30.12.12

Trần Quốc Việt- Những người đi lên

Họ chọn con đường đi lên trên đôi chân bị xiềng xích. Chúng ta chọn con đường đi xuống trên đôi chân chưa bị xiềng xích.

Trong tâm tưởng của mình đường đời chung của chúng ta là lối mòn lịch sử đã an bài. Vì chúng ta không muốn mở ra trang mới tươi đẹp của lịch sử nên chúng ta không thể khai phá ra con đường mới đích thực của tự do và dân chủ. Bản năng sinh tồn nhắc nhở ta phải đi theo chiều của cây gậy chỉ đường của Đảng. Từ đấy trên con đường đời này chúng ta dần dần đánh mất hầu như tất cả từ nhân cách, nhân phẩm, đạo đức, văn hóa và cả tổ quốc. Đích cuối cùng của con đường ấy là huyệt mộ nơi một ngày ta nằm xuống ở cuối cuộc đời mà có lẽ chúng ta chưa từng bao đứng thẳng dù chỉ một ngày trên đôi chân và đôi vai của nhân phẩm và tự do.

Họ cũng đi cùng với chúng ta một đoạn đường dài, nhưng khi đến ngã ba quyết định sự tiến hóa tinh thần của con người, họ không nhìn vào cây gậy chỉ đường mà nhìn vào lương tâm của mình. "Từ điểm này, con đường rẽ sang phải và sang trái. Một con đường đi lên và một con đường đi xuống. Nếu ta đi sang phải- ta mất mạng, còn nếu ta đi sang trái- ta mất lương tâm."(1)

Họ chọn đi lên để gìn giữ lương tâm tự do của mình.

Chúng ta chọn đi xuống để nuôi dưỡng lương tâm nô lệ của mình.

Từ đấy chúng ta hiểu vì sao họ không nhận "tội".

Chúng tôi những người đi xuống và đang chết xin chào các Anh Chị.

(1) Lời của nhà văn Nga Alexander Solzhenitsyn trong Quần Đảo Ngục Tù, tập 2, phần 4, chương 1.

22.12.12

Selma Lagerlöf- Đêm Thánh


Trần Quốc Việt dịch

Khi tôi năm tuổi tôi có nỗi buồn rất lớn! Từ đấy tôi có lẽ chẳng biết tôi còn có nỗi buồn nào khác lớn hơn.

Năm ấy bà tôi mất. Hằng ngày cho đến khi qua đời bà đều thường ngồi ở chiếc ghế sofa đặt ở trong góc phòng của bà, và kể chuyện.

Tôi nhớ từ sáng đến tối bà kể hết chuyện này đến chuyện khác, còn lũ trẻ chúng tôi ngồi nép bên bà im lặng như tờ lắng nghe. Những năm tuổi thơ ấy thật sung sướng biết bao! Những trẻ em khác không có được những ngày tháng thần tiên ấy như chúng tôi.

Giờ đây tôi chẳng nhớ gì nhiều về bà. Tôi chỉ nhớ tóc bà đẹp và trắng như tuyết, và lưng bà còng khi bà bước đi, và bà thường ngồi đan vớ.

Tôi cũng còn nhớ mỗi khi kể xong câu chuyện, bà thường đặt tay lên đầu tôi và nói:"Tất cả chuyện này là hoàn toàn có thật, có thật như bà thấy cháu và cháu thấy bà."

Tôi cũng nhớ bà biết hát những bản nhạc, nhưng bà không hát mỗi ngày. Trong các bản nhạc bà hát có một bài về hiệp sĩ và thủy quái và có điệp khúc này:"Trời thổi băng giá, thời tiết băng giá trên biển."

Rồi tôi nhớ lời cầu nguyện nhỏ bà dạy tôi, và đoạn nhạc thánh ca.

Tôi chỉ còn nhớ lờ mờ và không trọn vẹn tất cả những câu chuyện bà kể ngày xưa. Duy nhất một câu chuyện tôi nhớ rất rõ đến độ tôi có thể kể lại. Câu chuyện ấy là câu chuyện nhỏ về sự ra đời của Chúa Jesus.

Đấy gần như là tất cả những gì tôi có thể hồi tưởng về bà mình, ngoại trừ điều tôi nhớ nhất; và đó chính là sự cô đơn biết bao khi bà qua đời.

Tôi nhớ buổi sáng khi chiếc ghế sofa ở góc phòng chẳng còn bà ngồi như mọi ngày và nhớ khi tôi không thể nào hiểu nổi sao ngày lại ngày trôi qua rất chậm. Điều này tôi nhớ mãi. Điều này tôi sẽ chẳng bao giờ quên!

Và tôi nhớ lại lũ trẻ chúng tôi được đưa ra để hôn tay người chết và chúng tôi sợ hôn tay bà. Nhưng rồi ai đó bảo chúng tôi đây là lần cuối cùng chúng tôi có thể cảm ơn bà đã cho chúng tôi tất cả các niềm vui thú.

