Trần Quốc Việt dịch
Sau khi bị tát Mohamed Bouazizi không kìm nén được cơn tức giận dâng trào trong lòng.
Người thanh niên Tunisia, bị bắt vào ngày 17 tháng Mười Hai về tội bán rau không có giấy phép và rồi bị một nữ cảnh sát tát- và cũng chịu bao nhiêu cảnh nhục nhã khác- quyết định tự thiêu tại quảng trường công cộng.
Cuộc tự thiêu giờ đây thành danh của anh, một hành động tử vì đạo tuyệt vọng, đã khích lệ những người Tunisia khác tự quyết định số phận của mình. Họ quyết định phá tan định kiến chung về sự ngoại lệ Ả Rập- từng được rất nhiều học giả, nhà ngoại giao, và chính cả người Ả Rập chấp nhận- tức cho rằng văn hóa Ả Rập không thích hợp với thể chế dân chủ hiện đại, nói năng tự do.
Sau tiếng thét "đủ rồi" trước khi tự thiêu của anh Bouazizi, người dân Tunisia đã bứt tung xiềng xích tinh thần trói buộc họ và rồi đứng lên lật đổ nhà độc tài vững như bàn thạch chỉ trong vòng vài tuần. Họ chỉ hành xử như thể họ là người tự do, nên chính nhờ thế họ giành được tự do. Ý thức tập thể mới đã bắt đầu trong vùng.
Lịch sử có rất nhiều những khoảnh khắc thăng hoa nhanh chóng lớn lao như thế trong tâm lý quần chúng- những khoảnh khắc bất chợt tỉnh ngộ ấy đập tan những khuôn mẫu, đâm thủng bao nề nếp suy nghĩ chung, và, quan trọng nhất, khiến người dân vò đầu không hiểu tại sao có thời họ lại tin vào những điều tưởng chừng như rất thực.
Vào thế kỷ thứ 18 chẳng mấy ai ngờ chế độ nô lệ hay việc buôn bán nô lệ có thể chấm dứt ở Phương Tây- nhưng đến thế kỷ thứ 19 chế độ nô lệ đã không còn. Những tư tưởng cổ hủ về vai trò phụ nữ- trong bầu cử, tại nơi làm việc, trong quân đội, cả trong tôn giáo- giờ là những tư tưởng kỳ cục thuộc về thời xa xưa ở nhiều nước.
Darwin đã đảo lộn quan điểm về tiến hóa. Giám đốc ngân hàng người Thụy Sĩ Henry Dunant, người sáng lập ra hội Hồng Thập Tự, đã thuyết phục các cường quốc thế giới về sự cần thiết phải có những luật lệ về chiến tranh. Rachel Carson viết tác phẩm, "Suối Im lặng" (Silent Spring), từ đấy đã xóa tan đi quan niệm cho rằng con người tác động rất ít đến thiên nhiên. Rosa Parks ngồi trên ghế dành cho người da trắng trên xe buýt và chính hành động ấy đã khai phóng một quan điểm mới về dân quyền.
Chủ nghĩa cộng sản dưới đế quốc Xô Viết đã sụp đổ mau chóng từ năm 1989 đến 1991. Tại Châu Á, Đài Loan đã đảo lộn ý tưởng cho rằng có thể không bao giờ có "nền dân chủ Trung Quốc", tức hòa hợp giá trị Khổng giáo với quyền cá nhân. Và trong ba năm qua, người Mỹ đã kinh qua nhiều đảo ngược hoàn toàn trong nếp nghĩ cũ. Họ đã bầu một người da đen lên làm tổng thống Hoa Kỳ. Nhiều người bây giờ hỏi tại sao họ cứ tưởng giá nhà sẽ tăng mãi. Cựu thống đốc Ngân hàng Liên bang Alan Greenspan thừa nhận ông phải từ bỏ ý tưởng ấp ủ suốt bao năm nay là thị trường luôn luôn tự điều chỉnh.
Sự tiến bộ của con người diễn ra theo từng giai đoạn đạo đức, thường giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước.
