17.2.16

Douglas MacArthur- Quân tử gặp Anh hùng


Lời người dịch: Douglas MacArthur có lẽ là vị tướng tài ba nhất và nổi tiếng nhất trong lịch sử Mỹ. Ông còn được mệnh danh là "Người hùng Thái Bình Dương" trong Thế chiến Thứ hai. Nhưng thành công sáng chói nhất và trường tồn theo thời gian của ông là chỉ trong vài năm ngắn ngủi ông đã tạo ra nền tảng tự do và dân chủ bền vững cho một nước Nhật bại trận, tuyệt vọng, đói rách, và hoàn toàn đổ nát. Chính từ nền tảng thể chế này, Nhật Bản - như chim phượng hoàng huyền thoại hồi sinh từ đống tro tàn- đã bay vút vào tương lai và ngày nay trở thành cường quốc dân chủ thịnh vượng. 

Còn Nhật Hoàng Hirohito kêu gọi nhân dân Nhật hãy can đảm chấp nhận đầu hàng vô điều kiện để "mở đường cho tất cả những thế hệ tương lai bằng cách chịu đựng những gì không thể nào chịu đựng được và đau khổ những gì không thể nào đau khổ được... để theo kịp đà tiến bộ của thế giới." Lời kêu gọi của ông đã khích lệ rất lớn đến tinh thần và nỗ lực kiên trì tái kiến thiết lại đất nước của người Nhật trong hoàn cảnh nhục nhã nhất và tuyệt vọng nhất của họ sau khi bại trận. 

Nhưng Douglas MacArthur đã đối xử với họ rất bao dung, độ lượng, trắc ẩn, và công bằng trong suốt thời gian ông nắm giữ quyền lực tối cao ở Nhật Bản. Ông nhận hàng trăm ngàn lá thư cảm ơn từ các tầng lớp người Nhật. Ngày ông rời Nhật Bản về nước, hàng trăm ngàn người già trẻ nam nữ xếp hàng dài dày dặc ở hai bên đường từ sáng sớm trên suốt hàng chục cây số để tiễn đưa ông lần cuối. Họ kêu to "Sayonara, Sayonara," hay giơ cao biểu ngữ ghi "Chúng tôi thương mến Tướng Quân MacArthur," và "Chúng tôi cảm ơn ông." 

Hai người đã gặp nhau sau khi lực lượng đồng minh chiếm đóng dưới sự lãnh đạo của tướng Douglas MacArthur đến Nhật Bản vào tháng Chín, 1945 và buổi gặp nhau ban đầu của hai người mà tiêu biểu cho hai chiến tuyến thù nghịch mới ngày nào đã mở cánh cửa tương lai tươi sáng cho nhiều thế hệ người Nhật. 

*

Chẳng bao lâu sau khi tôi đến Tokyo, những người trong bộ tham mưu của tôi thúc giục tôi triệu Nhật Hoàng đến tổng hành dinh của tôi để biểu lộ quyền lực. Tôi bỏ qua những lời đề nghị của họ. "Làm như thế," tôi giải thích, "sẽ xúc phạm đến tình cảm của nhân dân Nhật và biến Nhật Hoàng thành người tuẫn đạo trong mắt họ. Không, tôi sẽ đợi rồi từ từ Nhật Hoàng sẽ tự đến gặp tôi. Trong trường hợp này, sự kiên nhẫn của Phương Đông sẽ phục vụ tốt nhất mục đích của chúng ta hơn sự vội vàng của Phương Tây." 

