Trần Quốc Việt dịch
Lời người dịch: Leszek Kolakowsi (1927-2009) là một triết gia Ba Lan nổi tiếng thế giới, có ảnh hưởng rất lớn đến phong trào phản kháng ở Đông Âu, đặc biệt tại Ba Lan. Ông bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Ba Lan năm 1966 và bị cấm dạy tại Đại học Warsaw năm 1968, sau khi ông phê phán chủ nghĩa Stalin qua các bài viết được lưu hành bí mật. Từ đó ông bắt đầu cuộc đời lưu vong, và lần luợt giảng dạy tại các đại học như Berkeley, Yale, Chicago, và cuối cùng Oxford. Trong năm thập niên, ông viết hơn 30 cuốn sách, chủ yếu về triết học, nổi bật nhất và có tầm ảnh hưởng lớn nhất là bộ sách 3 tập, Main Currents of Marxism: Its Rise, Growth and Dissolution (1976). Tác phẩm này là “giấy khai tử” về trí thức của tư tưởng Mác-xít viết ra 13 năm trước khi chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu đi vào nghĩa trang lịch sử năm 1989. Các nhà lãnh đạo phong đoàn Công đoàn Đoàn kết tranh đấu bền bỉ dựa trên các tư tưởng chống Mác-xít của ông. Ông nhận được rất nhiều giải thưởng lớn, là người đầu tiện nhận Giải thưởng John W. Kluge, trị giá 1 triệu đô-la, được xem như là Giải Nobel cho các ngành nhân văn và xã hội. Ông là “người đánh thức hy vọng của con người” và là một Socrates của Ba Lan trong thế kỷ hai mươi.
_______________
Karl Marx – một khối óc lớn, một người rất thông thái, và là một tác giả Đức có tài – mất cách đây 119 năm. Ông sống trong thời đại hơi nước; trong đời mình ông chưa bao giờ nhìn thấy xe hơi, điện thoại, hay bóng đèn điện chứ đừng nói gì đến những máy móc kỹ thuật sau này. Những người hâm mộ ông và những tín đồ của ông đã thường nói và một số người hiện giờ vẫn hay nói: điều đó không quan trọng, những lời dạy của ông vẫn còn hoàn toàn quan hệ đến thời đại của chúng ta vì hệ thống ông phân tích và đả kích, tức chủ nghĩa tư bản, vẫn còn hiện diện ở đây. Chắc chắn Marx vẫn đáng đọc. Tuy nhiên, vấn đề là: Phải chăng lý thuyết của ông thực sự giải thích được bất kỳ điều gì trong thế giới của chúng ta và phải chăng lý thuyết ấy tạo ra một cơ sở cho bất kỳ sự tiên đoán nào? Câu trả lời là: Không. Một câu hỏi khác là đã có một thời các lý thuyết của ông có ích lợi hay không. Câu trả lời, rõ ràng là: Có; những lý thuyết này đã hoạt động thành công như là một loạt khẩu hiệu được xem là để biện minh và tôn vinh chủ nghĩa cộng sản cùng với sự nô lệ tất yếu đi kèm với nó.
Khi chúng ta hỏi những lý thuyết đó giải thích được gì hay Marx khám phá được gì, chúng ta có thể chỉ hỏi về những tư tưởng riêng của ông, chứ không phải những chuyện tầm thường thiết tưởng ai cũng hiểu. Chúng ta không nên biến Marx thành trò cười khi gán cho ông sự khám phá rằng trong tất cả các xã hội không nguyên thuỷ có những nhóm xã hội hay giai cấp do có các quyền lợi xung đột nhau nên đấu tranh lẫn nhau; điều này các nhà lịch sử thời cổ đại đã biết đến. Chính Marx cũng không dám tuyên bố đã khám phá ra điều này; như ông viết trong lá thư gởi Joseph Weydemeyer vào năm 1852, ông không khám phá ra đấu tranh giai cấp, mà đúng hơn là đã chứng minh rằng đấu tranh giai cấp dẫn đến chuyên chính vô sản, rồi cuối cùng lại dẫn đến xoá bỏ các giai cấp. Ta thật không thể nào khẳng định được tại đâu và bằng cách nào ông “đã chứng minh” được lời tuyên bố to tát này trong các tác phẩm của ông vào trước năm 1852. Để “giải thích” điều gì là đặt các sự kiện hay các quá trình vào các định luật; nhưng “các quy luật” hiểu theo nghĩa của Marx lại không phải là các định luật trong các môn khoa học tự nhiên, là nơi các định luật được hiểu như là các công thức khẳng định rằng trong các điều kiện được xác định rõ ràng, các hiện tượng được xác định rõ ràng luôn luôn xảy ra. Những gì Marx gọi là “các quy luật” thực ra chỉ là những khuynh hướng có tính lịch sử. Do vậy trong các lý thuyết của ông không có sự phân biệt rạch ròi giữa giải thích và tiên đoán. Ngoài ra, ông tin rằng ta có thể hiểu được ý nghĩa của cả quá khứ lẫn hiện tại nhờ suy ra từ tương lai, mà ông tuyên bố biết trước được. Vì thế, đối với Marx, chỉ những gì không (chưa) tồn tại có thể giải thích những gì hiện đang tồn tại. Nhưng ta nên nói thêm rằng đối với Marx, tương lai hiện đang tồn tại, theo cách nhìn biện chứng Hegel kỳ lạ, cho dù tương lai ta chẳng thể nào biết được.
