3.12.09

BỎ RƠI DÂN CHỦ

Joshua Muravchik

Trần Quốc Việt dịch





Điều ngạc nhiên nhất trong nửa năm đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống Obama là sự thờ ơ của chính quyền đối với các vấn đề nhân quyền và dân chủ. Không có chính quyền nào coi các vấn đề này là những mục tiêu chính, lại càng không phải là những mục tiêu duy nhất ở nước ngoài. Nhưng kể từ thời Jimmy Cater nói về nhân quyền trong diễn văn nhậm chức của ông vào năm 1977 và tạo ra một cấu trúc hạ tầng mới để cho lời của ông có ý nghĩa hành chánh, cho đến nay thúc đẩy về nhân quyền vẫn là một trong những mục tiêu trước sau như một của các nhà ngoại giao Mỹ và là mục tiêu thỉnh thoảng của người lính Mỹ.

Chính quyền Obama đã làm đứt đoạn truyền thống này. Vị Tổng thống mới đã báo trước ý định của mình ngay lúc trước khi nhậm chức, khi ông nói với các biên tập viên của tờ Washington Post rằng dân chủ không quan trọng bằng “thoát khỏi cảnh túng thiếu và thoát khỏi cảnh sợ hãi. Nếu người dân bất an, nếu người dân đói, thì các cuộc bầu cử có thể hay không thể giải quyết được những vấn đề này, nhưng bầu cử không phải là lớp men hoàn thiện.”

Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton đã noi gương, như qua lời tuyên bố mở đầu của bà cho các buổi điều trần phê chuẩn chức vụ Ngoại trưởng tại Thượng viện. Cây viết xã luận Fred Hiatt tổng kết trên tờ Washington Post như sau: bà Clinton “đã đề cập đến mọi mục tiêu ta có thể tưởng đến, ngoại trừ mục tiêu đẩy mạnh dân chủ. Nào là xây dựng liên minh, chống khủng bố, chặn đứng bệnh tật, nâng cao nữ quyền, phát triển thịnh vượng, nhưng hầu như chẳng ngó ngàng gì đến các cuộc bầu cử, nhân quyền, tự do, giải phóng hay tự trị.”

Một vài ngày sau khi tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Obama đã chủ tâm dành cuộc phỏng vấn đầu tiên cho báo chí ngoại quốc cho đài truyền hình vệ tinh Al-Arablya phát thanh bằng tiếng Ả Rập do Ả Rập Saudi làm chủ. Cuộc phỏng vấn này hoàn toàn bàn về mối quan hệ giữa Mỹ với Trung Đông và với thế giới Hồi giáo rộng lớn hơn. Tuy nhiên, trong suốt cuộc phỏng vấn ông Obama không bao giờ nhắc đến dân chủ hay nhân quyền.

Một tháng sau, khi tuyên bố kế hoạch và thời biểu cho việc rút quân Mỹ ra khỏi Iraq, Tổng thống nói ông cố gắng đạt được “mục tiêu khả thi” về “một nước Iraq có chủ quyền, ổn định, và tự lực,” và ông nói về “một nước Iraq hòa bình hơn và thịnh vượng hơn.” Song về dân chủ, một trong những mục tiêu chính của cuộc chiến của Mỹ tại Iraq, và cũng là mục tiêu đã chứng tỏ có nhiều tiến bộ đáng khâm phục, ông lại im lặng.

Trong lúc cắt giảm quân tại Iraq, ông Obama ra lệnh điều thêm quân đến Afghanistan, nơi Mỹ đang đánh nhau trong một cuộc chiến tranh mà ông từ lâu đã cho là cần thiết hơn và có chính nghĩa hơn cuộc chiến ở Iraq. Nhưng đồng thời, ông nói về nhu cầu “tái tập trung vào Al Qaeda” ở Afghanistan, ít nhất điều này ám chỉ rằng Mỹ từ bỏ kế hoạch dân chủ hóa ở đấy. Tờ Washington Post tường thuật rằng “những gợi ý từ các viên chức cấp cao của chính quyền Mỹ… cho rằng Mỹ nên bỏ qua mục tiêu dân chủ ở Afghanistan” đã khiến Ngoại trưởng nước này “khẩn cầu tha thiết Mỹ tiếp tục ủng hộ chính phủ dân cử.”

Vào đầu tháng Tư, cựu phóng viên tờ New York Times Joel Brinkley đã tổng kết thành tựu ban đầu của chính quyền mới như sau:

“Cả Tổng thống Obama lẫn Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton thậm chí đều không thốt ra từ dân chủ nào, hiểu theo nghĩa đẩy mạnh dân chủ, kể từ khi nhậm chức cách đây hơn hai tháng. Vụ phụ trách về Dân chủ, Nhân quyền và Lao động trực thuộc Bộ Ngoại giao cho đến nay đã công bố 30 bản báo cáo (public releases), nhưng không có báo cáo nào thảo luận về việc đẩy mạnh dân chủ. E rằng dân chủ hiện đang bị loại bỏ ra khỏi từ vựng chung của chính quyền Obama.”

