29.9.10

GUY SORMAN- NUREMBERG CỦA CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN

Trần Quốc Việt dịch

Bốn nhà lãnh đạo còn sống của chế độ Khmer Đỏ, trong đó có cựu chủ tịch nước Khieu Samphan, hiện đang bị giam ở Phnom Penh kể từ năm 2007 và sẽ bị đưa ra trước công lý tại nước họ. Vào ngày 16 tháng Chín, toà án Cambodia được Liên Hiệp Quốc bảo trợ đã truy tố họ về tội diệt chủng, tội ác chống lại nhân loại, và các tội danh khác. Toà án này đã xác lập sự khả tín của mình qua vụ xử đầu tiên: mới ngày 26 tháng Bảy vừa qua, toà đã kết án Kaing Guek Eav (tên thường gọi là Duch), một con vít nhỏ trong guồng máy diệt chủng của Khmer Đỏ. Duch chỉ huy một trung tâm tra tấn từ năm 1975 đến 1979 nơi con số nạn nhân lên đến 15.000 người. Khác với toà án Nuremberg năm 1945 xét xử các nhà lãnh đạo Quốc xã, toà án Phnom Penh không phải do các cường quốc thắng trận lập ra; toà hoạt động trong khuôn khổ hệ thống tư pháp Cambodia, được duy trì nhờ công luận Cambodia, tuy được Liên hiệp Quốc tài trợ. Tính chính danh và mục tiêu của toà án không có gì đáng chê trách. Tuy nhiên, xét theo mức độ tội ác của ông, dân chúng Cambodia nhận thấy bản án của Dutch chưa thoả đáng. Bị cáo rõ ràng đã thuyết phục được toà án rằng ông chỉ vâng lệnh cấp trên của mình- vẫn cùng cái cớ các nhà lãnh đạo Quốc xã đã trình bày trước toà án Nuremberg.

Trên báo chí Tây phương và Châu Á, cũng như qua các lời tuyên bố của nhiều chính phủ, rõ ràng người ta đang cố gắng giảm nhẹ tội ác của Duch và Khieu Samphan xuống thành những vấn đề thuộc về hoàn cảnh địa phương. Làm như thể có một tai ương không may mang tên “Khmer Đỏ” đã vô tình giáng xuống Cambodia trong năm 1975, qua đó cướp đi sinh mạng của 1.5 triệu người Khmer. Nhưng ai hay điều gì ở đằng sau điều mà toà án gọi là nạn diệt chủng người Khmer do những người Khmer khác gây nên? Biết đâu điều này là lỗi tại Hoa Kỳ? Hay phải chăng vì người Mỹ, do dựng nên một chính quyền theo ý muốn của họ, nên đã tạo ra một phong trào cực đoan (reaction) dân tộc? Hay biết đâu cơn diệt chủng này là một di sản văn hoá, là đặc trưng của nền văn minh Khmer? Các nhà khảo cổ đang xới tung cả quá khứ lên để cố tìm ra một cách vô vọng một tiền lệ lịch sử. Ta có thể tìm thấy lời giải thích đúng, tức ý nghĩa của tội ác, trong những tuyên bố của chính Khmer Đỏ: giống như Hitler từng mô tả trước tội ác của mình, Pol Pot (mất năm 1998) đã giải thích từ rất sớm rằng ông sẽ huỷ diệt nhân dân của ông, để tạo ra một nhân dân mới. Pol Pot xem mình là người cộng sản; ông trở thành người cộng sản vào thập niên 1960 khi đang theo học tại Paris, cái nôi của chủ nghĩa Marx thời đó. Vì Pol Pot và những nhà lãnh đạo của chế độ mà ông đã áp đặt lên nhân dân ông tự xem mình là những người cộng sản – chứ không bao giờ tuyên bố là những người kế thừa của triều đại Cambodia nào đấy – nên chúng ta phải công nhận rằng chính họ thật sự là những người cộng sản.

