23.8.10

DAVID DREIER -CHUYẾN TÀU TỰ DO: LỘ TRÌNH NĂM 1989

Trần Quốc Việt dịch


Chúng ta đã đi được một đoạn đường khá dài kể từ năm 1989, năm đầy phép lạ ấy khi chúng ta cảm nhận, dù chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi, rằng điều gì đấy rất cơ bản về tự do của con người đã được an bài và rằng chúng ta đã nhìn thấy màu xanh trường cửu đang phủ lên môi trường chính trị toàn cầu. Lịch sử không cáo chung cách đây hai mươi năm, như một số người đã vội vàng tưởng; cuộc xung đột ý thức hệ ngày xưa đã trở thành cuộc xung đột giữa các nền văn hoá và chúng ta vẫn còn đấu tranh về những vấn đề đe doạ và phản ứng, ổn định và an ninh. Tuy nhiên ta hẳn là sai lầm khi cảm thấy mình bị tù hãm trong hiện tại mờ nhạt về đạo lý nên không làm lễ kỷ niệm hai mươi năm rất quan trọng mà chúng ta hiện giờ đang chào mừng và qua đó dành một khoảnh khắc để hồi tưởng thành tựu đã đạt được nhờ những cỗ máy huyền nhiệm vận hành trong suốt thập niên 1980 trong các phân xưởng dân chủ trên khắp thế giới và thành quả ấy vẫn còn vang vọng đến tận ngày nay.

Một điều tôi biết là lịch sử đã sang trang rất nhanh trong năm 1989. Bất kỳ ai tham gia tuy mờ nhạt vào những sự kiện trọng đại trong năm ấy cũng đều cảm thấy mình đang có mặt vào thuở sáng tạo trời đất. Với tôi, có hai thời điểm đáng tự hào. Thời điểm đầu tiên đến sáu tháng trước khi bức tường Berlin sụp đổ khi tôi có mặt ở El Salvador trong phái đoàn quốc hội Hoa Kỳ đến để chứng kiến lễ tuyên thệ nhậm chức của Alfredo Cristiani, vị tổng thống mới nước này. Buổi lễ diễn ra thật cảm động, nhất là khi người Cristiani lên thay, Jose Napoleon Duarte, cố gắng đứng vững để ôm chặt người thay thế mình. Duarte, bị giới thiên tả trên khắp Châu Mỹ Latin và Hoa Kỳ phỉ báng rất nhiều vì ông đã tiến hành cuộc chiến tranh không thoả hiệp chống lại quân kháng chiến FMLN được Liên Xô ủng hộ, và họ có lúc như sắp chiếm được nuớc ông, đang bị ung thư giai đoạn cuối. Ông và Cristiani là hai đối thủ thù nghịch trong cuộc vận động tranh cử mới vừa kết thúc. Tuy nhiên ở đây, sau hai thập niên nội chiến đẫm máu diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến tranh lạnh đang đến hồi hạ màn, họ hợp tác với nhau để lần đầu tiên chuyển giao quyền lực ôn hoà từ chức vụ tổng thống được bầu một cách dân chủ này sang chức vụ tổng thống khác trong lịch sử của El Salvador.

Tất cả chúng tôi tham dự buổi lễ ấn tượng này đều biết một hòn đá đã được ném vào lịch sử và những làn sóng nó tạo ra sẽ tiếp tục vỗ vào bờ của Salvador trong nhiều năm đến. Nhưng tôi hoài nghi không có ai trong chúng tôi đều ngờ rằng hai thập niên sau FMLN sẽ đồng ý từ bỏ vũ khí để tham gia dân chủ vào tương lai của đất nước hay ngờ rằng tổ chức Sandinistas, từng ủng hộ chiến dịch tàn bạo của quân kháng chiến Salvador trong suốt thập niên 1980, đến lúc đó cũng sẽ đổi đạn lấy lá phiếu.



Thời điểm thứ hai không thể nào quên được trong năm 1989 sôi động ấy đến hai ngày sau lễ tuyên thệ nhậm chức của Cristiani. Tôi đáp máy bay đi Krakow, Ba Lan, trong phái đoàn quốc hội do Jim Denton dẫn đầu, ông lúc đó là người đứng đầu của National Forum Foundation và của Freedom House về sau - những tổ chức đóng vai trò rất quan trọng trong việc nuôi dưỡng sự phát triễn của các phong trào dân chủ trên khắp Đông Âu - và hiện là người đứng đầu tạp chí này. Chúng tôi đến vào ngày cuối cùng trước cuộc bầu cử tự do lần đầu tiên ở Ba Lan, một sự nhượng bộ từ chính quyền Cộng Sản mà Công Đoàn Đoàn Kết đã giành được hai tháng trước đó sau hai thế hệ dưới ách cộng sản. Quyết định tổ chức cuộc bầu cử đến bất ngờ ngoài tiên liệu, và các thành viên trong phái đoàn của chúng tôi là những quan sát viên quốc tế duy nhất có mặt.

