28.1.12

Dư Hoa- Bó Đũa Uất Hận

Trần Quốc Việt dịch

11 tháng Mười Hai, 2011

Vào thời trẻ khi Mao Trạch Đông kích động cuộc cách mạng, ông nghĩ ra một cách hay để truyền đạt ý chính của ông đến quần chúng thất học: ông cầm chiếc đũa lên bẻ gãy làm hai. Rồi ông cầm bó đũa lên bẻ: bó đũa không gãy. Qua đó ông chỉ ra rằng chừng nào tất cả mọi người đều đồng lòng sát cánh bên nhau, không có sức mạnh nào có thể chống đỡ được dòng thác cách mạng. Nhờ tập hợp lại những chiếc đũa tản mác, phẫn nộ, Mao cuối cùng có thể bước lên lễ đài Thiên An Môn vào ngày 1 tháng Mười, 1949 để tuyên bố thành lập nước cộng hòa của ông.

Một lần nữa vấn đề hiện nay ở Trung Quốc là đũa nên là từng chiếc rời hay cả bó. Tuy nhiên, những kẻ kế thừa Mao làm ngược lại lời khuyên của ông, họ huy động nguồn tài chính khổng lồ để ngăn cản những chiếc đũa không thể tập hợp lại được. Chính quyền biết những chiếc đũa uất hận có mặt ở khắp mọi nơi, nhưng chừng nào những chiếc đũa ấy còn phân tán, chính quyền tin họ có thể bẻ gãy đũa làm hai, bất kể số lượng đũa.

Cho nên "duy trì ổn định" thật sự đã trở thành cụm từ rất quan trọng ở Trung Quốc đương thời. Chính quyền không công khai số tiền chi tiêu cho việc duy trì ổn định, nhưng nhiều người ước tính là lên đến 600 tỷ nhân dân tệ. Khi các cuộc biểu tình tập thể ngày càng diễn ra thường xuyên hơn, con số ấy chỉ có thể tăng lên.

Đa phần những vụ xảy ra đều bùng phát từ chuyện tương đối nhỏ. Cái chết khuất tất của một thiếu nữ trong năm 2008 ở huyện Úng An, tại tỉnh Quý Châu, khiến 160 tòa nhà chính quyền bị đốt cháy, 40 xe cộ bị phá huỷ và hơn 150 người bị thương. Khi một đầu bếp ở thị trấn Thạch Thủ, tại Hồ Bắc, bị phát hiện chết vào năm 2009, gia đình nạn nhân bác bỏ lời tuyên bố từ công an cho đây là vụ tự tử, họ không đồng ý cho xét nghiệm tử thi và đặt xác chết tại ngay tiền sảnh khách sạn, thu hút đám đông đến cả hàng ngàn người. Từ đấy đưa đến nhiều cuộc xung đột với công an, khách sạn bị đốt phá, các công an bị thương, và các xe chữa cháy và xe cảnh sát bị dân chúng lật nhào. Nhũng cuộc xung đột như thế báo hiệu những chiếc đũa tản mác của Trung Quốc đang tức giận. Đôi khi chỉ cần một vụ bất hoà trong gia đình hay cuộc cãi nhau qua lại giữa láng giềng cũng đủ khiến cho người dân trút sự phẫn nộ lên chính quyền.

Chúng ta được nhắc nhở duy trì ổn định quan trọng hơn bất kỳ điều gì khác. Chính quyền chúng ta thích nhấn mạnh pháp trị, nhưng khi ổn định cần phải duy trì, luật pháp hoàn toàn biến mất. Vì luật sư nhân quyền Trần Quang Thành và gia đình bị quản thúc tại gia ở làng họ, nên nhiều người lặn lội đến thăm họ để bày tỏ lòng ủng hộ. Nhưng ngay khi họ sắp đến được gần nhà ông, họ bị bọn côn đồ mai phục sẵn nhảy ra đánh đập họ và cướp ví họ. Trên mạng người ta hỏi nhau "Pháp trị ở đâu rồi?" Pháp trị chắc hẳn đang ngao du đâu đó trên trời, cao xa vời vợi quá nên không nghe thấu lời trần.

Đôi khi duy trì ổn định đạt đến mức độ quả thật tức cười. Khi Cách mạng Hoa Nhài khuấy động Bắc Phi vào mùa xuân này,bản nhạc"Hoa Nhài" truyền thống đã bị cấm ở Trung Quốc. Bạn tôi xử dụng bản nhạc này cho chương trình truyền hình mới vừa hoàn tất xong bị yêu cầu phải lấy bản nhạc ra, và bản nhạc thay thế về hoa mẫu đơn cũng chính thức không được chấp nhận. Cuối cùng, anh biết không được phép dùng nhạc về bất kỳ loại hoa nào.


Nhìn đâu cũng thấy nguy cơ. Khi phong trào Chiếm Phố Wall bắt đầu ở Mỹ, truyền thông chính thức của chúng ta hoan hỉ tường thuật, tưởng là vớ được cây gậy để có thể dùng nó đánh vào xã hội Tây Phương. Nhưng khi các nhà hoạt động phong trào kêu gọi biểu tình trên khắp thế giới, một số người Trung Quốc bắt đầu nghĩ đến chiếm ngân hàng trung ương và uỷ ban giám sát chứng khoán. Chính quyền cuối cùng nhận thức các phong trào phản kháng ở các nước dân chủ Tây Phương hoàn toàn có khả năng khích lệ nhiệt tình cách mạng ở những chiếc đũa như các phong trào phản kháng tại các nước độc tài. Cho nên, giống như "Hoa Nhài" trước đấy, Chiếm Phố Wall bị ngăn chặn trên mạng và trên các phương tiện truyền thông.

Khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhìn cảnh Moammar Kadafi bị bắn gục trên đường phố, cảnh Saddam Hussein bị giải lên đoạn đầu đài và cảnh Hosni Mubarak ra toà nằm trong lồng sắt - và khi họ thấy, sau khi những tên độc tài này mất quyền lực, gia đình của chúng cũng mất sạch tất cả - họ chắc hiểu, tôi nghĩ, họ không sợ chính dân chủ mà họ sợ cách mạng. Khi thân nhân của các quan chức cao cấp chúng ta càng giàu có hơn, họ di dân đến các nước dân chủ (không bao giờ đến các nước độc tài); họ biết khả năng cách mạng diễn ra ở Trung Quốc ngày càng tăng. Họ biết cách mạng không bao giờ chừng mực, cách mạng luôn luôn đẫm máu.

