31.10.11

NHỮNG CUỘC XẾP HÀNG ĐI VÀO SỐ PHẬN

Trần Quốc Việt

Đôi lúc qua cảnh xếp hàng của dòng người ta nhìn thấy lờ mờ số phận của một dân tộc. Đấy là ý nghĩ của tôi trong suốt tuần qua khi nhìn thấy hình ảnh những dòng người xếp hàng ở Tunisia, Libya và Việt Nam.

Vào ngày Chủ Nhật 23/10 nhân dân Tunisia thức dậy từ sáng sớm để bắt đầu xếp hàng rồng rắn rất dài hàng giờ liền dưới ánh nắng nóng bức của mặt trời Bắc Phi. Nhiều cha mẹ đưa con đến để chứng kiến thời khắc lịch sử. Trong số 10,4 triệu người đủ điều kiện đi bầu có đến 7 triệu người xếp hàng bỏ phiếu trong cuộc bầu cử thật sự tự do lần đầu tiên ở Tunisia và cũng là cuộc bầu cử đầu tiên của Mùa xuân Ả Rập. Họ rất kiêu hãnh và tự hào khi họ góp phần viết trang sử mới cho bản thân, gia đình và cho quê hương sau hàng bao năm sống trong gông cùm của chế độ độc tài.

Và không gì hơn là chúng ta hãy lắng nghe những lời của họ như âm thanh rì rào reo vui của bao cọng cỏ trước làn gió tự do đầu tiển thổi đến.

Ismail Trabelsi, 42 tuổi, kỹ sư môi trường, đến phòng bỏ phiếu lúc 7 giờ sáng, và anh xếp hàng chờ hơn một giờ đồng hồ mới đến lượt mình bỏ phiếu. Anh nói: "Dù kết quả bầu cử thế nào chăng nữa, kết quả ấy vẫn là quyết định của chúng tôi,chứ không phải bị áp đặt lên chúng tôi. Chúng tôi đã chờ 55 năm cho giây phút này."

Lần đầu tiên trong lịch sử nước này đây là ngày Chủ Nhật có nhiều nụ cười nhất, có lẽ để bù đắp lại những ngày Chủ Nhật buồn ngày xưa. Cuộc cách mạng nhân phẩm đã thành công. Anh Amin Ganhouba, 30 tuổi, nhân viên kỹ thuật, nói: "Hôm nay là ngày độc lập. Hôm này qua hành động bỏ phiếu đơn giản chúng tôi đạt được tự do và nhân phẩm."

Đối với những thế hệ lớn tuổi hơn cuộc bầu cử này là niềm vui không gì sánh bằng, một giấc mơ của mọi giấc mơ. Ông Tayeb Awisi, 83 tuổi, khoe ngón tay dính mực màu xanh - dấu hiệu cử tri đã bỏ phiếu - và cho biết ông đã đi bầu tất cả các cuộc bầu cử gian lận từ năm 1956 khi Tunisia thoát khỏi ách đô hộ của người Pháp. Nhưng ông tâm sự đây mới là lần bỏ phiếu đích thực đầu tiên của mình.

"Chúng tôi đã quỳ suốt bao nhiêu năm nay, và bây giờ chúng tôi đang đứng lên," ông nói. "Nếu tôi chết ngay lúc này, tôi cũng nhắm mắt ra đi thanh thản. Cho dù tôi không hưởng lợi gì từ cuộc bầu cử này, nhưng con cháu tôi nhất định sẽ hưởng."

Niềm vui về sự tái sinh của một nước Tunisia hiện sáng ngời lên trên các khuôn mặt của các cử tri thuộc nhiều thế hệ. Thời gian chờ dằng dặc hai tiếng rưỡi dưới ánh mặt trời gay gắt chẳng là gì đối với anh Walid Sellami, 27 tuổi, nhân viên tư vấn tài chính cùng đi bầu với cha mẹ mình. Anh nói:" Tôi chưa bao giờ hạnh phúc vô cùng khi xếp hàng chờ đợi như thế này. Đây là thời điểm trọng đại đối với chúng tôi. Cuộc bầu cử tự do đầu tiên trong Thế giới Ả Rập... Vì đây là cuộc bầu cử đầu tiên nên ai thắng không quan trọng. Tôi hạnh phúc nếu nhân dân bỏ phiếu cho các đảng khác. Mục tiêu của chúng tôi là hoà nhập vào thế giới dân chủ."

Touhami Sakouhi, cựu tù chính trị phát biểu: " Cho dù tôi phải xếp hàng chờ 24 giờ đồng hồ, tôi cũng không từ bỏ cơ hội để tận hưởng không khí tự do này."

