7.8.10

WARREN KOZAK-HIROSHIMA QUA ĐÔI MẮT NHỮNG THẾ HỆ MỸ

Trần Quốc Việt dịch

Vào ngày này cách đây 64 năm, một chiếc máy bay Mỹ B-29 tên Enola Gay thả một quả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima. Chúng ta biết có đến 80,000 người Nhật chết ngay tức thì. Chúng ta biết thành phố bị san thành bình địa, và chúng ta biết về sau thêm độ 100,000 người nữa chết vì nhiễm độc phóng xạ. Chúng ta cũng ý thức rằng quả bom Hiroshima, và quả bom Nagasaki thả xuống ba ngày sau đó, đã mở đầu thời đại nguyên tử.

Vào thời điểm của sự kiện này, theo cuộc thăm dò của viện Gallup, 85% công chúng Mỹ tán thành việc thả bom nguyên tử (10% không tán thành). Trải qua nhiều năm, thái độ đó đã thay đổi. Đến năm 2005, Gallup thấy chỉ có 57% người Mỹ nghĩ bom nguyên tử ấy là cần thiết, trong khi 38% không tán thành. Đa số những người được thăm dò đều sinh ra sau sự kiện này.

Vào tháng Tám năm 1945, phần lớn thế giới đã mỏi mòn kiệt quệ sau sáu năm trường chiến tranh tổng lực và hàng chục triệu người chết. Mùa hè năm ấy, đa số mọi người đều không hiểu rõ lắm những hệ luỵ của Hiroshima. Tất cả những gì họ biết là bom nguyên tử là loại bom gì đấy mới, cực kỳ mạnh và là kết quả của một kế hoạch tuyệt mật. Bom chứng minh sự ưu việt phi thường về kỹ thuật của Hoa Kỳ – không khác gì chuyện lên trăng 24 năm sau.

Nhưng ngay cả trước khi bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima, những hoài nghi về việc sử dụng đến bom này đã xuất hiện trong nhóm những nhà vật lý chế tạo bom. Albert Einstein, người đầu tiên cho FDR biết về bom nguyên tử, cùng với Leo Szilard, người có vai trò quan trọng trong việc chế tạo bom, cả hai đều phản đối việc sử dụng bom nguyên tử chống lại thường dân Nhật.

Khi thời gian qua đi, đội quân của những kẻ hoài nghi đông thêm. Những người chỉ trích này cho rằng vào tháng Tám năm 1945, Nhật Bản đã gần như bại trận, nên bom nguyên tử không cần thiết. Họ khẳng định chiến dịch ném bom lửa trước đấy đã phá huỷ phần lớn các thành phố của Nhật Bản, và việc phong toả thuỷ lôi các sông cảng nội địa đã làm cho guồng máy sản xuất phục vụ chiến tranh hầu như bị tê liệt hoàn toàn. Các công dân Nhật Bản lại bị suy dinh dưỡng và ở trong nước gần như chẳng còn nhiên liệu hay bất kỳ nguyên liệu nào khác. Nhật Bản, theo hướng suy nghĩ này, là một quốc gia đã hết thời rồi, giờ chỉ còn chờ xem may ra có thương lượng được gì tốt nhất với phe Đồng Minh. Phần lớn điều này là đúng.

Mặt khác, những ai tin ném bom nguyên tử là cần thiết lại chỉ ra rằng khác với nước Đức quốc xã bị sụp đổ vào những ngày cuối cùng của nó, nguời Nhật chiến đấu càng mãnh liệt hơn nhiều khi người Mỹ càng tiến gần đến đất liền Nhật. Như đã chứng tỏ trong từng trận chiến chiếm đảo trước đây, hầu hết tất cả thần dân Nhật đều sẵn sàng chết cho Thiên Hoàng của họ, và vì thế điều này tất sẽ dẫn đến một cuộc đổ bộ hải lục quân có lẽ lớn nhất trong mọi thời đại. Người Mỹ đã trở nên chán ngán khi thấy cảnh hàng trăm hàng ngàn điện tín báo tử toả ra khắp các thành phố và thị trấn trên cả nước. Tướng Geogre C. Marshall, tham mưu trưởng quân đội, lo ngại rằng người Mỹ sẽ không thể nào duy trì được quyết tâm theo đuổi chiến tranh nếu cuộc tấn công vào nước Nhật lại là một cuộc chiến kéo dài, tổn thất quá cao.