Khi những chiếc đũa tự tập hợp lại thành bó đũa, cách mạng sẽ bùng nổ. Mặc dù các quan chức cao cấp chúng ta ghét dân chủ, nhưng dân chủ thực sự là chìa khoá giúp họ có thể giữ chặc được của cải và bảo vệ mạng sống của họ. Đó là vì trong một nước dân chủ đúng và sai không bao giờ hoàn toàn rõ ràng. Những người này có thừa tiền bạc, và trong một nước dân chủ họ có thể luôn luôn thuê được các luật sư khéo ăn nói để biện hộ cho vụ án của họ và giúp họ thoát tội.

Vì thế theo tôi nghĩ, chỉ có hai con đường phía trước cho Trung Quốc: dân chủ hoá hay cách mạng. Con đường nào có lẽ cũng dài cả.Trong trường hợp đầu tiên, Đảng Cộng Sản nhất định sẽ không bao giờ từ bỏ đặc quyền của mình nhưng, dưới áp lực, sẽ từ bỏ chúng một cách nhỏ giọt. Trong trường hợp thứ hai, những chiếc đũa tản mác, bị cách ly thật chẳng dễ dàng gì kết hợp lại với nhau khi đối mặt với sự duy trì ổn định được tài trợ quá hào phóng.

Vào ngày 1 tháng Bảy, 1921, 13 đại biểu của Đảng Cộng Sản Trung Quốc lẻn ra khỏi Thượng Hải để tránh bị cảnh sát Quốc Dân Đảng bắt. Họ nhóm họp đại hội lần thứ nhất của đảng trên chiếc thuyền ở Nam Hồ tại thành phố Gia Hưng. Vào ngày 1 tháng Bảy năm nay, một cuộc mít tinh được tổ chức để mừng 90 năm ngày thành lập đảng, và Hồ Cẩm Đào đọc bài diễn văn quan trọng, liệt kê nhiều thành tựu lớn của đảng. Cùng lúc đó trên mạng bắt đầu lưu hành bài viết sau.

"Ước gì tôi có thể đi ngược thời gian," Ai đấy nói, "Tôi muốn có mặt ở Nam Hồ tại Gia Hưng vào ngày 1 tháng Bảy , 1921."

"Để làm gì?" người ta hỏi anh.

"Để báo cảnh sát."

Dư Hoa là nhà văn Trung Quốc nổi tiếng. Tác phẩm mới nhất của ông, "Trung Quốc trong Mười Chữ", vừa mới ra mắt vào cuối năm ngoái tại Hoa Kỳ. Bài viết này và tác phẩm đều không được in ở Trung Quốc. Bản dịch tiếng Anh của Allan Barr.


Tựa đề của người dịch, tựa đề bản dịch tiếng Anh "Chinese Autumn is no Arab Spring", tờ Los Angeles Times,  Mỹ số ra ngày 11/12/2011.


 Nguồn:  http://articles.latimes.com/2011/dec/11/opinion/la-oe-yu-hua-china-20111211

26.1.12

David Kestenbaum & Jacob Goldstein -Bản giao kèo bí mật đã thay đổi Trung Quốc

Trần Quốc Việt dịch


Vào năm 1978 những nông dân tại một làng Trung Quốc nhỏ tên Tiểu Cương tụ họp lại trong một túp lều tranh vách đất để ký một bản giao kèo bí mật. Họ nghĩ vì bản giao kèo ấy họ có thể bị tử hình. Thay vì vậy, chính bản giao kèo ấy cuối cùng đã thay đổi sâu sắc nền kinh tế trung Quốc về nhiều phương diện mà vẫn còn vang dội đến tận ngày nay.

Bản giao kèo ấy rất nguy hiểm - chuyện như thế rất nghiêm trọng - vì bản giao kèo được thảo ra vào lúc cao điểm của chủ nghĩa cộng sản tại Trung Quốc. Tất cả mọi người đều làm việc trên đồng ruộng công xã của làng; hoàn toàn không có tư hữu.

"Vào thời ấy, ngay cả cọng rơm cũng thuộc về tập thể, " ông Nhan Cảnh Xương, vào năm 1978 là một nông dân ở Tiểu Cương, kể lại." Không ai được sở hữu bất kỳ cái gì."

Tại một cuộc họp với các quan chức đảng cộng sản, một nông dân hỏi: " Thế còn những cái răng trong đầu tôi thì sao? Tôi có làm chủ răng của tôi không?" Trả lời: Không. Răng của ông thuộc về công xã.

Trên lý thuyết, chính quyền sẽ lấy những gì công xã trồng, rồi cũng phân phát lại lương thực cho mỗi gia đình. Ông Nhan Cảnh Xương kể chẳng có lợi gì mà lao động hăng say như ra đồng từ sáng sớm, hay ráng sức làm thêm.

"Làm siêng hay chẳng làm siêng -thì ai ai cũng như nhau, " ông nói." Thế là chẳng có ai muốn làm lụng gì."

Ở Tiểu Cương người dân không bao giờ đủ ăn, nên nông dân thường phải đi qua các làng khác ăn xin. Con cái họ bị đói. Còn họ rơi vào cảnh tuyệt vọng.

Vì thế, vào mùa đông năm 1978, sau một vụ mất mùa khác, họ nảy sinh ý định: thay vì cùng nhau làm ruộng chung cho công xã, nay mỗi gia đình được giao đất và tách ra làm riêng. Nếu gia đình nào trồng được nhiều lúa, gia đình ấy có thể giữ lại một phần.

Tất nhiên, ý định ấy không phải mới mẻ gì. Nhưng tại Trung Quốc cộng sản vào năm 1978, ý định ấy rất nguy hiểm đến nỗi các nông dân phải bí mật gặp nhau để bàn bạc.


Vào một tối nọ, họ từng người một lén lút đi vào nhà một nông dân. Giống như mọi nhà trong làng, nhà chỉ là nền đất, vách bùn và mái tranh. Không điện, không nước.

"Đa số mọi người đều nói "Vâng, chúng tôi muốn làm như thế,"" Nhan Thường Hồng, một nông dân có mặt vào tối hôm đó, kể lại. "Nhưng có nhiều người khác lại nói "Tôi nghĩ chuyện này sẽ không thành được -chuyện này chẳng khác gì dây điện cao thế." Vào thời ấy, nông dân chưa bao giờ thấy điện, nhưng họ đã nghe về điện. Họ biết nếu ta chạm điện, ta sẽ chết."

Tuy rất nguy hiểm, nhưng họ quyết định họ phải liều thử xem sao -do đó phải viết xuống thành bản giao kèo chính thức, để mọi người chiếu theo mà làm. Dưới ánh đèn dầu, ông Nhan Thường Hồng nắn nót thảo ra bản giao kèo.

Các nông dân đồng ý chia đất ra cho các gia đình. Mỗi gia đình đồng ý nộp một phần lúa họ trồng cho nhà nước, và cho công xã. Và, quan trọng nhất, nông dân đồng ý rằng gia đình nào trồng đủ lúa sẽ giữ lại phần dư cho gia đình mình.

