17.3.10

TRƯƠNG HOÀNH – TÔI LÀ NGƯỜI GÓP Ý ÔN HOÀ

Trần Quốc Việt dịch


Trương Hoành, đồng tác giả bài xã luận chung đề cập tới chế độ đăng ký hộ tịch được 13 tờ báo Trung Quốc cùng đăng đồng loạt vào tuần vừa qua, đã công bố một bức thư nhằm giải thích hoàn cảnh và suy tư của ông đằng sau việc đăng bài này mà khiến ông bị cách chức phó tổng biên tập tờ báo mạng Quan sát gia Kinh tế. Tờ Wall Street Journal đã dịch toàn văn bức thư ấy dưới đây.


Sau khi 13 tờ báo cùng đăng xã luận “Yêu cầu các đại biểu ở hai kỳ họp đẩy nhanh cải cách chế độ đăng ký hộ tịch,” những hậu quả nghiêm trọng xảy ra liền sau đó, và có rất nhiều điều phỏng đoán về câu chuyện thực đằng sau sự xuất hiện xã luận này. Là người trong cuộc, tôi thiết nghĩ cần thảo luận hoàn cảnh của sự kiện này qua một phương tiện truyền thông thích hợp, có thể tường thuật lại nội dung sự việc. Có người bình luận rằng sự kiện này nên đi vào lịch sử báo chí; bản thân tôi không nghĩ sự kiện này có ý nghĩa đến thế, nhưng vì ý thức bổn phận của mình đối với bạn đọc nên tôi muốn viết đôi lời giải thích.

Kế hoạch ban đầu được ấp ủ vào dạo năm ngoái khi tờ Quan sát gia Kinh tế hợp tác với tờ Guardian để đi một bài xã luận chung đề cập đến vấn đề thay đổi khí hậu, bài này đã được 56 tờ báo đăng. Vào thời điểm ấy, tôi chịu trách nhiệm liên lạc với tờ Guardian, thảo luận và dịch xã luận chung đó, nhờ thế tôi có được một sự hiểu biết khá sâu sắc về toàn bộ quá trình làm việc chung giữa các báo với nhau. Sau này chúng tôi nảy ra ý tưởng là liệu có thể đăng môt bài xã luận chung tương tự dành cho các báo trong nước.

Một đồng nghiệp khác gợi ý nên dùng vấn đề đăng ký hộ tịch làm tiêu điểm chung. Khi chọn vấn đề này làm chủ đề, điều quan trọng ta cần hiểu là cải cách hộ khẩu vốn đã đạt được những đột phá trên nhiều mặt, nhiều thành phố đang đẩy nhanh quá trình cải cách hộ khẩu, và thủ tướng Ôn Gia Bảo cùng các viên chức chính phủ trung ương cấp cao khác trong những lần xuất hiện công khai cũng đã bày tỏ quan điểm của họ về nghị trình cải cách này. Chúng tôi tin rằng việc đăng một xã luận về chủ đề hộ tịch sẽ hợp với đường lối cải cách của chính phủ Trung Quốc và cũng hợp với sự quan tâm rộng rãi trong nhân dân, và rằng rủi ro sẽ không cao lắm. Một số hãng thông tấn nước ngoài cho rằng lệnh đăng bài này có thể xuất phát từ các cấp cao trong chính quyền, nhưng thật ra hoàn toàn không phải như thế. Xã luận là công trình chung của một nhóm biên tập làm việc riêng với nhau, nhưng những sự xôn xao mà nó tạo ra vượt quá mong đợi ban đầu của chúng tôi.

Ngoài ra, chúng tôi quyết định chọn thời điểm đăng xã luận chung trùng với thời gian hai kỳ họp (của Quốc hội và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân đang diễn ra ở Bắc Kinh) để bày tỏ niềm mong muốn được tham gia của giới truyền thông vào quá trình cải cách chung của Trung Quốc. Nói thẳng ra, tôi đã sống 36 năm, nhưng chưa bao giờ biết đại biểu nào do tôi chọn, người có thể thay tôi đòi hỏi sự công bằng. Tôi nghĩ nhiều người chắc cũng có quan điểm như thế. Về vai trò của truyền thông, chúng tôi hy vọng rằng tiếng nói của quần chúng có thể được các đại biểu, người “đại diện công luận”, lắng nghe. Đây là một lập trường ôn hòa, nhưng điều như thế này lại hiếm khi được bày tỏ trực tiếp trong giới truyền thông trước đây.

