26.9.11

GIOAN PHAOLÔ II- ĐỪNG SỢ

Trần Quốc Việt trích dịch

Quảng trường Thánh Phêrô
Ngày Chủ Nhật, 22 tháng Mười, 1978



"Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng sống" (Mátthêu 16:16). Những lời này được Simon, con ông Giôna, ở thành Xêdarê Philípphê, nói ra. Vâng, ông nói ra từ chính miệng mình với niềm xác tín đã sống và trải nghiệm sâu sắc -nhưng lời ấy không khởi nguồn từ trong lòng ông, mà nguồn gốc của lời ấy là: "... vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều này, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên Trời" (Mátthêu 16:17). Những lời nói ra ấy là những lời của Đức tin.

Những lời này đánh dấu sự khởi đầu sứ vụ của Phêrô trong lịch sử cứu chuộc, trong lịch sử của Dân Chúa. Từ thời điểm ấy, từ Tuyên xưng Đức tin ấy, lịch sử thiêng liêng của cứu chuộc và Dân Chúa chắc chắn bắt đầu mang tầm vóc mới: thể hiện mình trong tầm vóc lịch sử của Hội Thánh.

Tầm vóc giáo hội trong lịch sử Dân Chúa có khởi nguồn, đúng hơn được sinh ra, chính từ những lời của Đức tin này, và được gắn bó với người đã thốt ra những lời ấy: "Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Ðá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy."
Vào ngày này và tại nơi này chính những lời này cần phải được thốt ra và được lắng nghe lần nữa:

"Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng sống"

Vâng, hỡi các anh em và các con nam và nữ, khởi thuỷ chính là những lời này.

Nội dung của những lời này khải thị trước mắt chúng ta sự mầu nhiệm của Thiên Chúa Hằng sống, sự mầu nhiệm mà Đấng Kitô, Con của Thiên Chúa đã đưa chúng ta đến gần. Thật sự không có ai đã đưa Thiên Chúa Hằng sống đến gần con người và khải thị Thiên Chúa như Đấng Kitô đã làm một mình. Trong tri thức của chúng ta về Thiên Chúa, trong cuộc hành trình của chúng ta hướng về Thiên Chúa, chúng ta hoàn toàn gắn bó với sức mạnh của những lời này:" Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha." Thiên Chúa là Đấng vô cùng, huyền nhiệm, khôn tả, đã đến gần với chúng ta qua Đấng Giêsu Kitô, Người Con duy nhất của Thiên Chúa được sinh ra, được Đức mẹ Maria Đồng trinh sinh hạ trong máng lừa Bê Lem.

Tất cả những ai đang mưu tìm đến Thiên Chúa, tất cả những ai đã vô cùng may mắn tin Thiên Chúa, và tất cả những ai đang bị hoài nghi dày vò: ngày hôm nay tại nơi thiêng liêng này, xin các anh chị em hãy lắng nghe lần nữa những lời được Simon Phêrô nói ra. Trong những lời ấy là đức tin của Hội Thánh. Trong chính những lời ấy là chân lý mới, đúng ra, là chân lý cuối cùng và cao quý nhất về con người: con Thiên Chúa Hằng sống -"Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng sống."

Ngày hôm nay đức Giám mục mới của Rôma long trọng bắt đầu Thánh chức của mình cùng sứ vụ của Phêrô. Thực ra, tại thành phố này, Phêrô đã hoàn tất và đã làm tròn sứ mạng Đức Chúa đã phó thác cho ông. Đức Chúa đã nói trực tiếp với ông những lời này:"...lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy và đi đâu tuỳ ý; nhưng khi về già anh sẽ phải giang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn" (Gioan 21:18).

Phêrô đến Rôma!

Còn điều gì khác hơn nữa ngoài sự tuân theo linh hứng nhận được từ Đức Chúa đã dẫn dắt ông và đưa ông đến thành phố này, trung tâm của Đế quốc? Có lẽ người dân chài miền Galilê ấy đã không muốn đến đây. Có lẽ ông thích ở lại nơi chốn xưa ấy, trên bờ Hồ Ghennêxarét, với thuyền và lưới của mình. Nhưng dưới sự dẫn dắt của Đức Chúa, tuân theo linh hứng của Người, ông đã đến đây!

Theo truyền thuyết xưa được lưu truyền ( được tái hiện kỳ diệu qua văn chương trong tiểu thuyết của Henryk Sienkiewicz), Phêrô muốn rời khỏi Rôma trong thời bách hại đạo của Nero. Nhưng Đức Chúa đã can dự: Đức Chúa đi gặp ông. Phêrô thưa chuyện với Đức Chúa rồi hỏi. "Quo vadis, Domine?" nghĩa là " Lạy Đức Chúa, Đức Chúa đang đi đâu?" Đức Chúa trả lời ông tức thì: "Thầy vào thành Rôma để chịu đóng đinh trên thập giá lần nữa." Phêrô liền quay trở lại Rôma và ở lại nơi này cho đến ngày ông bị đóng đinh trên thập giá.

Vâng, hỡi các anh em và các con nam và nữ, Rôma là Tòa Thánh của Phêrô. Trải qua suốt qua bao nhiêu thế kỷ những bậc giám mục mới không ngừng kế vị ông tại Toà Thánh này. Ngày hôm nay một giám mục mới đến Toà thánh của Phêrô ở Rôma, một giám mục mới lòng đầy lo sợ, xét mình thật không xứng đáng. Ai lại không run rẩy trước ơn gọi cao cả này và trước sứ mạng phổ quát của Toà Thánh Rôma!

Kế vị chức giám mục của Phêrô ngày hôm nay là giám mục không phải người Rôma. Giám mục là người con của Ba Lan. Nhưng từ giây phút này ông cũng trở thành người Rôma. Vâng- người Rôma. Ông là người Rôma cũng vì ông là con của một nước nơi lịch sử, ngay từ buổi bình minh đầu tiên, nơi truyền thống ngàn năm đều in dấu mối liên hệ hằng sống, mạnh mẽ, bền vững, và được cảm nhận sâu sắc với Toà thánh của Phê rô, một nước mãi mãi trung thành với Toà Thánh Rôma. Huyền nhiệm thay sự an bài của Thiên Chúa Quan phòng!

Trong những thế kỷ qua, khi các bậc kế vị Phêrô cai quản toà thánh của ông, triregnum hay ngọc miện được đội lên đầu của họ. Đức Giáo hoàng cuối cùng được đội ngọc miện là Phaolô VI vào năm 1963, nhưng sau lễ gia miện trang nghiêm ấy ông không bao giờ dùng đến ngọc miện nữa và để cho những bậc kế vị ông tự do quyết định chuyện này.

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô I, mà ký ức về người vẫn còn sống động trong lòng chúng ta, đã không muốn dùng ngọc miện; ngày hôm nay người kế vị ông cũng không muốn dùng đến. Đây không phải là lúc trở lại lễ và vật vốn được coi không đúng là biểu tượng của quyền lực thế tục của các Giáo hoàng.

Thời đại của chúng ta kêu gọi chúng ta, thúc giục chúng ta, buộc chúng ta nhìn chăm chú vào Đức Chúa và đắm mình trong suy niệm khiêm nhường và ngoan đạo về sự mầu nhiệm của quyền năng tối cao của chính Đấng Kitô.

