20.10.11

Guy Sorman -Tự do để Sáng tạo

Trần Quốc Việt dịch

Được rất nhiều người trong cộng đồng nghệ sĩ và trí thức ở Bắc Kinh thừa nhận và khâm phục, Lưu Hà có lẽ là nghệ sĩ nhiếp ảnh quan trọng nhất ở Trung Quốc ngày nay. Tuy nhiên, chị cũng là một nghệ sĩ bị cấm đoán. Sáu bức ảnh của chị, chụp lại ở dưới, không bao giờ được nhận giấy phép rời Trung Quốc. Bản thân Lưu Hà bị mất tích suốt từ tháng Giêng đến nay, chị bị công an quản thúc tại gia ở đâu đó tại Bắc Kinh mà không có đến một bản cáo trạng chứ đừng nói đến một vụ xử ở toà. Chẳng ai biết hiện nay chị ở đâu.

Tại sao lại kiểm duyệt đến như thế đối với những bức ảnh khá trừu tượng? Tại sao những bức ảnh này khiến chính quyền Trung Quốc rất giận dữ ? Không phải vì Lưu Hà là nhà hoạt động chính trị; giống như hầu hết các nghệ sĩ, chị ao ước tự do, nhưng chị không phải là nhà bất đồng chính kiến tích cực. Không, sự trấn áp này chỉ có một lời giải thích: Lưu Hà là vợ của Lưu Hiểu Ba. Tội duy nhất của ông là viết hiến chương - tuy một việc làm được hiến pháp Trung Quốc cho phép. Hiến chương, lưu hành trên mạng, được mấy ngàn học giả và nghệ sĩ Trung Quốc ký tên.

Khi Lưu Hà được hỏi tại sao chị xuống tóc, chị trả lời rằng chị sẽ để tóc trở lại khi Trung Quốc tự do. Chị cũng băn khoăn tại sao Phương tây không ủng hộ các nhà hoạt động dân chủ Trung Quốc như Phương tây đã từng ủng hộ các nhà bất đồng chính kiến Nga. " Chẳng lẽ chúng tôi không phải là con người sao?" chị hỏi."Hay các vị chờ đợi cho đến khi họ tiêu diệt sạch hết tất cả các nhà hoạt động dân chủ ở Trung Quốc - rồi lúc đấy mới khóc than cho chúng tôi?"

Hôm nay, cuộc triễn lãm ảnh của Lưu Hà khai mạc tại Bảo tàng Boulogne, gần Paris. Đây là lần đầu tiên các bức ảnh được triễn lãm cho công chúng xem, từ trước đến nay, chúng chỉ được xem tại nhà riêng hoặc ở căn hộ của Lưu Hà hay lưu hành trong giới thưởng thức tài tử tại Bắc Kinh. Cuộc triến lãm, dưới tên Sức mạnh lặng lẽ của Lưu Hà, nhấn mạnh sự xử dụng màu trắng và đen của người nghệ sĩ - để tỏ lòng trân trọng nghệ thuật thư pháp lâu đời, nguồn gốc của tất cả các nghệ thuật ở Trung Quốc. Trong tác phẩm của Lưu Hà, chúng ta thấy những con búp bê kỳ lạ mà chị gọi là những "em bé xấu xí" của mình đi lang thang vất vưởng như những bóng ma ở Bắc Kinh. Ý tưởng, buồn thay cuối cùng không quan trọng, là những người kiển duyệt sẽ không hoảng sợ nhiều trước những bức ảnh búp bê như trước những bức ảnh người thật. Tuy vậy, trong bức ảnh cuối cùng chúng ta được thấy Lưu Hiểu Ba.

Lưu Hà không chỉ là nghệ sĩ lớn bị trừng phạt vì không phục vụ Đảng. Cao Hành Kiện, người đoạt giải Nobel văn chương, đã phải bôn ba lưu vong nhiều năm trời và hiện sống ở Pháp. Ngãi Vị Vị, có những tác phẩm điêu khắc được triễn lãm ở New York, bị bắt giam hai tháng trong năm nay mà không một lời giải thích; ngày nay, ở Bắc Kinh, ông không được phép nói chuyện với người nước ngoài. Ta có thể tưởng đâu Đảng Cộng sản mừng vui trước sự phục hưng văn hoá Trung Quốc đang được sáng tạo bởi các nghệ sĩ được cả thế giới công nhận. Vì Đảng không mừng vui, nên kết luận rõ ràng là Đảng sợ sự sáng tạo của chính những người dân mình -một đặc điểm chung của tất cả các chế độ áp bức nhất định phải tiêu vong.


Nguồn: Tạp chí City Journal 19/10/2011

http://www.city-journal.org/2011/eon1019gs.html