Quả nhiên chẳng bao lâu sau Nhật Hoàng yêu cầu cuộc hội kiến. Mặc áo ghi lê và quần kẻ sọc, đội mũ cao, đi trên chiếc Daimler với quan tổng thị vệ triều đình ngồi đối diện ở ghế phụ, Hirohito đến tòa đại sứ. Ngay từ đầu cuộc chiếm đóng, tôi đã chỉ thị không nên đối xử bất kính với ông. Phải dành cho ông tất cả những danh dự thích hợp với bậc quân vương. Tôi tiếp đón ông chân tình, và kể lại dịp tôi được cha ông đón tiếp vào lúc kết thúc cuộc chiến tranh Nga-Nhật. Nhật Hoàng trông hồi hộp và bao căng thẳng trong suốt mấy tháng qua hiện ra rõ ràng. Tôi yêu cầu tất cả mọi người đi ra ngoài chỉ ngoại trừ người thông dịch cho ông, và chúng tôi ngồi xuống trước lò sưởi ở cuối phòng tiếp khách dài. Tôi mời ông thuốc lá Mỹ, ông cầm lấy và cảm ơn. Khi tôi châm thuốc lá cho ông tôi nhận thấy hai tay ông run. Tôi gắng hết sức mình để tạo cho ông sự thoải mái và tự nhiên, nhưng tôi biết niềm đau tủi nhục ở ông ắt hẳn sâu thẳm và khủng khiếp biết chừng nào. Tôi có cảm giác khó chịu là ông có thể sẽ kể lể ra những lý do để khẩn cầu đừng truy tố ông như tội phạm chiến tranh. 

Trước đấy nhiều đồng minh, đặc biệt người Nga và người Anh, đã lên tiếng mạnh mẽ đòi đặt ông vào loại tội phạm ấy. Quả thật, tên của Nhật Hoàng đứng đầu danh sách tội phạm đầu tiên do họ đề nghị. Nhận thức những hậu quả bi kịch sẽ theo sau hành động bất công như thế, tôi cực lực chống lại những ý định ấy. Khi Washington dường như nghiêng về quan điểm của người Anh, tôi đề nghị rằng tôi sẽ cần thêm ít nhất một triệu quân tiếp viện nữa nếu họ làm như thế. Tôi tin rằng nếu Nhật Hoàng bị buộc tội, và có lẽ bị treo cổ như tội phạm chiến tranh, chính quyền quân sự phải được thiết lập trên toàn cõi Nhật Bản, và chiến tranh du kích có lẽ sẽ bùng phát. Tên của Nhật Hoàng sau đó bị gạch ra khỏi danh sách tội phạm chiến tranh. Nhưng ông chẳng hề biết gì về tất cả điều này. 

Nhưng mối lo sợ của tôi không có căn cứ. Nhật Hoàng nói như thế này: "Thưa Tướng Quân MacArthur, là người chịu trách nhiệm duy nhất cho mọi quyết định chính trị và quân sự và mọi hành động của nhân dân tôi khi tiến hành chiến tranh, tôi đến đây gặp ông để chịu sự phán xét của các cường quốc mà ông đại diện." Lòng tôi chợt dâng trào lên cảm xúc phi thường khó tả. Sự gánh vác can đảm trách nhiệm này mà đồng nghĩa với cái chết, một trách nhiệm rõ ràng không đúng với những sự thật tôi hoàn toàn biết rõ, khiến tôi xúc động đến tận cả cõi lòng. Ông là hoàng đế cha truyền con nối, nhưng trong khoảnh khắc ấy tôi biết tôi đang đối diện với Đệ Nhất Chính Nhân Quân Tử Nhật Bản. 

Sau lần ấy Nhật Hoàng đến thăm tôi thường xuyên, chúng tôi bàn về hầu hết các vấn đề quốc tế. Tôi luôn luôn giải thích kỹ càng những lý do quan trọng nhất về chính sách chiếm đóng,và tôi nhận thấy ông hiểu biết uyên thâm về khái niệm dân chủ hơn hầu hết những người Nhật tôi có dịp trò chuyện. Ông đóng vai trò rất lớn trong sự hồi sinh tinh thần của Nhật Bản, và sự hợp tác trung thành và ảnh hưởng của ông đã tác động rất nhiều đến sự thành công của công cuộc chiếm đóng. 

