Trong những ngày mưa gió đi về này, mỗi khi nghĩ về tình cảnh Việt Nam không hiểu tại sao tôi nhớ lại một câu chuyện hài mà đượm nhiều nước mắt hơn tiếng cười như sau.
Thấy người chủ mới hai giờ chiều đã đi về, một người thợ lợi dụng lúc chủ vắng cũng bỏ về nhà rất sớm hơn thường lệ. Đến nhà, hắn thấy chiếc xe của chủ đậu trước nhà mình. Không nén được tò mò, hắn rướn người lên nhìn qua cửa sổ và thấy chủ với vợ mình đang ân ái trên giường.
Hắn từ từ đi lùi nhẹ bước ra xe của mình và về lại nơi làm. Những người thợ bạn ngạc nhiên hỏi hắn.
Hắn kể lại tất cả và cười đáp: "May quá! Ổng không thấy tao, nếu không chắc tao bị đuổi việc vì tội bỏ về sớm."
Chúng ta giống như người thợ trong chuyện. Chúng ta thờ ơ với mọi sự, buông xuôi tất cả, bỏ mặc tất cả những giá trị nền tảng của xã hội như văn hóa, đạo đức, tín ngưỡng trôi theo dòng thác lũ của sự vô cảm. Chúng ta mặc kệ chế độ làm gì thì làm từ việc hèn với giặc ác với dân đến việc chế giễu chúng ta là những kẻ thoái hóa. Họ coi chúng ta chẳng khác gì những nô lệ thiểu năng trí tuệ trong rạp xiếc nơi họ diễn trò góp ý hiến pháp, nơi họ tung xiếc những từ ngữ mị dân sáo rỗng. Chúng ta có kiên nhẫn ngồi chờ cho chế độ tàn cuộc vui mà không có can đảm bỏ về hay kéo sụp đổ rạp xiếc ấy.
Những thế hệ không có trách nhiệm với tương lai của những thế hệ sau thì đừng nên có con.
Những thế hệ hôm nay không tự đứng lên đôi chân của mình để trở thành người tự do thì họ và con cháu sẽ nằm phủ phục trước bạo quyền hôm nay và ngày mai.
Chúng ta bị hãm hiếp suốt bao nhiêu năm dài: hãm hiếp đạo đức, hãm hiếp nhân phẩm, hãm hiếp niềm tin, hãm hiếp quê hương...
Nhưng trong những ngày mưa gió đi về này, ngồi quanh chiếu rượu, chúng ta hân hoan cười nói: "May quá! Mình đã sống qua bao nhiêu năm này bình an."
Bên ngoài mưa gió đi về. Mưa gió không đủ mạnh để tạo thành bão cho nên bầu trời bao nhiêu năm qua mãi xám xịt nặng nề như tấm vải liệm dệt bằng nước mắt rủ xuống những thế hệ tương lai.