Không khí tự do ấy là niềm tin vững chắc rằng sẽ không còn những nhà độc tài tương lai "ngồi xổm tục tỉu như con cóc lên cuộc đời của nhân dân Libya"(1)như lời xác quyết của ông Soussi Loffi, người cử tri mang đôi giày rách được vá lại, " Bây giờ có một nội lực hướng dẫn người dân Tunisia. Nghĩa là chúng tôi không còn phải bị sai bảo gì nữa. Chúng tôi sẽ xuống đường và sẽ không còn tên độc tài nào nữa." (2)

Đây là cuộc xếp hàng đi vào tương lai của nhân dân Tunisia.

Một cuộc bỏ phiếu khác đã diễn ra lặng lẽ trước đó ở Libya. Kết quả của cuộc bỏ phiếu ấy đưa đến cái chết thê thảm của nhà độc tài Qaddafi.

Cuộc bỏ phiếu bằng chân của người dân thành phố Sirte!

Qaddafi cùng con trai và các thuộc hạ trung thành cố thủ ở thành phố này, quê của ông. Bên ngoài lực lượng cách mạng và NATO quyết định bao vây chứ không tấn công vào vì sợ gây thương vong lớn cho người dân trong thành phố. Quyết định này đã cho phép người dân có thời gian suy nghĩ và chọn lựa giữa ra đi hay ở lại. Cuối cùng đa số người dân bỏ phiếu bằng chân hàng loạt. Qaddafi bị dân chúng bỏ rơi đành phải tìm đường thoát thân. Những gì diễn ra sau đó chính khởi sự từ cuộc bỏ phiếu bằng chân lịch sử này, và qua đó ta thấy cốt lõi của các cuộc cách mạng trong Mùa Xuân Ả Rập chính là nhân phẩm và sự tự do chọn lựa hay bác bỏ những người lãnh đạo.(3)

Rồi đến cuộc xếp hàng hy hữu trong lịch sử thế giới - cuộc xếp hàng xem xác chết. Những người dân Libya xếp hàng dài cả hơn cây số để vào xem xác chết của một người đã cướp đi bao niềm vui sống của họ trong suốt 42 năm trị vì. Họ xếp hàng hàng giờ để được tận mắt thấy cái xác tô hô ghê tởm của Qaddafi không phải vì tò mò mà vì muốn tin chắc rằng ông ta đã thực sự chết đúng như tin nhắn ban đầu "con chó ấy đã chết" truyền đi hàng loạt qua điện thoại di động khi tin về chết của ông được loan ra.

Họ xếp hàng để từ giã nỗi sợ, tức xiềng xích tinh thần cuối cùng đè nặng trong lòng, để tiến vào tương lai như nhân dân Tunisia.

Ngày Qaddafi bị giết chết là ngày các nhà lịch sử và các nhà báo điểm danh lại những nhà độc tài đã qua. Người Việt Nam duy nhất được nhắc đến trong câu lạc bộ 13 nhà độc tài đồ tể nhất là ông Hồ Chí Minh (xếp thứ 11). Ông đã gây ra cái chết của 1,7 triệu người trong 24 năm cầm quyền (1945-1969). Và một bài báo khác cũng nêu tên ông như là một trong những nhà độc tài tàn ác nhất của nhân loại cùng với Lê nin, Stalin, Pol pot, Kim Nhật Thành ... (4)

Nhưng qua những hình ảnh trên các báo tại Việt Nam, chúng ta thấy dòng người xếp hàng rất dài để đi vào trong lăng Hồ Chí Minh.(5) & (6)

Những bức hình nói thay cho biết bao nhiêu lời. Người dân vẫn tôn sùng lãnh tụ đã khuất qua việc họ xếp hàng dài để vào Lăng. Hiển nhiên một điều là người ta có thể bị bắt buộc đi bầu những cuộc bầu cử lừa bịp và giả dối, nhưng khó ai bắt buộc hàng ngàn người xếp hàng vào lăng nếu họ không muốn. Ít nhiều ở đây có sự tự nguyện của khách viếng lăng, dù sự tự nguyện ấy là kết quả của hàng chục năm trời tẩy não và tuyên truyền không ngừng nghỉ và hết công suất.

Nhưng dù sao chúng ta đang sống trong thời đại thông tin rộng mở mà người dân vẫn không thể hay không muốn tìm hiểu sự thật về "thần tượng" của họ. Nhà kinh tế John Maynard Keynes từng nói khi thông tin thay đổi thì đầu óc ta thay đổi theo.

Hay phải chăng như lời nhà thơ Nga Puskin:"Họ chỉ yêu người chết."

Ryszard Kapuscinski, nhà báo Ba Lan nổi tiếng toàn cầu, viết như sau về "xã hội lịch sử":

"Trong các xã hội lịch sử, tất cả mọi sự đều được quyết định trong quá khứ. Tất cả nghị lực, tình cảm, say mê của họ đều hướng về quá khứ, đều dành cho việc thảo luận lịch sử, cho ý nghĩa lịch sử. Họ sống trong vương quốc của huyền thoại và nòi giống lập quốc. Họ không thể nói về tương lai vì ở họ tương lai không gợi lên niềm say mê như lịch sử. Họ là dân tộc hoàn toàn lịch sử, sinh ra và sống trong lịch sử của những đấu tranh, phân chia và xung đột lớn. Họ giống như người cựu binh già. Tất cả những điều ông ta muốn nói toàn là về những trải nghiệm thử thách lớn lao chất chứa bao tình cảm sâu đậm khiến ông không bao giờ có thể quên được.