Nguồn: 

Trích dịch từ tác phẩm "Reminiscences" của Douglas MacArthur, nhà xuất bản McGraw-Hill, 1964, trang 287-288. Tựa đề của người dịch.

Ryszard Kapuscinski-Tai mắt quần chúng

Trần Quốc Việt dịch

Tôi dậy sớm để đi vào trung tâm thành phố mà khá xa. Tôi đang ở khách sạn tại Zamalek, khu dân cư giàu có trên một hòn đảo trên sông Nile khu vực một thời chủ yếu của người nước ngoài nhưng giờ đây những người Ai Cập giàu có cũng sống ở đấy. Biết rằng va li của mình sẽ bị lục lọi ngay khi tôi rời khách sạn, tôi nghĩ nên lấy ra vỏ chai bia Tiệp Khắc tôi đã nhét trong va li để trên đường đi tống khứ nó (vào thời ấy Nasser ¹, một người Hồi giáo nhiệt tâm, đang mở chiến dịch bài trừ rượu). Tôi giấu vỏ chai trong bao giấy xám và cầm nó bước ra đường. Chưa đến trưa mà trời đã oi bức và ngột ngạt. 

Tôi nhìn quanh tìm thùng rác. Nhưng khi nhìn quanh, tôi bất ngờ thấy người bảo vệ ngồi trên chiếc ghế đẩu ở lối vào khách sạn nơi tôi vừa bước ra nhìn tôi đăm đăm. Ông ta đang theo dõi tôi. Thôi, tôi nghĩ, tôi sẽ chẳng ném chai trước mặt ông, vì sau này ông sẽ bới thùng rác, tìm thấy nó, rồi tố cáo tôi với cảnh sát khách sạn. Tôi đi tiếp một lát thì phát hiện một cái thùng trống rỗng. Tôi sắp sửa ném chai vào thùng thì tôi nhận thấy hai người mặc áo choàng trắng dài. Họ đang đứng nói chuyện nhưng mắt vẫn nhìn tôi. Không, tôi không thể vất chai ở đây: chắc chắn họ sẽ nhìn thấy, và vả lại cái thùng ấy cũng không phải để đựng rác. Tôi tiếp tục đi cho tới khi tôi nhận thấy một thùng rác khác - nhưng gần đấy, ở lối vào một tòa nhà, một người Ả rập đang ngồi nhìn tôi đăm đăm chăm chú. Không, không, tôi nhủ lòng, ta không thể nào liều được, hắn đang nhìn ta với ánh mắt rất ngờ vực. Vì vậy, nắm chặt bao và chai, tôi thản nhiên thong thả bước đi tiếp. 

Đằng trước là ngã tư, nơi viên cảnh sát cầm gậy và còi đứng giữa đường - và ở một góc ngã tư một người đàn ông ngồi trên ghế đẩu nhìn tôi. Tôi nhận thấy y chỉ có một con mắt, nhưng con mắt này nhìn tôi chòng chọc không dứt với vẻ rất khó chịu khiến tôi bắt đầu cảm thấy không thoải mái, thậm chí còn sợ rằng y sẽ ra lệnh tôi đưa cho y coi rõ ràng đích xác cái gì tôi đang cầm trên tay. Tôi bước nhanh để thoát ra khỏi tầm nhìn của y, càng bước nhanh hơn và háo hức hơn vì từ đằng xa trước mặt tôi một thùng rác hiện ra lấp loáng như ảo ảnh. Không may, không xa thùng rác ấy, dưới bóng râm của một cây nhỏ và khẳng khiu một ông già ngồi nhìn tôi chăm chú. 

