10.8.10

CLIFTON TRUMAN DANIEL- HIROSHIMA QUA NGÀN CÁNH HẠC

Trần Quốc Việt dịch


Ngày 6 tháng Tám năm 2010

Sadako Sasaki sống ở Hiroshima, Nhật Bản, cách nơi bom nổ độ một dặm. Em hai tuổi vào ngày 6 tháng Tám năm 1945, khi quả bom nguyên tử nổ bên trên thành phố, đúng ngày này cách đây 65 năm. Người ra lệnh thả bom là ông tôi, tổng thống Harry Truman.

Chưa đầy 10 năm sau, Sadako bị chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu, do bị nhiễm phóng xạ từ vụ nổ. Em biết mình chỉ sống lâu nhất được thêm một năm.

Nhờ được người bạn thân nhất khích lệ, em bắt đầu xếp những cánh hạc giấy. Thời ấy người ta tin rằng nếu ai xếp được một ngàn cánh hạc thì được ban cho một ước mơ.

Cặm cụi hàng tháng trời, dùng bất kể giấy gì em tìm được, kể cả các nhãn thuốc và giấy nhặt nhạnh được từ những món quà chúc mau hồi phục được tặng cho các bệnh nhân khác, Sadako xếp mê mải những cánh hạc. Cuối cùng em xếp được hơn một ngàn cánh hạc.

Tuy nhiên mơ ước không thành. Em qua đời vào ngày 25 tháng Mười năm 1955. Năm ấy em lên 12 tuổi.

Câu chuyện của Sadako theo năm tháng vẫn không ngừng được người đời truyền tụng. Vào đầu thập niên 1990, tôi cùng đọc với các con tôi truyện, “Sadako và Ngàn Cánh Hạc Giấy” của tác giả Eleanor Coerr.

Cách đây vài năm, tôi có nhắc đến điều này với một nhà báo người Nhật phỏng vấn tôi nhân ngày tưởng niệm Hiroshima và Nagasaki. Mấy tuần sau, anh gọi điện thoại cho tôi. Cùng với anh là Masahiro Sasaki, anh của Sadako. Chúng tôi trò chuyện dăm phút nhờ nhà báo làm thông dịch. Tôi không nhớ rõ nội dung cuộc nói chuyện, vì khoảng cách và trở ngại ngôn ngữ, nhưng chúng tôi xem chừng quý trọng lẫn nhau và đồng ý nếu có ngày gặp được nhau thì rất hay.

Ngày ấy đến vào đầu năm này ở New York, khi tôi gặp Masahiro và con anh, Yuji, ở Tribute Center, nơi tưởng niệm những người đã chết trong cuộc tấn công khủng bố vào toà nhà World Trade Center vào ngày 11 tháng Chín năm 2001. Địa điểm này thật thích hợp vì gia đình Sasaki đã dành phần lớn cuộc đời họ để cổ động cho nền hoà bình thế giới dựa trên câu chuyện và di sản của Sadako.

Sadako Sasaki là em bé phi thường. Ngồi ở phía bên kia bàn họp sáng hôm ấy, Masahiro nhớ lại tính tình thân thiện của em gái mình cùng tình cảm của em dành cho gia đình và bạn bè. Đối diện với căn bệnh hiểm nghèo, em không than trách mà lòng luôn luôn chan chứa hy vọng. Dù căn bệnh ung thư làm em rất đau đớn, nhưng em chưa bao giờ lần nào than thở vì sợ làm những người chung quanh lo lắng.

Gần cuối cuộc gặp mặt, Masahiro và Yuji tặng tôi những cánh hạc giấy tự tay họ xếp, những cánh hạc đan với nhau thành vòng tròn, như thể hiện niềm mơ ước không chỉ về hoà bình và cuộc sống, mà còn mơ ước chúng tôi sẽ mãi mãi gần nhau. Họ mời tôi ngày nào đấy đến thăm thành phố Hiroshima, nơi tôi cũng rất muốn đến. Yuji nói nếu tôi sẵn sàng đến, anh ta sẽ xin tặng một trong những cánh hạc giấy cuối cùng còn sót lại của cô anh cho đài tưởng niệm chiến thuyền USS Arizona Memorial ở Trân Châu Cảng. Hầu hết tất cả những cánh hạc khác, gia đình Sasaki đã cho đi như là những biểu tượng của hoà bình và hàn gắn. Thật vậy, một cánh hạc trong số ấy được đặt trong hộp kính ở Tribute Center.

Nói xong Yuji mở một chiếc hộp nhỏ bằng nhựa, bên trong có năm cánh hạc giấy rồi đặt một cánh hạc lên lòng bàn tay tôi. Được xếp bằng những nhãn thuốc đã phai màu từ lâu hay mẫu vụn của giấy gói quà, cánh hạc trên tay tôi trông rất bình thường, nhưng rất nhỏ vì thời ấy giấy rất hiếm. Đây là cánh hạc cuối cùng Sadako xếp trước khi qua đời.

Vẫn lòng bàn tay ấy, tôi đã nắm chặt tay những cựu binh Mỹ già, trong số họ có người rơm rớm nước mắt, nghẹn ngào cảm ơn tôi vì quyết định của ông tôi đã cứu sống họ.

Chủ yếu chính vì lý do đó mà ông tôi đã quyết định và thực hiện quyết định ấy. Tuy nhiên đôi lúc khi được hỏi ông có từng phiền muộn vì đã ra lệnh dùng đến vũ khí như thế, ông đáp tất nhiên phải buồn chứ. Ông hỏi làm sao mà không buồn.

Những giọt nước mắt của những cựu binh già và cánh hạc cuối cùng của Sadako Sasaki có sức cảm xúc vô cùng.

Tôi thích tôn kính cả hai.

Tôi biết ơn những người trong quân đội đang phục vụ tổ quốc này. Ngày nào đấy tôi hy vọng đến Hiroshima để nghiêng mình trước đài tưởng niệm Sadako. Và tôi hy vọng rằng Yuji đến đài tưởng niệm Arizona và họ chấp nhận món quà của anh.

Tôi hy vọng rất nhiều.

Clifton Truman Daniel là cháu trai đầu của tổng thống Harry S. Truman, hiện làm việc ở City College of Chicago.

Tựa đề của người dịch, nguyên tác tiếng Anh “Sadako Sasaki’s Cranes and Hiroshima’s 65th Anniversary”
Nguồn: Chicago Tribune số ra ngày 6 tháng Tám năm 2010

Bản tiếng Việt © 2010 Trần Quốc Việt

Bản tiếng Việt © 2010 talawas