Tất cả những xã hội lịch sử đều sống với gánh nặng làm lu mờ tâm hồn, trí tưởng tượng của họ. Họ phải sống đắm mình trong lịch sử; nhờ lịch sử họ thể hiện mình. Nếu họ mất lịch sử, họ mất bản sắc của họ. Lúc đó họ sẽ không chỉ vô danh. Họ sẽ không còn tồn tại. Quên lịch sử là quên chính mình- một sự bất khả về sinh học và tâm lý. Lịch sử là vấn đề sinh tồn."(7)

Khi nhân dân Tunisia và Libya xếp hàng tiến vào tương lai mà có thể đầy thăng trầm và khó khăn nhưng dù sao vẫn là tương lai. Còn xã hội Việt Nam sao cứ đi lùi mãi về quá khứ.

Ryszard Kapuscinski đã báo trước viễn cảnh của một xã hội lịch sử như sau:

"Không có gì sẽ thay đổi trừ phi các xã hội lịch sử học để sáng tạo, học để tạo ra cuộc cách mạng tinh thần, cách mạng thái độ, cách mạng tổ chức. Nếu họ không huỷ diệt lịch sử, thì lịch sử nhất định huỷ diệt họ."

Vì bản chất của chế độ không thể thay đổi nên câu trả lời cho tương lai nước Việt nằm ở từng cá nhân và từng tấm lòng trong chúng ta.

Nhân dân Tunisia và Libya đang xếp hàng để bước chập chững, dò dẫm vào tương lai dân chủ và tự do dù con đường trước mắt họ là con đường rất dài, quanh co, rồng rắn như cảnh xếp hàng, nhưng con đường ấy là con đường một chiều mở ra một tương lai và vận hội tươi sáng mới. Còn Việt Nam đi lùi dần vào hoàng hôn của lịch sử, một lịch sử quá khứ và tương lai được điểm nhịp bằng những thời kỳ Bắc Thuộc cũ và mới cùng với sự tàn lụi tất yếu của của bao giá trị đạo đức và văn hoá.

Đôi lúc những cuộc xếp hàng vận vào số phận của một dân tộc.




Tài liệu tham khảo

(1)Theo Christopher Hitchen, tạp chí Slate, 21/10/2011

(2)Theo tường thuật của các báo New York Times, Wall Street Journal, Washington Post, Los Angeles Times, The Independent, Guardian, & Telegraph 23/10/2011

(3)Theo xã luận của báo Chirstian Science Monitor 20/10/2011

(4)Theo báo The Daily Beast/Newsweek, hai bài:
(a)13 Dealiest Dictators
www.thedailybeast.com/.../the-20th-century-s-deadliest-dictators-pho...

(b)Andrew Roberts, How Dictator Die-Newsweek
www.thedailybeast.com/.../muammar-gaddafi-s-death-and-how-hitler...

(5)"Hàng nghìn người vẫn đổ về lăng Bác",theo Zing.vn, 4/9/2011
www.zing.vn/news/xa-hoi/.../a125872.html

(6)Theo Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
www.bqllang.gov.vn

(7)Ryszard Kapuscinski, Một thế giới hai nền văn minh, Talawas 26/10/2010

20.10.11

Guy Sorman -Tự do để Sáng tạo

Trần Quốc Việt dịch

Được rất nhiều người trong cộng đồng nghệ sĩ và trí thức ở Bắc Kinh thừa nhận và khâm phục, Lưu Hà có lẽ là nghệ sĩ nhiếp ảnh quan trọng nhất ở Trung Quốc ngày nay. Tuy nhiên, chị cũng là một nghệ sĩ bị cấm đoán. Sáu bức ảnh của chị, chụp lại ở dưới, không bao giờ được nhận giấy phép rời Trung Quốc. Bản thân Lưu Hà bị mất tích suốt từ tháng Giêng đến nay, chị bị công an quản thúc tại gia ở đâu đó tại Bắc Kinh mà không có đến một bản cáo trạng chứ đừng nói đến một vụ xử ở toà. Chẳng ai biết hiện nay chị ở đâu.