Chủ nghĩa cộng sản Khmer Đỏ mang đến cho Cambodia quả là chủ nghĩa cộng sản đích thực. Xét về mặt khái niệm hay cụ thể, không có sự khác biệt cơ bản nào giữa ách cai trị của Khmer Đỏ với ách cai trị của chủ nghĩa Stalin, chủ nghĩa Mao, chủ nghĩa Castro, hay chế độ Bắc Hàn. Tất cả các chế độ cộng sản đều theo một quỹ đạo giống nhau một cách kỳ lạ, hiếm khi chịu ảnh hưởng của truyền thống địa phương. Trong mỗi trường hợp, những chế độ này tìm cách làm lại từ đầu quá khứ và tạo ra con người mới. Trong mỗi trường hợp, người “giàu”, trí thức, và những ai hoài nghi cuối cùng rồi bị tận diệt. Khmer Đỏ lùa dân chúng ở thành phố và miền quê vào các công xã nông nghiệp dựa theo các tiền lệ của cả Nga (nông trường tập thể) và Trung Quốc (công xã nhân dân), và họ hành động vì cùng các lý do ý thức hệ giống nhau, rồi cuối cùng dẫn đến kết cục như nhau: đói kém. Không có những điều như chủ nghĩa cộng sản đích thực nếu không có thảm sát, tra tấn, trại tập trung, quần đảo ngục tù, hay trại lao động cải tạo. Cho nên nếu không bao giờ có chủ nghĩa cộng sản đích thực, thì chúng ta phải kết luận rằng không thể có bất kỳ kết quả nào khác được: ý thức hệ cộng sản tất yếu dẫn đến bạo lực tập thể, vì tập thể không muốn chủ nghĩa cộng sản đích thực. Lời khẳng định này đúng trên đồng ruộng Cambodia cũng như trên đồng bằng Ukrain hay dưới tán cây cọ Cuba.

Như thế, phiên toà xử Duch và rồi cuối cùng phiên toà xử Lũ Bốn Tên là những phiên toà đầu tiên, trên cơ sở nhân quyền, xử những viên chức Mác-xít của chế độ chính thức dù theo chủ nghĩa Marx, Lenin, hay Mao. Phiên toà xử chủ nghĩa Quốc xã diễn ra tại Nuremberg khởi đầu vào cuối năm 1945, và tiếp đến phiên toà xử chủ nghĩa Phát xít tại Tokyo năm sau. Nhưng mãi cho đến bây giờ, chúng ta chưa có phiên toà nào xử chủ nghĩa cộng sản, mặc dù chủ nghĩa cộng sản đích thực đã giết chết hay gây tàn phế cho số nạn nhân còn nhiều hơn tổng số nạn nhân của chủ nghĩa Quốc xã và chủ nghĩa Phát xít cộng lại. Phiên toà xử chủ nghĩa cộng sản chưa bao giờ diễn ra, ngoại trừ trên lĩnh vực trí thức, vì hai lý do. Thứ nhất, chủ nghĩa cộng sản ít nhiều hưởng được sự miễn tội ý thức hệ vì nó tuyên bố đứng về phía tiến bộ. Thứ hai, chủ nghĩa cộng sản vẫn còn nắm quyền ở Bắc Kinh, Bình Nhưỡng, Hà Nội, và Havana. Còn tại những nơi họ đã mất hết quyền lực, như ở Liên Xô cũ, những người cộng sản đã tìm được cách thoát tội nhờ hoá thân thành những nhà dân chủ xã hội, những doanh nhân, hay những nhà lãnh đạo dân tộc.

Phiên toà xử chủ nghĩa cộng sản duy nhất hiện nay có thể thực hiện được và mang lại kết quả vì thế phải diễn ra tại Cambodia. Nhưng chúng ta không được nhầm lẫn: đây không đơn thuần là phiên toà giữa người Cambodia với nhau. Trong phiên toà ở Phnom Penh, chủ nghĩa cộng sản đích thực đối mặt với những nạn nhân của nó. Phiên toà không những phơi bày chủ nghĩa Marx thủ đoạn như thế nào để thâu tóm, cướp đoạt, và thực thi quyền lực theo cách tuyệt đối, mà còn phơi bày một đặc trưng kỳ lạ của chủ nghĩa Marx đích thực. Giờ dường như chẳng có ai, ngay cả những cựu lãnh đạo cộng sản, muốn giành tiếp nhận vương trượng truyền lại của chủ nghĩa Marx. Khmer Đỏ giết người nhân danh Marx, nhân danh Lenin, và nhân danh Mao, nhưng họ thích chết như là những kẻ phản bội cho chính sự nghiệp họ từng đeo đuổi hay thích trốn chạy. Sự hèn nhát này chiếu một luồng ánh sáng mới vào chủ nghĩa Marx: chủ nghĩa Marx là thực, nhưng nó không thật, vì không có ai tin nó.