Người, được hạ sinh từ Đức mẹ Maria Đồng trinh, Con của người thợ mộc (như người đời tưởng thế), Con của Thiên Chúa hằng sống (được Phêrô xác tín), đã đến để làm cho tất cả chúng ta là "một vương quốc tư tế".

Cộng đồng Vatican Thứ hai đã nhắc chúng ta về sự mầu nhiệm của quyền năng này và về sự thật rằng sứ vụ của Đấng Kitô với cương vị Tư tế, Ngôn sứ - Thầy dạy và Vua vẫn tiếp tục trong Hội Thánh. Tất cả mọi người, toàn thể Dân Chúa, đều dự phần trong sứ vụ ba cách này. Có lẽ trong quá khứ, ngọc miện, vương miện ba tầng này, được đội lên đầu của Giáo hoàng để qua biểu tượng đó thể hiện kế hoạch của Đức Chúa cho Hội Thánh của Người, cụ thể tất cả các phẩm trật của Hội Thánh của Đấng Kitô, tất cả " quyền năng thiêng liêng" được thực thi trong Hội Thánh, là không có gì khác hơn ngoài sự phụng sự, phụng sự với mục đích duy nhất: đảm bảo rằng toàn thể Dân chúa đều dự phần trong sứ vụ ba cách này của Đấng Kitô và luôn luôn dưới quyền năng của Đức Chúa, một quyền năng có cội nguồn không phải từ quyền lực của thế gian này mà từ sự mầu nhiệm của Thánh giá và Phục sinh.

Quyền năng tuyệt đối nhưng êm dịu ngọt ngào của Đức Chúa đáp ứng với toàn bộ chiều sâu của con người nhân tính, với những nguyện vọng cao đẹp nhất của con người về trí tuệ, ý chí và tình yêu. Quyền năng ấy không nói bằng ngôn ngữ của vũ lực mà thể hiện mình qua bác ái và chân lý.

Người kế vị Phêrô mới ở Toà Thánh Rôma, ngày hôm nay xin dâng lời cầu nguyện thiết tha, khiêm nhường và tin tưởng: con cầu nguyện Đấng Kitô cho con trở thành tôi tớ và mãi mãi là tôi tớ của quyền năng độc nhất của Người, tôi tớ của quyền năng ngọt ngào của Người, tôi tớ của quyền năng không biết đến chiều tà của Người. Hãy cho con được làm tôi tớ, tôi tớ của những tôi tớ của Người.

Hỡi các anh chị em, đừng sợ đón mừng Đấng Kitô và đón nhận quyền năng của Người. Hãy giúp Đức Giáo hoàng và tất cả những ai muốn phục vụ Đấng Kitô và qua quyền năng của Đấng Kitô phục vụ con người nhân tính và toàn thể nhân loại. Hãy đừng sợ. Hãy mở rộng cửa ra đón Đấng Kitô. Hãy mở ra trước quyền năng cứu rỗi của Người những giới tuyến của các Nhà nước, những hệ thống kinh tế và chính trị, những cánh đồng bát ngát của văn hoá, văn minh và tiến bộ. Hãy đừng sợ. Đấng Kitô biết "có gì trong lòng con người". Chỉ mình Người biết điều này.

Đôi khi ngày nay con người không biết có gì trong lòng mình, trong sâu thẳm tâm hồn mình. Đôi khi con người không chắc chắn về ý nghĩa của cuộc đời mình trên thế gian này. Con người bị hoài nghi dày vò, rồi hoài nghi biến thành tuyệt vọng. Cho nên chúng tôi kêu gọi các anh chị em, với tất cả tin tưởng và khiêm nhường chúng tôi van xin các anh chị em, hãy để Đấng Kitô nói với con người. Chỉ mình Người có lời của sự sống, đúng, lời của sự sống đời đời.

Chính xác vào ngày hôm nay toàn thể Hội Thánh đang mừng " Ngày Sứ vụ Thế giới"; nghĩa là, Hội Thánh đang cầu nguyện, suy niệm và hành động để cho lời của sự sống của Đấng Kittô có thể đến với tất cả mọi người và được tất cả mọi người đón nhận như một thông điệp của hy vọng, cứu chuộc, và giải phóng hoàn toàn.



Nguồn: Trang nhà của Toà Thánh Vatican

Những đoạn trích dẫn in nghiêng người dịch lấy từ bản dịch Việt Ngữ của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ.

Người dịch chân thành cảm ơn sâu sắc các dịch giả của nhóm phiên dịch.

22.9.11

NHỮNG THẾ HỆ NGỒI CHỜ

Trần Quốc Việt


Việt Nam chúng ta ngày nay là một đất nước của những thế hệ ngồi chờ.

Chúng ta đã bắt đầu chờ những lời hứa hão. Đó là độc lập, tự do, và hạnh phúc.

Chúng ta vẫn chờ độc lập khi những phần đất của tổ quốc đang trong tay Trung Quốc, khi lãnh đạo Việt Nam đang gập người hướng về Thiên triều để chờ được rót ban ân huệ "độc lập" nửa vời.

Chúng ta vẫn chờ tự do nhưng tự do không bao giờ đến cho đa phần tâm hồn nô lệ trong chúng ta. Những ai chờ không được đã lìa xứ ra đi ngay từ ngay từ đầu; những ai nán lại thì về sau qua muôn vàn cách họ cũng lên đường tìm tự do. Những ai ở lại thấy nữ thần Tự do trong lòng mình run rẩy trước bóng công an.

Hạnh phúc là sự mưu cầu chỉ có thể đạt được nếu chúng ta có được độc lập và tự do đích thực vì chúng là mảnh đất màu mỡ để ươm mầm hạnh phúc cho tất cả mọi người. Bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ khẳng định con người có các quyền thiêng liêng như quyền sống, quyền tự do, nhưng hạnh phúc thì phải mưu cầu. Hạnh phúc là sự mưu cầu dựa trên tài năng, tính cách, và nhất là sự lao động nhưng hạnh phúc không bao giờ có cho đại đa số khi độc lập và tự do không tồn tại. Hạnh phúc không phụ thuộc vào giàu nghèo. Hạnh phúc phụ thuộc chính vào tự do như lời của một vị thẩm phán ở Toà án Tối cao Hoa Kỳ cách đây hơn tám mươi năm:

"Những người đã giành độc lập cho chúng ta tin rằng cứu cánh cuối cùng của nhà nước là tạo tự do cho con người phát triễn hết mọi khả năng ...Họ coi trọng tự do vừa như là cứu cánh vừa như là phương tiện. Họ tin tự do là bí quyết của hạnh phúc và can đảm là bí quyết của tự do."

Cho nên chúng ta hiểu tại sao dân chúng ở các nước toàn trị đa phần không có hạnh phúc như có đến 94% dân Trung Quốc không có hạnh phúc dù cuộc sống của hàng triệu người trở nên khá hơn. Còn hạnh phúc của người dân Việt ở đâu khi đạo đức bị trốc rễ, khi cuộc sống là sự mưu sinh đầy nhọc nhằn, khi sợ hãi và lòng bất an theo ta khi ta thức dậy và theo ta vào giấc ngủ, khi ta thấy ngộp trước hiện tại và ngộp hơn khi nghĩ đến tương lai.

