29.10.12

Trần Quốc Việt-Tất cả chúng tôi phải được thấy mặt trời yêu nước!

Suốt tuần qua tôi thường nghĩ về phim Núi của Khủng long (1), phim hoạt hình Liên Xô vào năm 1967. Phim dường như ám chỉ đến việc chế độ toàn trị Xô Viết quyết tâm đè nén các quyền tự do căn bản của những công dân cá nhân trong hơn nửa thế kỷ. Có lẽ đây là "phim hoạt hình buồn nhất về khủng long từ xưa đến nay."(2)

Sự tuyệt chủng của khủng long như được thể hiện qua phim cũng là ngụ ngôn đáng sợ và đầy ám ảnh trong lòng tôi khi tưởng đến tương lai của Việt Nam.

Chiếc vòng kim cô toàn trị áp đặt lên quê hương đang cố siết chặc và đè nén hơn nữa lòng yêu nước tự nhiên của mọi người bằng những lớp tường trấn áp mỗi ngày một dày thêm được dựng lên quanh họ mà điển hình là trường hợp của nhạc sĩ Việt Khang và sinh viên Nguyễn Phưong Uyên.

Tội ác lớn nhất của chế độ toàn trị là tiêu diệt lòng yêu nước của công dân. Đây là bước cuối cùng có thể dẫn đến sự biến mất của Việt Nam trên bản đồ thế giới. Tây Tạng hôm nay có thể là Việt Nam ngày mai.

Chúng ta hãy coi phim Núi của Khủng long như là lời nhắc nhở bổn phận yêu nước thiêng liêng của tất cả chúng ta.
 
Và chúng ta sau khi xem phim xong hãy cùng hô vang: Tất cả chúng tôi phải được thấy mặt trời yêu nước!
 
 
 
 
Tôi dịch sang tiếng Việt phụ đề tiếng Anh trong phim.

Khủng long đã sống trên trái đất cách đây hàng triệu năm
 

Khủng long là những con vật hiền lành.

Sức mạnh phi thường của chúng chắc chắn khiến ai ai cũng phải nể phục.

Nhưng kỳ lạ là những con vật khổng lồ này lại nở ra từ những cái trứng
không lớn hơn trái banh bóng tròn.

Chúng ra đời như sau.

Sau khi đẻ trứng, khủng long mang trứng lên núi để gần mặt trời hơn.
 
Những tia nắng hào phóng của mặt trời làm nốt giai đoạn cuối cùng của
cuộc sinh nở lớn lao kỳ diệu ấy.

Chuyện này diễn ra như thế trong suốt hàng triệu năm.

Nhưng rồi khí hậu thay đổi.

Mỗi thế kỷ qua đi thời tiết càng trở nên xấu hơn.

Nhưng vỏ trứng có đặc tính rất lạ lùng.

Khi trời càng lạnh, vỏ trứng càng dày.

Vỏ trứng tạo ra nhiều lớp vỏ mới đắp thêm vào, để bảo vệ những con
khủng long con trước môi trường khắc nghiệt.

Rồi ngày nọ...

Bây giờ là lúc mình ra đời.

Vỏ trứng ơi!

Đã đến lúc phải ra rồi đấy.

Tại sao ông không đập vỡ vỏ trứng ra?

Ta đang bảo vệ ngươi.

Nhưng tôi phải nở ra ngay bây giờ.

Ta phải bảo vệ ngươi.

Ông đang làm gì đấy?

Ta đang tạo ra lớp vỏ mới.

Ta phải làm bổn phận của ta.

Nhưng tôi cần phải ra ngoài.

Tôi phải thấy mặt trời.

Dù mặt trời lạnh.

Làm ơn cho tôi ra ngoài.

Tôi thề. Tôi có thể thích nghi.

Tôi có thể thích nghi. Tôi có thể thích nghi!

Ta phải làm tròn bổn phận của ta.