Guy Sormanlà trí thức hàng đầu Pháp, hiện là biên tập viên tạp chí City Journal, tác giả của hơn 20 cuốn sách bàn về các vấn để quốc tế và đương thời. Ông từng là cố vấn cho thủ tướng Pháp (1995-1997). Tác phẩm đáng chú nhất gần đây của ông là Đế quốc nói láo: Sự thật về Trung Quốc trong thế kỷ hai muơi mốt.
Nguồn: Tạp chí City Journal số 26 tháng Chín năm 2010. Bản dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Anh của Alexis Cornel. (“Communism’s Nuremberg”).

Bản tiếng Việt © 2010 Trần Quốc Việt

Bản tiếng Việt © 2010 talawas

20.9.10

GEORGE F. WILL- BÓNG ĐÈN CUỐI CÙNG SÁNG TRÊN ĐẦU CASTRO

Trần Quốc Việt dịch

Washington – Fidel Castro, 84 tuổi, mắt mũi có thể bị kèm nhem, nhưng ông đã nhận thấy một điều: “Mô hình Cuba đối với chúng tôi thật ra không còn thành công nữa.” Thế là bí mật thành bật mí. Nghe tin, những khách quen cũ ngày xưa vào thời vàng son của Les Deux Magots, giờ nếu vẫn còn sống, chắc cũng chẳng lấy làm vui.

Quán cà phê đó ở Paris, giờ thành địa điểm thu hút du khách, ngày xưa là nơi trước và sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II Jean-Paul Sartre và những người cùng tư tưởng đã bàn về sự vô nghĩa của cuộc đời và hiểm họa Mỹ. Về mối hiểm hoạ này, tờ báo chính, tờ Le Monde, viết trong bài xã luận vào ngày 29 tháng Ba năm 1950: “Coca-Cola là Danzig của Văn hoá Châu Âu”. (Xin nhắc lại lịch sử xưa: Danzig là thành phố của Ba Lan, nhưng Đức nghĩ là của Đức, nơi châm ngòi cho cuộc thế chiến.)

Đối với những người có tư tưởng cấp tiến, Castro là người loan tin mừng về “dân chủ trực tiếp” cùng với bao nhiêu điều khác. Ông lên nắm quyền vào ngày 1 tháng Giêng năm 1959, và năm sau Sartre đến tận nơi để giải thích Ý nghĩa của Sự kiện theo cách của các trí thức Paris.

Giống như bao kẻ đắm mình trong bầu không khí trí thức thời ấy – những sinh viên mặc áo len che kín cổ, những người hâm mộ phim nước ngoài (nhưng làm ơn đừng có “phim Mỹ”) – Sartre là người theo chủ nghĩa hiện sinh. Có nhà phê bình đã gọi chủ nghĩa hiện sinh là niềm tin rằng vì cuộc đời là vô nghĩa, triết học cũng nên vô nghĩa theo. Nhưng bước chân hành hương của Sartre đã đưa ông cùng với Castro vào miền quê của Cuba. Ở đấy họ dừng lại ở một cửa hàng bên đường để uống nước chanh rồi bất chợt ngộ ra chân lý.

Nước chanh ấm, nên Castro nổi nóng liền bảo chị bán hàng rằng cái thứ nước chanh chẳng ra gì này “bộc lộ sự thiếu ý thức cách mạng.” Chị đáp do tủ lạnh bị hư. Castro “gằn giọng” (theo lời kể đắc ý của Sartre) nói chị ta nên “bảo với người phụ trách cửa hàng của đồng chí rằng nếu họ không giải quyết cho xong chuyện này, họ chắc chắn sẽ có chuyện với tôi.” Ngay lập tức Sartre hiểu ra “điều tôi gọi là ‘dân chủ trực tiếp’”: “Tuy không nói ra, giữa chị bán hàng và Castro đã có một sự đồng cảm tức thì. Qua giọng nói, qua những nụ cười, và qua cái nhún vai của chị ta thấy chị không có ảo tưởng.”