Tuy nhiên, tất cả các tiên đoán quan trọng của Marx hoá ra đều không đúng. Đầu tiên, ông tiên đoán sự phân cực giai cấp ngày càng tăng và sự biến mất của giai cấp trung lưu trong các xã hội dựa trên nền kinh tế thị trường. Karl Kautsky nhấn mạnh đúng rằng nếu sự tiên đoán này sai, toàn bộ lý thuyết của Marx sẽ sụp đổ tan tành. Rõ ràng điều tiên đoán này chứng tỏ là sai, hay ngược lại thì đúng hơn. Giai cấp trung lưu ngày càng phát triển, trái lại giai cấp lao động theo nghĩa Marx muốn nói đã co dần lại trong các xã hội tư bản đang ở giữa thời tiến bộ về kỹ thuật.
Thứ hai, ông tiên đoán sự bần cùng không chỉ tương đối mà còn tuyệt đối của giai cấp lao động. Điều tiên đoán này đã sai ngay chính trong đời ông. Thật ra, ta nên lưu ý rằng tác giả của bộ Tư bản đã cập nhật trong lần tái bản lần thứ hai những số liệu và thống kê, nhưng không phải những số liệu và thống kê liên quan đến tiền lương của công nhân; giá mà được cập nhật, những số liệu đó sẽ mâu thuẫn với lý thuyết của ông. Ngay cả những người theo chủ nghĩa Marx giáo điều nhất trong những thập niên gần đây cũng không cố gắng bấu víu vào điều tiên đoán rõ ràng là sai này.
Thứ ba, và quan trọng nhất, lý thuyết của Marx tiên đoán sự tất yếu của cách mạng vô sản. Một cuộc cách mạng như thế chưa từng bao giờ diễn ra ở bất kỳ đâu. Cuộc cách mạng Bolshevik ở Nga chẳng liên quan gì đến những lời tiên đoán của Marx. Động lực của cuộc cách mạng ấy không phải là sự xung đột giữa giai cấp lao động công nghiệp và tư bản, mà đúng hơn là được tiến hành theo những khẩu hiệu không có nội dung xã hội chủ nghĩa, chứ đừng nói đến nội dung chủ nghĩa Marx: Hoà bình và ruộng đất cho nông dân. Thiết tưởng không cần nhắc rằng những khẩu hiệu này về sau đã bị đảo ngược lại. Trong thế kỷ hai mươi, biến động được xem là gần giống nhất cuộc cách mạng của giai cấp lao động là những sự kiện diễn ra ở Ba Lan từ năm 1980 đến 1981: phong trào cách mạng của những công nhân công nghiệp (vốn được giới trí thức ủng hộ rất mạnh) chống lại những kẻ bóc lột, tức là nhà nước. Hơn nữa trường hợp duy nhất này của cuộc cách mạng của giai cấp lao động (thậm chí nếu ta xem đây là cuộc cách mạng) là nhằm chống lại nhà nước xã hội chủ nghĩa, và được tiến hành dưới dấu thánh giá, kèm theo sự ban phúc của Đức Giáo hoàng.