Vì chúng ta không có can đảm nên chúng ta chấp nhận số phận nhưng chúng ta trong lòng vẫn thiết tha chờ ngày mai trời sáng hơn. Những thế hệ Việt Nam chờ mãi. Chúng ta chờ giáo dục tốt hơn khi con chúng ta phải đu dây, phải bơi qua sông để kiếm chữ. Chúng ta chờ đường xá tốt hơn khi lô cốt vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt và khi đường xuống cấp còn nhanh hơn mưa. Chúng ta chờ bớt tham nhũng hơn dù khi chúng ta phải bắt đầu chung chi theo tháng và theo năm và khi chúng ta hiểu đó là thứ khổ tất yếu mà ta phải chấp nhận thêm vào những thứ khổ triền miên như sinh, tử, bệnh,lão. Quan trọng nhất chúng ta chờ tự do.

Chúng ta chờ từ tóc xanh đến tóc bạc, chờ từ nhà ra nghĩa địa. Chúng ta không được lạc quan như "lãnh tụ" khi ông viết ra câu "thơ" "Ngồi trên hồ xí đợi ngày mai". Nhưng chúng ta được phép thực thi quyền ngồi chờ của chúng ta một cách kiên nhẫn.

Vì quá quen chờ nên không ai ngạc nhiên khi chúng ta bắt đầu có thói quen ngồi chờ yêu nước trong công viên hay trong quán nước. Thử hỏi trên thế giới này có ai chờ được như ta? Có nước nào mà lòng yêu nước phải ngồi chờ không? Câu trả lời là có nếu người dân nước ấy tự xem mình là nô lệ, vì thân phận nô lệ chỉ quan tâm đến con roi mà không quan tâm đến kẻ cầm roi.

Ước gì chúng ta đừng có con để tránh kéo dài cuộc đời nô lệ khốn khổ của chúng. Hãy nhìn vào mặt các con mỗi ngày để thấy rằng hiện tại của chúng ta in hằn trên nét mặt tương lai của chúng. Rồi chúng cũng chờ như ta vì thế hệ cha anh không có can đảm không chờ.

Chúng ta là chiếc bóng của lịch sử. Khi chúng ta ngồi chờ lịch sử ngồi chờ theo, khi chúng ta hành động lịch sử bắt đầu trở mình, và khi chúng ta sợ hãi triền miên lịch sử sẽ đứng yên. Nhà văn Nga Alexander Solzhenitsyn viết: "Nếu chúng ta chờ đợi lịch sử ban cho chúng ta tự do và những món quà quý giá khác, chúng ta có nguy cơ chờ đợi trong vô vọng. Lịch sử là chúng ta."

Vâng, lịch sử là chúng ta nhưng chúng ta khôn ngoan chờ người khác đi trước. Thế là tất cả chúng ta ngồi ngó nhau và chờ lẫn nhau. May thay lịch sử cũng rất kiên nhẫn chờ theo. Bóng đèn cuối cùng tắt trên ga Chờ nhưng chuyến tàu Lịch sử sao vẫn chưa chuyển bánh?

Lẫn trong khói hương và bao khóc than tiễn đưa ta lần cuối cùng về thế giới bên kia là ánh mắt của con cháu ta trách ta không làm gì cả để hôm nay chúng cũng phải bắt đầu chờ đợi như ta. Linh hồn nào phiêu diêu nổi trong niềm đau uất nghẹn sau lưng ấy.

19.9.11

BRUCE BUENO De MESQUITA và ALASTAIR SMITH-ĐỘC TÀI SỐNG ĐƯỢC NHỜ ĐÂU?

Trần Quốc Việt dịch

Tại sao có những nhà độc tài trụ được trong khi những nhà độc tài khác sụp đổ? Suốt trong chiều dài lịch sử, những công dân bị chà đạp đều cố gắng hất tung ách nô lệ mà những kẻ áp bức áp tròng lên cổ họ, nhưng các cuộc cách mạng, giống như những cuộc cách mạng đang tràn qua thế giới Ả Rập, lại thường hiếm.

Các bạo chúa cai trị vẫn giữ vững quyền lực nhờ ban thưởng cho một nhóm nhỏ các kẻ trung thành, thường thường gồm có các viên chức quân đội quan trọng, các công chức cấp cao và những người thân trong gia đình hay thân tộc. Trách nhiệm chính của những kẻ trung thành này là đàn áp phong trào phản kháng chế độ. Nhưng họ chỉ thực hiện nhiệm vụ bẩn thỉu, xấu xa này nếu họ được thưởng công hậu hỉ. Do vậy các nhà độc tài cần bảo đảm các nguồn lợi chảy đều đặn liên tục vào túi riêng của những kẻ thân tín.

Nếu những kẻ ủng hộ nhà độc tài từ chối đàn áp các cuộc nổi dậy tập thể hay nếu họ đào thoát sang phía đối thủ, thì nhà độc tài ấy thật nguy đến nơi. Vì thế các nhà độc tài thành công đều ban thưởng cho những kẻ thân tín trước rồi cuối cùng mới đến nhân dân. Chừng nào những kẻ thân tín của họ còn được bảo đảm về nguồn thu nhập béo bở chắc chắn, các cuộc biểu tình sẽ bị đàn áp thẳng tay. Nhưng một khi quần chúng nghi ngờ lòng trung thành của đám thuộc hạ và thân tín ấy đang đến hồi lung lay, cuộc nổi dậy có cơ hội thành công. Ba loại kẻ cai trị đặc biệt dễ bị những kẻ ủng hộ họ bỏ rơi: đó là những kẻ cai trị mới, già yếu, và khánh kiệt.

Những nhà độc tài mới an vị không biết lấy tiền ở đâu ra hay họ không biết có thể mua được lòng trung thành chắc chắn của ai với giá rẻ. Cho nên, trong những lúc chuyển tiếp quyền lực, những người khởi xướng cuộc cách mạng có thể nhân cơ hội đó lật đổ chế độ mới còn non yếu.

Nguy cơ càng lớn hơn chờ chực sẵn nhà độc tài già nua khi các kẻ thân tín của y không còn trông mong y tiếp tục ban phát đặc quyền và tiền công để bảo đảm sự ủng hộ của họ. Họ biết người chết rồi hết trả. Cho nên già yếu làm vơi dần lòng trung thành, từ đấy có nhiều khả năng các lực lượng an ninh sẽ ngồi không hơn là chặn đứng cuộc nổi dậy, qua đó tạo cho quần chúng một cơ hội thật sự để nổi loạn. Đây chính là những gì đã gây ra sự sụp đổ của các chế độ độc tài ở Philippines, Zaire và Iran.

Ngoài các tin đồn đáng lo âu về sức khoẻ của Zine el-Abidine Ben Ali và Hosni Mubarak, Tunisia và Ai Cập còn gánh chịu những vấn đề kinh tế nghiêm trọng mà làm nhen nhúm cuộc nổi dậy. Giá thóc và nhiên liệu ngày càng tăng, nạn thất nghiệp, đặc biệt trong tầng lớp có học, ngày càng cao và, riêng trường hợp Ai Cập, nguồn viện trợ từ Mỹ bị giảm sút đáng kể (sau này Tổng thống Obama tăng lại như cũ). Giới quân đội ủng hộ ông Mubarak, tức những kẻ hưởng lợi từ nguồn viện trợ ấy, lo sợ rằng ông ta không còn là nguồn thu nhập chắc chắn cho họ nữa.