Nửa thế kỷ sau, Castro dường như đã đuổi kịp chị. Người đã tuyên bố trong phiên toà vào năm 1953 rằng “Lịch sử sẽ xoá án cho tôi” cuối cùng có thể mất đi ảo tưởng có tính chất huỷ diệt nhất của nền chính trị hiện đại, ý tưởng cho rằng Lịch sử là một danh từ riêng.

Ý tưởng cho rằng Lịch sử là một hoàn cảnh (thing) độc lập có một logic mở rộng, mà nếu được những người tiên phong của một thiểu số sáng suốt thấu hiểu được cơ chế của nó tác động đến, tất sẽ cuối cùng đưa đến thiên đường như hoạch định. Cho nên, theo Czelaw Milosz viết trong tác phẩm Tâm hồn Tù hãm (The Captive Mind) vào năm 1953, những người cộng sản tin rằng nhiệm vụ của trí thức không phải là suy nghĩ mà chỉ để hiểu.

Qua những lời ông phát biểu gần đây về “mô hình Cuba” (ông nói điều này với Jeffrey Goldberg của tờ Atlantic), Castro dường như đã trở thành người cuối cùng bên ngoài chế độ Bắc Hàn hiểu được nhà nước độc tài bóp nghẹt xã hội như thế nào. Từ đấy kế hoạch của chính quyền Cuba là sa thải 500.000 nhân viên nhà nước.

Điều này theo sau một vài biện pháp khác, chẳng hạn phi quốc hữu hoá các tiệm thẩm mỹ và tiệm cắt tóc nếu những tiệm này không có hơn ba ghế. Còn có bốn ghế trở lên, chúng vẫn là các xí nghiệp quốc doanh. Những “cải cách” như thế dưới chủ nghĩa xã hội tại một nước vào năm 1959, dựa trên nhiều dấu chỉ khác nhau về xã hội và kinh tế, là một trong năm nước tiên tiến nhất của Châu Mỹ La tinh, nhưng giờ đây lương trung bình chỉ độ khoảng 20 Mỹ kim. Nhiều bệnh nhân nhập viện phải mang theo khăn trải giường riêng. Hàng ngàn bác sĩ đang làm việc ở Venezuela để nuôi Cuba như Liên Xô ngày xưa từng cưu mang.

Sau cuộc đổ bộ Vịnh Con Heo vào tháng Tư năm 1961- có lẽ đây là việc sử dụng vô ích nhất sức mạnh Mỹ từ xưa đến nay- Robert bào đệ của tổng thống Kennedy gọi Cuba là “ưu tiên hàng đầu của chính phủ Hoa Kỳ -tất cả những điều khác đều là phụ – do đó không ngại tốn kém thời gian, tiền bạc, hay nhân lực.” Kể từ đấy, bao ngôn từ đanh thép đều được cả hai đảng dùng đến để giành lá phiếu của cộng đồng lưu vong 1.6 triệu người Cuba tại Mỹ, đặc biệt ở Florida, tiểu bang lớn nhất quyết định kết quả cuộc bầu cử tổng thống. Ví dụ, vào năm 1992, ứng cử viên tổng thống Bill Clinton hứa hẹn sẽ “giáng búa xuống” đầu Castro, người vẫn sống sót dù không được lòng của 11 đời tổng thống Mỹ.

Ngày nay, chính sách cô lập Cuba của Mỹ qua cấm vận kinh tế và hạn chế du lịch phục vụ hai mục tiêu của Castro: nó tạo ra sự ngoại phạm cho điều kiện xã hội của Cuba, và nó tránh cho Cuba khỏi tác động của một số lực lượng văn hoá và chính trị làm sụp đổ chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu. Vị tổng thống thứ 11, Barack Obama, sinh ra hơn hai năm sau khi Castro tiếm quyền, có lẽ nên nghĩ lại chính sách cấm vận này, dù sao ngay cả đến Castro cũng xét lại những nền tảng căn bản nhất.

George F. Will là nhà bình luận Mỹ nổi tiếng. Tựa đề từ một tờ báo khác.

