12.4.16

Hoàng Văn Chí - Pháp thuật thần kỳ


Trần Quốc Việt dịch





Người Khờ Me giải thích sức mạnh và sự tàn bạo của con hổ qua một truyền thuyết họ kể như sau:

Ngày xưa có vị vua rất giàu có và được thần dân rất kính trọng. Trong triều vua có bốn vị đại thần, thường được gọi là bốn trụ cột của ngai vàng và một nhà chiêm tinh tài ba được gọi là "con mắt của vua". Hoàng hậu đẹp như tiên và trên thế gian không có hoàng cung nào sánh bằng cung vua.

Nhưng vua và các đại thần trong lòng lúc nào cũng âu lo. Họ luôn luôn sợ các nước lân bang mạnh hơn cuối cùng sẽ xâm chiếm vương quốc, vì trong trường hợp bị xâm lăng họ không có phép thần cần thiết để đánh bại lại nước xâm lược.

Ngày nọ, nhà vua nảy ra ý định đi đến Takkasila để trở thành môn đệ của bậc thầy thông thái Disapa Moka. Vua bày tỏ ý định của mình với hoàng hậu cùng với các vị đại thần. Hoàng hậu ngỏ ý muốn được đi theo với vua, bốn vị đại thần và nhà chiêm tinh cũng bày tỏ ý nguyện như thế. Nhà vua nghĩ ngợi rồi đồng ý. Vào buổi sáng đẹp trời vua và đoàn tùy tùng rời vương quốc để đi tìm phép thần.

Sau bảy ngày đi đường, họ đến Takkasila và đi thẳng đến nhà Disapa Moka. Bậc thầy thông thái đón tiếp họ và dạy họ nhiều bí quyết.

Khi học xong, vua tạ ơn thầy, rồi từ biệt thầy để lên đường cùng với đoàn tùy tùng trở về nước.

Nhưng không may một chuyện không hay đã xảy ra. Nhà vua và những người tùy tùng bị lạc giữa một khu rừng lớn, và đến ngày thứ mười họ không còn đủ lương thực. Họ sẽ bắt đầu phải chịu đói. Lúc ấy nhà vua hỏi nhà chiêm tinh:

"Chúng ta giờ đây đang bị vây bủa ở giữa rừng rậm trùng điệp đến nỗi chúng ta không thể vượt rừng được vì không có đường đi, và chúng ta sẽ đói vì chúng ta không còn lương thực nữa. Vậy khanh có cách gì cứu chúng ta thoát khỏi tai họa này?"

"Tâu Hoàng thượng", nhà chiêm tinh đáp, "chúng ta bây giờ có dịp thực hành pháp thuật thần kỳ mà thầy đã dạy chúng ta, nhờ pháp thuật này chúng ta biến thành một con thú rừng. Lúc ấy chúng ta có thể băng xuyên qua rừng rậm dễ dàng và ăn các con thú nhỏ để sống vì lúc đó chúng ta sẽ tự biết cách săn mồi. Rồi khi chúng ta đến gần đồng bằng chúng ta sẽ biến trở lại thành người."

Vua, hoàng hậu, và bốn đại thần không ngớt lời khen ngợi cao kiến của nhà chiêm tinh.

Vua lúc đấy mới hỏi mỗi người đi theo muốn biến thành bộ phận nào của con thú. Bốn đại thần muốn hóa thành bốn móng vuốt thú; nhà chiêm tinh thích biến thành đuôi thú, hoàng hậu chấp nhận biến thành thân thú. Đầu thú dành cho nhà vua.

Sau khi xếp đặt mọi sự xong, họ đồng thanh đọc thần chú họ đã học được, và tức thì họ biến thành con hổ rất lớn. Hổ ngay lập tức lao đi đuổi theo nai.

Điều không may là khi biến thành hổ những lữ khách đáng kính trọng của chúng ta chẳng còn tưởng đến chuyện về lại quê quán cũ. Chính điều này đã khiến họ đánh mất lương tâm con người.

Truyền thuyết rất sâu sắc này khiến tôi nhớ lại lịch sử của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Cách đây hai mươi năm, một số thanh niên Việt Nam thông minh nhất và hoài bão nhất, trốn sang Nga với nhiệt huyết muốn theo học khoa học cách mạng ở đấy và ấp ủ hy vọng cao quý rằng học xong họ sẽ trở về nước giải phóng đồng bào mình ra khỏi ách nô lệ và đô hộ. Rồi khi trở lại Việt Nam đối diện với muôn vàn khó khăn, họ dùng đến pháp thuật thần kỳ họ đã học được ở Mạc Tư Khoa, tức chiến lược bôn-sê-vích.

Qua đấy họ lập ra Đảng Cộng Sản Việt Nam, áp dụng cuộc đấu tranh giai cấp, tàn sát phú nông, tiêu diệt trung nông và tiểu tư sản thành thị, và quàng ách nô lệ lên vô sản và trí thức.

Sau khi đã nếm mùi máu cuối cùng họ trở nên khát máu và, giống như con hổ trong truyền thuyết, họ bây giờ không thể sống nếu không sát hại nhiều người hay gây ra bao tội ác. Họ không còn quan tâm đến hạnh phúc của nhân dân Việt Nam, những người mà ngày xưa họ rất quan tâm và lo lắng, và giống như vị vua và các quan đại thần ở trên, các đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam đã mất hết mọi tình cảm của con người. Còn lại trong lòng họ chỉ là sự tàn bạo của con hổ.

Nguyễn Ái Quốc, cách đây 30 năm không có nhiệt tình khác ngoài tinh thần đân tộc, sau khi áp dụng phép thuật thần kỳ ông học được từ Stalin, ông đã biến thành Hồ Chí Minh, con hổ khủng khiếp của rừng thẳm Bắc Bộ đã tiêu diệt hàng triệu nạn nhân.

*

Hoàng Văn Chí (1913-1988) là học giả nổi tiếng chuyên viết về chế độ cộng sản ở Miền Bắc Việt Nam. Hai tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Trăm hoa đua nở trên đất Bắc và Từ thực dân đến cộng sản - Một kinh nghiệm lịch sử của Việt Nam (tiếng Anh).

Dịch từ tác phẩm tiếng Anh "The Fate of The Last Viets" của Hoàng Văn Chí, nhà xuất bản Hoa Mai, Saigon 1956, trang 9-12

Nguồn: Vietnam Center and Archive, Texas Tech University