Trần Quốc Việt dịch
Bắc Kinh – Các hộp điện thư của hơn chục nhà hoạt động nhân quyền, các giáo sư đại học và các nhà báo đưa tin về Trung Quốc đã bị những kẻ đột nhập giấu mặt xâm nhập trong một cuộc tấn công dường như có phối hợp trước. Một tổ chức nhân quyền Trung Quốc cũng cho biết là tin tặc đã đánh sập trang nhà của họ trong năm ngày liền.
Theo những người bị hại, những cuộc xâm nhập này đều liên quan đến các hộp điện thư Yahoo, và dường như nhằm vào những ai viết về Trung Quốc và Đài Loan, đã khiến họ không vào được các hộp thư của mình. Trong trường hợp của người phóng viên viết bài này, các tin tặc đã thay đổi settings của điện thư để tất cả các thư từ đều bị chuyển lén đến một địa chỉ điện thư khác.
Đa số những cuộc tấn công này bắt đầu vào ngày Thứ Năm vừa qua, diễn ra trong cùng tuần lễ khi Google chuyển dịch vụ truy cập từ Trung Quốc lục địa sang một địa điểm ở Hồng Kông, khiến chính quyền Trung Quốc tức giận. Google tuyên bố biện pháp này được đưa ra vì công ty phản đối các quy định về kiểm duyệt và vì công ty tin rằng các đợt tấn công vào những người sử dụng điện thư Google đều xuất pháp từ Trung Quốc.
Những cuộc tấn công trên mạng này, bắt đầu ngay từ tháng Tư năm ngoái, đã ảnh hưởng đến hàng chục công ty Mỹ, hãng luật và nhiều cá nhân; nhiều người trong số họ là người ủng hộ nhân quyền từng chỉ trích chính quyền chuyên chế Trung Quốc.
Các nạn nhân của những cuộc đột nhập gần đây nhất bao gồm một giáo sư luật ở Mỹ, một nhà bình luận chuyên viết về bộ máy an ninh Trung Quốc và vài phóng viên cho các báo giấy thường trú tại Bắc Kinh và Đài Bắc, thủ đô của Đài Loan.
“Quả thật rất đáng ngại”, Clifford Coonan, phóng viên thường trú tại Trung Quốc cho tờ tạp chí Variety, than. Tuần qua anh không mở được hộp thư của mình sau khi Yahoo phát hiện có kẻ đã tiếp cận hộp thư của anh từ xa. “Ta không thể nào không thắc mắc tại sao bọn họ lại nhắm vào mình.”
Trao đổi qua điện thư, Dana Lengkeek, người đại diên cho Yahoo, viện dẫn điều luật của công ty, đã từ chối thảo luận về những vụ này. “Chúng tôi quyết tâm bảo vệ sự an ninh và quyền riêng tư của khách hàng nên trong trường hợp có sự vi phạm chúng tôi sẽ có hành động thích hợp.” Bà Lengkeek nói.
Kathleen McLaughlin, nhà báo tự do người Mỹ tại Bắc Kinh và là người có chân trong ban quản trị của Câu lạc bộ Phóng viên Nước Ngoài tại Trung Quốc, cho biết tổ chức này đã khẳng định rằng 10 nhà báo, trong đó có cả bà, đã có hộp điện thư bị xâm nhập.
Bà nói giống như những người khác bà cũng đã nhận được một thông báo từ Yahoo vào hôm Thứ Năm cho biết hộp thư của bà hiện không mở được vì, theo thông báo được gởi tự động này, “chúng tôi đã phát hiện hộp thư của bạn có vấn đề.”
Bà cho biết bà đã liên lạc với Yahoo nhưng vẫn chưa nhận lời giải thích cho chuyện đã xảy ra. “Rõ ràng có kẻ đang nhắm vào các nhà báo”, bà nói. “Điều này khiến tôi rất khó chịu.” Yahoo, vào năm 2005 đã bán cơ sở thương mại tại Trung Quốc của mình cho công ty mua bán trên mạng Alibaba, trong quá khứ từng bị chỉ trích là hợp tác với các viên chức an ninh của chính quyền. Vào năm 2004, Yahoo đã giao cho họ các thông tin được dùng để truy tố một vài nhà bất đồng chính kiến. Một người trong số đó là nhà báo tên Sư Đào về sau bị án 10 năm tù vì tội tiết lộ một chỉ thị tuyên truyền bí mật.