Khi tiền trở nên khan hiếm, lãnh đạo không thể trả cho những kẻ thân tín như trước, vì thế không có ai đứng ra ngăn cản nhân dân nếu họ nổi loạn. Đây chính là điều đã diễn ra trong các cuộc cách mạng Nga và Pháp và trong sự sụp đổ của ách cai trị cộng sản ở Đông Âu - và đây cũng chính là lý do chúng tôi đã tiên đoán sự sụp đổ của ông Mubarak trong một lần nói chuyện với các nhà đầu tư vào tháng Năm vừa qua.

Mối đe doạ hiện nay đối với chế độ cai trị của Bashar al-Assad ở Syria có thể được xem xét trong cùng hoàn cảnh. Với mức thâm hụt năm 2011 dự đoán độ 7 phần trăm G. D. P., nguồn thu nhập từ dầu lửa giảm và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao trong giới trẻ, ông Assad đang đối mặt với những điều kiện chín mùi cho cuộc cách mạng. Hôm nay ông có thể đánh vỡ đầu người dân, nhưng chúng tôi tin chắc rằng hoặc ông cuối cùng sẽ ban hành những cải cách khiêm nhường hay sẽ có người thay thế ông làm việc ấy.

Bắt chước cũng đóng vai trò quan trọng trong thời cách mạng. Khi nhân dân biết các nhà lãnh đạo ở các nuớc lân cận không thể mua được lòng trung thành, họ liền hiểu rằng họ cũng có thể có một cơ hội. Song điều ấy không phải nhất thiết đưa đến các cuộc cách mạng tương tự. Tại nhiều nước, nhất là Các Nước Vùng Vịnh giàu nhờ dầu hoả thì từ xưa đến nay một là không có biểu tình hai là biểu tình bị trấn áp dữ dội. Chẳng hạn, tại Bahrain, 60 phần trăm thu nhập của chính quyền xuất phát từ khu vực kinh tế dầu khí; vì thế những nhà lãnh đạo của nước này đối mặt với ít rủi ro khi đối phó với các cuộc biểu tình bằng sự trấn áp khốc liệt.

Điều này là vì các nhà độc tài ở các nước giàu tài nguyên đều có sẵn một nguồn thu nhập chắc chắn để ban thưởng cho những kẻ thân tín- và trấn áp không tổn hại đến nguồn tiền mặt có sẵn này. Của cải từ tài nguyên tự nhiên cắt nghĩa tại sao Robert Mugabe ở Zimbabwe tuy hơn tám mươi tuổi nhưng vẫn không tỏ dấu hiệu nào sẽ từ chức và đại tá Muammar el-Qaddafi ở Libya ngay từ đầu chẳng màng nói bóng gió gì đến sự thoả hiệp. Tuy nhiên, khi bom NATO rơi trên Tripoli đại tá Qaddafi chợt nhận ra ông cần thuyết phục những kẻ trung thành còn sót lại rằng ông có thể tái thiết lập sự kiểm soát các mỏ dầu của Libya nếu không họ rồi cũng sẽ bất ngờ đánh lại ông. Buồn thay, nếu phe nổi loạn thắng, họ cũng có thể bóp nghẹt tự do để dảm bảo sự kiểm soát của họ về tài nguyên dầu hoả.

Các chế độ giàu tài nguyên tự nhiên hay nhận được rất nhiều viện trợ từ nước ngoài có thể sẵn sàng bóp nghẹt tự do ngôn luận, tự do báo chí và, quan trọng nhất, quyền hội họp. Ngược lại, các nhà lãnh đạo các nước nghèo tài nguyên không thể dễ dàng hạn chế sự vận động dân số nếu không đồng thời khiến cho công việc sản xuất khó khăn đến nổi họ tự cắt đứt nguồn thu nhập thuế mà họ cần để mua lòng trung thành.

Những nhà lãnh đạo ở những nước như thế thấy mình lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan và nếu khôn ngoan thì họ nên nới lỏng hơn trước để tránh cái hoạ về sau. Đây là lý do chúng tôi kỳ vọng trong vài năm tới các nước như Morocco và Syria sẽ cải cách cho dù phản ứng ban đầu của họ trước cuộc biểu tình là đàn áp. Chúng ta cũng nên dành niềm cổ vũ tương tự cho quá trình dân chủ hoá ở nhiều nước không có dự trữ tài nguyên tự nhiên như Trung Quốc và Jordan -điềm gở cho các nhà cai trị chuyên chế nhưng tin vui cho tất cả quần chúng bị áp bức trên toàn thế giới.


Bruce Bueno de Mesquita và Alastair Smith là các giáo sư ở Newyork University và là đồng tác giả tác phẩm " Cẩm nang của nhà độc tài".

Nguồn: New York Times 9/6/2011
www.nytimes.com/2011/06/10/opinion/10DeMesquita.html

10.9.11

Quê Hương

Trần Quốc Việt

(Phỏng theo bài thơ "Quê hương" của Đỗ Trung Quân)


Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dạy cố yêu
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng vui nhiều

Quê hương là chùm khế ngọt
Cho quan trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về nặng tập trên vai

Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con ngóng thèm thuồng
Quê hương là con đò nhỏ
Sương rơi chờ khách đêm khuya

Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về bóng đổ hắt hiu
Quê hương là vòng tay lạnh
Bơ vơ bao kẻ bên lề

Quê hương là bến nước lạ
Phận gái trôi dạt trời xa
Quê hương là luồng cá bạc
Máu rơi thấm đẫm khoang thuyền

Quê hương là ngày mưa lớn
Thương cha vất vả trên đường
Quê hương là đêm trăng lạnh
Em thơ ngủ mệt bên thềm

Quê hương nếu ai lên tiếng
Sẽ không thoát khỏi lao tù
Quê hương nếu ai hờ hững
Tủi lòng lịch sử ngàn xưa

Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một Đảng thôi

RONALD REAGAN- ĐẾ QUỐC ÁC

Ronald Reagan (1911-2004) là một trong những vị Tổng thống Hoa Kỳ tài ba nhất và nổi tiếng nhất. Ông là một trong số ít người có công rất lớn trong việc đánh bại chủ nghĩa cộng sản trên thế giới. Năm 1983 ông đọc một bài diễn văn trước Hội nghị Phúc âm quốc gia tại thành phố Orlando, tiểu bang Florida. Bài diễn văn "Đế Quốc Ác " này đã gây ra làn sóng bất bình lớn trong khối cộng sản, nhất là Liên Xô ,và cả ngay ở Mỹ vì một số người sợ rằng chiến tranh sẽ nổ ra giữa hai siêu cường. Tổng thống Reagan là vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên trên thế giới đã nói ra sự thật trần trụi rằng Liên Xô là đế quốc Ác. Như nhà văn Anh Geogre Orwell từng nói trong thời dối trá phổ quát nói ra sự thật là một hành động cách mạng.Tổng thống Reagan bằng can đảm của mình đã nói ra một sự thật mà từ đấy đưa đến sự sụp đổ của các chế độ toàn trị cộng sản.

