Trần Quốc Việt dịch
Tôi nhớ nắng vàng chạm vào tóc nàng. Nàng quay đầu lại, và
đôi mắt chúng tôi chợt nhìn nhau, nụ tình chớm nở tức thì trong lớp năm huyên
náo ấy. Tôi tưởng như ai đang bóp chặt trái tim mình. Tình đầu của tôi bắt đầu
như thế, đam mê, nồng cháy. Thuở ban đầu thơ ngây và đau đớn ấy ngờ đâu kéo dài
suốt đời.
Nàng tên là Rachel, và tôi mơ tưởng đến nàng suốt từ tiểu học
đến trung học, sững sờ mỗi lần thoáng thấy
nàng, nói không nên lời lúc trước mặt nàng. Rồi từ đấy tựa như cánh bướm đêm
bay tìm ánh sáng tôi cứ đứng mãi trong bóng tối màn đêm nhìn ánh đèn dịu hắt ra
từ cửa sổ nhà nàng. Rồi những lúc mơ tưởng về một hình bóng, nỗi ám ảnh ngây
thơ và nồng nhiệt ấy giờ đây tưởng lại ngỡ như mơ.
Tôi thường thấy nàng đi dưới hai hàng cây lúc đến trường hay
tan trường, và tôi đứng lặng người như kẻ
mất hồn. Nàng dường như lúc nào cũng điềm tĩnh và tự tin. Ở nhà, tôi thường hồi
tưởng lại mỗi dịp gặp nàng để rồi đau đớn vô vàn khi nghĩ đến bao kém cỏi của
mình.
Dù thế nào đi nữa, tình yêu của tôi dành cho Rachel vẫn là
tình đơn phương. Học xong trung học, nàng học tiếp lên đại học, còn tôi vào
lính. Khi khói lửa Đệ nhị Thế chiến bao trùm lên chúng tôi, tôi được đưa ra hải
ngoại để tham chiến. Chúng tôi thư từ qua lại một thời gian, và những lá thư của
nàng là niềm vui lớn trong những năm gian khổ, dài bất tận ấy. Có lần nàng gởi
cho tôi tấm hình nàng mặc đồ tắm mà khiến tôi mơ màng cuồng dại, Trong thư sau
tôi ngỏ ý đến chuyện hôn nhân, và hầu như liền ngay sau đó những lá thư hồi âm
của nàng bắt đầu thưa dần và ít riêng tư hơn.
Điều tôi làm đầu tiên khi về lại Mỹ là đến thăm Rachel. Mẹ
nàng ra mở cửa. Rachel không còn ở nhà. Nàng đã lập gia đình với một sinh viên
y khoa nàng quen dưới mái trường đại học. “Bác tưởng nó viết thư cho cháu chứ,”
mẹ nàng nói.
Cuối cùng lá thư chia tay của nàng đến kịp với tôi trong khi
tôi chờ xuất ngũ. Nàng nhẹ nhàng giải bày chuyện chúng tôi không thể lấy nhau.
Hồi tưởng lại vết thương lòng ấy, tôi không ngờ mình hồi phục khá nhanh, dù
trong mấy tháng đầu tiên tôi chẳng thiết sống. Như Rachel, tôi tìm được người
khác, người mà cho đến ngày hôm nay tôi vẫn thương yêu hết lòng và bền chặt.
Rồi, mới đây, sau hơn 40 năm xa cách, tôi lại nhận được tin
Rachel. Chồng nàng đã mất. Nàng ghé ngang qua thành phố và biết chỗ ở của tôi
qua người bạn chung của hai người. Chúng tôi hẹn gặp nhau.
Tôi cảm thấy tò mò lẫn hồi hộp. Mấy năm qua, tôi đã không
nghĩ đến nàng, rồi cuộc gọi bất ngờ của
nàng vào sáng hôm ấy khiến tôi sửng sốt. Phải chăng người khách hàng tóc bạc ngồi
ở bàn nhà hàng là Rachel của biết bao mộng tưởng và ao ước của tôi, là nàng
tiên cá mềm mại trong tấm hình năm xưa?
Chúng tôi trò chuyện như đôi bạn cũ, và mau chóng nhận ra rằng
cả hai đều đã có cháu.
“Anh còn nhớ cái này không?” Nàng trao cho tôi mảnh giấy nhỏ đã mòn cũ. Đó là bài thơ tôi đã làm tặng nàng vào thời đi học. Tôi xem lại những vần thơ vụng về non nớt của mình. Nàng chăm chú nhìn tôi rồi giật lấy bài thơ nhét lại vào ví, như thể sợ tôi sẽ xé nó đi.
Còn tôi kể cho nàng nghe về tấm hình tôi đã mang theo bên
mình trong suốt những năm chiến tranh.
“Anh biết đấy, rồi cũng không đi đến đâu.” Nàng nói.
“Cô này hay, sao biết chắc là không đi đến đâu?” tôi đáp trả.
Tiếng cười của chúng tôi khiến những người bàn kế bên giật
mình. Trong suốt thời gian còn lại, chúng tôi trộm liếc nhìn nhau. Tôi nghĩ lúc
nhìn nhau chúng tôi thấy chúng tôi chẳng trẻ mãi như chúng tôi đã từng tưởng.
Trước khi tôi đưa nàng lên tắc xi, nàng quay lại nhìn tôi.
“Em chỉ muốn gặp lại anh lần này. Để nói với anh một điều.”Mắt nàng nhìn mắt
tôi. “Em muốn cảm ơn anh đã yêu em như anh yêu em ngày xưa.” Chúng tôi hôn
nhau, rồi nàng đi.
Bóng tôi trên cửa kính tiệm nhìn lại tôi đăm đăm, một người
già với mái tóc bạc lay động trong làn gió chiều. Tôi quyết định đi bộ về nhà.
Nụ hôn của nàng vẫn còn nồng ấm trên môi. Tôi cảm thấy chóng mặt nên ngồi xuống
chiếc ghế trong công viên. Xung quanh tôi cỏ và cây đang sáng lên trong ráng
chiều diễm huyền. Lòng tôi nhẹ hẳn đi. Đường tình cuối cùng đã đi trọn, và cảnh
vật trước mặt tôi đẹp đến nỗi tôi muốn la to, nhảy lên, và ca vang vì sung sướng.
Niềm vui ấy rồi cũng thoáng qua, tựa như mọi sự đều phải thế,
và lát sau tôi đứng lên được để bắt đầu đi về nhà.
Nguồn:
Bài viết được đăng lần đầu trên tạp chí New York Times ra ngày 22/11/1987. Tạp chí Reader’s Digest
sau đấy đăng lại bản rút ngắn. Bài dịch này được thực hiện từ bản rút ngắn ấy.
Bài gốc trên tạp chí New York Times có thể được đọc ở đây:
http://articles.sun-sentinel.com/1987-12-01/features/8702090096_1_innocence-rachel-pearl-harbor