Thứ tư, ta phải nhắc đến điều tiên đoán của Marx về sự suy giảm tất yếu của tỷ suất lợi nhuận, một quá trình được xem là cuối cùng sẽ dẫn đến sự sụp đổ của nền kinh tế tư bản. Không khác với những tiên đoán khác, tiên đoán này cũng hoàn toàn sai lầm. Ngay cả theo lý thuyết của Marx, đây không thể nào là một tỷ suất cố định bình thường hoạt động tất yếu, vì chính sự phát triển kỹ thuật làm giảm đi một phần tư bản khả biến trong chi phí sản xuất cũng làm giảm đi giá trị của tư bản bất biến. Vì thế tỷ suất lợi nhuận có thể vẫn không thay đổi hay thậm chí còn tăng lên, nếu điều mà Marx gọi là “lao động sống” cho một sản phẩm giảm. Và ngay cho dù “quy luật” này có đúng chăng nữa, cơ chế mà qua đó sự hoạt động của nó sẽ gây ra sự suy yếu và tàn lụi của chủ nghĩa tư bản cũng không thể nào khả thi được, vì sự sụp đổ tỷ suất lợi nhuận có thể xảy ra một cách hợp lý trong những điều kiện mà số lượng tuyệt đối của lợi nhuận đang tăng lên. Tuy có thể không có giá trị, song điều này đã được Rosa Luxemburg lưu ý đến, và bà đã nghĩ ra một lý thuyết của riêng mình về sự sụp đổ không thể nào tránh được của chủ nghĩa tư bản, nhưng rồi lý thuyết ấy cũng chứng tỏ sai không kém.
Khía cạnh thứ năm của chủ nghĩa Marx đã chứng tỏ sai lầm là điều tiên đoán rằng thị trường sẽ cản trở sự tiến bộ về kỹ thuật. Rõ ràng hoàn toàn ngược lại mới đúng. Các nền kinh tế thị trường đã chứng tỏ cực kỳ hữu hiệu trong việc kích thích sự tiến bộ về kỹ thuật, trái lại “chủ nghĩa xã hội hiện thực” hoá ra trì trệ về kỹ thuật. Do không thể nào phủ nhận được rằng thị trường đã tạo ra sự dư thừa của cải lớn nhất chưa từng được biết đến trong lịch sử nhân loại, một số người Tân Mác-xít đã buộc lòng thay đổi cách nhìn của họ. Một thời, chủ nghĩa tư bản tưởng chừng đáng ghê sợ vì nó tạo ra cảnh bần hàn khốn khổ; về sau, nó cũng lại đáng ghê sợ vì nó tạo ra cảnh dư thừa đến mức giết chết bản sắc văn hoá.
Những người Tân Mác-xít hay than vãn về điều họ gọi là “chủ nghĩa tiêu thụ” hay “xã hội tiêu thụ”. Trong nền văn minh của chúng ta quả thực có nhiều hiện tượng đáng báo động và đáng than phiền liên quan đến mức tiêu thụ gia tăng. Tuy nhiên, vấn đề là nền văn minh mà chúng ta biết như là một sự lựa chọn khác với nền văn minh này còn cực kỳ xấu xa hơn nhiều. Trong tất cả các xã hội cộng sản, những cải cách kinh tế (nếu may ra có đạt được kết quả gì chăng nữa) đều luôn luôn theo cùng một hướng: khôi phục phần nào thị trường, nghĩa là, thị trường của “chủ nghĩa tư bản”.
Về cái gọi là quan niệm duy vật về lịch sử, cách hiểu này đã cho chúng ta một số gợi ý và thấu hiểu bất ngờ lý thú, nhưng nó không có giá trị giải thích. Theo cách giải thích cứng ngắc, kiên định về quan niệm này, mà ta có thể thấy được đề cao đáng kể trong nhiều tác phẩm kinh điển, quan niệm này ám chỉ rằng sự phát triển xã hội phụ thuộc hoàn toàn vào cuộc đấu tranh giai cấp mà cuối cùng, qua trung gian của những “phương thức sản xuất” thay đổi, được quyết định bởi trình độ kỹ thuật của chính xã hội ấy. Hơn thế nữa, quan niệm này cũng ám chỉ rằng luật pháp, tôn giáo, triết học, và những nhân tố khác của văn hoá hết thảy đều không có lịch sử riêng của mình, vì lịch sử của chúng là lịch sử của các mối quan hệ về sản xuất. Đây là một tuyên bố hoàn toàn vô lý, hoàn toàn thiếu cơ sở lịch sử.