Trần Quốc Việt trích dịch

Bây giờ, rõ ràng, đa phần sự đồng thuận về chính trị và xã hội mà tôi đã đề cập đến đều được dựa trên quan điểm tích cực về lịch sử Mỹ, một lịch sử đáng tự hào về những thành tựu và ưu việt. Nhưng chúng ta không bao giờ được quên rằng không có chương trình hành động nào của chính phủ sẽ làm cho con người trở nên hoàn thiện. Chúng ta biết sống trên đời này có nghĩa là chấp nhận điều mà các triết gia gọi là hiện tượng luận về cái ác hay, như các nhà thần học diễn tả, giáo lý về tội lỗi.

Ác và thiện luôn luôn hiện diện ở trên đời, và chúng ta được Kinh thánh và Đức Chúa Jesus răn hãy chống lại cái ác bằng tất cả sức mạnh của mình. Quốc gia của chúng ta cũng có di sản của cái ác mà cần phải giải quyết. Từ xưa đến nay vinh quang của đất nước này chính là khả năng vượt qua bao cái ác về đạo lý trong quá khứ của mình. Chẳng hạn, cuộc đấu tranh lâu dài của những công dân thiểu số đòi các quyền bình đẳng, vốn từng là cội nguồn của sự chia rẽ và nội chiến, giờ đây lại là điều tự hào cho tất cả những người Mỹ. Chúng ta không được lùi bước. Đất nước này không có chỗ cho kỳ thị chủng tộc, chủ nghĩa bài Do Thái, hay những hình thức hận thù sắc tộc và chủng tộc khác.

Nhưng cho dù các trang sử buồn nào tồn tại trong quá khứ chăng nữa, bất kỳ ai khách quan nhận xét đều phải có quan điểm tích cực về lịch sử Mỹ, một lịch sử đã trở thành câu chuyện xưa nay về bao hy vọng được toại nguyện và bao giấc mơ thành hiện thực. Nhất là trong thế kỷ này, nước Mỹ đã gìn giữ ngọn lửa của đuốc tự do, nhưng giữ lửa không phải cho mình mà cho hàng triệu người khác trên toàn thế giới.

Và điều này đưa tôi đến phần cuối cùng trong bài diễn văn hôm nay. Trong cuộc họp báo lần đầu tiên trên cương vị Tổng thống, để trả lời cho một câu hỏi trực tiếp, tôi đã chỉ ra rằng, với tư cách là những người Mác-xít Lê nin nít tốt, các nhà lãnh đạo Xô viết đã tuyên bố công khai và minh bạch rằng đạo đức duy nhất họ thừa nhận là đạo đức sẽ đẩy mạnh sự nghiệp của họ, tức cách mạng thế giới. Tôi nghĩ tôi nên nói rõ ra rằng tôi đã chỉ đang trích dẫn Lê nin, tinh thần hướng dẫn của họ,người mà vào năm 1920 nói rằng họ bác bỏ tất cả các đạo đức xuất phát từ các tư tưởng siêu nhiên--tức là tên họ đặt cho tôn giáo --hay những tư tưởng bên ngoài các khái niệm giai cấp. Đạo đức là hoàn toàn phụ thuộc vào quyền lợi của cuộc chiến tranh giai cấp. Cho nên tất cả những gì cần thiết cho sự tiêu diệt trật tự xã hội bóc lột cũ và cho sự đoàn kết những người vô sản lại đều được coi là đạo đức.

Từ đấy tôi nghĩ việc nhiều người có tầm ảnh hưởng lớn từ chối thừa nhận sự thật cơ bản này của học thuyết Xô Viết minh hoạ sự miễn cưỡng lịch sử nhìn thấy bản chất thật sự của các chính quyền toàn trị. Chúng ta đã nhìn thấy hiện tượng này trong thập niên 1930. Ngày nay chúng ta cũng nhìn thấy hiện tượng này rất nhiều lần.

Điều này không có nghĩa chúng ta nên tự cô lập và từ chối mưu tìm sự cảm thông với họ. Tôi có ý định làm tất cả mọi thứ tôi có thể làm nhằm thuyết phục họ mục đích hoà bình của chúng ta, nhắc cho họ nhớ rằng chính Phương tây từ chối xử dụng độc quyền hạt nhân của mình trong thập niên bốn mươi và năm mươi để tranh đoạt lãnh thổ và hiện nay đề nghị cắt giảm 50 phần trăm hoả tiễn đạn đạo chiến lược và loại bỏ hoàn toàn loại hoả tiễn hạt nhân tầm trung đặt trên đất liền.

Tuy nhiên, đồng thời, chúng ta phải làm cho họ hiểu rằng chúng ta nhất định không bao giờ thoả hiệp các nguyên tắc và tiêu chuẩn của chúng ta. Chúng ta nhất định không bao giờ cho không tự do của chúng ta. Chúng ta nhất định không bao giờ từ bỏ niềm tin vào Chúa. Hơn nữa chúng ta nhất định không bao giờ ngưng tìm kiếm một nền hoà bình đích thực. Nhưng chúng ta không thể đảm bảo cho bất kỳ điều nào trong các điều mà Mỹ luôn luôn tượng trưng này qua cái gọi là các giải pháp ngưng phát triễn vũ khí hạt nhân do một số người đề nghị.

Sự thật là ngưng bây giờ sẽ là một sự gian lận rất nguy hiểm, vì đó chỉ là ảo tưởng về hoà bình. Hiện thực là chúng ta phải tìm hoà bình qua sức mạnh.

Tôi sẽ đồng ý ngưng chỉ nếu chúng ta có thể ngưng tất cả các tham vọng của Xô viết. Ngưng ở mức độ vũ khí hiện nay sẽ khiến cho những người Xô viết không thấy bất kỳ khích lệ nào để thương lượng nghiêm túc ở Geneva và chúng ta thật sự không còn các cơ hội đạt được sự cắt giảm vũ khí quan trọng mà chúng ta đã đề nghị. Ngược lại, nhờ việc ngưng như thế họ sẽ đạt được các mục tiêu của họ.

Ngưng phát triễn vũ khí hạt nhân sẽ thưởng cho Liên Xô về sự phát triễn quân sự cực kỳ lớn và không ai bì được của họ. Ngưng như thế sẽ ngăn cản sự hiện đại hoá thiết yếu và quá muộn của quốc phòng đồng minh và Hoa Kỳ và sẽ làm cho lực lượng vũ trang già cỗi của chúng ta ngày càng dễ bị tổn thương. Và một sự ngưng trung thực sẽ cần rất nhiều sự thương lượng trước đó về hệ thống và số lượng phải được hạn chế và về những biện pháp nhằm đảm bảo sự xác minh và sự tuân thủ có hiệu quả. Cho nên ngưng kiểu như được đề nghị sẽ hầu như không thể nào xác minh được. Một nỗ lực quan trọng như thế sẽ khiến chúng ta hoàn toàn không tập trung vào những thương lượng hiện nay của chúng ta để đạt đến những cắt giảm đáng kể.

