12.4.16

Hoàng Văn Chí - Pháp thuật thần kỳ


Trần Quốc Việt dịch





Người Khờ Me giải thích sức mạnh và sự tàn bạo của con hổ qua một truyền thuyết họ kể như sau:

Ngày xưa có vị vua rất giàu có và được thần dân rất kính trọng. Trong triều vua có bốn vị đại thần, thường được gọi là bốn trụ cột của ngai vàng và một nhà chiêm tinh tài ba được gọi là "con mắt của vua". Hoàng hậu đẹp như tiên và trên thế gian không có hoàng cung nào sánh bằng cung vua.

Nhưng vua và các đại thần trong lòng lúc nào cũng âu lo. Họ luôn luôn sợ các nước lân bang mạnh hơn cuối cùng sẽ xâm chiếm vương quốc, vì trong trường hợp bị xâm lăng họ không có phép thần cần thiết để đánh bại lại nước xâm lược.

Ngày nọ, nhà vua nảy ra ý định đi đến Takkasila để trở thành môn đệ của bậc thầy thông thái Disapa Moka. Vua bày tỏ ý định của mình với hoàng hậu cùng với các vị đại thần. Hoàng hậu ngỏ ý muốn được đi theo với vua, bốn vị đại thần và nhà chiêm tinh cũng bày tỏ ý nguyện như thế. Nhà vua nghĩ ngợi rồi đồng ý. Vào buổi sáng đẹp trời vua và đoàn tùy tùng rời vương quốc để đi tìm phép thần.

Sau bảy ngày đi đường, họ đến Takkasila và đi thẳng đến nhà Disapa Moka. Bậc thầy thông thái đón tiếp họ và dạy họ nhiều bí quyết.

Khi học xong, vua tạ ơn thầy, rồi từ biệt thầy để lên đường cùng với đoàn tùy tùng trở về nước.

Nhưng không may một chuyện không hay đã xảy ra. Nhà vua và những người tùy tùng bị lạc giữa một khu rừng lớn, và đến ngày thứ mười họ không còn đủ lương thực. Họ sẽ bắt đầu phải chịu đói. Lúc ấy nhà vua hỏi nhà chiêm tinh:

"Chúng ta giờ đây đang bị vây bủa ở giữa rừng rậm trùng điệp đến nỗi chúng ta không thể vượt rừng được vì không có đường đi, và chúng ta sẽ đói vì chúng ta không còn lương thực nữa. Vậy khanh có cách gì cứu chúng ta thoát khỏi tai họa này?"

"Tâu Hoàng thượng", nhà chiêm tinh đáp, "chúng ta bây giờ có dịp thực hành pháp thuật thần kỳ mà thầy đã dạy chúng ta, nhờ pháp thuật này chúng ta biến thành một con thú rừng. Lúc ấy chúng ta có thể băng xuyên qua rừng rậm dễ dàng và ăn các con thú nhỏ để sống vì lúc đó chúng ta sẽ tự biết cách săn mồi. Rồi khi chúng ta đến gần đồng bằng chúng ta sẽ biến trở lại thành người."

Vua, hoàng hậu, và bốn đại thần không ngớt lời khen ngợi cao kiến của nhà chiêm tinh.

Vua lúc đấy mới hỏi mỗi người đi theo muốn biến thành bộ phận nào của con thú. Bốn đại thần muốn hóa thành bốn móng vuốt thú; nhà chiêm tinh thích biến thành đuôi thú, hoàng hậu chấp nhận biến thành thân thú. Đầu thú dành cho nhà vua.

Sau khi xếp đặt mọi sự xong, họ đồng thanh đọc thần chú họ đã học được, và tức thì họ biến thành con hổ rất lớn. Hổ ngay lập tức lao đi đuổi theo nai.

Điều không may là khi biến thành hổ những lữ khách đáng kính trọng của chúng ta chẳng còn tưởng đến chuyện về lại quê quán cũ. Chính điều này đã khiến họ đánh mất lương tâm con người.

Truyền thuyết rất sâu sắc này khiến tôi nhớ lại lịch sử của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Cách đây hai mươi năm, một số thanh niên Việt Nam thông minh nhất và hoài bão nhất, trốn sang Nga với nhiệt huyết muốn theo học khoa học cách mạng ở đấy và ấp ủ hy vọng cao quý rằng học xong họ sẽ trở về nước giải phóng đồng bào mình ra khỏi ách nô lệ và đô hộ. Rồi khi trở lại Việt Nam đối diện với muôn vàn khó khăn, họ dùng đến pháp thuật thần kỳ họ đã học được ở Mạc Tư Khoa, tức chiến lược bôn-sê-vích.

Qua đấy họ lập ra Đảng Cộng Sản Việt Nam, áp dụng cuộc đấu tranh giai cấp, tàn sát phú nông, tiêu diệt trung nông và tiểu tư sản thành thị, và quàng ách nô lệ lên vô sản và trí thức.

Sau khi đã nếm mùi máu cuối cùng họ trở nên khát máu và, giống như con hổ trong truyền thuyết, họ bây giờ không thể sống nếu không sát hại nhiều người hay gây ra bao tội ác. Họ không còn quan tâm đến hạnh phúc của nhân dân Việt Nam, những người mà ngày xưa họ rất quan tâm và lo lắng, và giống như vị vua và các quan đại thần ở trên, các đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam đã mất hết mọi tình cảm của con người. Còn lại trong lòng họ chỉ là sự tàn bạo của con hổ.

Nguyễn Ái Quốc, cách đây 30 năm không có nhiệt tình khác ngoài tinh thần đân tộc, sau khi áp dụng phép thuật thần kỳ ông học được từ Stalin, ông đã biến thành Hồ Chí Minh, con hổ khủng khiếp của rừng thẳm Bắc Bộ đã tiêu diệt hàng triệu nạn nhân.

*

Hoàng Văn Chí (1913-1988) là học giả nổi tiếng chuyên viết về chế độ cộng sản ở Miền Bắc Việt Nam. Hai tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Trăm hoa đua nở trên đất Bắc và Từ thực dân đến cộng sản - Một kinh nghiệm lịch sử của Việt Nam (tiếng Anh).

Dịch từ tác phẩm tiếng Anh "The Fate of The Last Viets" của Hoàng Văn Chí, nhà xuất bản Hoa Mai, Saigon 1956, trang 9-12

Nguồn: Vietnam Center and Archive, Texas Tech University

Hoàng Văn Chí- Số phận của những người Việt cuối cùng


Trần Quốc Việt dịch



 Sau khi ký kết Hiệp định Geneva vào năm ngoái, một triệu người Việt Nam yêu chuộng tự do đã tràn qua vĩ tuyến 17 để thoát khỏi chế độ cộng sản ở Miền Bắc Việt Nam. Những người tỵ nạn thường cảm thấy phải kể cho nhân dân Miền Nam nghe những chuyện khủng khiếp mà họ đã chứng kiến dưới ách cai trị cộng sản. Như vậy, một triệu người đã tiết lộ hơn một triệu tội ác của CSVN.

