Trần Quốc Việt dịch
Cách đây ba mươi năm, vào ngày 31 tháng Tám năm 1980, một người thợ điện tên Lech Walesa ký Hiệp ước Gdansk, chấm dứt cuộc đình công kéo dài hai tuần ở nhà máy đóng tàu Lenin tại thành phố Hanseatic. Walesa ký bằng cây bút lưu niệm rất lớn có in hình chân dung Đức Giáo hoàng John Paul II. Chọn bút không phải là ngẫu nhiên như những người cộng sản chắc hẳn đã nói. Cũng không phải ngẫu nhiên là cuộc cách mạng đặc trưng đã diễn ra theo sau Hiệp ước Gdansk được hình thành sau hai tuần đầy kịch tính trên bờ biển Baltic của Ba Lan.
Hiệp ước là gạch nối quan trọng giữa chuyến hành hương Ba Lan của Đức Giáo hoàng John Paul vào tháng Sáu năm 1989 và thắng lợi của "Công đoàn Đoàn kết Độc lập Tự quản" vào tháng Chín năm 1980. Mười bốn tháng trước cuộc đình công, Đức Giáo hoàng John Paul đã châm ngòi cho một cuộc cách mạng lương tâm khích lệ biết bao nhiêu người hãy "sống trong sự thật," hãy sống "như thể" họ tự do- như khẳng định qua những lời tâm niệm đương thời. " Sống trong sự thật " đã cho Hiệp ước Gdansk một tố chất đặc biệt, từ đấy dẫn đến hiện tượng chính trị và xã hội độc đáo tức Công đoàn Đoàn kết.
Bất ổn lao động từng diễn ra ở Ba Lan vào những năm 1953, 1956, 1968, và 1970. Trong mỗi trường hợp, chế độ cộng sản Ba Lan đều trấn an công nhân (những nguời mà những người cộng sản này đã mặc nhiên cai trị nhân danh họ) bằng một loạt biện pháp tổng hợp từ chiến thuật chia để trị, mua chuộc kinh tế (thường liên quan đến giá cả thực phẩm), đến trấn áp. Năm 1980 lại khác, và sự khác biệt làm năm 1980 khác với những năm trước chính là sự khác biệt Đức Giáo hoàng - một sự khác biệt về đạo lý.
Tôi cố gắng thể hiện sự khác biệt ấy trong tác phẩm " Kết thúc và Khởi đầu: Đức Giáo hoàng Paul John II- Chiến thắng của Tự do, Những Năm Cuối Cùng, Di sản " sẽ được nhà xuất bản Doubleday phát hành vào ngày 14 tháng Chín:
"Sự khác biệt đạo lý này tự thể hiện rõ hầu như ngay tức thì khi cuộc đình công ở nhà máy Gdansk nổ ra vào ngày 14 tháng Tám năm 1980. Đây là một cuộc đình công nghề nghiệp, qua đó công nhân chiếm lĩnh toàn bộ tổ hợp nhà máy, như thế tạo ra một ốc đảo không gian tự do trong hệ thống toàn trị. Công nhân duy trì chế độ kỷ luật nghiêm ngặt nhờ cấm tuyệt đối rượu trong nhà máy. Người ta dễ dàng cảm nhận bầu không khí tôn giáo trang nghiêm như được biểu lộ công khai qua các buổi Thánh lễ và xưng tội ngoài trời. Xét theo quan điểm của những gì diễn ra sau đó, điều quan trọng nhất có lẽ là, do nhờ được chính Đức Giáo hoàng khai tâm ý nghĩa cao quý hơn về nhân phẩm làm người, các công nhân đã từ chối chấp nhận nhiều nhượng bộ kinh tế chế độ vội vã đưa ra.
Thế là vào đêm 16 rạng ngày 17 tháng Tám, Uỷ ban Đình công Liên Nhà máy (MKS) được thành lập để công bố một loạt những đòi hỏi bao quát hơn, bao gồm việc thành lập các tổ chức công đoàn độc lập tự quản... Danh sách "21 Điểm " nổi tiếng được chủ tịch đoàn MKS đồng ý... đã nhấn mạnh đến sự thay đổi kinh tế nhưng vẫn bao gồm đầy đủ các đòi hỏi nhân quyền cơ bản, đề cập cụ thể đến nhiều quyền trong đó có quyền tự do ngôn luận, quền tự do báo chí, và chấm dứt kỳ thị chống lại những tín hữu của "tất cả các tôn giáo" trong việc tiếp cận truyền thông. Như thế các mục tiêu của phong trào đối kháng được mở rộng sâu sắc hơn; như lời của một nhà thơ-công nhân diễn tả vài tháng sau đó, " Đã qua rồi những thời / Khi họ bịt miệng chúng ta bằng xúc xích."
Con đường đấy sóng gió Công đoàn Đoàn kết trải qua chín năm sau đó đã mở đường cho cuộc Cách Mạng năm 1989, sự sụp đổ (đa phần bất bạo động) của chủ nghĩa cộng sản Châu Âu, và cái chết của Liên Xô năm 1991. Có biết bao vô vàn tranh cãi khi Walesa và lãnh đạo Công đoàn Đoàn kết phải vật lộn với bao sóng gió tất yếu của công đoàn mới mà cũng là một phong trào xã hội quần chúng và là lực lượng đối lập chính trị không chính thức - trong một xã hội nơi đảng cộng sản và bộ máy cai trị nhà nước do Đảng kiểm soát đã ra sức chiếm lĩnh từng tấc không gian xã hội còn sót lại.
Chính nhờ Nhà thờ Công giáo trong suốt 35 năm duy trì bền bỉ sự độc lập của mình trong môi trường chính trị và xã hội nghẹt thở này đã góp phần tạo ra Công đoàn Đoàn kết; sự độc lập của Nhà thờ cũng giúp tạo ra một không gian được bảo vệ nơi phong trào có thể tiếp tục tồn tại sau khi Công đoàn Đoàn kết bị giải tán dưới chế độ thiết quân luật bị áp đặt trên Ba Lan vào ngày 13 tháng Chạp năm 1981.
Suốt trong thời kỳ hào hùng của mình, Công đoàn Đoàn kết là sự hài hoà độc đáo giữa niềm tin trí thức và niềm tin đạo lý, nhận thức đúng đắn về kinh tế, sáng suốt về chính trị, và can đảm của cá nhân, tất cả điều này được hình thành nhờ học thuyết xã hội của Nhà thờ Công giáo và nhờ chứng nhân cá nhân của đức John Paul II. Gương sáng của Công đoàn Đoàn kết nên khích lệ những người tự do, và những ai khao khát tự do, ở khắp mọi nơi.
Nguồn: Tạp chí First Things số ngày 1 tháng 9 năm 2010
www.firstthings.com/onthesquare/2010/09/the-solidarity-difference
Bản tiếng Việt © 2010 Trần Quốc Việt
Bản tiếng Việt © 2010 danlambao