26.11.12

Milton Friedman-Tự do và quốc gia


Trần Quốc Việt dịch


Trong đoạn được trích dẫn nhiều trong bài diễn văn nhậm chức, Tổng thống Kennedy nói, "Hãy đừng hỏi quốc gia có thể làm gì cho ta-hãy hỏi ta có thể làm gì cho quốc gia." Cả hai vế của câu tuyên bố này đều không diễn tả mối quan hệ giữa công dân và chính quyền mà xứng đáng với những lý tưởng của người tự do trong xã hội tự do. "Quốc gia có thể làm gì cho ta" có tính gia trưởng ấy ám chỉ chính quyền là cha, công dân là con, một quan điểm không hợp với niềm tin của người tự do về trách nhiệm của chính mình đối với số phận của chính mình. "Ta có thể làm gì cho quốc gia" có tính lệ thuộc ấy ám chỉ chính quyền là chủ hay thần thánh, công dân là đầy tớ hay tín đồ nhiệt tâm.

Đối với người tự do, quốc gia là tập hợp những cá nhân tạo thành quốc gia ấy, không phải cái gì đấy bao trùm lên họ hay cao hơn họ. Người tự do tự hào về di sản chung và trung thành với những truyền thống chung. Nhưng người tự do xem chính quyền là phương tiện, công cụ, không phải người ban ân huệ và quà tặng, cũng không phải người chủ hay thần thánh để tôn thờ và phục vụ mù quáng. Người tự do không thừa nhận mục tiêu quốc gia nào ngoại trừ mục tiêu ấy là sự đồng ý chung về những mục tiêu mà các công dân phục vụ riêng. Người tự do không thừa nhận mục đích quốc gia nào ngoại trừ mục đích ấy là sự đồng ý chung về những mục đích mà các công dân mưu cầu riêng.

Người tự do sẽ không hỏi quốc gia có thể làm gì cho mình và cũng sẽ không hỏi mình có thể làm gì cho quốc gia. Đúng ra người tự do sẽ hỏi "Tôi và đồng bào tôi có thể làm gì qua chính quyền" để giúp chúng tôi làm tròn trách nhiệm cá nhân của chúng tôi, để đạt được những thành tựu và mục đích riêng của chúng tôi, và quan trọng nhất, để bảo vệ tự do của chúng tôi? Và người tự do sẽ hỏi kèm câu hỏi này với câu hỏi khác: Làm thế nào chúng tôi có thể ngăn cản chính quyền do chúng tôi tạo ra trở thành một ác quỷ mà sẽ hủy diệt chính tự do mà chúng tôi lập ra chính quyền để bảo vệ ?

Tự do là một loại cây hiếm và mỏng manh. Trí tuệ chúng ta mách với chúng ta, và lịch sử xác nhận, rằng mối đe dọa rất lớn đối với tự do là sự tập trung quyền lực. Chính quyền cần thiết để gìn giữ tự do của chúng ta, chính quyền là công cụ qua đó chúng ta có thể thực thi tự do của chúng ta; tuy nhiên khi quyền lực tập trung vào những nhà chính trị, quyền lực ấy cũng là mối đe dọa đối với tự do. Cho dù những người nắm quyền lực này ban đầu có thiện ý và cho dù họ không bị quyền lực họ thực thi làm cho họ thối nát, quyền lực ấy nhất định sẽ hấp dẫn họ và khiến họ trở thành những người khác hẳn.

Sự gìn giữ tự do là lý do bảo vệ nhằm hạn chế và phi tập trung quyền lực của chính quyền. Nhưng cũng có lý do hữu ích. Những tiến bộ lớn lao của nền văn minh, dù trong kiến trúc hay hội họa, trong khoa học hay văn chương, trong công nghiệp hay nông nghiệp, đều chưa bao giờ xuất phát từ chính quyền được quy về trung ương. Columbus đã không bắt đầu cuộc hành trình tìm con đường mới đến Trung Quốc theo chỉ thị đa số của nghị viện, tuy ông được chính thể quân chủ chuyên chế tài trợ một phần. Newton và Leibnitz; Einstein và Bohr; Shakespeare, Milton và Pasternak; Whitney, McCormick, Edison và Ford; Jane Addams, Florence Nightingale, và Albert Schweitzer; không có ai trong những người này đã mở ra những chân trời mới trong kiến thức và hiểu biết của con người, trong văn chương, trong những tiềm năng kỹ thuật, hay trong nỗ lực làm giảm đi sự khổ đau của con người theo những chỉ thị của chính quyền. Thành tựu của họ là sản phẩm của thiên tài cá nhân, của  quan điểm thiểu số kiên định, của bầu không khí xã hội cho phép sự muôn màu muôn vẻ.


Milton Friedman là nhà kinh tế Mỹ nổi tiếng. Ông được trao tặng giải Nobel kinh tế năm 1976.