Toàn bộ kế hoạch cho chuyên đề cải cách đăng ký hộ tịch gồm có bốn bước, trong đó trọng tâm chính là bài xã luận chung.

Bước đầu tiên: Vào ngày 26 tháng Giêng, tờ báo mạng Quan sát gia Kinh tế đăng một cuộc thăm dò ý kiến về cải cách đăng ký hộ tịch, kèm lời kêu gọi bạn đọc gởi bài về và một trang chuyên đề đặc biệt, và chúng tôi cũng đồng thời mời hai trang mạng khác tham gia. Đoạn văn mở đầu bài xã luận chung, “Trung Quốc đã nếm trải quá lâu bao cay đắng của chế độ đăng ký hộ tịch! Chúng tôi cho rằng mọi cá nhân khi sinh ra đời đều được tự do, khi sinh ra đời đều được có quyền tự do đi lại!” xuất hiện lần đầu tiên ở trong lời kêu gọi bạn đọc tham gia cuộc thăm dò của chúng tôi. Cuộc thăm dò trên mạng này đã được hưởng ứng nồng nhiệt, với hơn 3,500 người tham gia, đây quả là phi thường cho một trang mạng tầm cỡ tờ Quan sát gia Kinh tế.

Bước thứ hai: Vào ngày 22 tháng Hai chúng tôi cổ động cho một phụ trương trên báo có tựa đề Hộ khẩu Uất hận. Phụ trương này chủ yếu nhấn mạnh đến những trở ngại ngưòi dân gặp phải do chế độ đăng ký hộ tịch hiện nay và chúng tôi mời các chuyên gia tham gia thảo luận. Phụ trương này đã tạo tiếng vang rất lớn.

Bước thứ ba là quan trọng nhất: sắp xếp sao cho bài xã luận chung ra vào ngày 1 tháng Ba, cho trùng với thời điểm hai kỳ họp. Do Tết âm lịch nên việc chúng tôi mời các báo khác tham gia cùng hơi bị ảnh hưởng. Ban đầu chúng tôi dự kiến có hơn 20 tờ báo có thể tham gia. Bản thảo đầu tiên của xã luận này do một đồng nghiệp viết, và tôi nhận bản thảo để hoàn chỉnh lại vào ngày 7 tháng Hai. Tôi thực hiện những chỉnh sửa quan trọng và bài sau cùng xuất hiện trên báo phần lớn giống bản thảo này. Vào ngày 9 tháng Hai, sau khi tôi gởi bản thảo đã được hoàn chỉnh cho đồng nghiệp, anh gợi ý nên hoàn chỉnh thêm vài chỗ cho hợp với các điều khoản của hiến pháp (Trung Quốc), rồi chúng tôi có những thay đổi nhỏ về cách dùng từ dựa trên những phản hồi từ các báo khác. Tôi hiểu bài báo khá khích động, nhưng đấy chính là văn phong mà tôi luôn luôn thích dùng, tức là bình luận nên sắc bén. Vì chúng tôi đã quyết định đăng xã luận chung vào ngày 1 tháng Ba, nên sau khi các báo giấy được in xong, các báo mạng chính mới đăng bài xã luận chung vào sáng ngày 1 tháng Ba, và tờ Quan sát gia Kinh tế cũng cổ động xã luận là bài quan trọng nhất trong ngày hôm đó. Bài xã luận xuất hiện đồng loạt, và như thế chúng tôi đã phóng hoả đốt đồng.