Ta phải làm tròn bổn phận của ta.

Vỏ trứng, hãy vỡ ra!

Tôi muốn thấy mặt trời.

Tôi muốn thấy mặt trời!

Tôi muốn thấy mặt trời!

Ta phải làm tròn bổn phận của ta.

Ta phải làm tròn bổn phận của ta.

Ta phải... làm tròn... bổn phận của ta.

Đã làm tròn bổn phận.

Hãy nhìn này.

Khủng long...đã tuyệt chủng!

Tài liệu tham khảo:

1.Phim hoạt hình Liên Xô Núi của Khủng long (Mountain of Dinosaurs), đạo diễn Rasa Strautmane và kịch bản của
nhà văn Arkady Snesarev, thực hiện năm 1967.

2.Brian Switek, The Saddest Dinosaur Cartoon Ever, Tạp chí Smithsonian, 16 tháng Mười, 2012

26.10.12

Trần Quốc Việt-Khi trời tối đen ta mới thấy các vì sao








Em bị bắt vì lòng yêu nước. Hai còng số tám, hiện thân của điều luật 88, bập bất ngờ vào đôi tay non còn vương hương thơm của cha mẹ và giấy bút.

Em bị bắt vì em còn quá trẻ. Đứng trên ngưỡng cửa cuộc đời, em nhìn thấy sự thật đang mờ nhạt trong lòng rất nhiều người quanh em. Nước Việt Nam, và tương lai của thế hệ em và những thế hệ sau em đang trôi tuột dần vào hàm răng ngấu đói chờ đợi của Trung Quốc.

Em bị bắt vì mọi người quanh em không làm gì cả. Qua hành động của mình, Em muốn vẽ lên những tia chớp lẻ loi trên bầu trời xám xịt của hiện tại để mong những giọt mưa hồi sinh sẽ trở về kịp trong tương lai.

Em bị bắt vì em muốn sống và hành động theo những điều em tin. Cho nên Em cô đơn trong sa mạc của tuyệt vọng, cam phận và vô cảm.

Khi trời tối đen ta mới thấy các vì sao (1). Em là một trong các vì sao lấp lánh như muốn truyền ánh sáng mỏng manh ấy vào lòng của hàng triệu người câm lặng và cúi mặt bên dưới.

Khi trời tối đen ta không biết ta sống với ma hay với người. Vì thế tôi rất muốn gặp những kẻ ra lệnh bắt em để sờ tai họ, để sờ mũi họ xem thử họ có phải là con người hay không.(2)


(1) Lời của Ralph Waldo Emerson, nhà văn và triết gia Mỹ.
(2) Mượn ý của nhà văn Nga Alexander Solzhennitsyn trong tác phẩm "Quần đảo ngục tù "

18.10.12

Trần Quốc Việt - Ngày mai bắt đầu từ bây giờ

Cách đây độ 130 năm triết gia Đức Friedrich Nietzsche nhận xét như sau về nhà nước:

"Nhà nước là con quái vật lạnh lùng nhất trong tất cả những con quái vật lạnh lùng. Nó nói láo một cách cũng lạnh lùng; và lời nói láo này tuôn ra từ miệng nó: "Ta, nhà nước, là nhân dân." Đó là lời nói láo!... Nó mở miệng ra là nói láo - những gì nó có đều do ăn cướp. Mọi thứ về nó đều giả dối... ngay cả ruột gan của nó cũng giả dối."(1)

Lời trên có thể được dùng để nói lên bản chất của chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay.

Nhưng nếu chúng ta trách chế độ thì chúng ta cũng nên trách lại mình.

Chúng ta có thật sự muốn hưởng tự do và dân chủ như đa số nhân dân các nước khác trên thế giới? Nếu chúng ta, vì lý do nào đó, không muốn thì chúng ta không nên trách chế độ mà phải học cách sống chung với nó và chấp nhận nó như chấp nhận chiếc bóng định mệnh không may hắt lên đời mình và đời các thế hệ con cháu.

