16.7.09

UỶ BAN BẢO VỆ NHÀ BÁO -10 QUỐC GIA TỒI TỆ NHẤT ĐỐI VỚI NGƯỜI VIẾT BLOG

Trần Quốc Việt lược dịch


Mười nước được Uỷ ban Bảo vệ Nhà báo, có trụ sở tại New York, Hoa Kỳ, đưa vào “sổ vàng danh dự” nhờ công lao trấn áp giới viết blog và cư dân mạng.

1. Miến Điện

Do số người có internet tại nhà rất ít cho nên người dân phải đến các quán cà phê internet để lên mạng. Chính quyền kiểm soát rất ngặt các quán cà phê này bằng các quy định về kiểm duyệt. Nếu cần họ có thể cúp internet hoàn toàn như trong vụ biểu tình của sư sãi hồi năm 2007. Công an mạng nước này có thể kiểm soát email, nghe lén điện thoại, phủ tường lửa chặn không cho xem các trang mạng “có hại”.

Một người viết blog tên là Maung Thura, qua bút danh nổi tiếng Zarganar, đang bị án 59 năm tù về tội phát tán video về hậu quả của cơn bão Nargis năm 2008.

2. Iran

Chính quyền đều đặn bắt giam hay quấy rầy những cây viết blog nào dám phê bình các viên chức tôn giáo hay chính trị, hoặc đụng đến cuộc Cách mạng Hồi giáo cùng với những biểu tượng của nó. Tất cả những ai muốn viết blog đều phải đăng ký trang nhà blog của mình với Bộ Nghệ thuật và Văn hóa. Chính quyền tuyên bố đã dùng tường lửa chặn được hàng triệu trang mạng lậu. Văn phòng công tố đặc biệt mới được lập ra để chuyên về internet và phối hợp trực tiếp với cơ quan tình báo.

Một người viết blog tên Omidreza Mirsayafi, bị buộc tội nói xấu lãnh tụ tôn giáo, đã chết trong tù, nơi chuyên giam tù chính trị, vào hồi tháng Ba năm nay.

3. Syria

Chính quyền sử dụng các phương pháp thanh lọc để ngăn chặn các trang mạng nhạy cảm về chính trị. Ai viết blog có nội dung “không thật” hay bất lợi cho sự “đoàn kết quốc gia”, hoặc phát tán bài của người khác, đều bị bắt. Do vậy nhà nhà đều tự kiểm duyệt. Chưa vừa lòng, năm ngoái Bộ Thông tin đã ra lệnh cho các chủ quán cà phê internet kiểm tra giấy tờ tuỳ thân của khách hàng, ghi lại tên và thời gian dùng internet, rồi đều đặn nộp các thông tin này lên nhà chức trách.

Waed al-Mhana, người ủng hộ việc bảo tồn các di tích khảo cổ có nguy cơ bị biến mất, đang bị xử án sau khi viết bài trên blog phê phán việc phá bỏ một cái chợ trong thành Damascus xưa.

4. Cuba

Chỉ có các viên chức chính phủ và những người có mối liên hệ với Đảng Cộng sản mới được tiếp cận internet. Còn dân thường thì phải mua thẻ đắt tiền để lên mạng tại những khách sạn hay các quán cà phê internet do nhà nước kiểm soát. Một số ít người viết blog độc lập, như blog mang tên Thế hệ Y của cô Yoani Sánchez, ghi nhận chi tiết cuộc sống ngày thường trong nước và từ đó phê bình chế độ. Blog của họ được đặt tại nước ngoài, và bị tường lửa chặn không cho vào trong nước. Chỉ có những người viết blog thân chính phủ là được viết bài cho những trang mạng trong nước và dân chúng có thể xem dễ dàng.

Hiện tại chính phủ đang giam giữ 21 người viết bài trên mạng. Hầu như tất cả họ đều gọi điện thoại hay gởi bài ra cho các trang mạng ở nước ngoài.