Nếu, mặt khác, lý thuyết ấy được hiểu theo nghĩa hời hợt, hạn hẹp, thì nó chỉ nói lên rằng lịch sử văn hoá phải được nghiên cứu sao cho ta nên xem xét đến các cuộc đấu tranh xã hội và đến các quyền lợi xung đột, rằng các thể chế chính trị, phụ thuộc, một cách ít ra là tiêu cực, phần nào vào sự phát triển kỹ thuật và vào các xung đột xã hội. Tuy nhiên, điều này lại là chuyện tầm thường chẳng đáng tranh cãi mà người ta đã biết trước Marx từ lâu. Và vì thế, quan niệm duy vật về lịch sử hoặc là vô lý hoặc là tầm thường.
Một nội dung khác trong lý thuyết của Marx cũng thiếu khả năng giải thích là lý thuyết lao động của ông. Marx đã thêm hai điều quan trọng vào các lý thuyết của Adam Smith và David Ricardo. Thứ nhất, ông cho rằng trong mối quan hệ giữa công nhân và tư bản, công nhân bán sức lao động, chứ không bán lao động; thứ hai, ông phân biệt giữa lao động cụ thể và lao động trừu tượng. Cả hai lý luận này đều không có bất kỳ cơ sở thực nghiệm nào, và cả hai cũng không được cần đến để giải thích các cuộc khủng hoảng, sự cạnh tranh, và xung đột quyền lợi. Các cuộc khủng hoảng và các chu kỳ kinh tế có thể hiểu được bằng cách phân tích sự vận động của giá cả, và lý thuyết về giá trị của ông không đóng góp thêm gì vào sự hiểu biết của chúng ta về những điều này. Có vẻ như giả sử Marx không sinh ra đời thì khoa kinh tế thời ông, phân biệt với ý thức hệ kinh tế, cũng sẽ chẳng khác gì nhiều với khoa kinh tế thời nay.
Những khía cạnh mà tôi đề cập đều không được chọn một cách ngẫu nhiên: chúng tạo thành cái sườn của học thuyết Marx. Mà nghĩ lại, trong chủ nghĩa Marx hầu như chẳng có điều gì khả dĩ đưa ra lời giải cho nhiều vấn đề trong thời đại của chúng ta, chủ yếu vì cách đây một thế kỷ các vấn đề này không cấp bách như hiện nay. Về vấn đề sinh thái, ta sẽ tìm thấy ở Marx chỉ một vài điều tầm thường lãng mạn về sự thống nhất giữa con người với tự nhiên. Còn các vấn đề dân số thì hoàn toàn vắng bóng, ngoại trừ việc Marx từ chối tin rằng các vấn đề như bùng nổ dân số theo nghĩa tuyệt đối lại có thể xảy ra. Những vấn đề lớn lao bất ngờ của Thế giới thứ Ba cũng chẳng thể tìm thấy được lợi ích gì từ trong lý thuyết của ông. Marx và Engles rất tôn sùng châu Âu; họ coi thường các nền văn minh khác, họ còn ca ngợi những thành quả tiến bộ của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc (ở Ấn Độ, Algeria, và Mexico). Đối với họ điều quan trọng là sự chiến thắng của nền văn minh phát triển cao hơn đối với các nền văn minh lạc hậu; lý tưởng về quyền tự quyết dân tộc đối với Engels chỉ là trò hề.
Điều chủ nghĩa Marx ít có khả năng giải thích nhất là chủ nghĩa xã hội toàn trị, cái chủ nghĩa đã phong Marx là đấng tiên tri của nó. Nhiều người Mác-xít phương Tây thường nói rằng chủ nghĩa xã hội như đã tồn tại một thời ở Liên Xô chẳng liên quan gì đến lý thuyết của Marx, và dù có thể đáng bị lên án, nhưng nó được giải thích tốt nhất theo những điều kiện cụ thể ở Nga. Nếu điều này đúng, làm sao có chuyện là rất nhiều người trong thế kỷ mười chín, nhất là những người theo trường phái vô chính phủ, đã tiên đoán khá chính xác rằng chủ nghĩa xã hội dựa trên các lý luận của Marx rồi cuối cùng sẽ biến thành – cụ thể, chế độ nô lệ nhà nước. Proudhon qua lý lẽ đã khẳng định rằng lý tưởng của Marx sẽ biến con người thành tài sản của nhà nước. Còn theo Bakunin, chủ nghĩa xã hội của Marx sẽ là sự cai trị của những kẻ phản bội lại chính giai cấp cai trị, và nó sẽ dựa trên sự bóc lột và áp bức còn tàn tệ hơn những gì con người đã từng biết qua. Hay theo nhà công đoàn chủ nghĩa chủ trương vô chính phủ người Ba Lan Edward Abramowski, nếu nhờ phép lạ nào đấy, chủ nghĩa cộng sản sẽ chiến thắng được trong những điều kiện đạo đức của xã hội đương thời, thì nó sẽ dẫn đến sự phân chia giai cấp và sự bóc lột còn tàn tệ hơn nhiều những gì tồn tại vào thời ấy (vì những thay đổi về thể chế không thay đổi những động cơ con người và hành vi đạo đức.) Benjamin Tucker tuyên bố rằng chủ nghĩa Marx chỉ biết một cách chữa cho các độc quyền, đó là một độc quyền duy nhất.