Còn nếu chúng ta muốn thì câu trả lời còn phụ thuộc vào sự tha thiết và nồng cháy của ước muốn ấy. Nếu chúng ta ước muốn tự do và dân chủ như ước muốn hạnh phúc và giàu sang thì chúng ta không nên trách chế độ khi chế độ không ban rót tự do và dân chủ trong mơ ấy. Không ai có thể phân phát hạnh phúc và giàu sang đồng đều cho mọi cá nhân. Nhưng nếu chúng ta muốn tự do và dân chủ một cách nồng cháy mãnh liệt thì chúng ta có hy vọng thấy niềm mơ ước căn bản ấy thành sự thật. Ngày mà trong lòng mỗi người trong chúng ta dậy lên niềm ước mơ cháy bỏng ấy là ngày chế độ độc tài bắt đầu cáo chung vĩnh viễn.

Và, xét cho cùng, cội nguồn của tự do và dân chủ chính là nhân phẩm. Cho nên nhân phẩm chính là mục tiêu cuối cùng cho mọi cuộc cách mạng chân chính. Từ đây câu hỏi là chúng ta có quý nhân phẩm của mình hay không.

Nhờ nhân phẩm mà chúng ta cao hơn các loài vật khác, nhưng đa số chúng ta chọn cách sống dưới ách của sự nô lệ tự nguyện để được yên thân. Nhân phẩm theo đấy co giãn thích nghi theo hoàn cảnh: nhân phẩm chúng ta cao ngất trong gia đình hay bên chén rượu nhưng xẹp rất nhanh khi ta bước vào cửa công và chẳng còn gì hết khi chúng ta oằn mình dưới làn roi và cơn mưa đấm đá trong đồn công an.

Cho nên bước đầu tiên trên con đường trở lại làm người là chúng ta phải nhận thức tất cả mọi người đều có nhân phẩm tạo hóa đã ban cho. Bước thứ hai là chúng ta phải học yêu tự do và dân chủ. Bước thứ ba là chúng ta phải có can đảm để thay đổi số phận mình và con cháu, một số phận mà về cơ bản chế độ đã an bài nếu chúng ta không làm gì cả.

Con đường này không ai có thể đi thay cho chúng ta. Thiểu số can đảm không thể tạo ra con đường này. Họ chỉ phác thảo ra con đường ấy trên bản đồ số phận chung nhưng trả giá nó bằng những năm tù đầy riêng. Phải cần hàng triệu, hàng triệu bước chân khác đi lại để tạo ra con đường tương lai như mong muốn cho mình và cho dân tộc.

Ước mơ cháy bỏng sẽ biến điều không có thành có. Vô cảm và nô lệ tự nguyện sẽ đóng dấu lên số phận tương lai mà chính là sự nối dài của hiện tại càng lúc càng không thể chấp nhận này.

Ngày mai bắt đầu từ bây giờ và tương lai bắt đầu từ những ước mơ.
 
 
(1) Friedrich Nietzsche, Thus Spoke Zarathustra, Penguin Books, 1978, bản dịch tiếng Anh của Walter Kaufmann, trang 48-49

12.10.12

Terry Teachout -Người nói Không với Hitler

Ông có thể bình an ở lại nước Đức Quốc Xã, nhưng ông ra đi để cứu tâm hồn mình. Ông thà lưu vong còn hơn mặc cả với quỷ.