Và tôi nhớ những chuyện kể và lời ca bị đuổi ra khỏi nhà, bị nhốt trong quan tài đen dài, rồi chúng không bao giờ trở về nữa.

Tôi nhớ chúng tôi đã mất vĩnh viễn điều gì đấy trong đời. Tưởng như cánh cửa mở ra cả thế giới rất đẹp và huyền diệu ấy-nơi trước đây chúng tôi vẫn tự do ra vào-đã đóng kín. Giờ đây chẳng ai biết cách mở cánh cửa ấy ra.

Và tôi nhớ, dần dần, lũ trẻ chúng tôi biết chơi búp bê và đồ chơi, và sống như bao đứa bé khác. Rồi chúng tôi như thể chẳng còn buồn vì vắng bà, hay nhớ nhung bà.

Nhưng ngay cả ngày hôm nay-sau bốn mươi năm trời- khi tôi ngồi đây góp nhặt những huyền thoại về Chúa Jesus, mà tôi từng nghe đâu đấy ở Phương Đông, thức dậy trong lòng tôi huyền thoại nhỏ về sự ra đời của Chúa Jesus mà bà tôi thường kể, và tôi cảm thấy thôi thúc muốn kể lại huyền thoại ấy một lần nữa, và đưa chuyện kể ấy vào trong tuyển tập của mình.

Hôm ấy là ngày Giáng sinh và tất cả mọi người đều đi lễ nhà thờ ngoại trừ bà và tôi. Tôi nghĩ ở nhà chỉ còn trơ trọi hai bà cháu. Chúng tôi không được phép đi cùng, vì bà thì quá già còn trẻ thì quá nhỏ. Cho nên, cả bà và cháu đều buồn, vì bà và cháu không được đi lễ sớm để nghe hát và để nhìn những cây nến Giáng sinh.

Nhưng khi chúng tôi ngồi lẻ loi trong nhà, bà bắt đầu kể chuyện.

"Ngày nọ có người đàn ông," bà kể, "ra đi trong đêm tối đen để mượn than hồng về nhóm lửa. Ông đi từ túp lều này đến túp lều khác và gõ cửa.' Các bạn thân ơi, hãy giúp tôi! ' ông nói.' Vợ tôi vừa mới sinh con, cho nên tôi phải nhóm lửa để sưởi ấm vợ và con thơ.'

"Nhưng đêm đã quá khuya và mọi người đều ngủ. Không ai đáp lại.

"Ông đi mãi. Cuối cùng ông thấy ánh lửa từ đằng xa. Ông liền đi về hướng ấy, và thấy lửa đang cháy ở ngoài trời. Rất nhiều con cừu đang ngủ quanh đống lửa, và một người chăn cừu già ngồi canh đàn cừu.

"Khi người đàn ông muốn mượn lửa đến gần đàn cừu, ông thấy ba con chó lớn nằm ngủ dưới chân người chăn cừu. Khi ông đến gần cả ba con chó đều tỉnh dậy rồi chúng há miệng rất lớn ra như muốn sủa; nhưng không nghe tiếng sủa nào. Ông nhận thấy lông ở trên lưng chúng dựng đứng lên còn hàm răng trắng ởn và nhọn hoắc của chúng lấp loáng trong ánh lửa. Chúng phóng đến ông. Ông cảm thấy con cắn chân, con cắn tay và con bấu vào cổ ông. Nhưng hàm và răng của chúng không tuân lệnh chúng, nên ông không bị hại gì.

"Bấy giờ ông muốn bước đến gần hơn, để lấy được cái mình cần. Nhưng những con cừu nằm đấu lưng vào nhau và sát nhau đến nỗi ông không thể nào bước qua chúng được. Cho nên ông bước lên lưng chúng và đi qua mình chúng để tới gần đống lửa. Tuy nhiên chẳng có con cừu nào thức dậy hay trở mình."

Từ đầu câu chuyện đến nay, tôi để cho bà kể chuyện mà không ngắt lời. Nhưng đến đoạn này tôi không thể nào mà không cắt ngang lời bà. "Bà ơi, tại sao những con cừu không thức dậy?"

"Cháu sẽ biết ngay thôi," bà nói-rồi kể tiếp.

"Khi ông đến gần đống lửa, người chăn cừu ngước mắt lên. Ông ta là một lão già cau có, lạnh lùng và tàn nhẫn với mọi người. Cho nên khi thấy người lạ bước đến, lão chụp cây gậy dài có đầu nhọn, mà lão luôn luôn cầm trên tay mỗi khi chăn cừu, và phóng gậy vào người đàn ông. Cây gậy bay thẳng đến ông, nhưng, trước khi chạm vào người ông, nó chệch qua bên rồi bay vèo qua ông ra thật xa vào đồng cỏ."

Khi bà kể đến đây, tôi lại ngắt lời bà. "Bà ơi, sao cây gậy không hại được ông ta?" Bà không bận tâm trả lời tôi, mà kể tiếp.

"Lúc này người đàn ông bước đến người chăn cừu và nói:' Hỡi người tốt bụng ơi, hãy giúp tôi, hãy cho tôi mượn chút lửa! Vợ tôi vừa mới sinh con, cho nên tôi phải nhóm lửa để sưởi ấm vợ và con thơ.'