Con đường bây giờ rẽ sang hướng khác, nhưng qua khúc rẽ mọi thứ vẫn y như trước. Tôi không thể ném chai ở bất kỳ nơi đâu, vì cho dù tôi định ném ở đâu chăng nữa, tôi đều bất chợt thấy ai đấy quay đầu lại nhìn đăm đăm về hướng mình. Xe hơi chạy trên đường, xe lừa thồ hàng, đàn lạc đà dăm con đi qua, dáng cứng đờ lêu khêu, nhưng tất cả cảnh này tưởng như diễn ra ở đằng sau, ở cảnh đời nào đấy khác với cảnh đời tôi đang đi và bị lọt vào tầm ngắm của những người hoàn toàn xa lạ, những kẻ đi, đứng, nói, phần lớn ngồi, nhưng trong lúc ấy vẫn nhìn đăm đăm coi tôi đang làm gì. Tôi càng lúc càng sợ, bao giấy trong tay tôi ướt sũng vì tôi bắt đầu toát mồ hôi rất nhiều. Tôi sợ chai rơi tuột ra khỏi bao rồi vỡ tan trên vỉa hè, càng khiến đường phố tò mò hơn. Tôi thực sự chẳng biết nên làm gì nữa, vì vậy tôi đành phải trở về khách sạn và nhét chai lại vào va li. 

Mãi tới tối tôi mới cầm nó đi ra ngoài trở lại. Đêm xuống hành sự dễ dàng hơn. Tôi bỏ chai vào thùng rác, quay trở về, và lòng nhẹ nhõm nằm xuống ngủ. 

Bây giờ, đi dạo quanh thành phố, tôi bắt đầu quan sát phố xá kỹ càng hơn. Tất cả đường phố đều có tai mắt. Đây người gác cửa, kia người bảo vệ, nọ một nhân vật ngồi bất động trên ghế xép, xa hơn một chút ai đấy đứng không, chỉ đưa mắt nhìn. Đa phần những người này đều không làm gì cụ thể, tuy nhiên khi gộp lại nhiều góc nhìn của họ tạo ra mạng lưới theo dõi chằng chịt, đan kín, bao trùm, bao phủ toàn bộ không gian đường phố nơi không có gì có thể xảy ra mà chẳng ai biết. Biết để tố cáo. 

Đây là chủ đề thú vị: những kẻ vô tích sự phục vụ bạo quyền. Xã hội có tổ chức, ổn định, phát triển là cộng đồng của những vai trò được xác định và được vạch ra rõ ràng, điều mà người ta không thể nào nói về đa số các thành phố thuộc thế giới thứ ba. Dân số ở những nơi này đa phần là thành phần thô lỗ, trôi giạt, chẳng thuộc tầng lớp nào rõ ràng, lại không có địa vị, vị trí hay mục đích. Bất kỳ lúc nào và vì bất kỳ lý do nào, những người mà chẳng ai lưu tâm đến, không ai cần đến này, có thể tụ họp lại thành đám đông, quần chúng, lũ côn đồ mà có ý kiến về mọi chuyện, có thời gian cho mọi sự, và muốn tham dự vào chuyện gì đấy thật quan trọng. 

Tất cả các chế độ độc tài đều lợi dụng tầng lớp ngồi không thừa thải này. Họ thậm chí không cần duy trì đội quân cảnh sát toàn thời gian tốn kém. Chế độ chỉ cần biểu lộ sự quan tâm đến những con người này mà đang tìm kiếm ý nghĩa nào đấy trong cuộc đời. Hãy cho họ cảm giác họ có thể có ích, có người đang cần họ giúp đỡ việc gì đấy, họ đã được chú ý đến, họ có mục đích. 

Hai bên đều nhận được những lợi ích từ mối quan hệ này. Dân hè phố, phục vụ chế độ độc tài, bắt đầu cảm thấy tâm đầu ý hợp với nhà cầm quyền, cảm thấy mình quan trọng và có ý nghĩa, và hơn nữa vì hắn thường cảm thấy có tội do nhiều lần ăn cắp vặt, ẩu đả, và lường gạt nên giờ đây hắn có cảm giác an lòng là được miễn tội. Trong khi ấy, chính quyền độc tài dùng hắn như mật thám chân rết rẻ tiền-thật ra làm không công - nhưng nhiệt tình và có mặt ở khắp mọi nơi. Đôi khi thật khó mà gọi hắn là mật thám; hắn chỉ là kẻ muốn được khen ngợi, kẻ mưu cầu tiếng tăm, tìm cách nhắc nhà cầm quyền nhớ đến sự tồn tại của hắn, kẻ lúc nào cũng luôn luôn khao khát được phục vụ. 



