13.12.12

Trần Quốc Việt -Chính nghĩa Ác

Trong bài phỏng vấn dành cho trang mạng BBC được đăng vào ngày hôm qua, nhạc sĩ Tôn Thất Lập nói về chính quyền Việt Nam Cộng Hòa như sau:

"BBC: Có vẻ chính quyền Sài Gòn ít thuyết phục người dân đi theo đường lối của họ, trong khi ở miền Bắc lại dùng âm nhạc tuyên truyền nhiều hơn, trực tiếp hơn, ông nghĩ sao?
Tôn Thất Lập: Chính quyền Sài Gòn cũng dùng âm nhạc, dùng đủ thứ hết, nhưng vì họ không có chính nghĩa, cho nên họ nói và cuối cùng người ta thấy đây là cái tổ chức đi ngược lại đường lối của dân tộc. Người ta không nghe."

Trước đấy vào tháng Sáu năm 2009 ông Nguyễn Minh Triết khẳng định trong một bài phát biểu rằng "chúng ta có chánh nghĩa sáng ngời."

Vâng, nhờ chính nghĩa ấy nên hàng trăm ngàn người dân miền Nam hăng hái vượt biển trên những chiếc thuyền mỏng manh. Từ đấy ngôn ngữ thế giới có thêm từ mới- thuyền nhân.

Vâng, nhờ chính nghĩa ấy Việt Nam thành nhà tù, và người dân là những nô lệ, hay còn thua cả nô lệ nữa.

Vâng, nhờ chính nghĩa ấy thế giới mới xem được cảnh hàng chục thiếu nữ Việt Nam sẵn sàng uốn éo, phô ra thân thể trần truồng cho vài người Nam Hàn xem để chọn vợ. Những nô lệ da đen ngày xưa bị bày bán ở chợ còn sung sướng hơn những thiếu nữ này nhiều. Ít ra những nô lệ ấy không phải trần truồng hoàn toàn như thế. Đạo đức, danh dự, hổ thẹn được tinh lọc qua hàng ngàn năm tiến hóa đã chết một sớm một chiều từ ngày chính nghĩa ấy ngự trị trên cả nước.

Vâng, nhờ chính nghĩa ấy nên thế giới ganh tỵ vì nhân dân họ không được phép ghi độc lập, tự do, hạnh phúc trên mỗi tờ đơn và nhân dân họ cũng không được phép đến đồn công an để được tự tử như ở ta.

Vâng, nhờ chính nghĩa ấy văn hóa Việt Nam tiêu vong, đạo đức bật gốc, con người vô cảm, xã hội thối nát.

Vâng, nhờ chính nghĩa ấy người Việt Nam giờ không biết "Việt Nam còn hay đã mất" như lời nhạc của nhạc sĩ Việt Khang .

Tôi không phán xét các ông. Tôi chỉ xin các ông một điều:

Chính nghĩa ấy là chỉ của riêng các ông, đừng lôi nhân dân và dân tộc vào chung bàn với mình để dự bữa tiệc máu các ông đã bày ra trong bóng tối lịch sử.

Ngày tôi nghe ông Lập nói về "chính nghĩa" là ngày tôi nghĩ nhiều về lời thơ của Lê Đạt:

"Những kiếp người sống lâu trăm tuổi
Y như một dãy bình vôi
Càng sống càng tồi
Càng sống càng bé lại
."

Và lòng thấy buồn cho những kiếp ve bốn mùa chỉ kêu rỉ ra không ngừng hai từ "chính nghĩa" trong một khu vườn không còn hoa, gió, mưa, và bướm. Nơi ấy chỉ còn lại những cây khô giống như giáo, mác đâm tua tủa lên bầu trời đen kịt.