Lão chăn cừu muốn nói không lắm, nhưng rồi lão nghĩ ngợi chó không thể hại được hắn, cừu không chạy tránh ra xa hắn, còn gậy không muốn đánh hắn, lão hơi sợ nên không dám từ chối điều hắn xin.

" 'Ông cần bao nhiêu thì cứ lấy!' Lão nói với người đàn ông.

"Nhưng lúc ấy đống lửa cũng sắp tàn. Chẳng còn sót lại khúc gỗ hay nhánh cây nào, chỉ còn lại một đống than hồng lớn; kẻ lạ cũng chẳng có cuốc hay xẻng để có thể mang than nóng đỏ rực này đi được.

"Lão chăn cừu thấy thế liền nói lại: 'Ông cần bao nhiêu thì cứ lấy!' Nhưng lão lấy làm sung sướng rằng hắn sẽ chẳng lấy đi được mẩu than nào.

"Nhưng người đàn ông cúi xuống dùng hai tay không nhặt than từ trong đống tro, rồi để than vào trong chiếc áo khoác. Thế nhưng ông không bị phỏng tay, còn than không làm cháy sém áo ông; mà ông còn lại mang than đi dễ dàng như thể than hồng là những hạt dẻ hay những trái táo."

Nhưng đến đây người kể chuyện lại bị ngắt lời lần thứ ba. "Bà ơi, tại sao than không làm ông phỏng tay?"

"Rồi cháu sẽ biết," bà nói và kể tiếp:

"Khi lão chăn cừu, vốn là người rất độc ác và lòng dạ sắt đá, chứng kiến tất cả điều này, lão bắt đầu kinh ngạc tự hỏi: ' Đêm nay là đêm gì mà chó không cắn, cừu không sợ, gậy không giết người, hay lửa không đốt? ' Lão bèn kêu người lạ lại và nói với ông: "Đêm nay là đêm gì vậy? Mà sao vạn vật đều tỏ ra thương xót ông?'

"Người đàn ông nghe vậy đáp: ' Tôi không thể nói với ông điều ấy được nếu chính ông không nhìn thấy.' Rồi ông muốn đi ngay, để ông có thể về sớm nhóm lửa sưởi ấm cho vợ và con thơ.

"Nhưng lão chăn cừu không muốn người đàn ông đi mất trước khi lão tìm hiểu xem tất cả chuyện này báo trước điềm gở gì. Nghĩ thế lão liền đứng lên đi theo ông cho tới khi họ đến nơi người này ở.

"Rồi lão chăn cừu thấy người này cũng chẳng có đến một túp lều để ở nữa, chỉ thấy người vợ và cháu bé mới sinh ra đang nằm trong hang đá, nơi chẳng có thứ gì ngoại trừ hơi giá lạnh buốt và những vách đá trần trụi.
"Nhưng lão chăn cừu lại nghĩ có lẽ cháu bé chắc sẽ chết cóng trong hang đá này; cho nên dù lòng dạ lão vốn sắt đá, nhưng lão thấy xúc động, và nghĩ mong muốn được giúp đỡ cháu bé. Lão tháo túi dết trên vai xuống, lấy từ trong túi ra tấm da cừu màu trắng, rồi bảo người đàn ông đem lót cho cháu bé nằm ngủ.

"Nhưng ngay khi lão biểu lộ rằng lão cũng biết thương người, đôi mắt lão mở ra, và lão thấy những gì trước đây lão đã không thể nào thấy và nghe những gì trước đây lão đã không thể nào nghe.

"Lão thấy xung quanh mình là những thiên thần cánh bạc nhỏ đứng thành vòng tròn, và mỗi thiên thần đều cầm đàn, và tất cả đều hát vang lên rằng tối nay Chúa Cứu thế ra đời để cứu chuộc thế gian ra khỏi mọi tội lỗi.

"Rồi lão chợt hiểu ra rằng tối nay vạn vật thảy đều mừng vui đến độ không ai muốn làm điều gì sai trái.

"Và không chỉ có thiên thần quanh lão chăn cừu, nhưng lão còn thấy thiên thần ở khắp mọi nơi. Thiên thần ngồi trong hang đá, thiên thần ngồi trên núi bên ngoài, và thiên thần bay lượn dưới bầu trời. Thiên thần đến đông nườm nượp, và khi họ đi ngang qua hang, họ dừng lại liếc nhìn Chúa hài đồng.

"Biết bao nhiêu là hân hoan sung sướng và biết bao lời ca và niềm vui! Trong bóng đêm lão thấy được tất cả cảnh này, nhưng trước đây lão đã không thể nào nhìn thấy được gì. Lão quá đỗi sung sướng vì lão đã được mở mắt cho nên lão quỳ xuống dâng lên lời tạ ơn Chúa."

