10.3.11

Đừng làm hoen ố lương tâm duy nhất

Đây là lời tâm niệm của tôi trong cuộc đời tôi muốn chia xẻ với các bạn đọc:

"Từ bước đi chập chững đầu đời đến bước đi run rẩy cuối đời là trập trùng bao lớp sóng đời vỗ dưới chân người. Đôi lúc ta đi không vững, đôi lúc ta đi vô tình bên số phận người khác, đôi lúc ta đi đầu cúi xuống, đôi lúc ta đi đầu ngẩng lên. Vẫn là đi..., chỉ mong sao ta đi theo đúng hướng tiến hoá của lương tâm Con Người."

Và từ ngày tôi bắt đầu viết và dịch cho đến nay tôi luôn luôn cố gắng đi theo ánh sáng lương tâm soi đường ấy.

Sau khi ra trường đại học, tôi bắt đầu viết các tiểu phẩm. Tiểu phẩm đầu tiên tôi viết về rào cản lý lịch đã ngăn cản biết bao nhiêu người trẻ vào đại học. Tiểu phẩm ấy có tựa đề " Sự tích chàng Tử" viết về chàng trai tên Tống Ngọc Tử vào thời phong kiến. Tử thi đậu nhưng triều đình không cho lên kinh học tiếp. Ngày ngày trên hòn núi nhỏ Tử đứng nhìn ra biển để hy vọng thấy bóng thuyền của các quan từ kinh đô đến. Cuối cùng Tử biến thành đá. Người làng không dám đặt tên Tống Ngọc Tử cho tượng đá vì sợ triều đình trừng phạt. Họ đặt tên tượng là "Con mong Mẹ về ". Đây là lý do đằng sau cái tên ấy. Tử nghĩa là con. Tử rất mong quan mang giấy báo thi đậu đến cho mình như con mong mẹ về nhà, và quan lại thường được người dân kính sợ cho nên có câu nói "quan chi phụ mẫu ". Thế là cái tên Tống Ngọc Tử biến thành Con Mong Mẹ Về. Dưới bài tiểu phẩm, tôi viết "Theo Trần Hồng Quân Tử " và tên tôi, người chép lại truyện. Bộ trưởng giáo dục thời đó tên Trần Hồng Quân. Còn người thật ngoài đời mà tôi dựa vào đó để viết tiểu phẩm ấy từng được báo Thanh Niên bênh vực tên là Tống Châu Sinh ở Huế. Sinh không được vào đại học vì lý lịch xấu.

Sau khi báo ra hai tuần, Sinh được nhận giấy báo đi học đại học Y Khoa Huế. Tôi không dám nhận công lao của mình đã giúp Sinh vào đại học. Công lao chính là của những người làm báo Thanh Niên hồi ấy. Họ dám nêu ra trường hợp của Sinh, và kêu gọi chính quyền địa phương nên cho Sinh đi học đại học. Tôi không phải là giọt nước cuối cùng làm tràn ly hay cọng rơm cuối cùng làm gãy lưng con lạc đà. Tôi chỉ làm những gì minh nên làm.

Bài tiểu phẩm thứ hai tôi viết về cảnh những người thất nghiệp. Câu chuyện như sau: trong cuộc đua chạy đường trường, người về nhất là cụ già 80 tuổi. Khi ban giám khảo hỏi bí quyết gì giúp cụ thành công không ngờ khi tranh tài với biết bao trai trẻ khác. Quá sững sờ, cụ đáp cụ có biết gì đâu! Rồi cụ phều phào giải thích rằng ngày xưa khi còn thanh niên, cụ có yêu một cô gái gần nhà. Cha cô gái ra điều kiện là khi nào có việc làm đàng hoàng thì ông ta mới gả con gái cho cụ. Do thời buổi việc ít người đông, cụ tìm hoài không ra việc. Năm tháng qua đi hai người vẫn không đến nhau được mà tóc xanh ngày nào giờ thành tóc bạc. Thế rồi một hôm trên đường đi tìm việc, cụ thấy rất có đông người chạy trên đường. Tưởng đâu họ chạy đi xin việc nên cụ cố gắng chạy theo để hy vọng may ra lấy được người yêu hiện vẫn chung thuỷ chờ đợi.