Cách đây nhiều năm, tôi nghe một người cha trẻ, một người trẻ rất nổi tiếng trong giới giải trí, phát biểu trước một đám đông rất lớn ở California. Ngày đó trong thời chiến tranh lạnh, và chủ nghĩa cộng sản và nếp sống của chúng ta đè nặng trong tâm tưởng của mọi người. Và anh ta nói về chủ đề đó. Rồi bỗng đột nhiên tôi nghe anh nói, "Tôi yêu những đứa con gái bé bỏng của tôi hơn tất cả mọi thứ ---" Tôi liền nhủ thầm, " Thôi hỏng rồi, đừng. Anh không thể --không nói thế được." Nhưng tôi đã đánh giá thấp anh. Anh nói tiếp:" Tôi thà thấy các con của tôi chết ngay lúc này, tuy nhiên vẫn còn tin ở Chúa, còn hơn thấy chúng lớn lên dưới chế độ cộng sản rồi một ngày kia chết đi không còn tin ở Chúa."

Trong đám thính giả ấy có đến hàng ngàn người trẻ. Họ đứng lên hoan hô vui sướng. Họ đã nhận ra tức thì sự thật sâu xa trong lời anh ta vừa nói, sự thật về thân xác và linh hồn và về điều gì thật sự quan trọng.

Vì thế, chúng ta hãy cầu nguyện cho sự cứu rỗi của tất cả những ai hiện sống trong bóng tối toàn trị đó -- cầu nguyện rằng họ sẽ khám phá niềm vui biết Chúa. Nhưng cho tới lúc đó, chúng ta hãy ý thức rằng trong khi họ rao giảng bản chất ưu việt của nhà nước họ, tuyên bố quyền toàn năng của nhà nước áp đặt lên con người cá nhân, và tiên đoán sự thống trị cuối cùng của nhà nước lên trên tất cả các dân tộc trên Trái Đất, họ chính là tâm điểm của cái ác trong thế giới hiện đại.

Chính C.S.Lewis, trong tác phẩm "Screwtape Letters", đã viết: " Cái ác lớn nhất bây giờ không được gây ra trong những "hang ổ tội ác" bẩn thỉu hôi hám mà Dickens thích miêu tả. Nó lại càng không được gây ra trong các trại tập trung và các trại lao động. Tại những nơi đó chúng ta chỉ thấy kết quả cuối cùng của nó. Nhưng nó được thai nghén và được ra lệnh (được truyền đi, được ủng hộ, được thực hiện và được ghi lại) trong những căn phòng làm việc sạch sẽ, ấm cúng, có thảm êm và đèn sáng, bởi những người trầm lặng áo trắng tinh, móng tay cắt ngắn, má cạo láng, những người không cần lớn tiếng."

Cho nên, vì "những người trầm lặng này" không "lớn tiếng", vì họ đôi lúc nói giọng êm ái mượt mà về tình huynh đệ và hoà bình, vì, giống như những nhà độc tài trước họ, họ luôn luôn "đòi lãnh thổ cuối cùng", một số người bắt chúng ta tin những lời họ nói và chiều theo bản năng hiếu chiến của họ. Nhưng nếu lich sử dạy chúng ta điều gì, lịch sử dạy ta rằng sự xoa dịu xuẫn ngốc haymơ ước hão huyền về đối thủ của chúng ta thực là khờ dại. Điều đấy có nghĩa là phản bội quá khứ của chúng ta, hoang phí tự do của chúng ta.

Vì thế, tôi kêu gọi quý vị hãy lên tiếng chống lại những kẻ muốn đặt Hoa Kỳ vào vị trí thấp kém về đạo đức và quân sự. Vì thế, khi thảo luận về các đề nghị ngưng vũ khí hạt nhân, tôi kêu gọi quý vị hãy coi chừng sự quyến rũ của lòng kiêu hãnh -- sự quyến rũ khi vô tâm tuyên bố mình hoàn toàn đứng trên chuyện này và gán cho cả hai phía lỗi lầm như nhau, khi bỏ qua những sự thật của lịch sử và bản năng hiếu chiến của đế quốc Ác, khi dại dột gọi cuộc chạy đua vũ trang là một sự hiểu lầm lớn và qua đó tự tách rời mình ra khỏi cuộc đấu tranh giữa đúng và sai và giữa thiện và ác.

Tuy sức mạnh quân sự của Mỹ quan trọng, để tôi nói thêm ở đây rằng tôi trước sau luôn luôn khẳng định cuộc đấu tranh hiện nay đang diễn ra trên thế giới sẽ không bao giờ được quyết định bởi bom đạn hay hỏa tiễn, bởi quân đội hay sức mạnh quân sự. Khủng hoảng thật sự chúng ta đối mặt ngày nay là cuộc khủng hoảng tinh thần; cội rễ của nó là sự thử thách ý chí đạo đức và đức tin.

Whittaker Chambers, người mà nhờ sự trở lại đạo đã ra làm nhân chứng cho một trong những vụ gây chấn động khủng khiếp trong thời đại của chúng ta, vụ án Hiss-Chambers, viết rằng cuộc khủng hoảng của Thế giới Tây phương tồn tại tới mức độ Tây phương thờ ơ với Chúa, tới mức độ mà Tây phương hợp tác trong nỗ lực của chủ nghía cộng sản để làm cho con người đứng bơ vơ không có Chúa. Rồi ông nói, vì chủ nghĩa Mác-xít Lê nin nít thực sự là tín ngưỡng xưa thứ hai, đầu tiên đã được tuyên bố trong Vườn Địa Đàng qua những lời đầy quyến rũ, "Các ngươi sẽ nên như các chúa". Thế giới Tây phương có thể đối phó lại thách thức này, ông viết, " nhưng chỉ miễn là lòng tin của Tây phương vào Chúa và vào tự do Người ban cho lớn bằng lòng tin của chủ nghĩa cộng sản vào Con người." (1)

Tôi tin chúng ta sẽ vươn lên để đối phó lại thách thức ấy. Tôi tin chủ nghĩa cộng sản là một chương buồn, kỳ quặc khác trong lịch sử con người mà những trang cuối cùng của chương ấy thậm chí hiện nay đang được viết. Tôi tin điều này vì nguồn gốc sức mạnh của chúng ta trong sự tìm kiếm tự do của con người không phải là vật chất mà tinh thần. Và vì sức mạnh ấy không có giới hạn, nó ắt hẳn phải làm khiếp đảm rồi cuối cùng chiến thắng những kẻ nào muốn áp đặt ách nô lệ lên đồng loại của họ. Vì trong lời của Isaiah:" Người ban sức mạnh cho ai mệt mỏi, kẻ kiệt lực, Người làm cho nên cường tráng. . . Nhưng những người cậy trông Ðức Chúa thì được thêm sức mạnh; như thể chim bằng, họ tung cánh; Họ chạy hoài mà không mỏi mệt..." (1)

Đúng, hãy thay đổi thế giới của ta. Thomas Paine, một trong những vị Cha Lập Quốc, nói: " Bằng sức mạnh trong lòng của mình chúng ta có khả năng bắt đầu thể giới lại từ đầu." Chúng ta có thể thực hiện được điều này, chung sức làm những gì không một nhà thờ nào có thể tự mình làm được.



Chú thích của người dịch:


(1)Whittaker Chambers (1901-1961) là nhà báo Mỹ và từng là đảng viên Đảng Cộng sản Mỹ. Về sau ông từ bỏ chủ nghĩa cộng sản. Năm 1948 ông ra làm chứng trước quốc hội Mỹ, tại đây ông đã tố cáo Alger Hiss (1904-1996) , nhân viên ngoại giao Mỹ, là gián điệp cho Liên Xô.