Họ kể rằng chỉ trong một tháng, những người cộng sản đã giết hơn 90.000 người chỉ riêng trong một tỉnh, tỉnh Quãng Ngãi. Cuộc tàn sát dã man này đã tiêu diệt gần như 18% toàn bộ dân số tỉnh, và cả tỉnh chít khăn tang. Những người tỵ nạn cũng tiết lộ rằng hàng trăm ngàn người cả nam lẫn nữ đã bị sát hại ở Miền Bắc Việt Nam trong cái mà những người cộng sản gọi là "cuộc cách mạng nông nghiệp", và gần một triệu người bị cô lập và bỏ đói. Chưa bao giờ trước đây, suốt trong lịch sử 4000 năm, người Việt Nam lại chịu một tai họa khủng khiếp đến như thế.

Phải chăng cuộc tàn sát bừa bãi những người dân vô tội này là tội ác lớn nhất của CSVN?

Những người khác đã kể lại rằng CSVN áp đặt lên nông dân "thuế nông nghiệp" đánh lên đến 50% vào số lúa thu hoạch của họ, khiến 10 triệu người lâm vào cảnh bữa đói bữa no. Có lẽ tội ác bỏ đói dần dần 10 triệu người còn lớn hơn cuộc thảm sát tức thì một triệu người.

Nhiều người tỵ nạn khác kể rằng Miền Bắc Việt Nam bây giờ chỉ là một quận nhỏ của Trung Cộng, giống như thân phận trước kia của Giao Chỉ, mà chỉ là một quận của nước Triệu Đà. Hiện nay, các "cố vấn" Trung Quốc chỉ huy và kiểm soát các hoạt động trong tất cả các lĩnh vực. Họ ra lệnh bằng tiếng Quan thoại, và phải nói qua những người thông dịch.

Trong lĩnh vực quân sự, có những "cố vấn" từ cấp tiểu đoàn lên đến cấp cao nhất. Trong chính trị, có những "cố vấn" đi sâu vào những làng nghèo nhất. Trong vấn đề kinh tế, người Trung Quốc bây giờ đang dạy rằng vì Việt Nam là nước nông nghiệp cho nên phải phát triển chỉ mình nông nghiệp thôi, còn người Trung Quốc phát triển công nghiệp. Trong địa hạt văn hóa, ca múa đều bắt chước theo điệu Trung Quốc; phim Trung Quốc được chiếu ở khắp mọi nơi, và các tư tưởng của "Bác Mao" đều phải được học tập không ngừng suốt ngày đêm.

Hồ Chí Minh đã dâng nước cho Mao Trạch Đông, như Mỵ Nương sau khi trao nỏ thần cho Trọng Thủy đã đặt nước mình dưới ách cai trị của Trung Quốc phong kiến. Như vậy, ở giữa thế kỷ hai mươi, lãnh thổ Miền Bắc Việt Nam chịu chung số phận như Giao Chỉ ngày xưa vào lúc khởi đầu kỷ nguyên của chúng ta.

Tội phản quốc chắc chắn là một tội ác còn nặng hơn tội giết người hay cướp bóc. Nhưng CSVN đã phạm một tội ác còn xấu xa hơn cả tội phản quốc, giết người hay cướp bóc.

Vào năm 1912, sau khi lật đổ triều đại nhà Thanh (Mãn Châu) và nhường chức Tổng Thống Trung Hoa Dân Quốc cho Viên Thế Khải, Tôn Trung Sơn sang viếng thăm Nhật Bản. Người lãnh đạo Quốc Dân Đảng Nhật Bản Ki Tsuyoshi Inukai thết tiệc khoản đãi nhà lãnh đạo lớn của Quốc Dân Đảng Trung Quốc. Giữa bữa tiệc, Ki Tsuyoshi Inukai hỏi Tôn Trung Sơn, "Tôi được biết ông đã có dịp qua Hà Nội, Việt Nam. Xin ông cho tôi biết ông nghĩ gì về dân tộc Việt Nam?" Tôn Trung Sơn đáp: "Người Việt Nam bản tính vốn nô lệ. Ngày xưa họ bị Trung Quốc đô hộ; ngày nay họ lại bị người Pháp đô hộ. Dân tộc ấy không có tương lai." 

Ki Tsuyoshi Inukai đáp, "Tôi không đồng ý với ông về điểm này và tôi cho ông biết tại sao. Từ sử xưa chúng ta biết đã từng có một trăm dân tộc tự trị sống trên khắp tất cả lãnh thổ ở phía nam sông Dương Tử. Những dân tộc này được gọi là Bách Việt. Chín mươi chín dân tộc Việt dần dần đã bị người Hán đồng hóa dưới triều của vua Hán Cao Tổ. Chỉ có một dân tộc, dân tộc Việt Nam, vẫn còn tồn tại và đã duy trì được bản sắc riêng của họ. Nước họ đã bị người nước ngoài xâm lược nhiều lần, nhưng cuối cùng dân tộc Việt Nam vẫn luôn luôn đánh đuổi được những kẻ xâm lược ra khỏi nước mình và giành lại được độc lập. Đúng là họ hiện nay bị người Pháp đô hộ. Họ chưa đuổi người Pháp đi được vì họ không thể sánh với người Pháp về vũ khí hay kiến thức khoa học. Nhưng tôi tin chắc chắn rằng dân tộc có thể duy trì được bản sắc văn hóa riêng của mình như dân tộc Việt Nam thì sớm muộn cũng giành lại được độc lập."

Tôn Trung Sơn đỏ mặt không trả lời. Ông hiểu Ki Tsuyoshi Inukai nói vậy là có thâm ý. Ông nhận ra ý chê khéo rằng ông, Tôn Trung Sơn, không tài giỏi bằng người Việt Nam. Ông chợt hiểu ra rằng Ki Tsuyoshi Inukai biết ông là người gốc tỉnh Quảng Đông, và dân tộc ông xưa kia là một trong những dân tộc Việt, nhưng đã bị đồng hóa từ rất lâu, rồi cuối cùng mất hết bản sắc văn hóa của mình.

Ngay khi tiệc tàn và Tôn Trung Sơn ra về, nhà chính khách Nhật Bản này gọi điện thoại mời tất cả học sinh người Việt Nam đang sống tại Tokyo đến nhà ông, và thuật lại cho họ nghe câu chuyện lý thú này. Ông thích thú và tự hào đã thắng nhà chính khách lớn của Trung Quốc trong cuộc tranh luận.

Trong những năm gần đây, sống trong vùng cộng sản kiểm soát ở Việt Nam, tôi đã thấy bằng chứng rõ ràng nhân dân Việt Nam ở nơi đấy đang bị "Hán hóa". Tôi nhiều lần tham dự các vụ hành hình và thấy dân chúng vỗ tay hoan hô khi những người bị kết án bị xử bắn. Tổ tiên chúng ta chưa từng bao giờ vỗ tay hoan hô bi kịch như thế.

Chính mắt tôi đã nhìn thấy những cán bộ cộng sản vào nhà những người bị phân loại là "địa chủ"- những người đã rơi vào cảnh bần hàn sau khi đóng góp quá nhiều cho Kháng chiến trong suốt tám năm chiến tranh - chỉ để tịch thu lọ cà nhỏ, hay vài bộ áo quần rách tả tơi, và giải họ đi bêu riếu khắp làng trên xóm dưới sau khi đã "đấu tố" họ rồi cuối cùng giết chết những nạn nhân đáng thương này.

