenMjtVBIsV7JvkHI8SVNBIWMc1lzkJDeA92FHAOUb123gnazjN8t953.D1d5pgjrHc16qt6mwO3OxV38/1070919003.pdf


 

14.1.13

Ngô Đình Diệm-Nhân dân không còn cam phận

Trần Quốc Việt dịch

Lời người dịch:
 
Nhận lời mời của Tổng thống Hoa Kỳ Eisenhower, Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm sang thăm Hoa Kỳ vào ngày 7 tháng 5, 1957. Ông được tiếp đón trọng thể và đầy đủ danh dự dành cho bậc thượng khách của chính phủ Hoa Kỳ. Thành công của Tổng thống Ngô Đình Diệm trong công cuộc xây dựng nước Việt Nam Cộng Hòa còn non trẻ, đặc biệt trong việc tái định cư thành công hơn 800 ngàn người tỵ nạn từ miền Bắc, đều được các báo uy tín hàng đầu của Mỹ coi là "phép lạ". Tổng thống Hoa Kỳ Eisenhower đã đích thân ra đón ông tại phi trường, và vợ chồng Tổng thống Eisenhower đã dự tiệc chiêu đãi được tổ chức tại tòa đại sứ Việt Nam Cộng Hòa ở Washington.

Trong thời gian thăm viếng Hoa Kỳ, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã có vinh dự phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ. Bài diễn văn của ông "tuy ngắn nhưng đầy xúc động" đã nhận được nhiều tràng pháo tay hoan hô của các vị dân biểu Mỹ.

Bài diễn văn đã được đăng toàn văn trên tờ báo New York Times vào ngày hôm sau. Toàn bộ tựa đề và các tiêu đề là của tờ báo này. Những phần trong ngoặc là từ biên bản của Quốc hội Hoa Kỳ. Và người dịch chân thành cảm ơn Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ đã gởi cho biên bản về bài diễn văn của Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Ngô Đình Diệm - Nhân dân không còn cam phận


Thật là một vinh dự hiếm có cho tôi khi hôm nay có cơ hội phát biểu với quý vị. Phát biểu với quý vị trong tòa nhà Quốc hội này, nơi đã hun đúc nên số phận của một trong những quốc gia lớn trên thế giới.

Tôi tự hào mang đến quý vị dân biểu lỗi lạc của nước Cộng hòa Hoa Kỳ cao quý những lời chúc huynh đệ tốt đẹp nhất từ nhân dân Việt Nam. Tôi cũng mang đến đây sự bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân Việt Nam về sự giúp đỡ tinh thần và vật chất của nhân dân Hoa Kỳ. Nhân dân chúng tôi nhận thức được tầm quan trọng rất lớn lẫn ý nghĩa sâu sắc của sự trợ giúp này.

Kể từ khi kết thúc cuộc chiến tranh vừa qua, khi Châu Á phá tung xiềng xích, lương tâm của thế giới cuối cùng đã bừng tỉnh trước sự phát triển sâu sắc và tất yếu- sự ra đời của Châu Á độc lập. Từ đấy, nhận thức này đã đưa đến sự lên án bằng những lời lẽ cụ thể nhất chế độ bóc lột cũ mà, trong quá khứ, đã chi phối quan hệ giữa Đông và Tây.

Hiện nay thay thế vào đấy là những nỗ lực bền bỉ nhằm xác lập phương thức hợp tác quốc tế mới, thích hợp hơn với những nhu cầu thực sự của thế giới và với triết lý mới của Châu Á.

Chính cuộc chiến đấu giành độc lập, chính ý thức càng ngày càng sâu sắc của các dân tộc thuộc địa rằng nguồn gốc của sự nghèo khổ của họ là sự cản trở một cách có hệ thống sự phát triễn kỹ thuật, cùng với tinh thần dân tộc và xã hội ngày càng cao, tất cả đã kết hợp lại để tạo ra sự thay đổi toàn diện sâu sắc trong tâm trạng Châu Á và tất cả điều này đã cho dân chúng Châu Á sự năng động không thể nào cưỡng lại được.