Tại sao lại kiểm duyệt đến như thế đối với những bức ảnh khá trừu tượng? Tại sao những bức ảnh này khiến chính quyền Trung Quốc rất giận dữ ? Không phải vì Lưu Hà là nhà hoạt động chính trị; giống như hầu hết các nghệ sĩ, chị ao ước tự do, nhưng chị không phải là nhà bất đồng chính kiến tích cực. Không, sự trấn áp này chỉ có một lời giải thích: Lưu Hà là vợ của Lưu Hiểu Ba. Tội duy nhất của ông là viết hiến chương - tuy một việc làm được hiến pháp Trung Quốc cho phép. Hiến chương, lưu hành trên mạng, được mấy ngàn học giả và nghệ sĩ Trung Quốc ký tên.

Khi Lưu Hà được hỏi tại sao chị xuống tóc, chị trả lời rằng chị sẽ để tóc trở lại khi Trung Quốc tự do. Chị cũng băn khoăn tại sao Phương tây không ủng hộ các nhà hoạt động dân chủ Trung Quốc như Phương tây đã từng ủng hộ các nhà bất đồng chính kiến Nga. " Chẳng lẽ chúng tôi không phải là con người sao?" chị hỏi."Hay các vị chờ đợi cho đến khi họ tiêu diệt sạch hết tất cả các nhà hoạt động dân chủ ở Trung Quốc - rồi lúc đấy mới khóc than cho chúng tôi?"

Hôm nay, cuộc triễn lãm ảnh của Lưu Hà khai mạc tại Bảo tàng Boulogne, gần Paris. Đây là lần đầu tiên các bức ảnh được triễn lãm cho công chúng xem, từ trước đến nay, chúng chỉ được xem tại nhà riêng hoặc ở căn hộ của Lưu Hà hay lưu hành trong giới thưởng thức tài tử tại Bắc Kinh. Cuộc triến lãm, dưới tên Sức mạnh lặng lẽ của Lưu Hà, nhấn mạnh sự xử dụng màu trắng và đen của người nghệ sĩ - để tỏ lòng trân trọng nghệ thuật thư pháp lâu đời, nguồn gốc của tất cả các nghệ thuật ở Trung Quốc. Trong tác phẩm của Lưu Hà, chúng ta thấy những con búp bê kỳ lạ mà chị gọi là những "em bé xấu xí" của mình đi lang thang vất vưởng như những bóng ma ở Bắc Kinh. Ý tưởng, buồn thay cuối cùng không quan trọng, là những người kiển duyệt sẽ không hoảng sợ nhiều trước những bức ảnh búp bê như trước những bức ảnh người thật. Tuy vậy, trong bức ảnh cuối cùng chúng ta được thấy Lưu Hiểu Ba.

Lưu Hà không chỉ là nghệ sĩ lớn bị trừng phạt vì không phục vụ Đảng. Cao Hành Kiện, người đoạt giải Nobel văn chương, đã phải bôn ba lưu vong nhiều năm trời và hiện sống ở Pháp. Ngãi Vị Vị, có những tác phẩm điêu khắc được triễn lãm ở New York, bị bắt giam hai tháng trong năm nay mà không một lời giải thích; ngày nay, ở Bắc Kinh, ông không được phép nói chuyện với người nước ngoài. Ta có thể tưởng đâu Đảng Cộng sản mừng vui trước sự phục hưng văn hoá Trung Quốc đang được sáng tạo bởi các nghệ sĩ được cả thế giới công nhận. Vì Đảng không mừng vui, nên kết luận rõ ràng là Đảng sợ sự sáng tạo của chính những người dân mình -một đặc điểm chung của tất cả các chế độ áp bức nhất định phải tiêu vong.


Nguồn: Tạp chí City Journal 19/10/2011

http://www.city-journal.org/2011/eon1019gs.html

18.10.11

Yêu Nước Sao khổ Thế!

Trần Quốc Việt

Sáng nay tôi xem video quay cảnh chị Bùi thị Minh Hằng khi đi dạo trên bờ Hồ. Hình ảnh cuối cùng vương vấn trong lòng là chiếc nón rách chị ôm vào lòng. Có hình ảnh yêu nước nào bi thương hơn hình ảnh người phụ nữ chân không đứng lẻ loi trên vỉa hè, ôm chặt chiếc nón rách vào lòng ấy.

Yêu nước sao khổ đến như thế?

Yêu nước sao cô đơn lẻ bạn đến như thế?

Nước của ai hay nước riêng của chị để chị phải chịu bao đau đớn khổ sở đến như thế?

Hỏi để nuốt nước mắt vào lòng. Vì câu trả lời rõ ràng và đau đớn như vô vàn kim đâm vào da thịt.

Hỏi để thấy mình quá đớn hèn không những trước cha ông mà còn trước mắt chị.

Chị bị bắt vào tù một ngày, chúng ta thấy mình sống thừa, sống mòn, sống cam phận, sống thu mình thêm một ngày.Chúng ta thành những con ốc thu mình mãi trong vỏ tự khi nào.

Tôi hiểu tại sao Đảng cam tâm làm nô lệ cho Tàu.

Tôi hiểu tại sao lãnh đạo thi nhau lấy hẹn để sớm vào chầu viên đại sứ mới của Trung Quốc.