Bước thứ tư là phần kết luận. Theo kế hoạch của mình, chúng tôi sẽ viết ít nhất hai bài báo sau khi đăng xã luận chung. Một bài là câu chuyện tin tức về xã luận chung, và bài kia giải thích về toàn bộ quá trình viết bản thảo đằng sau xã luận. Riêng tôi đã viết một bài bình luận khác vào buổi chiều hôm ấy có tựa đề “Báo chí không chỉ là nhân chứng: Tại sao chúng tôi đăng bài xã luận chung”; bài này đã đưọc đăng trên mạng. Đồng thời, chúng tôi cũng đã đăng một bài báo khác, “Bài Xã luận chung của 13 tờ báo về cải cách đăng ký hộ tịch khích lệ thảo luận sôi nổi”. Tuy nhiên, riêng bài báo theo như dự trù đề cập về quá trình viết bản thảo cho bài xã luận đã không đăng được do có một số vấn đề, điều này là tiếc nuối duy nhất trong toàn bộ kế hoạch của chúng tôi.

Sau khi bài xã luận chung được công bố, có thể nói, các phản ứng về bài này đã vượt xa những gì chúng tôi thoạt đầu tiên đoán. Chúng tôi tin chắc sẽ có một số phản hồi, nhưng không nghĩ sẽ tuyệt vời như vậy. Điều này khiến ta liên tưởng đến lời người xưa nói, “Khi đời vắng anh hùng, người thường có thể tạo danh.” Tôi không dám lấy công của người khác, nhưng tôi cũng không muốn đổ lỗi cho ai, vì thế tôi xoá hết tất cả tên của các báo và của các cá nhân tham gia vào bài xã luận này, chỉ để tên của chính mình vì tôi không có gì để mất. Thật ra, tất cả các bạn đọc đều hiểu rằng lý do bài xã luận chung này hấp dẫn sự quan tâm rộng rãi đến như thế không phải do báo chí quá mạnh, mà do báo chí thể hiện sự bồn chồn háo hức trong kỳ vọng của nhân dân.

Sau vụ này, tôi bị trừng phạt đích đáng; những đồng nghiệp và các bạn báo chí khác cũng cảm thấy bị liên lụy. Mỗi khi nghĩ đến chuyện này, tôi cảm thấy mình có tội. Chúng ta không thể trách các báo về chuyện này, vì các báo đang đương đầu với những thế lực mà họ không thể nào chống lại được, và khi chúng ta hành động, chúng ta phải luôn nghĩ đến chuyện có nhiều người chúng ta cần phải bảo vệ sinh kế cho họ. Ở đây tôi muốn cảm ơn những người đã làm việc hăng say cùng với tôi.

Thế hệ cha tôi đã chịu đựng quá nhiều gian khổ vì chế độ đăng ký hộ tịch; nhiều người bạn của tôi và ngay cả thế hệ kế tiếp vẫn còn chịu rất nhiều đau khổ vì chế độ hộ khẩu này, họ vất vả không ngừng mà chẳng biết kêu thấu tới ai bao nỗi oan trái của mình. Tôi không phải là một chuyên gia, tôi không đưa ra một kế hoạch cải cách hoàn toàn, nhưng tôi có niềm tin vững chắc rằng luật lệ nào xem thường nhân phẩm và tự do của con người thì cuối cùng nhất định sẽ bị thải ra đống rác của lịch sử. Tôi hy vọng rằng chế độ hộ khẩu này cuối cùng phải bị xoá bỏ. Khi thời khắc đó đến, tôi tin nhiều người sẽ bật khóc vì mừng rỡ và họ sẽ chạy ùa ra đường để loan tin mừng. Là người làm báo, tôi chỉ có thể làm hết sức để làm tròn bổn phận và trách nhiệm của phần mình, và mỗi người trong chúng ta cũng nên gánh vác trách nhiệm và bổn phận của bản thân.

Tôi là người góp ý ôn hoà, là người đã vô tình khuấy động nên một sự tranh cãi lớn, dù diễn biến của hoàn cảnh nằm ngoài mọi mong đợi của tôi. Cuối cùng, tôi hy vọng mọi người sẽ nhớ điều này. Bây giờ tôi là nhà bình luận độc lập. Tôi chỉ hy vọng rằng bài viết của mình có thể giúp mọi người hiểu được trọn vẹn sự kiện này. Tôi cảm ơn các phản hồi của bạn, dù là ủng hộ hay chỉ trích.

Nguồn: http://blogs.wsj.com/chinarealtime/2010/03/09/i-am-a-moderate-adviser/

Bản tiếng Việt © 2010 Trần Quốc Việt

Bản tiếng Việt © 2010 talawas