Nhân dân không còn cam phận

Nhân dân Châu Á - vốn đã tủi nhục từ lâu trong nguyện vọng dân tộc của mình, nhân phẩm của họ đã bị tổn thương - giờ đây không còn cam phận và thụ động như trong quá khứ. Hiện giờ họ háo hức bồn chồn. Họ khao khát giảm bớt sự lạc hậu quá lớn về kỹ thuật. Họ đòi hỏi mạnh mẽ sự phát triễn kinh tế cấp bách và nhanh chóng, nền tảng tốt đẹp duy nhất cho sự độc lập chính trị dân chủ.

Các nhà lãnh đạo Châu Á - dù ý thức hệ của họ là gì chăng nữa- tất cả đều đối mặt với sự cấp bách bi kịch của những vấn đề xã hội và kinh tế. Dưới áp lực mạnh mẽ của nhân dân mình, họ buộc lòng chấp nhận kế hoạch kinh tế. Kế hoạch như thế nhất định gây ra những hậu quả chính trị nghiêm trọng.

Chính vì lý do này chủ đề chính của các cuộc tranh luận chính trị trong nước ở các quốc gia Châu Á đều tập trung vào mức độ kế hoạch cần thiết, phương pháp cần phải có để tạo ra những kết quả thực tế cấp bách.

Phải chăng mọi thứ nên được kế hoạch? Hay sự kế hoạch chỉ nên giới hạn vào các khu vực thiết yếu? Phải chăng nên chấp nhận những phương pháp dân chủ hay những phương pháp toàn trị tàn bạo?

Chính trong cuộc tranh luận này-ở tại nhiều nước không may bị ảnh hưởng bởi những lời hứa hẹn giả dối nhưng quyến rũ của chủ nghĩa Phát xít và chủ nghĩa cộng sản-những nỗ lực đang nhằm gìn giữ nền dân chủ tự do qua viện trợ từ các nước công nghiệp Tây phương đóng vai trò rất quan trọng. Vì danh dự của con người, Hoa Kỳ đã đóng góp quan trọng nhất vào mục đích này.

Kính thưa quý vị trong Quốc hội, qua những điểm chính và khái quát chung, những điều này là những vấn đề các nước Châu Á đang đối mặt. Những điều này là những mục tiêu phải đạt được và là những phương cách phải được đề xuất. Những điều này cũng là những áp lực và cám dỗ trong nước mà các nhà lãnh đạo Châu Á đối mặt.

Khu vực nhạy cảm

Ở lục địa Châu Á rộng lớn, Việt Nam nhận thức mình ở khu vực nhạy cảm nhất. Mặc dù Việt Nam đối mặt với những vấn đề chung của các nước Châu Á khác, nhưng do vị trí địa lý chính trị nhạy cảm của mình những vấn đề của Việt Nam nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Nằm ở một trong những điểm tiếp cận chiến lược những nguyên liệu quan trọng của Đông Nam Á-sở hữu những nguyên liệu này mang tính chất rất quyết định- bị cản trở phát triễn bởi một trăm năm đô hộ nước ngoài, bị cạn kiệt bởi mười lăm năm chiến tranh và tàn phá, nửa miền bắc của lãnh thổ Việt Nam lại rơi vào tay Cộng sản, Việt Nam tự do hiện ở trong hoàn cảnh bị đe dọa và nghiêm trọng hơn các nước Châu Á khác.

Bằng sự hy sinh to lớn của con người và nhờ vào viện trợ từ nhân dân Mỹ hào phóng, trong thời gian kỷ lục, Việt Nam tự do đã khắc phục thành công những hỗn loạn do chiến tranh và hiệp định Geneva tạo ra. Sự kiến thiết và ổn định quốc gia mà đã đạt được ấy đã giúp hội nhập hơn 860.000 người tỵ nạn vào nền kinh tế của 11 triệu người khác ở Việt Nam tự do và đã giúp thông qua những cải cách chính trị và kinh tế quan trọng.

