21.5.12

Ronald Reagan - "Chào Người Tự do"

Trần Quốc Việt dịch

Lời người dịch: Hình ảnh những thuyền nhân vượt biển tìm tự do và tương lai ở những bến bờ xa lạ gây chấn động lương tâm toàn thế giới. Hình ảnh chiếc tàu nhỏ như chiếc lá trơ vơ chở đầy người trên biển cả đầy bao hiểm nguy đã tác động sâu sắc đến vị tổng thống Hoa Kỳ. Tất cả bắt đầu từ một lá thư của một thủy thủ gởi cha mẹ.

Năm nay trong các lá thư Giáng Sinh tôi thích có một lá thư đến sớm. Lá thư từa tựa như là một câu chuyện Giáng Sinh Mỹ đương thời nhưng câu chuyện diễn ra không phải trong lòng quốc gia chúng ta, mà trên biển Đông đầy bất an vào tháng Mười qua. Đối với tôi, lá thư này kết tinh đa phần những gì tốt đẹp nhất về tinh thần Giáng Sinh, về tính cách Mỹ, và về những giá trị mà đất nước yêu dấu của chúng ta tượng trưng-không chỉ cho bản thân chúng ta mà còn cho hàng triệu người kém may mắn trên toàn cầu...

Lá thư ấy thủy thủ John Mooney đã viết cho cha mẹ trên hàng không mẫu hạm Midway vào ngày 15 tháng Mười. Nhưng lá thư ấy chính là câu chuyện Giáng Sinh ý nghĩa nhất.

"Ba má thương," anh viết," hôm nay chúng con phát hiện một chiếc thuyền trên biển, chúng con liền đến giúp đỡ. Chúng con cứu 65 người tỵ nạn Việt Nam. Phải mất gần hai giờ mới đưa được tất cả mọi người lên tàu, và rồi họ được tình báo thanh lọc, được các y bác sỹ khám sức khỏe. Sau đó họ được ăn uống và được cung cấp áo quần cùng tất cả các vật dụng khác.

Nhưng hiện giờ họ nghỉ ngơi trên khoang chứa máy bay, và trẻ em- đa số họ hình như là trẻ em... đang ngồi trước ti vi mà có lẽ họ mới thấy lần đầu, xem phim "Star Wars". Lúc chúng con đến nơi thuyền họ đang chìm. Họ đã ở trên biển năm ngày, cạn hết nước uống. Nói chung, chỉ một hai ngày nữa thôi là các em này sẽ lâm vào tình cảnh rất nguy hiểm.

"Con nghĩ thỉnh thoảng," anh viết, "chúng ta cần có chuyện khiến ta sững sốt như thế này để chúng ta nhận thức tại sao chúng ta làm điều chúng ta làm và điều ấy có thể thật sự quan trọng. Ý con muốn nói là cha mẹ của các em ấy phải can đảm lắm mới chọn sự ra đi như thế, vượt biển trên con thuyền rò rỉ với hy vọng được gặp người cứu vớt. Quá nhiều rủi ro! Nhưng rõ ràng họ cảm thấy thật đáng liều lĩnh còn hơn phải sống trong quốc gia cộng sản.

"Năm nay, dù chúng ta có bao khó khăn, nào giá xăng, nào thiếu tiền mua xe mới hay những tiện nghi vật chất khác... nhưng con thật sự chẳng thấy những chiếc thuyền rò rỉ nào chạy ra ngoài khơi San Diego để tìm các tàu Nga ở ngoài đấy...

"Sau khi những người tỵ nạn được đưa lên tàu, con có chụp vài tấm hình, nhưng theo thường lệ con không có mang theo máy hình để chụp một tấm hình đích thực- tấm hình ấy đã khắc sâu trong tâm tưởng con...

"Khi họ đến gần tàu lớn, tất cả họ đều vẫy tay, và cố gắng lắm họ mới nói được," Chào thủy thủ Mỹ! Chào người Tự Do!" Con cảm thấy nghẹn ngào và đau lòng khi nhìn thấy chiếc thuyền chở đầy người như thế. Nhưng con thực sự cảm thấy tự hào và sung sướng mình là người Mỹ. Mọi người vẫy tay, hò reo, cố kìm nén bao xúc động trong lòng, và cố gắng không để cho những người can đảm khác thấy mắt mình ướt. Người đại úy bên con buột miệng nói:" Tôi nghĩ một ngày phát lương thật ý nghĩa."(Hôm nay chúng con nhận lương). Con nghĩ chắc không có ai có thể nói hay hơn thế.

