Trần Quốc Việt dịch
Washington – Fidel Castro, 84 tuổi, mắt mũi có thể bị kèm nhem, nhưng ông đã nhận thấy một điều: “Mô hình Cuba đối với chúng tôi thật ra không còn thành công nữa.” Thế là bí mật thành bật mí. Nghe tin, những khách quen cũ ngày xưa vào thời vàng son của Les Deux Magots, giờ nếu vẫn còn sống, chắc cũng chẳng lấy làm vui.
Quán cà phê đó ở Paris, giờ thành địa điểm thu hút du khách, ngày xưa là nơi trước và sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II Jean-Paul Sartre và những người cùng tư tưởng đã bàn về sự vô nghĩa của cuộc đời và hiểm họa Mỹ. Về mối hiểm hoạ này, tờ báo chính, tờ Le Monde, viết trong bài xã luận vào ngày 29 tháng Ba năm 1950: “Coca-Cola là Danzig của Văn hoá Châu Âu”. (Xin nhắc lại lịch sử xưa: Danzig là thành phố của Ba Lan, nhưng Đức nghĩ là của Đức, nơi châm ngòi cho cuộc thế chiến.)
Đối với những người có tư tưởng cấp tiến, Castro là người loan tin mừng về “dân chủ trực tiếp” cùng với bao nhiêu điều khác. Ông lên nắm quyền vào ngày 1 tháng Giêng năm 1959, và năm sau Sartre đến tận nơi để giải thích Ý nghĩa của Sự kiện theo cách của các trí thức Paris.
Giống như bao kẻ đắm mình trong bầu không khí trí thức thời ấy – những sinh viên mặc áo len che kín cổ, những người hâm mộ phim nước ngoài (nhưng làm ơn đừng có “phim Mỹ”) – Sartre là người theo chủ nghĩa hiện sinh. Có nhà phê bình đã gọi chủ nghĩa hiện sinh là niềm tin rằng vì cuộc đời là vô nghĩa, triết học cũng nên vô nghĩa theo. Nhưng bước chân hành hương của Sartre đã đưa ông cùng với Castro vào miền quê của Cuba. Ở đấy họ dừng lại ở một cửa hàng bên đường để uống nước chanh rồi bất chợt ngộ ra chân lý.
Nước chanh ấm, nên Castro nổi nóng liền bảo chị bán hàng rằng cái thứ nước chanh chẳng ra gì này “bộc lộ sự thiếu ý thức cách mạng.” Chị đáp do tủ lạnh bị hư. Castro “gằn giọng” (theo lời kể đắc ý của Sartre) nói chị ta nên “bảo với người phụ trách cửa hàng của đồng chí rằng nếu họ không giải quyết cho xong chuyện này, họ chắc chắn sẽ có chuyện với tôi.” Ngay lập tức Sartre hiểu ra “điều tôi gọi là ‘dân chủ trực tiếp’”: “Tuy không nói ra, giữa chị bán hàng và Castro đã có một sự đồng cảm tức thì. Qua giọng nói, qua những nụ cười, và qua cái nhún vai của chị ta thấy chị không có ảo tưởng.”
Nửa thế kỷ sau, Castro dường như đã đuổi kịp chị. Người đã tuyên bố trong phiên toà vào năm 1953 rằng “Lịch sử sẽ xoá án cho tôi” cuối cùng có thể mất đi ảo tưởng có tính chất huỷ diệt nhất của nền chính trị hiện đại, ý tưởng cho rằng Lịch sử là một danh từ riêng.
Ý tưởng cho rằng Lịch sử là một hoàn cảnh (thing) độc lập có một logic mở rộng, mà nếu được những người tiên phong của một thiểu số sáng suốt thấu hiểu được cơ chế của nó tác động đến, tất sẽ cuối cùng đưa đến thiên đường như hoạch định. Cho nên, theo Czelaw Milosz viết trong tác phẩm Tâm hồn Tù hãm (The Captive Mind) vào năm 1953, những người cộng sản tin rằng nhiệm vụ của trí thức không phải là suy nghĩ mà chỉ để hiểu.
Qua những lời ông phát biểu gần đây về “mô hình Cuba” (ông nói điều này với Jeffrey Goldberg của tờ Atlantic), Castro dường như đã trở thành người cuối cùng bên ngoài chế độ Bắc Hàn hiểu được nhà nước độc tài bóp nghẹt xã hội như thế nào. Từ đấy kế hoạch của chính quyền Cuba là sa thải 500.000 nhân viên nhà nước.
Điều này theo sau một vài biện pháp khác, chẳng hạn phi quốc hữu hoá các tiệm thẩm mỹ và tiệm cắt tóc nếu những tiệm này không có hơn ba ghế. Còn có bốn ghế trở lên, chúng vẫn là các xí nghiệp quốc doanh. Những “cải cách” như thế dưới chủ nghĩa xã hội tại một nước vào năm 1959, dựa trên nhiều dấu chỉ khác nhau về xã hội và kinh tế, là một trong năm nước tiên tiến nhất của Châu Mỹ La tinh, nhưng giờ đây lương trung bình chỉ độ khoảng 20 Mỹ kim. Nhiều bệnh nhân nhập viện phải mang theo khăn trải giường riêng. Hàng ngàn bác sĩ đang làm việc ở Venezuela để nuôi Cuba như Liên Xô ngày xưa từng cưu mang.
Sau cuộc đổ bộ Vịnh Con Heo vào tháng Tư năm 1961- có lẽ đây là việc sử dụng vô ích nhất sức mạnh Mỹ từ xưa đến nay- Robert bào đệ của tổng thống Kennedy gọi Cuba là “ưu tiên hàng đầu của chính phủ Hoa Kỳ -tất cả những điều khác đều là phụ – do đó không ngại tốn kém thời gian, tiền bạc, hay nhân lực.” Kể từ đấy, bao ngôn từ đanh thép đều được cả hai đảng dùng đến để giành lá phiếu của cộng đồng lưu vong 1.6 triệu người Cuba tại Mỹ, đặc biệt ở Florida, tiểu bang lớn nhất quyết định kết quả cuộc bầu cử tổng thống. Ví dụ, vào năm 1992, ứng cử viên tổng thống Bill Clinton hứa hẹn sẽ “giáng búa xuống” đầu Castro, người vẫn sống sót dù không được lòng của 11 đời tổng thống Mỹ.
Ngày nay, chính sách cô lập Cuba của Mỹ qua cấm vận kinh tế và hạn chế du lịch phục vụ hai mục tiêu của Castro: nó tạo ra sự ngoại phạm cho điều kiện xã hội của Cuba, và nó tránh cho Cuba khỏi tác động của một số lực lượng văn hoá và chính trị làm sụp đổ chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu. Vị tổng thống thứ 11, Barack Obama, sinh ra hơn hai năm sau khi Castro tiếm quyền, có lẽ nên nghĩ lại chính sách cấm vận này, dù sao ngay cả đến Castro cũng xét lại những nền tảng căn bản nhất.
George F. Will là nhà bình luận Mỹ nổi tiếng. Tựa đề từ một tờ báo khác.
Nguồn: “Cuba’s Castro learns what most of us already knew” Washington Post, 17/9/2010
Bản tiếng Việt © 2010 Trần Quốc Việt
Bản tiếng Việt © 2010 talawas