20.12.10

LESZEK KOLAKOWSKI- HY VỌNG VÀ TUYỆT VỌNG (PHẦN I)

Trần Quốc Việt dịch

Chúng ta hãy tóm tắt ngắn gọn những lý luận thường được đưa ra nhất để ủng hộ luận điểm cho rằng hệ thống xã hội cộng sản, dưới hình thức tồn tại như hiện nay, là không thể nào cải cách được. Những lý luận này cho rằng chức năng chính của hệ thống này là duy trì quyền lực độc quyền không bị kiểm soát của bộ máy cai trị; tất cả những thay đổi về thể chế hay thật sự đã diễn ra, hay những thay đổi ta tưởng tượng có thể diễn ra, nhất định không phá hoại nguyên tắc cơ bản mà tất cả các hành động chính trị và kinh tế của những kẻ cai trị đều phụ thuộc vào này. Vì độc quyền quyền lực chuyên chế không thể nào bị xoá bỏ từng phần ( lời tuyên bố này gần như là thừa vì theo định nghĩa độc quyền không thể nào là " từng phần " được). Như thế tất cả các thay đổi trong quá khứ và có thể tiên đoán được bên trong khuôn khổ của hệ thống này đều không quan trọng và đều có thể dễ dàng bị đảo ngược, vì chúng không thể nào được thể chế hoá nếu không phá vỡ toàn bộ cơ chế. Vì thế thỏa mãn được kỳ vọng cơ bản của giai cấp công nhân và trí thức là sự bất khả bên trong các giới hạn bị áp đặt bởi chức năng chính của hệ thống. Ở đây chúng ta bàn đến cơ chế hoàn toàn cứng ngắc, thiếu cơ cấu tự giám sát và có khả năng thay đổi chỉ khi nào đối diện với những tai hoạ dữ dội, mà tuy thỉnh thoảng cũng xảy ra, nhưng không để lại vết sẹo nào trên sinh lý của tổng thể, ngoại trừ một số nhượng bộ và tái tổ chức hời hợt bên trong phe phái cai trị. Chủ nghĩa Stalin theo đúng nghĩa, tức sự chuyên chế tàn bạo vô độ của một cá nhân, là hiện thân chính xác nhất của những tiên đề thực tế của hệ thống; những thay đổi về sau này, đặc biệt sự giảm đi đáng kể những hình thức cầm quyền khủng bố, dù có quan trọng xét theo quan điểm an ninh của cá nhân, nhưng vẫn hoàn toàn không thay đổi bản chất chuyên chế của hệ thống hay giới hạn những hình thức trấn áp và bóc lột đặc trưng xã hội chủ nghĩa. Vì những chức năng cơ bản của hệ thống xã hội này là nhằm chống lại xã hội, từ đấy tước đoạt đi bất kỳ phương tiện tự vệ nào được hiến pháp quy định, nên sự thay đổi duy nhất có thể hình dung ra vì thế phải mang hình thức cuộc cách mạng bạo lực. Hơn nữa, cuộc cách mạng như thế chỉ có thể diễn ra trên phạm vi toàn bộ hệ thống thế giới xã hội chủ nghĩa, vì như kinh nghiệm đã cho thấy, ưu thế quân sự Xô Viết sẽ luôn luôn được dùng để dẹp tan những mưu toan cách mạng địa phương. Thành quả của cuộc cách mạng này, theo hy vọng của một số người, sẽ là xã hội chủ nghĩa theo ý nghĩa được truyền thống Mác-xít xác định rõ ràng (tức tổ chức xã hội các quá trình sản xuất và phân phối và xác lập hệ thống đại diện) hay - theo những người khác - sẽ là sự du nhập mô hình chủ nhĩa tư bản của Châu Âu, mà dường như sẽ là con đường phát triễn đáng tin tưởng duy nhất khi đối diện với cảnh phá sản kinh tế và ý thức hệ của chủ nghĩa xã hội.

Đây là những đặc trưng cơ bản của mô hình chủ nghĩa xã hội Xô Viết mà xác định, theo hướng lý luận này, rằng tất cả những hy vọng về "sự nhân đạo hoá" từng phần, dần dần, nhờ đưa ra những cải cách liên tiếp ắt hẳn là ảo vọng ( ở đây chúng ta đề cập đến những đặc trưng "cấu trúc" người ta có thể phát hiện ra ở tất cả các nước xây dựng chủ nghĩa xã hội theo hình thái Xô Viết.)

