Trần Quốc Việt dịch
Ba đồng hồ đang chạy đều cho những kẻ cai trị đang hoang mang tại Iran.
Một đồng hồ,mà họ xem ra có lợi, đang đếm xuống dần tới ngày, có lẽ khoảng độ một năm nữa, khi các nhà khoa học trong nước đạt đến khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân.
Đồng hồ thứ hai đang đếm thời gian đến tháng Chín, hạn cuối cùng do tổng thống Obama đưa ra, để cho Tehran đáp lại lời đề nghị đối thoại về vấn đề hạt nhân hay nhận một câu trả lời nghiêm khắc.
Nhưng chính đồng hồ thứ ba, mà chắc chắn sẽ ảnh hưởng hai đồng hồ kia, mới quan trọng nhất đối với chế độ của Lãnh Tụ Tối Cao Ayatollah Ali Khamenei và tổng thống Mahmoud Ahmadinejad.
Chiếc đồng hồ này đang đo thời gian theo những khoảnh khắc cho tới khi chế độ cạn hết tính hợp pháp của nó. Thời gian của nó được tính theo số lần biểu tình của dân chúng kể từ khi cuộc bầu cử gian lận vào ngày 12 tháng Sáu, theo những màn tranh giành quyền lực giữa những kẻ cai trị đang đến hồi chia rẽ, và qua những lần chỉ trích gay gắt từ giới giáo sĩ Hồi Giáo vốn được mọi người kính trọng.
Cộng Hoà Hồi Giáo này đang lâm vào tình thế bất ổn khi nó cố chà đạp một cách tàn bạo sự bất đồng. Điều này lại bộc lộ rõ ràng vào ngày thứ Năm qua sự trấn áp cuộc tuần hành của hàng ngàn người Iran đến bên mộ của Neda Agha Soltan, người phụ nữ trẻ bị sát hại trong cuộc biểu tình ngày 20 tháng Sáu.
Cái chết của cô Neda như là biểu tượng hùng hồn của sự nạn nhân hoá người Iran bởi một chế độ can thiệp vào cuộc sống ngày thường của người dân và đến quay sang ăn cắp cả cuộc bầu cử để tiếp tục nắm quyền. Nhưng người Iran cũng bất mãn trước những báo cáo về sự đối xử tàn bạo với hàng trăm người biểu tình bị bắt giữ ở trong tù.
Một chế độ cai trị nhân danh Chúa và lên nắm quyền năm 1979 nhờ vin vào sự tàn bạo của Shah không thể nào tồn tại lâu được bằng cách giết những người tù và đối xử tàn nhẫn với những người khác.
Aytatollah Hosein Ali Montazeri,một giáo sĩ Hồi Giáo cấp cao có quyền lực thuộc phái hệ Shiite, trong một tuyên bố đưa ra tuần này đã lên án cuộc trấn áp mùa hè bằng cách
hỏi đầy ấn tượng : "Phải chăng hồi đó chế độ của Shah có thể chống lại làn sóng bất mãn qua việc xử dụng khủng bố, trấn áp, kiểm duyệt, tra tấn, cưỡng bức nhận tội, và tuyên truyền dối trá ?"
Bên trên đang bắt đầu xuất hiện những vết rạn nứt. Lãnh tụ tối cao và tổng thống Ahmadinejad đã có cuộc cãi nhau công khai về một sự bổ nhiệm quan trọng. Người đứng đầu cơ quan tình báo đã bị sa thải. Đa số các giáo sĩ cao cấp từ chối thừa nhận kết quả bầu cử, vốn đã bị gian lận một cách thô bạo nhằm có lợi cho ông Ahmadinejad. Còn hai cựu tổng thống, ông Ali Akbar Hashemi Rafsanjani và ông Mohammad Khatami , ngày càng phê phán chế độ công khai hơn.
Nhà lãnh tụ tối cao,thường tác động đằng sau hậu trường, giờ càng phải ra mặt nhiều hơn trong một cố gắng có vẻ muốn hoà giải phần nào. Ông cho đóng cửa một nhà tù khét tiếng và ra lệnh thả nhiều tù chính trị. Nhưng khi tính hợp pháp của ông đang trôi tuột đi, ông càng phải dựa hơn nữa vào lực lượng Vệ Binh Cộng Hoà, mà thường hoạt động bên ngoài luật pháp và ngoài các chuẩn mực về công lý. Sự quân phiệt hóa này của chế độ sẽ chỉ báo trước rõ hơn sự lụi tàn của nó.
Cái gốc của vấn đề Iran là những kẻ thần quyền đang cai trị không tôn trọng ý thức công lý mà hợp lòng dân. Nhà lãnh đạo tối cao không thể sống trong một mâu thuẫn ở chỗ ông cho phép một chút dân chủ nhưng rồi giành hết tất cả các quyền lực thế tục nhân danh đấng Allah. Ông chẳng thể tin tưởng những người trẻ bỏ phiếu một cách chín chắn nhưng rồi sai cảnh sát tôn giáo bắt họ vì tội hẹn hò.
Thế giới phải lên án những chiến thuật tàn bạo này nhưng cũng đợi khi chế độ này từ từ sụp đổ dưới sức nặng của chính sách khủng bố và gieo rắc sợ hãi của nó.
Hai đồng hồ về vấn đề hạt nhân tiếp tục điểm. Nhưng trong lúc này tiếng kêu đều đặn của chúng bị át đi bởi tiếng tích tắc khác đang đếm dần đến ngày tàn của chế độ.
Nguồn: Christian Science Monitor 30/7/2009
Bản tiếng Việt © 2009 Trần Quốc Việt
Bản tiếng Việt © 2009 talawas blog