Mặc dù công ty sở hữu 39 phần trăm cổ phần của Alibaba, nhưng bà Lengkeek, người đại diện cho Yahoo, nhấn mạnh rằng Yahoo đã không còn kiểm soát hoạt động của cơ sở thương mại tại Trung Quốc.
Tuy nhiên khác với Google và Microsoft, công ty vẫn duy trì các máy chủ tại Trung Quốc, đây là một yếu tố khiến những người Trung Quốc nào lo ngại về quyền riêng tư đã tránh xa các dịch vụ điện thư của Yahoo.
Các chuyên gia bảo vệ máy tính nói vụ xâm nhập vào dịch vụ điện thư của Yahoo một lần nữa đã nhấn mạnh đến thử thách mà các công ty Internet đang đối mặt để bảo về khách hàng của mình trước bọn tin tặc.
Paul Wood, một nhà phân tích hệ thống máy tính cấp cao ở công ty Symantec, cho biết một số lượng các virus ngày càng tăng được tạo ra theo từng người nhận cụ thể, nhằm mục đích lừa họ mở những attachment (hồ sơ đính kèm) có cài virus độc hại (malware) vào máy của họ. Ông Wood nói công ty ông tạo ra phần mềm chống virus hiện thời ngăn chặn khoảng 60 vụ tấn công mỗi ngày, tăng từ 1 hay 2 vụ tấn công trong một tuần trong năm 2005. Ông khẳng định “những virus này rất quỷ quyệt và gây hại cực kỳ.”
Vào hôm thứ Hai Symantec ra thông báo công ty đã phát hiện rằng gần 30 phần trăm các vụ tấn công đều xuất phát từ các máy tính ở Trung Quốc, trong số này khoảng độ 20 phần trăm xuất phát từ Thiệu Hưng, một thành phố ít ai biết đến ở tỉnh Triết Giang trước đây nổi tiếng với nghề làm rượu.
Ông Wood và những chuyên gia khác chỉ ra rằng các vụ tấn công dường như xuất phát từ một địa điểm nào đó có thể rất dễ dàng bắt nguồn từ các máy tính bị nhiễm botnet, là một loại virus cho phép các hệ thống máy tính (computing systems) khác kiểm soát từ xa.
Chính loại phần mềm quái ác này có lẽ đã chịu trách nhiệm đánh sập trang mạng của Những người Bảo vệ Nhân quyền Trung Quốc, một tập thể đã chỉ trích cương quyết các sai phạm nhân quyền của Trung Quốc. Kể từ thứ Năm vừa qua, trang mạng tiếng Hoa của nhóm này đã bị quá tải trước những truy cập không thực sự cần thiết (junk requests), đây là chiến thuật có tên là tấn công từ chối dịch vụ (Ddos). Tuy trang mạng này trước đây cũng bị tấn công, nhưng những đợt tấn công như vậy thường không kéo dài quá một vài giờ.
Renee Xia, giám đốc quốc tế cho nhóm nhân quyền này, nói đợt tấn công vào trang mạng bắt đầu cùng ngày công ty Mỹ, Go Daddy, vốn cung cấp dịch vụ cho trang mạng đã tuyên bố rằng công ty sẽ ngừng đăng ký các tên miền tại Trung Quốc. “Biết đâu có lẽ là ngẫu nhiên, nhưng chúng tôi không nghĩ như vậy.” Bà Xia nói.
Google phát hiện ra cuộc tấn công mạng mới
San Francisco — Google cho biết hôm thứ Ba là đã khám phá một cuộc tấn công mạng nhắm vào những người Việt Nam sử dụng Internet trên khắp thế giới. Cuộc tấn công này kém tinh vi hơn những cuộc tấn công xuất phát từ Trung Quốc và dường như nhắm vào những nhà hoạt động nhân quyền người Trung Quốc.
Google cho biết cuộc tấn công này có thể đã làm nhiễm các máy tính của hàng chục ngàn người đã tải phần mềm bàn phím tiếng Việt.
Nguồn: http://www.nytimes.com/2010/03/31/world/asia/31china.html
Bản tiếng Việt © 2010 Trần Quốc Việt
Bản tiếng Việt © 2010 talawas