Tuy nhiên, vào lúc tất cả Châu Á đang chuyển từ nền văn minh này sang nền văn minh khác, vào thời điểm khi tất cả các vấn đề quan trọng đều nảy sinh cùng một lúc đối với các nhà lãnh đạo và đều dường như đòi hỏi giải quyết cấp bách, vào lúc khi tất cả đều phải được thực hiện trong bầu không khí căng thẳng cách mạng ngày càng cao, hơn các quốc gia khác, Việt Nam càng thấy cần thiết phải thông qua một số nguyên tắc, đường lối chỉ đạo hành động nào đấy, không chỉ để bảo vệ mình khỏi những cám dỗ toàn trị mà còn, trước hết, để giúp cho mình đạt được độc lập thay vì hỗn loạn, để bảo vệ hòa bình mà không hy sinh độc lập, để đạt được tiến bộ kinh tế mà không hy sinh các quyền tự do của con người.

Trích dẫn học thuyết năm 1956

Chính vì những lý do này - dựa vào các cội nguồn văn hóa Châu Á, và trong truyền thống dân chủ Việt Nam của chúng tôi - tôi đã có danh dự định rõ học thuyết này trong thông điệp đọc trước Quốc hội Lập hiến vào ngày 17 tháng 4 năm 1956. Tôi xin mạn phép trích dẫn từ thông điệp ấy những đoạn ý nghĩa nhất, vì chúng tạo thành nền tảng của hiến pháp chúng tôi.

Tôi trích:

"Trong hoàn cảnh những lực lượng trấn áp vật chất và chính trị quá mạnh thường xuyên đe dọa chúng ta, chúng ta cảm thấy, hơn các dân tộc khác, nhu cầu rất quan trọng đặt cuộc sống chính trị của chúng ta trên một nền tảng vững chắc và thúc đẩy một cách rất chính xác những bước kế tiếp trong hành động của mình theo những đường lối mà sẽ chắc chắn tạo ra mức độ tiến bộ dân chủ lớn nhất.

(Vỗ tay.)

"Điều này chỉ có thể là duy linh, đường lối ấy con người theo đuổi trong hiện thực mật thiết của họ cũng như trong cuộc sống cộng đồng của họ, trong nghề nghiệp của họ cũng như trong sự theo đuổi tự do sự hoàn thiện trí tuệ, đạo đức, và tinh thần.

"Vì thế, chúng ta khẳng định niềm tin của mình vào giá trị tuyệt đối của con người-nhân phẩm của họ có trước xã hội và số phận của họ lớn hơn thời gian.

(Vỗ tay.)

"Chúng ta khẳng định mục đích chính đáng duy nhất của nhà nước là bảo vệ quyền tồn tại, quyền phát triễn tự do cuộc sống trí tuệ, đạo đức và tinh thần căn bản của con người.

"Chúng ta khẳng định dân chủ không phải là hạnh phúc vật chất cũng không phải là quyền lực tối cao của thành viên. Dân chủ về cơ bản là một nỗ lực trường tồn nhằm tìm ra những phương tiện chính trị đúng để đảm bào cho tất cả mọi công dân quyền phát triễn tự do và quyền sáng kiến, trách nhiệm, và cuộc sống tinh thần cao nhất."

(Vỗ tay.)

Chủ đề phát triển

Chúng tôi tin chắc rằng với những nguyên tắc chỉ đạo này như là chủ đề trọng tâm cho sự phát triển các thể chế chính trị của mình, Việt Nam sẽ có thể tạo ra chế độ chính trị và kinh tế mà không phải là một hệ thống đóng kín nhưng là hệ thống mở, càng ngày càng mở rộng cho đến khi nào hệ thống đạt đến các phương diện tự do của con người.

Việt Nam Cộng Hòa, nền cộng hòa non trẻ nhất ở Châu Á, chẳng bao lâu nữa sẽ tròn hai tuổi. Nền cộng hòa của chúng tôi sinh ra từ trong vô vàn đau khổ. Nền cộng hòa ấy đang can đảm đương đầu với cuộc cạnh tranh kinh tế với những người cộng sản, cho dù hoàn cảnh khó khăn và nghiêm trọng, mà mỗi ngày lại càng trở nên phức tạp hơn.

Việt Nam, tuy nhiên, có lý do chính đáng để tin tưởng và hy vọng. Nhân dân Việt Nam thông minh, tháo vát và can đảm. Họ cũng có thêm được sức mạnh nhờ sự giúp đỡ vật chất và tinh thần họ nhận được từ thế giới tự do, đặc biệt sự giúp đỡ từ nhân dân Mỹ.

