Tâm hồn tự do coi trọng tự do hơn sinh mạng của mình.
Ngược lại, tâm hồn nô lệ coi trọng sinh mạng của mình hơn tự do. Tâm hồn nô lệ Việt Nam có những triệu chứng như sau:
1. Tâm hồn luôn luôn tìm ra mọi cớ để lỡ những chuyến tàu lịch sử qua câu nói thường nghe: "Cái nước Việt Nam mình nó như thế..." Vì nó "như thế" trong hiện tại nó sẽ "như thế" trong tương lai. Não trạng nô lệ ấy sẽ truyền lại qua nhiều thế hệ.
2. Tâm hồn "con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo" mà nhà văn Dương Thu Huơng từng phê phán nhiều lần. Từ đấy họ mới sinh ra ảo vọng Đảng sẽ thay đổi, và đưa đến hiện tượng đối lập trung thành. Tâm hồn tôi tớ cúc cung ấy không bao giờ nhìn đến tận cùng nguyên nhân của tất cả nguyên nhân chính là thể chế.
3. Tâm hồn sinh ra từ trong gông kiềm và trấn áp nên sự sợ hãi là phương cách sống. Người nào biết sợ người ấy sống lâu. Vì sợ hãi nên đa số chưa bao giờ sống trọn vẹn một ngày trong đời. Sợ hãi làm họ mờ lương tri, thờ ơ trước mọi sự và trước số phận của người khác. Cái bóng sợ hãi theo suốt sự tồn tại của những nô lệ.
4. Tâm hồn không biết mơ mộng nên chiều cao nhân phẩm của mình ngày càng thu nhỏ lại. Vì không dám mơ ngày tự do nên tâm hồn ấy tìm niềm vui trong những ảo tưởng, trong những thú vui rượu chè, xác thịt, trong sự khoe khoang của cải lố bịch, trong sự cam phận buông xuôi trước nghịch cảnh. Tâm hồn không dám thay đổi, chỉ biết cúi mặt đi tiếp trên lối mòn của số phận.
5. Tâm hồn nô lệ không có lương tâm cá nhân, chỉ có sự phục tùng trước cường quyền. Cho nên những kẻ làm sai ăn ngon, ngủ yên, không băn khoăn, dằn vặt, không cảm thấy trách nhiệm và tội lỗi. Theo thời gian họ là những nô lệ mất hết tính người.
6. Tâm hồn nô lệ cũng là tâm hồn của những kẻ sau khi được tự do ở xứ người rồi nhắm mắt làm ngơ trước tình cảnh của những nô lệ khác trong nước và quay về vui chơi trên nước mắt và niềm đau của những người bạn nô lệ ngày xưa của mình.
Đặc điểm chung cho tất cả những tâm hồn nô lệ đích thực là họ mang cái nhà tù trong lòng mình và an vui trong cảnh chim lồng cá chậu ấy.