11.10.13

Trần Quốc Việt- Những núi xương trên sao danh tướng


Hai mươi lăm năm sau khi chiến tranh chấm dứt, Tướng Võ Nguyên Giáp hồi tưởng "giây phút hạnh phúc nhất trong cuộc đời ngắn ngủi của tôi"  là thời khắc Sài Gòn sụp đổ. Ông nói "Với chiến thắng 30 tháng Tư, những người nô lệ đã trở thành những người tự do. "

 "Tự do" trên đỉnh của những núi xương vô định trải dài tên khắp nước: 3 triệu bộ đội cộng sản và dân thường, 250 ngàn lính Việt Nam Cộng Hòa và 58 ngàn lính Mỹ.

Cái giá cho chiến thắng vào ngày 30 tháng Tư của Tướng Giáp- đại diện của một trong những guồng máy chiến tranh tàn bạo nhất trong thế kỷ hai mươi- là sự lập lại cái giá của chiến thắng Điện Biên Phủ mà "cực kỳ cao. Quân đội của ông đã chịu thương vong rất lớn gấp nhiều lần thương vong của người Pháp" như nhận xét của một tờ báo Anh.

 Cái giá cho chiến thắng cuối cùng ấy là sự lập lại cái giá của Mậu Thân khi ngày là gươm đao đêm là địa ngục đối với những người dân Huế, khi để tiến vào Huế  những đạo quân cộng sản của ông đã bỏ lại trong rừng hai mươi thế kỷ văn minh tinh thần và đạo đức của loài người . Ông và những người lãnh đạo cộng sản mơ rằng nhân dân Miền Nam sẽ tổng nổi dậy để đập tan "bè lũ Mỹ Ngụy". Trả giá cho giấc mơ không thành ấy là trong 195 ngàn bộ đội của ông 85 ngàn người bị giết chết hay tàn phế suốt đời .

 Không phải một mình ông không bao giờ ân hận cho những tổn thất sinh mạng ghê gớm ấy. Ông Nguyễn Văn Linh nói "tổn thất ấy là cần thiết cho chiến thắng sau này" trong dịp gặp gỡ với báo chí nhân dịp kỷ niệm 20 năm cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân.  Hay như Lê Đức Thọ thường nói với Kissinger  trong các cuộc mật đàm Paris rằng họ sẽ tiếp tục đánh Mỹ cho đến nhiều đời con đời cháu sau này .

Nhận xét về tướng Giáp, Tướng Marcel Bigeard từng là đại tá nhảy dù Pháp đầu hàng ở Điện Biên Phủ nói "đối với Giáp, mạng người chẳng có nghĩa gì."  Sinh mạng con người đối với ông và những người cộng sản khác như Hồ Chí Minh chỉ là những dăm bào, vỏ trấu, những chiếc lá chưa kịp vàng được bốc lên để ném không ngừng vào lò lửa chiến tranh cháy hừng hực ở Việt Nam trong hậu bán thế kỷ hai mươi.

 Cho nên ta hiểu tại sao Tướng Giáp không màng đến cái giá phải trả để chiến thắng và không bao giờ ân hận. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông nói "Mỗi phút, trên trái đất này  hàng trăm ngàn người chết. Cuộc sống hay cái chết của một trăm, một ngàn, một vạn người, cho dù của đồng bào tôi chăng nữa, chẳng có nghĩa gì nhiều."

 Vâng, ông nói thật lòng, tất cả những nạn nhân của ông- những người lính và người dân hai miền- là những chiếc lá xanh bị cơn cuồng phong cộng sản thổi vào lò lửa chiến tranh hay được dùng làm phân bón để dựng nên chế độ độc tài tàn ác này.

Là người cộng sản trung kiên, lúc sinh thời Tướng Giáp thích đọc Mác và Lê Nin. Chắc ông thích thú khi đọc được lời sau của Lê Nin" Chẳng quan trọng nếu ba phần tư nhân loại tiêu vong, điều quan trọng là một phần tư còn lại là cộng sản."

Câu này có lẽ nên được khắc lên trên bia mộ ông.


 
Tài liệu tham khảo


1. Joseph R. Gregory, Gen. Vo Nguyen Giap, Who Ousted U.S. From Vietnam, is Dead, The New York Times, October 4, 2013

2. Bart Barnes, Vo Nguyen Giap, renowned Vietnamese general, dies in Hanoi, The Washington Post, October 4, 2013

3. Robert Templer, General Vo Nguyen Giap obituary, The Guardian, October 4, 2013

4. Associated Press, Vietnam military mastermind Gen. Vo Nguyeen Giap, who defeated French and Americans, dies, 102, October 4, 2013

5. Clayton Jones, Viet Cong leader recalls blitz that changed the war- TET OFFENSIVE-20 YEARS LATER, The Christian Science Monitor, January 29, 1988

6. Douglas Pike, The Tet Offensive and the Escalation of Vietnam War; 1965-1968:view from Hanoi, the University of North Carolina, Chapel Hill, North Carolina, February 21, 1978.

7. Larry Berman, No Peace , No Honor, Free Press 2001