Bản giao kèo cũng thừa nhận hậu quả nông dân sẽ gánh chịu. Nếu bất kỳ nông dân nào đi tù hay bị tử hình, bản giao kèo ghi rõ, những người còn lại trong nhóm sẽ lo cho con cái của những người ấy cho đến năm 18 tuổi.

Nông dân cố gắng giấu kín bản giao kèo - ông Nhan Thường Hồng giấu nó trong khúc tre ở trên mái nhà ông - nhưng khi họ trở lại đồng ruộng, mọi thứ đều khác xưa.

Trước khi chưa có bản giao kèo, các nông dân thường lê bước ra đồng chỉ khi tiếng còi làng vang lên báo hiệu ngày làm việc bắt đầu. Sau khi bản giao kèo ra đời, từ tờ mờ sáng các gia đình đã có mặt ở ngoài đồng.

"Tất cả chúng tôi đều bí mật thi đua lẫn nhau," ông Nhan Cảnh Xương kể." Ai ai cũng muốn mình thu hoạch hơn người kế bên."

Vẫn cùng ruộng đất, cùng nông cụ và cùng con người. Tuy nhiên nhờ thay đổi quy luật kinh tế - tức ta có thể giữ lại một phần những gì ta trồng - mọi thứ đã thay đổi.

Vào cuối vụ, họ trúng mùa rất lớn: ông Nhan Thường Hồng cho biết mức thu hoạch cao hơn năm năm trước cộng lại.

Mùa bội thu rất lớn ấy đã làm lộ bí mật của họ. Các quan chức địa phương hiểu ra rằng nông dân đã tự tiện chia đất với nhau, và tin về chuyện xảy ra ở Tiểu Cương đã lan truyền đến các cấp lãnh đạo đảng cộng sản.

Có lần ông Nhan Thường Hồng bị bắt giải lên trụ sở đảng cộng sản địa phương. Các quan chức chửi rủa ông, xem ông như kẻ đáng tội chết.

Nhưng may mắn thay cho ông Nhan và những nông dân khác, vào thời điểm lịch sử này, có những người có quyền hành lớn trong đảng cộng sản muốn thay đổi nền kinh tế Trung Quốc. Đặng Tiểu Bình, nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ tiếp tục tạo ra nền kinh tế Trung Quốc hiện đại, vừa mới lên nắm quyền.

Thế là thay vì tử hình những nông dân Tiểu Cương, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cuối cùng quyết định ca tụng họ là tấm gương sáng cần noi theo.

Chỉ trong vòng vài năm, những công xã trên toàn Trung Quốc đều làm theo các nguyên tắc trong bản giao kèo bí mật ấy. Nhân dân có thể sở hữu những gì họ trồng. Chính quyền phát động những cải cách kinh tế khác, và nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu phát triễn rất nhanh. Kể từ năm 1978 đến nay gần 500 triệu người ở Trung Quốc đã thoát ra được cảnh nghèo đói.


Ngày nay, chính quyền Trung Quốc rõ ràng tự hào về sự kiện đã diễn ra ở Tiểu Cương. Bản giao kèo ấy giờ được trưng bày trong viện bảo tàng. Còn làng Tiểu Cương trở thành câu chuyện độc đáo mà trẻ em ở Trung Quốc được học ở trường.

Nhưng phần còn lại của câu chuyện về những nông dân ký tên lúc ban đầu lại mơ hồ.

Vào ngày đầu tiên ở Tiểu Cương, chúng tôi yêu cầu được nói chuyện với ông Nhan Thường Hồng, người đã thực sự viết ra bản giao kèo. Các quan chức đảng cộng sản địa phương bảo chúng tôi ông đã đi ra khỏi làng.

Hoá ra không đúng như thế: ngày hôm sau chúng tôi quay trở lại Tiểu Cương và tìm ra được ông Nhan Thường Hồng. Ông bảo chúng tôi ngày hôm trước ông vẫn ở trong làng.

Ông Nhan Thường Hồng cho chúng tôi biết trong những năm qua ông đã khởi sự kinh doanh vài lần, nhưng bị đảng cộng sản địa phương chiếm đoạt một khi công việc kinh doanh bắt đầu sinh lợi. Ông cũng nói những nhà máy mới mọc lên quanh Tiểu Cương hiện nay đa phần là bỏ trống, và chẳng tạo ra nhiều công ăn việc làm.

Các quan chức địa phương nói những điều này là không đúng. Họ nói mọi thứ ở Tiểu Cương đều rất tốt.

Nguồn: National Public Radio, 20/1/2012
www.npr.org/blogs/.../the-secret-document-that-transformed-china

20.1.12

Trần Quốc Việt- Những mùa xuân bị đánh cắp

Cựu thiếu tướng người Rumania Ion Mihai Pacepa là viên chức cao cấp nhất của khối cộng sản đào thoát sang Tây phương. Mới đây trong một bài viết ông kể ông đã từng nghe Nikita Khrushchev, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, nhiều lần nói to: "Nghĩa vụ của chúng ta là ăn cướp của bọn tư bản. Các đồng chí, đừng có nhướng mày lên như thế. Tôi cố ý dùng từ ăn cướp. Chúng ta có nghĩa vụ lịch sử ăn cướp của bọn tư bản." (1)

Khrushchev đã nói toạc ra bản chất "nghĩa vụ lịch sử" mà những người tiền nhiệm của ông như Lê Nin và Stalin đã thực hiện bài bản đúng như tinh thần của bản Tuyên ngôn Cộng sản.

Ăn cướp là chính sách quốc gia của các nước cộng sản xưa nay. Ông Pacepa viết như sau về chính sách ăn cướp ở Liên Xô:

"Ăn cướp quả thực đã trở thành chính sách quốc gia vào ngày Liên Xô ra đời. Sau cách mạng 1917, Lê Nin sung công tất cả của cải của hoàng gia Nga, tịch thu đất của những người Nga giàu có, và quốc hữu hoá các ngành công nghiệp, nông nghiệp và ngân hàng Nga. Nhờ ép buộc các nông dân vào các nông trang tập thể, điện Kremlin đã ăn cướp ruộng đất, súc vật và các nông cụ của họ."(2)Ayn Rand, nhà văn người Mỹ gốc Nga, vào năm 1962 đã viết như sau về bao đau thương đổ nát khởi sinh từ chính sách ăn cướp của những tín đồ cộng sản Nga:

"Làm sao tính hết được biết bao đau thương kiếp người, bao đớn hèn, bao mất mát và kinh hoàng gộp lại để trả chỉ riêng cho một nhà chọc trời được tán tụng nhiều ở Mạc tư khoa, hay trả cho những nhà máy hay các hầm mỏ hay các đập nước, hay cho bất kỳ phần nào của nền "công nghiệp hoá" dựa trên máu - và - của cải cướp được. Tuy nhiên, chúng ta thật sự biết được một điều, đó là bốn mươi lăm năm là khoảng thời gian dài: thời gian ấy trải dài qua hai thế hệ; chúng ta cũng thật sự biết, nhân danh sự ấm no sung túc như đã hứa, hai thế hệ kiếp người đã sống và chết như con vật trong cảnh nghèo khổ cùng cực.." (3)Và lịch sử đã lập lại gần đây ở Bắc Hàn qua vụ đổi tiền trong năm 2009. Thực chất của vụ đổi tiền là cướp đoạt trắng tợn thành quả lao động của người dân khiến hàng loạt người tự tử vì tuyệt vọng hay mất nhà rồi lâm vào cảnh màn trời chiếu đất và chết bờ chết bụi. (4)

Chúng ta hãy cùng nhau xem đoạn phim về một thiếu nữ Bắc Hàn quay vào tháng Sáu 2010.


http://www.blogger.com/goog_1946165335

(người viết dịch lại những lời phụ đề trong phim)

"Đây có phải là cỏ em cắt cho thỏ ăn?
Cỏ này em đem bán.

Em bao nhiêu tuổi?
Hai mươi ba.

Em ngủ ngoài trời?
Vâng.

Em ăn gì?
Đâu có gì ăn.

Cha mẹ em đâu?
Cha em chết rồi

Thế mẹ em?
Mẹ em cũng chết rồi."
Người thực hiện đoạn phim trên là một nhà báo dân báo người Bắc Hàn tên Kim Dong -cheol. Ông là một trong 10 phóng viên dân báo Bắc Hàn hoạt động bí mật trong lòng Bắc Hàn. Họ được tổ chức Asia Press, trụ sở tại Nhật, trang bị những máy quay phim cực nhỏ và các thẻ nhớ để viết bài, quay video, chụp hình, và sau đó tìm cách đưa thông tin ra khỏi Bắc Hàn. Phần thưởng họ nhận được là niềm vui giúp đất nước sớm thoát khỏi ách nô lệ. Còn hậu quả là một cái chết chắc chắn nếu họ bị bắt. Họ tin "nếu ta không làm gì cả, ta chỉ là nô lệ." (5)Ông Kim Dong -cheol cho biết thiếu nữ có xưng tên nhưng giọng nói của cô quá yếu nên ông không thể nghe rõ được. Ông sau đó biết thiếu nữ bất hạnh ấy đã chết vào ngày 20 tháng 10, 2010. Ông viết:

"Nhà cửa không có, cô gái ấy phải lang thang khắp đâu đường xó chợ để ăn xin. Rồi một hôm người ta phát hiện cô gái nằm chết trên cánh đồng bắp. Lúc ấy đang vào dịp thu hoạch bắp, nên có lẽ cô gái đang cố tìm bắp sống để ăn ... Sau đó người ta khẳng định rằng đó là xác của cô gái vô gia cư 23 tuổi. Cô gái chết lâu rồi nên xác bắt đầu thối rửa. Nhưng công an vẫn để xác nằm ở đấy trong một thời gian dài."(6)

Lịch sử Việt Nam dưới thời cộng sản cũng không phải ngoại lệ. Chính sách ăn cướp lộ rõ nhất là những đợt cải cách ruộng đất kinh hoàng, rồi đến những đợt ăn cướp đánh vào những người giàu có ở miền bắc sau 1954. Rồi đến những đợt đánh "tư sản mại bản" ở miền nam, chưa kể những lần đổi tiền và xua dân đi kinh tế mới để lấy nhà và tài sản của họ. Còn biết bao nhiêu vụ cướp ngày trắng trợn khác nhân danh ý thức hệ. Chính sách ăn cướp dưới bao nhiêu hình thức, bao nhiêu thủ đoạn và qua đó gây ra biết bao nhiêu thảm cảnh cùng bi kịch không những chỉ cho quốc gia mà cho các cá nhân, xin mượn lời của Ayn Rand, là "vệt máu dài xuyên suốt lịch sử" của đảng Cộng sản Việt Nam. Vệt máu ấy vẫn còn kéo dài, vẫn còn tươi rói qua biết bao vụ cướp đất và tài sản nhân danh quy hoạch trong những năm gần đây hay mới đây nhất qua vụ cướp trắng trợn tài sản và công sức của gia đình anh Đoàn Văn Vươn.

Mùa xuân nào trọn vẹn và hạnh phúc trên bối cảnh đau khổ triền miên như thế của biết bao nhiêu nạn nhân bị cướp bóc từ xưa đến nay. Nhưng tàn ác nhất vẫn là vụ thảm sát vào mùa xuân Mậu Thân cướp đi sinh mạng hàng ngàn người. Họ bị giết tức tưởi bên xác pháo chưa kịp phai khi hoa mai chưa kịp rụng. Vụ thảm sát Mậu Thân đã đẩy lùi nền văn minh Việt vào thời tiền sử về mặt đạo đức.

Cách đây mấy ngàn năm Aesop từng nói đại ý rằng chúng ta treo cổ những tên trộm vặt và chọn những tên trộm lớn vào những chức vụ lãnh đạo. Bậc thầy ngụ ngôn này nếu sống đến ngày nay ở tại các nước cộng sản như Việt Nam hay Bắc Hàn sẽ thấy mình nói không đúng. Thực tế là chúng ta treo cổ những tên trộm vặt và để yên những tên trộm lớn trị vì trên số phận chúng ta. Và chúng ta không bao giờ bầu chúng lên, chúng ta chỉ là những nô lệ bị lịch sử ép duyên với tướng cướp Cộng sản.

Vệt máu ấy mỗi năm đều tiếp tục kéo dài bắt đầu vào đầu Xuân .




Tài liệu tham khảo:

(1)&(2) PJ Media

http://pjmedia.com/blog/stealing-as-policy-from-the-iron-curtain-to-robert-byrd/

(3) Ayn Rand - Những kẻ xây tượng đài, Dân làm báo 13/1/2012

(4)Asiapress, Rimjin-gang

http://www.asiapress.org/rimjingang/english/20110208_homeless_woman001/index.html

(5) Melanie Kirkpatrick, A free Press Stirs In North Korea

http://www.blogger.com/goog_1946165343

(6) Như chú thích 4

17.1.12

Thông tấn Xã Triều Tiên - Những Hiện tượng Huyền bí

Trần Quốc Việt dịch

Bình Nhưỡng, 29 tháng Chín 1997 (TTXTT)--Nhân dân đang chứng kiến những hiện tượng tự nhiên huyền bí tại nhiều nơi khác nhau trên Triều Tiên khi các hội nghị đảng bộ tỉnh thông qua nghị quyết đề cử đồng chí Kim Chính Nhật làm tổng bí thư Đảng Công nhân Triều Tiên.