Rồi tôi viết tiểu phẩm thứ ba và cũng gởi cho báo Thanh Niên. Tiểu phẩm này không bao giờ được đăng. Nội dung như sau: các nhà khảo cổ tình cờ phát hiện một nền văn minh rất xưa ở tận sâu trong rừng. Các di vật tìm được chứng tỏ nền văn minh ấy một thời khá phát triến, song không ai biết được nguyên nhân đưa đến sự tàn lụi của nền văn minh này. Nhiều năm sau một nhà khảo cổ tìm thấy một tảng đá rất lớn mà mặt sau của nó có khắc dòng chữ " sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật." Từ đấy, vì không thể tìm ra lời giải hợp lý khả dĩ nào về sự suy tàn của nền văn minh nên giới khảo cổ tin rằng nền văn minh này chết vì con người thời ấy không làm đúng như khẩu hiệu đươc khắc trên đá.


Đường chân trời lãng mạn của tuổi trẻ giờ thu hẹp lại vì tôi bắt đầu thấy đường biên giới của tự do gần hơn, lớn hơn và đáng sợ hơn.

Từ đấy tôi không viết gì nữa vì tôi không muốn thoả hiệp. Tôi bắt đầu dịch bài cho các báo cho đến ngày tôi rời Việt Nam.

Sang đến đất nước đầy nhân ái và cơ hội này, tôi đi học trở lại. Năm cuối ở trường Berkeley, tôi đọc được bài du ký Tây Tạng của một sinh viên MBA trong đó anh kể rằng anh thấy nhiều người Tây Tạng hay nằm vật ra đường khóc than cho thân phận quê hương. Bài báo khiến tôi bồi hồi xúc động. Tôi liền viết một bài về Tây Tạng trong đó tôi bày tỏ lòng lo lắng của mình về sự đổ vỡ tất yếu của nền văn minh độc đáo này trước làn sóng di dân từ Trung Quốc và trước sự bùng nổ về du lịch. Một khi ngôn ngữ và nền văn hoá lâu đời biến mất thì những thế hệ sau chỉ thấy Tây tạng qua những di vật sót lại nằm rải rác trong các viện bào tàng Tây Phương. Tôi gởi bài cho tờ báo của trường. Khi tờ báo ra nhiều người Tây Tạng đến cảm ơn tôi đã nói giùm cho họ. Họ đưa tôi đến dùng cơm tối ở một nhà hàng Tây Tạng và rồi đưa tôi đến thăm nhà họ. Họ hỏi tôi có phải tôi là Phật tử và tại sao tôi viết về Tây Tạng. Tuy không theo đạo Phật, tôi vẫn cảm thông cho tình cảnh tưởng chừng như tuyệt vọng của họ và vì thế tôi viết về họ để san sẽ phần nào nỗi đau tinh thần ấy. Tôi nói với họ tôi chỉ làm những gì minh nên làm.

Hôm nay nhìn lại tôi thấy tôi không đi chệch xa con đường ngay thẳng ấy. Sau này trong thời gian cộng tác với Talawas bằng các bài dịch và bài viết tôi cũng đặt ra chuẩn mực và trách nhiệm của mình là chỉ nói lên sự thật.

Người cầm bút trong hoàn cảnh nào chỉ nên viết những gì mình nên viết, và đừng biến đường thẳng của lương tâm và trách nhiệm thành đường xiên xẹo của nguỵ biện và dối trá. Đừng cầm bút nếu những gì mình viết ra là không đúng hay có hại người khác, và nhất là đừng vẩy mực đen tung toé lên tâm hồn trinh bạch của trẻ thơ. Qua từng dòng chữ của mình, mỗi người cầm bút hãy thắp lên từng chiếc que diêm của lương tâm để đẩy xa dần bóng tối của cái ác trong xã hội. Ánh sáng của các đốm lửa nhỏ nhoi mong manh này có thể không đâm thủng bóng tối nhưng ít ra nó cho người ta hy vọng về sự tồn tại của ánh sáng đạo đức và lương tâm trong bóng tối mịt mùng vây bủa quanh mình.

Vì chúng ta chỉ có một lương tâm duy nhất nên chúng ta không thể nào làm hoen ố nó được.

1.3.11

NICHOLAS D. KRISTOF-KHÔNG THÍCH HỢP VỚI DÂN CHỦ ?