(1) Theo mô hình này điều thường được gọi là "dân chủ hoá" hệ thống cầm quyền là không tưởng. Vì chuyên chế chính trị và độc quyền của bộ máy cai trị trong việc kiểm soát phương tiện sản xuất, đầu tư, việc làm, và phân chia thu nhập quốc gia đều phụ thuộc lẫn nhau. Độc quyền chính trị của nhóm nhỏ cai trị phụ thuộc vào địa vị của nó như là người chủ duy nhất và đồng thời như là người kiểm soát duy nhất phương tiện sản xuất. Như vậy mỗi sự vận động theo chiều hướng dân chủ chính trị, nếu thật sự, cho dù có từng phần thế nào chăng nữa, vẫn là sự tước đi chỉ một phần giai cấp cai trị, mà, tuy không phải người chủ hợp pháp phương tiện sản xuất, nhưng vẫn có tất cả các quyền và đặc quyền của người chủ tập thể. Trong lĩnh vực nền tảng này, tất cả những gì trái với nguyên tắc này đều là ảo tưởng: ta có thể an tâm cho phép công nhân thảo luận về nơi làm việc của họ và ta có thể cho phép các uỷ ban của Sejm, "quốc hội" dưới bóng của bộ máy Đảng, được phép thảo luận các chi tiết về chính sách kinh tế. Tuy nhiên bằng cách này hay cách khác mọi quyết định đều do cùng các tổ chức đưa ra, và các tổ chức này hoàn toàn không bị xã hội kiểm soát. Bất kỳ bất đồng nếu có nào, được biểu lộ qua thảo luận, trái với ý muốn của những tổ chức này đều chẳng có ý nghĩa gì vì do sự kiểm soát thông tin chi tiết, bất đồng ấy sẽ không có thể tạo thành áp lực xã hội. Tất cả các kế hoạch cải cách được các nhà kinh tế đề xuất đều nhắm vào việc làm suy yếu đáng kể độc quyền của bộ máy cai trị về các quyết định kinh tế và đe doạ tước đi một phần của nó; như thế các kế hoạch ấy không có cơ may thành công.

(2) Khuynh hướng tự nhiên của hệ thống là sự giảm liên tục vai trò của các chuyên gia, đặc biệt trong lĩnh vực chính sách kinh tế, xã hội và văn hoá. Chế độ chấp nhận các nhóm chuyên gia, chừng nào họ không đòi hỏi cho mình bất kỳ quyền được ra quyết định nào, nhưng ngay cả trong khả năng cố vấn thuần tuý này, như kinh nghiệm đã cho thấy, các chuyên gia cũng được chấp nhận một cách miễn cưỡng và họ sẽ bị loại bỏ hay bị thay thế bởi các tổ chức giả hiệu được chọn trước theo tiểu chuẩn tôi tớ chính trị. Để cho phép các chuyên gia có bất kỳ vai trò thật sự ý nghĩa nào trong việc ra quyết định sẽ nhất thiết phải giảm đi phạm vi quyền lực của tầng lớp cai trị. Như thế sự kém hiệu quả, sự phí phạm năng lực xã hội và vật chất, sự cai trị của các kẻ bất tài, nói một cách khác, tất cả đều là thuộc về bản chất của cơ chế chính quyền cho nên không thể nào được xem như là những khiếm khuyết tạm thời có thể sửa được trong tương lai. Cơ chế ấy không cho phép những tiêu chuẩn "kỹ thuật" thuần tuý, mà không lệ thuộc vào chức năng duy trì và củng cố quyền lực hiện hành, có bất kỳ ảnh hưởng nào đến sự vận hành của nó.

