2.11.09

Marcus Walker – Dân chủ tiến đến đâu sau khi bức tường sụp đổ

Trần Quốc Việt dịch

Đối với nhiều người quan sát, sự sụp đổ bức tường Berlin vào ngày 9 tháng 11 năm 1989 là biểu tượng cho sự chiến thắng của nền dân chủ cấp tiến và của thị trường tự do trước đối thủ ý thức hệ nặng ký cuối cùng của mình.

Sau hai thập niên và cuộc khủng hoảng tài chính gần đây hơn, bắt đầu có sự tranh luận rằng liệu sự đánh giá trên phải chăng là quá sớm.

Một số nhà tư tưởng Phương Tây giờ cho rằng dân chủ đang trong giai đoạn cạnh tranh mới về hình thức chính quyền nào có thể mang lại tốt hơn sự thịnh vượng, an sinh và sức mạnh dân tộc với các chế độ chuyên quyền đang mạnh lên bất ngờ.

Những người chỉ trích quan điểm đó khẳng định rằng dân chủ đã phục vụ tốt hơn rất nhiều nhu cầu của nhân dân và nâng cao đáng kể mức sống ở khắp phần lớn vùng trung và đông Âu. Họ cũng nói thêm rằng ta cần phải chờ xem về lâu dài các nhà độc tài ở bất kỳ nơi đâu có đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân hay không.

Vào mùa hè năm 1989, nhà kinh tế chính trị Mỹ Francis Fukuyama đã tiên đoán sự “Sự cáo chung của lịch sử” trong một bài viết quan trọng, trong đó nêu lên ý rằng không còn mô hình khả tín nào tồn tại nổi trước nền tự do về kinh tế và chính trị như Mỹ và Tây Âu đang áp dụng. Mục tiêu còn lại đối với các nước khác, theo ông, là hãy ráng đuổi kịp họ.

Ngày nay, lịch sử đang quay lại, theo các tác giả chẳng hạn như nhà viết sử quân đội Do Thái Azar Gat. Trong cuốn sách mới của mình, Chiến thắng song dễ tổn thương, ông nhận xét rằng mặc dù dân chủ là thể chế hiền hòa nhất trong lịch sử, chính lại một lần nữa, dân chủ nhất định phải chứng tỏ sự ưu việt của mình khi đối mặt với đối thủ ý thức hệ mới nhất của nó: chủ nghĩa tư bản chuyên quyền, đang được các cường quốc đầy tự tin như Trung Quốc và Nga theo đuổi.

Hồi tưởng lại, năm 1989 đã dẫn đến sự chấp nhận chủ nghĩa tư bản gần như ở khắp mọi nơi, nhưng ta không thể nói như vậy về dân chủ.

Thật vậy, qua sự chuyển đổi từ kinh tế cộng sản sang chủ nghĩa tư bản, tuy rằng một hình thức chủ nghĩa tư bản đặt dưới sự kiểm soát của nhà nước mà Adam Smith chắc sẽ không thừa nhận, Trung Quốc và Nga đã chọn “một hình thái chủ nghĩa chuyên quyền có hiệu quả hơn rất nhiều” hơn hẳn con đường mòn họ đã đi qua trong thời Chiến tranh Lạnh, giáo sư Gat nói.

Những nhà khoa học về chính trị khác cho rằng còn quá sớm để xác định liệu hai cường quốc trên có thật sự đại diện cho con đường phát triển phi truyền thống so với Phương Tây.

Theo Niall Ferguson, một sử gia về kinh tế ở Khoa Thương mại Harvard, “Hoàn toàn không có gì chắc chắn rằng Trung Quốc có thể duy trì cấu trúc quyền lực hiện nay.”

Hơn nữa, tuy nước Nga ngày nay có thể ngày càng trở nên khẳng định hơn, nhưng so với Liên Xô trước đây, nó vẫn còn là một cường quốc khá yếu; trong khi đó, hai nền kinh tế đang phát triển chính, Ấn Độ và Brazil, đang ở về phe dân chủ, giáo sư Ferguson chỉ ra.

Một phần sức mạnh gần đây của các nhà cai trị chuyên quyền ở Nga, Iran và Venezuela là nhờ vào giá dầu tăng cao, Tom Carothers, người đứng đầu dự án nghiên cứu về đân chủ ở tổ chức Carnegie Endowment for International Peace nhận xét. “Nhưng khi giá hàng hóa hạ, họ cũng khốn đốn theo,” ông nói.