Nguồn: Trích từ lời tựa của tác phẩm "Chủ nghĩa tư bản và Tự do" (1962) của Milton Friedman . Tựa đề của người dịch

http://www.pdf-archive.com/2011/12/28/friedman-milton-capitalism-and-freedom/preview/page/10/

16.11.12

Trần Quốc Việt-Tự do và yêu nước

Ở nước dân chủ yêu nước là bảo vệ và duy trì tự do. Ở nước toàn trị yêu nước là kéo dài thực trạng, hay đúng hơn, mở rộng và nhân mãi ra kiếp đời nô lệ khốn khổ qua nhiều thế hệ.

Yêu nước của người nô lệ khác với yêu nước của người tự do.

Người nô lệ không thể nào yêu nước thực sự vì họ không có tự do. Lòng yêu nước của họ phải phụ thuộc vào ý muốn của người chủ. Khi cần, người chủ thổi kèn để dẫn dụ cho lòng yêu nước của người nô lệ trỗi dậy, khi không cần, người chủ treo con roi lơ lửng trên đầu nô lệ nhằm đè nén lòng yêu nước của họ xuống.

Còn người tự do yêu nước vì muốn bảo vệ nền tự do họ đang hưởng. Nếu người tự do không yêu nước thì sau khi mất nước họ sẽ trở thành nô lệ. Vì lẽ đó ngưòi tự do phải yêu nước bằng sinh mạng của mình để duy trì tự do cho mình, con cháu và các thế hệ tương lai.

Nhà văn Nga Lev Tolstoy viết như sau về lòng yêu nước:

"Trong ý nghĩa đơn giản nhất, rõ ràng nhất, và hiển nhiên nhất lòng yêu nước đối với kẻ cai trị chỉ là phương tiện để đạt được các tham vọng và những thèm muốn khát khao của họ, còn đối với kẻ bị trị là sự từ bỏ nhân phẩm, lý trí, và lương tâm, cùng với sự tôn thờ mù quáng những kẻ cầm quyền." Từ đấy, ông kết luận "yêu nước là nô lệ."

Người tự do chết mãn nguyện và chấp nhận cho cái giá phải trả cho lòng yêu nước vì họ biết con cháu họ có thể sống trong tự do như họ, nhưng người nô lệ chết tức tưởi và khốn khổ cho cái giá phải trả cho lòng yêu nước của người chủ mà sẽ tiếp tục cai trị con cháu họ.

Khi xiềng xích nô lệ rớt xuống lòng yêu nước đích thực mới bắt đầu hồi sinh.

11.11.12

Trần Quốc Việt-Bên kia biên giới

Hôm qua ở bên kia biên giới Đảng Cộng Sản Trung Quốc bắt đầu họp kín về nhân sự cho mười năm đến. Còn cả tỷ người dân khác chỉ là những khán giả bất đắc dĩ. Họ chỉ được xem nhưng bị cấm được bàn luận đến đại hội Đảng thứ 18 này.

Họ không nói được với Đảng thì họ nói chuyện với các phóng viên nước ngoài. Sau đây là những gì họ bày tỏ với các phóng viên nước ngoài vào trước đại hội.

Nhà cách mạng Hà Phương 90 tuổi tham gia cách mạng từ lúc 15 tuổi. Vào những năm 1950 ông là thư ký cho thứ trưởng ngoại giao Trương Văn Thiên. Ông bị đày về miền quê lao động khổ sai trong 19 năm trời sau khi ông bị trừng phạt cùng với cấp trên của ông, người đã chỉ trích chiến dịch Đại Nhảy Vọt của Mao.

Ông không quên lý do ông tham gia cách mạng:"Mục đích của chúng tôi lúc đó là tự do và dân chủ. Nhưng bây giờ không có tự do cũng chẳng có dân chủ. Con đường chúng tôi đã chọn là sai lầm."

Ông chỉ trích Mao, người mà ông nói "có tính khí như con nít" và coi Trung Quốc như món đồ chơi để có thể quăng ném lung tung tùy thích. Ông kết luận:"Đảng Cộng Sản muốn thực hiện chủ nghĩa cộng sản, nhưng hôm nay chẳng có ai biết chủ nghĩa cộng sản là gì."

Còn ông Vương Binh Lâm, giáo sư trường Đảng nói thẳng trong bài giảng gần đây về sự khác biệt giữa tín đồ và đảng viên:"Mỗi tôn giáo đều có tín đồ. Ta không thể đạt được gì nếu không có tín đồ. Chúng ta không thiếu cái gì. Nhưng tại sao chúng ta không có được nhiệt tâm như họ. Lý do chính là ở mức độ chúng ta tôn thờ và tin vào các kinh điển cộng sản của chúng ta. Nhiều người không tin những kinh điển này. Nhiều người thậm chí chẳng thèm đọc chúng."

Đối với nhiều đảng viên lòng tin của họ vào Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã chết ở tại Quảng trường Thiên An Môn, khi quân đội tàn sát hàng ngàn sinh viên vào năm 1989.