Điều này nhắc nhở tất cả chúng ta về biểu tượng của nước Mỹ từ xưa đến nay- nơi mọi người đến để tìm tự do. Con biết chúng ta cũng đã đông đúc lắm rồi, thêm nữa chúng ta còn nhiều người thất nghiệp, và chúng ta lại còn cưu mang thực sự những người tỵ nạn, nhưng con thực lòng hy vọng và cầu nguyện chúng ta có thể vẫn luôn luôn có chỗ cho mọi người. Chúng ta có một xã hội độc đáo, bao gồm những người bị ruồng bỏ từ tất cả các cuộc chiến tranh và từ các chế độ áp bức trên thế giới, nhưng chúng ta mạnh và tự do. Chúng ta có chung một điều- dù tổ tiên chúng ta từ đâu đến đây chăng nữa, chúng ta vẫn luôn luôn tin tưởng vào nền tự do ấy.

"Con hy vọng chúng ta luôn luôn có chỗ cho một người nữa, người ấy có thể là người Afghanistan hay người Ba Lan hay ai đó đang tìm một nơi chốn... mà họ không phải lo lắng gia đình mình phải đói hay sợ tiếng gõ cửa giữa đêm khuya..." và nơi mà "tất cả những ai thật sự tìm kiếm tự do, danh dự và nhân phẩm cho mình và con cháu có thể tìm được nơi chốn mà họ có thể... cuối cùng thấy những giấc mơ của mình thành hiện thực và con cái được học thành tài để rồi trở thành thế hệ kế tiếp những bác sĩ, luật sư, thầu khoán, lính và thủy thủ.

Con thương ba má, John."

Tôi nghĩ lá thư này gần như nói lên tất cả. Dù thế nào chăng nữa, phi thường thay, chúng ta những người Mỹ vẫn còn được phú cho không những của cải phong phú của đất nước chúng ta mà còn cả tinh thần nhân ái hào phóng -nhờ tinh thần Giáng Sinh gần như hiện diện quanh năm suốt tháng ấy nên quốc gia chúng ta hôm nay vẫn là ngọn hải đăng hy vọng trong thế giới đầy bất an và cũng nhờ tinh thần hào phóng nhân ái ấy nên mùa Giáng Sinh này và tất cả các mùa Giáng Sinh lại càng trở nên đặc biệt hơn cho tất cả những ai trong chúng ta coi đặc ân sinh ra là người Mỹ là món quà được ban cho mình .

(Trích từ bài diễn văn chúc mừng Giáng Sinh Tổng thống Ronald Reagan đọc trên radio ngày 25 tháng Mười Hai, 1982)

Tôi thường nghĩ rằng Chúa đã an bài đất nước này của chúng ta tại nơi đây để cho một loại người đặc biệt - những người yêu tự do và can đảm đến mức sẵn sàng hy sinh để đạt được tự do cho dù phải rời bỏ quê hương; những người dám sống theo châm ngôn," Nơi nào tự do, nơi ấy là tổ quốc của tôi!"-sẽ tìm thấy.

Hàng triệu anh hùng thầm lặng trên khắp thế giới đã tìm cuộc sống mới và tốt đẹp hơn ở đất nước tự do và cơ hội này. Nhiều người trong họ, trong đó có ông bà cố của tôi Michael và Catherine, đã đến đây trước khi có Tượng Nữ Thần Tự Do. Ngọn hải đăng của họ và phần thưởng của họ chính là tự do.

Mong thay, Tượng Nữ Thần Tự Do sẽ luôn luôn gọi mời những ai yêu chuộng tự do ở đây và trên khắp thế giới. Tôi nghĩ về những người giống như sáu mươi lăm người tỵ nạn Việt Nam trôi nổi trên biển Đông vào tháng Mười năm 1982. Họ đã chào những người cứu họ trên hàng không mẫu hạm Midway," Chào thủy thủ Mỹ! Chào người Tự Do!" Khi chúng ta chuẩn bị chào mừng lễ kỷ niệm một trăm năm của Tượng Nữ Thần Tự Do, tất cả những ai trong chúng ta yêu nàng hãy kêu thật to và rõ ràng," Chào Nữ Thần Tự Do! Nơi nào tự do, nơi ấy là tổ quốc của tôi!"