Vào đêm ngày 3 tháng Sáu ấy, chỉ còn vài giờ nữa trước khi các địa điểm bầu cử mở cửa, chúng tôi có mặt ở trụ sở Công Đoàn Đoàn Kết xúm quanh chiếc máy truyền hình nhỏ để theo dõi cảnh các xe tăng Trung Quốc nặng nề đáng sợ đang lừ đừ tiến vào Quảng Trường Thiên An Môn để chuẩn bị cho một cuộc tắm máu. Chính quyền quân đội của tướng Wojciech Jaruzelski đã ra lệnh cho chiếu đi chiếu lại liên tục những đoạn phim ấy từ Trung Quốc nhằm nhắn nhủ không cần giấu diếm cho người Ba Lan biết điều gì sẽ xảy đến cho họ nếu cuộc bầu cử không tạo ra kết quả đúng như chế độ mong muốn. Quả thật, các nhà lãnh đạo Công Đoàn Đoàn Kết bày tỏ lo ngại rằng họ sẽ chẳng có được 50 phần trăm số phiếu. Tuy nhiên, vào ngày hôm sau trong cuộc bầu cử tự do lần đầu tiên trong đế quốc Cộng Sản, nhân dân Ba Lan đã nói triệu người như một - hơn 95 phần trăm dân chúng bỏ phiếu truất phế chế độ Cộng Sản. Khi chúng tôi đi khắp nơi trong vùng vào ngày hôm ấy, chúng tôi thấy những đoàn người xếp hàng trước các địa điểm bỏ phiếu với vẻ mặt sửng sờ, như vẫn còn chưa hiểu hết tầm quan trọng của sự kiện này, giống như những kẻ mộng du đi giữa thời điểm lịch sử mà họ không bao giờ nghĩ sẽ đến.

Thi ca của năm đầy phép lạ ấy tất yếu cuối cùng nên nhường chỗ cho văn xuôi trong vài năm về sau; và những hành động bứt phá xiềng xích mê say cùng những cuộc bầu cử đầu tiên rất cảm động ấy nên được tiếp nối bởi điều gì đấy đời thường hơn và nề nếp hơn. Tuy nhiên lịch sử của dân chủ được biên soạn kể từ lúc đó có sự cao quý âm thầm riêng. Trong suốt thập niên 1990, tôi công tác ở một uỷ ban Hạ Viện Hoa Kỳ có nhiệm vụ phối hợp với các quốc hội của mười nước thuộc khối Xô Viết cũ để đưa lời hứa dân chủ vào các thể chế chính trị và xã hội của nước họ. Chúng tôi cùng làm việc để xây dựng thư viện, toà án, sở cảnh sát và các đảng phái chính trị. Trong các nước này có vài nước, chẳng hạn như Ba Lan, nhờ phong trào dân chủ có sẵn, mà vốn đã hoạt động gần như là một nhà nước không chính thức song hành với chính quyền Cộng Sản ngày càng mất đi tính chính danh, nên thời kỳ quá độ của họ trở nên tương đối dễ dàng. Riêng những nước khác, như Ukraine và Belarus, thì lại khó nhọc hơn rất nhiều để khử độc bóng ma Xô Viết của họ. Tuy nhiên các cuộc cách mạng dân chủ vẫn tiếp tục cố gắng nhiều để giữ lời hứa của năm 1989 qua nỗ lực của họ nhằm xác lập nền pháp trị và quyền tự do bất khả xâm phạm của con người. Con đường dẫn đến dân chủ đầy những ổ gà và có những trạm dừng chân, nhưng những người can đảm ở những nước này hiểu rằng dù đi mau hay đi chậm, hay đôi lúc phải đi vòng, con đường dân chủ là con đường một chiều không thể đảo ngược.

Từ cuộc bầu cử lịch sử ở Ba Lan ngày đó cho đến nay chúng ta đã rút ra được nhiều bài học mà dễ khiến chúng ta nản lòng. Ngay cả những thành viên thiện ý nhất và dấn thân nhất của các nền dân chủ mới không phải lúc nào cũng có thể chống lại những kẻ lợi dụng các thể chế còn mỏng manh để thủ lợi cá nhân hay phạm tội về chính trị, hay những kẻ dùng tự do làm bức bình phong để gây ra bao tham những và hỗn loạn. Tuy nhiên công việc của hai mươi năm về trước vẫn tiếp tục đến tận ngày nay- thường âm thầm không ai thấy nhưng vẫn tràn sức sống và thành công. Ví dụ, trong năm 2004 Chương Trình Trợ Giúp Dân Chủ ở Hạ Viện Hoa Kỳ đưọc tạo ra nhằm giúp đỡ nhiều nước trải dài từ Kenya đến Indonesia, những nước mà thành quả năm 1989 của họ mới chỉ đạt được phần nào, họ vẫn chưa làm tròn hết lời hứa của mình. Khi thảo luận hệ thống uỷ ban quốc hội ở Jakarta hay giám sát ngân sách ở Nairobi -công việc mà có thể không tạo ra kết quả tốt trong nhiều năm hay trong hàng chục năm tới, hay có lẽ không bao giờ -tôi đôi lúc nghĩ ngược về nơi mà mọi sự bắt nguồn trong những cánh rừng rậm của Trung Mỹ và trong những nhà máy và các trường đại học Đông Âu rồi cũng nghĩ đến con đường quanh co năm 1989 đã mở ra cho thế hệ chúng tôi. Con đường trong tâm tưởng ấy gợi cho tôi nhớ đến câu chuyện về một cụ già mà nghề nghiệp duy nhất trong đời của cụ là ngồi ở một chiếc ghế để chờ Đấng Cứu Thế. Khi có người qua đường hỏi cụ làm sao cụ có thể ngồi chờ suốt cả đời người như thế này, cụ già đáp rằng việc cụ làm tuy có vẻ tẻ nhạt nhưng đấy là công việc bền bỉ. Đó cũng là những gì các sự kiện của năm 1989 đã truyền cho các nhà hoạt động dân chủ tại rất nhiều nước trên khắp thế giới: dân chủ là công việc bền bỉ.



David Dreier là dân biểu đảng Cộng Hoà ở quốc hội Hoa Kỳ, đại diện khu vực cử tri thứ 26 của tiểu bang California.

Nguồn: Tạp chí World Affairs số mùa hè năm 2009
http://www.worldaffairsjournal.org/2009-Summer/full-Dreier.html

Bản tiếng Việt © 2010 Trần Quốc Việt

Bản tiếng Việt © 2010 talawas