Những tiên đoán này được đưa ra vào thế kỷ mười chín, hàng chục năm trước cuộc Cách mạng Nga. Phải chăng những người này có tài nhìn thấu đến tương lai? Không. Đúng ra, ta có thể đưa ra những lời tiên đoán như thế một cách hợp lý, và từ bao kỳ vọng của Marx ta có thể suy đoán ra được chế độ nô lệ toàn xã hội ấy. Tất nhiên, thật vô lý khi cho rằng đây là ý định của đấng tiên tri này, hay chủ nghĩa Marx là nguyên nhân, tác nhân đã sinh ra chủ nghĩa cộng sản trong thế kỷ hai mươi. Chiến thắng của chủ nghĩa cộng sản Nga là kết quả của một loạt sự kiện ngẫu nhiên phi thường. Nhưng ta có thể khẳng định rằng lý thuyết của Marx đã góp phần rất lớn vào sự ra đời của chủ nghĩa toàn trị, và đồng thời ban cho nó hình thức ý thức hệ. Lý thuyết ấy đã dự trù trước sự quốc hữu hoá phổ quát tất cả mọi thứ, và như thế quốc hữu hoá luôn cả con người. Chắc chắn, Marx lấy từ những người theo trường phái Saint-Simon khẩu hiệu là trong tương lai sẽ không còn nhà nước, mà chỉ còn quản lý sự vật; tuy nhiên, ông không chợt nghĩ xa hơn rằng ta không thể quản lý sự vật nếu không dùng người cho mục đích đó, vì thế quản lý toàn bộ sự vật có nghĩa là quản lý hoàn toàn con người.
Điều này không có nghĩa là tác phẩm của Marx không đáng đọc; tác phẩm của ông là một phần văn hoá châu Âu mà ta nên đọc như ta đọc nhiều tác phẩm cổ điển khác. Ta nên đọc các tác phẩm bàn về vật lý của Descartes, nhưng quả là phi lý khi đọc các tác phẩm này như là sách hướng dẫn có giá trị về cách nghiên cứu vật lý thời nay. Tuy hiện giờ ở các nước cộng sản cũ, người ta ghét cay ghét đắng Marx và các sách vở Mác-xít, nhưng sự ghét này theo thời gian rồi cũng có thể qua đi; thậm chí cuối cùng những tác phẩm của Marx vẫn sẽ có người đọc như tàn tích của một thời quá khứ. Một trong những nguyên nhân khiến chủ nghĩa Marx được ưa chuộng nhiều trong giới có học là ở chỗ rằng chủ nghĩa Marx, dưới một hình thức đơn giản, lại rất dễ hiểu; đến cả Sartre cũng nhận thấy rằng những người Mác-xít là lười biếng. Đúng vậy, họ thích có một chiếc chìa khoá mở tung ra tất cả cánh cửa; một sự giải thích có thể áp dụng phổ quát cho tất cả mọi thứ, một công cụ giúp họ có thể nắm vững toàn bộ lịch sử và kinh tế mà chẳng thật sự phải nhọc công học môn nào.