Mới nhìn qua, động cơ của Obama dường như quá rõ ràng. Cựu viên chức Bộ Ngoại giao J. Scott Carpenter nhận xét rằng thật là “hiển nhiên và dễ hiểu” khi “chính quyền Obama muốn tránh xa ngôn ngữ cùng hậu quả thấy rõ của chính quyền Bush”. Nhưng có hai lý do tại sao lời giải thích này không được thuyết phục.

Thứ nhất, Obama có thể có đóng góp riêng của ông vào vấn đề này mà không nhất thiết phải đoạn tuyệt quá đột ngột với các mục tiêu nhân quyền và dân chủ. Năm 1981, Ronald Reagan đắc cử Tổng thống với một chương trình tranh cử (mandate) tương tự như của Obama, nghĩa là đảo ngược lại đường lối của vị Tổng thống tiền nhiệm vốn không được lòng dân. Thoạt đầu, Reagan có ý muốn tránh né vấn đề về nhân quyền vì xem nó như một phần trong chính sách cấp tiến mơ hồ của Carter. Trong một cuộc phỏng vấn lúc ban đầu, Bộ trưởng Ngoại giao Alexander Haig tuyên bố rằng chính quyền Reagan sẽ đẩy mạnh về nhân quyền chủ yếu thông qua việc chống khủng bố. Song chẳng bao lâu, Reagan nghĩ lại: thay vì từ bỏ hẳn, ông đã lồng quan điểm riêng của ông vào vấn đề này bằng cách thay đổi ngôn từ và chương trình để nhấn mạnh hơn nữa vào công cuộc chấn hưng dân chủ.

Tương tự, Obama có thể trách chính quyền Bush bất tài trong việc nâng cao dân chủ và hứa hẹn đội ngũ của ông sẽ làm tốt hơn. Quả thực, Michael McFaul, người phụ trách các vấn đề về dân chủ trong chiến dịch tranh cử của Obama, đã tuyên bố sau cuộc bầu cử tổng thống là chính quyền mới sẽ “nói ít và làm nhiều” cho sự nghiệp dân chủ hóa hơn so với những gì Bush đã làm được. Nhưng khi McFaul được bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia, ông được giao giữ chức vụ phụ trách về Nga thay vì được giao nhiệm vụ giám sát công cuộc đẩy mạnh dân chủ. Trọng trách này trước đây vào thời Bush đã được giao cho các thành viên cấp cao của hội đồng an ninh quốc gia, giờ thì bỏ trống không giao cho ai hết.

Thêm một lý do nữa tại sao sự rẽ hướng về chính sách đối ngoại của Obama không thể nào được hiểu đơn thuần là do thôi thúc của ông muốn khác với Bush, rằng sự thờ ơ của Obama về dân chủ và nhân quyền có tính chất toàn cầu. Ý tưởng đẩy mạnh những giá trị này không xuất phát từ Bush mà bắt nguồn từ Carter và Reagan, về sau được Bill Clinton củng cố. Cái mới của Bush là áp dụng ý tưởng này tại Trung Đông, vùng đất trước đây thường được miễn. Từ bỏ di sản của Bush có nghĩa là đảo ngược lại chính sách của Mỹ tại Trung Đông. Nhưng Obama cắt giảm nỗ lực dân chủ không chỉ ở đấy mà còn ở khắp mọi nơi.

Chẳng hạn, trong lần viếng thăm ngoại giao chính thức đầu tiên đến Trung Quốc, Hillary Clinton cho các phóng viên biết rằng bà sẽ không đề cập nhiều về nhân quyền hay Tây Tạng vì “đòi hỏi của chúng ta về các vấn đề này không thể can thiệp vào vấn đề khủng hoảng kinh tế toàn cầu, khủng hoảng thay đổi khí hậu toàn cầu và khủng hoảng an ninh.” Tổ chức ân xá quốc tế tuyên bố là “sửng sốt và cực kỳ thất vọng” trước những lời phát biểu của bà. Không nao núng, bà Clinton đi tiếp đến Nga; tại đây bà vô tâm tặng nhà độc tài Nga Vladimir Putin món đồ chơi “bấm nút làm lại từ đầu” trong khi hàng loạt vụ sát hại các nhà báo độc lập, vốn đặc trưng cho thời cai trị của Putin, không những chưa được giải quyết, mà còn tiếp tục kéo dài thêm.

Chắc chắn Nga và Trung Quốc là hai nước lớn mà Washington phải giao thiệp về rất nhiều vấn đề, và do tầm quan trọng của hai nước này, tất cả các chính quyền Mỹ đều có tội là không vận động họ tôn trọng nhân quyền ở mức đồng đều. Tuy nhiên, chính quyền Obama hạ thấp vai trò nhân quyền không chỉ với các chế độ cỡ như Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa mà cả với chính quyền các nước yếu, mà vốn chẳng có ảnh hưởng gì tới Mỹ.