Vào ngày 27 tháng Chín một cây lê tại một nhà máy ở Bình Nhưỡng đã nở hoa trắng xoá và hấp dẫn nhiều ong và bướm. Các công nhân nhà máy trên đường đi làm khi chứng kiến hiện tượng này đã nói thiên nhiên đang chào mừng sự kiện vui như hội.

Cùng ngày hơn 100 bông hoa nở trên một cây mơ gần nhà máy rửa phim trong thành phố. Vào ngày 25 tháng Chín nhân dân chứng kiến tám mươi lăm bông hoa nở trên các cây mơ ở một trại chăn nuôi tại thị xã Sangwon. Cùng ngày khoảng độ 400 bông hoa nở trên cây lê dại hai mươi tuổi trong công viên trước toà nhà Thành Uỷ Thành phố Kaesong.

Vào sáng ngày 22 tháng Chín, các ngư dân thuộc trạm đánh cá ở thành phố Rajin - Sonbong bắt được con hải sâm trắng trong khi đánh cá ngoài khơi Chongjin. Các ngư dân nói hải sâm trắng hiếm khi thấy đã xuất hiện để chào đón sự kiện tốt lành Bí thư Kim Chính Nhật được bầu làm Tổng bí thư.

Nhìn thấy những hiện tượng tự nhiên huyền bí, nhân dân Triều Tiên nói Tổng bí thư Kim Chính Nhật quả thực là vĩ nhân vĩ đại nhất trong tất cả các vĩ nhân do trời đất sinh ra cho nên trăm hoa đua nở để đánh dấu sự kiện trọng đại này.


Bình Nhưỡng, 7 tháng Giêng 2012 (TTXTT)-- Vào khoảng độ 12 giờ trưa ngày 23 tháng Mười Hai, 2011, những công nhân ở Mỏ Tuổi Trẻ Anh Hùng Taehung đã thấy ba con gấu trên đường khi họ từ địa diểm để tang trở về sau khi bày tỏ niềm tiếc thương sâu sắc trước sự qua đời của lãnh tụ Kim Chính Nhật.

Các con gấu này, người ta tin là gấu mẹ và hai gấu con, đang đứng bên đường khóc thảm thiết.

Gấu thường ngủ vùi suốt mùa đông ở trong hang hay dưới thân cây ngả tận trong rừng sâu. Cho nên thật là kỳ lạ khi chúng xuất hiện trên đường giữa ban ngày. Hơn nữa, con đường ấy chính là con đường lãnh tụ từng đi thị sát qua.

Các nhân chứng nói các con vật chắc đang khóc than vật vã trước cái chết của Người.

Nguồn: Thông tấn xã Triều Tiên
http://www.kcna.co.jp/index-e.htm

10.1.12

AYN RAND- NHỮNG KẺ XÂY TƯỢNG ĐÀI

Trần Quốc Việt dịch


Lý tưởng được tuyên bố một thời giờ đây là một bộ xương tả tơi kêu lốc khốc trong gió như ngưòi bù nhìn trên khắp thế giới, nhưng người ta không có can đảm ngước lên nhìn để khám phá cái sọ cười nhăn nhở dưới đống giẻ rách đẫm máu. Bộ xương đó chính là chủ nghĩa xã hội.

Cách đây năm mươi năm, có thể còn có cớ nào đấy (dù không phải sự biện minh) cho niềm tin phổ biến rằng chủ nghĩa xã hội là một lý thuyết chính trị xuất phát từ thiện chí và nhắm đạt đến hạnh phúc cho con người. Ngày nay, niềm tin đó có thể không còn được xem là sự sai lầm ngây thơ. Chủ nghĩa xã hội đã được thử áp dụng trên mỗi lục địa của địa cầu. Xét theo hậu quả của nó, đã đến lúc ta cần nghi ngờ các động cơ của những kẻ ủng hộ chủ nghĩa xã hội.

Đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội là sự phủ nhận các quyền tư hữu cá nhân; dưới chủ nghĩa xã hội, quyền sở hữu (nghĩa là quyền xử dụng và chuyển nhượng) thuộc về "xã hội nói chung", tức của tập thể, còn nhà nước, tức chính quyền, làm chủ sản xuất và phân phối.

Chủ nghĩa xã hội có thể được lập ra bằng vũ lực, như ở Liên bang Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Xô viết - hay qua lá phiếu, như ở Đức Quốc xã. Mức độ xã hội hoá có thể là toàn bộ như ở Nga - hay một phần như ở Anh. Về lý thuyết, những sự khác biệt này là hời hợt; về thực tiễn, chúng chỉ là vấn đề thời gian. Nguyên tắc cơ bản, trong tất cả các trường hợp, đều giống nhau.

Những mục tiêu được tuyên bố của chủ nghĩa xã hội là: xoá bỏ nghèo đói, xây dựng sự thịnh vượng chung, tiến bộ, hoà bình, và tình huynh đệ giữa người với người. Kết quả là sự thất bại đáng ghê sợ - đáng ghê sợ, nghĩa là, nếu mục tiêu của ta là hạnh phúc cho con người.

Thay vì thịnh vượng, chủ nghĩa xã hội đã đưa đến sự tê liệt và / hay sụp đổ kinh tế cho tất cả các nước thử áp dụng nó. Mức độ xã hội hoá là mức độ thảm họa. Hậu quả theo đó cũng khác nhau.

Anh, một thời từng là nước tự do nhất và tự hào nhất của Châu Âu, đã bị tụt xuống địa vị cường quốc hạng hai và hiện đang chết chậm vì bị xuất huyết, mất những người tài giỏi nhất trong huyết mạch kinh tế của mình: giai cấp trung lưu và những người hành nghề chuyên môn. Những người có khả năng, có chuyên môn, hữu ích, độc lập đang bỏ đi cả hàng ngàn người, di dân đến Canada hay Hoa Kỳ, để tìm tự do. Họ đang thoát khỏi sự ngự trị của tầm thường, khỏi những nhà tế bần uỷ mị nơi, sau khi bán những quyền của mình để đổi lấy răng giả miễn phí, những người sống trong đó đang than thở họ thà là theo cộng sản hơn là chết.