Chú thích của người dịch: 

¹ Gamal Abdel Nasser (1918-1970) là tổng thống Ai Cập từ năm 1956 đến lúc qua đời. 

Ryszard Kapuscinski (1932-2007) là nhà báo Ba Lan nổi tiếng toàn cầu. Trước khi CNN ra đời, ông đã đến tận những nơi heo hút của Thế giới Thứ Ba để cảm nghiệm và ghi chép. Từ đấy một loạt tác phẩm nổi tiếng ra đời như Shah của Shahs, Hoàng đế, hay Chiến tranh Túc Cầu. 

Nguồn: 

Trích dịch từ hồi ký của Ryszard Kapuscinski tựa đề tiếng Anh "Problem, No Problem" đăng trong tạp chí The Paris Review, Mùa Xuân 2007, số 180, trang 14-16. Nguyên tác tiếng Ba Lan, bản dịch tiếng Anh của Klara Glowczewska. Tựa đề của người dịch.

Trần Quốc Việt- Cuống rún lịch sử

Mất lịch sử còn hơn cả mất nước - bi kịch chung. Với cá nhân, mất lịch sử là mất cha mẹ tinh thần sinh thành. Ta như chiếc lá bị lìa xa khỏi cây cội nguồn, là cánh hoa đã mất mùi hương thân thuộc. Ta mãi là đứa trẻ mồ côi vì không biết núm nhau tinh thần của mình lưu lạc ở đâu, không biết bản sắc mình, và kéo dài kiếp người của mình như kẻ lãng du không bao giờ tìm thấy lữ quán tinh thần để nương trọ. Mất lịch sử là trôi mãi vô định trong dòng đời xa lạ.

Ta nhìn ta trên gương và hỏi tại sao ta có khuôn mặt với màu tóc này, nước da nọ, nét mặt kia. Ta không biết ta là ai nên ta bắt đầu đi giữa cuộc đời như người khiếm khuyết phần hồn, không phải như người của lịch sử với chiếc bóng thủy chung và vô hình của dân tộc và truyền thống dài hàng ngàn năm sau lưng mình.

“Chúng ta học lịch sử không phải để biết cách hành xử hay biết cách thành công, mà biết chúng ta là ai.” (1) Một khi chúng ta mất dấu vân tay lịch sử chúng ta sẽ không bao giờ tìm lại được hồ sơ bản sắc của mình. Cuộc đời ta rút lại chỉ là hạt cát được sản xuất hàng loạt chứ không phải là hạt cát sinh ra tự nhiên từ dòng sông chung đã từng chảy bền bỉ và mạnh mẽ cùng với thời gian.

Mất lịch sử là mất rất nhiều trách nhiệm đáng lẽ ta phải gánh vác. Tại sao nên yêu nước thương nòi, tại sao bầu bí nên thương yêu nhau khi chúng ta không cùng chung mẹ lịch sử? Nếu muốn, ta có thể rời xa mãi mãi vùng đất chung của quê hương để đến những chân trời xa và rồi cuối cùng tan biến như những kẻ không cội rễ và vô tổ quốc.