Ví dụ, bà Clinton ra lệnh duyệt lại các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với chế độ độc tài quân phiệt ở Miến Điện vì các biện pháp này “chẳng ảnh hưởng gì đến chính quyền Miến Điện.” Thái độ xuống nước này ắt hẳn đã khiến cho nhóm quân đội nắm quyền ở đấy thêm tự tin khi đưa nhà lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi ra toà vào tháng Năm sau khi họ lấy làm mãn nguyện là đã quản thúc bà tại gia hầu như trong suốt muời tám năm vừa qua. Chính quyền Sudan lại càng yếu hơn nữa và bị thế giới xa lánh hơn cả Miến Điện, nhưng chính quyền Obama cũng cho biết là đang xem xét giảm các biện pháp trừng phạt có từ thời Bush nhằm chống lại Khartoum sau khi chế độ này mở chiến dịch tàn sát và hãm hiếp ở Darfur. Theo tờ Washington Post:

”Nhiều nhà hoạt động nhân quyền đã sửng sốt trước việc chính quyền rõ ràng sẵn sàng xem xét việc giảm mức độ trừng phạt đối với Miến Điện và Sudan.Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống, Obama chế giễu cách giải quyết của Bush về vụ thảm sát ở vùng Darfur thuộc Sudan, mà Bush coi là diệt chủng; nhưng kể từ khi nhậm chức, chính quyền đã bất ngờ trước việc Sudan mới đây đã xua đuổi các tổ chức nhân đạo quốc tế.”

Mặc dù thật khó thấy lợi ích ngoại giao nào từ việc hạ thấp nhân quyền ở Miến Điện và Sudan, nhưng Obama cũng không đạt được điều gì về chính trị qua việc nương tay đối với những chế độ mà người Mỹ dù Tả hay Hữu đều chỉ trích. Ngay cả một người hâm mộ Tổng thống rất nồng nhiệt như nhà báo E.J. Dionne, người đầu tiên nhìn thấy một “học thuyết Obama” trong chính sách ngoại giao, cũng thừa nhận là có “cảm giác ray rứt” về “sự chú ý gần như hời hợt qua loa ” mà học thuyết này “cho đến nay đã dành cho các quan tâm về nhân quyền và dân chủ.”

Cho dù có hay không bằng chứng đủ rõ ràng và quan trọng để khẳng định nhãn hiệu “học thuyết”, việc chính quyền mới đã gạt bỏ dân chủ và nhân quyền một cách nhất quán gợi ý rằng đây là một đường hướng Tổng thống đã suy nghĩ thấu đáo. Sau cuộc họp của ông với Tổ chức Các Nước châu Mỹ vào tháng Tư, Obama phát biểu trong cuộc họp báo: “Điều chúng ta chứng tỏ ở đây là chúng ta có thể đạt được tiến bộ khi đoạn tuyệt với với một số tranh luận mốc meo và những ý thức hệ cũ kỹ đã chi phối và bóp méo quá lâu cuộc tranh luận tại bán cầu này.” Bộ trưởng Ngoại giao của ông lặp lại ý tưởng này: “Chúng ta hãy bỏ qua ý thức hệ,” bà Ngoại trưởng nói. “Đó là chuyện quá xưa rồi.”

Lời tuyên bố trên tránh né câu hỏi là những ý thức hệ nào là lỗi thời hay phải chăng tất cả các ý thức hệ đều lỗi thời như nhau cả. Chủ nghĩa cộng sản, từng khuấy động đảo điên thế kỷ hai mươi, chắc chắn đang trong cơn hấp hối. Dân chủ thì ngược lại, trong các thập niên vừa qua, đã và đang khởi sắc và lan rộng hơn bao giờ hết, đến mức đã có hơn sáu mươi phần trăm chính phủ trên thế giới được chọn ra qua các cuộc bầu cử trung thực. Gộp chung những “ý thức hệ ” này lại với nhau là coi thường dân chủ một cách vô lý.

Obama dường như tin rằng dân chủ được khen ngợi quá đáng, hay ít nhất cũng được đánh giá quá cao. Khi được hỏi về chủ đề này trong cuộc phỏng vấn dành cho tờ Washington Post vào trước ngày nhậm chức, Obama nói rằng ông quan tâm nhiều hơn đến việc “tạo ra cuộc sống tốt hơn thực sự cho người dân ngay tại nơi họ sống và ít để tâm hơn đến hình thức, quan tâm nhiều hơn đến thực chất.” Ông mở rộng ý này trong lần đến thăm thành phố Strasbourg ở Pháp:

”Chúng ta dành quá nhiều thời gian bàn về dân chủ, dù rõ ràng chúng ta nên cố gắng đẩy mạnh dân chủ ở khắp mọi nơi. Nhưng dân chủ, tức một xã hội hoạt động tốt nhằm đẩy mạnh tự do bình đẳng và bác ái, không chỉ phụ thuộc vào việc đi bầu. Dân chủ cũng có nghĩa là ta không bị cảnh sát làm tiền vì cảnh sát không được trả lương hợp lý. Dân chủ cũng có nghĩa là ta không phải hối lộ nếu ta muốn làm ăn. Điều tôi muốn nói là có rất nhiều nhân tố kết hợp mà người dân cần… thừa nhận trong công cuộc xây dựng một xã hội dân sự cho phép một quốc gia thành công.”

