Trần Quốc Việt dịch
Công việc của Đài Châu Âu Tự do/Đài Tự do (RFE/RL) là dễ hiểu: cung cấp tự do ngôn luận. RFE/RL phát thanh bằng 28 thứ tiếng đến một số quốc gia, nơi có rất ít tự do ngôn luận và đến các quốc gia, nơi không có tự do ngôn luận. Vì thuế của người Mỹ được dùng để tài trợ tự do ngôn luận này, nên ta cũng đáng hỏi, “Để làm gì?”. Nhiều người, đặc biệt những người lớn lên trong các xã hội dân chủ, sẽ đáp, “vì tự do ngôn luận khích lệ dân chủ”. Nhưng ý tưởng ấy gán cho RFE/RL một sứ mệnh vừa quá đơn giản lại vừa quá phức tạp.
Quá đơn giản vì “khích lệ dân chủ” làm dân chủ có vẻ như một món hàng, một sản phẩm, một thương hiệu về món ăn vặt mà RFE/RL tưởng chừng đang bán. Như thế Bộ Ngoại giao, Tổng thống, và Quốc hội có thể tính được sản phẩm này bán ra được bao nhiêu. Một dân biểu có thể nói, “Tôi nghĩ chúng ta đang cổ vũ ngon trớn dân chủ ở Iran, thì thình lình doanh số bán chựng hẳn lại. Vậy để tránh lỗ thêm, chúng ta hãy rút ra khỏi thị trường ấy”. Nhưng dân chủ không phải là món ăn vặt mới ra nào đấy, chẳng hạn Squid Chips’N Cheese, mà mới cắn lần đầu ai cũng thích. Những kẻ nắm quyền lực độc tài, đặc biệt, lại không thích cắn. Dân chủ chẳng phải đơn giản như thế, và tự do ngôn luận cũng không đơn giản như thế.
Mặt khác, “khích lệ dân chủ” làm sứ mạng của RFE/RL trở thành quá phức tạp, quá khó khăn, ngay cả bất khả thi. Những nhà tư tưởng lớn đã không ngừng khích lệ dân chủ kể từ thời nền văn minh Hy Lạp cổ đại cho đến nay. Bây giờ, với chỉ vài chương trình phát thanh, lẽ nào ta lại mong đợi RFE/RL đạt được những gì mà biết bao nhà hùng biện thiên tài đã không thể đạt được trong 2.500 năm qua.
Mỹ là cường quốc quân sự mạnh nhất thế giới. Quân đội Mỹ khích lệ dân chủ. Vẫn còn vài khó khăn ở Iraq và Afghanistan. Nhưng với vài chiếc đài bán dẫn rẻ tiền, lẽ nào ta lại mong đợi RFE/RL đạt được những gì mà bộ binh, hải quân, và thuỷ quân lục chiến Mỹ đã không đạt được với súng ống, bom, máy bay, và trực thăng trị giá hàng tỷ đô la.
Thật ra sứ mạng thực sự của Đài Châu Âu Tự do /Đài Tự do không phức tạp một cách đáng sợ mà cũng không cực kỳ đơn giản. RFE/RL cung cấp thông tin.
Thông tin là cốt lõi của những gì ta có thể gọi “Thái độ Tự do” – cảm giác mình tự do.
Người ta, tất nhiên, phải cảm thấy không bị kìm kẹp về thể chất và kinh tế. Nhưng trước tiên họ phải cảm thấy không bị bưng bít thông tin.
Người ta cần được nhìn ra khắp nơi, người ta cần phải thấy. Tuy cùng bị nhốt trong phòng nhưng những người bị nhốt trong phòng có đèn chiếu sáng cảm thấy tự do hơn những người bị nhốt trong phòng tối, nơi họ đụng phải bàn ghế và đụng lẫn vào nhau.
Có sức mạnh trong Thái độ Tự do – ý thức rằng ta có nhiều kiến thức, nhiều hiểu biết, và vì vậy ta làm chủ được nhiều, dù chỉ làm chủ được tư tưởng của mình.
