2.8.11

ALEXANDER SOLZHENITSYN -CÔNG LÝ VÀ LƯƠNG TÂM

Lời người dịch - Tác giả viết lá thư sau cho ba sinh viên đã đến thăm ông. Tựa đề của người dịch.
Trần Quốc Việt dịch

Tôi nghĩ tôi đã không thổ lộ hết với các bạn mọi điều, tôi đã không nói rõ ra trọn vẹn những ý nghĩ của mình. Nên ở đây tôi muốn nói thêm mấy lời.

Công lý là tài sản chung của nhân loại suốt từ xưa đến nay. Công lý luôn luôn tồn tại cho đa số ngay cả khi công lý bị các giới ("độc quyền") nào đấy bóp méo. Hiển nhiên công lý là một khái niệm chỉ có ở con người, vì người ta không thể nào truy ra cội nguồn của công lý ở bất kỳ nơi nào khác. Công lý vẫn tồn tại cho dù chỉ có vài cá nhân thừa nhận chỉ mình nó. Theo tôi tình yêu công lý là tình cảm khác với tình yêu con người (hay ít ra hai thứ tình này giống nhau chỉ phần nào thôi). Cho nên trong những thời kỳ suy đồi tràn lan, khi câu hỏi được đưa ra, " Tại sao phải bận tâm?" " Những hy sinh như thế phỏng được gì?" ta có thể tự tin trả lời: "Vì công lý." Không có gì tương đối về công lý, vì không có gì tương đối về lương tâm. Thật ra, công lý chính là lương tâm, không phải lương tâm cá nhân mà lương tâm của toàn thể nhân loại. Những ai sáng suốt thừa nhận tiếng nói của lương tâm mình cũng thường thừa nhận tiếng nói của công lý. Tôi suy tư đến điều ấy trong tất cả các vấn đề về xã hội hay lịch sử (tức những vấn đề nếu chúng ta ý thức được không phải qua tin đồn hay từ sách vở, mà bởi qua cảm nhận tinh thần), công lý sẽ luôn luôn gợi ra cách hành động (hay phán xét) mà sẽ không xung đột với lương tâm của chúng ta.

Vì trí tuệ của chúng ta thường không đủ để nắm bắt, để hiểu, và để thấy trước được con đường của lịch sử ( và, như người ta nói, " kế hoạch" lịch sử đã được chứng minh là vô lý) ta sẽ không bao giờ sai lầm nếu trong bất kỳ hoàn cảnh nào ta cũng hành động đúng theo công lý ( điều này nói theo lối cũ trong tiếng Nga là: sống bằng sự thật * ). Nhờ thế, ta sẽ luôn luôn có thể hành động chứ không chỉ là nhân chứng thụ động.

Và xin đừng bảo tôi rằng "mỗi người hiểu công lý theo cách riêng của mình."
Không! Họ có thể la hét, họ có thể bóp cổ ta, họ có thể xé toang lồng ngực ta, nhưng những niềm tin không gì lay chuyển dựa trên lương tâm luôn luôn đúng và không bao giờ sai lầm như nhịp tim trong lòng (và ta biết trong đời riêng chúng ta thường cố gắng đè nén chính tiếng nói lương tâm ấy).

Chẳng hạn, tôi chắc chắn rằng những người giỏi nhất trong những người Ả Rập hiểu rằng - theo công lý -Do thái có quyền tồn tại và sống.

Ryazan, tháng Mười 1967

Nguồn:
tạp chí Survey, Số 73, mùa Thu 1969
Tạp chí Dissent đăng lại
dissentmagazine.org/files/TwoLettersfromSolzhenitsyn.pdf



* Các từ sự thật (pravda) và công lý (spravedlivost) có cùng ngữ căn trong tiếng Nga (chú thích trong bản tiếng Anh)