Nhưng tôi không hiểu tại sao đại đa số người dân có thái độ tiêu cực đến như thế, họ sống như những xác chết biết đi, sống mà không quan tâm gì xa hơn cái cổng nhà mình. Có ai đó đã nói chúng ta có thể không thay đổi số phận, nhưng chúng ta có thể thay đổi thái độ.

Chắc trong tù chị Hằng căm hận chính quyền nhưng chắc cũng rất tủi phận khi thấy mình lẻ loi trên bờ Hồ với chỉ chiếc nón là bạn.

May mà còn chiếc nón để chị cảm thấy ấm lòng vì chiếc nón là cả quê hương qua những chữ viết tắt HS- TS -VN.

Cảm ơn chị và cảm ơn chiếc nón.

1.10.11

Janine di Govanni-Bản vẽ cho cuộc cách mạng

Trần Quốc Việt dịch

Vào tháng Mười năm 2000, với lòng khao khát được sống một cuộc sống dân chủ một nhóm sinh viên trường đại học tổng hợp Belgrade đã góp phần lật đổ ách cai trị của nhà độc tài khát máu nhất ở Châu Âu, Slobodan Milosevic.

Ảnh hưởng lên họ là Gandhi, Martin Luther King, và công trình nghiên cứu của giáo sư đại học Mỹ và bậc thầy về phản kháng bất bạo động, Gene Sharp. Họ áp dụng những chiến thuật đơn giản nhưng hiệu quả: dùng điện thoại di động, khẩu hiệu và sự hài hước đường phố kiểu Monty Phython. Nhưng bí quyết của họ chính là phương pháp: đoàn kết, kế hoạch và tuân thủ bất bạo động. Dùng chiến thuật bộ ba này, họ đã đoàn kết được một nước Serbia vốn chia rẽ về chính trị để cùng nhau hợp tác cho mục tiêu chung.

Những nhà hoạt động dân chủ huyền thoại này -những người gọi mình là Otpor, tiếng Serbia nghĩa là "phản kháng"- đã qua thời sinh viên và cũng qua thời ngồi trong quán cà phê "châm chọc chính quyền". Hôm nay nhiều người trong số họ thành nghị sĩ; nhiều người khác là bộ trưởng. Nhưng một số người trong nhóm sinh viên ngày xưa ấy đã tiếp tục lập ra Trung tâm Chiến lược Bất bạo động Ứng dụng, còn thường gọi là Canvas, một tổ chức hướng dẫn các nhà hoạt động dân chủ trên khắp thế giới cách thức lật đổ thành công chế độ độc tài.

Cuộc cách mạng của lớp trẻ Serbia đã trở thành tiêu chuẩn mẫu mực cho cuộc đấu tranh ôn hoà bất bạo động. Canvas chỉ làm việc với những nhóm không có lịch sử bạo động: chẳng hạn, họ từ chối làm việc với Hamas hay Hizbollah. Nhưng họ coi Georgia, Ukraine và Maldives (nơi họ giúp các nhà bất đồng chính kiến chấm dứt 30 năm cai trị của Maumoon Abdul Gayoom) là những câu chuyện thành công, và làm việc với các nhà hoạt động dân chủ từ gần 50 quốc gia, bao gồm Iran, Zimbabwe, Miến Điện, Venezuela, Belarus và, gần đây, Tunisia và Ai Cập.

Canvas được điều hành bởi đôi bạn thân nhất từ những ngày Otpor, Srdja Popovic, 38 tuổi, và Slobodan Djinovic, 36 tuổi. Khó có ai nghĩ rằng họ là cặp bài trùng. Popovic là người cao gầy và rụt rè, được đào tạo thành nhà sinh vật học nước ngọt:"Cá mập bơi khi nó ngủ, nếu nó ngừng bơi, nó chết," anh nói."Cá mập chỉ bơi tới. Ta phải làm sao cho các cuộc cách mạng không ngừng tiến lên."

Djinovic từng là cựu cầu thủ bóng rỗ, điển trai, có bằng thạc sĩ về quan hệ quốc tế ở phân khoa Luật pháp và Ngoại giao Fletcher tại Mỹ, có vẻ tự chủ và tự tin. Anh thành lập công ty cung cấp dịch vụ internet không dây đầu tiên ở Serbia và có thể trở thành trùm Silicon Valley ở Serbia nếu anh muốn, nhưng thay vì thế anh cho phân nửa tiền kiếm được để duy trì Canvas (Nửa kia được các tổ chức phi chính phủ và Liên hiệp Quốc tài trợ.) "Tôi có thể là đại gia cỡ như thế diện côm lê, lui tới các câu lạc bộ như mong muốn của mẹ tôi và vợ, " Djinovic thổ lộ," nhưng tôi không thể như thế. Sau khi nhìn thấy và làm được điều chúng tôi đã làm."

