23.6.10

NGÀY ẤY BAO GIỜ... ĐẾN

Michael Zantovsky

Trần Quốc Việt trích dịch


Vào một ngày tháng Mười năm 1989, tại nhà hàng phục vụ món cá vốn đã chuyển sang tư hữu từ lâu, Vaclav Havel có mặt để được một nhà báo người Anh phỏng vấn. Khi được hỏi về những sự kiện đang diễn ra trong khối Cộng Sản, qua sự giúp đỡ khiêm nhường của tôi với tư cách người thông dịch, ông bày tỏ niềm vui về chiều hướng mà tình hình đang diễn ra ở Ba Lan bàn tròn, ở Hungary cải tổ, và cả ở Đông Đức một thời rất kiên định. Bằng chứng sụp đổ của chế độ hiện ra khắp mọi nơi xung quanh chúng tôi, thể hiện qua cảnh hàng trăm chiếc xe hơi Trabant bị bỏ rơi không thương tiếc trên những đường phố ở Prague bởi những người dân Đông Đức bỏ phiếu bằng chân cho tương lai mình ở Phương Tây. Tuy nhiên, được hỏi khi nào thời điểm của chân lý có thể sẽ đến với Tiệp Khắc, Havel, với vẻ không sôi nổi thường lệ như hay thấy ở nhà viết kịch, miễn cưỡng trả lời. " Tôi không chắc chắn được, " Ông nói. "Có thể biết đâu đến cả tháng, hay có thể cả năm, hay có lẽ rất lâu. Biết đâu chúng tôi không còn sống để thấy được ngày ấy. Ta khó mà biết." Vài tuần sau ngày ấy đến. Rất ít người có thể tiên đoán điều này chính xác hơn Havel.

Một trong những điều nổi bật nhất về sự sụp đổ của khối Cộng Sản mà qua đó kết thúc cuộc Chiến Tranh Lạnh là sự quá đỗi bất ngờ của nó. Đây chính là điều các sử gia và những nhà nghiên cứu về Xô Viết, mà công việc của họ có lẽ là phân tích tính năng động của chế độ rồi từ đó rút ra những kết luận thích hợp, thích lẫn tránh. Đúng, ý thức hệ đã bị khai tử, mới gần đây nhất, là khi xe tăng Nga lăn bánh vào Prague vào tháng Tám năm 1968. Đúng, sự hấp dẫn sâu rộng của Công Đoàn Đoàn Kết trong quần chúng đã chứng minh rõ ràng chế độ đã bị chính các giai cấp lao động mà nó tuyên bố đại diện quyền lợi của họ chán ghét đến mức độ nào. Đúng, perestroika của Gorbachev đã mang đến tự do ngôn luận và sự đa nguyên trong chừng mực mà cho đến thời điểm ấy là không thể mơ tưởng đến ở ngay chính Liên Xô. Và, cũng đúng là các phong trào nhân quyền và phản kháng ở Tiệp Khắc và ở toàn bộ Trung và Đông Âu đang ngày càng khẳng định hơn vào thời ấy. Tuy nhiên, những ai tiên đoán thời vận vào lúc đó cũng không nên quá trách mình, vì mãi cho đến thời khắc cuối cùng của ngày ấy chính hàng triệu người bình thường, đang sống bên trong "phe chủ nghĩa xã hội hiện thực" và đã nhìn thấy những dấu hiệu thất bại cực kỳ lớn của chế độ trong cuộc sống hàng ngày của họ, vẫn hoàn toàn không thể nào nhận ra được những điềm báo trước về sự tan rã tức thì ấy.

Các lý do khiến chúng tôi không thể thấy được những gì đang xảy đến có thể khác với các lý do được nhấn mạnh trong các đánh giá của những chuyên gia Phương Tây. Ở bên trong, chúng tôi đã bị chi phối quá lâu bởi sự cứng ngắc mù quáng và sự tàn bạo thuộc về bản chất của chế độ. Chúng tôi thấy và hoan nghênh các cải cách của Gorbachev và ngay tại Tiệp Khắc chúng tôi cũng cảm nhận nắm tay sắt của chế độ đang dần nới lỏng, nhưng chúng tôi cũng nhớ rất rõ những chuyện chế độ có khả năng làm khi nó cảm thấy quyền lợi thiết thân của mình, thật ra chính sự tồn tại của nó, đang bị đe dọa. Những bài học từ Berlin năm 1953, Budapest năm 1956, và Prague năm 1968 là những điểm tham chiếu liên quan. Nếu chúng tôi vẫn cần thêm lời nhắc nhở, thì cuộc thảm sát Thiên An Môn mới chỉ xảy ra trước đó năm tháng.

Trong khi bên trong thế giới của " chủ nghĩa xã hội hiện thực" lý do chính cho sự hoài nghi lan rộng về thay đổi sắp xảy đến là sự đề kháng của chế độ đối với thay đổi, thì ngược lại, lý do mà tạo nên những cuộc chính biến ngoạn mục theo tường thuật của nhiều chuyên gia Phương Tây là khả năng hiển nhiên của chế độ để cải cách và thích nghi, xem ra có lẽ không đúng. Theo niềm tin này, những người Phương Tây có thể đã đánh giá quá cao khả năng của Gorbachev để cải cách một số chính sách đã có từ lâu của xã hội chủ nghĩa trong khi lại đánh giá quá thấp tầng lớp lãnh đạo cao nhất trong Đảng và sự xung khắc cơ bản giữa chế độ độc đảng và dân chủ, và giữa nền kinh tế chỉ huy và thị trường tự do. Điều mà một học giả người Mỹ mô tả gần đây nhất vào năm 1991 là " Thức tỉnh của Liên Xô ", thực chất, là sự quằn quại đau đớn của chế độ trước khi chết.

Mỉa mai thay, người mà đã đoán gần chính xác nhất về thời điểm và lý do sụp đổ của Liên Xô đã mất từ lâu. Trong bài viết vào năm 1970 nhan đề " Phải chăng Liên Xô sẽ tồn tại đến năm 1984" tác giả Andrei Amalrik đã bình luận về những dấu hiệu sớm hơn về sự nới lỏng áp lực toàn trị trong thời Brezhnev: "Nếu...ta xem sự "cởi mở" hiện nay là sự mục ruỗng ngày càng tăng của chế độ chứ không phải sự tái sinh của chế độ, thì kết cục tất yếu là cái chết của chế độ, tiếp theo đó là vô chính phủ." Điều này hầu như là những gì đã xảy ra vào thời gian hầu như đúng như tiên đoán -điều rất khó đối với sử gia. Nhưng đối với phần lớn chúng ta, lời nhận xét của Fiedrich von Hayek có lẽ thích hợp hơn: " tâm hồn không thể nào tiên đoán được bước tiến của chính mình."

Tựa đề của người dịch, nguyên tác tiếng Anh "Resumption: The Gears of 1989"

Nguồn: tạp chí World Affairs số tháng Giêng và tháng Hai năm 2010


Michael Zantovsky là chủ tịch uỷ ban Ngoại Vụ, Quốc Phòng, và An Ninh của thượng viện Czech. Ông từng là thư ký báo chí, phát ngôn viên, và giám đốc về chính trị cho tổng thống Czech Vaclav Havel và cũng từng là đại sứ Czech tại Mỹ.


Bản tiếng Việt © 2010 Trần Quốc Việt

Bản tiếng Việt © 2010 talawas