Trong hoàn cảnh căng thẳng quốc tế và áp lực cộng sản ở Đông Nam Á ngày càng gia tăng tôi không thể nào lập lại biết bao nhiêu lần cho đủ lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân Việt Nam trước sự giúp đỡ của Mỹ và nhân dân Việt Nam ý thức rất cao về tầm quan trọng, ý nghĩa sâu sắc, và số lượng của sự giúp đỡ này.

Quả thực, chưa bao giờ lúc nào trong lịch sử những cuộc xung đột phát sinh giữa các dân tộc lại quan hệ cấp bách như thế đến nền văn minh như những cuộc xung đột ngày nay.

Sự đóng góp kịp thời của Hoa Kỳ

Chính qua những đóng góp kịp thời và đầy đủ cho sự kiến thiết cuộc sống kinh tế và kỹ thuật của chúng tôi-nhờ đấy tạo ra mức sống cao hơn-thế giới tự do, dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ, đang khẳng định sự thành công của hệ thống hợp tác quốc tế mới.

Hành động này đã góp phần bảo vệ Đông Nam Á và ngăn cản những nguyên liệu trong vùng này không rơi vào tay Cộng sản.

Mặc dù nền kinh tế chúng tôi bị thiệt hại nặng nề do chiến tranh, tàn phá, và chủ nghĩa thực dân, nhưng bây giờ nhân dân Việt Nam đang tăng gia đóng góp vào quốc gia mình. Cách đây vài tháng Quốc hội Lập hiến đã bỏ phiếu thông qua nhiều thuế mới và cao hơn nhằm mang lại thu nhập cần thiết cho ngân sách quốc gia. Mới đây sắc lịnh quân dịch quốc gia đã được ban hành và cách đây hai tháng chúng tôi đã đưa ra bản tuyên bố toàn diện về chính sách nhằm mục đích khích lệ đầu tư tư nhân từ nước ngoài.

Chính trên bình diện đạo đức cao cả này chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn sự giúp đỡ rộng rãi và quên mình mà chúng tôi đã nhận được từ nhân dân Hoa Kỳ. Chính trên cũng bình diện này quyền lợi của Việt Nam hoàn toàn giống với quyền lợi của nhân dân thế giới tự do.

(Vỗ tay.)

Chính trên bình diện này cuộc chiến đấu của các bạn và cuộc chiến đấu của chúng tôi đều chỉ là một và giống nhau. Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục chiến đấu chống lại chủ nghĩa cộng sản.

(Vỗ tay.)

Chính trong niềm xác tín này và chính trong sự ghi nhớ sâu sắc và không bao giờ phai nhạt trong lòng về việc nhân dân và chính phủ Hoa Kỳ đã theo dõi những nỗ lực của chúng tôi với tất cả sự thấu hiểu cảm thông chí tình tôi xin kết thúc, và lần nữa tôi cảm ơn Tổng thống, Chủ tịch Hạ Viện và quý vị trong Quốc hội về vinh dự đã dành cho tôi và cảm ơn quý vị đã ân cần lắng nghe.

(Mọi người đứng lên vỗ tay.)
 
 
Nguồn:

1. New York Times ngày 10 tháng 5, 1957. Tựa đề của New York Times
2. Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ- HeinOnline -103 Congressional Record 6699 1957 & 103 Congressional Record 6700 1957


3.1.13

Trần Quốc Việt- Bài học lớn nhất của lịch sử và sự thật của muôn đời

Sử gia người Mỹ Will Durant đã viết bộ sử vĩ đại nhất có lẽ của mọi thời đại nhan đề Câu Chuyện về nền văn minh (The Story of Civilization). Từ đấy ông chắt lọc ra được bài học lớn nhất của lịch sử như sau:

"Nhưng tôi sẽ không để các bạn nghĩ rằng lịch sử chỉ là bi kịch, và sự nghiên cứu lịch sử sẽ làm sụp đổ bao hy vọng của con người. Không, thật ra bài học quý giá nhất của lịch sử là con người bất khuất; con người vượt qua được vô vàn các cuộc khủng hoảng, như con người sẽ vượt qua những cuộc khủng hoảng ngày nay mà khiến ta lo lắng. Các bạn có nhớ phim "Đoàn Xiếc" của Charlie Chaplin? Bạn chắc nhớ vào cuối phim Charlie mất việc ở đoàn xiếc; và buổi sáng hôm ấy sau lần diễn cuối cùng những chiếc xe ngựa bít bùng lăn bánh đi bỏ anh ở lại một mình giữa những tàn tích, không bạn bè, không tiền bạc, buồn thảm cô đơn thấy rõ; đấy chính là hình ảnh con người sau khi La Mã sụp đổ, hay sau Cuộc Chiến tranh Ba mươi Năm, hay Châu Âu sau Đệ nhị Thế Chiến! Rồi bất ngờ Charlie xoay tít cây gậy lên trời, sửa mũ trên đầu lại cho chặc,và bước đi nghiêng qua nghiêng lại ra khỏi phim và vào cuộc đời-con người là thế đấy. Dù con người tưởng chừng ngã rất nặng, dù tai họa tưởng chừng ập xuống quá lớn, nhưng con người đứng dậy, "đẫm máu nhưng không khuất phục", vẫn náo nức, tò mò, giàu tưởng tượng, và quyết tâm bước đi tiếp. Rồi ở đâu đó, bằng cách nào đấy, con người sẽ gầy dựng trở lại. Đấy là bài học lớn nhất của lịch sử." (1)

Còn luật sư Abraham Lincoln đã nói về sự thật của muôn đời-mọi thứ đều không tồn tại vĩnh viễn. Nhưng có một sự thật còn cao cả hơn, còn trường tồn hơn cả chính sự thật ấy:

"Người ta kể có lần một vị vua ở Phương Đông ra lệnh các nhà thông thái hãy nghĩ ra cho ông một câu để cho mọi người luôn luôn nhìn thấy, và câu ấy nên đúng và thích hợp trong mọi thời và cho mọi hoàn cảnh. Họ trình lên nhà vua những lời này: "Và rồi điều này, cũng, sẽ qua đi". Một câu mà diễn tả biết bao nhiêu! Không quá kiêu hãnh trên đỉnh cao vinh quang! An ủi biết bao trong tận cùng đau khổ! "Và rồi điều này, cũng, sẽ qua đi". Nhưng chúng ta hãy hy vọng lời ấy không hẳn là đúng. Thay vì thế, chúng ta hãy hy vọng rằng nhờ phát triễn thế giới vật chất, bên dưới và quanh mình; và thế giới đạo đức và tinh thần trong lòng mình, chúng ta sẽ đạt được sự thịnh vượng và hạnh phúc cá nhân, xã hội, và chính trị, con đường thịnh vượng và hạnh phúc ấy sẽ mở ra vô tận và lên cao không ngừng, và chừng nào trái đất còn, còn đường ấy sẽ không qua đi." (2)

Ba năm sau trong cương vị tổng thống Mỹ ông nói rõ ràng hơn con đường đưa đến sự thịnh vượng và hạnh phúc chung ấy trong bài diễn văn rất ngắn ở Gettysburg. Con đường ấy, theo ông, khởi đi từ "chính quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân." Và chính quyền ấy sẽ không bao giờ "biến mất khỏi trái đất này."

Năm mới vừa bắt đầu. Chúng ta hãy tiếp tục lên đường theo ánh sáng soi đường từ trái tim và lương tri mình. Bóng đêm trước mặt dù dày dặc đến đâu vẫn không dập tắt hình ảnh thiên đường của sự thật trần thế ấy. Lòng tin và can đảm sẽ thúc đẩy chúng ta tiến bước trong đêm tối của vô cảm và giông bão của bạo lực. Và mỗi khi nản lòng, dao động, hồ nghi chúng ta hãy nhớ đến bài học lớn nhất của lịch sử-trong bất kỳ hoàn cảnh nào con người vẫn luôn luôn kiên cường tiến về phía trước.


Chú thích


(1) Will Durant, Invitation to History, 18/11/1945
(2) Abraham Lincoln, Speech at the Wisconsin State Fair, 30/9/1859