2.10.10

ALEXANDER SOLZHENITSYN- NHỮNG NGƯỜI THUA NẶNG TRONG THẾ CHIẾN THỨ BA

talawas – Bài viết sau đây của Alexander Solzhenitsyn, đăng trên New York Times ngày 22/6/1975, không lâu sau khi ông phải dời bỏ Liên Xô sang tị nạn tại phương Tây, cho thấy cái nhìn khá bi quan và quan điểm không khoan nhượng của ông về sai lầm và trách nhiệm của phương Tây trước hiện trạng chính trị thế giới thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Việt Nam được nhiều lần nhắc đến trong bài viết này. Xin giới thiệu cùng độc giả.

________________

Trần Quốc Việt dịch

Paris - Khi Thế Chiến Thứ Nhất theo sát gót Thế Chiến Thứ Hai, câu hỏi ám ảnh mọi người là liệu Thế Chiến Thứ Ba có diễn ra tiếp theo. Bao nhiêu nhượng bộ và hy sinh người ta đã chấp nhận để trì hoãn cuộc thế chiến tương lai ấy, trong niềm mong mỏi may ra hoàn toàn tránh được nó?

Nhưng rất ít người chú ý, hay có can đảm thừa nhận, rằng Thế Chiến Thứ Ba đã diễn ra từ lâu và nó đã thành lịch sử rồi. Cuộc thế chiến ấy đã kết thúc trong năm nay với việc Thế Giới Tự Do bị thua nặng.

Thế Chiến Thứ Ba đã bắt đầu ngay theo sau Thế Chiến Thứ Hai: những hạt giống đã được gieo khi cuộc chiến tranh ấy vừa chấm dứt, và thế chiến mới đã xuất hiện lần đầu tiên ở ở Yalta năm 1945, khi những cây bút hèn nhát Roosevelt và Churchill, muốn mừng chiến thắng của họ bằng một loạt nhượng bộ, đã ký giao đứt Estonia, Latvia, Lithuania, Moldavia, Mongolia, đã kết án tử hình hay lưu đày hàng triệu công dân Xô Viết đến các trại tập trung, đã tạo ra Hội đồng Liên hiệp quốc bất tài, rồi cuối cùng bỏ rơi Nam Tư, Albania, Ba Lan, Bulgaria, Rumania, Tiệp Khắc, Hungary và Đông Đức.

Thế Chiến Thứ Ba đã mở đầu khác với hai cuộc thế chiến trước, không phải bằng trao đổi thư từ cắt đứt quan hệ, hay tấn công ồ ạt bằng máy bay. Thế Chiến Thứ Ba đã mở đầu một cách lén lút; nó luồn vào thế giới dưới những cái tên khác nhau: thay đổi “dân chủ” được 100 phần trăm dân chúng tán thành; Chiến tranh Lạnh; cùng tồn tại hoà bình; bình thường hoá quan hệ; chính trị thực tế; hoà hoãn, hay các hiệp ước thương mại chỉ có lợi cho kẻ xâm lăng. Nhằm tránh cái tên Thế Chiến Thứ Ba bằng mọi giá, phương Tây đã chuẩn y nó, để mặc cho nó tàn phá và nô lệ hai mươi nước, và để mặc cho nó thay đổi diện mạo trái đất.

Khi xem xét cẩn thận, ta thấy ba mươi năm qua là sự suy tàn kéo dài, tuy gập ghềnh, của phương Tây – chỉ trượt dài, chỉ lao xuống, chỉ bạc nhược và sa đoạ. Trong suốt ba mươi năm hoà bình này các cường quốc thắng trận trong hai cuộc thế chiến đầu tiên đã chỉ toàn hướng đến sự yếu đuối, khi bỏ rơi đồng minh thực sự hay tương lai, khi làm tiêu tan đi sự khả tín của mình, khi từ bỏ bao lãnh thổ và dân số cho một kẻ thù không thể nào xoa dịu được: từ Trung Quốc bao la đông dân, đồng minh quan trọng nhất của họ trong Thế Chiến Thứ Hai, đến Bắc Hàn, Cuba, Bắc Việt Nam, và giờ đến Nam Việt Nam và Cambodia; Lào cũng sắp mất nốt; Thái Lan, Nam Hàn hiện bị đe doạ; Bồ Đào Nha đang lao xuống cùng vực thẳm. Phần Lan và Áo cam chịu đợi chờ số phận của họ, bất lực để bảo vệ mình và rõ ràng không có lý do gì để trông mong sự giúp đỡ từ nước ngoài.

Cũng chẳng thể nào kể ra hết tất cả các nước nhỏ ở Châu Phi và Ả Rập đã trở thành những chính quyền bù nhìn của chế độ cộng sản, cũng như rất nhiều nước khác, ngay cả tại Châu Âu, phải quy phục để tồn tại. Còn Liên hiệp quốc, một sự thất bại hoàn toàn, một thể chế dân chủ tồi tệ nhất trên thế giới, món đồ chơi vô trách nhiệm, đã trở thành diễn đàn để từ đấy chế giễu phương Tây, qua đó phản ánh sự sụp đổ quyền lực đớn đau của nó.