Cho dù Tổng thống có ý thức điều này hay không, ông đang lặp lại một chủ đề mà các nhà tuyên truyền Xô-viết lần đầu tiên đưa ra cách đây đã lâu, và nhiều biến thể của chủ đề này về sau được đủ các loại nhà độc tài Thế giới Thứ Ba từ tả sang hữu đều tán tụng. Đã từ lâu người ta không còn tin vào lý thuyết đó nữa sau vô số các nghiên cứu khác nhau chứng minh rằng các thể chế dân chủ hoàn thành tốt hơn việc nâng cao phúc lợi về kinh tế và xã hội, duy trì hoà bình và ngăn ngừa các thảm họa. Hãy khoan nhắc đến chuyện là thật không thích hợp khi một vị Tổng thống Mỹ nói về dân chủ chỉ như một “hình thức”, kém quan trọng hơn thực chất.

Khuynh hướng giảm thiểu tầm quan trọng của dân chủ và nhân quyền thể hiện rõ qua một số hành động quan trọng ở nước ngoài. Khi Hugo Chavez, với tham vọng trở thành nhà độc tài của Venezuela, tổ chức cuộc trưng cầu dân ý để gạt qua một bên truyền thống lâu đời của nước này về giới hạn số nhiệm kỳ của Tổng thống, chính phủ Mỹ đã cố gắng quá đáng để chấp thuận quá trình này. Hãng thông tấn Associated Press tường thuật:

“Chính quyền Obama nói cuộc trưng cầu dân ý nhằm mở đường cho Tổng thống Venezuela Hugo Chavez ra tái tranh cử là dân chủ. Đây là lời khen ngợi hiếm hoi dành cho một kẻ chống Mỹ sau bao năm trời bị chính quyền Bush chỉ trích. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ ông Gordon Duguid lưu ý về ‘các báo cáo đáng quan ngại về sự hăm dọa.’ Nhưng ông nói thêm rằng ‘nói chung đây là một quá trình hoàn toàn phù hợp với tiến trình dân chủ.’”

Tuy có nhấn mạnh vào việc không có những sự bất thường diễn ra trong cuộc trưng cầu, lời đáp trên đã cố tình bỏ qua một vấn đề lớn hơn. Giới hạn số nhiệm kỳ đã và đang là một trụ cột của dân chủ trên khắp châu Mỹ Latinh, nơi có một lịch sử đáng than phiền về các nhà lãnh đạo dân cử cố bám vào chức vụ nhờ vào các thủ đoạn bất chính.

Dù thủ tục này có theo đúng luật một cách tỉ mỉ đến mấy chăng nữa, mưu chước hiến pháp này của ông Chavez, một kẻ không giấu tham vọng nắm quyền tổng thống suốt đời, tạo ra mối đe doạ đáng sợ cho sự tồn vong của nền dân chủ nước đó.

Có lẽ sự chuyển hướng thấy rõ nhất trong chính sách của Mỹ là đối với Ai Cập. Hiển nhiên vốn là nước Ả Rập lớn nhất và có ảnh hưởng nhất về mặt trí thức, Ai Cập cũng là nước Ả Rập gần gũi nhất với Washington. Như vậy, việc chính quyền Bush sẵn sàng gây sức ép với chính phủ của Hosni Mubarak từng là một dấu hiệu thật lòng về sự nghiêm túc của chính quyền trong mong muốn đẩy mạnh dân chủ.

Về phần mình, những người Ai Cập quan tâm đến cải cách đã kêu gọi Mỹ nên viện trợ Ai Cập kèm theo điều kiện về cải cách. Chính quyền Bush chưa bao giờ đi theo hướng này, nhưng ý tưởng đó đã nhận được sự ủng hộ ở Quốc hội, nên nó chẳng khác gì thanh gươm treo lơ lửng trên đầu chính quyền của ông Mubarak. Obama đã loại bỏ mối đe dọa này. Như hãng thông tấn Associated Press đưa tin: “Tuần qua đại sứ của Ai Cập tại Mỹ, ông Sameh Shukri, nói rằng các mối quan hệ đang cải thiện và Washington đã từ bỏ những điều kiện để cho mối quan hệ tốt đẹp hơn, trong đó có đòi hỏi về ‘nhân quyền, dân chủ và các tự do tôn giáo và tự do thông thường (general).’”