Trần Quốc Việt dịch

Adolf Busch, nghệ sĩ vĩ cầm lỗi lạc nhất thế kỷ 20, giờ đây chỉ được biết đến trong giới sưu tầm đĩa nhạc cổ điển vốn trân quý những đĩa nhạc 78 vòng du dương sâu lắng mà ông đã thu âm với Rudolf Serkin, người bạn song tấu và cũng là con rể ông, và với Busch Quartet, dàn nhạc thính phòng ông đã lãnh đạo trong ba thập niên. Nhưng ta có lý do khác để nhớ về ông, lý do mà về lâu dài có thể quan trọng không kém gì âm nhạc ông đã trình diễn: tên của ông Busch đứng ngay đầu danh sách chọn lọc những nghệ sĩ Đức không chịu quỳ lạy trước Adolf Hitler. Tình cảnh cuối đời ông được mô tả chi tiết trong tác phẩm của Tully Potter "Adolf Busch: Cuộc đời của một nghệ sĩ trung thực" (nhà xuất bản Toccata Press), lần đầu tiên tiểu sử đầy đủ về nghệ sĩ vĩ cầm này được ra mắt. Đây là câu chuyện khiến ta nức lòng ngay nhưng cũng là câu chuyện khiến ta nao lòng về sau.

Tôi ngờ đa phần chúng ta đều thích nghĩ về nghệ sĩ như là những người cách biệt, giới của những người theo đuổi lý tưởng và tâm hồn họ đã trở nên cao quý nhờ tiếp xúc lâu dài với cái đẹp. Tuy nhiên, sự thật là họ cũng chỉ là con người như tất cả chúng ta, và nhiều kẻ trong họ là những kẻ cơ hội sống chỉ biết mình nên hoàn toàn chẳng muốn bận tâm đến cái ác miễn là những kẻ thủ ác để yên cho họ làm công việc của họ. Những nghệ sĩ Đức đã gần như hành xử như thế khi Quốc Xã lên nắm quyền vào năm 1939. Trong vòng chỉ vài ngày, Hitler và những tên đao phủ của y đã bắt đầu áp dụng chính sách trấn áp có hệ thống những người Do Thái gốc Đức. Rất nhiều những nghệ sĩ Do Thái, kể cả Bruno Walter, Otto Klemperer và Emanuel Feuermann, hoặc là bị buộc thôi việc hay bỏ việc để phản đối.

Trong tháng Tư, chỉ vài tuần sau khi Hitler nắm được quyền bính, Busch Quartet quyết định ngưng trình diễn ở Đức. Ông Busch cũng hủy bỏ những buổi trình diễn song tấu còn lại với ông Serkin và ra tuyên bố này:"Vì các hành động chống lại những người Do Thái gốc Đức của những đồng bào Công giáo của tôi...tôi thấy cần thiết phải hủy bỏ chuyến lưu diễn hòa nhạc của tôi ở Đức." Hành động này rất có ý nghĩa vì ông Busch là nghệ sĩ nhạc cổ điển người Đức nổi tiếng không Do Thái duy nhất đã rời nước Đức để ra nước ngoài sinh sống chủ yếu vì nguyên tắc đạo lý- và là một trong số rất ít các nghệ sĩ người Âu không Do Thái, kể cả Arturo Toscanini và Pablo Casals, quyết định ngưng trình diễn ở Đức cũng cùng lý do.

Hầu như tất cả những tên tuổi lớn trong dòng âm nhạc Áo-Đức, bao gồm Wilhelm Furtwängler, Walter Gieseking, Herbert von Karajan, Carl Orff và Richard Strauss, đều ở lại, kẻ vì họ là những người ủng hộ Hitler tích cực còn người khác vì họ nghĩ Quốc Xã sẽ lụi tàn tan biến. Ông Busch biết rõ hơn. Trong một lá thư mang tính tiên tri, ông viết, "Nhiều người trong họ tin nếu họ chỉ "hợp tác", thì những việc tàn ác và bất công vốn là cốt lõi của phong trào sẽ giảm bớt, và có thể thay đổi tốt hơn...họ không nhận thấy rằng họ chỉ có thể làm chúng diễn ra chậm lại, nhưng những việc tàn ác ấy rồi cũng sẽ xảy đến, chỉ  có lẽ hơi chậm một chút."