(3)Là điều kiện không thể nào thiếu được cho hoạt động có hiệu quả của cả kinh tế và giáo dục và văn hoá, tự do thông tin tự nhiên là điều không tưởng nếu không có sự sụp đổ tan tành của toàn bộ hệ thống chính quyền, mà, trong điều kiện tự do trao đổi thông tin, tất yếu sẽ sụp đổ trong thời gian ngắn. Hơn nữa, nguyên tắc thông tin hạn chế, theo đó thông tin được phổ biến đến những kẻ cai trị theo một liều lượng tương ứng với chức vụ của họ trong tầng lớp cầm quyền, lại không thể nào áp dụng được. Nói một cách khác, những kẻ cai trị, mặc dù họ có thể dối mình về chuyện này, và ngay cả tích cực tìm kiếm thông tin không bị nguỵ tạo để thủ lợi riêng, nhưng họ tất yếu sẽ nhận được thông tin không đúng và rồi sẽ, thỉnh thoảng, lại trở thành nạn nhân của những lời nói dối của chính mình. Đã qua rồi cái thời khi Stalin xử lý những thông tin thống kê không đủ lạc quan bằng cách giết các nhà thống kê, rồi lấy thông tin về các nông trang trang tập thể từ các phim tuyên truyền. Tuy nhiên, việc loại bỏ những thông tin không đúng lố bịch một cách trắng tợn ấy vẫn không thay đổi được sự thật rằng thông tin không đúng là thuộc về bản chất của hệ thống. Đây là kết quả của ít nhất hai hoàn cảnh. Trước tiên, những người cung cấp thông tin nội bộ ấy, ở những cấp bậc thấp hơn trong bộ máy cai trị, lại thường nhất chính là những người chịu trách nhiệm về các vấn đề mà họ cung cấp thông tin. Do vậy hiện tượng bình thường, chứ không có gì khác thường cả, là thông tin bất lợi có thể tự tố cáo mình, cho nên ta hầu như không mong đợi là sẽ có nhiều người cung cấp thông tin bất lợi trên phạm vi lớn, và cũng bình thường là khi mang đến tin tức tốt thì được thưởng còn mang đến thông tin xấu thì bị trừng phạt. Như ta có thể đoán, hệ thống này tất yếu lan truyền và ảnh hưởng đến tất cả các loại người cung cấp thông tin. Mọi người đều biết đến vô số chuyện trừng phạt vì mang đến tin xấu. Thứ hai, việc thu thập thông tin về cuộc sống xã hội, muốn không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ điều gì ngoại trừ sự mong muốn xác lập tình trạng thật sự, sẽ cần thiết tạo ra một bộ máy rất lớn, không bị bất kỳ nghĩa vụ chính trị đặc biệt nào ràng buộc và được phép làm việc trong những điều kiện tự do hoàn toàn để ít ra tập hợp, nếu không phải truyền đạt, thông tin. Một bộ máy như thế sẽ không những là điều dị thường không tự nhiên bên trong hệ thống mà còn tạo nên nguồn bất ổn chính trị, vì xét theo chính bản chất của nó, nó sẽ là một tổ chức không bị các ràng buộc "ý thức hệ", và không cần thiết phải tuân phục ý thức hệ và như thế không làm tôi tớ cho chế độ. Thêm vào đấy, lượng thông tin lớn được thu nhập như thế này tất yếu sẽ gia tăng căng thẳng và xung đột trong nội bộ ở các cấp cao hơn trong bộ máy. Vì hầu như không có thông tin nào hoàn toàn trung lập, nên các thông tin không bị nguỵ tạo về cuộc sống xã hội ngay lập tức sẽ được các nhóm hay phe phái đấu đá muốn ngoi lên những chức vụ cao hơn khai thác nhằm chống lại những kẻ hiện đang nắm giữ các chức vụ này. Như vậy, mặc dù thoạt nhìn sự cai trị kiểu tự dối mình và tự lừa dối phổ quát này có thể tưởng như vô lý, song thực ra nó chính là một trong những phương tiện tự vệ được chế độ xử dụng. Đành rằng những nhóm cai trị thỉnh thoảng trả giá cho những lời nói dối do chính họ bịa ra, nhưng xét cho cùng họ vẫn có lợi khi chấp nhận những phí tổn này (càng lợi hơn vì xã hội gánh chịu phần lớn phí tổn ấy) mà dường như tăng gia sự ổn định và an ninh của chính quyền.

(4) Đặc trưng nữa của chủ nghĩa xã hội theo phiên bản Xô Viết hiện nay là sự xuống cấp tất yếu về tinh thần và đạo đức của bộ máy cai trị có quyền ra những quyết định sinh tử ảnh hưởng đến cuộc sống xã hội. Sự xuống cấp này cũng thuộc về bản chất trong hoạt động của guồng máy chính trị chứ không phải xuất phát từ ác ý hay thiện ý của những kẻ cai trị. Cơ chế này đòi hỏi sự tuân phục tuyệt đối bên trong tầng lớp cầm quyền, vốn gắn liền mật thiết với nguyên tắc độc quyền quyền lực. Theo đó, như trong tất cả các hệ thống chuyên chế, những đặc điểm thật sự tích cực trên con đường công danh của cá nhân (tức những đặc điểm giúp cá nhân dễ dàng tiến lên trên từng nấc thang quyền lực của tầng lớp cầm quyền) là sự tôi tớ, hèn nhát, thiếu sáng kiến, sẵn sàng vâng lệnh cấp trên, sẵn sàng chỉ điểm người khác, là thờ ơ với công luận xã hội và quyền lợi quần chúng. Ngược lại, khả năng đề xuất sáng kiến, quan tâm đến ích lợi chung và trung thành với sự thật, tài giỏi và lưu tâm đến xã hội, chứ không lưu tâm đến quyền lợi của bộ máy cai trị, lại trở thành những đặc điểm cản trở sự thăng tiến của cá nhân. Như thế cơ chế quyền lực này tạo ra sự chọn lọc tiêu cực tự nhiên các cán bộ lãnh đạo trong tất cả các cấp ngành của bộ máy cai trị, nhưng, quan trọng nhất trong bộ máy Đảng. Mười bốn năm cầm quyền của Gomulka ở Ba Lan chính là sự khẳng định rõ ràng nhất của sự thật này. Đặc điểm nổi bật nhất của họ là sự loại bỏ có hệ thống những cá nhân có tài và có sáng kiến và thay vào đó là những kẻ tầm thường giỏi quỵ luỵ và hèn nhát. Quá trình này diễn ra từ tháng Ba năm 1968 trở đi như việc thăng cấp hàng loạt những kẻ dốt nát, các tay chỉ điểm hay bọn du côn đần độn (những kẻ mà người dân ở Warsaw gọi "những con rận xông vào nhà ") chỉ là sự tăng tốc và đẩy mạnh hiện tượng vốn đã diễn ra trong suốt nhiều năm trời. Giống như mọi sự trên đời này, ta có thể nêu ra các ngoại lệ, nhưng ngoại lệ thì không nhiều. Đôi lúc người ta có thể nhìn thấy quá trình ngược lại vào những thời điểm rất quan trọng, nhưng chúng không thay đổi khuynh hướng cơ bản của hệ thống, mà, tất yếu phải coi sự tài giỏi và khả năng đề xuất sáng kiến như là hiện tượng thù nghịch với chính nó. Các cấp ngành khác nhau của guồng máy cai trị trải qua quá trình chọn lọc tiêu cực theo những cấp độ khác nhau, để trong quản trị kinh tế và công nghiệp người ta vẫn luôn luôn có thể thấy một số đáng kể những người có tài và can đảm phải đập mạnh đầu họ nhiều lần vào bức tường thờ ơ, sợ hãi và bất tài dựng lên quanh bộ máy Đảng và các ngành chính trị và tuyên truyền của nó, nơi nguyên tắc chọn lọc những phần tử tệ hại nhất đạt được chiến thắng rực rỡ nhất.

