16.9.10

BERNARD KOUCHNER -ĐƯƠNG ĐẦU VỚI NHỮNG KẺ THÙ CỦA INTERNET

Trần Quốc Việt dịch

Paris - Vào năm 2015, ba tỷ rưỡi người, tức gần nửa nhân loại, sẽ sử dụng internet. Chưa từng bao giờ có cuộc cách mạng về tự do thông tin và tự do ngôn luận như thế. Nhưng phương tiện truyền thông mới này sẽ được dùng như thế nào? Liệu những kẻ thù của internet sẽ còn nghĩ ra những trò nguỵ tạo và ngăn chặn mới nào?

Kỹ thuật hiện đại đưa đến những điều tốt đẹp nhất và những điều xấu xa nhất. Các trang mạng và blog mang tính quá khích, kỳ thị và bôi nhọ phát tán trong tích tắc các ý kiến đáng ghê tởm. Chúng đã biến internet thành vũ khí gây chiến và thù hận. Các trang mạng bị tấn công và những người sử dụng internet được tuyển mộ cho những mưu toan phá hoại trên khắp các chatroom. Những phong trào bạo lực đang xâm nhập vào các mạng lưới xã hội để gieo rắc tuyên truyền và thông tin giả.

Các nước dân chủ rất khó kiểm soát được những điều này. Tôi không đồng ý với niềm tin ngây thơ rằng một kỹ thuật mới, cho dù nó có thể hữu hiệu và mạnh đến mức nào, tự nhiên nhất định đẩy mạnh tự do trên khắp các mọi mặt.

Tuy nhiên, dẫu sao những ngụy tạo đó là sự ngoại lệ thay vì bình thường. Internet trước tiên là phương tiện kỳ diệu nhất để phá vỡ những bức tường và biên giới ngăn cách chúng ta với nhau. Đối với các dân tộc bị áp bức, những người đã bị tước đi quyền tự do thể hiện mình và quyền chọn tương lai cho mình, internet ban cho họ quyền lực vô song mà họ không bao giờ mơ tưởng nổi. Chỉ trong dăm phút, tin tức và hình ảnh được lưu lại trên điện thoại có thể phát tán trên toàn thế giới qua không gian mạng. Càng ngày càng khó mà che giấu một cuộc biểu tình công khai, một hành động trấn áp hay một sự vi phạm về nhân quyền.

Tại các nước chuyên chế và hà khắc, điện thoại di động và internet đã tạo ra công luận và xã hội dân sự. Bất chấp tất cả những cấm đoán, chúng cũng cho các công dân phương tiện thể hiện mình cực kỳ quan trọng.

Tuy nhiên, cám dỗ đàn áp tự do ngôn luận luôn luôn hiện diện. Số lượng các quốc gia kiểm duyệt internet, theo dõi người dùng mạng và trừng phạt họ về tội bày tỏ ý kiến đang ngày càng gia tăng đáng ngại. Chính quyền của các quốc gia này có thể dùng internet để chống lại các công dân. Internet có thể là một công cụ thu thập tình báo đáng sợ để tìm ra những người bất đồng chính kiến. Có nhiều chế độ đã hầu như nắm được kỹ thuật do thám ngày càng tinh vi.

Giá mà tất cả những ai gắn bó với nhân quyền và dân chủ đều từ chối thoả hiệp các nguyên tắc của mình và dùng internet để bảo vệ tự do ngôn luận, thì đàn áp kiểu này sẽ khó khăn hơn nhiều. Tôi không nói về tự do tuyệt đối sinh ra đủ mọi lạm dụng. Không ai cổ vũ tự do như thế. Ngược lại, tôi đang bàn về tự do chân chính, tức tự do được dựa trên nguyên tắc tôn trọng nhân phẩm và nhân quyền.