(Trích từ lời tựa Tổng thống Ronald Reagan viết cho cuốn sách về tượng Nữ thần Tự do)

Như các bạn biết, từ văn phòng này xuôi theo hành lang và bên trên cầu thang là một phần của tòa Bạch Ốc nơi tổng thống cùng gia đình sống. Trên ấy tôi có một vài cửa sổ tôi thích hơn cả nơi tôi thích đứng nhìn ra bên ngoài vào sáng sớm. Từ khuôn viên ở đây ta có thể nhìn đến Tượng đài Washington, và rồi đến Mall và Đài Tưởng niệm Jefferson. Nhưng vào các buổi sáng khi trời ít ẩm ướt, ta có thể nhìn quá Đài Tưởng niệm Jefferson đến sông Potomac, và bờ biển Virginia. Có người nói Lincoln đã nhìn thấy cảnh như thế khi ông thấy khói bốc lên từ Trận chiến Bull Run. Tôi thấy nhiều cảnh đời thường hơn: cỏ bên bờ sông, xe cộ trên đường vào sáng sớm khi mọi người đi làm, thỉnh thoảng một chiếc thuyền buồm trên sông.

Đôi khi tôi trầm tư bên cửa sổ ấy. Tôi nghĩ về ý nghĩa quá khứ và hiện tại của tám năm qua. Và hình ảnh như điệp khúc hiện ra trong đầu là hình ảnh biển cả- câu chuyện nhỏ về con tàu lớn, người tỵ nạn, và người thủy thủ. Ngược lại những năm đầu tiên thập niên 80, vào lúc cao điểm thuyền nhân. Thủy thủ ấy làm việc cần cù trên hàng không mẫu hạm Midway đang trên đường tuần tra biển Đông. Như đa số những người lính, thủy thủ ấy còn trẻ, thông minh, và rất sâu sắc. Họ phát hiện trên đường chân trời một chiếc thuyền nhỏ rò rỉ. Chen chúc trong thuyền là những người tỵ nan Đông dương hy vọng đến được Mỹ. Tàu Midway liền đưa một chiếc xuồng nhỏ đến để đưa họ lên tàu an toàn. Khi những người tỵ nạn tiến đến tàu trên biển cả bập bềnh, một người nhìn thấy người thủy thủ ấy trên bong tàu liền đứng lên chào anh. Ngưòi tỵ nạn ấy kêu to:" Chào thủy thủ Mỹ! Chào người Tự Do!"

Khoảnh khắc nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, khoảnh khắc ấy, được người thủy thủ ghi lại trong lá thư, mãi mãi không phai mờ trong lòng anh. Và khi tôi đọc thư, tôi cũng không bao giờ quên. Vì đó là hình ảnh người Mỹ trong thập niên 1980. Chúng ta, lần nữa, ủng hộ tự do. Tôi biết chúng ta luôn luôn ủng hộ tự do, nhưng trong vài năm qua, thế giới, và về khía cạnh nào đấy, chính chúng ta đã khám phá lại tự do cao quý ấy.

(Trích từ bài diễn văn chia tay của Tổng thống Ronald Reagan được truyền trực tiếp trên truyền hình và radio trên toàn quốc vào ngày 11, tháng Giêng, 1989)

Nguồn:
(1) http://www.presidency.ucsb.edu/ws/index.php?=42147
(2) Freedom's Holy Light của tác giả Richard H. Schneider, trang 11, nhà xuất bản Thomas Nelson, 1985
(3) http://www.presidency.ucsb.edu/ws/index.php?=29650

13.5.12

Gabriela Mistral - Lời mẹ dặn

Trần Quốc Việt dịch

Mai này, khi mẹ là đống bụi nhỏ lặng lẽ, các con hãy chơi với mẹ, với đất từ tim và xương cốt của mẹ!