Nhìn thấy cảnh người ta phạm tội giết người chỉ để cướp lấy những thứ quá nhỏ mọn này khiến tôi nhớ đến vụ cướp xảy ra khi tôi ở Vân Nam, Trung Quốc. Một người đang đi trên con đường quê vắng vẻ chợt thấy một người dáng khả nghi đang đi theo sau mình. Ông sợ gã ấy tưởng ông có nhiều tiền vì hai túi quần ông căng phồng, rồi biết đâu gã sẽ giết ông để cướp của. Nghĩ vậy, ông liền quay người lại nói, "Tôi chẳng có tiền nong gì, tôi chỉ có hai trái dưa trong túi đây. Vậy chúng ta hãy chia xẻ với nhau nhé; tôi giữ một trái, còn anh có thể giữ một trái." Tên cướp đâm ông rồi cướp lấy hai trái dưa.

Tại Miền Bắc Việt Nam, CSVN đã bỏ đói và giết rất nhiều người dân vì cái "tội" họ có mức sống trên trung bình, nghĩa là nói họ còn may mắn khi có ít nước mắm để ăn với cơm. Và thế là họ bị tịch thu tất cả tài sản - mà tài sản của họ thường chỉ có mấy tượng thờ cúng sơn son thếp vàng tuy không còn được dùng đến theo lệnh cấm tôn giáo của chế độ Hồ Chí Minh, nhưng vẫn được người dân cất giữ. Giết người để cướp lấy tượng thờ cúng không dùng của họ thì chẳng khác gì giết người vì mấy trái dưa nhỏ.

Một lần khác, trong một buổi kiểm thảo, tôi thấy nguyên cả lớp học sinh khóc hu hu khi một học sinh không chịu nhận bất kỳ tội lỗi gì trong thời gian mà mọi người đều phải tập trung vào việc tự phê.

Hồ Chí Minh đã khóc - Phạm Văn Đồng đã khóc - tất cả dân chúng đều phải khóc như người Trung Quốc Miền Nam khóc, phải cười như người Trung Quốc Miền Bắc cười, và phải "tàn ác như quân Nguyên".

Mọi người đều biết chỉ cách đây chưa tới năm năm, người Việt Nam đã không khóc và không cười như thế. Một ký giả người Anh, ông Norman Lewis, thăm viếng Việt Nam vào năm 1951 đã nhận xét trong sách của ông, "A Dragon Aparent" rằng "người Việt Nam trầm lặng, sống nội tâm, và hay mỉm cười." Ngày xưa người ta không cư xử như bây giờ. Chúng ta có thể tìm thấy bằng chứng trong các tác phẩm của Linh mục Dòng Tên, Borri, người sau khi đến Việt Nam vào năm 1622 đã nói, "... Tính tình thoải mái và đáng yêu này giúp họ sống hòa thuận với nhau. Tất cả họ đều đối xử thân thuộc với nhau như thể anh em, hay như những người trong gia đình... và hành động họ coi là bần tiện nhất là nếu mình có cái gì ăn, tuy ít ỏi đến đâu, mà không chia xẻ với tất cả mọi người chung quanh, tức mời tất cả hàng xóm mỗi người dùng một ít."

Một sự thay đổi lớn lao đã bắt đầu. Dân tộc Việt cuối cùng đang bị Hán hóa, đang chịu cùng số phận như chín mươi chín dân tộc Việt khác cách đây hơn hai ngàn năm.

Tôi ác lớn nhất của CSVN là họ đang tiêu diệt tận gốc rễ bản sắc văn hóa của nhân dân Việt Nam ở phía bắc vĩ tuyến 17. Họ quyết tâm xóa Việt Nam ra khỏi bản đồ nhân chủng học. Tương lai của những người Việt cuối cùng đang lâm nguy.

Tuy nhiên, tôi tin rằng Ki Tsuyoshi Inukai đúng và Tôn Trung Sơn sai. Nhân dân Việt Nam quyết tâm chống lại những người cộng sản tàn bạo. Dù sao, phải chăng một triệu người Việt Nam trong số họ đã không chạy thoát ra khỏi vùng Trung Quốc kiểm soát, ra đi không mang theo gì chỉ mang theo niềm tự hào và di sản văn hóa của mình?

*

Hoàng Văn Chí (1913-1988) là học giả nổi tiếng chuyên viết về chế độ cộng sản ở Miền Bắc Việt Nam. Hai tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Trăm hoa đua nở trên đất Bắc và Từ thực dân đến cộng sản-Một kinh nghiệm lịch sử của Việt Nam (tiếng Anh).

Dịch từ tác phẩm tiếng Anh "The Fate of The Last Viets" của Hoàng Văn Chí, nhà xuất bản Hoa Mai, Saigon 1956, trang 13-20

Nguồn: Vietnam Center and Archive, Texas Tech University

5.4.16

Alexander Tsipko - Tan mộng đường dài


Trần Quốc Việt dịch


Trong lịch sử nhân loại không dân tộc nào từng bị nô lệ bởi bao huyền thoại như dân tộc ta trong thế kỷ hai mươi. 

Chúng ta tưởng chúng ta gắn bó đời mình cho một sự thật cao quý, chỉ để nhận thức rằng chúng ta phó thác mình cho một huyễn tưởng trí tuệ mà không bao giờ có thể trở thành hiện thực. 

Chúng ta tưởng chúng ta là những người tiên phong đưa toàn thể nhân loại đến bến bờ tự do và hạnh phúc tinh thần, nhưng nhận ra rằng con đường chúng ta đi là con đường không đi về đâu.

Chúng ta tưởng xây dựng chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô là kỳ tích vĩ đại nhất của dân tộc ta, ngờ đâu chúng ta cố tâm tự hủy diệt mình. 

Chúng ta tưởng chủ nghĩa tư bản là một lão già bệnh hoạn bị kết án tử hình, nhưng hóa ra chủ nghĩa tư bản vẫn khỏe mạnh, cường thịnh. 

Chúng ta tưởng những người cùng lý tưởng sát cánh bên chúng ta biết ơn chúng ta đã giải phóng họ ra khỏi ách nô lệ tư bản, nhưng hóa ra bạn hữu và láng giềng chúng ta chỉ chờ cơ hội để trở lại nếp sống cũ của họ. 

Chúng ta tưởng nền công nghiệp quốc gia của chúng ta, được tổ chức như một nhà máy lớn, là thành tựu cao nhất của kho tàng kiến thức nhân loại, nhưng tất cả hóa ra chỉ toàn là sự xuẩn ngốc về kinh tế mà đã quàng ách nô lệ lên bao năng lực tinh thần và kinh tế của nước Nga. 

   Alexander Tsipko là nhà triết học chính trị Xô Viết 

Nguồn: 

Từ tạp chí Novy Mir số 4 (1990), trang 173-204. Được trích dẫn trong tác phẩm"The Soviet System: From Crisis to Collapse" của Alexander Dallin và Gail Warshofsky Lapidus, Westview Press xuất bản 1995, trang 283-84. Tựa đề của người dịch. 