Đến đây bà thở dài và nói: "Những gì lão chăn cừu thấy được bà cháu mình biết đâu cũng có thể thấy được, vì mỗi đêm Giáng sinh các thiên thần đều bay xuống trần, giá như bà cháu mình được thấy họ."

Rồi bà đặt tay lên đầu tôi và nói: "Cháu phải nhớ điều này, vì điều này chính là sự thật, thật như bà thấy cháu và cháu thấy bà. Sự thật ấy không lộ ra dưới ánh đèn hay ánh nến, và sự thật ấy không phụ thuộc vào mặt trời và mặt trăng; nhưng điều cần thiết là chúng ta có được đôi mắt như thế để có thể thấy được vinh quang của Chúa."

Selma Lagerlöf (1858-1940) là nhà văn nữ Thụy Điển được trao tặng giải Nobel văn chương năm 1909.

Nguồn: Từ tác phẩm Christ Legends của nhà văn Selma Lagerlöf, bản dịch tiếng Anh của Velma Swanston Howard, nhà xuất bản Henry Holt And Company, 1908, trang 3-11

Toàn bộ tác phẩm Christ Legends qua bản dịch của Velma Swanston Howard được đưa lên mạng ở địa chỉ sau:
http://www.holybooks.com/wp-content/uploads/Christ-Legends-by-Selma-Lagerl%C3%B6f.pdf

13.12.12

Trần Quốc Việt -Chính nghĩa Ác

Trong bài phỏng vấn dành cho trang mạng BBC được đăng vào ngày hôm qua, nhạc sĩ Tôn Thất Lập nói về chính quyền Việt Nam Cộng Hòa như sau:

"BBC: Có vẻ chính quyền Sài Gòn ít thuyết phục người dân đi theo đường lối của họ, trong khi ở miền Bắc lại dùng âm nhạc tuyên truyền nhiều hơn, trực tiếp hơn, ông nghĩ sao?
Tôn Thất Lập: Chính quyền Sài Gòn cũng dùng âm nhạc, dùng đủ thứ hết, nhưng vì họ không có chính nghĩa, cho nên họ nói và cuối cùng người ta thấy đây là cái tổ chức đi ngược lại đường lối của dân tộc. Người ta không nghe."

Trước đấy vào tháng Sáu năm 2009 ông Nguyễn Minh Triết khẳng định trong một bài phát biểu rằng "chúng ta có chánh nghĩa sáng ngời."

Vâng, nhờ chính nghĩa ấy nên hàng trăm ngàn người dân miền Nam hăng hái vượt biển trên những chiếc thuyền mỏng manh. Từ đấy ngôn ngữ thế giới có thêm từ mới- thuyền nhân.

Vâng, nhờ chính nghĩa ấy Việt Nam thành nhà tù, và người dân là những nô lệ, hay còn thua cả nô lệ nữa.

Vâng, nhờ chính nghĩa ấy thế giới mới xem được cảnh hàng chục thiếu nữ Việt Nam sẵn sàng uốn éo, phô ra thân thể trần truồng cho vài người Nam Hàn xem để chọn vợ. Những nô lệ da đen ngày xưa bị bày bán ở chợ còn sung sướng hơn những thiếu nữ này nhiều. Ít ra những nô lệ ấy không phải trần truồng hoàn toàn như thế. Đạo đức, danh dự, hổ thẹn được tinh lọc qua hàng ngàn năm tiến hóa đã chết một sớm một chiều từ ngày chính nghĩa ấy ngự trị trên cả nước.

Vâng, nhờ chính nghĩa ấy nên thế giới ganh tỵ vì nhân dân họ không được phép ghi độc lập, tự do, hạnh phúc trên mỗi tờ đơn và nhân dân họ cũng không được phép đến đồn công an để được tự tử như ở ta.

Vâng, nhờ chính nghĩa ấy văn hóa Việt Nam tiêu vong, đạo đức bật gốc, con người vô cảm, xã hội thối nát.

Vâng, nhờ chính nghĩa ấy người Việt Nam giờ không biết "Việt Nam còn hay đã mất" như lời nhạc của nhạc sĩ Việt Khang .

Tôi không phán xét các ông. Tôi chỉ xin các ông một điều:

Chính nghĩa ấy là chỉ của riêng các ông, đừng lôi nhân dân và dân tộc vào chung bàn với mình để dự bữa tiệc máu các ông đã bày ra trong bóng tối lịch sử.

Ngày tôi nghe ông Lập nói về "chính nghĩa" là ngày tôi nghĩ nhiều về lời thơ của Lê Đạt:

"Những kiếp người sống lâu trăm tuổi
Y như một dãy bình vôi
Càng sống càng tồi
Càng sống càng bé lại
."

Và lòng thấy buồn cho những kiếp ve bốn mùa chỉ kêu rỉ ra không ngừng hai từ "chính nghĩa" trong một khu vườn không còn hoa, gió, mưa, và bướm. Nơi ấy chỉ còn lại những cây khô giống như giáo, mác đâm tua tủa lên bầu trời đen kịt.

7.12.12

Trần Quốc Việt -Cố lên các bạn ơi!