Tại các nước xã hội hoá hoàn toàn hơn, khởi đầu là nạn đói, dấu hiệu đặc trưng báo hiệu ách cai trị xã hội chủ nghĩa -như ở Nga Xô viết, như ở Trung Cộng, như ở Cuba. Tại những nước này, chủ nghĩa xã hội đã làm cho dân chúng trở nên nghèo khổ không thể nào diễn tả nổi của thời kỳ tiền công nghiệp, trở nên đói quay quắt thật sự, và còn bắt họ chịu cảnh lầm than tù hãm.

Không, đấy không phải là "chỉ tạm thời" trong nửa thế kỷ như những kẻ biện hộ cho chủ nghĩa xã hội hay nói. Sau bốn mươi lăm năm chỉ tiêu và kế hoạch nhà nước, Nga vẫn không thể nào giải quyết nổi vấn đề lương thực cho dân số mình.

Còn câu hỏi so sánh nào về năng suất và tốc độ phát triễn kinh tế ưu việt giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội đều đã được trả lời một lần dứt khoát, đối với tất cả những ai trung thực, qua sự khác biệt hiện nay giữa Tây và Đông Berlin.

Thay vì hoà bình, chủ nghĩa xã hội đã thêm một loại điên cuồng ghê rợn mới vào các mối quan hệ quốc tế - "chiến tranh lạnh", tức tình trạng chiến tranh trường kỳ điểm nhịp với những giai đoạn hoà bình không tuyên bố giữa những cuộc xâm lăng bất ngờ vô cớ - với Nga chiếm một phần ba địa cầu, với các dân tộc và quốc gia xã hội chủ nghĩa xâu xé lẫn nhau, với Ấn độ xã hội chủ nghĩa xâm lăng Goa, và Trung cộng xâm lăng Ấn độ xã hội chủ nghĩa.

Một dấu hiệu rõ ràng của sự thối nát đạo lý trong thời đại chúng ta là phần lớn những người theo chủ nghĩa xã hội và những người ủng hộ họ, "những người cấp tiến", nhìn những tội ác gây ra trong các nước xã hội chủ nghĩa với sự hài lòng vô cảm và chấp nhận chế độ cai trị bằng khủng bố như là một lối sống - trong khi ra vẻ là những người ủng hộ "tình huynh đệ giữa người với người". Trong thập nhiên những năm 1930, họ quả thực có lên án những tội ác của Đức Quốc xã. Nhưng, rõ ràng, sự lên án ấy không phải là vấn đề nguyên tắc, mà chỉ là sự lên án của một băng đảng đối thủ đang đánh nhau giành cùng lãnh địa - vì chúng ta không còn nghe giọng nói của họ nữa.

Nhân danh "lòng nhân đạo", họ bỏ qua và chấp nhận những điều sau: xoá bỏ tất cả tự do và tất cả các quyền; sung công tất cả các tài sản; hành hình không qua xử án, những phòng tra tấn, các trại lao động khổ sai, tàn sát biết bao nhiêu triệu người ở Nga Xô viết - và nỗi kinh hoàng đẫm máu Đông Berlin, kể cả những xác chết ghim đầy lỗ đạn của bao em bé ngả gục trên đường đào thoát.

Khi ta dõi theo cơn ác mộng dệt bằng những nổ lực tuyệt vọng của hàng trăm ngàn người cố gắng thoát khỏi các nước xã hội hoá ở Châu Âu, phải vượt thoát qua những hàng rào kẽm gai dưới làn đạn súng máy -ta không còn tin rằng chủ nghĩa xã hội, dưới bất kỳ hình thức nào, xuất phát từ thiện chí, và hình thành bởi niềm mơ ước đạt đến hạnh phúc cho con người.

Không có người thiện chí chân chính nào có thể lẩn tránh hay làm ngơ trước cơn ác mộng kinh hoàng lớn lao như thế trên một phạm vi bao la như thế.

Chủ nghĩa xã hội không phải là phong trào của nhân dân. Nó là phong trào của các trí thức, được bắt đầu, lãnh đạo và làm chủ bởi trí thức, được họ thực hiện từ các tháp ngà mốc meo của họ vào những cánh đồng thực tiễn đẫm máu nơi họ liên kết với những đồng minh và những người thi hành của họ: những côn đồ.

Vậy động cơ của những trí thức như thế là gì? Dục vọng quyền lực. Dục vọng quyền lực - là biểu hiện của bất lực, của sự ghê tởm mình, và của khao khát những điều không tự mình kiếm được.

Khao khát những điều không tự mình kiếm được có hai khía cạnh: những điều không tự mình kiếm được về vật chất và những điều không tự mình kiếm được về tinh thần. ( Từ "tinh thần" tôi muốn nói ở đây là ý thức của con người.) Hai khía cạnh này có quan hệ mật thiết lẫn nhau, nhưng khao khát của con người chỉ có thể tập trung chủ yếu vào khía cạnh nay hay vào khía cạnh khác. Trong hai khía cạnh này khía cạnh khao khát những điều không tự mình kiếm được về tinh thần thường huỷ diệt hơn và cũng thối nát hơn. Đấy là khao khát sự vĩ đại không tự mình kiếm được; sự vĩ đại này được diễn tả (nhưng không định nghĩa được) bởi cái từ mù mờ như sương mù "uy tín".

Những kẻ mưu cầu lợi ích vật chất không tự mình kiếm được chỉ là những ký sinh trùng tài chánh, những tay ăn xin, những tên hôi của hay những tội phạm, những người mà quá hạn chế về số lượng và trí tuệ nên không thể nào là mối đe doạ đối với nền văn minh, chỉ cho tới khi và trừ phi bọn họ được thả ra và được hợp pháp hoá bởi những kẻ mưu cầu sự vĩ đại không tự mình kiếm được.

Sự vĩ đại không tự mình kiếm được là một khái niệm rất ảo tưởng rất điên cuồng mà kẻ hèn hạ tuy tìm nó nhưng chính hắn ta cũng không thể nhận ra nó: nhận ra khái niệm này tức khiến nó không thể nào tồn tại. Cho nên hắn cần những khẩu hiệu vô lý, mù mờ của chủ nghĩa vị tha và chủ nghĩa tập thể để ban cho dục vọng vô danh của hắn một hình hài phần nào đó có thể hợp lý rồi buộc chặc hình hài ấy vào hiện thực -để nuôi dưỡng sự tự lừa dối của chính hắn hơn là để lừa dối những nạn nhân của hắn. "Quần chúng", "quyền lợi quần chúng", "phục vụ quần chúng" đều là những phương tiện, những công cụ, những quả lắc đong đưa của sự tự huyễn hoặc của dục vọng quyền lực.