Dân chủ cấp tiến vẫn còn là thể chế thích hợp nhất nhằm bảo vệ quyền của cá nhân, ông Carothers khẳng định: “Người dân chẳng ai muốn mình bị chính quyền xử tệ cả.”

Tuy nhiên, ông Carothers nói, “Người dân cũng muốn chính quyền lo cho dân và làm cho dân cảm thấy an tâm.” Ông nói thêm là những người lãnh đạo ở một số nước có thể lợi dụng lòng mong muốn đó của người dân để đặt ưu tiên vấn đề trật tự và phát triển kinh tế lên trước quyền của cá nhân và tự do.

Ngày nay, 46% tất cả các nước có nền dân chủ đã phát triển hoàn toàn, theo Freedom House, một think tank độc lập có trụ sở tại Washington và thường nhận phần lớn nguồn tài trợ từ chính phủ Mỹ.

Số lượng trên đã tăng lên từ 36% vào năm 1989. Phần nhiều sự tiến bộ theo chiều hướng dân chủ này đã diễn ra ở các nước vệ tinh cũ của Xô Viết tại trung Âu như Ba Lan, nơi đã đạt được sự tiến bộ kinh tế ngoạn mục dưới thể chế dân chủ.

Nhưng sự lan truyền dân chủ đã bị chựng lại trong những năm vừa qua, theo ông Chris Walker, giám đốc nghiên cứu ở Freedom House. Cũng theo Freedom House, tỷ lệ 46% các nước theo thể chế dân chủ cấp tiến trên thế giới hôm nay vẫn dừng lại chính xác ở mức vào năm 1999.

Mặc dù các nước như Serbia, Croatia và Slovakia đã trở nên dân chủ hơn trong những năm gần đây, nước Nga của Vladimir Putin và đa số các nước láng giềng từ thời Liên Xô cũ đã trượt trở lại chủ nghĩa chuyên quyền, ông Walker nhận xét.

Ngày nay, ngay cả giáo sư Fukuyama cũng dè dặt hơn nhiều so với hồi năm 1989 về lịch sử sẽ cáo chung như thế nào. Thành công bất ngờ của Trung Quốc trong phát triển kinh tế tư bản trong khi vẫn duy trì chế độ cai trị độc đảng là thách thức lớn nhất đối với khái niệm cho rằng chế độ chuyên quyền tất yếu sẽ tiêu vong, giáo sư Fukuyama nhận xét.

“Họ đã làm chủ được sự phát triển kinh tế trong hoàn cảnh chuyên quyền, và ta có thể khẳng định họ đã làm được điều đó nhanh hơn bởi vì họ là những kẻ chuyên quyền,” ông nói.

Sự hấp dẫn của Trung Quốc như là một con đường khác ngoài con đường theo kiểu Tây Phương đang mở rộng đến những nơi như Nam Phi, là nơi đã được dân chủ hoá sau Chiến tranh Lạnh, nhưng giờ đây xem Bắc Kinh như là tấm gương để noi theo.

Bộ trưởng Lao động Nam Phi Membathisi Mdladlana tuyên bố trong cuộc viếng thăm Bắc Kinh vào năm 2007 rằng “Rõ ràng có điều gì đó đúng qua những gì Trung Quốc đang làm, và Nam Phi có rất nhiều điều để học hỏi từ việc chia sẻ kinh nghiệm với họ.”

Trung Quốc lẫn Nga đều không tích cực truyền bá hệ thống chính quyền của họ như cách Mỹ vẫn làm. Nhưng sự phát triển gần đây của Trung Quốc đặc biệt đang nuôi dưỡng một niềm tin ở nhiều nơi trên thế giới rằng dân chủ không cần thiết, thậm chí càng chẳng có lợi cho sự thịnh vượng, một số nhà phân tích nói.

“Có hàng trăm triệu người, đặc biệt ở Châu Á, tin rằng dân chủ thường có nghĩa là nhiều tranh cãi vặt, nhiều sự do dự và kém hiệu quả về kinh tế, và rằng dân chủ đòi hỏi sự thiệt thòi (tradeoff) đối với sụ phồn thịnh mà họ không sẵn sàng chịu,” ông Jonathan Eyal, giám đốc nghiên cứu ở viện nghiên cứu Royal United Services, một think tank độc lập chuyên về ngoại vụ ở London, phát biểu.