Giống như đa phần những người thuộc thế hệ Otpor, đôi bạn lớn lên trong thời Tito thanh bình ngày xưa, thời "chủ nghĩa xã hội nhẹ" khi họ mặc quần jean xanh, uống Coca-Cola và có những chuyến du lịch sang Hy Lạp. Khi các cuộc chiến tranh khốc liệt ở Nam Tư bắt đầu vào năm 1991 họ ở vào lứa tuổi 18 và 16, độ tuổi đủ chín chắn để biết họ phải cần loại bỏ Milosevich. Ngày nay, họ muốn đem kiến thức của mình truyền bá ra khắp thế giới.

Hoài bão này được thực hiện với đội ngũ gồm "bốn người rưỡi", hàng chục giảng viên trên khắp thế giới và một văn phòng ở đường Gandhiova (theo tên Ghandi) ở đô thị Belgrade Mới. Người ngồi trong góc phòng là nhân viên Canvas vừa mới trở về sau chuyến đi đến Tunisia thu thập dữ liệu để nhằm giúp đỡ những nhà lãnh đạo mới trong thời kỳ quá độ sau Ben Ali. Djinovic đi lại trong văn phòng, vừa ăn sandwich vừa nói về việc nhắm vào các trụ cột yếu trong xã hội để giật sập các chính quyền độc tài. Có người nào đấy đang nói về Mohamed Adel, nhà hoạt động dân chủ Ai Cập thuộc tổ chức Ngày 6 tháng Tư, người đã đến Belgrade để theo học với nhóm Canvas vào năm 2009. Trong phòng có bảng trắng liệt kê những nơi họ đang nhắm đến kế tiếp, và từ đâu đó phát ra trầm lắng tiếng nhạc của băng nhạc Talking Heads.

Tưởng chừng như ta đang ở trong một quán cà phê ở Seattle chứ không ở trong văn phòng nhộn nhịp của những nhà cách mạng. Tôi hỏi họ làm thế nào họ đã báo tin từ nơi tí tẹo này đến Quảng trường Tahrir? Tại sao những người ở tận Yemen và Algeria đang nói về họ?

"Khi mọi người nghe tin những người Serbia đến," Popovic cười,"họ muốn gặp chúng tôi, họ muốn biết làm thế nào chúng tôi thành công. Chúng tôi có thể kể họ nghe những gì đã thành công đối với chúng tôi, những gì đã không thành công ở Georgia, những gì đã thành công ở Ukraine. Chúng tôi cảm thấy có trách nhiệm chia sẽ kiến thức của mình."

Anh nói đùa rằng anh thấy mình như nhân vật Frodo trong tác phẩm Chúa tể của những chiếc nhẫn: "Tôi không đòi là mình phải có chiếc Nhẫn nhưng khi tôi có nó chúng tôi phải giao nó," anh nói đùa với vẻ mặt trang nghiêm. Trong căn hộ của mình ở Belgrade, Popovic có một nơi "thờ phụng" tác giả J. R. R. Tolkien và một chiếc Nhẫn vàng tương tự móc vào sợi dây chuyền - hình tượng của anh về một thế giới dân chủ. Chiếc nhẫn nằm trong ly uống rượu bám đầy bụi dưới tấm bản đồ Middle- earth. " Tolkien có viết một câu rất hay," anh nhắp rakija, loại rượu Serb mạnh được ưa chuộng, và nói." Ngay cả những người nhỏ bé nhất cũng có thể thay đổi thế giới."

Slobodan Homen, một cựu thành viên Otpor khác mà cuộc đời đã mãi mãi thay đổi sau khi dấn thân vào phong trào, đã rời nhóm và gia nhập chính quyền đương thời dưới sự lãnh đạo của tổng thống Boris Tadic với cương vị thứ trưởng bộ tư pháp.

"À, những ngày hạnh phúc tươi sáng của Otpor," Homen cười và uống một hơi Coke Zero. Homen không giống như bất kỳ bộ trưởng nào tôi đã có dịp gặp. Anh đeo bông tai kim cương, áo sơ mi nhàu nát, không cà vạt và hút thuốc Marlboro Lights trong toà nhà công cộng mà ghi rõ ràng "Không hút thuốc" (theo luật, tiền phạt nặng). Đây chính gần như là thái độ "thách thức quyền lực" đã lật đổ Milosevich.

Vào thời ấy, chính người mẹ khá giả của Homen đã cho Otpor mượn căn hộ của bà ở trung tâm Belgrade khi phong trào thiếu sự tổ chức ban đầu phát triễn từ một nhóm nhỏ những người bạn lên đến gần 70.000 người. Luôn bị công an theo dõi và đánh đập, bọn trẻ Otpor làm việc 12 giờ mỗi ngày, và sống chủ yếu nhờ cà phê và thuốc lá.