Nhiều người bạn thân thiết và đồng nghiệp của ông, kể cả ông Serkin và Karl Doktor, nghệ sĩ viola của Busch Quartet, là người Do Thái. Điều này phần nào quyết định đến lập trường kiên định dựa trên nguyên tắc của ông. Nhưng những người Quốc Xã, vốn ý thức sâu sắc về sức mạnh của công luận, sẵn sàng bỏ qua trước những chuyện như thế để cho những người Đức nổi tiếng không Do Thái không bỏ nước ra đi để phản đối.  Cho đến tận năm 1937 họ còn kín đáo cho ông Busch biết nếu ông quay về, chính quyền Quốc Xã cũng sẽ cho phép ông Serkin trở về theo. Ông đáp, "Nếu các ông treo cổ Hitler ở giữa, với Goering bên trái và Goebbels bên phải, tôi sẽ trở về Đức."

Khi các luật bài Do Thái lan ra trên khắp châu Âu lục địa, ông Busch phản ứng bằng cách cũng hủy bỏ các chuyến lưu diễn ở đấy, rồi cuối cùng vào năm 1939, ông, cùng với ông Serkin và các thành viên ban nhạc Busch Quartet di cư sang Mỹ. Chuyện xảy ra kế tiếp là bi kịch. Tuy ông Serkin có thể mau chóng thành danh như là nghệ sĩ độc tấu dương cầm hàng đầu, nhưng nước Mỹ vào thập niên 1940 lại có quá nhiều những nghệ sĩ vĩ cầm danh tiếng và thị hiếu về nhạc thính phòng còn hạn chế. Ông Busch tuy có thể sống lay lắt, nhưng thời vang bóng vàng son của ông đã qua. Hơn nữa, ông tuyệt vọng trước những cảnh xảy ra trên quê hương yêu dấu của mình. Như lời ông Serkin hồi tưởng vào những năm về sau, "Ông ta quá yêu nước Đức...nên khi sự ô nhục đó xảy đến, ông cảm thấy dù sao cũng có phần trách nhiệm. Tôi nghĩ giá như ông là người Do Thái chắc đời ông sẽ thanh thản hơn." Ông qua đời trong cảnh buồn phiền và thất vọng.

Câu chuyện của ông Busch có khích lệ lòng bạn? Nếu vậy, thì bạn hãy thử hỏi lòng mình: bạn có sẵn sàng chịu bao nhiêu điều bất tiện về vấn đề nguyên tắc đạo lý? Bạn có ký vào kiến nghị? Bạn có giúp bạn hữu đang bị trấn áp truy bức? Bạn có hy sinh nghề nghiệp mình? Hay bạn chỉ cúi đầu xuống mà hy vọng đồng bào bạn rồi chẳng sớm thì muộn cũng sẽ tỉnh ngộ? Adolf Busch đã trả giá quá đắt cho niềm tin của mình. Tất nhiên ông đã làm điều phải- thế còn bạn thì sao?

Nguồn: Wall Street Journal ngày 10/12/2012
http://online.wsj.com/article/SB10001424052748703296604576005193516575586.html

6.10.12

Akhil Reed Amar-Dân chủ can trường

Cách đây 225 năm, Hiến pháp Hoa Kỳ đã khai sinh kỷ nguyên mới trong lịch sử con người


Trần Quốc Việt dịch


16 tháng Chín, 2012

Thứ hai này đánh dấu 225 năm ngày mở ra bước ngoặt của thế giới- nền tảng lịch sử con người hiện đại.