Phải chăng cái chết của chủ nghĩa Marx mặc nhiên đồng nghĩa với sự cáo chung của truyền thống chủ nghĩa xã hội? Không nhất thiết như vậy. Mọi sự, dĩ nhiên, đều phụ thuộc vào ý nghĩa của từ “chủ nghĩa xã hội”, và những ai vẫn còn dùng đến từ ấy để bày tỏ tín ngưỡng của mình đều miễn cưỡng nói lên điều họ muốn nói, ngoại trừ những điều chung chung trống rỗng. Do thế ta cần có một số phân biệt. Cái khó là niềm ao ước phát hiện ra “những quy luật lịch sử” đã làm cho nhiều người tưởng tượng “chủ nghĩa tư bản” và “chủ nghĩa xã hội” là hai “hệ thống” toàn cầu, hoàn toàn đối chọi lấn nhau. Nhưng chẳng có gì so sánh. Chủ nghĩa tư bản đã phát triển một cách tự nhiên và hữu cơ từ sự mở mang thương mại. Chẳng ai đặt kế hoạch cho nó và nó cũng chẳng cần đến một ý thức hệ bao trùm lên tất cả, ngược lại chủ nghĩa xã hội là một sự kiến tạo ý thức hệ. Cuối cùng, chủ nghĩa tư bản là bản chất con người đang phát tác, tức là lòng tham của con người được cho phép đi đến tận cùng con đường của nó, trái lại chủ nghĩa xã hội là một cố gắng thể chế hoá và áp đặt tình huynh đệ. Đến giờ đây, tưởng chừng như hiển nhiên rằng một xã hội mà trong đó lòng tham, bất chấp tất cả các khía cạnh ghê tởm và đáng lên án của nó, là động cơ chính của những hành vi của con người, thì vẫn cực kỳ tốt hơn một xã hội dựa trên tình huynh đệ cưỡng bức, dù trong chủ nghĩa xã hội dân tộc hay trong chủ nghĩa xã hội quốc tế.
Quan niệm về chủ nghĩa xã hội như là một “xã hội thay thế” cho chủ nghĩa tư bản chung quy vẫn là quan niệm về chế độ nô lệ toàn trị; việc xoá bỏ thị trường và quốc hữu hoá toàn diện không thể tạo ra bất kỳ kết quả nào khác đi được. Niềm tin rằng ta có thể tạo dựng nên sự bình đẳng hoàn toàn trong xã hội bằng biện pháp thể chế cũng độc hại không kém. Thế giới từng biết đến nhiều nơi có sự bình đẳng tự nguyện, được duy trì ở trong những tu viện nào đó và ở trong một số các hợp tác xã thế tục. Tuy nhiên, bình đẳng dưới sự cưỡng bách tất yếu phải dùng đến phương cách toàn trị, mà chủ nghĩa toàn trị lại hàm nghĩa sự bất bình đẳng cực độ vì nó đưa đến sự bất bình đẳng về quyền được có thông tin và quyền được có quyền lực. Thực tế mà nói, bình đẳng trong việc phân phối hàng hoá vật chất cũng không thể nào có được khi mà quyền lực chỉ được tập trung vào tay của một thiểu số nắm quyền đứng trên luật pháp. Vì vậy bình đẳng là điều xa vời chưa từng bao giờ tồn tại trong các nước xã hội chủ nghĩa. Lý tưởng này vì thế tự chuốc lấy thất bại. Chúng ta biết rõ tại sao nguyên tắc kế hoạch toàn diện là thảm hoạ về mặt kinh tế, và có quá đủ các bằng chứng từ kinh nghiệm của tất cả các quốc gia cộng sản không có ngoại lệ để khẳng định những chỉ trích của Friedrich von Hayek về điểm này. Chủ nghĩa xã hội theo ý nghĩa này có nghĩa rằng sự trấn áp ngăn cản nhân dân tham gia vào bất kỳ hoạt động nào có ích lợi cho xã hội trừ phi theo lệnh của nhà nước.
Tuy nhiên, truyền thống chủ nghĩa xã hội phong phú và đa dạng, và truyền thống này bao gồm nhiều chủ nghĩa khác nhau ngoài chủ nghĩa Marx. Một số các tư tưởng xã hội chủ nghĩa quả thực đã có khuynh hướng toàn trị cố hữu. Điều này áp dụng cho phần lớn chủ nghĩa xã hội không tưởng thời Phục hưng và Khai sáng, và cho cả Saint-Simon. Song một số tư tưởng xã hội chủ nghĩa đã ủng hộ các giá trị tự do. Ngay khi chủ nghĩa xã hội, vốn khởi đầu như là một ảo tưởng ngây thơ, trở thành một phong trào chính trị thực sự, không phải tất cả các biến thể nào của nó cũng đều có quan niệm về một “xã hội thay thế”, và trong số những biến thể có quan niệm như thế, nhiều biến thể lại không xem trọng quan niệm ấy.