4.4.16

Mark Brendle- Đạo đức luôn luôn cao hơn luật pháp


Trần Quốc Việt dịch


 Gần như cả nước Pháp đều đau buồn trước cái chết của Victor Hugo vào ngày 22 tháng Năm, 1885. Hai triệu người tham dự lễ tang trọng thể dành cho ông. Điều này một phần là nhờ danh tiếng và sự ái mộ mọi người dành cho ông với tư cách nhà văn viết tiểu thuyết, nhưng cũng nhờ vào quá trình hoạt động xã hội và chính trị của ông cũng như sự đóng góp của ông cho nền Đệ tam Cộng hòa Pháp. Đối với người Pháp, đặc biệt vào lúc ông mất, Hugo không chỉ là người nghệ sĩ rất quý hiếm của quốc gia, mà còn là biểu tượng quốc gia. Lý do chính cho biểu tượng này, như minh chứng rõ ràng nhất qua tiểu thuyết lịch sử Những người khốn khổ của ông, là sự nhiệt tâm của nhà văn với ý tưởng trật tự đạo đức thay thế trật tự của luật pháp. Hugo, giống như những người Pháp dân chủ, tin rằng luật chính quyền, cũng như luật tôn giáo, đều lệ thuộc vào luật đạo đức bất tử, phổ quát, và cao quý hơn. Cuộc xung đột giữa những trật tự này hình thành nên nền tảng của tiểu thuyết lớn nhất của ông.

Những người khốn khổ mở đầu với chân dung giám mục Myriel, một người đầy lòng trắc ẩn và sùng đạo hành xử theo ý thức đạo đức thiên phú của mình. Myriel là nền tảng của toàn bộ tác phẩm. Tấm gương của ông đặt cơ sở cho quan điểm đạo đức xuyên suốt tác phẩm, cũng như niềm tin của Valjean, mà cuộc đời của ông đã được Myriel cứu vào đầu tiểu thuyết. Đạo đức của Myriel đơn giản. Từ thiện, nhân ái, và can đảm: đây là những giáo lý của Myriel và thay vì giảng giải về những điều này, ông thể hiện chúng qua những hành động của mình. Ông sống rất đạm bạc và, như lần va chạm với Valjean cho thấy, ông là thà cho đi những đồ vật có giá trị của mình cho sự nghiệp cao quý hơn là giữ chúng làm của riêng.

Tuy nhiên, Myriel không phải là một giám mục tiêu biểu, hay thậm chí một người Cơ đốc tiêu biểu. Ông cũng chẳng phải tiêu biểu cho người Cơ đốc bình thường, vì Hugo không tin đạo Cơ đốc không thôi tạo ra đạo đức. Chân dung Myriel được khắc họa để chứng minh rằng đạo đức là ở trên và tách biệt với bất kỳ tôn giáo nào. Điều này phản ánh quan điểm của Hugo về vấn đề ấy. Người ta biết ông đã từng nói, "Tôn giáo qua đi, nhưng Chúa ở lại." Như vậy, trong phần mở đầu, Hugo đặt ra sự tách rời giữa đạo đức và tôn giáo.

Phần lớn tiểu thuyết tập trung hoàn toàn vào sự rạn nứt giữa luật thế tục và trật tự đạo đức. Điều này dễ hiểu, vì nước Pháp trong thời Hugo đã đối mặt trực diện với hoàn cảnh nan giải này, sau thời kỳ cách mạng Pháp mà suốt trong thời gian ấy quyền thiêng liêng của các quân vương bị chất vấn và cuối cùng bị lên án. Nhưng sự suy đồi của ngay cả hệ thống pháp lý với mục đích rất cao đẹp ấy đã bị phơi bày ngay sau đó theo sau cuộc thanh trừng và khủng bố của Robespiere, rồi chung cuộc chính ông cũng bị lật đổ và hành hình. Nước Pháp trượt dài giữa quân chủ, dân chủ, và vô chính phủ cho nên nhiều người tìm kiếm một hình thức chính quyền dựa trên đạo đức và nhân đạo.

Hoàn cảnh nan giải của Jean Valjean, nhân vật chính của Những người khốn khổ, tức phải trộm cắp để nuôi gia đình mình, là vấn đề đạo đức tiêu biểu. Phải chăng ta đúng khi bằng mọi giá phải nuôi gia đình của mình hay hành vi trộm cắp là sai trong bất kỳ hoàn cảnh nào? Trong tiểu thuyết của Hugo, cũng như trong đời thực, lời đáp phụ thuộc vào người mà ta hỏi. Nếu ta hỏi thanh tra cảnh sát Javert, nhân vật tiểu thuyết tiêu biểu cho luật pháp và phán xét thế tục, ta sẽ được bảo rằng rõ ràng trộm cắp là đáng khiển trách về mặt đạo đức trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Tuy nhiên, nếu ta hỏi ý kiến giám mục Myriel, thì có thể rằng lợi ích cứu người khỏi chết đói quan trọng hơn tội trộm cắp.

Nếu Javert tượng trưng cho Luật pháp và Myriel tượng trưng cho Đạo đức, thì Jean Valjean, và về mức độ nào đấy Fatine, là người bình thường, bị mắc kẹt giữa hai bên. Cuộc đời của Valjean, từ tội phạm, thành người tù, trở lại tội phạm, và cuối cùng thành người tốt, là cuộc đời bị chi phối từ bên ngoài bởi luật pháp và từ bên trong bởi đạo đức. Sau khi gặp giám mục Myriel, Valjean trải qua đêm tăm tối của tâm hồn, giữa khuya ngồi dậy thao thức, biết rằng trộm đồ của Myriel là sai trái, nhưng ông vẫn cứ làm. Đây là mầm đạo đức nội tâm của ông. Từ đấy trở đi, dù ông cố gắng tiếp tục sống đời tội phạm, nhưng lòng ông đã bắt đầu "hướng thiện".

Tuy nhiên, luật pháp không thừa nhận sự thay đổi rất lớn lao trong tâm hồn con người để xóa đi các tội hiện tại. Sự thay đổi rất lớn lao ấy chính là Valjean trở thành người mới, một người thành đạt và nhân ái, luôn luôn gắng hết sức mình theo gương giám mục Myriel. Nhưng thanh tra Javert không thể nào chấp nhận sự vi phạm luật pháp, dù dưới bất kỳ hình thức nào hay trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Xuất phát từ nguyên tắc, ông truy lùng Valjean vào tận cuộc đời mới của Valjean, và đuổi theo Valjean không ngừng trong suốt tiểu thuyết. Javert thấy công lý là công lý thế tục, trật tự đạo đức là trật tự pháp lý, và con người phải trả giá cho tội của mình theo luật pháp mà chẳng lưu tâm đến bất kỳ những nhân tố giảm tội nào.

Hugo khắc họa Javert dưới ánh sáng hơi tàn nhẫn, thể hiện sự thương cảm không có ở ông mà có ở các nhân vật ông truy đuổi. Tuy nhiên, Hugo khắc họa như thế để chứng minh luật pháp có thể sai lầm. Javert, giống như chính luật pháp, thiếu nhân tính. Ông không thể nào cảm thông với hoàn cảnh của người khác hay cảm thấy thương xót cho họ cho tới cuối tiểu thuyết, khi nhận thức bất ngờ của ông về nhân tính làm thế giới quan của ông sụp đổ và khiến ông quẩn trí rồi rốt cuộc tự tử. Chỉ con người mới có thể nhân đạo và ai đặt luật pháp trên nhân tính của mình tự tước đi món quà quý giá nhất trong đời.

Valjean, khi đứng trước cảnh một người vô tội có thể bị treo cổ thay mình, liền từ bỏ mọi thứ để cứu mạng kẻ lạ này. Cảnh này, rất giống Tội ác và Trừng phạt của Dostoevsky, chứng tỏ tội lỗi là hiện tượng nội tâm, không phải là chức năng của hệ thống tư pháp. Tội lỗi nội tâm này là một biểu lộ khác nữa về đạo đức bẩm sinh của con người.

