Cách đây độ 130 năm triết gia Đức Friedrich
Nietzsche nhận xét như sau về nhà nước:
"Nhà nước là con quái vật lạnh lùng nhất
trong tất cả những con quái vật lạnh lùng. Nó nói láo một cách cũng lạnh lùng;
và lời nói láo này tuôn ra từ miệng nó: "Ta, nhà nước, là nhân dân." Đó là lời
nói láo!... Nó mở miệng ra là nói láo - những gì nó có đều do ăn cướp. Mọi thứ
về nó đều giả dối... ngay cả ruột gan của nó cũng giả dối."(1)
Lời trên có thể được dùng để nói lên bản chất
của chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay.
Nhưng nếu chúng ta trách chế độ thì chúng ta
cũng nên trách lại mình.
Chúng ta có thật sự muốn hưởng tự do và dân chủ như đa số nhân dân các nước khác trên thế giới? Nếu chúng ta, vì lý do nào đó, không muốn thì chúng ta không nên trách chế độ mà phải học cách sống chung với nó và chấp nhận nó như chấp nhận chiếc bóng định mệnh không may hắt lên đời mình và đời các thế hệ con cháu.
Còn nếu chúng ta muốn thì câu trả lời còn phụ
thuộc vào sự tha thiết và nồng cháy của ước muốn ấy. Nếu chúng ta ước muốn tự do
và dân chủ như ước muốn hạnh phúc và giàu sang thì chúng ta không nên trách chế
độ khi chế độ không ban rót tự do và dân chủ trong mơ ấy. Không ai có thể phân
phát hạnh phúc và giàu sang đồng đều cho mọi cá nhân. Nhưng nếu chúng ta muốn tự
do và dân chủ một cách nồng cháy mãnh liệt thì chúng ta có hy vọng thấy niềm mơ
ước căn bản ấy thành sự thật. Ngày mà trong lòng mỗi người trong chúng ta dậy
lên niềm ước mơ cháy bỏng ấy là ngày chế độ độc tài bắt đầu cáo chung vĩnh
viễn.
Và, xét cho cùng, cội nguồn của tự do và dân
chủ chính là nhân phẩm. Cho nên nhân phẩm chính là mục tiêu cuối cùng cho mọi
cuộc cách mạng chân chính. Từ đây câu hỏi là chúng ta có quý nhân phẩm của mình
hay không.
Nhờ nhân phẩm mà chúng ta cao hơn các loài vật
khác, nhưng đa số chúng ta chọn cách sống dưới ách của sự nô lệ tự nguyện để
được yên thân. Nhân phẩm theo đấy co giãn thích nghi theo hoàn cảnh: nhân phẩm
chúng ta cao ngất trong gia đình hay bên chén rượu nhưng xẹp rất nhanh khi ta
bước vào cửa công và chẳng còn gì hết khi chúng ta oằn mình dưới làn roi và cơn
mưa đấm đá trong đồn công an.
Cho nên bước đầu tiên trên con đường trở lại
làm người là chúng ta phải nhận thức tất cả mọi người đều có nhân phẩm tạo hóa
đã ban cho. Bước thứ hai là chúng ta phải học yêu tự do và dân chủ. Bước thứ ba
là chúng ta phải có can đảm để thay đổi số phận mình và con cháu, một số phận mà
về cơ bản chế độ đã an bài nếu chúng ta không làm gì cả.
Con đường này không ai có thể đi thay cho chúng
ta. Thiểu số can đảm không thể tạo ra con đường này. Họ chỉ phác thảo ra con
đường ấy trên bản đồ số phận chung nhưng trả giá nó bằng những năm tù đầy riêng.
Phải cần hàng triệu, hàng triệu bước chân khác đi lại để tạo ra con đường tương
lai như mong muốn cho mình và cho dân tộc.
Ước mơ cháy bỏng sẽ biến điều không có thành
có. Vô cảm và nô lệ tự nguyện sẽ đóng dấu lên số phận tương lai mà chính là sự
nối dài của hiện tại càng lúc càng không thể chấp nhận này.
Ngày mai bắt đầu từ bây giờ và tương lai bắt
đầu từ những ước mơ.
(1) Friedrich Nietzsche, Thus Spoke Zarathustra, Penguin Books, 1978, bản dịch
tiếng Anh của Walter Kaufmann, trang 48-49