Nếu bác thợ nề nhặt mẹ lên, bác sẽ biến mẹ thành gạch, và mẹ sẽ mãi mãi dính chặc trong tường; nhưng mẹ ghét những hốc nhỏ tĩnh mịch. Nếu họ biến mẹ thành gạch trong nhà tù, mẹ sẽ đỏ mặt vì xấu hổ khi mẹ nghe người tù khóc; và nếu mẹ là viên gạch ở trường, mẹ sẽ vẫn đau khổ vì mẹ không thể cùng hát với các con vào mỗi sớm mai.

Mẹ chỉ thích là bụi cho các con chơi trên đường quê. Hãy ôm lấy mẹ, vì mẹ là mẹ của các con; hãy dày vò mẹ vì mẹ đã sinh ra các con, hãy đạp lên mẹ, vì mẹ đã không cho các con trọn vẹn sắc đẹp và trọn vẹn sự thật! Hay các con chỉ hát và chạy trên mẹ, để mẹ có thể hôn lại những bàn chân yêu dấu ngày xưa.

Khi các con đặt mẹ trên lòng bàn tay, hãy ngâm những lời thơ đẹp, và mẹ sẽ chảy rì rào hân hoan giữa các ngón tay của các con. Mẹ sẽ bay lên để nhìn các con, để tìm lại những ánh mắt, mái tóc của những người mẹ đã dạy dỗ.

Và khi các con vẽ đùa hình ảnh trên mẹ, mỗi lần vẽ xong các con hãy xóa tan đi, và khi xóa tan mẹ, hãy xóa thật trìu mến và bi thương!


Gabriela Mistral (1889–1957) là nữ thi sĩ Chile đoạt giải Nobel văn chương năm 1945.

Nguồn: The Nobel Prize Treasury, biên tập bởi Marshall McClintock, nhà xuất bản Doubleday &Company, Inc. 1948, trang 38-39.

Nguyên tác tiếng Tây Ban Nha, bản dịch tiếng Anh của Alice Stone Blackwell. Tựa đề bản tiếng Anh là "To The Children" .

11.5.12

Ngãi Vị Vị- Tự do Nhất định Thắng

Trần Quốc Việt dịch

Mao Chủ tịch thường nói:" Những người cộng sản chúng ta nắm được chính quyền nhờ sức mạnh của súng và duy trì chính quyền nhờ sức mạnh của ngòi bút." Từ đấy ta có thể thấy tuyên truyền và kiểm soát tư tưởng chính trị là nhiệm vụ quan trọng nhất của xã hội chuyên chế. Trước khi internet ra đời, mọi người đều chỉ biết xem truyền hình hay đọc báo Nhân dân. Họ thường đọc giữa các dòng chữ để cố suy đoán chính xác sự tình. Còn bây giờ thì khác. Báo chí vẫn cố gắng đề cập đến thời sự, nhưng ngay cả trước khi tin tức xuất hiện trên mặt báo, mọi người đã bàn tán về nó trên mạng.

Tôi vẫn nghĩ cuộc cách mạng của Gorbachev tại Nga- glasnot- quan trọng hơn.  Cởi mở và minh bạch là cách duy nhất để hạn chế những thế lực đen tối này. Công dân Trung Quốc từ trước đến nay không bao giờ có quyền thể hiện trung thực quan điểm của mình; trong hiến pháp khẳng định ta có thể, nhưng trong đời thực lại nguy hiểm hơn nhiều. Ở Phương Tây người ta coi đấy là quyền họ tự nhiên được hưởng khi chào đời. Còn ở đây quyền ấy do chính phủ ban phát, nhưng lại là quyền người dân thực sự không được dùng đến.

Mặc dù chúng tôi đã thực hiện cải cách và mở cửa, nhưng "mở cửa" không có nghĩa là "cởi mở"; mở cửa nghĩa là mở cửa ra với Phương Tây. Biện pháp này xuất phát từ thực tế hơn là từ tư tưởng chính trị. Ngay từ đầu, không ai- ngay cả tại Phương Tây- có thể tiên đoán được internet sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tự do ngôn luận và các mạng xã hội sẽ phát triễn như hiện nay. Họ chỉ hiểu internet là phương tiện giao tiếp hiệu quả hơn, nhanh chóng hơn và tốt hơn rất nhiều.