Trần Quốc Việt dịch

Cairo

Phải chăng thế giới Ả Rập chưa sẵn sàng hưởng tự do? Hiện vẫn còn rơi rớt định kiến lạc hậu cho rằng có những người như người Ả Rập, người Trung Quốc và người Châu Phi không thích hợp với dân chủ. Nhiều người trên thế giới cứ lo sợ biết đâu "quyền lực nhân dân" sẽ đưa đẩy đến hỗn loạn như ở Somali, nội chiến như ở Iraq hay trấn áp như ở Iran.

Người Phương Tây và, đáng buồn hơn, chính một số những nhà lãnh đạo người Ả Rập, người Trung Quốc và người Châu Phi từ lâu đã nuôi dưỡng định kiến ấy. Vì thế cùng với phần lớn Trung Đông ngày nay đang hò reo vang trời, chúng ta hãy bàn thẳng đến câu hỏi không đúng lập trường: Phải chăng những người Ả Rập còn quá non kém về chính trị nên không thể nào thực thi dân chủ?

Ngày nay mối ưu tư này là ý nghĩa tiềm ẩn trong nhiều lo sợ, từ Washington đến Riyadh. Hoàn toàn chắc chắn rằng có nhiều nguy cơ: các vụ lật đổ từ vua ở Iran, đến Saddam Hussein ở Iraq, Tito ở Nam Tư, tất cả đều đưa đến sự áp bức mới và đổ máu mới. Năm 1977 người Congo hân hoan khi truất phế được nhà độc tài lâu năm ở nuớc họ, nhưng nội chiến tiếp sau đó là cuộc xung đột đẫm máu nhất kể từ Thế chiến thứ hai. Nếu Libya trở thành một Congo khác, nếu Bahrain trở thành nước chư hầu của Iran, nếu Ai Cập bị tổ chức Huynh đệ Hồi giáo kiểm soát - thôi thì trong những hoàn cảnh ấy người dân bình thường biết đâu cuối cùng lại mơ tưởng về những kẻ đàn áp cũ.

Sau khi triều đại nhà Thanh bị lật đổ, Lỗ Tấn, văn hào Trung Quốc, tuyên bố: "Trước cách mạng, chúng ta là nô lệ, còn hiện nay chúng ta là nô lệ của những nô lệ cũ." Phải chăng đấy cũng là tương lai của Trung Đông?

Tôi không nghĩ như thế. Hơn nữa, theo tôi, nếp nghĩ này có vẻ như xúc phạm đến thế giới không có tự do. Trong mấy tuần qua tại Ai Cập và Bahrain, tôi thấy mình bé nhỏ hẳn đi trước những người cả nam lẫn nữ can đảm phi thường mà tôi chứng kiến đã đương đầu với hơi cay hay đạn để giành lại tự do mà chúng ta coi bình thường. Lẽ nào chúng ta có thể nói những người này chưa sẵn sàng cho nền dân chủ mà vì nó họ sẵn sàng chết?

Chúng ta những người Mỹ nói tràng giang những lời nhạt nhẽo tầm thường về tự do. Như cái giá phải trả cho cuộc đấu tranh của mình, các nhà vận động dân chủ ở Trung Đông đã chịu đựng bao tra tấn không thể nào tưởng tượng nỗi dưới tay của những kẻ độc tài vốn là đồng minh của chúng ta, tuy nhiên họ vẫn kiên trì. Ở Bahrain, các cựu tù chính trị kể vợ của họ đã bị đưa vào nhà tù ngay trước mắt họ. Và rồi họ được thông báo nếu họ không thú tội vợ họ sẽ bị hãm hiếp tức thì. Cách tra tấn ấy, hay những cách tra tấn thông thường hơn, thường lấy được những lời nhận tội tạm thời, tuy nhiên những nhà hoạt động dân chủ này vẫn kiên trì bền bỉ trong cuộc đấu tranh dân chủ trong suốt nhiều năm trời. Lẽ nào chúng ta lại hỏi họ có đủ chín chắn chưa để thực thi dân chủ?