Trong vài năm vừa qua, những thể chế đa phương, chẳng hạn Hội đồng Châu Âu, và các tổ chức phi chính phủ (NGO), chẳng hạn tổ chức Phóng viên Không Biên giới, cùng với hàng ngàn cá nhân trên khắp thế giới, đã có những cam kết mạnh mẽ về những vấn đề này. Điều này chứng minh, nếu chứng minh được cần đến, rằng vấn đề này không đặt phương Tây đối đầu với cả thế giới còn lại. Có đến 180 nước dự Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Xã hội Thông tin đã thừa nhận rằng Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát vẫn áp dụng hoàn toàn cho internet, nhất là Điều 19 khẳng định quyền tự do ngôn luận và quyền tự do bày tỏ ý kiến. Tuy nhiên, có khoảng năm mươi quốc gia không làm theo những điều họ cam kết.

Vào tháng Năm vừa qua nhân dịp Ngày Tự do Báo Chí Thế giới, tôi đã tập hợp các chuyên gia, những người đứng đầu các tổ chức phi chính phủ, nhà báo, doanh nhân và trí thức. Cuộc thảo luận của họ đã khẳng định niềm tin mãnh liệt của tôi rằng con đường chúng ta đang đi là con đường đúng. Tôi nghĩ chúng ta nên tạo ra một văn kiện quốc tế nhằm giám sát việc thực thi những cam kết mà các chính phủ đã hứa và nhằm khiển trách họ khi họ không làm đúng theo những cam kết ấy. Tôi nghĩ chúng ta nên giúp đỡ các nhà bất đồng chính kiến trên mạng, những người này nên nhận được sự ủng hộ tương tự như dành cho những nạn nhân khác của sự đàn áp về chính trị, và công khai bày tỏ sự đoàn kết của chúng ta với họ, qua sự hợp tác chặc chẽ với các tổ chức phi chính phủ hoạt động về những vấn đề này. Tôi nghĩ chúng ta cũng nên thảo luận sự hợp lý của việc thông qua một đạo luật hành vi liên quan đến việc xuất khẩu các kỹ thuật về kiểm duyệt internet và theo dõi người sử dụng mạng.

Những vấn đề này, cùng với những vấn đề khác, chẳng hạn việc bảo vệ thông tin cá nhân trên internet và quyền ân xá số (digital amnesty) cho tất cả mọi người do đồng nghiệp của tôi Nathalie Kosciusko-Morizet đề xuất, nên được bàn đến trong một mô hình (framework) có thể tập hợp chính quyền, xã hội dân sự và các chuyên gia quốc tế.

Có một kế hoạch khác mà tôi cũng rất quan tâm đến. Làm được điều này là cả một nhiệm vụ lâu dài và gay go, nhưng đây lại là một việc làm rất cần thiết. Nó sẽ ban cho internet một địa vị pháp lý phản ánh sự phổ quát của internet. Một địa vị pháp lý thừa nhận internet là một không gian quốc tế, nhờ đó các chế độ chuyên chế càng khó khăn hơn khi dùng lập luận về chủ quyền để chống lại các quyền tự do căn bản.

Đây là một vấn đề rất quan trọng. Tôi nghĩ trận chiến tư tưởng đã khai màn giữa một bên là những ai ủng hộ một internet phổ quát và rộng mở, dựa trên tự do ngôn luận và tự do lập hội, dựa trên cởi mở và tôn trọng quyền riêng tư, và bên kia là những kẻ rắp tâm muốn biến internet thành vô số những không gian khép kín với nhau để phục vụ cho các mục đích của chế độ, của tuyên truyền và tất cả các hình thức của chủ nghĩa cuồng tín.

Voltaire nói tự do ngôn luận là “nền tảng của tất cả các tự do khác”. Không có tự do ngôn luận, sẽ không có “các quốc gia tự do.” Tinh thần Khai sáng vốn phổ quát này nên xuyên suốt phương tiện truyền thông mới. Bảo vệ các quyền tự do căn bản và nhân quyền phải là trọng tâm cho công việc quản lý internet. Đây là việc của tất cả mọi người.

Bernard Kouchner là Ngoại trưởng Pháp và là người sáng lập ra tổ chức Bác sĩ Không Biên giới.

Nguồn: Tạp chí NPQ mùa hè năm 2010

Bản tiếng Việt © 2010 Trần Quốc Việt

Bản tiếng Việt © 2010 talawas