5. Ả Rập Saudi

Ngay ở trong nước có đến 400 ngàn trang mạng bị tường lửa ngăn chặn, bao gồm các trang bàn về những vấn đề chính trị, xã hội hay tôn giáo. Hiện tượng tự kiểm duyệt rất phổ biến. Bên cạnh ngăn chặn nội dung “đồi trụy”, chính quyền còn chặn “tất cả những điều gì trái với nhà nước hay chế độ.” Đây là một tiêu chuẩn được áp dụng tùy tiện. Năm 2008, giới giáo sĩ có thế lực còn đòi trừng phạt nặng hơn, bằng cách đánh đòn và tử hình, cho những ai viết bài có nội dung “dị giáo” trên mạng.
Người viết blog tên là Fouad Ahmed al-Farhan bị tù vài tháng không án sau khi kêu gọi cải cách và thả tù nhân chính trị.

6. Việt Nam

Những người viết blog đã và đang dũng cảm lấp đầy khoảng trống bỏ ngỏ do truyền thông quốc doanh không dám đề cập. Chính quyền đối phó lại bằng cách ban hành nhiều luật lệ mới. Nhà cầm quyền kêu gọi các công ty kỹ thuật quốc tế như Yahoo, Google, và Microsoft cung cấp thông tin về những người viết blog dùng dịch vụ của họ. Vào tháng Mười năm 2008, Bộ Thông tin và Truyền thông đã lập ra một cơ quan mới để kiếm soát internet.

Tháng Chín vừa qua, một người viết blog nổi tiếng tên Nguyễn Văn Hải, hay còn gọi là Điếu Cày, bị kết án 30 tháng tù về tội trốn thuế, mà qua tìm hiểu, chúng tôi biết rằng bản án trên là một sự trả thù cho những bài viết trên blog của ông. (1)

7. Tunisia

Những nơi cung cấp dịch vụ internet đều phải nộp địa chỉ IP và những thông tin lý lịch khác cho chính quyền theo định kỳ thường lệ. Toàn bộ lưu thông trên mạng đều phải qua một mạng lưới trung ương để cho chính quyền lọc nội dung và kiểm soát email.

Chính quyền còn sử dụng một loạt các biện pháp nhằm quấy rầy các cây viết blog như theo dõi, giới hạn sự đi lại, và đánh sụp các trang nhà nếu cần. Tháng Ba năm nay, Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali đã đọc diễn văn cảnh cáo giới cầm bút không được truy xét “những sai lầm và vi phạm” của chính phủ, và coi đó là “một hành động xấu xa đối với xã hội và càng không phải là sự biểu hiện của tự do hay dân chủ.”

8. Trung Quốc

Văn hoá mạng của Trung Quốc rất sôi động với gần 300 triệu người kết nối internet.

Tuy nhiên chính quyền lại duy trì chương trình kiểm duyệt mạng bao trùm nhất thế giới, mà theo đó nhiều nước khác bắt chước. Chính quyền dựa vào các nơi cung cấp dịch vụ internet tự lọc trước mục tìm kiếm, ngăn chặn các trang mạng chỉ trích, xoá các nội dung được coi là xúc phạm, và kiểm soát email. Do báo chí bị siết quá ngặt, giới viết blog thường đưa tin trước và thêm những lời bình khiêu khích. Ví dụ, blog đóng vai trò nổi bật trong việc loan tin về vụ động đất ở Tứ Xuyên năm 2008. Nhưng ai đi quá xa trong việc đề cao các quan điểm không hợp lòng Đảng hay tường thuật những thông tin nhạy cảm có thể đi tù. Năm 2008 Cơ quan quốc gia phụ trách về Bài trừ Khiêu dâm và Chống Ấn phẩm Bất hợp pháp tuyên bố đã dẹp tan hơn 200 triệu bài “có hại” trên mạng chỉ riêng trong năm 2007.

Hiện nay có ít nhất đến 24 người viết trên mạng đang ngồi tù.