“Đặt điều kiện” với Ai Cập “không phải là chính sách của chúng tôi,” Bộ trưởng Ngoại giao Clinton cho biết trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Ai Cập vào đầu tháng này. “Chúng tôi cũng muốn đưa quan hệ của chúng ta đến cấp kế tiếp.”

Trong khi hứa hẹn viện trợ không ràng buộc cho chế độ, chính quyền Obama rút lui sự giúp đỡ cho các nhóm độc lập, sự giúp đỡ mà chính quyền Bush cương quyết duy trì bất chấp bao phản đối từ phía nhà cầm quyền Ai Cập. Khi tuyên bố loại bỏ các chương trình trực tiếp ủng hộ các tổ chức xã hội dân sự Ai Cập, đại sứ Mỹ, bà Margaret Scobey, giải thích rằng điều này sẽ “giúp thúc đẩy” mối quan hệ với chính phủ Ai Cập được suôn sẻ hơn. Tờ New York Times tóm tắt các bước sau của chính quyền Obama:

“Toà Bạch Ốc đã trợ giúp Tổng thống Mubarak qua việc loại bỏ sự tài trợ của Mỹ dành cho các tổ chức xã hội dân sự mà nhà nước Ai Cập vốn từ chối công nhận, và qua việc công khai tuyên bố rằng sự tài trợ cho quân đội lẫn cho dân sự đều không kèm theo điều kiện nào về cải cách. Điều này gây ra sự hốt hoảng ở những người cấp tiến, ở những nhà học giả và ở những người hoạt động dân chủ trong khu vực.”

Như cây viết blog người Ai Cập trẻ nổi tiếng, “Sandmonkey”, không dằn được sự bất kính và văng tục, khi thốt lên: “Chúng ta hãy nhìn vào sự thật, Obama sẽ không thúc đẩy nhân quyền và dân chủ. Kỷ nguyên đó đã không còn nữa. Giờ đây chúng ta rốt lại chỉ còn là ngoại giao và hữu nghị thôi, và đó là những gì người Mỹ muốn, thậm chí cái giá mà các nhà hoạt động dân chủ ở Ai Cập phải trả là bị hiếp tả tơi.”

Điều này hình thành nên bối cảnh cho bài diễn văn được mong chờ nhiều của Tổng thống trước thế giới Hồi giáo được đọc tại Cairo vào ngày 4 tháng Sáu.

Người ta kỳ vọng rằng Tổng thống nhân dịp này sẽ đề cập đến nhiều vấn đề gai góc, bối cảnh cuộc nói chuyện này cũng sẽ buộc Obama giải thích quan điểm của ông về dân chủ và nhân quyền một cách rõ ràng hơn nhiều so với trước đây. Trên tờ New York Times, James Traub đã phân tích vấn đề này như sau:

“Ai Cập là mục tiêu trọng tâm của Chính sách Tự do (Freedom Agenda ) của Tổng thống Bush… Nhưng khi một đảng Hồi giáo đối lập đạt kết quả cao trong bầu cử, bộ máy an ninh của Ai Cập bắt đầu đàn áp mạnh. Chính quyền Bush lên tiếng yếu ớt vì e ngại làm mất lòng một đồng minh quan trọng… Lời lẽ của Obama hẳn nhiên sẽ được đặt trong khuôn khổ của sự kiện đó. Phải chăng Bush nên thúc đẩy mạnh hơn nữa cải cách về dân chủ tại Ai Cập cũng như tại các nước đồng minh khác? Phải chăng chính quyền của ông nên nói năng mềm mỏng hơn, ít công khai hơn? Giống như cha mình, phải chăng ông cũng nên ít quan tâm hơn cách hành xử của các chế độ đối với công dân của họ mà nên quan tâm hơn đến việc đạt được sự hợp tác về các mục tiêu an ninh quốc gia của Mỹ?”

Trong bài diễn văn, ông Obama đã bàn thẳng đến vấn đề đó, coi “dân chủ”, “tự do tôn giáo,” và “nữ quyền” là ba trong số bảy “vấn đề cụ thể” mà ông nói “cuối cùng chúng ta phải cùng nhau đối mặt.” Về dân chủ, ông nói một cách hùng hồn:

“Tất cả mọi người đều mong muốn một số điều nhất định: khả năng nói thẳng ý kiến của mình và có tiếng nói trong chính quyền của mình: niềm tin vào thượng tôn pháp luật và sự áp dụng công lý bình đẵng; chính quyền phải minh bạch và không ăn cắp của dân; quyền tự do sống như mình muốn. Đó không chỉ là các tư tưởng Mỹ mà đó là nhân quyền. Và vì thế chúng tôi sẽ ủng hộ những điều này ở khắp mọi nơi.”