Vì thế, nếu những người chiến thắng bị biến thành những kẻ chiến bại khi giao nộp nhiều nước và nhiều dân tộc với số lượng còn hơn cả số luợng phải giao theo sau bất kỳ cuộc đầu hàng quân sự nào trong lịch sử, thì chẳng phải là hoa mỹ khi nói rằng Thế Chiến Thứ Ba đã diễn ra rồi và kết cục phương Tây bại trận.

Ngày nay, khi trận đánh kéo dài nhất và gay cấn nhất trong cuộc chiến tranh này, trận đánh Việt Nam, kết thúc đầy bi kịch bằng sự sát hại hàng ngàn người và giam cầm hàng triệu người khác, chúng ta vắt óc để tìm ra một cách vô vọng những lần khi phương Tây giữ vững được chiến tuyến của mình trong suốt ba mươi năm vừa qua.

Quả thật chúng ta có thể kể ra ba lần: Hy Lạp năm 1947, Tây Berlin năm 1948, và Nam Hàn năm 1950. Ba trường hợp này đã khích lệ lòng tin và hy vọng ở phương Tây. Nhưng hãy xem lại chúng trong bối cảnh hiện nay: trong ba nơi này liệu có nơi nào hôm nay có đủ sức mạnh để chống lại ách nô lệ? Ai sẽ bảo vệ họ khi họ bị đe doạ? Thượng viện nào sẽ phê chuẩn gởi vũ khí và viện trợ? Ai sẽ không thích sự thanh bình hơn tự do của họ? Phải chăng Liên minh Đại Tây Dương, sau khi đã mất bốn nước rồi, vẫn còn tồn tại? Khi Israel dũng cảm bảo vệ mình nhờ vào sự đoàn kết kiên cường, thì Châu Âu lại đầu hàng, hết nước này đến nước khác, trước sự đe dọa ít có dịp lái xe đưa gia đình đi chơi hơn vào những chiều Chủ Nhật.

Hai hay ba thập niên vinh quang của kiểu cùng tồn tại hoà bình này và chính khái niệm phương Tây rồi sẽ hoàn toàn biến mất.

Thế Chiến Thứ Ba diễn ra nhanh không ngờ tại nơi dễ tổn thương nhất của phương Tây, tức ao ước của con người muốn kéo dài sự thịnh vượng với cái giá của những nhượng bộ hão huyền. Điều này giải thích niềm hân hoan được thể hiện mỗi lần ký hiệp ước mới (như thể bất kỳ hiệp ước nào cũng luôn luôn được Liên Xô tôn trọng ngoại trừ khi nó phục vụ mục đích của họ.) Chẳng bao lâu, tại cuộc hội nghị an ninh 35 quốc gia Châu Âu, các nước Tây Âu sẽ xác nhận thân phận nô lệ mới của các nước huynh đệ ở phương Đông, trong khi đó vẫn tin tưởng họ đang tạo viễn cảnh xán lạn cho hoà bình.

Tôi đã mô tả hoàn cảnh mà người bình thường tại các nước phương Đông từ Poznan đến Quảng Đông ai cũng thấy rõ. Nhưng tinh thần phương Tây cần phải cứng rắn hơn rất nhiều và đôi mắt phương Tây đặc biệt phải cần tinh tường hơn để nhìn thấy và chấp nhận bằng chứng về sự khích động bạo lực và đổ máu có bài bản, liên tục, thành công trên khắp thế giới xuất phát từ một nguồn trong gần sáu mươi năm.

Họ chỉ cần xem bản đồ thế giới để thấy những nước nào đã bị đánh dấu sẵn cho cơn thảm sát kế tiếp.

Tất nhiên, không ai có quyền buộc phương Tây gánh vác trách nhiệm bảo vệ Malaysia, Indonesia, Đài Loan hay Phillipines; cũng không ai dám trách phương Tây không muốn làm như thế. Nhưng đối với những người trai trẻ đã từ chối chịu đựng đau đớn và gian nan của cuộc chiến tranh xa xăm tại Việt Nam, họ – chứ không phải con họ – phải đứng lên bảo vệ nước Mỹ trước khi họ qua độ tuổi quân dịch. Song đến lúc ấy đã quá muộn.

Giờ chẳng ích gì để hỏi làm sao ngăn ngừa Thế Chiến Thứ Ba. Chúng ta phải có can đảm và sáng suốt để chặn Thế Chiến Thứ Tư. Chúng ta phải chặn nó lại; chứ không phải quỳ xuống khi nó đến.

Nguồn: New York Times, số ra ngày 22 tháng Sáu năm 1975. Leonard Mayhew dịch sang tiếng Anh. http://graphics8.nytimes.com/packages/pdf/oped40/CONFLICTSolzhenitzyn.pdf

Bản tiếng Việt © 2010 Trần Quốc Việt

Bản tiếng Việt © 2010 talawas