Ông Eyal cho rằng phản ứng quyết liệt nhằm chống lại dân chủ theo kiểu Tây Phương bắt đầu ngay trong lúc những cuộc cách mạng dân chủ trong năm 1989 vẫn còn đang diễn ra – trước hết là do cách Bắc Kinh phản ứng trước các biến động của năm đó.

Những người cộng sản cai trị tại Trung Quốc, trước đấy đã đàn áp đẫm máu các cuộc biểu tình trên đường phố quanh quảng trường Thiên An Môn vào tháng Sáu năm 1989, giờ sững sờ bàng hoàng trước các cuộc cách mạng đang tràn qua Đông Âu vào mùa hè và mùa thu năm đó. Phản ứng đầu tiên của họ là ngừng lại ngay mọi thay đổi về chính trị và kinh tế. Nhưng “nhà lãnh đạo tối cao” Đặng Tiểu Bình lại có quan điểm cho rằng khối Xô Viết thất bại là do sự trì trệ về kinh tế.

Vào đầu năm 1992, chỉ mấy tuần sau khi Liên Xô giải thể, ông Đặng đã đi tham quan một vòng phía nam Trung Quốc để đẩy mạnh chiến lược thay đổi kinh tế nhanh chóng, đồng thời tăng cường sự kiểm soát về chính trị.

“Đường lối của ông Đặng rất mới mẻ,” sử gia hàng đầu về Trung Quốc ông Michael Yahuda nói. “Trong thời kỳ cải cách trước, từ năm 1979 đến năm 1989, cũng đã có nhiều thảo luận về cải cách chính trị. Sau thời điểm đó không còn nhắc đến sự thay đổi về chính trị nữa,” ông cho biết.

Vào năm 1989, những người theo dõi tình hình Trung Quốc không ai tin trong 20 năm tới đảng cộng sản vẫn có thể còn độc quyền về quyền lực, giáo sư Yahuda nói.

Giáo sư Fukuyama cho rằng cuối cùng dân chủ vẫn còn có cơ may thắng thế tại Trung Quốc. “Nếu thu nhập của người Trung Quốc tăng gấp đôi trong vòng từ 10 đến 15 năm tới, như vậy đặt họ cùng với mức thu nhập của người Nam Hàn và người Đài Loan vào lúc thời điểm quá độ về dân chủ ở hai nước này, phải chăng đến lúc đó sẽ có áp lực (hợp lòng dân) đòi dân chủ hóa?” ông hy vọng được như thế.

Nam Hàn và Đài Loan là những bằng chứng nổi tiếng cho lập luận rằng sự thịnh vượng rồi cuối cùng sẽ mở ra dân chủ. Cách đây khoảng 20 năm, cả hai chế độ vốn chuyên quyền này đã nhường chỗ cho nền dân chủ cấp tiến, diễn ra cùng lúc với sự tiến bộ về kinh tế. Điều này dường như khẳng định lý thuyết của Tây Phương cho rằng chủ nghĩa tư bản tạo ra một giai cấp trung lưu giàu có mà đòi hỏi có sự đại diện để đổi lại tiền đóng thuế.

Giáo sư Gat cho rằng Nam Hàn và Đài Loan không phải là người dẫn đường tốt cho tương lai Trung Quốc. Ông nói: “Họ hồi đó là hai nước nhỏ nằm trong quỹ đạo Mỹ trong thời Chiến tranh Lạnh và đã chịu rất nhiều ảnh hưởng Mỹ.”

Trong khi đó, việc Singapore kiên trì theo đuổi chế độ gia trưởng nghiêm ngặt chứng tỏ rằng có hơn một con đường phát triển kinh tế ngay cả ở mức độ cao, ông nói.

Trước sự sụp đổ của khối Xô Viết, Ấn Độ đáp lại bằng cách từ bỏ nền kinh tế xã hội chủ nghĩa của nó vào năm 1991 để ủng hộ cải cách theo định hướng thị trường, trong khi vẫn duy trì nền dân chủ còn đầy khó khăn của mình. Sự hấp dẫn của dân chủ bên ngoài Phương Tây có thể trông chờ vào việc Ấn Độ thực hiện dân chủ như thế nào, giáo sư Yahuda nhận xét: “Đây là một sự chọn lựa khác cho thế giới đang phát triển.”

Nguồn: Wall Street Journal ngày 29 tháng 10 năm 2009.

Bản tiếng Việt © Trần Quốc Việt 2009

Bản tiếng Việt © talawas blog 2009