(2) Bản dịch Việt Ngữ của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ


.



Nguồn:Thư viện Ronald Reagan

http://www.reagan.utexas.edu/archives/speeches/1983/30883b.htm

5.9.11

MOHAMMAD AL-ASFAR- MÙI HƯƠNG CỦA CUỘC CÁCH MẠNG

Trần Quốc Việt dịch

Benghazi, Libya


Trên đời này không có gì là không thể. Chúng ta có thể bình tĩnh thảo luận bất kỳ chủ đề gì. Chúng ta chỉ cần thiện ý. Cái chuyện "bạn ủng hộ tôi hay chống lại tôi?" xét ra chẳng lợi ích gì. Tôi không ủng hộ bạn, cũng không chống lại bạn, lại càng không đứng ở giữa.

Nếu tôi chọn thái độ thì tôi không phải là nhà văn. Tôi gần bạn, nhưng bạn không thể thấy tôi. Tôi cũng không thể thấy bạn, dù bạn luôn ở trong lòng tôi. Tôi không quan tâm xem xét đến quan điểm của mọi người. Tôi chỉ quan tâm đến bé gái thật thà đã mất người chú trong vụ thảm sát ở nhà tù Libya.

-Chú con hiện giờ ở đâu, hở bố?

-Chú đang đi xa.

-Chú có trở về ngay không?

-Chú sẽ sớm trở về, con yêu, và mang về cho con một cuộc cách mạng rất đẹp.

-Thế tại sao chú không gọi điện thoại về cho bố và con?

-Điện thoại của chú hết phút rồi, nhưng chú sẽ mua thêm phút rồi sẽ sớm gọi về thăm chúng ta, con yêu của bố.

-Bố cho con số của chú nhé. Con sẽ gọi hỏi thăm chú. Con có thẻ điện thoại mà.

-Vậy con hãy gọi bất kỳ số nào giữa số 1 và 1200, chú sẽ trả lời con.

Cháu thật thà kể tôi nghe nó đã gọi chú, và giọng nói trong điện thoại bảo cháu thứ Sáu chú đến thánh đường cầu nguyện.

"Thế rồi con ngủ và mơ thấy, bố biết không," Cháu kể. "Một người đàn ông thật cao đi quanh ngôi mộ của Omar al-Mukhtar ở Benghazi, rồi ông ta leo lên con ngựa trắng của ông và bay lên trời; bố biết không, ông vẫy tay con và ném cho con một đoá hoa ngát hương. Khi con thức dậy, con không thấy hoa đặt trong lòng mình, nhưng mùi hơi mặn của Benghazi - của Libya- vẫn còn ở đấy; bố hãy cầm tay con và ngủi xem có phải mùi hương không. Con sẽ không bao giờ rửa tay nữa. Con muốn mùi hương ở mãi mãi bên mình."

Tôi bảo con:"Hãy rửa tay bình thường. Mùi hương sẽ không biến mất. Nước chỉ cuốn trôi bụi thôi."



Cuộc cách mạng ở nước tôi đang bừng cháy, và đã đạt được thành công khá lớn ở trong nước và trên trường quốc tế. Mỗi lần một thành phố được giải phóng, các thể chế tạm thời liền xuất hiện để quản lý cuộc sống hàng ngày và bảo vệ tự do, và nhiều thành viên trong tầng lớp lãnh đạo của chế độ cũ, dù họ là các nhân vật chính trị, văn hoá hay thương mại, đều gia nhập cách mạng.

Lá cờ của chúng tôi không còn là cánh đồng xanh ngát; lá cờ chúng tôi hiện giương cao là màu đỏ, màu đen, và màu xanh lá cây với hình lưỡi liềm và ngôi sao ở chính giữa. Những màu sắc này gợi tưởng đến thời đen tối và dưới ách nô lệ thực dân mà chúng tôi đã chịu đựng trong lịch sử của mình.

Trong suốt bao thập niên, trong vòng vây trập trùng của bao mật vụ và chỉ điểm, chúng tôi sống trong vô cùng sợ hãi, bất kỳ lúc nào cũng tưởng mình đi tù hay "mất tích". Không ai có thể can thiệp cho mình; không có toà án thật sự, không có nhân quyền, không có gì hết.

Tất cả mọi thứ trước cuộc cách mạng này đều hoàn toàn phục vụ cho việc làm giàu của bạo chúa và gia đình của y. Tất cả mọi thứ đều vì lợi ích của họ: quân đội, cảnh sát, nước, văn hoá, giáo dục, khách sạn, nhà hàng, lá cờ. Thậm chí cả chuyện giao hợp cũng bị kiểm soát: nhiều người không thể cưới cho đến khi chế độ tổ chức đám cưới tập thể hay cho đến khi họ được "ban tặng" giường ngủ cho đêm tân hôn.

Cách đây mười lăm năm, chỉ trong một đêm, bạo chúa và bọn lính đánh thuê của y đã sát hại 1.200 người tại nhà tù Abu Salim ở Tripoli, nơi giam cầm các tù chính trị. Xác chết nằm xếp lớp lên nhau trong nấm mồ hoang tập thể -những người tù từ khắp miền của Libya, thuộc mọi lứa tuổi, đều bị giết chết mà không có cả đến một phiên toà tượng trưng. Người em duy nhất của tôi là một trong những người tù bị sát hại ấy.

Tôi viết về vụ thảm sát ấy trong tiểu thuyết đầu tay của mình. Và trong tiểu thuyết thứ hai. Và trong tiểu thuyết thứ ba. Và tôi không phải là người duy nhất không thể nào quên. Đêm hè tàn ác ấy là một trong những tia lửa làm cháy bùng lên cuộc cách mạng này. Gia đình của những nạn nhân bị thảm sát đã bắt đầu các cuộc biểu tình hiện nay, ngay đây ở Benghazi, và chẳng mấy chốc những người trẻ của cuộc cách mạng đến gia nhập họ.

Hiện nay, bất chấp bạo lực của chế độ bủa vây quanh khắp chúng tôi, những thành phố được giải phóng đang rộn ràng hân hoan; chúng tôi đã nếm hương vị tự do. Sợ hãi, khiếp đảm, căng thẳng và hồi hộp vốn là tính cách của người Libya ngày trước giờ đây tan biến mất; bao thù oán cũ cũng tan dần theo. Mọi người, không ngại mưa hay đói, đều muốn giúp.

Cuộc cách mạng này đã thay hình đổi dạng những người Libya, đã ban cho chúng tôi niềm tin rằng điều chúng ta gọi là tự do phải giành được mới có, và ta không nên hưởng tự do một mình trên nỗi đau mất mát hạnh phúc, công sức hay sinh mạng của bao người khác.

Tôi hầu như không còn thời gian để viết: nhiều ngày qua tôi hoà mình vào các đám đông. Tôi thà sống trong lòng cuộc cách mạng đang diễn ra hơn là viết về cách mạng - cách mạng còn tươi tắn, mới mẻ quá, chưa bị hoen ố bởi sự thêm thắt và phong tục mù quáng. Đây chính là cuộc mạng thấm đẫm hương vị Libya, là sự pha trộn của tiêu và muối và ánh sáng thơm ngào ngạt tựa như phúc lành từ những lồng đèn của các bậc thánh.

