11.5.12

Ngãi Vị Vị- Tự do Nhất định Thắng

Trần Quốc Việt dịch

Mao Chủ tịch thường nói:" Những người cộng sản chúng ta nắm được chính quyền nhờ sức mạnh của súng và duy trì chính quyền nhờ sức mạnh của ngòi bút." Từ đấy ta có thể thấy tuyên truyền và kiểm soát tư tưởng chính trị là nhiệm vụ quan trọng nhất của xã hội chuyên chế. Trước khi internet ra đời, mọi người đều chỉ biết xem truyền hình hay đọc báo Nhân dân. Họ thường đọc giữa các dòng chữ để cố suy đoán chính xác sự tình. Còn bây giờ thì khác. Báo chí vẫn cố gắng đề cập đến thời sự, nhưng ngay cả trước khi tin tức xuất hiện trên mặt báo, mọi người đã bàn tán về nó trên mạng.

Tôi vẫn nghĩ cuộc cách mạng của Gorbachev tại Nga- glasnot- quan trọng hơn.  Cởi mở và minh bạch là cách duy nhất để hạn chế những thế lực đen tối này. Công dân Trung Quốc từ trước đến nay không bao giờ có quyền thể hiện trung thực quan điểm của mình; trong hiến pháp khẳng định ta có thể, nhưng trong đời thực lại nguy hiểm hơn nhiều. Ở Phương Tây người ta coi đấy là quyền họ tự nhiên được hưởng khi chào đời. Còn ở đây quyền ấy do chính phủ ban phát, nhưng lại là quyền người dân thực sự không được dùng đến.

Mặc dù chúng tôi đã thực hiện cải cách và mở cửa, nhưng "mở cửa" không có nghĩa là "cởi mở"; mở cửa nghĩa là mở cửa ra với Phương Tây. Biện pháp này xuất phát từ thực tế hơn là từ tư tưởng chính trị. Ngay từ đầu, không ai- ngay cả tại Phương Tây- có thể tiên đoán được internet sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tự do ngôn luận và các mạng xã hội sẽ phát triễn như hiện nay. Họ chỉ hiểu internet là phương tiện giao tiếp hiệu quả hơn, nhanh chóng hơn và tốt hơn rất nhiều.

Nhưng kể từ khi chúng tôi có mạng và có thể viết blog- và bây giờ microblog- người ta bắt đầu chia xẻ ý tưởng, và ý thức mới về tự do nảy sinh. Tất nhiên, tự do mới này thật đa dạng từ những bài viết ngu ngơ như buổi sáng ta ăn gì đến những cuộc bàn luận tin tức nghiêm túc, nhưng dù viết gì chăng nữa, người ta vẫn đang học cách thực thi quyền của mình. Đây là thời điểm độc đáo, rất quý giá. Người ta bắt đầu cảm nhận làn gió mới. Internet là miền đất hoang dã, nơi có luật chơi, ngôn ngữ, phong cách riêng biệt, qua đó chúng tôi bắt đầu chia sẽ tâm tư chung.

Nhưng chính quyền không thể nào từ bỏ sự kiểm soát. Chính quyền ngăn chặn các diễn đàn internet chính như Twitter và Facebook vì sợ tự do thảo luận. Cho nên chính quyền xóa thông tin. Máy tính của chính quyền chỉ có một nút: xóa.

Nhưng tự thân kiểm duyệt không có kết quả. Như Mao nói phải cần có cả ngòi bút và súng. Thế là nửa đêm họ có thể xông vào phòng ta bắt ta đi. Họ có thể trùm đầu ta kín mít, giải ta đi đến nơi bí mật để tra hỏi, hòng mong chặn đứng điều ta đang làm. Họ còn đe dọa, người thân, gia đình ta khi nói: "Con cái các người sẽ không tìm được việc làm."