(5) Những hình thức chính quyền chuyên chế tất yếu tạo ra nhu cầu xâm lược thường trực, hay ít ra được định kỳ lập lại. Trong nhiều thế kỷ người ta biết rằng cuộc chiến tranh đó là mồ chôn đối với nền dân chủ. Vì lý do này chiến tranh xâm lược cũng là đồng minh của chế độ độc tài. Trong trường hợp không có chiến tranh ở nước ngoài, những hình thức trấn áp khác nhau ở trong nuớc cũng thực hiện chức năng tương tự nhằm mục đích duy trì tình trạng đe doạ trường kỳ và duy trì sự hoang tưởng nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, qua việc xử dụng những phương pháp xảo trá nhất và những kẻ thù không có thật nhất. Việc thường xuyên tung ra những hành động trấn áp tàn bạo chống lại những nhóm dân số liên tiếp, được chọn theo những tiêu chuẩn đa dạng nhất, hoàn toàn không phải là hậu quả của sự điên rồ, mà là chức năng thuộc về bản chất của một cơ chế quyền lực không thể nào mà không có những kẻ tử thù nằm mai phục để lợi dụng điểm yếu ít quan trọng nhất của nó, vì chỉ như thế này nó mới đảm bảo sự sẵn sàng động viên cần thiết. Như thế cơ chế quyền lực phát minh ra các kẻ thù, và trong quá trình phát minh ấy lại tạo ra những kẻ thù thật, vì những hành động trấn áp thường xuyên tất yếu sẽ nuôi dưỡng sự thù nghịch và chống đối ở những người dân bị trấn áp rồi đưa đến hoàn cảnh nơi trấn áp có thể được biện minh là cần thiết. Như thế hệ thống trấn áp do tự mình tạo ra, và những hành động trấn áp ở trong nuớc tự thân chúng sẽ tạo ra nhu cầu trấn áp thêm nữa.

(6)Chính nguyên tắc độc quyền quyền lực này tạo ra sự cần thiết khích thích sự tan rã của xã hội và huỷ diệt tất cả các hình thức cuộc sống xã hội không được bộ máy cai trị cho phép. Vì những xung đột xã hội không bị loại trừ được, mà chỉ bị đè nén qua trấn áp và bị che đậy qua những từ ngữ ý thức hệ, nên những xung đột xã hội này tìm mọi cách thể hiện đa dạng nhất, do đó có nghĩa là ngay cả hình thức tổ chức xã hội vô hại nhất, nếu không bị công an kiểm soát đúng mức, có thể thật sự biến thành những trung tâm đối lập. Điều này phát sinh nhu cầu "quốc hữu hoá" tất cả các hình thức cuộc sống xã hội và tạo ra áp lực không ngừng nhằm mục đích huỷ diệt tất cả các mối quan hệ xã hội tự phát để ủng hộ những hội và đoàn thể giả hiệu mang tính bắt buộc của nhà nước mà chức năng duy nhất của chúng là thụ động và phá hoại và không đại diện cho bất kỳ quyền lợi của ai ngoại trừ quyền lợi của giai cấp thống trị. Mặc dù hệ thống cần kẻ thù, nhưng nó lại cực kỳ sợ bất kỳ hình thức đối lập nào có tổ chức; nó muốn có chỉ kẻ thù nào do nó tự chọn và có thể đánh trong những điều kiện nó chọn. Nhu cầu tự nhiên của chế độ chuyên chế là làm cho các cá nhân khiếp sợ bằng cách tước đi ở họ phương tiện chống đối có tổ chức. Một phương cách phục vụ chức năng này là sự ra đời bộ luật hình sự mà mập mờ và không rõ ràng một cách cố ý, để một số lượng càng nhiều càng tốt các công dân có thể cảm thấy sợ hãi và cảm thấy bị đối xử như tội phạm, và để tránh cho phạm vi trấn áp thật sự không bị ràng buộc bởi những điều khoản pháp lý được quy định nghiêm nhặt, mà phụ thuộc vào sự vận dụng tuỳ tiện và quyết định tuỳ tiện của công an và Đảng.