Mất lịch sử là nô lệ vĩnh viễn dưới sự đô hộ tinh thần của độc tài và ngoại bang. Dù sinh ra trong nô lệ và chưa từng bao giờ biết tự do nhưng chúng ta có thể phát minh ra tự do. Nhưng làm sao chúng ta phát minh ra lịch sử-sự kết tinh của cuộc sinh tồn và đấu tranh của hàng ngàn thế hệ trước mình? Chúng ta sẽ tồn tại như những kẻ đi vay mượn lịch sử của người khác. Tiền lời họ nhận được là sự nô lệ thể chất và tinh thần vĩnh viễn của muôn thế hệ sau ta-những người mà cha ông họ đã không bảo vệ được lịch sử.

Mất lịch sử là khởi đầu của quá trình vô danh hóa tất cả từ con người, quê hương, văn hóa, cội nguồn đến bản sắc tinh thần sâu thẳm nhất của từng cá nhân. Khi hồn thiêng lịch sử không còn trong tim người, chúng ta đi về thời mông muội- thời con người bên đống lửa bập bùng bắt đầu vẽ lên vách hang những hình ảnh lịch sử đầu tiên về sự hiện diện của loài người.


(1) Lời của triết gia Leszek Kolakowski

16.2.16

John Walters-Tình đầu


Trần Quốc Việt dịch


Tôi nhớ nắng vàng chạm vào tóc nàng. Nàng quay đầu lại, và đôi mắt chúng tôi chợt nhìn nhau, nụ tình chớm nở tức thì trong lớp năm huyên náo ấy. Tôi tưởng như ai đang bóp chặt trái tim mình. Tình đầu của tôi bắt đầu như thế, đam mê, nồng cháy. Thuở ban đầu thơ ngây và đau đớn ấy ngờ đâu kéo dài suốt đời.

Nàng tên là Rachel, và tôi mơ tưởng đến nàng suốt từ tiểu học đến trung học, sững sờ  mỗi lần thoáng thấy nàng, nói không nên lời lúc trước mặt nàng. Rồi từ đấy tựa như cánh bướm đêm bay tìm ánh sáng tôi cứ đứng mãi trong bóng tối màn đêm nhìn ánh đèn dịu hắt ra từ cửa sổ nhà nàng. Rồi những lúc mơ tưởng về một hình bóng, nỗi ám ảnh ngây thơ và nồng nhiệt ấy giờ đây tưởng lại ngỡ như mơ.

Tôi thường thấy nàng đi dưới hai hàng cây lúc đến trường hay tan trường, và tôi đứng  lặng người như kẻ mất hồn. Nàng dường như lúc nào cũng điềm tĩnh và tự tin. Ở nhà, tôi thường hồi tưởng lại mỗi dịp gặp nàng để rồi đau đớn vô vàn khi nghĩ đến bao kém cỏi của mình.

Dù thế nào đi nữa, tình yêu của tôi dành cho Rachel vẫn là tình đơn phương. Học xong trung học, nàng học tiếp lên đại học, còn tôi vào lính. Khi khói lửa Đệ nhị Thế chiến bao trùm lên chúng tôi, tôi được đưa ra hải ngoại để tham chiến. Chúng tôi thư từ qua lại một thời gian, và những lá thư của nàng là niềm vui lớn trong những năm gian khổ, dài bất tận ấy. Có lần nàng gởi cho tôi tấm hình nàng mặc đồ tắm mà khiến tôi mơ màng cuồng dại, Trong thư sau tôi ngỏ ý đến chuyện hôn nhân, và hầu như liền ngay sau đó những lá thư hồi âm của nàng bắt đầu thưa dần và ít riêng tư hơn.

Điều tôi làm đầu tiên khi về lại Mỹ là đến thăm Rachel. Mẹ nàng ra mở cửa. Rachel không còn ở nhà. Nàng đã lập gia đình với một sinh viên y khoa nàng quen dưới mái trường đại học. “Bác tưởng nó viết thư cho cháu chứ,” mẹ nàng nói.

