Trần Quốc Việt dịch
Người thật sự đạo đức là chỉ khi người ấy tuân theo sự thôi thúc giúp đỡ tất cả các sự sống mà người ấy có thể giúp đỡ, và tránh làm hại bất kỳ sự sống nào. Người ấy không hỏi sự sống này hay sự sống nọ giá trị nhiều bao nhiêu để xứng đáng với sự cảm thông của mình, và ngoài điều ấy ra, cũng không hỏi liệu sự sống ấy có thể có cảm giác hay có cảm giác ở mức độ nào. Sự sống đúng nghĩa là thiêng liêng đối với người ấy. Người ấy không bứt lá trên cây, không hái hoa, và cẩn thận không đè bẹp côn trùng. Vào mùa hè nếu người ấy làm việc bên ánh đèn, người ấy thích đóng kín cửa sổ và thở không khí ngột ngạt còn hơn thấy hết côn trùng này đến côn trùng khác bị cháy xém cánh và rớt lả tả xuống bàn.
Nếu người ấy đi trên đường sau cơn mưa rào và thấy con giun bò lạc vào đường, người ấy suy nghĩ ra rằng chắc nó phải chết khô khi nắng lên, nếu nó không sớm trở về kịp để có thể chui lại vào đất, cho nên người ấy cầm nó lên khỏi mặt đường đá tử thần, và đặt nó trên cỏ. Nếu người ấy tình cờ thấy côn trùng rơi xuống vũng nước, người ấy dừng lại một lát để đưa chiếc lá hay nhánh cây ra mà giúp cứu nó.
Người ấy không sợ bị chê cười là đa cảm. Chính số phận của tất cả các chân lý đều là chủ đề của sự chê cười cho tới khi chúng được tất cả mọi người thừa nhận. Ngày xưa những ai cho rằng những người da màu thật sự là những con người và nên được đối xử như con người đều bị coi là điên rồ. Ngày nay những ai tuyên bố rằng sự tôn trọng thủy chung tất cả mọi sự sống, xuống tới những hình thức sự sống thấp nhất, là sự đòi hỏi của đạo đức lý trí đều bị coi là đã đi quá xa. Tuy nhiên rồi đến lúc người ta sẽ kinh ngạc là nhân loại đã mất thời gian rất lâu mới hiểu sự tổn thương vô tâm đến sự sống là trái ngược với đạo đức.
Đạo đức là trách nhiệm vô hạn đối với tất cả sự sống.
Nguồn: Trích dịch từ tác phẩm “The Philosophy of Civilization” của Albert Schweitzer, nhà xuất bản Promethus Book, New York, 1987, trang 310-311. Tựa đề của người dịch.