Nguồn: “Cuba’s Castro learns what most of us already knew” Washington Post, 17/9/2010

Bản tiếng Việt © 2010 Trần Quốc Việt

Bản tiếng Việt © 2010 talawas

16.9.10

BERNARD KOUCHNER -ĐƯƠNG ĐẦU VỚI NHỮNG KẺ THÙ CỦA INTERNET

Trần Quốc Việt dịch

Paris - Vào năm 2015, ba tỷ rưỡi người, tức gần nửa nhân loại, sẽ sử dụng internet. Chưa từng bao giờ có cuộc cách mạng về tự do thông tin và tự do ngôn luận như thế. Nhưng phương tiện truyền thông mới này sẽ được dùng như thế nào? Liệu những kẻ thù của internet sẽ còn nghĩ ra những trò nguỵ tạo và ngăn chặn mới nào?

Kỹ thuật hiện đại đưa đến những điều tốt đẹp nhất và những điều xấu xa nhất. Các trang mạng và blog mang tính quá khích, kỳ thị và bôi nhọ phát tán trong tích tắc các ý kiến đáng ghê tởm. Chúng đã biến internet thành vũ khí gây chiến và thù hận. Các trang mạng bị tấn công và những người sử dụng internet được tuyển mộ cho những mưu toan phá hoại trên khắp các chatroom. Những phong trào bạo lực đang xâm nhập vào các mạng lưới xã hội để gieo rắc tuyên truyền và thông tin giả.

Các nước dân chủ rất khó kiểm soát được những điều này. Tôi không đồng ý với niềm tin ngây thơ rằng một kỹ thuật mới, cho dù nó có thể hữu hiệu và mạnh đến mức nào, tự nhiên nhất định đẩy mạnh tự do trên khắp các mọi mặt.

Tuy nhiên, dẫu sao những ngụy tạo đó là sự ngoại lệ thay vì bình thường. Internet trước tiên là phương tiện kỳ diệu nhất để phá vỡ những bức tường và biên giới ngăn cách chúng ta với nhau. Đối với các dân tộc bị áp bức, những người đã bị tước đi quyền tự do thể hiện mình và quyền chọn tương lai cho mình, internet ban cho họ quyền lực vô song mà họ không bao giờ mơ tưởng nổi. Chỉ trong dăm phút, tin tức và hình ảnh được lưu lại trên điện thoại có thể phát tán trên toàn thế giới qua không gian mạng. Càng ngày càng khó mà che giấu một cuộc biểu tình công khai, một hành động trấn áp hay một sự vi phạm về nhân quyền.

Tại các nước chuyên chế và hà khắc, điện thoại di động và internet đã tạo ra công luận và xã hội dân sự. Bất chấp tất cả những cấm đoán, chúng cũng cho các công dân phương tiện thể hiện mình cực kỳ quan trọng.

Tuy nhiên, cám dỗ đàn áp tự do ngôn luận luôn luôn hiện diện. Số lượng các quốc gia kiểm duyệt internet, theo dõi người dùng mạng và trừng phạt họ về tội bày tỏ ý kiến đang ngày càng gia tăng đáng ngại. Chính quyền của các quốc gia này có thể dùng internet để chống lại các công dân. Internet có thể là một công cụ thu thập tình báo đáng sợ để tìm ra những người bất đồng chính kiến. Có nhiều chế độ đã hầu như nắm được kỹ thuật do thám ngày càng tinh vi.

Giá mà tất cả những ai gắn bó với nhân quyền và dân chủ đều từ chối thoả hiệp các nguyên tắc của mình và dùng internet để bảo vệ tự do ngôn luận, thì đàn áp kiểu này sẽ khó khăn hơn nhiều. Tôi không nói về tự do tuyệt đối sinh ra đủ mọi lạm dụng. Không ai cổ vũ tự do như thế. Ngược lại, tôi đang bàn về tự do chân chính, tức tự do được dựa trên nguyên tắc tôn trọng nhân phẩm và nhân quyền.