Cuối cùng lá thư chia tay của nàng đến kịp với tôi trong khi tôi chờ xuất ngũ. Nàng nhẹ nhàng giải bày chuyện chúng tôi không thể lấy nhau. Hồi tưởng lại vết thương lòng ấy, tôi không ngờ mình hồi phục khá nhanh, dù trong mấy tháng đầu tiên tôi chẳng thiết sống. Như Rachel, tôi tìm được người khác, người mà cho đến ngày hôm nay tôi vẫn thương yêu hết lòng và bền chặt.

Rồi, mới đây, sau hơn 40 năm xa cách, tôi lại nhận được tin Rachel. Chồng nàng đã mất. Nàng ghé ngang qua thành phố và biết chỗ ở của tôi qua người bạn chung của hai người. Chúng tôi hẹn gặp nhau.

Tôi cảm thấy tò mò lẫn hồi hộp. Mấy năm qua, tôi đã không nghĩ đến nàng, rồi cuộc gọi  bất ngờ của nàng vào sáng hôm ấy khiến tôi sửng sốt. Phải chăng người khách hàng tóc bạc ngồi ở bàn nhà hàng là Rachel của biết bao mộng tưởng và ao ước của tôi, là nàng tiên cá mềm mại trong tấm hình năm xưa?

Chúng tôi trò chuyện như đôi bạn cũ, và mau chóng nhận ra rằng cả hai đều đã có cháu.

“Anh còn nhớ cái này không?” Nàng trao cho tôi mảnh giấy nhỏ đã mòn cũ. Đó là bài thơ tôi đã làm tặng nàng vào thời đi học. Tôi xem lại những vần thơ vụng về non nớt của mình. Nàng chăm chú nhìn tôi rồi giật lấy bài thơ nhét lại vào ví, như thể sợ tôi sẽ xé nó đi.

Còn tôi kể cho nàng nghe về tấm hình tôi đã mang theo bên mình trong suốt những năm chiến tranh.

“Anh biết đấy, rồi cũng không đi đến đâu.” Nàng nói.

“Cô này hay, sao biết chắc là không đi đến đâu?” tôi đáp trả.

Tiếng cười của chúng tôi khiến những người bàn kế bên giật mình. Trong suốt thời gian còn lại, chúng tôi trộm liếc nhìn nhau. Tôi nghĩ lúc nhìn nhau chúng tôi thấy chúng tôi chẳng trẻ mãi như chúng tôi đã từng tưởng.

Trước khi tôi đưa nàng lên tắc xi, nàng quay lại nhìn tôi. “Em chỉ muốn gặp lại anh lần này. Để nói với anh một điều.”Mắt nàng nhìn mắt tôi. “Em muốn cảm ơn anh đã yêu em như anh yêu em ngày xưa.” Chúng tôi hôn nhau, rồi nàng đi.

Bóng tôi trên cửa kính tiệm nhìn lại tôi đăm đăm, một người già với mái tóc bạc lay động trong làn gió chiều. Tôi quyết định đi bộ về nhà. Nụ hôn của nàng vẫn còn nồng ấm trên môi. Tôi cảm thấy chóng mặt nên ngồi xuống chiếc ghế trong công viên. Xung quanh tôi cỏ và cây đang sáng lên trong ráng chiều diễm huyền. Lòng tôi nhẹ hẳn đi. Đường tình cuối cùng đã đi trọn, và cảnh vật trước mặt tôi đẹp đến nỗi tôi muốn la to, nhảy lên, và ca vang vì sung sướng.

Niềm vui ấy rồi cũng thoáng qua, tựa như mọi sự đều phải thế, và lát sau tôi đứng lên được để bắt đầu đi về nhà.



Nguồn:

Bài viết được đăng lần đầu trên tạp chí New York Times  ra ngày 22/11/1987. Tạp chí Reader’s Digest sau đấy đăng lại bản rút ngắn. Bài dịch này được thực hiện từ bản rút ngắn ấy.

Bài gốc trên tạp chí New York Times có thể được đọc ở đây:

http://articles.sun-sentinel.com/1987-12-01/features/8702090096_1_innocence-rachel-pearl-harbor