(7) Hơn nữa bộ máy cai trị không có tự do về vấn đề các quyền của công dân. Do sợ bị sụp đổ, chế độ dù lãnh đạo của nó có muốn cũng không thể nào mở rộng những quyền công dân này. Kinh nghiệm đã cho thấy rằng những sự nhượng bộ trước các đòi hỏi dân chủ thay vì tạo ra sự hài lòng với các thành quả cục bộ đạt được, ngược lại, lại trở thành lý do cho áp lực ngày càng gia tăng từ bên dưới rồi bắt đầu lớn dần lên như thác đổ đe doạ đến toàn bộ trật tự chính trị. Ách nô lệ quá nặng tròng lên xã hội và cảm giác bị trấn áp và bị bóc lột quá ngột ngạt đến mức kẻ nứt nhỏ nhất trong hệ thống bạo lực được thể chế hoá này hay cải cách nhỏ nhất hứa hẹn sự nới lỏng ngay lập tức sẽ gây ra cảnh tức nước vỡ bờ của muôn vàn bao uất hận dấu kín và bao nhu cầu bị đè nén và đe doạ bùng nổ không thể nào kiểm soát nổi. Sau quá nhiều kinh nghiệm, ta không lấy làm ngạc nhiên rằng lòng nhân của những kẻ cai trị, cho dù có thật đi chăng nữa, vẫn không thể nào làm dịu đi thân phận nô lệ về chính trị và kinh tế của toàn bộ dân số.




Nguồn: Tạp chí Survey, bộ 17, số 3 năm 1971, trang 37-52

7.12.10

LESZEK KOLAKOWSKI-CHỦ NGHĨA XÃ HỘI LÀ GÌ?

Trần Quốc Việt dịch

Lời người dịch: Leszek Kolakowsi (1927-2009) là một triết gia Ba Lan nổi tiếng thế giới, có ảnh hưởng rất lớn đến phong trào phản kháng ở Đông Âu, đặc biệt tại Ba Lan. Ông bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Ba Lan năm 1966 và bị cấm dạy tại Đại học Warsaw năm 1968, sau khi ông phê phán chủ nghĩa Stalin qua các bài viết được lưu hành bí mật. Từ đó ông bắt đầu cuộc đời lưu vong, và lần luợt giảng dạy tại các đại học như Berkeley, Yale, Chicago, và cuối cùng Oxford. Trong năm thập niên, ông viết hơn 30 cuốn sách, chủ yếu về triết học, nổi bật nhất và có tầm ảnh hưởng lớn nhất là bộ sách 3 tập, Main Currents of Marxism: Its Rise, Growth and Dissolution (1976). Tác phẩm này là “giấy khai tử” về trí thức của tư tưởng Mác-xít viết ra 13 năm trước khi chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu đi vào nghĩa trang lịch sử năm 1989. Các nhà lãnh đạo phong đoàn Công đoàn Đoàn kết tranh đấu bền bỉ dựa trên các tư tưởng chống Mác-xít của ông. Ông nhận được rất nhiều giải thưởng lớn, là người đầu tiện nhận Giải thưởng John W. Kluge, trị giá 1 triệu đô-la, được xem như là Giải Nobel cho các ngành nhân văn và xã hội. Ông là “người đánh thức hy vọng của con người” và là một Socrates của Ba Lan trong thế kỷ hai mươi.

Tác phẩm dưới đây được tác giả viết vào năm 1956 cho tờ tuần báo sinh viên. Toàn bộ bài bị kiểm duyệt. Sau đó báo bị đình bản. Sinh viên liền dán bài trên bản thông báo của trường đại học Warsaw, nhưng liền bị gỡ xuống ngay. Từ đấy bài được chép tay và lưu hành rộng rãi.

Tác giả nhận xét: " Dù ngắn, tác phẩm châm biếm này đủ dài để khích thích sự giận dữ của những nhà lãnh đạo đảng cộng sản - điều đáng tự hào."

Độc giả có thể đọc bài viết khác của tác giả nhan đề " Chủ nghĩa xã hội còn lại gì " trên trang mạng Talawas blog cũng cùng người dịch.

_______________





Chúng tôi định nói cho bạn biết chủ nghĩa xã hội là gì. Nhưng trước tiên chúng tôi phải nói cho bạn biết chủ nghĩa xã hội không phải là gì đã - và quan điểm của chúng tôi ngày xưa về vấn đề này đã rất khác với quan điểm hiện nay.


Vậy sau đây chủ nghĩa xã hội không phải là:

- xã hội nơi người không phạm tội gì ngồi ở nhà chờ công an đến;
- xã hội nơi người ta có tội vì là anh chị em, con, hay vợ của tội phạm;
- xã hội nơi nhiều người đau khổ vì họ nói ra điều họ nghĩ còn những người khác lại đau khổ vì họ không nói;
- xã hội nơi có nhiều người khá lên nhờ họ hoàn toàn chẳng suy nghĩ gì;
- xã hội nơi nhiều người đau khổ vì họ là người Do Thái còn những người khác hạnh phúc hơn vì họ không phải là người Do Thái;
- nhà nước nơi bộ đội là những người đầu tiên đặt chân lên lãnh thổ nước khác;
- nhà nước nơi người ta khá lên nhờ họ biết khen ngợi lãnh đạo;
- nhà nước nơi người ta có thể bị kết án mà không cần xét xử.
- xã hội nơi các nhà lãnh đạo tự phong lẫn nhau;
- xã hội nơi mười người sống trong một phòng;
- xã hội có những cơn dịch bệnh và dịch mù chữ;
- nhà nước không cho phép đi ra nước ngoài;
- nhà nước có nhiều gián điệp hơn y tá và nhà tù có nhiều chỗ trống hơn bênh viện;
- nhà nước nơi số lượng cán bộ tăng nhanh hơn số lượng công nhân viên;
- nhà nước nơi người dân buộc phải nói láo;
- nhà nước nơi người dân buộc phải ăn cắp;
- nhà nước nơi người dân buộc phải phạm tội;
- nhà nước sở hữu thuộc địa;
- nhà nước nơi nước láng giềng của họ nguyền rủa địa lý;
- nhà nước sản xuất ra máy bay phản lực siêu phàm và những đôi giày quá tệ;
- nhà nước nơi những kẻ hèn nhát lại khá hơn những người can đảm;
- nhà nước nơi luật sư biện hộ thường đồng ý với công tố;
- nhà nước độc đoán, nhà nước do nhóm nhỏ cầm quyền, nhà nước quan liêu;
- xã hội nơi đại đa số nhân dân hướng về Chúa để an ủi họ trong cảnh khổ;
- nhà nước trao các giải văn học cho những nhà văn quèn bất tài và là nhà nước biết rõ hơn các hoạ sĩ tranh nào là kiệt tác;
- quốc gia thống trị quốc gia khác;
- quốc gia bị quốc gia khác thống trị;
- nhà nước muốn tất cả các công dân của mình đều có cùng quan điểm về triết học, chính sách ngoại giao, kinh tế, văn học, và đạo đức;
- nhà nước quyết định các quyền của công dân nhưng các công dân không được quyết định các quyền của nhà nước;
- nhà nước nơi người ta chịu trách nhiệm về tổ tiên của mình;
- nhà nước nơi có người có thu nhập cao hơn bốn mươi lần người khác;
- là hệ thống chính quyền bị đa số người dân ghét;
- một quốc gia bị cô lập;
- nhóm các quốc gia kém phát triễn;
- nhà nước xử dụng các khẩu hiệu đề cao dân tộc;
-nhà nước nơi chính quyền tin rằng không có gì quan trọng bằng việc mình phải nắm được quyền hành;
- nhà nước ký kết hiệp ước với các tội phạm và thay đổi thế giới quan của nhà nước theo các hiệp ước này;
- nhà nước muốn bộ ngoại giao hình thành thế giới quan cho tất cả nhân loại ở một thời điểm nhất định;
- nhà nước không phân biệt giỏi lắm giữa nô lệ và giải phóng;
- nhà nước hoàn toàn cho phép ủng hộ kỳ thị chủng tộc,
- nhà nước hiện đang tồn tại;
- nhà nước có quyền tư hữu phuơng tiện sản xuât;
- nhà nước coi mình là nhà nước xã hội chủ nghĩa vì nhà nước đã xoá bỏ tư hữu phương tiện sản xuất;
- nhà nước không phân biệt giỏi lắm giữa cách mạng xã hội và sự xâm lược vũ trang;
- nhà nước không tin rằng nhân dân dưới chủ nghĩa xã hội nên hạnh phúc hơn nhân dân ở các nơi khác;
- xã hội rất buồn;
- hệ thống các giai cấp;
- nhà nước nơi chính quyền luôn luôn biết ý muốn của nhân dân trước khi hỏi ý kiến của nhân dân;
- nơi người dân có thể bị xô đẩy, bị nhục mạ, và bị bạc đãi mà nhà nước không bị trừng phạt;
- nhà nước nơi áp đặt quan điểm nhất định về lịch sử thế giới,
- nhà nước nơi các triết gia và nhà văn luôn luôn nói những điều giống như các vị tướng và bộ trưởng nói, nhưng luôn luôn nói sau khi các vị tướng và bộ trưởng đã nói trước;
- nhà nước nơi các bản đồ thành phố là bí mật quốc gia;
- nhà nước nơi kết quả các cuộc bầu cử quốc hội có thể luôn luôn được tiên đoán không bao giờ sai;
- nhà nước nơi lao động như nô lệ tồn tại;
- nhà nước nơi các mối quan hệ phong kiến tồn tại;
- nhà nước độc quyền cho người dân biết tất cả những gì họ cần biết về thế giới;
- nhà nước nghĩ tự do có nghĩa là phục tùng nhà nước;
- nhà nước không thấy sự khác biệt giữa những gì là sự thật và những gì vì quyền lợi của nhà nước nhân dân phải tin theo;
- nhà nước nơi người ta có thể tuỳ tiện chuyển toàn bộ quốc gia từ nơi này đến nơi khác;
- nhà nước nơi công nhân không có ảnh hưởng gì đối với chính quyền;
- nhà nước cho rằng chỉ có nhà nước mới có thể cứu được nhân loại;
- nhà nước cho rằng nhà nước luôn luôn đúng;
- nhà nước nơi lịch sử phục vụ chính trị;
- nhà nước nơi công dân không được phép đọc các kiệt tác văn học đương thời, hay xem các kiệt tác nghệ thuật đương thời, hay nghe kiệt tác âm nhạc đương thời;
- nhà nước cực kỳ tự mãn;
- nhà nước tuyên bố thế giới rất phức tạp, nhưng thật ra lại tin rằng thế giới rất đơn giản;
- nhà nước nơi ta phải trải qua rất nhiều đau đớn trước khi ta gặp được bác sĩ;
-nhà nước có kẻ ăn xin;
- nhà nước tin tưởng chắc chắn rằng không có ai đã từng có thể phát minh ra được điều gì tốt hơn;
- nhà nước tin rằng tất cả mọi người đều tôn sùng nhà nước, mặc dù ngược lại mới đúng;
- nhà nước cai trị theo nguyên tắc dân ghét cũng chẳng sao miễn là dân phải sợ;
- nhà nước quyết định ai có thể phê bình và phê bình như thế nào;
- nhà nước nơi ta mỗi ngày được yêu cầu nói ngược lại điều ta đã nói ngày hôm trước nhưng vẫn tin rằng ta luôn luôn nói cùng một điều;
- nhà nước hoàn toàn không thích khi công dân đọc báo cũ;
- nhà nước nơi kẻ dốt thành học giả;
- nhà nước nơi nội dung của tất cả các tờ báo đều giống y như nhau;
-nhà nước nơi chính quyền muốn kiểm soát tất cả các hình thức tổ chức xã hội;
- nhà nước nơi có nhiều người ngay thẳng và can đảm, nhưng nghiên cứu về chính trị của chính quyền sẽ không cho phép ta khám phá ra điều này;
- nhà nước hoàn toàn không thích khi các học giả phân tích chế độ, nhưng lại rất vui khi các kẻ nịnh hót phân tích chế độ;
- nhà nước luôn luôn biết rõ hơn các công dân hạnh phúc của mỗi công dân nằm ở đâu;
-nhà nước, dù không hy sinh bất kỳ điều gì cho những nguyên tắc cao hơn, lại tin rằng nhà nước là ánh sáng soi đường cho sự tiến bộ.