Trong vài năm vừa qua, những thể chế đa phương, chẳng hạn Hội đồng Châu Âu, và các tổ chức phi chính phủ (NGO), chẳng hạn tổ chức Phóng viên Không Biên giới, cùng với hàng ngàn cá nhân trên khắp thế giới, đã có những cam kết mạnh mẽ về những vấn đề này. Điều này chứng minh, nếu chứng minh được cần đến, rằng vấn đề này không đặt phương Tây đối đầu với cả thế giới còn lại. Có đến 180 nước dự Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Xã hội Thông tin đã thừa nhận rằng Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát vẫn áp dụng hoàn toàn cho internet, nhất là Điều 19 khẳng định quyền tự do ngôn luận và quyền tự do bày tỏ ý kiến. Tuy nhiên, có khoảng năm mươi quốc gia không làm theo những điều họ cam kết.

Vào tháng Năm vừa qua nhân dịp Ngày Tự do Báo Chí Thế giới, tôi đã tập hợp các chuyên gia, những người đứng đầu các tổ chức phi chính phủ, nhà báo, doanh nhân và trí thức. Cuộc thảo luận của họ đã khẳng định niềm tin mãnh liệt của tôi rằng con đường chúng ta đang đi là con đường đúng. Tôi nghĩ chúng ta nên tạo ra một văn kiện quốc tế nhằm giám sát việc thực thi những cam kết mà các chính phủ đã hứa và nhằm khiển trách họ khi họ không làm đúng theo những cam kết ấy. Tôi nghĩ chúng ta nên giúp đỡ các nhà bất đồng chính kiến trên mạng, những người này nên nhận được sự ủng hộ tương tự như dành cho những nạn nhân khác của sự đàn áp về chính trị, và công khai bày tỏ sự đoàn kết của chúng ta với họ, qua sự hợp tác chặc chẽ với các tổ chức phi chính phủ hoạt động về những vấn đề này. Tôi nghĩ chúng ta cũng nên thảo luận sự hợp lý của việc thông qua một đạo luật hành vi liên quan đến việc xuất khẩu các kỹ thuật về kiểm duyệt internet và theo dõi người sử dụng mạng.

Những vấn đề này, cùng với những vấn đề khác, chẳng hạn việc bảo vệ thông tin cá nhân trên internet và quyền ân xá số (digital amnesty) cho tất cả mọi người do đồng nghiệp của tôi Nathalie Kosciusko-Morizet đề xuất, nên được bàn đến trong một mô hình (framework) có thể tập hợp chính quyền, xã hội dân sự và các chuyên gia quốc tế.

Có một kế hoạch khác mà tôi cũng rất quan tâm đến. Làm được điều này là cả một nhiệm vụ lâu dài và gay go, nhưng đây lại là một việc làm rất cần thiết. Nó sẽ ban cho internet một địa vị pháp lý phản ánh sự phổ quát của internet. Một địa vị pháp lý thừa nhận internet là một không gian quốc tế, nhờ đó các chế độ chuyên chế càng khó khăn hơn khi dùng lập luận về chủ quyền để chống lại các quyền tự do căn bản.

Đây là một vấn đề rất quan trọng. Tôi nghĩ trận chiến tư tưởng đã khai màn giữa một bên là những ai ủng hộ một internet phổ quát và rộng mở, dựa trên tự do ngôn luận và tự do lập hội, dựa trên cởi mở và tôn trọng quyền riêng tư, và bên kia là những kẻ rắp tâm muốn biến internet thành vô số những không gian khép kín với nhau để phục vụ cho các mục đích của chế độ, của tuyên truyền và tất cả các hình thức của chủ nghĩa cuồng tín.

Voltaire nói tự do ngôn luận là “nền tảng của tất cả các tự do khác”. Không có tự do ngôn luận, sẽ không có “các quốc gia tự do.” Tinh thần Khai sáng vốn phổ quát này nên xuyên suốt phương tiện truyền thông mới. Bảo vệ các quyền tự do căn bản và nhân quyền phải là trọng tâm cho công việc quản lý internet. Đây là việc của tất cả mọi người.

Bernard Kouchner là Ngoại trưởng Pháp và là người sáng lập ra tổ chức Bác sĩ Không Biên giới.