"Mục tiêu chính của chúng tôi," Homen hồi tưởng," là phải chỉ cho dân chúng biết rằng họ có thể thay đổi chế độ. Ban đầu chúng tôi làm cho Milosevich lo sợ. Từ đấy chúng tôi tiến đến lật đổ chế độ." Họ dùng đồng thời một loạt những công cụ tiếp thị tài tình- từ lô gô nắm đấm nổi danh trước đây của Otpor giờ được dùng cho Canvas, những khẩu hiệu độc đáo của họ, những cách quảng cáo mới mẻ tân thời trên ti vi -và đến các chiến thuật đường phố, chẳng hạn vào ngày nhật thực toàn phần họ đặt một kính viễn vọng rất lớn và cho người ta thấy khuôn mặt của Milosevich cùng với khẩu hiệu " Đời y tàn rồi!"

Homen thú nhận rằng họ không bao giờ thực sự tin họ có thể thành công - nhưng họ đã thành công. "Nhờ thành công nên hôm nay tôi tin rằng trách nhiệm của chúng tôi là phải đi khắp nơi trên thế giới để khích lệ mọi người qua tấm gương của mình," Homen nói. " Nhưng tuỳ thuộc vào chế độ của mỗi nhân dân. Mỗi khu vực đều khác nhau."

Sau khi tôi rời văn phòng của Homen, tôi đi gặp người thiết kế lô gô nắm đấm. Cũng ngày hôm ấy tôi nhìn thấy trên báo bức hình chụp một người phụ nữ Ai Cập mang nắm đấm Otpo đi quanh Quảng trường Tahrir, và tôi hỏi Duda Petrovich, bây giờ 37 tuổi và cha của hai con, anh cảm tưởng ra sao khi đã tạo ra một hình ảnh mạnh mẽ như thế.

"Tôi nào có ngờ nó sẽ trở thành quan trọng đến như vậy," anh vừa nói vừa dụi tàn thuốc và đưa tay với lấy điếu khác. "Tôi vẽ nó không phải vì lý tưởng, mà vì tôi yêu cô gái trong nhóm Otpor người đã nhờ tôi vẽ." Không ai dấn thân vào cách mạng vì tiền hay danh vọng. Petrovich đã không đăng ký bản quyền thiết kế nắm đấm của anh, hiện nay hình ảnh ấy đang rao bán trên các trang mạng ở Mỹ, được in trên áo, trên ly tách, áp phích".

"Tôi làm biếng kiện cáo," anh tâm sự. "Hơn nữa tôi vẽ nó cho các bạn thân nhất của mình. Và bây giờ hình ảnh ấy được dùng để tranh đấu cho tự do. Ai đời lại đi tính tiền chuyện ấy."

Giống như những người tôi có dịp trò chuyện, Petrovich cho biết Otpor đã thay đổi đời mình." Trước đây ở Serbia mọi thứ đều thê lương u ám. Nào chiến tranh, lạm phát, nào bị trừng phạt," anh nói." Rồi bất ngờ bỗng dưng xuất hiện sinh lực này. Thật là một câu chuyện đẹp. Một câu chuyện của đời mình."

Tôi cũng nhớ những ngày chiến thắng ấy. Tôi đến phi trường Belgrade vào lúc cao điểm của các cuộc biểu tình và mở điện thoại di động. Hiện lên là tin nhắn về Milosevich -Gotov je -đời y tàn rồi. Tôi bật cười vì tôi biết tin nhắn từ bọn nhóc Otpor. Nửa giờ sau tôi nhận hơn 10 tin nhắn nữa, vẫn cùng nội dung. Gotov je.


Nhóm trẻ cũng nhận thức rằng họ có thời cơ -thường đánh dấu thời điểm xuất hiện của bất kỳ cuộc cách mạng nào. Thời cơ ấy có thể là giá dầu tăng vọt, thiên tai hay vụ ám sát khiến quần chúng do phẫn nộ mà sát cánh với nhau. Trong trường hợp của họ, Milosevich kêu gọi tổ chức bầu cử. Hàng loạt các cuộc đình công lớn diễn ra sau đó.

Sau khi họ buộc Milosevich rời bỏ quyền lực, các nhà lãnh đạo Otpor nhận được những lời kêu gọi mong được giúp đỡ từ các nhà hoạt động dân chủ ở nhiều nước khác. Nhưng cuối cùng trong vai trò đảng chính trị Otpor tàn lụi dần, nên Djinovic và Popovic quyết định thành lập Canvas, xem nó như là một tổ chức giáo dục

Công việc giảng dạy của họ như sau: các nhà hoạt động dân chủ sẽ nghe tiếng Canvas (" Đây là một thế giới nhỏ, thế giới của đấu tranh bất bạo động," một nhân viên nhận xét) và đến Belgrade. Vào năm 2009, Mohamed Adel đang hoạt động với phong trào ngày 6 tháng 4 ở Cairo, nhưng cảm thấy bế tắc. Anh đã xem cuốn băng lậu Đánh Gục Nhà độc tài, một cuốn phim tài liệu thực hiện vào năm 2001 mô tả cuộc đấu tranh của Otpor, liền liên lạc với những người Serbia. Anh theo học vài tuần ở Belgrade vào tháng Tư năm 2009, học xử dụng "biểu đồ quyền lực" (do Djinovic nghĩ ra) để tìm ra điểm yếu trong chính quyền (trong trường hợp Ai Cập, điểm yếu ấy là quân đội), làm thế nào nhắm vào truyền thông và các thể chế khác, và làm thế nào để đối phó lại bằng bất bạo động.