Thế là xong phần thứ nhất. Bây giờ, hãy chú ý, vì chúng tôi sẽ cho bạn biết chủ nghĩa xã hội là gì. Chủ nghĩa xã hội là như thế này:
Chủ nghĩa xã hội là hệ thống mà ....Nhưng có ích gì khi đi sâu vào tất cả các chi tiết này? Thôi nói thế này với nhau cho dễ hiểu: chủ nghĩa xã hội quả thực là quá tuyệt.


Nguồn: Tác phẩm "My Correct Views on Everything", nhà xuất bản St.Augustine's Press, ấn bản năm 2010, trang 62-65

Bản tiếng Việt © 2010 Trần Quốc Việt

Bản tiếng Việt © 2010 danlambao

4.12.10

GEORGE WEIGEL -NGƯỜI THẦY CỦA CÔNG ĐOÀN ĐOÀN KẾT

Trần Quốc Việt dịch
Cách đây ba mươi năm, vào ngày 31 tháng Tám năm 1980, một người thợ điện tên Lech Walesa ký Hiệp ước Gdansk, chấm dứt cuộc đình công kéo dài hai tuần ở nhà máy đóng tàu Lenin tại thành phố Hanseatic. Walesa ký bằng cây bút lưu niệm rất lớn có in hình chân dung Đức Giáo hoàng John Paul II. Chọn bút không phải là ngẫu nhiên như những người cộng sản chắc hẳn đã nói. Cũng không phải ngẫu nhiên là cuộc cách mạng đặc trưng đã diễn ra theo sau Hiệp ước Gdansk được hình thành sau hai tuần đầy kịch tính trên bờ biển Baltic của Ba Lan.

Hiệp ước là gạch nối quan trọng giữa chuyến hành hương Ba Lan của Đức Giáo hoàng John Paul vào tháng Sáu năm 1989 và thắng lợi của "Công đoàn Đoàn kết Độc lập Tự quản" vào tháng Chín năm 1980. Mười bốn tháng trước cuộc đình công, Đức Giáo hoàng John Paul đã châm ngòi cho một cuộc cách mạng lương tâm khích lệ biết bao nhiêu người hãy "sống trong sự thật," hãy sống "như thể" họ tự do- như khẳng định qua những lời tâm niệm đương thời. " Sống trong sự thật " đã cho Hiệp ước Gdansk một tố chất đặc biệt, từ đấy dẫn đến hiện tượng chính trị và xã hội độc đáo tức Công đoàn Đoàn kết.