Người Nhật cũng đặt hy vọng vào điều này. Vào thời điểm thả hai quả bom nguyên tử, những người lính Mỹ dày dạn chinh chiến đang được thuyên chuyển từ Châu Âu về lại Mỹ, và rồi được điều tiếp đến những khu vực tập kết ở Thái Bình Dương. Theo kế hoạch đợt đánh đầu tiên vào Nhật Bản sẽ dự trù diễn ra trong tháng Mười Một năm 1945 do tướng Douglas MacArthur chỉ huy, tiếp đến đợt tấn công thứ hai vào tháng Ba năm 1946. Các bệnh viện lúc ấy đang được xây dựng hối hả ở Quần Đảo Mariana để dự trù tiếp nhận hàng ngàn thương binh. Những gì người Mỹ cuối cùng tìm thấy ở Nhật Bản sau khi Nhật Bản đầu hàng đã chứng minh rõ ràng là Nhật Bản đang chuẩn bị để đẩy lùi cuộc tiến công của Mỹ, không chỉ bằng quân đội mà cũng bằng những đội cảm tử dân sự.

Cuộc tranh luận về bom nguyên tử này đến hồi sôi nổi nhất cách đây 14 năm khi viện Smithsonian giới thiệu một cuộc triển lãm mà các nhóm cựu chiến binh phản đối vì họ tin là cuộc triển lãm ấy nhấn mạnh quá nhiều đến những nạn nhân của vụ ném bom nguyên tử mà không nhấn mạnh đến các lý do cho việc thả bom. Cuộc trưng bày đó cuối cùng bị huỷ bỏ. Rồi, mùa xuân vừa qua, nghệ sĩ hài Jon Stewart đã bị rất nhiều người đồng loạt chỉ trích khi ông gọi Harry Truman là “tội phạm chiến tranh” vì đã ra lệnh thả bom nguyên tử. Ông Stewart sau này đã xin lỗi.

Một số người chỉ trích vội vã bác bỏ sự thật là việc chiến tranh kết thúc nhanh chóng đã cho phép Mỹ tránh được một cuộc chiến tranh trên bộ ở trên đất Nhật, nhờ thế cứu được rất nhiều sinh mạng. Họ cho rằng không có cơ sở nào để ước tính được số lượng thương vong lớn như thế. Nhưng lúc đó số người Châu Á bị chết dưới tay nguời Nhật lại thật kinh hoàng. Hơn một phần tư triệu người bị chết mỗi tháng. Sự thật là cơn cuồng sát này, tổng cộng 17 triệu người, đột ngột ngưng lại khi quân đội Thiên Hoàng cuối cùng buộc phải về nước hiếm khi được nhắc đến.

Có lẽ lý lẽ đơn giản nhất và thuyết phục nhất cho việc sử dụng hai quả bom ấy mà cũng là lý do chính trước tiên tổng thống Truman quyết định thả chúng: ông hy vọng bom sẽ làm cho Nhật Bản khiếp đảm đến độ buộc phải đầu hàng. Đấy chính xác là những gì đã diễn ra.

Ngày nay, đối với người Mỹ Hiroshima đã trở thành một cuộc trắc nghiệm tâm lý (Rorschach test). Chúng ta thấy cùng những hình ảnh và chúng ta nghe cùng những sự thật. Nhưng dựa trên cách nhìn của chúng ta về quốc gia mình, chính phủ mình, thế giới mình mà chúng ta hiểu những sự thật này theo những chiều hướng rất khác nhau.

Một cựu binh Mỹ, giờ đây 90 tuổi, ngày trước đã sống sót qua cuộc chiến ở Châu Âu và sắp sửa bị điều đến Thái Bình Dương hiểu rất rõ ràng rằng bom nguyên tử đã cứu đời mình. Cháu ông có thể thấy sự kiện này theo một chiều hướng rất khác.

Tựa đề của người dịch, nguyên tác tiếng Anh ”The Hiroshima Rorschach Test“

Nguồn: Wall Street Journal ngày 4 tháng Sáu năm 2009

Bản tiếng Việt © 2010 Trần Quốc Việt

Bản tiếng Việt © 2010 talawas