Vì không có thực thể nào như "quần chúng", vì quần chúng chỉ là một số cá nhân, nên bất kỳ sự xung đột được tuyên bố hay ám chỉ nào giữa "quyền lợi quần chúng" với quyền lợi riêng đều có nghĩa rằng quyền lợi của những người nào đấy sẽ bị hy sinh cho những quyền lợi và ước muốn của những kẻ khác. Vì khái niệm ấy rất mù mờ tiện lợi, nên cái lợi của nó chỉ phụ thuộc vào khả năng của bất kỳ băng đảng nhất định để tuyên bố rằng "Quần chúng là tao" (1) và khẳng định lời tuyên bố ấy ở trên đầu ngọn súng.

Không có lời tuyên bố nào như thế đã từng hay có thể luôn luôn được khẳng định nếu không có sự hỗ trợ của súng - tức là, nếu không dùng đến vũ lực. Nhưng, mặt khác, nếu không có lời tuyên bố đó, những tên sát thủ sẽ phải ở lại mãi mãi tại nơi chúng thuộc về: trong thế giới xã hội đen, chứ không bao giờ leo lên cao tới hội đồng nhà nước để cai trị số phận của các quốc gia.

Có hai cách tuyên bố rằng "Quần chúng là tao": một cách được thực hành bởi ký sinh trùng vật chất thô tục kêu gào đòi chính quyền bố thí nhân danh nhu cầu "quần chúng" rồi bỏ túi những gì hắn đã không tự mình kiếm được; cách kia được thực hành bởi kẻ lãnh đạo của hắn, ký sinh trùng tinh thần, tìm ảo tưởng của "sự vĩ đại" -giống như kẻ tiêu thụ đồ gian nhận đồ ăn cắp -trong quyền lực tiêu thụ những gì y không tự mình kiếm được và trong niềm tin huyền bí xem mình là tiếng nói đại diện của "quần chúng".

Trong hai loại, về mặt tâm lý thì ký sinh trùng vật chất lành mạnh hơn và gần gũi hơn với hiện thực: ít ra, hắn ăn hay mặc những thứ hắn cướp bóc. Nhưng nguồn thoả mãn duy nhất có sẵn với ký sinh trùng tinh thần, phương tiện duy nhất y có để tạo "uy tín" (ngoài việc ra lệnh và gieo rắc khủng bố), là hoạt động phí phạm nhất, vô ích nhất và vô nghĩa nhất trong tất cả các hoạt động: xây dựng những tượng đài công cộng.

Sự vĩ đại được đạt đến nhờ nỗ lực hữu ích của trí tuệ con người khi theo đuổi những mục tiêu hợp lý được xác định rõ ràng. Nhưng hoang tuởng về sự cao cả chỉ có thể được phục vụ bởi sự mơ tưởng mơ hồ hay thay đổi của một tượng đài công cộng - mà được coi là quà tặng hào phóng dành cho những nạn nhân bị cưỡng bức lao động hay bị trấn lột tiền để trả cho tượng đài - mà được dùng để phục vụ cho tất cả mọi người nhưng không phục vụ ai, đều do tất cả mọi người làm chủ nhưng không ai làm chủ, tất cả mọi người đều há hốc ra nhìn nhưng không ai thấy vui.

Đây là cách duy nhất của kẻ cai trị để làm dịu nỗi ám ảnh của y: "uy tín". Uy tín - trong mắt ai? Trong mắt của bất kỳ ai. Trong mắt của những nạn nhân bị tra tấn của y, trong mắt của những kẻ ăn xin lang thang trên đường phố trong vương quốc của y, trong mắt của những kẻ xu nịnh tại triều đình của y, trong mắt những dân tộc ngoại quốc và những kẻ cai trị họ ở bên ngoài các biên giới. Đối với tất cả những con mắt đó - những con mắt của mọi người nhưng không của ai - tượng đài sẽ gây ấn tượng rằng máu của nhiều thế hệ thần dân đã bị vắt cạn kiệt.

Ta có thể thấy, trong những phim thánh kinh nào đấy, một hình ảnh hiện thực và sống động về ý nghĩa xây dựng tượng đài công cộng: xây dựng các kim tự tháp. Hàng đoàn người rách rưới, gầy gò, đói khát đang gắng sức vắt hết sức tàn để làm một chuyện phi nhân là kéo những dây thừng để kéo lê những tảng đá lớn, căng người ra như những con vật thồ hàng dưới làn mưa roi của lũ cai, rồi đổ vật xuống tại công trường và chết vùi trong cát sa mạc - để cho Pharaoh sau khi băng hà có thể nằm an giấc trong một kiến trúc quá vô nghĩa để qua đó tạo ra "uy tín" bất tử trong ánh mắt của bao thế hệ tương lai chưa chào đời.

Đền đài và cung điện là những tượng đài duy nhất còn sót lại từ các nền văn minh xa xưa của nhân loại. Những tượng đài này được tạo ra bởi cùng phương tiện và cùng giá - một cái giá không được biện minh bởi sự thật là những dân tộc sơ khai, dù chết vì đói lả và kiệt sức, vẫn tin tưởng chắc chắn rằng "uy tín" của dân tộc họ, các bậc trị vì họ, hay của các đấng thần linh họ dù sao cũng có giá trị đối với họ.

La Mã sụp đổ, bị khánh kiệt bởi bao kiểm soát và thuế khoá nhà nước, trong khi đó những hoàng đế La Mã xây dựng những hí trường lớn. Louis XIV của Pháp đánh thuế nhân dân quá nặng khiến họ rơi vào cảnh nghèo đói, trong khi đó ông xây cung điện Versailles để cho các quân vương đương thời phải trầm trồ ganh tị và để cho các du khách ngày nay đến xem. Tàu điện ngầm Mạc tư khoa được lát bằng đá cẩm thạch, được xây nên bởi lao động "tự nguyện" của công nhân Nga, kể cả phụ nữ, là một tượng đài công cộng cũng như những buổi tiếp khách xa xỉ như thời Nga Sa hoàng gồm sâm banh và trứng cá ở các toà đại sứ Xô viết, được cho là cần thiết nhằm " duy trì uy tín của Liên Xô" trong khi ấy nhân dân đứng xếp hàng để nhận lấy những khẩu phần thực phẩm còm cõi.

Phẩm chất ưu việt cao cả của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, cho đến vài thập niên vừa qua, chính là vẻ khiêm nhường toát lên từ các tượng đài công cộng trên đất nước này. Những tượng đài thực sự tồn tại như thế mới chính là tượng đài thật sự: chúng không được dựng lên vì "uy tín", nhưng là những kiến trúc hữu ích nơi diễn ra những sự kiện có tầm quan trọng lịch sử lớn lao. Nếu ta đã thấy nét đơn sơ tầm thường của Toà nhà khai sinh ra Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ, thì ta thấy sự khác biệt giữa sự cao cả chân chính với những kim tự tháp của những kẻ mưu tìm uy tín "phục vụ quần chúng".