Vào ngày 16 tháng Chín, 1787, vua, sa hoàng, hồi vương, hoàng thân, hoàng đế, đại hãn, lãnh chúa và tù trưởng thống trị gần như trên toàn các đại lục và dân số của Trái Đất. Chinh chiến và đói kém là chuyện bình thường. Những chuyện như thế đã diễn ra suốt tự bao đời. Các thể chế dân chủ đã tồn tại ở vài nhà nước-thành phố Hy Lạp và Ý xưa, nhưng đa phần những nhà nước cộng hòa trên phạm vi nhỏ này đã lụi tàn từ lâu trước Cách mạng Mỹ. Dù Anh đã có Hạ Viện và hệ thống bồi thẩm có sự tham gia rộng rãi của toàn dân, nhưng vua và quý tộc Anh vẫn nắm giữ quyền lực rất lớn theo kiểu gia truyền. Một số nhỏ điền chủ Thụy sĩ tự quản trị, và nhà nước cộng hòa Hòa Lan đã đến thời kỳ cuối cùng. Vào thời ấy dân chủ trên thế giới chỉ có thế.

Ngày nay, khoảng độ nửa hành tinh sống dưới thể chế dân chủ nào đấy. Điều gì đã ngẫu nhiên tạo ra sự biến đổi bất ngờ và ngoạn mục trên toàn cầu?

Chuyện là như thế này. Sau một thời gian dài họp kín ở Philadelphia một nhóm nhỏ những người Mỹ danh tiếng đã công bố một đề nghị táo bạo vào ngày 17 tháng Chín, 1787. Bản đề nghị này, được George Washington, Benjamin Franklin và 37 chính khách hàng đầu khác cùng ký, mở đầu như sau:"Chúng tôi Nhân Dân Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ...quyết định ban hành Hiến Pháp này cho Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ."

Tất nhiên, vào ngày 17 tháng Chín năm ấy, chưa có gì được quyết định hay ban hành. Đề nghị ấy chỉ là tờ giấy. Nhưng những gì đã diễn ra trong suốt năm sau đó, tại các cuộc bầu cử đặc biệt được tổ chức ở tất cả các tiểu bang, đã biến lời mở đầu ấy thành sự thật: Chính chúng tôi, Nhân Dân Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ,  đã thực sự quyết định và ban hành đề nghị ngày 17 tháng Chín.

Đây là tin chấn động trên trường thế giới. Trước cuộc Cách mạng Mỹ, chưa từng có chế độ nào trong lịch sử-không phải Athens cổ đại, không phải La Mã cộng hòa, không phải Florence cũng không phải Thụy Sĩ cũng không phải Hòa Lan cũng không phải Anh-đã thông qua thành công văn bản hiến pháp bằng cuộc phổ thông đầu phiếu đặc biệt.

Nước Mỹ vào năm 1776 cũng không được như vậy. Tuyên ngôn Độc lập được thông qua không phải bằng phổ thông đầu phiếu, và tất cả các hiến pháp tiểu bang được thông qua vào năm đó cũng không phải bằng phổ thông đầu phiếu. Năm 1780, nhân dân Massachusetts đã ban hành bản hiến pháp tiểu bang dựa trên cuộc phổ thông đầu phiếu đặc biệt, rồi đến năm 1784, New Hampshire làm theo. Vào ngày 17 tháng Chín, 1787 bản Hiến Pháp Hòa Kỳ được đề xuất đã nâng ý tưởng mới này lên theo tỷ lệ tương xứng, mời những người Mỹ trên khắp nước xem xét kỹ lưỡng và bỏ phiếu về cách họ và con cháu họ nên được trị vì.

Trong một loạt những cuộc bỏ phiếu đặc biệt chưa từng có này, hầu hết các tiểu bang đều giảm hay bỏ các yêu cầu bình thường về tài sản. Chưa bao giờ trong lịch sử loài người lại có rất nhiều người có cơ hội bỏ phiếu về những nguyên tắc hoạt động căn bản của xã hội.

Đúng ra, xét theo tiêu chuẩn của năm 2012, những cuộc bầu cử phê chuẩn hiến pháp năm 1787-88 có vẻ không đầy đủ: thế còn phụ nữ và nô lệ thì sao? Nhưng phụ nữ và nô lệ đã chưa từng bao giờ bỏ phiếu ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới vào trước năm 1787. Xét theo tiêu chuẩn thời đó, mức độ tham gia gia dân chủ là phi thường- làm thay đổi cả xã hội.