Nhưng kể từ khi chúng tôi có mạng và có thể viết blog- và bây giờ microblog- người ta bắt đầu chia xẻ ý tưởng, và ý thức mới về tự do nảy sinh. Tất nhiên, tự do mới này thật đa dạng từ những bài viết ngu ngơ như buổi sáng ta ăn gì đến những cuộc bàn luận tin tức nghiêm túc, nhưng dù viết gì chăng nữa, người ta vẫn đang học cách thực thi quyền của mình. Đây là thời điểm độc đáo, rất quý giá. Người ta bắt đầu cảm nhận làn gió mới. Internet là miền đất hoang dã, nơi có luật chơi, ngôn ngữ, phong cách riêng biệt, qua đó chúng tôi bắt đầu chia sẽ tâm tư chung.

Nhưng chính quyền không thể nào từ bỏ sự kiểm soát. Chính quyền ngăn chặn các diễn đàn internet chính như Twitter và Facebook vì sợ tự do thảo luận. Cho nên chính quyền xóa thông tin. Máy tính của chính quyền chỉ có một nút: xóa.

Nhưng tự thân kiểm duyệt không có kết quả. Như Mao nói phải cần có cả ngòi bút và súng. Thế là nửa đêm họ có thể xông vào phòng ta bắt ta đi. Họ có thể trùm đầu ta kín mít, giải ta đi đến nơi bí mật để tra hỏi, hòng mong chặn đứng điều ta đang làm. Họ còn đe dọa, người thân, gia đình ta khi nói: "Con cái các người sẽ không tìm được việc làm."

Tuy nhiên, đồng thời chính quyền lại bàn về cách thức làm cho nền văn hóa dân tộc mạnh và sáng tạo. Dĩ nhiên, nếu con người không bao giờ có quyền chọn lựa thông tin cho mình, không bao giờ được tự do tán đồng bất kỳ tư tưởng chính trị nào, và không được tự do phát triễn tính cách cá nhân bằng niềm đam mê và trí tưởng tượng riêng- thì làm sao họ có thể trở nên sáng tạo? Điều này không phù hợp với bản chất con người. Nếu ta chống lại mọi giá trị cơ bản của chủ nghĩa cá nhân và tư duy độc lập, và sự sẵn sàng chấp nhận rủi ro và gánh chịu hậu quả, và có ý thức trách nhiệm- sự sáng tạo gì ta mong đợi ở đây?

Thực tế sẽ khiến quốc gia này tụt hậu xa trong cuộc cạnh tranh toàn cầu vào những thập niên tới. Ta không thể tạo ra những thế hệ chỉ biết lao động ở Foxconn. Mọi người đều muốn có iPhone, nhưng không thể nào chế tạo iPhone ở Trung Quốc vì nó không phải là một sản phẩm; nó là sự am hiểu về bản chất con người.

Nhưng nếu không có kiểm duyệt, tôi nghĩ cuộc đời sẽ mất đi nhiều thú vị.  Cuộc đời thêm thú vị hơn khi ta cố gắng tìm mọi cách để vượt qua bao khó khăn. Tôi thường thấy lũ mèo của tôi đặt đồ chơi của chúng ở nơi đầy những vật cản, nhờ thế cuộc chơi của chúng trở nên thú vị và hấp dẫn.

Kiểm duyệt tuyên bố:" Ta là người nói câu cuối cùng. Ngươi nói gì thì mặc ngươi, kết luận là của ta." Nhưng internet giống như cây đang lớn. Mọi người sẽ luôn luôn có tiếng nói sau cùng- dù tiếng nói của họ rất yếu, rất nhỏ. Quyền lực kiểm duyệt sẽ sụp đổ vì một lời nói thầm.

Khi tôi còn trẻ tính tình tôi ương ngạnh. Khi tóc tôi mọc dài, và ngay lúc tôi định cắt tóc thì cha mẹ tôi bảo "Cắt tóc đi con; tóc dài quá rồi." Nghe trách thế tôi nghĩ tôi sẽ càng để tóc dài thêm, cuối cùng tóc mọc quá dài. Toàn bộ thế hệ trẻ hiện nay đều giống như thế- khác với các giá trị của cha mẹ họ, những người chỉ muốn tồn tại để kiếm tiền.