Mọi sự rõ ràng hơn vào trước Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất. Những người theo chủ nghĩa xã hội và cánh tả thời ấy nói chung không những muốn một nền giáo dục phổ cập, bắt buộc, bình đẳng, dịch vụ y tế xã hội, thuế luỹ tiến, và tự do tín ngưỡng, mà còn muốn một nền giáo dục thế tục, xoá bỏ kỳ thị chủng tộc và quốc gia, phụ nữ được bình đẳng, tự do báo chí và tự do hội họp, quy định pháp lý về các điều kiện lao động, và hệ thống bảo hiểm xã hội. Họ đấu tranh chống chủ nghĩa quân phiệt và chủ nghĩa Sô-vanh. Những nhà lãnh đạo chủ nghĩa xã hội châu Âu trong thời kỳ Đệ Nhị Quốc tế, những người như Jaurès, Babel, Turati, Vandervelle, và Martov, là hiện thân những gì tốt đẹp nhất trong đời sống chính trị châu Âu.
Nhưng mọi sự đã thay đổi sau Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, khi cái từ “chủ nghĩa xã hội” (và phần lớn nghĩa của từ “cánh tả”) bắt đầu hầu như bị chủ nghĩa xã hội Leninist-Stalinist độc chiếm hoàn toàn, qua đó đã bóp méo đa số những đòi hỏi và những khẩu hiệu này theo nghĩa ngược lại. Đồng thời, đa số những lý tưởng “xã hội chủ nghĩa” trên thực tế đã lại trở thành hiện thực ở các nước dân chủ hoạt động trong khuôn khổ nền kinh tế thị trường. Than ôi, các phong trào chủ nghĩa xã hội phi toàn trị trong nhiều thập niên đã bị bế tắc về ý thức hệ và thiếu can đảm để tố cáo và đấu tranh kiên trì chống lại hệ thống chính trị sát nhân nhất và tàn bạo nhất trên thế giới (ngoài chủ nghĩa Quốc xã). Chủ nghĩa cộng sản Xô-viết, dù sao, vẫn được coi là một dạng của chủ nghĩa xã hội, nhưng nó tự tô điểm bằng văn phong nhân văn và quốc tế thừa hưởng từ truyền thống chủ nghĩa xã hội. Thế là chế độ chuyên chế Leninist đã ăn cắp được cái từ “chủ nghĩa xã hội”, và những kẻ theo chủ nghĩa xã hội phi toàn trị là tòng phạm trong vụ trộm này. Đành rằng có một vài ngoại lệ cho lẽ thường này, nhưng không nhiều.
Dù thế nào đi nữa, các phong trào chủ nghĩa xã hội đã đóng góp rất nhiều cho việc thay đổi cảnh quan chính trị theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Các phong trào này đã tạo ra một số các cải cách xã hội mà nếu không có chúng thì nhà nước phúc lợi đương thời, mà đa số chúng ta coi là dĩ nhiên, sẽ là điều không tưởng. Do thế thật đáng tiếc nếu chủ nghĩa cộng sản sụp đổ dẫn đến sự cáo chung của truyền thống chủ nghĩa xã hội nói chung và sự lên ngôi của chủ nghĩa Darwin Xã hội như là ý thức hệ chủ đạo.
Dù thừa nhận rằng một xã hội hoàn thiện chắc chắn sẽ không bao giờ hiện hữu trong tầm tay với của con người và rằng con người sẽ luôn luôn tìm ra đủ mọi lý do để đối xử tàn nhẫn với nhau, chúng ta không nên vì thế mà vất bỏ đi khái niệm “công bằng xã hội”, cho dù nó có thể bị Hayek và những tín đồ của ông chê cười. Chắc chắn khái niệm này không thể nào được định nghĩa theo thuật ngữ kinh tế. Ta không thể nào suy ra từ lời diễn đạt “công bằng xã hội” ấy câu trả lời cho những câu hỏi như trong những điều kiện có sẵn hệ thống thuế cụ thể nào là tốt về phương diện kinh tế và đáng nên áp dụng, những phúc lợi xã hội nào là chính đáng, hay cách nào là tốt nhất để các nước giàu trợ giúp cho những vùng nghèo nàn hơn trên thế giới. “Công bằng xã hội” chỉ diễn đạt một thái độ đối với các vấn đề xã hội. Đúng là khái niệm “công bằng xã hội” hay được sử dụng bởi những cá nhân hay toàn thể các xã hội từ chối nhận lấy trách nhiệm về cuộc đời của mình. Nhưng, như lời người xưa dạy, đừng vì sự lạm dụng mà từ bỏ sự hữu dụng.