Sợi chỉ chung xuyên suốt phong trào dân chủ trong năm nay từ Tunisia đến Iran, từ Yemen đến Libya, là khí phách can trường. Tôi chắc chắn không bao giờ quên được người bị mất hai chân tôi gặp tại Quảng trường Tahrir ở Cairo khi đám du côn của Hosni Mubarak đang tấn công bằng đá, dùi cui và bom xăng. Người trẻ này đã lăn chiếc xe lăn lên tận tuyến đầu. Lẽ nào chúng ta hoài nghi vốn hiểu biết của anh về dân chủ?

Ở Bahrain, tôi theo dõi đoàn người cả nam lẫn nữ tay không tiến thẳng bước về hướng lực lượng an ninh khi mà, vào ngày hôm trước, những toán quân này đã khai hỏa bằng đạn thật. Liệu có ai dám nói rằng những con người như thế còn quá non nớt nên không thể thực thi dân chủ?

Đúng, con đường trước mặt sẽ còn lắm gập ghềnh. Sau cuộc Chiến tranh giành độc lập ngưòi Mỹ phải mất sáu năm mới bầu ra vị tổng thống đầu tiên, và chúng ta tưởng chừng như lại sụp đổ tan tành vào thập niên 1860. Khi Đông Âu đạt được dân chủ sau những cuộc cách mạng năm 1989, Ba Lan và Cộng hoà Czech thích ứng tốt, nhưng Romania và Albania phải trải qua hỗn loạn suốt trong nhiều năm. Sau cuộc cách mạng quyền lực nhân dân năm 1989 ở Indonesia, tôi tình cờ gặp những đám đông cuồng nộ ở miền đông Java chặt đầu người rồi cắm đầu họ lên các ngọn giáo mang đi.

Lịch sử ghi nhận rằng sau vài lầm lẫn, các quốc gia thường thành công. Giáo dục, thịnh vượng, các mối quan hệ quốc tế và các thể chế xã hội dân sự đều đóng góp phần mình vào sự thành công. Hơn nữa, nhìn chung, Ai Cập, Libya và Bahrain ngày nay đều sẵn sàng cho dân chủ tốt hơn Mông Cổ hay Indonesia thể hiện vào thập niên 1990, và ngày nay Mông Cổ và Indonesia đều thành công. Cách đây vài ngày Thủ tướng Anh David Cameron viếng thăm Trung Đông (có các nhà buôn vũ khí đi cùng), và ông thừa nhận thẳng thắn rằng nước Anh trong một thời gian rất dài đã ủng hộ các chế độ độc tài để đạt đến sự ổn định. Ông thừa nhận nuớc ông đã cả tin vào quan niệm mù quáng là "những nguời Ả Rập hay người Hồi giáo không thể nào có dân chủ." Rồi ông nói tiếp:" Riêng tôi, quan niệm ấy là thành kiến gần như sự kỳ thị chủng tộc. Nó vừa xúc phạm vừa sai, và hoàn toàn không đúng."

Quan niệm này vẫn còn là quan điểm thường được rêu rao bởi các chế độ độc tài Ả Rập, nhất là Ả Rập Saudi, và tất nhiên, bởi các nhà lãnh đạo Trung Quốc và hầu hết các bạo chúa Châu Phi. Thật không may khi những người Phương tây cũng mù quáng tin như thế, nhưng thật càng đáng buồn hơn khi các nhà lãnh đạo trong thế giới đang phát triễn cũng bày tỏ những thành kiến như thế về chính nhân dân họ.

Trong thế kỷ hai mươi mốt, không có con đường thực tế nào khác ngoài con đường đứng về phía quyền lực nhân dân. Giáo sư William Easterly ở trường Đại học tổng hợp New York đề ra tiêu chuẩn hổ tương như sau: "Tôi không ủng hộ chế độ độc tài trong xã hội của anh nếu tôi không muốn chế độ ấy trong xã hội của tôi."

Tiêu chuẩn ấy nên là điểm xuất phát mới của chúng ta. Tôi hết sức ngưỡng mộ trước lòng can đảm tôi thấy, và thật là hạ cố và ngu ngốc khi ám chỉ rằng những người rất ao ước dân chủ lại chưa sẵn sàng chuẩn bị cho niềm vui ấy.


Nguồn: New York Times số ra ngày 27/2/2011

http://www.nytimes.com/2011/02/27/opinion/27kristof.html