Khi Adel về lại Cairo, anh mang theo nhiều cuốn phim Đánh Gục Nhà độc tài kèm phụ đề tiếng Ả Rập, cùng nhiều sách giáo khoa Canvas. Rồi anh phổ biến rộng rãi ra. Ngay trước khi Mubarak sụp đổ, truyền đơn mà chủ yếu dựa theo những điều giảng dạy của Canvas được in ra ở Cairo, nội dung chính là, như Popovic chỉ ra, " kết thân với cảnh sát và duy trì sự tuân thủ bất bạo động".

"Gandhi phải mất 30 năm để lật đổ chế độ; chúng tôi mất 10 năm; người Tunisia mất một tháng rưỡi; và người Ai Cập mất 19 ngày," Popovic nói. "Đây quả thật là trận đánh thần tốc của dân chủ."

Sau đó trong ngày hôm ấy, chúng tôi đến trường đại học tổng hợp Belgrade để thăm quan phân khoa họ đang thiết lập nơi những sinh viên sau đại học có thể theo học để lấy bằng thạc sĩ về môn chiến lược và các phương pháp thay đổi xã hội bằng bất bạo động. Popovic, giáo sư thỉnh giảng ở đấy, đưa tôi đến truờng trong chiếc xe Mercedes màu xanh ngổn ngang đồ đạc mang biển số 007.

Một chị bạn kể tôi nghe chị mới đây thấy Popovic tại buổi tiệc sinh nhật của một người bạn và suốt buổi tối ở đấy anh cứ ngồi trước ti vi theo dõi các cuộc biểu tình ở Ai Cập với nụ cười nở rộng trên mặt. Anh nói với tôi một khi thành công là thành công thật sự.

Nhưng đấy là sự chọn lựa nghề nghiệp không bình thường: nhà cách mạng. Lúc bị kẹt trong dòng xe cộ dày dặc thường lệ, tôi hỏi anh tại sao anh đeo đuổi nghề cách mạng ấy, tại sao dành một phần ba của năm lặn lội đến tận những nơi xa xăm để giảng dạy những nhà hoạt động dân chủ. Là người trong gia đình có cha mẹ làm nghề báo, anh từng tâm sự khi lớn lên anh đã muốn đi vòng quanh thế giới để thực hiện những bộ phim về cá. Trái với thường lệ anh trầm tư một lát trong khi suy nghĩ câu trả lời.

"Làm việc với các nhà hoạt động dân chủ là công việc tốt đẹp nhất trên hành tinh, " anh đáp." Những người này sẵn sàng chấp nhận biết bao rủi ro -họ không nghĩ về bản thân, mà nghĩ về cuộc đời của con cái họ hay cuộc đời của những thế hệ tương lai..." Anh cắt ngang hai xe khi anh chạy vào làn đường cao tốc. " Tôi không thể nói cho chị hiểu được tôi yêu công việc này biết bao nhiêu. Thấy những người chuyển từ sợ hãi sang say mê, từ tuyệt vọng sang quyết tâm ...thật tuyệt vời."



Làm thế nào lật đổ nhà độc tài một cách ôn hoà

Năm lời khuyên của Canvas:

1. Hãy nghiên cứu kỹ: tức phân tích những trụ ủng hộ ta muốn kéo về phía ta ("những trụ" ở đây có nghĩa là những thể chế và tổ chức rất quan trọng cho sự thay đổi xã hội bằng bất bạo động)

2. Đề ra một viễn kiến rõ ràng cùng với chiến lược cho cuộc đấu tranh -đừng lắng nghe lời khuyên từ nước ngoài

3. Xây dựng sự đoàn kết trong phong trào -đoàn kết về mục đích, đoàn kết trong nhân dân, và đoàn kết trong tổ chức

4. Duy trì sự tuân thủ bất bạo động - một hành động bạo động thôi có thể lam mất đi uy tín của cuộc đấu tranh

5. Luôn luôn ở thế tấn công, hãy chọn những trận đánh ta có thể thắng và chắc chắn ta biết khi nào và làm thế nào công bố chiến thắng



Nguồn: Financial Times 18/3/2011

www.ft.com/cms/s/2/0ad005b4-5043-11e0-9ad1-00144feab49a.html