Sức mạnh của Mỹ không thuộc về kinh tế, quân sự, hay ngoại giao. Sức mạnh của Mỹ là một niềm tin – niềm tin về một nơi mà mọi người đều có thông tin, sự hiểu biết, và làm chủ cuộc đời họ. Có lần, vào lúc cuộc nội chiến diễn ra ở Lebanon, tôi bị một thanh niên mang súng AK-47 chặn lại tại một trạm kiểm soát của quân Hezbollah. Khi chàng trai trẻ thấy hộ chiếu Mỹ của tôi anh ta liền chĩa nòng súng thẳng vào mặt tôi rồi thao thao lên lớp tôi hai chục phút về “con quỷ lớn Satan Mỹ”. Anh ta kể lể Mỹ gây ra chiến tranh, đói kém, bất công, ủng hộ bọn Do Thái, và cảnh bần hàn trên khắp thế giới. Sau khi giảng bài xong, anh ta hạ súng xuống và nói, “Ngay khi tôi lấy được Thẻ Xanh tôi sẽ đến Dearborn, bang Michigan để theo học trường nha.”
Thông tin là nguồn gốc của quyền công dân. Không có thông tin đừng có ai nghĩ đến chuyện có thể cố gắng xây dựng một xã hội dân sự.
RFE/RL quan trọng trong nhiệm vụ của mình là cung cấp thông tin và càng quan trọng hơn trong nhiệm vụ cố gắng để làm thông tin ấy chính xác. RFE/RL chẳng phải lúc nào cũng hoàn toàn thành công về làm thông tin chính xác. Đây là điều không thể nào đạt được. Không có tổ chức nào hay cá nhân nào hoàn toàn luôn luôn thành công trong việc làm thông tin chính xác. Tôi nói lên điều này với tư cách là phóng viên. Chúng ta không phải lúc nào cũng đúng. Hãy hỏi tướng McChrystal. Điều quan trọng là cố gắng. Cố gắng cung cấp thông tin chính xác là chống lại những tin đồn, những đồn đại về các âm mưu, những căm ghét tế thần, và những tố cáo giả dối mang tính giật gân.
Bưng bít thông tin tạo ra một thế giới quan thù nghịch với tự do vì bưng bit thông tin là phủ nhận thông tin, sự hiểu biết, và ý thức tự chủ mà cần thiết cho cảm nhận rằng ta là người tự do – người tự do ở trong lòng cho dù thể xác có bị hành hạ đến mức độ nào chăng nữa.
Trao đổi thông tin chính xác là nền tảng của sự tin tưởng giữa các cá nhân với nhau, một sự tin tưởng có thể được mở rộng ra ngoài phạm vi gia đình, dòng họ, bộ tộc, hay những nhóm cộng sự nhỏ. Sự tin tưởng mở rộng này là nền móng cho những đồng ý mà là cốt lõi của một xã hội tự do và dân chủ. Chúng ta cần trao đổi thông tin vì chúng ta cần sự đồng ý.
Nhưng chúng ta cũng cần trao đổi thông tin vì chúng ta cần sự bất đồng. Tranh luận về các vấn đề, tranh luận dựa trên thông tin chính xác cũng là cốt lõi của một xã hội tự do và dân chủ. Chính nhờ tranh luận có hiểu biết này nên những ai sống trong các xã hội tự do đều có thể “đánh mà không cần phải giết”.
Thật ra, về mức độ nào đấy, tranh luận có hiểu biết cho phép chúng ta “đánh không cần thắng”. Trong một nước dân chủ không có bên nào thắng mãi mãi. Bên kia có thể luôn luôn quay trở lại với cuộc tranh luận khác. Và có thể lần sau bên kia thắng. Thông tin tiếp tục thay đổi, vì thế tư tưởng tiếp tục thay đổi, vì thế đầu óc tiếp tục thay đổi. John Maynard Keynes có lần bị chê trách là không nhất quán trong những lời tuyên bố của ông về kinh tế. Keynes đáp, “Khi thông tin của tôi thay đổi, đầu óc của tôi thay đổi theo. Còn ông thì sao?”
Trong một nước dân chủ chúng ta không gọi những thay đổi này là chiến tranh, chúng ta gọi chúng là chính trị.
Một khía cạnh quan trọng hơn của tự do là thị trường tự do. Tôi không tuyên bố điều này vì thị trường tự do làm cho nhiều người thịnh vượng hơn – tuy rằng đúng như thế. Tôi cũng không tuyên bố điều này vì chủ nghĩa tư bản luôn luôn tuyệt vời – thường không được như thế. Tầm quan trọng của thị trường tự do đối với tự do xuất phát từ chính công việc RFE/RL đang làm – trao đổi thông tin.