Ở Mỹ, công sức con người và tài nguyên vật chất không bị sung công cho các tượng đài công cộng và công trình công cộng, mà được dùng cho sự phát triển phúc lợi riêng tư, cá nhân, cá thể của các công dân cá nhân. Sự vĩ đại của Mỹ chính là ở sự thật những tượng đài thật sự của nước này không phải công cộng.

Hình ảnh New York hiện ra trên đường chân trời là một tượng đài tráng lệ mà không có kim tự tháp hay cung điện nào từng sánh bằng hay gần được bằng. Nhưng những toà nhà chọc trời ở Mỹ không phải xây dựng từ công quỹ cũng không phải cho mục đích công cộng: chúng được xây dựng nhờ năng lực, sáng tạo, và tài sản của những cá nhân riêng vì lợi nhuận riêng. Hơn nữa, thay vì đẩy người dân vào cảnh bần hàn, những toà nhà chọc trời này, khi càng ngày càng vươn cao lên trời, thì càng nâng cao mức sống người dân lên -kể cả những dân trong các khu ổ chuột, những người mà sống cuộc đời xa hoa khi so sánh với đời nô lệ Ai Cập cổ đại hay đời công nhân Xã hội Chủ nghĩa Xô viết.

Sự khác biệt như thế chính là sự khác biệt -cả về lý thuyết và thực tiễn - giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội.

Làm sao tính hết được biết bao đau thương kiếp người, bao đớn hèn, bao mất mát và kinh hoàng gộp lại để trả chỉ riêng cho một nhà chọc trời được tán tụng nhiều ở Mạc tư khoa, hay trả cho những nhà máy hay các hầm mỏ hay các đập nước, hay cho bất kỳ phần nào của nền "công nghiệp hoá" dựa trên máu - và - của cải cướp được. Tuy nhiên, chúng ta thật sự biết được một điều, đó là bốn mươi lăm năm là khoảng thời gian dài: thời gian ấy trải dài qua hai thế hệ; chúng ta cũng thật sự biết, nhân danh sự ấm no sung túc như đã hứa, hai thế hệ kiếp người đã sống và chết như con vật trong cảnh nghèo khổ cùng cực; nhưng chúng ta cũng còn biết những kẻ ủng hộ chủ nghĩa xã hội ngày nay vẫn không chờn lòng trước sự thật phủ phàng như thế này.

Cho dù họ có thể khẳng định động cơ nào chăng nữa, từ rất lâu rồi họ đã mất quyền tuyên bố về hạnh phúc.

Ý thức hệ xã hội hoá (dưới hình thức tân -Phát xít), do xơ cứng, nên giờ đây đang trôi nổi qua khoảng chân không của bầu khí quyển văn hoá và trí thức. Hãy để ý chúng ta thường được yêu cầu thực hiện những "hy sinh" mơ hồ cho những mục đích không cụ thể. Hãy để ý chính quyền hiện nay thường hay kêu gọi "quyền lợi công chúng". Hãy để ý vấn đề uy tín quốc tế bất ngờ trở nên nổi bật và các chính sách tự sát kỳ quặc được biện minh khi đề cập đến vấn đề "uy tín". Hãy để ý trong vụ khủng hoảng Cuba vừa qua -khi vấn đề thực sự có liên quan đến hỏa tiễn hạt nhân và chiến tranh hạt nhân - các nhà ngoại giao và các nhà bình luận của chúng ta lại thấy nên nghiêm túc cân nhắc những chuyện như "uy tín", tâm trạng riêng và "giữ thể diện" cho vài nhà cai trị chủ nghĩa xã hội có liên quan.

Không có sự khác biệt giữa những nguyên tắc, chính sách, và kết quả thực tế của chủ nghĩa xã hội -với những nguyên tắc, chính sách, và kết quả thực tế của bất kỳ chế độ áp bức tiền sử và lịch sử nào. Chủ nghĩa xã hội chỉ là chế độ quân chủ chuyên chế dân chủ -nghĩa là, chế độ chuyên quyền không có người đứng đầu cố định, mở ra cơ hội giành giật quyền lực cho tất cả những ai tham gia, từ bất kỳ kẻ nào ngoi lên tàn bạo, đến kẻ cơ hội, kẻ phiêu lưu, kẻ mị dân hay đến bọn côn đồ.

Khi ta nghĩ về chủ nghĩa xã hội, đừng tự đánh lừa mình về bản chất của nó. Hãy nhớ rằng không có sự khác biệt hoàn toàn đối nghịch nào giữa "nhân quyền" với "quyền sở hữu". Không có nhân quyền nào tồn tại nếu không có quyền sở hữu. Vì của cải vật chất được tạo ra từ trí tuệ và công sức của những con người cá nhân, và cần thiết để duy trì cuộc sống của họ, cho nên nếu người sản xuất không sở hữu kết quả công sức của mình thì họ cũng không sở hữu được cuộc đời của họ. Phủ nhận quyền sở hữu là biến con người thành tài sản do nhà nước sở hữu. Bất kỳ ai tuyên bố "quyền" được "tái phân phối" của cải do người khác tạo ra là đang tuyên bố quyền coi con người chỉ là đồ vật.

Khi ta nghĩ về sự tàn phá toàn cầu do chủ nghĩa xã hội gây ra, biển máu và hàng triệu nạn nhân, hãy ghi nhớ họ bị tế thần, không phải vì "lợi ích của nhân loại" cũng không phải vì bất kỳ "lý tưởng cao quý "nào, mà vì thói kiêu ngạo thối nát của những kẻ cầm thú sợ hãi nào đấy hay kẻ tầm thuờng ra vẻ hơn người nào đấy khao khát ánh hào quang của sự "vĩ đại" không tự mình kiếm được - và tượng đài cho chủ nghĩa xã hội là một kim tự tháp của những nhà máy công cộng, rạp hát công cộng và công viên công cộng, tất cả đều được dựng lên trền nền móng của biết bao xác người, với hình ảnh lãnh tụ ngự trên đỉnh vừa đập tay vào ngực vừa thét vang vào khoảng trống tối đen không trăng sao trên đầu y lời van xin "uy tín".

(Tháng mười hai 1962)

(1) Tiếng Pháp trong nguyên bản "c'est moi".


Ayn Rand(1905-1982) là triết gia và nhà văn Mỹ gốc Nga nổi tiếng với các tác phẩm văn chương mang đậm chất triết học, mà nổi bật nhất là Fountainhead (1943) và Atlas Shrugged(1946).

Nguồn: Nguyên tác tiếng Anh "The Monument Builders" từ tác phẩm Đức tính của Ích kỷ của Ayn Rand, trang 86-91, nhà xuất bản Signet, Hoa kỳ, tái bản năm 1964.