 
Chúng ta biết thời gian, địa điểm và cả thời tiết ngày Chủ Nhật.
Chúng ta biết lý do chính đáng của cuộc biểu tình chống sự xâm lược càng ngày càng trắng trợn của Trung Quốc.
Điều duy nhất chúng ta không biết là chính mình.
Chưa hẳn vì sợ mà chúng ta không xuống đường.
Chính sự vô cảm trói chân ta lại.


Thì hãy nhìn quanh mình-bao khuôn mặt Việt Nam.
Thì hãy nhìn dưới đất mình - bao dòng máu Việt Nam đã xối xuống để cho hôm nay ta được đứng trên đất Việt Nam.
Thì hãy nhìn vào lòng mình - ta là người Việt Nam mà.

 
Sợ là cơn mưa không ai tránh được.
Nhưng sợ tan rất nhanh trong rừng người quanh mình.
Vô cảm mới chính là lưỡi dao ta tự đâm vào tim tổ quốc.
Ta có quyền vô cảm 364 ngày nhưng ta không có quyền vô cảm vào ngày Chủ Nhật này.


Hãy xuống đường hỡi anh hỡi chị hỡi em
Hãy xuống đường hỡi cô hỡi chú hỡi bác
Hãy xuống đường hỡi ông hỡi bà
Hãy xuống đường hỡi tất cả những đứa con của Mẹ Việt Nam.


Người duy nhất ở nhà vào ngày Chủ Nhật là người đã chết.
Nhưng hồn họ sẽ đi bên cạnh chúng ta
Vô hình, lặng lẽ, thủy chung
Họ thì thầm trong làn gió
Cố lên các bạn ơi.
Chúng tôi muốn mãi mãi yên nghỉ dưới lòng đất Mẹ Việt Nam.
Chúng tôi không muốn đổi quốc tịch sau khi đã chết.
Vì chúng tôi cố lên các bạn ơi.
Người duy nhất ở nhà là người mẹ mới sinh con.
Nhưng tâm tưởng họ sẽ chạy theo ta
Để ký thác vào ta
Niềm mơ ước con họ sẽ lớn lên làm người Việt Nam
Vì con tôi cố lên các bạn ơi.

Đôi chân của bạn là niềm hy vọng
Của họ

Của lịch sử Việt Nam!


6.12.12

Trần Quốc Việt- Những kẻ đi giữa Thiện và Ác

Đa số chúng ta là những kẻ bàng quang- những người chọn đứng bên lề của mọi sự.

Chúng ta không có can đảm làm điều ác. Nhưng chúng ta cũng không có can đảm làm điều thiện.

Chúng ta cố gắng đi vòng qua người bị tai nạn trên đường để tránh mọi phiền toái. Chúng ta không muốn dừng lại để tìm cách cứu giúp nạn nhân. Dù sao, đó không phải lỗi của chúng ta, và chúng ta còn phải bận rộn với biết bao lo toan đời thường.

Chúng ta đi ngang qua đám dân oan bên đường mà lòng không mảy may gợn lên niềm xúc động. Chúng ta không muốn bày tỏ sự thông cảm với tình cảnh đáng thương của họ và chúng ta cũng không muốn lên tiếng chỉ trích những kẻ gây ra bao khổ đau cho họ. Dù sao, đó không phải là chuyện của chúng ta, và chúng ta còn phải bận rộn với biết bao lo toan đời thường.

Chúng ta không chọn thiện hay chọn ác. Chúng ta chọn sự nuôi thân và an thân.

Chúng ta là những con người sinh vật chỉ biết chăm chút lo cho mình. Chúng ta không phải là những con người xã hội với mong muốn được làm tròn trách nhiệm xã hội bằng nỗ lực cá nhân để làm trong sạch môi trường xã hội chung qua việc cổ vũ điều thiện và phê phán điều ác.

Trong hoàn cảnh đất nước bên bờ vực của sự tiêu vong về đạo lý và văn hóa chúng ta vẫn là con người sinh vật chọn đi giữa thiện và ác.

Trong hoàn cảnh đất nước bên bờ vực của sự tiêu vong về địa lý trước sự xâm lược toàn diện của Trung Quốc với sự trợ giúp đắc lực và ngấm ngầm của chính quyền tay sai chúng ta không còn là con người của xã hội hay con người của lịch sử. Chúng ta vẫn chỉ là con người sinh vật thuần túy chỉ biết ngày hôm nay mà không muốn nhớ lịch sử ngày hôm qua và không quan tâm đến tương lai ngày mai.

Chúng ta không đứng dưới ngọn cờ chính trị nào, dù độc tài hay dân chủ. Chúng ta không đứng dưới ngọn cờ đạo đức nào, dù của tôn giáo hay truyền thống. Chúng ta là những kẻ suốt đời đi không có cờ. Hay đúng hơn chúng ta là kẻ vô cảm chọn đi giữa hai bờ thiện và ác.

Thiên đường không muốn đón ta và địa ngục không muốn chứa ta vì chúng ta là kẻ đi giữa hai chiến tuyến quyết định nền văn minh tinh thần và đạo lý của con người.