Truyện Myriel-Javert-Valjean là phần quan trọng của tác phẩm. Những nhân vật khác cũng tiêu biểu cho nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc đấu tranh này. Gia đình Thernadier là những kẻ vô đạo đức, tội phạm, và bị xã hội ruồng bỏ. Tuy nhiên ngay cả từ gia đình đáng ghê tởm này vẫn có Eponine, người mà cuối cùng có thể thực hiện một hành động hy sinh quên mình, qua đấy, đối với Hugo, chứng tỏ rằng đạo đức là bẩm sinh, chứ không phải là điều ta có thể học. Marius và Cossete là tương lai. Marius nhân danh đạo đức chống lại chính quyền còn Cossette nhân danh tình yêu chống lại hận thù. Qua phân tích một cách chi tiết ta có thể thấy rằng mỗi phần của tiểu thuyết đều vận vào hoàn cảnh đạo đức nan giải này. Nhưng, xung đột giữa Myriel-Valjean và Javert phản ánh nội dung của toàn bộ tác phẩm.

Tiểu thuyết toàn diện này của Hugo bao gồm nhiều nhân vật cũng như nhiều khía cạnh của vấn đề xung đột giữa đạo đức và luật pháp thế tục. Ngay cả những đoạn được xem bình thường như mô tả đường cống ngầm Paris độc giả cũng có thể đọc và hiểu theo nghĩa bóng trong ngữ cảnh này. Những trang mô tả nổi tiếng của nhà văn về trận chiến Waterloo, quy sự thua trận của Napoleon do một con kênh bình thường trên mặt đất, chứng tỏ ngay cả nhà lãnh đạo thế tục tài ba nhất ( một hoàng đế tự phong lúc ấy) có thể bị lật đổ bởi những sức mạnh đơn giản nhất.

Ta có thể đọc Những người khốn khổ như ta đọc Ba người lính ngự lâm, một truyện giải trí đầy lãng mạn, hành động, và bí ẩn. Nhưng tác phẩm và tư tưởng của Hugo sâu sắc hơn thế nhiều; Những người khốn khổ là tác phẩm về triết học và đạo đức hoàn toàn giá trị như tác phẩm là tiểu thuyết, và chính tài năng kết hợp được cả hai khía cạnh này là lý do Những người khốn khổ vẫn tiếp tục cuốn hút tâm hồn độc giả và cũng là lý do ngày nay, một trăm hai mươi năm sau, Hugo vẫn còn nổi tiếng như ông đã nổi tiếng lúc đương thời.

Mark Brendle là tác giả người Mỹ

Nguồn:

Từ Barnes & Noble Community Blog năm 2010. Nguyên tác tiếng Anh "Morality and Law in Victor Hugo's Les Miserables". Tựa đề của người dịch là lời trích của nhà văn Nga Alexander Solzhenitsyn.

Alexander Solzhenitsyn- Cộng sản chống con người


Trần Quốc Việt dịch

Chủ nghĩa cộng sản là một cố gắng thô thiển nhằm giải thích xã hội và cá nhân như thể bác sĩ giải phẫu thực hiện những ca mổ phức tạp bằng dao chặt thịt. Tất cả những gì tinh tế trong tâm lý con người và trong cấu trúc xã hội (mà thậm chí càng phức tạp hơn nhiều), tất cả những điều này rốt cuộc chỉ còn lại là những quá trình kinh tế thô thiển. Toàn bộ hữu thể được sáng tạo này - con người - rốt cuộc chỉ còn lại là vật chất. Điều đặc biệt là cộng sản hoàn toàn thiếu lý lẽ đến nỗi nó không đưa ra được lý lẽ nào chống lại những người bất đồng với nó tại các nước cộng sản chúng tôi. Cộng sản thiếu lý lẽ nhưng bù lại có dùi cui, lao tù, trại tập trung, và các bệnh viện tâm thần với chế độ giam cầm cưỡng bức.

Chủ nghĩa Marx luôn luôn chống lại tự do. Tôi sẽ trích dẫn đôi lời từ những người khai sinh ra chủ nghĩa cộng sản, Marx và Engels (tôi trích từ bản in Xô Viết đầu tiên vào năm 1929): "Cải cách là dấu hiệu của sự yếu đuối." (tập 23, trang 339);"Dân chủ còn đáng sợ hơn quân chủ và quý tộc." (tập 2, trang 369); "Tự do chính trị là tự do giả dối, còn tệ hơn tình cảnh nô lệ cùng khổ nhất." (tập 2, trang 394). Trong thư từ qua lại Marx và Engels thường xuyên khẳng định rằng khủng bố sẽ là tuyệt đối cần thiết sau khi nắm quyền lực, rằng "sẽ cần thiết lập lại năm 1793. Sau khi nắm quyền lực, chúng ta sẽ bị coi là những kẻ rất tàn ác, nhưng chúng ta chẳng thèm quan tâm gì đến" (tập 25, trang 187).

Cộng sản đã không bao giờ che giấu sự thật rằng cộng sản bác bỏ tất cả những khái niệm đạo đức tuyệt đối. Cộng sản chế giễu bất kỳ suy tưởng nào về "thiện" và "ác" như những phạm trù rất cần thiết. Cộng sản coi đạo đức là tương đối, là vấn đề giai cấp. Tùy thuộc vào hoàn cảnh và tình huống chính trị, bất kỳ hành vi nào, kể cả giết người, thậm chí sát hại hàng trăm ngàn người, có thể tốt hay có thể xấu. Tất cả điều này phụ thuộc vào ý thức hệ giai cấp. Nhưng ai định nghĩa ý thức hệ này? Toàn bộ giai cấp không thể nào tập trung lại để xét xử. Một số ít người quyết định điều gì tốt và điều gì xấu. Nhưng tôi phải nói rằng về chính phương diện này cộng sản thành công nhất. Cộng sản đã nhiễm độc cả thế giới bằng niềm tin về sự tương đối của thiện và ác. Ngày nay, ngoài những người cộng sản ra, nhiều người khác cũng bị tư tưởng này mê hoặc. Giữa những người tiến bộ với nhau, người ta thấy hơi ngượng ngùng khi dùng một cách nghiêm túc những từ như "thiện" và "ác". Cộng sản đã thuyết phục được tất cả chúng ta những khái niệm này là lạc hậu và đáng cười. Nhưng nếu chúng ta bị tước mất những khái niệm thiện và ác ấy, chúng ta còn sót lại gì? Chẳng còn gì ngoại trừ lừa lọc lẫn nhau. Chúng ta sẽ chìm xuống thành thú vật.

Cả lý thuyết và thực tiễn của cộng sản là hoàn toàn vô nhân đạo vì lý do ấy. Thời nay có một từ được dùng rất phổ biến: "chống cộng". Đó là một từ không hay và vô vị. Từ này khiến người ta tưởng rằng cộng sản là cái gì đấy độc đáo, căn bản. Vì thế, người ta xem nó như là điểm xuất phát, và chống cộng được định nghĩa liên quan đến cộng sản. Tôi nói người ta chọn từ này không hay, những người ghép từ này là những người không hiểu về từ nguyên học. Khái niệm quan trọng nhất, khái niệm bất tử là nhân tính, và cộng sản là chống nhân tính. Những ai nói "chống cộng" thật ra nói chống-chống-nhân tính. Một cách dùng từ không hay. Vì thế chúng ta nên nói: Phàm điều gì chống lại cộng sản là cổ vũ cho nhân tính. Không chấp nhận, mà hãy loại bỏ ý thức hệ cộng sản vô nhân đạo này rõ ràng mới là con người. Sự loại bỏ như thế không chỉ là hành động chính trị. Nó còn là sự phản kháng của tâm hồn chúng ta chống lại những kẻ khiến chúng ta quên đi những khái niệm thiện và ác.