Tuy tuyên bố trên khá mạnh mẽ, nhưng ý nghĩa cuối cùng của nó vẫn khó nắm bắt. Ngay lập tức sau những lời này, Obama đưa ra liền cảnh báo rằng ” không có con đường thẳng tắp để thực hiện được sự hứa hẹn này.” Và mặc dù ông khẳng định niềm tin của ông về “các chính quyền phản ánh ý muốn của nhân dân,” nhưng ông lại nói thêm, “Mỗi quốc gia thực hiện nguyên tắc này theo cách riêng của mình, xuất phát từ truyền thống của dân tộc mình. Mỹ không mạo muội biết điều gì là tốt nhất cho mọi người.”

Than ôi, ý tưởng này sao rất giống lời tuyên bố mà nhiều chế độ chuyên quyền hay cổ võ, trong đó có chế độ quân chủ tuyệt đối của Ả Rập Saudi, nơi Obama mới thăm viếng ngày hôm trước. Không có nơi đâu trong bài diễn văn này Tổng thống đề cập đến điểm cực kỳ quan trọng là các cuộc bầu cử chỉ là cách duy nhất được biết để quyết định ý muốn của nhân dân. Rõ ràng, điều đó ắt hẳn là “quá đáng.”

Khi chuyển sang vấn đề nữ quyền, những lời mạnh mẽ nhất của Obama là phụ nữ nên được học hành và tự do chọn có nên hay không nên sống theo vai trò truyền thống. Cũng ở đây, ông ra sức tránh tỏ vẻ rằng Mỹ có một thành tích xứng đáng hơn các quốc gia ông đang nói chuyện hay có điều cần dạy cho họ. Trái hẳn là đằng khác:

“Sự bình đẳng của phụ nữ hoàn toàn không đơn giản là một vấn đề đối với Hồi giáo. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Bangladesh, Indonesia, chúng ta đã thấy các quốc gia có đa số người theo đạo Hồi này đã bầu phụ nữ làm lãnh đạo. Trong khi đó cuộc đấu tranh cho sự bình đẳng phụ nữ vẫn còn đang tiếp diễn trong nhiều khía cạnh của cuộc sống Mỹ, và trong nhiều quốc gia trên khắp thế giới.”

Ở ba nơi khác nhau trong bài diễn văn, Obama đã bảo vệ quyền của phụ nữ trùm khăn che đầu (hijab), rõ ràng đi ngược lại điều cấm tại các trường công Pháp hay tại các văn phòng của chính quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ hay có lẽ trong quân đội Mỹ, nơi yêu cầu phải đội mũ lính. Nhưng ông không nói một lời nào về quyền không trùm khăn che đầu, mặc dù số lượng phụ nữ bị buộc phải mặc trang phục tôn giáo ắt hẳn nhiều gấp hàng chục ngàn lần số lượng bị tước đi cơ hội đó. Điều này lại càng kỳ lạ hơn vì ông vừa đến từ Ả Rập Saudi, là nơi abbayas- áo chùng che kín từ đấu đến ngón chân được mặc phủ lên bên ngoài áo quần thông thường- là bắt buộc cho phụ nữ bất kỳ khi nào họ đi ra khỏi nhà. Trong chặng dừng chân ở Riyadh, nhiệt độ mùa xuân êm dịu đã là 104 độ F; trong những tháng tới, trời sẽ nóng hơn từ hai mươi đến ba mươi độ nữa. Abbayas lại phải là màu đen, trong khi đàn ông ra đường đều mặc màu trắng, mà người ta giải thích là để chống nắng tốt hơn.

Obama cũng không trực tiếp hay gián tiếp chỉ ra rằng tất cả các phụ nữ Ả Rập Saudi đều được yêu cầu phải có người “giám hộ” nam, có thể là cha, chồng, chú bác, anh ruột, và thậm chí cả con trai, và nếu không có giấy xác nhận cho phép của người giám hộ, họ không tài nào được đi làm, đi học hay đi xa, hay họ có thể bị cưỡng ép lập gia đình khi mới có chín tuổi. Khi nói về nữ quyền ở Ai Cập, Obama hẳn có thể cũng tìm thấy điều gì đó để nói, dù rất kiệm lời, về tập tục cắt bỏ một phần bộ phận sinh dục của các bé gái (genital mutilation), vốn phổ biến ở nước này nhiều hơn hầu hết ở các nơi khác, song ông lại im lặng về vấn đề này.