Nguồn: Tạp chí NPQ mùa hè năm 2010

Bản tiếng Việt © 2010 Trần Quốc Việt

Bản tiếng Việt © 2010 talawas

4.9.10

CÕNG NGƯỜI LÊN NÚI HAY KHÔNG ĐƯA NGƯỜI SANG SÔNG

Trần Quốc Việt

Chuyện mẹ kể cho con gái khi biết con sắp sinh con đầu lòng:

Một con chim mẹ và ba chim con đến bờ một con sông, sông quá rộng các chim con không thể tự mình bay qua được bờ bên kia. Đặt con chim con đầu lên cánh, chim mẹ bắt đầu bay đưa con sang sông, và khi ra đến giữa sông chim mẹ hỏi con câu hỏi sau: "Con yêu, mai này mẹ già yếu không thể bay xa được, con có đưa mẹ qua sông?" Mau lẹ và ngoan ngoãn, chim con trả lời, " Thưa mẹ, tất nhiên rồi," nghe thế chim mẹ liền thả con xuống nước bên dưới cho chết. Lập lại câu hỏi cho chim con kế, chim mẹ nhận được vẫn câu trả lời ấy, thế là cũng thả con xuống mặt nước bên dưới. Đến lượt con chim con út, chim mẹ hỏi vẫn câu hỏi ấy lần cuối cùng: "Con yêu, mai này mẹ già yếu không thể bay xa được, con có đưa mẹ qua sông?" Khác với hai anh, con chim út suy nghĩ rồi từ tốn trả lời, " Thưa mẹ, không, con không đưa mẹ qua sông, nhưng con sẽ đưa con của con qua sông." Chim mẹ lúc này rất vui vì biết chắc chắn trước tương lai của mình, tiếp tục bay đưa con qua sông và trìu mến đặt con xuống bờ xa bên kia.(1)


Từ một truyện phim Nhật:

Cuộc sống quá đỗi khó khăn ở một làng miền núi Nhật. Đói kém quanh năm. Trong làng nếu cha mẹ đến 70 tuổi chưa chết, người con đầu phải cõng cha mẹ lên núi Narayama, bỏ họ lại ở đấy để chờ chết. Người mẹ già Orin cả đời vất vả
đã 69 tuổi biết rằng đã đến lúc mình phải lên núi Narayama. Bà đã sống thọ lắm rồi và không muốn mình thành gánh nặng cho con. Thu xếp việc nhà xong, bà đập nát hàm răng còn tốt của mình vào đá để thuyết phục người con đầu Tatsuhei là bà giờ chẳng còn ích lợi gì cho con cháu. Tatsuhei đành cõng mẹ lên núi. Trên đường đi Tatsuhei rất đau lòng nhưng Orin lặng lẽ chấp nhận số phận. Theo tục lệ, sau khi ôm mẹ vào lòng lần cuối cùng, Tatsuhei phải bỏ đi không được ngó lại. Người con làm đúng như vậy nhưng sau khi đi được một đoan, trời bắt đầu đổ tuyết. Người làng tin rằng nếu tuyết rơi vào ngày người già lên núi, người già sẽ sẽ được giải thoát khỏi tất cả đau đớn. Tatsuhei chạy trở lại để la to cho mẹ biết tuyết đang rơi! Khi leo xuống núi, Tatsuhei thấy một người cùng làng đang cõng cha lên núi nhưng người cha không chịu đi và anh thấy người con ném cha xuống triền núi. (2)


Tôi hồi tưởng lại một giờ học văn với thầy Nguyễn Văn Xuân, trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng, vào một ngày sau tháng Tư năm 1975. Câu ca dao xứ Quảng thầy dạy vẫn còn khắc sâu trong lòng bao năm nay:

"Gánh cực mà chạy lên non,
Cong lưng chạy xuống cực còn chạy theo
."


Báo trong nước đăng tin:

"Hơn 36,000 người vào lăng viếng Bác trong ngày quốc khánh."


Việt Nam không có tuyết để các con an lòng đưa cha lên núi.Vì thế dòng người đứng xếp hàng mê mải dưới bóng mát của lăng mà quên cõng cực lên non.


Chú thích

(1)Amy A. Kass, tạp chí First Things số tháng Giêng năm 1995

(2)Từ phim Nhật The Ballad of Narayama(1983), đạo diễn Shohei Imamura


Bản tiếng Việt © 2010 Trần Quốc Việt

Bản tiếng Việt © 2010 talawas