Nguồn: 

Trích dịch từ bài diễn văn nhà văn Alexander Solzhenitsyn đọc vào ngày 9 tháng 7, 1975 ở New York, Hoa Kỳ. Tựa đề của người dịch.

Từ tác phẩm "Warning To The West" của Alexander Solzenitsyn, nhà xuất bản Farrar, Straus and Giroux, New York, 1976, trang 56-59

Alexander Solzhenitsyn- Bản chất cộng sản


Trần Quốc Việt dịch

Ta phải hiểu bản chất cộng sản. Chính ý thức hệ cộng sản, tất cả những lời dạy của Lê-nin, là rằng những ai không lấy những gì ở trước mặt mình đều bị coi là ngu. Nếu ta lấy được, cứ lấy. Nếu ta đánh được, cứ đánh. Nhưng nếu gặp phải bức tường, thì rút lui. Những nhà lãnh đạo cộng sản chỉ tôn trọng sự cương quyết và khinh thường những kẻ thường xuyên chịu khuất phục họ.

Chúng tôi, những nhà bất đồng chính kiến ở Liên Xô, không có xe tăng, không có vũ khí, không có tổ chức. Chúng tôi chẳng có gì. Chúng tôi tay trắng. Chúng tôi chỉ có trái tim và những gì chúng tôi đã trải qua trong nửa thế kỷ dưới chế độ này. Nhưng bất kỳ khi nào chúng tôi cảm thấy cương quyết bảo vệ những quyền của mình, chúng tôi đều làm thế. Chỉ nhờ tinh thần cương quyết ấy mà chúng tôi đã phản kháng thành công. Và hôm nay nếu tôi đang đứng ở đây trước mặt quý vị, thì không phải là do lòng tốt hay thiện chí của cộng sản, hay nhờ sự hòa hoãn, mà chính nhờ vào sự cương quyết của tôi và sự ủng hộ cương quyết của quý vị. Họ biết tôi sẽ không chịu nhượng bộ một chút mảy may nào. Cho nên khi họ không thể nào làm được gì, họ lùi lại. 

Điều này thật không dễ dàng. Chúng tôi học được điều này từ biết bao khó khăn trong chính cuộc đời chúng tôi. Và nếu như quý vị hay bất kỳ ai trong quý vị ở trong hoàn cảnh khó khăn tương tự, quý vị sẽ học được điều như thế. Đơn cử trường hợp Vladimir Bukovsky, người mà bây giờ hầu như bị quên tên. Tôi không muốn liệt kê nhiều tên ở đây vì cho dù tôi nhắc đến bao nhiêu tên chăng nữa vẫn không đủ, và khi chúng tôi nhắc được hai hay ba tên tưởng chừng như chúng tôi quên và phản bội những tên tuổi khác. Thay vì thế, chúng ta nên nhớ những con số: có hàng vạn tù nhân chính trị ở trong nước chúng tôi và, theo tính toán của các chuyên gia Anh, hiện nay bảy ngàn người đang bị cưỡng bách điều trị tâm thần. Chẳng hạn, Vladimir Bukovsky. Chế độ đề nghị với anh, "Được rồi, chúng tôi sẽ thả anh ra. Anh hãy đi sang Phương tây và câm miệng lại." Nhưng người trẻ này, một thanh niên bây giờ sắp chết, đáp: "Không, tôi nhất định không đi với những điều kiện như thế. Tôi đã viết về những người các ông đã đưa vào những bệnh viện tâm thần. Các ông hãy thả họ ra rồi tôi sẽ đi sang Phương Tây." Đây là điều tôi muốn nói về tinh thần cương quyết chống lại đá hoa cương và xe tăng ấy. 


Nguồn

Trích dịch từ bài diễn văn nhà văn Alexander Solzhenitsyn đọc vào ngày 30 tháng 6, 1975 ở Washington, D.C. Hoa Kỳ. Tựa đề của người dịch.

Từ tác phẩm "Warning To The West" của Alexander Solzenitsyn, nhà xuất bản Farrar, Straus and Giroux, New York, 1976, trang 41 và 43 


1.4.16

Trần Quốc Việt- Hoàn tâm



Những hồn người chết xếp hàng để chờ đi vào phòng màu trắng nơi Diêm Vương ngự. Diêm Vương sẽ hỏi họ câu hỏi duy nhất để hồn xác định lúc sống ở dương thế hồn đã phạm trọng tội gì.

Cửa mở. Một con quỷ ra hiệu cho đoàn âm hồn dài lê thê đi vào.

Diêm Vương hỏi hồn đầu tiên: “Hồn đã phạm tội gì trên trần gian?”

Hồn đáp: "Giết mẹ". Tức thì bốn con quỷ từ dưới đất chui lên kéo hồn xuống các tầng địa ngục.

Căn phòng vắng lặng như tờ trở lại.

Hồn thứ hai bước vào. Diêm Vương hỏi vẫn câu hỏi duy nhất ấy.

Hồn đáp: "Giết người cướp của". Bốn con quỷ từ dưới đất chui lên kéo hồn xuống.

….

Hồn cuối cùng bước vào. Diêm Vương hỏi vẫn câu hỏi ông đã hỏi hàng ngàn năm qua mỗi ngày: “Hồn đã phạm tội gì trên trần gian?”

Hồn đáp: “Vô tội”. Diêm Vương giật bắn người, nhìn hồn chăm chú, rồi vỗ tay. Lập tức, viên phán quan từ dưới đất chui lên và quỳ xuống trước mặt Diêm Vương. Diêm Vương hỏi ngay: “Khanh có cho hồn này uống thuốc Phục Tâm Hoàn chưa?”

Phán quan tâu: “Dạ thưa Diêm Vương, hồn nào cũng được thần cho uống thuốc hết, không sót một hồn nào, từ xưa đến nay suốt mấy ngàn năm đều như vậy. Nhờ thuốc này tất cả các âm hồn thấy tội lỗi của họ trên dương thế cho nên thần lưu tâm rất kỹ chuyện cho tất cả họ uống thuốc.”

Diêm Vương nói: “Ta cũng nghĩ như vậy. Nhưng tại sao hồn đáp vô tội?”

Diêm Vương nghĩ ngợi một lát, rồi nhìn hồn hỏi:

“Hồn quê ở đâu?

Hồn đáp: “Việt Nam.”

Nghe vậy, Diêm Vương rút từ trong áo ra viên ngọc và hướng viên ngọc về phía hồn. Màu trắng của ngọc ngả sang màu đỏ sậm. Trên ngọc hiện ra hình chữ S đỏ như rỉ máu từ trên xuống. Cất ngọc vào áo, Diêm Vương ra lệnh cho phán quan:

“Khanh cho hồn uống thêm thuốc Phục Nhân Hoàn.”