Thị trường tự do liên quan đến thông tin. Thật sự nó liên quan đến chỉ một thông tin, nhưng lại là một thông tin quan trọng. Thị trường tự do cho chúng ta biết vào lúc nào người nào sẽ trả bao nhiêu cho hàng hoá nào. Thị trường tự do không phải là một ý thức hệ hay một tín điều hay một điều gì đấy ta tin mình nên tin tưởng chấp nhận, thị trường tự do là một sự đo lường. Nó là cái cân trong phòng tắm. Khi tôi bước lên bàn cân trong phòng tắm tôi có thể ghét cái tôi thấy, nhưng tôi không thể thông qua một đạo luật nói rằng tôi nặng 160 pound. Các chính quyền độc đoán nghĩ họ có thể thông qua đạo luật ấy – một đạo luật thay đổi sự đo lường của mọi sự vật.
Liên Xô đã không sụp đổ vì Reagan hay Thatcher hay vì các căn cứ hoả tiễn hay chương trình Star Wars: nó sụp đổ vì chiếc quần jean màu xanh của Bulgaria. Thị trường tự do đã cố gắng nói nhiều lần với những người cộng sản rằng chiếc quần jean xanh của Bulgaria đã xấu xí mà lại mặc không vừa vặn, rằng người dân sẽ không chịu mặc chiếc quần jean xanh của Bulgaria – thực tình, thị trường nói ra không phải để cứu mạng họ. Nhưng điện Kremlin không chịu lắng nghe, thế là Bức tường Berlin sụp đổ.
Cuối cùng, trao đổi thông tin tạo ra thêm một đóng góp nữa lớn hơn cho tự do. Khi chúng ta trao đổi thông tin với mọi người chúng ta xem mọi người đều bình đẳng như nhau. Riêng việc nói chuyện với họ không thôi cũng chứng tỏ rằng những người đó không phải là những người “không đáng được nói chuyện”. Trong xã hội tự do tất cả mọi người đều đáng được nói chuyện.
Trong xã hội tự do tất cả mọi người đều phải được truyền đạt thông tin, và chúng ta phải có thể được nhận được thông tin phản hồi từ họ. Người ta phải có thể được nói lại. Người ta phải có thể được trao đổi thông tin với cấu trúc chính trị. Người ta phải có thể truyền đạt những thông tin nào đấy đến những người lãnh đạo của cấu trúc chính trị. Chẳng hạn thông tin, “Ông bị đuổi!”
Và đây là một trong những điều tốt đẹp nhất RFE/RL đang làm. Đài không chỉ muốn có người lắng nghe mình. Với các chương trình cho phép thính giả gọi vào, kỹ thuật truyền thông giao diện xã hội (interactive social media), và mạng lưới toả rộng của các phóng viên và cộng tác viên địa phương của mình, đài cũng cho phép thính giả và độc giả trang mạng của đài được bày tỏ ý kiến riêng. Thậm chí mọi người biết Taliban đã gọi vào các chương trình đối thoại tại văn phòng của đài ở Kabul để tranh luận với người điều hợp chương trình và các khách mời.
Sự bình đẳng được tôn trọng dành cho mọi công dân mà RFE/RL thể hiện qua công việc truyền đạt thông tin của đài là ngược lại với việc áp dụng quyền lực độc đoán. Việc áp dụng quyền lực độc đoán nghĩa là có những người nào đấy chẳng đáng nói chuyện – họ chỉ đáng bị giết.
Không cho phép phụ nữ được hưởng nền giáo dục hay không cho phép các nhóm thiểu số được hưởng các quyền chính trị là mặc nhiên tạo ra những hạng người chẳng đáng được nói chuyện. Và nếu ta không muốn nói chuyện với nhân dân, ta chắc chắn sẽ chẳng thèm lắng nghe họ.
Tự do là người dân được lắng nghe khi họ nói họ muốn sống trong xã hội nào và họ muốn sống như thế nào trong xã hội ấy. Những kênh thông tin đơn giản và trực tiếp mà RFE/RL đã mở ra và hiện để mở suốt ngày đêm là những kênh dẫn đường đến dân chủ. Như thế thật không sai khi ta nói RFE/RL “khích lệ dân chủ.” Nhưng đấy là sự khích lệ về một dân chủ do tự nhân dân thích nói ra, chứ không phải là thứ dân chủ mà người ta muốn nhét tọng vào cổ họng của họ.
P.J. O’Rourke là nhà báo và nhà châm biếm chính trị Mỹ nổi tiếng.
Nguồn: Tạp chí World Affairs số tháng Tám năm 2010
Bản tiếng Việt © 2010 Trần Quốc Việt
Bản tiếng Việt © 2010 talawas