Bất ổn lao động từng diễn ra ở Ba Lan vào những năm 1953, 1956, 1968, và 1970. Trong mỗi trường hợp, chế độ cộng sản Ba Lan đều trấn an công nhân (những nguời mà những người cộng sản này đã mặc nhiên cai trị nhân danh họ) bằng một loạt biện pháp tổng hợp từ chiến thuật chia để trị, mua chuộc kinh tế (thường liên quan đến giá cả thực phẩm), đến trấn áp. Năm 1980 lại khác, và sự khác biệt làm năm 1980 khác với những năm trước chính là sự khác biệt Đức Giáo hoàng - một sự khác biệt về đạo lý.

Tôi cố gắng thể hiện sự khác biệt ấy trong tác phẩm " Kết thúc và Khởi đầu: Đức Giáo hoàng Paul John II- Chiến thắng của Tự do, Những Năm Cuối Cùng, Di sản " sẽ được nhà xuất bản Doubleday phát hành vào ngày 14 tháng Chín:

"Sự khác biệt đạo lý này tự thể hiện rõ hầu như ngay tức thì khi cuộc đình công ở nhà máy Gdansk nổ ra vào ngày 14 tháng Tám năm 1980. Đây là một cuộc đình công nghề nghiệp, qua đó công nhân chiếm lĩnh toàn bộ tổ hợp nhà máy, như thế tạo ra một ốc đảo không gian tự do trong hệ thống toàn trị. Công nhân duy trì chế độ kỷ luật nghiêm ngặt nhờ cấm tuyệt đối rượu trong nhà máy. Người ta dễ dàng cảm nhận bầu không khí tôn giáo trang nghiêm như được biểu lộ công khai qua các buổi Thánh lễ và xưng tội ngoài trời. Xét theo quan điểm của những gì diễn ra sau đó, điều quan trọng nhất có lẽ là, do nhờ được chính Đức Giáo hoàng khai tâm ý nghĩa cao quý hơn về nhân phẩm làm người, các công nhân đã từ chối chấp nhận nhiều nhượng bộ kinh tế chế độ vội vã đưa ra.

Thế là vào đêm 16 rạng ngày 17 tháng Tám, Uỷ ban Đình công Liên Nhà máy (MKS) được thành lập để công bố một loạt những đòi hỏi bao quát hơn, bao gồm việc thành lập các tổ chức công đoàn độc lập tự quản... Danh sách "21 Điểm " nổi tiếng được chủ tịch đoàn MKS đồng ý... đã nhấn mạnh đến sự thay đổi kinh tế nhưng vẫn bao gồm đầy đủ các đòi hỏi nhân quyền cơ bản, đề cập cụ thể đến nhiều quyền trong đó có quyền tự do ngôn luận, quền tự do báo chí, và chấm dứt kỳ thị chống lại những tín hữu của "tất cả các tôn giáo" trong việc tiếp cận truyền thông. Như thế các mục tiêu của phong trào đối kháng được mở rộng sâu sắc hơn; như lời của một nhà thơ-công nhân diễn tả vài tháng sau đó, " Đã qua rồi những thời / Khi họ bịt miệng chúng ta bằng xúc xích."

Con đường đấy sóng gió Công đoàn Đoàn kết trải qua chín năm sau đó đã mở đường cho cuộc Cách Mạng năm 1989, sự sụp đổ (đa phần bất bạo động) của chủ nghĩa cộng sản Châu Âu, và cái chết của Liên Xô năm 1991. Có biết bao vô vàn tranh cãi khi Walesa và lãnh đạo Công đoàn Đoàn kết phải vật lộn với bao sóng gió tất yếu của công đoàn mới mà cũng là một phong trào xã hội quần chúng và là lực lượng đối lập chính trị không chính thức - trong một xã hội nơi đảng cộng sản và bộ máy cai trị nhà nước do Đảng kiểm soát đã ra sức chiếm lĩnh từng tấc không gian xã hội còn sót lại.

Chính nhờ Nhà thờ Công giáo trong suốt 35 năm duy trì bền bỉ sự độc lập của mình trong môi trường chính trị và xã hội nghẹt thở này đã góp phần tạo ra Công đoàn Đoàn kết; sự độc lập của Nhà thờ cũng giúp tạo ra một không gian được bảo vệ nơi phong trào có thể tiếp tục tồn tại sau khi Công đoàn Đoàn kết bị giải tán dưới chế độ thiết quân luật bị áp đặt trên Ba Lan vào ngày 13 tháng Chạp năm 1981.

Suốt trong thời kỳ hào hùng của mình, Công đoàn Đoàn kết là sự hài hoà độc đáo giữa niềm tin trí thức và niềm tin đạo lý, nhận thức đúng đắn về kinh tế, sáng suốt về chính trị, và can đảm của cá nhân, tất cả điều này được hình thành nhờ học thuyết xã hội của Nhà thờ Công giáo và nhờ chứng nhân cá nhân của đức John Paul II. Gương sáng của Công đoàn Đoàn kết nên khích lệ những người tự do, và những ai khao khát tự do, ở khắp mọi nơi.



Nguồn: Tạp chí First Things số ngày 1 tháng 9 năm 2010

www.firstthings.com/onthesquare/2010/09/the-solidarity-difference

Bản tiếng Việt © 2010 Trần Quốc Việt

Bản tiếng Việt © 2010 danlambao