9. Turkmenistan

Tổng thống Gurbanguly Berdymukhammedov đã hứa hẹn mở cửa quốc gia vốn khép kín này ra thế giới bên ngoài bằng việc cung cấp dịch vụ internet công cộng cho dân chúng. Nhưng khi quán cà phê internet đầu tiên khai trương vào năm 2007 lại có lính gác bên ngoài, nối mạng thì chập chờn như điện, lúc có lúc không, giá cả theo giờ thì tính trên trời, thêm chuyện nhà cầm quyền kiểm soát hay ngăn chặn không cho truy cập các trang mạng cấm. Công ty viễn thông Nga MTS, vào thị trường nước này năm 2005, bắt đầu cung cấp dịch vụ internet cho điện thoại di động trong tháng Sáu năm 2008, nhưng trong hợp đồng thì yêu cầu khách hàng tránh xa các trang mạng phê bình chính phủ.

Công ty quốc doanh cung cấp dịch vụ internet Turkmentelecom thường ngăn chặn các trang mạng đối lập và bất đồng chính kiến, đồng thời kiếm soát các địa chỉ email đăng ký với Gmail, Yahoo, và Hotmail.

10. Ai Cập

Tuy không cho truy cập chỉ một số nhỏ các trang mạng nhưng chính quyền định kỳ kiểm soát hoạt động internet. Lưu thông từ tất cả các nơi cung cấp dịch vụ internet đều phải đi qua công ty nhà nước Ai Cập Telecom. Nhà cầm quyền đều đặn bắt giữ trong thời gian không hạn định những ai viết blog chỉ trích chính phủ. Các nhóm tự do báo chí địa phương đã ghi nhận hơn 100 người viết blog bị giam cầm chỉ tính riêng trong năm 2008. Mặc dù đa số người viết blog được thả ra sau một thời gian ngắn, nhưng có người bị giam hàng tháng liền và nhiều người bị giam giữ không có lệnh của toà án. Đa số người bị giam đều báo cáo bị ngược đãi, và một số bị tra tấn.

Người viết blog tên là Abdel Karim Suleiman, bút danh trên mạng là Karim Amer, đang thụ án 4 năm về tội sỉ nhục Hồi giáo và Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak.

Phương pháp bình chọn

Qua hội ý với các chuyên gia về internet, chúng tôi đưa ra tám câu hỏi như sau nhằm đánh giá điều kiện viết blog trên toàn thế giới:

1. Nước sở tại có bỏ tù người viết blog?

2. Người viết blog có đối mặt với sự quấy rầy, đả kích trên mạng, đe dọa, hay những hình thức trả thù khác?

3. Người viết blog có tự kiểm duyệt để bảo vệ mình?

4. Chính quyền có hạn chế sự kết nối hay cấm truy cập internet?

5. Người viết blog có bị yêu cầu đăng ký với chính quyền hay đăng ký ISP và khai tên cùng địa chỉ thật trước khi viết blog?

6. Nước sở tại có những quy định hoặc điều luật được dùng để kiểm duyệt người viết blog?

7. Chính quyền có kiểm soát việc công dân sử dụng internet?

8. Chính quyền có dùng kỹ thuật lọc để ngăn chặn hay kiểm duyệt internet?

Dựa trên những tiêu chuẩn trên, các chuyên gia khu vực của chúng tôi đề cử các nước vào danh sách này. Sau đó việc xếp hạng cuối cùng được quyết định thông qua thăm dò của nhân viên chúng tôi và các chuyên gia bên ngoài.

______________

(1) Chú thích của người dịch: Điếu Cày có vô số “tội” mà “tội” lớn nhất là dám biểu lộ lòng yêu nước qua việc biểu tình chống Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa-Trường Sa trước trụ sở Uỷ ban Nhân dân Thành phố tại Sài Gòn nhân dịp ngọn đuốc Thế vận được rước qua thành phố.

Nguồn: http://cpj.org/reports/2009/04/10-worst-countries-to-be-a-blogger.php, 30/4/2009

Bản tiếng Việt © 2009 Trần Quốc Việt

Bản tiếng Việt © 2009 talawas blog