Về tự do tôn giáo, ông nhắc đến “truyền thống bao dung đáng tự hào” của đạo Hồi. Ở một trong những đoạn văn có tính động viên hơn, ông tuyên bố rằng “sự đa dạng phong phú về tôn giáo phải được duy trì, cho dù sự đa dạng đó dành cho người theo đạo Thiên chúa phái Maronite ở Lebanon hay phái Copt ở Ai Cập.” Một trong hai tổ chức đứng ra cùng điều hợp cho buổi nói chuyện này là Đại học Al-Azhar, một trường mà ông Obama đã khen ngợi là “ngọn hải đăng của nền học thuật Hồi giáo.” Lời khen ấy có thể đúng, nhưng Đại học Al-Azhar chỉ nhận người Hồi giáo. Những tín đồ nước ngoài cũng như người trong nước nào trung thành với thông điệp của Đấng Tiên tri có thể theo học tại đây, nhưng những người Ai Cập theo đạo Thiên chúa thì không được theo học. Có lẽ điều này có thể hiểu nếu đây là trường chỉ chuyên dạy về nền học thuật Hồi giáo (cho dù có đúng như vậy, người ta vẫn hỏi tại sao lại cấm họ), nhưng ngày nay Đại học Al-Azhar lại cấp những bằng cấp về y khoa, công nghệ, và khá nhiều ngành học khác. Hàng chục ngàn sinh viên được nhà nước tài trợ nhờ vào tiền dân Ai Cập đóng thuế, nhưng mười phần trăm dân số là người theo đạo Thiên chúa phái Copts lại bị cấm theo học ở trường này.

Trong những đoạn văn này, cũng như trong suốt bài diễn văn, phương pháp của Obama là dụ thính giả nuốt có lẽ một vài sự thật khó chịu bằng cách phết lên chúng một loại nước sốt đặc êm dịu của những sự thật nửa vời, những bóp méo, những bỏ sót, và những so sánh không đúng.

Như vậy, bài diễn văn bóng bẩy ở Cairo là đỉnh cao của những chủ đề của Obama trong những tháng ban đầu sau khi nhậm chức. Ông đã từng trách Mỹ về cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, về sự nóng ấm lên trên toàn cầu, về các cuộc chiến ma túy ở Mexico, về “việc không biết ơn vai trò của Châu Âu trên thế giới,” và nói chung về việc “rất hay thường xuyên” cố “áp đặt điều kiện của chúng ta.” Ông nhấn mạnh tất cả điều này qua việc phái ngoại trưởng của ông thực hiện, như lời của tờ New York Times, “chuyến công du sám hối” đến Châu Á và Châu Mỹ La Tinh. Giờ đây ông lại thêm những lời xin lỗi mới vì đã lật đổ chính phủ Iran vào năm 1953, vì đã đối xử với các nước Hồi giáo như “tay sai” trong Chiến tranh Lạnh “mà chẳng đếm xỉa gì đến các nguyện vọng riêng của họ.”

Rồi tất cả những sự nhận lỗi về mình này sẽ đạt đến mục đích gì? Có lẽ đây là một chiến lược nhằm, như ông diễn tả, “khôi phục địa vị của Mỹ trên thế giới.” Hay giống như nhiều người khác, trong đó có nhiều người Hồi giáo và người Châu Âu, ông có lẽ cũng thành thực tin rằng Hoa Kỳ có thể phải chịu trách nhiệm cho một phần lớn các căn bệnh của thế giới. Nói gì thì nói, hình như Obama hy vọng sự tự phê bình như thế sẽ mở đường cho việc đối thoại thành công nhằm giải quyết các bất đồng giữa chúng ta với các nước Iran, Syria, Trung Quốc, Nga, Miến Điện, Sudan, Cuba, Venezuela, và phe “trung dung” của Taliban.

Chiến lược này có thể được gọi là hòa bình nhờ tương đương về đạo đức (moral equivalence), và từ đó cuối cùng ta hoàn toàn hiểu tại sao Obama chống lại sự ủng hộ về nhân quyền và dân chủ. Vì chừng nào những vấn đề nhân quyền và dân chủ còn được nhấn mạnh thì lý thuyết tương đối về văn hoá vốn đan quyện trong bài diễn văn Cairo của ông và trong những tuyên bố tương tự ở các nơi khác tỏ ra vô lý. Cố tìm ra một khuyết điểm của tự do tôn giáo ở Mỹ, Obama tuyên bố rằng “ở Hoa Kỳ, các điều luật về cho tiền từ thiện gây khó khăn hơn nhiều cho những người Hồi giáo muốn làm tròn bổn phận tôn giáo của họ.” Rõ ràng, ông đang ám chỉ đến chuyện là tiền đóng góp cho các tổ chức ở nước ngoài không được khấu trừ vào thuế. Dĩ nhiên, điều này chẳng có gì liên quan đến tự do tôn giáo ngoại trừ chỉ đảm bảo rằng các khấu trừ thuế chỉ được dành cho các tổ chức thiện nguyện chính đáng chứ không phải cho, chẳng hạn, “những kẻ quá khích bạo lực,” như Obama gọi họ (tránh dùng từ “kẻ khủng bố”).