Nhiều năm trước tôi chỉ thỉnh thoảng mới tình cờ gặp lại bạn cũ, ở chợ phiên ngày thứ Sáu hay ở đám tang, lễ cưới và ở các trận đấu thể thao. Còn bây giờ tôi tham gia cùng bạn bè ấu thơ của mình trên các đường phố và ngõ hẻm cách mạng.

Tường đã trở thành bích họa, điểm xuyến với những khẩu hiệu mới ca ngợi vinh quang của cách mạng và những liệt sĩ cách mạng, và tố cáo những tên bạo chúa và các hình thức khủng bố của chúng. Những câu chữ trên tường này tuy sai văn phạm be bét và đầy các lỗi chính tả, nhưng dẫu sao vẫn chân chất và nghệ thuật.

Chúng sinh ra cùng với sự chào đời của tự do và cuộc sống mới, và những tranh chữ trên tường này chúng ta mãi mãi không nên xoá đi. Chúng nên được gìn giữ ở trên tường xưa cho đến ngày ánh nắng mặt trời làm phai nhạt dần, dù tôi không tin rằng mặt trời nỡ lòng nào xoá đi những dấu ấn bất tử như thế.

Tôi không muốn nói về những vụ thảm sát mà chế độ đã gây ra trong mấy tuần qua: thế giới đã lắng nghe và theo dõi những hình ảnh về những tội ác tàn bạo và đau lòng này. Thay vào đó tôi muốn nói về những người chiến thắng, những người đã đánh bại cái chết. Những liệt sĩ của cuộc cách mạng này không chỉ là những nam thanh nữ tú; họ là liệt sĩ thuộc đủ mọi lứa tuổi, thuộc đủ mọi trình độ học vấn, thuộc đủ mọi giai cấp xã hội. Cả Libya đã đồng loạt đứng lên.

Chúng tôi không bắt chước ai, nhưng chúng tôi phải thừa nhận những cuộc cách mạng ở Tunisia và Ai Cập đã cổ vũ chúng tôi. Chúng tôi không thể nào biết đến hạnh phúc chừng nào bạo chúa vẫn còn cai trị; làm sao chúng tôi có thể đến thăm những người Tunisia và người Ai Cập trừ phi chúng tôi có thể ngẩng đầu lên cao như họ, ngẩng đầu lên cao như tất cả những người tự do trên thế giới?

Libya đã kiên nhẫn suốt trong thời gian dài, nhưng lòng kiên nhẫn của chúng tôi không phải là sự hèn nhát. Chúng tôi đã chờ đợi thời điểm thật sự hưng phấn, và do thời điểm ấy đến đúng lúc, chúng tôi đã đạt được mục tiêu của mình, tất cả nhờ vào lòng can đảm và nhờ vào sự phấn khích làm cho cả thế giới kinh ngạc.

Cuộc cách mạng của chúng tôi là cuộc cách mạng của nhân dân, nhân dân không thể còn chịu đựng nổi chế độ độc tài đã bốc mùi hôi thối, nhân dân không thể nào được xoa dịu bằng của bố thí. Áp lực đã lên đến đỉnh điểm. Thế là nhân dân tức nước vỡ bờ và tuyên bố công khai niềm ao ước của họ về một đời sống tốt đẹp hơn.

Từ đấy họ đối mặt với ánh mắt đầy sát khí của bạo chúa, và đối mặt không chỉ với hơi cay mà còn với đạn thật cùng xe tăng, máy bay và đại pháo. Cho nên chúng tôi gọi mình là "cháu của Omar al-Mukhtar", để tỏ lòng tôn kính nhà lãnh đạo kháng chiến đã hy sinh vì tổ quốc vào năm 1931 vì ông dám nói thẳng với các kẻ chiếm đóng người Ý rằng nhân dân Libya nhất định không đầu hàng, và nhất định hoặc chiến thắng hay chết. Theo gương xưa chúng tôi đã kiên trì, chúng tôi đã chịu đựng và chúng tôi đã chiến thắng.

Giờ đây tổ quốc tường chừng như rất đẹp. Phụ nữ ai ai cũng đáng yêu hơn xưa, nụ cười của họ đẹp hơn và tiếng nhạc dậy lên trong lòng họ. Đến những người bệnh cũng được chữa lành; họ bệnh vì ung nhọt độc tài.

Nhân dân toàn thế giới đứng về phía chúng tôi. Và ngay cả trước khi họ ủng hộ chúng tôi, họ cũng đã kính trọng cuộc cách mạng của chúng tôi vì cuộc mạng ấy không bị hoen ố bởi cướp bóc hay phá hoại. Mục tiêu của chúng tôi rõ ràng: đánh sập chế độ Phát xít đã làm cho nước chúng tôi bị cả thế giới xa lánh.

Chúng tôi sẽ biến Libya thành ngọn hải đăng của nền văn minh, khoa học và văn hoá, thành một hệ thống xã hội mà sự thăng tiến chỉ dựa trên giá trị và tài năng nơi mỗi người, không phân biệt ý thức hệ hay gia tộc, đều sẽ xứng đáng với địa vị mình đạt được. Chúng tôi sẽ làm việc một cách hết sức minh bạch, và chúng tôi sẽ làm cho thế giới tin tưởng ở chúng tôi, và giúp đỡ chúng tôi. Mọi người đều tin tưởng vững chắc rằng chúng tôi đã giành được tự do cho Libya, nên bây giờ chúng tôi phải phấn đấu vì sự an toàn của quốc gia. Cách mạng giờ cần tài năng, không cần lòng trung thành.

Nhân dân Libya ngày nay là huynh đệ trong gia đình nhân loại. Chúng tôi có thể tự do nói chuyện với những anh em trong thế giới Ả Rập và ở bất kỳ nơi nào khác, những người anh em mà chúng tôi đã từng ao ước gặp, và giờ đây có thể ôm họ vào lòng mà không sợ hãi. Cuộc đời người dân Libya đã bị tai tiếng suốt bao lâu nay rồi: đối với những ai trong chúng tôi được may mắn đi ra nước ngoài, đi đến đâu chúng tôi cũng đều bị chỉ trỏ tố cáo như tội phạm -nào là vụ mất tích của giáo sĩ phái Shiite Musa al-Sadr người Liban khi ông đến Libya năm 1978; nào là vụ đặt bom Lockerbie năm 1988 và năm sau đến vụ bắn rơi chiếc máy bay hành khách của Pháp trên bầu trời Niger. Nhưng lúc này chúng tôi chứng minh cho thế giới biết rằng nhân dân Libya không có gì đáng chê trách về những hành động này, đáng chê trách chính là chế độ độc tài ghê tởm.



Lâu lắm rồi, tôi hứa với một cháu bé gái người em duy nhất của tôi sẽ trở về. Em ơi, em đã trở về, và em mang về cho cháu một cuộc cách mạng.




Mohammad al-Asfar là nhà văn. Nguyên tác tiếng Ả Rập, bản dịch sang tiếng Anh của Ghenwa Hayek.

Tựa đề của người dịch, tựa đề bản tiếng Anh "Libya's Patient Revolutionaries", New York Times 2/3/2011
www.nytimes.com/2011/03/03/opinion/03asfar.html?pagewanted=all