Trong tác phẩm Địa Ngục (Inferno) thi sĩ người Ý Dante đã tưởng tượng nơi chúng ta ở trong kiếp sau như sau.
 
Ngay đằng sau cải Cổng Địa ngục trên đó có khắc câu "Từ bỏ tất cả hy vọng, ngươi bước vào đây" là nơi ngoài cùng của địa ngục, nơi chưa hẳn là địa ngục thật sự. Ngay khi bước qua cổng địa ngục Dante nghe muôn vàn tiếng kêu la đau đớn, rên khóc. Thi sĩ Virgil, người dẫn đường cho Dante, giải thích những tiếng than khóc này là của những linh hồn lúc sống không theo thiện hay ác, tức những người không có những chọn lựa ý thức về đạo đức; cho nên Thiên đường và Địa ngục đều từ chối không nhận họ. Những linh hồn này phải vất vưởng ngay sát bên ngoài lối vào các tầng địa ngục, và họ không ngừng chạy theo sau lá cờ trắng. Ruồi và ong cắn họ không ngừng, và những con sâu lúc nhúc dưới đất hút máu và nước mắt tuôn trào ra từ người họ. Trong số họ có cả những thiên thần bị đày đọa vì đã đứng giữa hai chiến tuyến-những người không đứng về phía Chúa nhưng cũng không đứng về phía Satan trong cuộc chiến tranh trên Thiên đường.

Nếu thi sĩ nói đúng thì chúng ta ,kẻ trước người sau, sẽ gặp nhau ở nơi này và cùng nhau chạy hoài theo lá cờ trắng vô nghĩa vì khi trên dương thế chúng ta đã chọn không đứng dưới lá cờ Thiện hay Ác nào.

2.12.12

Daniel Southerland- Vẽ và xóa anh hùng

Trần Quốc Việt dịch

Sài Gòn

Ngày 8 tháng Sáu năm 1971

Cộng sản tuyên truyền giỏi đến nỗi huyền thoại Nguyễn Văn Bé, một trong những anh hùng Việt Cộng hàng đầu, vẫn còn sống dai dẵng cho đến ngày hôm nay bất chấp cách đây bốn năm người ta đã công bố rộng rãi huyền thoại ấy hoàn toàn là dối trá.

Vào ngày Chủ Nhật, 30 tháng Năm, Việt Cộng đã tổ chức lễ truy niệm năm năm ngày mất và hy sinh anh dũng của Nguyễn Văn Bé.

Trận chiến về sự thật, mà bây giờ gần như đã chìm vào lãng quên, trong câu chuyện anh Bé là một trong những trận đánh tuyên truyền lớn trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

Trận đánh khai màn vào năm 1967 sau khi người ta khám phá Nguyễn Văn Bé, người tưởng đâu đã chết anh dũng, thực sự đang còn sống và ở trong tù và hoàn toàn chẳng phải là anh hùng.

Hóa ra trong tình thế hiểm nghèo bậc "anh hùng" ấy chỉ là một thanh niên quá khiếp sợ, chưa bắn phát súng nào đã vội đầu hàng ngay quân đội chính quyền Sài Gòn. Tưởng đâu anh đã chết, những người làm công tác tuyên truyền của Việt Cộng quyết định biến anh thành một trong những anh hùng cộng sản nổi tiếng nhất.

Thật ra Bé là người chẳng giống anh hùng và cũng chẳng bao giờ muốn trở thành anh hùng. Là người lính hậu cần hiền lành chất phác, anh không đủ tài giỏi để trở thành anh hùng tài ba. Tuy nhiên, Việt Cộng có thể đã xem xét kỹ tất cả điều này nên quyết định đây là một lợi thế trong việc giảng dạy ở các buổi học tập chính trị rằng "nếu Bé, người lính hậu cần bình thường không được đào tạo nhiều, nhưng khi bị bọn xâm lược Mỹ tàn bạo áp đảo và bao vây, đã "nhờ hành động anh hùng cách mạng" mà có thể biến thất bại thành chiến thắng, thì các đồng chí cũng có thể làm được như thế."

Rất vui khi biết Bé còn sống, và càng vui mừng hơn khi nghe câu chuyện thật sự của anh, người Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã tổ chức một trong những chiến dịch "tâm lý chiến" lớn nhất trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Họ xử dụng tranh tuyên truyền, những đợt phát thanh từ trên máy bay khi bay ngang qua các vùng Việt Cộng, thả truyền đơn, chương trình radio, và chính Bé nhiều lần xuất hiện trên truyền hình để chứng tỏ những chuyện về các hành động anh hùng của anh chiến đấu cho Việt Cộng đều là những điều bịa đặt.

Phản ứng ban đầu của cộng sản là gia tăng cường độ tuyên truyền. Những người làm công tác tuyên truyền của Mặt trận Giải phóng Dân tộc và Bắc Việt đã sản xuất ra hàng chục bản nhạc mới, thơ, tranh cổ động, sách, phim đèn chiếu, và cả nhạc kịch nhằm tuyên truyền về câu chuyện phi thường là Bé, một người lính tải đạn bình thường, sau khi bị bắt, đã một mình dùng mìn tiêu diệt 69 lính Mỹ và lính miền Nam.