Trung Quốc tưởng chừng như có thể thành công trong nỗ lực kiểm soát ngôn luận, nhưng thật ra chỉ tăng mực nước lên. Giống như việc xây đập: cứ tưởng có nhiều nước hơn nên xây đập càng cao. Nhưng mỗi giọt nước trong đập vẫn còn đó. Họ không biết cách xả áp lực. Nên áp lực cứ tăng dần lên theo cách họ duy trì sự kiểm soát rồi họ cuối cùng đùn đẩy vấn đề cho thế hệ kế tiếp.

Thời điểm chế độ sụp đổ vẫn chưa đến. Cho nên nhiều nước khác vẫn còn khâm phục kỹ thuật cùng phương pháp kiểm soát của họ. Nhưng về lâu dài, những nhà lãnh đạo của chế độ phải hiểu họ không thể nào kiểm soát internet chỉ trừ phi họ dẹp hẳn nó- nhưng họ không thể sống với hậu quả của quyết định như thế. Internet nằm ngoài mọi sự kiểm soát. Cho nên nếu internet không thể nào kiểm soát được thì tự do nhất định thắng. Đơn giản là như thế.

Nguồn: The Guardian 16/4/2012. Tựa đề của người dịch

http://www.guardian.co.uk/commentisfree/libertycentral/2012/apr/16/china-censorship-internet-freedom

Trần Quốc Việt-Tâm hồn Nô lệ

Tâm hồn tự do coi trọng tự do hơn sinh mạng của mình.
Ngược lại, tâm hồn nô lệ coi trọng sinh mạng của mình hơn tự do.

Tâm hồn nô lệ Việt Nam có những triệu chứng như sau:

1. Tâm hồn luôn luôn tìm ra mọi cớ để lỡ những chuyến tàu lịch sử qua câu nói thường nghe: "Cái nước Việt Nam mình nó như thế..." Vì nó "như thế" trong hiện tại nó sẽ "như thế" trong tương lai. Não trạng nô lệ ấy sẽ truyền lại qua nhiều thế hệ.

2. Tâm hồn "con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo" mà nhà văn Dương Thu Huơng từng phê phán nhiều lần. Từ đấy họ mới sinh ra ảo vọng Đảng sẽ thay đổi, và đưa đến hiện tượng đối lập trung thành. Tâm hồn tôi tớ cúc cung ấy không bao giờ nhìn đến tận cùng nguyên nhân của tất cả nguyên nhân chính là thể chế.

3. Tâm hồn sinh ra từ trong gông kiềm và trấn áp nên sự sợ hãi là phương cách sống. Người nào biết sợ người ấy sống lâu. Vì sợ hãi nên đa số chưa bao giờ sống trọn vẹn một ngày trong đời. Sợ hãi làm họ mờ lương tri, thờ ơ trước mọi sự và trước số phận của người khác. Cái bóng sợ hãi theo suốt sự tồn tại của những nô lệ.

4. Tâm hồn không biết mơ mộng nên chiều cao nhân phẩm của mình ngày càng thu nhỏ lại. Vì không dám mơ ngày tự do nên tâm hồn ấy tìm niềm vui trong những ảo tưởng, trong những thú vui rượu chè, xác thịt, trong sự khoe khoang của cải lố bịch, trong sự cam phận buông xuôi trước nghịch cảnh. Tâm hồn không dám thay đổi, chỉ biết cúi mặt đi tiếp trên lối mòn của số phận.

5. Tâm hồn nô lệ không có lương tâm cá nhân, chỉ có sự phục tùng trước cường quyền. Cho nên những kẻ làm sai ăn ngon, ngủ yên, không băn khoăn, dằn vặt, không cảm thấy trách nhiệm và tội lỗi. Theo thời gian họ là những nô lệ mất hết tính người.

6. Tâm hồn nô lệ cũng là tâm hồn của những kẻ sau khi được tự do ở xứ người rồi nhắm mắt làm ngơ trước tình cảnh của những nô lệ khác trong nước và quay về vui chơi trên nước mắt và niềm đau của những người bạn nô lệ ngày xưa của mình.

Đặc điểm chung cho tất cả những tâm hồn nô lệ đích thực là họ mang cái nhà tù trong lòng mình và an vui trong cảnh chim lồng cá chậu ấy.