Mức độ sâu sắc của sự tham gia dân chủ lại càng phi thường không kém. Trong những cuộc bầu cử phê chuẩn hiến pháp năm 1787-88, khắp nơi trên nước Mỹ mọi ngưòi đều bàn bạc rất tự do. Cả người ủng hộ lẫn kẻ phản đối dự thảo hiến pháp tháng Chín ai ai cũng tự do bày tỏ ý kiến mà hầu như chẳng sợ bị truy bức về pháp lý hay chính trị. Những người đứng đầu ở cả hai phe trong cuộc Đại Tranh luận trong năm 1787-88 về sau được giữ những chức vụ rất vinh dự-như những tổng thống, phó tổng thống và chánh án Tòa án Tối cao- dưới chế độ mới.

Cuộc thảo luận ở nước Mỹ vào năm 1776 ít công khai hơn. Chiến tranh đã bắt đầu từ lâu trước khi độc lập được tuyên bố, và hầu như tất cả những ai chống lại độc lập vào năm 1776 đều bị lâm vào cảnh lưu vong chính trị. Về sau hầu như chẳng có ai trong số họ từng giữ được bất kỳ chức vụ đáng chú ý nào trong chính quyền Mỹ.

Ngay sau khi nhân dân tập hợp lại trong năm 1787-88 để tuyên bố "Đồng ý, chúng tôi phê chuẩn," nhân dân Mỹ đã tạo ra Bộ Luật Dân Quyền (Bill of Rights) để sửa những khiếm khuyết trong bản Hiến Pháp ban đầu. Thực ra, bộ luật này có sự đóng góp ý kiến của chính nhân dân. Cho nên không có gì lạ, nhóm từ xuất hiện thường xuyên nhất trong Bộ Luật Dân Quyền là nhóm từ "nhân dân". Về sau các tu chính án hiến pháp tiếp tục đà dân chủ này, thường xuyên mở rộng nhưng hầu như không bao giờ giới hạn tự do và bình đẳng, và rồi cuối cùng hoan nghênh những người da đen, phụ nữ, thanh niên và những người Mỹ không có tài sản như là những người tham gia dân chủ bình đẳng.

Tóm lại, đà dân chủ phi thường được tạo ra từ lá phiếu và tiếng nói của nhân dân trong năm 1787-88 đã tiếp tục đẩy nước Mỹ tiến lên trong suốt những thập niên và những thế kỷ sau đó.

Và không chỉ nước Mỹ. Thế giới ngày nay càng dân chủ hơn bao giờ hết, phần lớn nhờ sự thành công về ý thức hệ, kinh tế và quân sự của Hoa Kỳ, điều này chứng tỏ rằng dân chủ có thể thành công trên phạm vi địa lý và dân số mà trước đây con người không bao giờ tưởng có thể xảy ra.

Tại sao chúng ta quan tâm đến sự lan truyền của dân chủ? Trước tiên, bởi vì không có nền dân chủ lâu đời đáng kính trọng nào trong kỷ nguyên hiện đại lại chuyển sang chế độ độc tài. Các nền dân chủ chín chắn hiện đại đều không tiến hành chiến tranh chống lại lẫn nhau hay trải qua nạn đói trầm trọng.

Thế giới vẫn còn non trẻ này, thực sự, đã ra đời ở Hoa Kỳ, và cuộc sinh thành kỳ diệu này đã bắt đầu đúng cách đây 225 năm. Chúc mừng Sinh nhật, nước Mỹ. Chúc mừng Sinh nhật, thế giới.

Akhil Reed Amar dạy luật và chính trị ở Yale

Nguồn:  Los Angeles Times 16/9/2012
http://www.latimes.com/news/opinion/commentary/la-oe-amar-constitution-20120916,0,1570670.story