Sự hy sinh dũng cảm ấy - người ta tin anh đã tự sát cùng với những người khác-đã được ca tụng không tiếc lời đến mức chẳng bao lâu anh trở thành anh hùng Việt Cộng số một trong cuộc chiến.

Tuy nhiên, khoảng vào độ năm ngoái, Hà Nội rõ ràng bắt đầu hoài nghi về sự khôn khéo trong quyết định tuyên truyên quá sâu rộng về huyền thoại Bé nên đưa Bé xuống địa vị ít được ca tụng hơn trong nhóm những anh hùng cách mạng. Chẳng hạn, vào năm ngoái, tờ Tiền Phong, tờ báo dành cho tuổi trẻ miền Bắc, đã gỡ hình của Bé ra khỏi hình của nhóm sáu anh hùng tuổi trẻ nổi tiếng trước đây thường được đăng chung với nhau và tên họ đứng đầu danh sách những người nên được noi gương.

Bé cũng bắt đầu ít được nhắc đến trên đài. Như vậy rõ ràng chỉ còn lại Nguyễn Văn Trỗi, người mà những hành động anh hùng được khen tụng quá đáng tuy về cơ bản cũng có thật, là anh hùng Việt Cộng hàng đầu. Trỗi nổi tiếng lúc anh chết trước đội hành quyết của chính quyền Sài Gòn sau khi hô to "Hồ Chí Minh muôn năm." Trỗi dính líu vào vụ mưu sát không thành nhằm giật sập cây cầu nơi bộ trưởng quốc phòng Robert S. McNamara đi ngang qua trong một lần đến Sài Gòn.

Như vậy, chiến dịch của người Mỹ và chính quyền miền Nam nằm bóc trần huyền thoại Nguyễn Văn Bé là một thành công tới mức độ khiến Hà Nội quyết định không tiếp tục biến Bé thành anh hùng cao nhất. Chiến dịch này cũng thành công khi tạo ra những hoài nghi dai dẳng về câu chuyện của Bé trong lòng những người làm công tác tuyên truyền và các cán bộ chính trị cấp cao của Việt Cộng.

Một Việt Cộng cấp bậc cao mới đào thoát gần đây, ông Bùi Công Tường, trước đây từng là cán bộ chỉ huy tuyên truyền ở tỉnh Kiến Hòa, và là tác giả bản nhạc về Bé thường được phát trên đài Mặt trận Giải phóng, đã có những ngờ vực về câu chuyện của Bé. Theo lời ông kể, khi ông hỏi một cấp trên của ông về các bản tin của đài Sài Gòn khẳng định Bé vẫn còn sống, ông được bảo "Bọn Mỹ có thể tạo ra hàng ngàn anh Bé bằng phẫu thuật thẩm mỹ. Kiến thức khoa học của họ rất cao. Cứ nghĩ xem, đến mặt trăng mà họ còn lên được."

Về phía cộng sản giải thích lý do phẩu thuật thẩm mỹ cho chuyện Bé xuất hiện trên tranh ảnh và trên các chương trình truyền hình của chính quyền đã trở thành tín điều. Nhưng cách giải thích ấy vẫn hoàn toàn không thuyết phục đối với nhiều cán bộ có học của Mặt trận Giải phóng. Là một trong những người này, ông Tường bắt đầu tin rằng Bé vẫn còn sống, và niềm tin của ông đã được chứng thực khi ông thật sự gặp Bé sau khi đào thoát.

Một người khác mới đào thoát gần đây, Nguyễn Ngọc Mai, nhà văn người miền Bắc, công tác tại tờ báo Quân Giải phóng, có dịp được gặp Bé lần đầu tiên cách đây vài tuần.

"Tôi thật xấu hổ khi hiểu ra Bé chẳng phải là anh hùng thật sự," ông Mai nói. "Lúc tôi ở ngoài Bắc tôi có viết vài câu chuyện về Bé bằng lời văn rất hoa mỹ. Bé đã là anh hùng vĩ đại và là biểu tượng của tuổi trẻ thế hệ chúng tôi."

Cả ông Tường và ông Mai đều nói bất chấp tất cả nỗ lực tuyên truyền trong suốt bốn năm qua của Mỹ và chính quyền miền Nam và bất chấp bao hoài nghi mà chiến dịch tuyên truyền này đã gieo vào lòng nhiều các cán bộ cấp cao, người lính Việt Cộng bình thường vẫn còn tin tưởng vào hành động dũng cảm của Nguyễn Văn Bé. Bằng cách áp dụng kỹ thuật tuyên truyền cũ kỹ của Goebbels, tức lập đi lập lại những khẩu hiệu đơn giản đủ lâu và đủ to, những người làm công tác tuyên truyền cộng sản đã làm cho huyền thoại anh Bé sống lâu trong lòng người. ("Gương anh sáng mãi," là tên của bài hát ca ngợi Bé.)