Viên phán quan bước đến bên hồn trao viên thuốc ông lấy ra từ trong túi gấm rất nhỏ đeo bên người.

Diêm Vương hỏi lại hồn: “Hồn đã phạm tội gì trên trần gian?”

Hồn đáp: "Giết anh em, cướp đất dân khiến họ tự tử, xả lũ giết người, đánh chết người ngoài đường, giết người trong đồn công an, trong trại giam…"

Hồn chưa kịp dứt lời thì bốn con quỷ tức thì từ dưới đất chui lên kéo hồn xuống.

….

Diêm vương nói với phán quan:

“Khanh không có lỗi gì. Hồn này khi sống không còn là con người, đã mất hết lương tâm và nhân tính, nên ta phải cho hồn uống thuốc Phục Nhân Hoàn để cho hồn trở lại hồn con người thực sự. Rồi thuốc khanh đã cho hồn uống trước khi hồn vào đây tức viên Phục Tâm Hoàn mới có tác dụng.”

Phán quan quỳ xuống tâu: "Hạ thần vập đầu đội ơn Diêm Vương."

“Khanh hãy đứng lên.” Diêm Vương nói, "Từ đây về sau khanh phải hỏi những hồn nào từ các nước cộng sản xưa và nay là họ có theo Cộng sản không, đặc biệt những người mà họ gọi là “lão thành cách mạng”. Nếu đúng thì nhớ cho họ uống thêm thuốc Phục Nhân Hoàn để họ thấu hiểu tội ác của mình. Cộng sản ác nhất ở chỗ khiến người ta làm ác mà không nghĩ là ác, mà chỉ nghĩ làm theo đúng lập trường, đường lối, quy trình… Thôi khanh lui xuống đi.”

Phán quan lạy tạ rồi đứng lên. Nhưng mặt ông chợt lộ vẻ rất lo lắng. Thấy vậy, Diêm Vương hỏi:

“Khanh lo lắng điều gì chăng?"

“Da, thưa Diêm Vương, thuốc Phục Nhân Hoàn chế cực kỳ khó và quá trình nấu thuốc trải qua hàng trăm năm. Thần lo không đủ thuốc nếu lỡ hồn cộng sản xuống đây nhiều quá.”

Diêm Vương không nói gì, ra vẻ đăm chiêu. Lát sau Diêm Vương nói:

“Ta có cách. Ta sẽ làm phép cho những giọt nước mắt của các oan hồn trên dương thế, tức nạn nhân của họ, rớt xuống đây, và mỗi giọt nước mắt của họ biến thành một viên thuốc Phục Nhân Hoàn. Như vậy khanh sẽ không bao giờ lo chuyện thiếu thuốc.Thôi khanh lui xuống nghỉ đi.”

Diêm Vương còn lại một mình, ông nhìn quanh phòng vắng lặng và vẩy tay. Căn phòng biến mất và thay vào đó là một màn hình màu đen lớn hiện ra. Trên đấy ông thấy những giọt nước mắt màu trắng chậm chạp lăn xuống, và từng giọt biến thành những viên thuốc đỏ như màu máu. Ông nhìn và thở dài.

Trần Quốc Việt- An Nam dị vương



Thay mặt thiên triều, sứ giả đến An Nam Phủ vào năm thứ tám mươi sáu khởi nghiệp của triều nhà Nam Sản để chọn người kế vị. Trước khi đi sứ giả đã được thiên tử dặn dò cách chọn người. Theo đó từ trong bốn đại thần An Nam y sẽ chọn ra một người lên làm Nam vương.

Sau khi bốn người quỳ mọp xuống sân triều y bắt đầu đọc to thánh chỉ chúc mừng họ đã được tuyển chọn vào cuộc thi. Tiếp đến y tuyên bố hễ ai mang vừa đôi giày thiên tử ban cho hôm nay thì người ấy được phong vương. Nói xong, y trao cho mỗi người một hộp đỏ bên trong có đôi giày.

Bốn người vào bốn phòng nhỏ trước mặt để thử giày. Một khắc sau, theo tiếng vỗ tay của sứ giả, họ bước ra mặt mày ai cũng hớn hở vô cùng vì ai cũng mang giầy rất vừa vặn.

Sứ giả bối rối ra mặt. Y nghĩ rất lung rằng chẳng lẽ có sự ngẫu nhiên không tiền khoáng hậu là ai cũng mang vừa đôi giày của mình sao. Y bỗng lo sợ khi nhớ lại nụ cười bí hiểm của thiên tử lúc bảo y có toàn quyền quyết định. Y bước tới bước lui trong phòng một lát và rồi với vẻ mặt rất đăm chiêu và căng thẳng nhìn từng đôi giày giống hệt nhau của mỗi người. Cuối cùng y ngồi xuống ghế và buông ra tiếng thở dài đầy lo âu khi nghĩ chuyến này mình đi về chắc cái đầu mình không còn vì việc lớn y làm chưa xong.

Bốn người từ nãy đến giờ vẫn đứng nhìn y và chờ đợi. Họ hiểu ra ngay sứ giả đang ở vào tình huống thật khó xử. Chợt quan đại phu già tóc bạc phau xin phép vào trong phòng thử giày một lát để ngồi nghỉ trong lúc chờ đợi. Sứ giả đồng ý.

Lát sau ông ta bước ra mỉm cười với vẻ mặt rất tự tin. Mọi người nhìn ông ngạc nhiên. Chợt tách trà trên tay sứ giả run run vì y thấy giày của đại phu già sáng loáng lên khác thường.

Y run giọng hỏi:

“Tại sao giày ngươi chợt bóng lên như vây?”

Viên đại phu nói:

“Dạ xin tâu với sứ giả thiên triều, hạ thần trộm nghĩ bất luận vật phẩm nào của thiên tử ban tặng cũng đều quý giá hơn cả bảo vật quý nhất trên đời. Cho nên hạ thần mạo muội đánh bóng lại đôi giầy cho đẹp ạ.”

“Nhưng người làm cách nào khi không có đồ dùng để đánh giày?” y kinh ngạc hỏi.

“Dạ hạ thần dùng lưỡi.” Đại phu cười nói.

Buông vội chén trà xuống bàn, sứ giả chạy đến quỳ lạy trước mặt đại phu nói:

“Kẻ hèn này xin vập đầu tạ ơn tân Nam vương đã cứu mạng!”

Tần Thư- Sống như con rận trong quần





Trần Quốc Việt dịch 

Phải chăng ta không bao giờ thấy con rận trong quần? Nó chạy ra khỏi đường chỉ sâu trong quần rồi chui rúc trốn trong kẽ quần, và nó coi đây là nhà tốt. Khi nó di chuyển nó không dám rời khỏi đường chỉ quần; nó không dám bò ra khỏi cái quần. Nó cảm thấy cuộc đời mình rất nề nếp và ổn định. Khi nó đói nó cắn người và coi đây là nguồn thực phẩm vô tận.

Nhưng ngọn lửa tràn qua đồi, lửa lan ra khắp nơi, làng mạc và kinh thành bị thiêu rụi. Và tất cả những con rận sẽ chết vì không thể nào thoát ra được. 

Còn kẻ “quân tử” sống trong thế giới riêng của y, thử hỏi y có khác gì chăng với con rận sống trong quần. 

Tần thư là sử về triều đại nhà Tần. 