Hãy xem xét lời cáo buộc lỗi vặt vãnh này về nước Mỹ khi so sánh với tình trạng tự do tôn giáo tại Ai Cập, nơi những người theo đạo Thiên chúa có thể không được xây hay tu sửa nhà thờ nếu không có văn bản cho phép từ tổng thống nước này hay từ một thống đốc tỉnh (và nơi người Do Thái không còn cảm thấy sống an toàn). Hay hãy so sánh cái lỗi rất nhỏ không đáng ấy với thực tiễn tại nơi dừng chân trước đó trên lộ trình công du của Obama, tức Ả Rập Saudi, nơi không có nhà thờ Thiên chúa nào có thể đứng nổi, nơi người Do Thái có một thời không được phép đặt chân đến, và nơi ngay cả chính những người theo Hồi giáo thuộc các hệ phái không phải Sunni cũng bị ngăn cản xây nơi thờ tự của họ.

Tóm lại, mặc dù ta có thể tìm thấy những điều không hay từ nền dân chủ và nhân quyền của Mỹ, nhưng những điều không hay hiện diện tràn lan trong thế giới Hồi giáo còn nặng nề hơn nhiều khi so thứ bậc về mức độ. Nếu dân chủ và nhân quyền được coi như những giá trị cao quý, thì tất cả các xã hội đều không bình đẳng về mặt đạo đức. Đây là ý tưởng, tựa như dao, cắt sâu vào xúc cảm tinh tế đa văn hoá của Obama.

Nước Mỹ không chỉ hiện thân cho những giá trị này, nước Mỹ còn có trách nhiệm hơn bất kỳ nước nào khác về công cuộc truyền bá chúng. Ngày nay nhiều dân tộc hưởng hồng phúc của tự do là nhờ ảnh hưởng của Hoa Kỳ, nhờ sự giúp đỡ, nhờ gương sáng, và nhờ vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trong việc làm sụp đổ khối Trục, Liên Xô, và chủ nghĩa thực dân châu Âu. Hơn thế nữa, sự tiến bộ về nhân quyền và dân chủ cần thiết phải thực thi ảnh hưởng Mỹ và qua đó có thể tăng thêm sức mạnh của ảnh hưởng đó, song hình như cả hai quá trình này đều không được đón mừng bởi các vị tông đồ rao giảng về tự phủ định quốc gia.

Ở Cairo, lại một lần nữa, Tổng thống Obama chỉ trích chính quyền Bush vì đã hành động “ngược lại những lý tưởng của chúng tôi” khi chính quyền Bush vi phạm những luật lệ về quá trình xét xử trong lúc đang diễn ra cuộc chiến tranh chống khủng bố và chấp thuận “những kỹ thuật thẩm vấn được nâng cao” mà nhiều người tin là chẳng khác gì tra tấn. Tệ hại nhất, những vi phạm này là những câu trả lời dở cho những câu hỏi mà không có những câu trả lời hay. Trong các biện pháp tra hỏi này có một số biện pháp có thể sai trái, nhưng cho đến nay vẫn không có một lời tố cáo nghiêm túc nào về bất kỳ viên chức nào đã sử dụng đến các biện pháp này cho bất kỳ mục đích xấu xa nào, nghĩa là, cho bất kỳ mục đích gì ngoại trừ mục tiêu bảo vệ nước chúng ta trong thời chiến tranh và lúc tổ quốc lâm nguy.

Để tâm lâu vào chủ đề này, như Obama từng làm, là phải nhấn mạnh thật nhiều hơn vào các giá trị nhân quyền. Như thế thật là lạ lùng khi tách rời nhân quyền và dân chủ ra khỏi các việc cần phải làm trong chính sách đối ngoại của chúng ta. Đây không phải là nơi để tiến hành tranh luận về sự tra tấn, nhưng thậm chí nếu Khaled Sheikh Mohammed, kẻ chủ mưu vụ tấn công 9/11 và cũng là nạn nhân chính của biện pháp trấn nước, và những kẻ khác có bị hành hạ, thì ta chẳng mảy may nghi ngờ rằng họ đã toan tính làm điều ác. Thật là khó hiểu khi lớn tiếng ta thán về cảnh họ bị đối xử trong khi đó làm tắt đi tiếng nói của Mỹ thay mặt cho những nhà tranh đấu cấp tiến như ông Ayman Nour và ông Sa’ad Edin Ibrahim, do ủng hộ dân chủ một cách hoà bình mà bị trấn áp bởi chính chính quyền đã tiếp đón Obama ở Cairo. Trong vấn đề này ta không thể tìm thấy sự nhất quán về chiến lược cũng như về đạo đức.

__________________

Joshua Muravchik là thành viên của Viện Nghiên cứu Chính sách Ngoại giao của Đại học John Hopkins, khoa Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp.

Nguồn: commentarymagazine.com số tháng Bảy/tháng Tám năm 2009

Bản tiếng Việt © 2009 Trần Quốc Việt

Bản tiếng Việt © 2009 talawas blog