"Tôi đã chiến đấu với tinh thần Nguyễn Văn Bé,"một người lính Việt Cộng đào thoát thổ lộ, vì thế anh không tin vào tai mình khi được bảo Bé vẫn còn sống bình an ở Sài Gòn. Mặc dù người này sẵn sàng thay đổi chiến tuyến, nhưng anh vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ niềm tin về Bé mà anh đã tin tưởng rất lâu và rất vững chắc.

Bé là một trong những anh hùng chính, hay có lẽ anh hùng chính duy nhất, được miền Bắc và Việt Cộng dùng cho việc học tập chính trị và khích lệ bộ đội nhằm chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công vào dịp Tết năm 1968. Và một số cựu binh Việt Cộng hồi tưởng trong những buổi học tập chính trị mọi người đều đứng lên hoan hô khi câu chuyện họ học đến đoạn Bé ném mìn vào quân thù.

Câu chuyện được lập đi lập lại không ngừng trong hàng trăm cuộc họp nhóm. Rồi đến phần "thảo luận" mà qua đó mọi người đều phải trình bày cách họ có thể áp dụng tinh thần anh dũng cách mạng của Bé vào trong cuộc sống của mình.

Nhiều nhà tâm lý chiến Mỹ và miền Nam thoạt đầu hy vọng dùng câu chuyện của Bé để phá tan hoàn toàn uy tín của Hà Nội rồi từ đấy phá hoại những chương trình thi đua anh hùng của cộng sản vốn rất quan trọng trong việc duy trì tinh thần chiến đấu của Việt Cộng.

Tất nhiên, cuối cùng tuy họ có tạo ra những hoài nghi, nhưng những nhà tuyên truyền Mỹ và miền Nam đã không phá tan được niềm tin phổ biến về Bé.

Tóm lại, một chuyên gia tâm lý chiến đầy kinh nghiệm nói: "Chúng tôi nhận thức chúng tôi sẽ không thuyết phục được mọi người ở phía bên kia. Kiểm soát quá kỹ. Nhưng nếu chúng tôi tác động đến chỉ từ 3 đến 5 phần trăm trong số họ thôi, chiến dịch này được coi là thành công."

Như thế, trong lòng của hầu hết mọi người ở "phía bên kia", huyền thoại Nguyễn Văn Bé tiếp tục tồn tại. Nhưng quá xấu hổ do Bé hóa ra vẫn còn sống, Hà Nội bây giờ có lẽ chỉ muốn toàn bộ vụ này trôi qua hoàn toàn. Tuy nhiên guồng máy tuyên truyền miền Bắc đã đi quá xa với Bé nên giờ đây không thể nào hoàn toàn bỏ rơi anh. Ở miền bắc Việt Nam, có nhiều cánh đồng và một nhà máy phân bón mang tên Nguyễn Văn Bé. Công ty vận tải Nguyễn Văn Bé góp phần chuyển quân nhu dọc theo mạng lưới tiếp tế đường mòn Hồ Chí Minh. Có những huân chương Nguyễn Văn Bé. Và giả như bây giờ miền Bắc từ bỏ huyền thoại Bé, họ sẽ làm gì với những tượng của Bé tại Hà Nội? Hay tượng của anh ở Cuba?

Bé, 25 tuổi hiện đang làm việc cho cảnh sát Sài Gòn, cũng muốn quên đi toàn bộ chuyện này. Anh muốn học nghề thợ điện và rồi sống cuộc sống bình thường thay vì cứ mãi là người khác thường thỉnh thoảng được giới báo chí và các nhà tâm lý chiến quan tâm đến. Nhưng ai muốn thuê một người xưa kia vốn bình thường bây giờ nổi tiếng?

Diễn đạt sâu sắc hơn, toàn bộ chuyện này đã khiến Bé khổ đau rất nhiều. Việt Cộng đã ám sát người em họ của anh vì khẳng định Bé còn sống. Sợ không bảo toàn được tính mạng, cha Bé phải bỏ ruộng bỏ làng quê ở châu thổ sông Cửu Long mà đi.

Kể tự lúc bị bắt rồi được thả ra, Bé thường đến vùng châu thổ, miền trù phú nhất và đông dân nhất ở miền Nam Việt Nam. Không phải là người quá hào phóng với những lời khen chính quyền Sài Gòn, Bé thật sự cảm nhận rằng quân đội Quốc gia trong vùng châu thổ đã từ thế yếu chuyển sang thế mạnh.

Nhưng về chiến tranh tuyên truyền, Bé không hoài nghi bên nào mạnh hơn. So với những nhà tuyên truyền của chính quyền, những người làm công tác tuyên truyền của Việt Cộng, theo quan điểm của Bé, "nói hay hơn và giỏi hơn."

Vừa là anh hùng vừa là nạn nhân trong cuộc chiến tuyên truyền giữa hai bên, Bé có thể biết được điều này.


Nguồn: Báo Christian Science Monitor số ra ngày 8 tháng Sáu năm 1971.