5.5.12

Trần Quốc Việt -Những người đi lấy lại mùa xuân

Man rợ là từ đúng nhất và duy nhất để tố cáo chế độ cộng sản ở Việt Nam từ xưa đến nay. Dòng sông máu tội ác nhân danh ý thức hệ vô nhân ấy luôn luôn chảy mạnh và sủi bọt không ngừng từ hậu bán thế kỷ hai mươi  sang đến thế kỷ hai mươi mốt.

Trường hợp gần đây là việc chế độ đã đối xử cực kỳ dã man và thô bạo đối với chị Bùi Thị Minh Hằng khi giải chị như con vật từ nhà tù về nhà. Những ai còn lương tri, còn tấm lòng nhân ái bình thường sẽ phải phẫn nộ hợp lý. Và trường hợp mới đây nhất là về chị Tạ Phong Tần. Hãy đọc đoạn trích sau về chị:

"Luật sư Nguyễn Thanh Lương, người đã vào trại tạm giam thăm blogger Tạ Phong Tần nói rằng chị đã tuyệt thực trong suốt 35 ngày nên hiện nay sức khỏe rất yếu, gầy ốm và bị tụt huyết áp. Chị nhờ luật sư nhắn đến các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế xin cho chị được lãnh Bí tích Xức dầu bệnh nhân, vì sức khỏe của chị hiện nay rất kém. Chị cũng mong được các cha hiện diện trong phiên tòa bất công xét xử chị vào ngày 15/5 sắp tới, vì người thân của chị ở rất xa và chị xem các cha là người thân ruột thịt của mình. Các cha đã sinh ra chị làm con của Chúa nên với tư cách một người Công giáo, người thân của chị giờ đây là các linh mục DCCT."

Không có lời bình ở đây, chỉ có đau xót và căm hận dâng trào! Họ cũng như biết bao nhiêu người khác không có tội gì ngoài trừ tội tự do ngôn luận. Họ chỉ khác người khác là họ có niềm tin về lẽ phải, lòng can đảm và sự dấn thân.

Chị Hằng đã nghĩ đến lúc nào đó sẽ tự thiêu vì dân oan, chị Tần đã nghĩ đến cái chết cận kề. Cái giá quá đắt họ trả cho nhân phẩm của mình và của đồng bào.  Song điều đáng buồn là xã hội hiện nay đa số mọi người đều tự kiểm duyệt, an phận, và tự xóa đi ký ức, tự tẩy nốt đi mong ước tự do và nhân phẩm trong lòng để sống hết kiếp nô lệ trong nhà tù lớn mang tên Việt Nam

Câu chuyện của chị Bùi Thị Minh Hằng, chị Tạ Phong Tần, chị Đỗ Thị Minh Hạnh và chị Lê Thị Công Nhân và của rất nhiều người khác cả nam lẫn nữ gợi tôi nhớ đến câu chuyện huyền thoại Hy Lạp về một nữ thần vì quá thương yêu nhân loại nên đã xuống địa ngục lấy lại mùa Xuân đã bị đánh cắp và vì thế vị thần ấy bị nhốt trong mùa đông vô tận của địa ngục.

Nhưng một mình họ và nhóm người đồng chí hướng không thể lấy lại Mùa Xuân cho cá nhân và cho dân tộc từ bàn tay đẫm máu và gian manh của chế độ độc tài ngày càng phi nhân và tham lam. Họ chỉ là những đốm lửa nhỏ trong bóng tối dày dặc. Họ cần rất nhiều những đốm lửa cùng sáng lên với họ để mau mang lại bình minh của mùa xuân tự do và dân chủ mà đa số các nước trên thế giới đang hưởng tự nhiên như khí trời.Khi nào còn đau khổ người ta còn tìm đến mái chùa hay giáo đường. Khi nào còn bất công và nhân phẩm còn bị chà đạp người ta còn nói. Nhưng kết quả cuối cùng chỉ là những bi kịch riêng cho những người dấn thân và gia đình họ nếu mọi người khác không nhập cuộc. Là nhân dân chúng ta hãy nhớ lại lời nhắc nhở của Mahatma Gandhi: " Ngay cả những kẻ cai trị  hùng mạnh nhất cũng không thể nào cai trị nếu không có sự hợp tác của những người bị trị."