Nguồn: Dịch từ tác phẩm “Buddhism in Chinese History” của tác giả Arthur F. Wright, nhà xuất bản Athenum, New York 1968, trang 29. Tựa đề của người dịch.

George Orwell- Quyền lực muôn năm



Trần Quốc Việt dịch

 Đảng mưu cầu quyền lực hoàn toàn chỉ vì quyền lực. Chúng tôi không quan tâm đến lợi ích của kẻ khác; chúng tôi chỉ quan tâm đến quyền lực. Không phải của cải hay xa hoa hay trường thọ hay hạnh phúc: chỉ quyền lực, quyền lực thuần túy.

Chúng tôi biết không ai chiếm quyền lực với ý định từ bỏ quyền lực. Quyền lực không phải là phương tiện, quyền lực là cứu cánh. Ta không thiết lập chế độ độc tài để bảo vệ cách mạng; ta làm cách mạng để thiết lập chế độ độc tài. Mục đích của trấn áp là trấn áp. Mục đích của tra tấn là tra tấn. Mục đích của quyền lực là quyền lực. 

Quyền lực thuộc về tập thể. Cá nhân chỉ có quyền lực chỉ khi y không còn là cá nhân. Ai cũng phải chết. Nhưng nếu y biết phục tùng hoàn toàn và tuyệt đối, nếu y có thể vượt qua cái tôi của mình, nếu y có thể nhập vào Đảng để y là Đảng, thì y toàn quyền năng và bất tử. 

Quyền lực là quyền lực đối với con người, đối với thể xác, nhưng trên hết, đối với tâm hồn. Quyền lực thực sự, quyền lực chúng tôi phải đấu tranh suốt ngày đêm, không phải quyền lực đối với vật chất, mà đối với con người. 

Ta khẳng định quyền lực của mình đối với kẻ khác như thế nào? Bằng cách làm cho hắn phải đau khổ. Vâng lời không đủ. Trừ phi hắn phải đau khổ. Quyền lực là gây ra đau đớn và tủi nhục. Quyền lực là xé nát tâm hồn con người ra từng mảnh để ráp chúng lại theo bất kỳ hình dạng nào ta thích. 

Chúng tôi đang tạo ra xã hội sợ hãi và phản bội và đau khổ, xã hội chà đạp và bị chà đạp, xã hội không phải trở nên ít tàn nhẫn hơn mà càng tàn nhẫn hơn khi nó càng hoàn thiện. Những nền văn minh cũ tuyên bố họ được đặt trên nền tảng thương yêu hay công lý. Nền văn minh của chúng tôi được đặt trên nền tảng căm thù. Trong xã hội chúng tôi sẽ không có những cảm xúc nào ngoại trừ sợ hãi, phẫn nộ, chiến thắng, và phủ phục. 

Sẽ không có lòng trung thành, ngoại trừ trung thành với Đảng. Sẽ không có tình yêu, ngoại trừ tình yêu với Anh Cả. Sẽ không có tiếng cười, ngoại trừ tiếng cười chiến thắng trước kẻ thù thảm bại. Sẽ luôn luôn có niềm say mê quyền lực mà càng ngày càng tăng và càng ngày càng phát triễn tinh tế hơn. Luôn luôn, ở mọi lúc, sẽ có niềm vui chiến thắng, cảm giác hân hoan chà đạp lên kẻ thù bất lực. 

Nếu anh muốn hình dung tương lai, hãy tưởng tượng chiếc giày đạp vô tận vào mặt người. 


Nguồn

Trích dịch từ tác phẩm “1984” của George Orwell, chương 3. Tựa đề của người dịch.



Trần Quốc Việt- Những người đi theo lương tâm mình



Họ là những blogger Việt Nam. Họ đã và đang khẳng định những quyền tự do phổ quát của mình và từ đấy mở ra con đường mới, độc đáo, hiện đại, và chứa chan hy vọng để đấu tranh cho những quyền tự do cho bản thân và cho tất cả những công dân khác trong xã hội.

Trước họ, nhiều người nói về các quyền tự do phổ quát và căn bản mà toàn thế giới khẳng định qua Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Nhưng đa số nói để mà nói với nhau hay nói qua những kiến nghị đến chính quyền. Những kiến nghị này nhanh chóng rơi không một tiếng vang vào lỗ đen quyền lực.

Hai mục tiêu đầu tiên của họ là truyền bá Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và lên tiếng đòi bãi bỏ điều 258 mà phản lại quyền tự do tư tưởng và biểu đạt đã ghi trong Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Hai mục tiêu này đều thành công lớn ở điểm nhờ nỗ lực và dấn thân của họ phong trào đấu tranh cho tự do và tôn trọng pháp luật đã vượt qua bước đầu tiên quan trọng nhất - khởi động phong trào hình thành xã hội dân sự ngoài vòng cương tỏa của chính quyền.

Họ là ai? Đa số họ là những người trẻ. Họ không bước ra từ bóng đè của quá khứ. Họ không bước ra từ tầng lớp dân oan. Họ không bước ra từ hàng ngũ ngày càng thưa dần của những người đối lập trung thành. Họ không bước ra từ phong trào đấu tranh giải thể chế độ. Họ bước ra từ chính lương tâm mình.

Cụ thể hơn, họ làm tất cả những gì luật pháp không cấm. Họ làm những gì đã được tuyên bố trong Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Từ bàn phím máy tính họ xuống đường trên không gian ảo để đòi quyền lợi của mình, và từ trên không gian ảo họ xuống phố phân phát Bản Tuyên Bố Quốc Tế Nhân Quyền. Giá trị biểu tượng của nỗ lực tập thể của họ rất lớn vì hành động của họ khẳng định công khai hai điều: các công dân đã vượt qua sự sợ hãi để tìm về nương trợ tinh thần với nhau và truyền hơi ấm và nhiệt tình cho nhau, và quan trọng hơn, cùng nhau thảo ra những tuyên bố chung, và vạch ra những chiến thuật để đạt mục tiêu chung. Và từ Việt Nam họ mang thông điệp tự do truyền ra khắp thế giới. Và một thế giới của những tâm hồn tự do mở lòng ra đón nhận họ và truyền tiếp cho họ sinh lực tinh thần mới cho chặng đường kế tiếp. Họ thành công!

Khác với những thế hệ trước, họ không nuôi ảo vọng về một chế độ toàn trị có thể tự thay đổi. Họ tin chỉ có sức mạnh của mỗi công dân và mọi công dân kết hợp lại mới tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.

Khác với những thế hệ trước, họ không muốn tiếp tục sống trong dối trá, giả vờ tham dự vào trò chơi chính trị dối trá kéo dài qua nhiều thế hệ mà từ đấy tạo ra chế độ này với hy vọng mình và gia đình được sống yên thân và tiến thân. Cho nên họ coi những chữ ký của chính quyền vào các văn kiện quốc tế về nhân quyền là những chữ ký thực. Từ đấy họ chỉ muốn làm những gì mà chính quyền đã cam kết. Không hơn không kém. Với những blogger bạn họ nói hãy cùng nhau tạo ra tương lai tốt đẹp cho tất cả. Với chính quyền dựng lên trên nền tảng bạo lực và dối trá, họ tuyên bố: game over!

Game over! là tiếng kèn lên đường của những thế hệ trẻ tiến bước vào tương lai.

Tương lai khởi đi từ đây và từ họ - những người dựng tương lai cho mọi người.