Tuy nhiên, đồng thời chính quyền lại bàn về cách thức làm cho nền văn hóa dân tộc mạnh và sáng tạo. Dĩ nhiên, nếu con người không bao giờ có quyền chọn lựa thông tin cho mình, không bao giờ được tự do tán đồng bất kỳ tư tưởng chính trị nào, và không được tự do phát triễn tính cách cá nhân bằng niềm đam mê và trí tưởng tượng riêng- thì làm sao họ có thể trở nên sáng tạo? Điều này không phù hợp với bản chất con người. Nếu ta chống lại mọi giá trị cơ bản của chủ nghĩa cá nhân và tư duy độc lập, và sự sẵn sàng chấp nhận rủi ro và gánh chịu hậu quả, và có ý thức trách nhiệm- sự sáng tạo gì ta mong đợi ở đây?

Thực tế sẽ khiến quốc gia này tụt hậu xa trong cuộc cạnh tranh toàn cầu vào những thập niên tới. Ta không thể tạo ra những thế hệ chỉ biết lao động ở Foxconn. Mọi người đều muốn có iPhone, nhưng không thể nào chế tạo iPhone ở Trung Quốc vì nó không phải là một sản phẩm; nó là sự am hiểu về bản chất con người.

Nhưng nếu không có kiểm duyệt, tôi nghĩ cuộc đời sẽ mất đi nhiều thú vị.  Cuộc đời thêm thú vị hơn khi ta cố gắng tìm mọi cách để vượt qua bao khó khăn. Tôi thường thấy lũ mèo của tôi đặt đồ chơi của chúng ở nơi đầy những vật cản, nhờ thế cuộc chơi của chúng trở nên thú vị và hấp dẫn.

Kiểm duyệt tuyên bố:" Ta là người nói câu cuối cùng. Ngươi nói gì thì mặc ngươi, kết luận là của ta." Nhưng internet giống như cây đang lớn. Mọi người sẽ luôn luôn có tiếng nói sau cùng- dù tiếng nói của họ rất yếu, rất nhỏ. Quyền lực kiểm duyệt sẽ sụp đổ vì một lời nói thầm.

Khi tôi còn trẻ tính tình tôi ương ngạnh. Khi tóc tôi mọc dài, và ngay lúc tôi định cắt tóc thì cha mẹ tôi bảo "Cắt tóc đi con; tóc dài quá rồi." Nghe trách thế tôi nghĩ tôi sẽ càng để tóc dài thêm, cuối cùng tóc mọc quá dài. Toàn bộ thế hệ trẻ hiện nay đều giống như thế- khác với các giá trị của cha mẹ họ, những người chỉ muốn tồn tại để kiếm tiền.

Trung Quốc tưởng chừng như có thể thành công trong nỗ lực kiểm soát ngôn luận, nhưng thật ra chỉ tăng mực nước lên. Giống như việc xây đập: cứ tưởng có nhiều nước hơn nên xây đập càng cao. Nhưng mỗi giọt nước trong đập vẫn còn đó. Họ không biết cách xả áp lực. Nên áp lực cứ tăng dần lên theo cách họ duy trì sự kiểm soát rồi họ cuối cùng đùn đẩy vấn đề cho thế hệ kế tiếp.

Thời điểm chế độ sụp đổ vẫn chưa đến. Cho nên nhiều nước khác vẫn còn khâm phục kỹ thuật cùng phương pháp kiểm soát của họ. Nhưng về lâu dài, những nhà lãnh đạo của chế độ phải hiểu họ không thể nào kiểm soát internet chỉ trừ phi họ dẹp hẳn nó- nhưng họ không thể sống với hậu quả của quyết định như thế. Internet nằm ngoài mọi sự kiểm soát. Cho nên nếu internet không thể nào kiểm soát được thì tự do nhất định thắng. Đơn giản là như thế.

Nguồn: The Guardian 16/4/2012. Tựa đề của người dịch

http://www.guardian.co.uk/commentisfree/libertycentral/2012/apr/16/china-censorship-internet-freedom