Với tất cả sự mơ hồ của nó, “công bằng xã hội” giống khái niệm “nhân phẩm”. Thật khó định nghĩa nhân phẩm là gì. Nhân phẩm không phải là nội tạng mà ta khám phá bên trong cơ thể, nhân phẩm không phải là ý niệm thực thể nhưng nếu không có nhân phẩm chúng ta không thể nào trả lời nổi một câu hỏi đơn giản: tại sao chế độ chiếm hữu nô lệ là sai? Tương tự như thế, khái niệm công bằng xã hội là mơ hồ và nó có thể được dùng để làm công cụ ý thức hệ của chủ nghĩa xã hội toàn trị. Tuy nhiên khái niệm này là trung gian hữu ích giữa sự khích lệ với từ thiện, với phát chẩn, và với khái niệm công bằng phân phối; công bằng xã hội không giống như công bằng phân phối vì nó không nhất thiết bao hàm sự thừa nhận lẫn nhau. Công bằng xã hội cũng không đơn thuần là kêu gọi lòng từ thiện, vì nó bao hàm, dù không chính xác, những yêu cầu giúp đỡ nào đấy có thể xứng đáng. Khái niệm công bằng xã hội không hàm nghĩa là có một điều như số phận chung của nhân loại, trong đó tất cả mọi người đều dự phần, nhưng nó gợi ý rằng khái niệm nhân loại là phạm trù rõ ràng dễ hiểu – không phải là phạm trù động vật mà đúng hơn là phạm trù đạo đức.
Không có thị trường, nền kinh chắc chắn sụp đổ (thực ra, trong “chủ nghĩa xã hội hiện thực” hoàn toàn không có nền kinh tế, chỉ có chính sách kinh tế). Nhưng người ta cũng thường thừa nhận là thị trường không tự nhiên giải quyết được hết tất cả các vấn đề thúc bách của con người. Khái niệm công bằng xã hội được cần đến để biện minh cho niềm tin rằng có một “nhân loại” – và rằng chúng ta phải xem những cá nhân khác là thuộc về tập thể này, và đối với tập thể này chúng ta có những bổn phận đạo đức nhất định.
Là triết học về xã hội hay về đạo đức, chủ nghĩa xã hội đã dựa trên lý tưởng về tình huynh đệ con người, mà có thể không bao giờ thực hiện được bằng biện pháp thể chế. Chưa từng bao giờ có, và sẽ không bao giờ có một biện pháp thể chế nào bắt buộc con người phải trở thành anh em với nhau. Tình huynh đệ bị ép buộc ấy là ý tưởng độc hại nhất mà con người đã nghĩ ra trong thời hiện đại; nó là con đường tất yếu dẫn tới chế độ chuyên chế toàn trị. Chủ nghĩa xã hội theo ý nghĩa này chẳng khác gì toàn là dối trá lọc lừa. Tuy nhiên, đây không phải là lý do để ta từ bỏ ý tưởng về tình huynh đệ con người. Nếu ý tưởng này là điều trong thực tế chúng ta không thể đạt được qua con đường xây dựng xã hội, thì nó vẫn hữu ích như là lời tuyên bố về các mục tiêu. Tư tưởng xã hội chủ nghĩa như ta biết qua kế hoạch cho một “xã hội thay thế” đã chết. Nhưng như là lời tuyên bố đoàn kết với những nạn nhân cô thế của bất công và những phận người bị áp bức, như là sự thôi thúc chống lại chủ nghĩa Darwin Xã hội, như là ánh sáng luôn soi cho chúng ta thấy một điều gì đấy cao quý hơn sự cạnh tranh và lòng tham, chính vì tất cả những lý do này, chủ nghĩa xã hội, về lý tưởng chứ không phải hệ thống, vẫn còn có ích.
Nguồn: “What is left of socialism”, tạp chí First Things, số tháng Mười năm 2002
Bản tiếng Việt © 2010 Trần Quốc Việt
Bản tiếng Việt © 2010 talawas