Những sự kiện ở Trung Đông kể từ tháng Mười Hai năm ngoái là khởi đầu sự tỉnh thức Ả Rập, còn hơn cả loại "thời điểm quyết định" (Tipping point) được trình bày trong tác phẩm cùng tên nổi tiếng vào năm 2000 của Malcome Gladwell. Ngược lại, giống như kẻ giật mình thức dậy từ cơn ác mộng, những người Ả Rập đã nhanh chóng trút bỏ bao nỗi sợ hãi cũ, rồi trong thời gian ngắn ngay sau đó hàng triệu người tìm về bên nhau. Họ đổ xô lũ lượt ra đường như những cánh bướm cùng nhau lìa kén. Tâm hồn Ả Rập giờ tự do hơn và, tuyệt vời nhất, tâm hồn ấy do chính mình tạo ra ngay trên quê hương mình. Điều kiện chính trị trong vùng mãi mãi thay đổi theo.
Như thể hòa mình trong dòng thác can đảm tập thể dâng trào, những người Ai Cập đủ mọi thành phần đã lật đổ Hosni Mubarak nhanh chóng không ngờ vào ngày 11 tháng Hai sau chỉ 18 ngày biểu tình mà đa phần tự phát và không có người lãnh đạo .
Cuộc giải phóng tinh thần này được nhìn thấy tại Quảng trường Tahrir ở Cairo- được đài truyền hình vệ tinh Al Jazeera truyền đi rất nhanh- rồi thổi bùng lên bao niềm hy vọng ấp ủ của 360 triệu người trong thế giới Ả Rập, từ đấy lan rộng ra khắp 22 nước từ Morocco đến Yemen. Câu chuyện của họ, cũng như những câu chuyện trong vùng, vẫn còn chưa kết thúc, còn phải vượt qua những thay đổi đầy khó khăn và cả nguy hiểm.
Nhưng, như người biểu tình Libya, Mutaq Saleh, nói với tờ Monitor:'' Chúng tôi đã phá gãy hàng rào sợ hãi. Chúng tôi sẽ không trở lại như cũ."
Ở Cairo, biểu ngữ của một một người biểu tình viết: "Chúa ơi, hãy tha thứ cho con, vì con đã sợ và câm lặng suốt bao nhiêu năm nay."
Ở Jordan, người viết blog Naseem Tarawnah viết:" Ngay cả trong giấc mơ hoang tưởng nhất, chưa bao giờ chúng tôi lại nghĩ rằng cuộc nổi dậy sẽ xuất phát từ nhân dân."
Những cảnh tượng đường phố của những công dân mới ra đời này đã đủ để thuyết phục những người lính trong quân đội ở Tunisia, Ai Cập, và Libya không bắn vào nhân dân.
Giờ đây "mùa xuân Ả Rập" đa quốc gia này đã khiến nhiều người ở Trung Đông tự hỏi tại sao trong thời gian rất dài tâm hồn của họ lại lún sâu trong nhận thức độc hại về bản thân họ như là một dân tộc thụ động, co rúm run sợ trước cường quyền tàn bạo, ngay cả khi thể chế dân chủ chiến thắng ở Châu Mỹ La tinh, Đông Âu, và nhiều nơi tại Châu Á trong các thập niên vừa qua.
"Chúng tôi giống như những người chết suốt trong 30 năm qua," một người Ai Cập thổ lộ với tờ Toronto Star. Thật vậy, cuộc chiến tranh của Mỹ tại Iraq vào năm 2003 xuất phát từ lý thuyết phổ biến ở Phương Tây cho rằng những người Ả Rập cần phải bị ép buộc giải phóng chính họ ra khỏi ách cai trị của các nhà độc tài và quân vương của họ.
Sự thay đổi tinh thần đảo ngược như thế đã được nhà thơ Ả Rập nổi tiếng Nizar Qabbani tiên đoán từ năm 1970:
Hỡi những người con Ả Rập, Những hạt mầm của tương lai, Các bạn sẽ phá tung xiềng xích của chúng ta, Hãy giết thuốc phiện trong tâm hồn chúng ta, Hãy giết những ảo tưởng...Các bạn là thế hệ sẽ chiến thắng thất bại.
Lịch sử vẫn đang chuyển động ở giữa những người Ả Rập, lịch sử thể hiện mình qua những trận đánh trên đường phố và trên những nước cờ ngoại giao. Nhưng trong lòng nhiều người, quá khứ bây giờ mới thực sự trở thành lịch sử.
Nguồn: The Christian Science Monitor ngày 5 tháng Ba 2011
http://www.csmonitor.com/World/Global-Issues/2011/0305/the-slap-heard-round-the-world