Ông Bào Đồng là thư ký của tổng bí thư Triệu Tử Dương, người ủng hộ sinh viên ở Thiên An Môn. Ông Bào Đồng bị kết án 7 năm tù và rồi bị biệt giam suốt trong thời gian ở tù về tội tiết lộ bí mật quốc gia và tuyên truyền phản cách mạng. Hiện ông bị quản thúc tại gia và thường xuyên bị an ninh canh chừng theo dõi .

Ông phơi bày bản chất chế độ:"Nếu cha làm vua thì con cũng phải làm vua. Đó là chủ nghĩa xã hội mang đặc điểm Trung Quốc. Đó là chủ nghĩa xã hội giả. Mục đích của họ là nắm giữ quyền lực. Nguyên tắc chỉ đạo là: ta phải có quyền lực, ta phải là quan chức, ta phải tham nhũng và bất chấp luật pháp. Đây là mô hình Trung Quốc."

Ông nói rõ hơn:"Ở Mỹ, nếu anh tham nhũng anh phải từ chức. Hãy nhìn Nixon. Ông ta dính vào vụ Watergate nên phải từ chức. Ở Trung Quốc chuyện từ chức như thế có xảy ra không? Không. Tại sao? Vì mọi người đều cùng hội cùng thuyền. Nếu thuyền lật thì mọi người đều rớt xuống nước. Khi tôi nói "mọi người" dĩ nhiên tôi nói đến những người đang nắm quyền lực. Cho nên ở Trung Quốc mọi người giúp đỡ lẫn nhau. Nếu anh gặp rắc rối, tôi sẽ giúp anh còn nếu tôi gặp rắc rối anh sẽ giúp tôi. Vì vậy chỉ trong trường hợp nào quá đáng giống như vụ Bạc Hi Lai người ta mới tống anh ra.
Ngay bây giờ chín kẻ giúp đỡ lẫn nhau (chín người thuộc ủy Ban Thường vụ Bộ Chính trị). Hệ thống chính trị là như thế. Không ai muốn thuyền bị chao đảo."

Ông khẳng định với người phỏng vấn ông:

"Người ta nói, "ông đâu có tham nhũng." Tôi trả lời, sai. Nếu tôi ở trong chế độ hiện nay tôi cũng tham nhũng. Ông có tin tôi không? Hãy tin tôi.

Nếu anh ở trong chế độ đó, họ sẽ nói với anh như sau, con ông nên làm tổng giám đốc. Nếu anh đáp, không, cháu không nên làm tổng giám đốc, thì họ nói tại sao không? Nếu con ông không thể trở thành tổng giám đốc thì con của chúng tôi cũng không thể trở thành tổng giám đốc. Rồi họ đẩy anh ra khỏi thuyền. Vì vậy nếu anh ở trên thuyền anh phải tham nhũng như họ. Mọi người đều có biệt thự và họ cho anh biệt thự. Một ở Bắc Kinh, một ở Hàng Châu, một ở Tô Châu, một ở Thượng Hải. Anh nói anh không muốn biệt thự. Ông nói cái gì thế? Nhưng ngay cả các lãnh đạo tỉnh còn có các biệt thự, sao ông không thể có. Nhận biệt thự đi, hợp pháp mà. Vì vậy nếu tôi có thể nói tôi không tham nhũng chính là vì tôi là viên chức vào thời những năm 1980, thời đó thì khác. Thời ấy chẳng có nhiều tiền và đặc lợi."
 
Ông kết luận:"Thời này có thể còn tệ hơn thời phong kiến. Thời đó, khi vua phát hiện quan lại ức hiếp dân lành, vua có thể trị tội quan lại ấy. Còn bây giờ trong mỗi làng đâu phải chỉ có một ông quan, ít nhất có đến 10 ông quan kể cả trưởng làng, bí thư đảng, các phó bí thư và những người tiền nhiệm."

Làn sóng uất hận của người dân ngày càng lan rộng trước đại nạn tham nhũng và đặc biệt trước sự coi thường trắng trợn về nhân quyền và nhân phẩm của chính quyền. Họ nhân danh ổn định chính trị để dập tắt tất cả những tiếng nói bất đồng kể cả tiếng nói của những người dân oan đi khiếu kiện.

Năm 2012 Bắc Kinh đã chi 111 tỷ đô la cho guồng máy an ninh bao gồm công an, an ninh, dân phòng, tòa án và nhà tù. Con số này còn cao hơn cả ngân sách quốc phòng.

Ngân sách ổn định chính trị là một gánh nặng đối với xã hội và là nguồn lợi rất lớn cho các nhóm lợi ích. Họ giàu lên nhờ ngân sách này. Chính trong cơn lốc lạm dụng quyền lực và tham nhũng bằng mọi giá và mọi cách từ tận đỉnh kim tự tháp xuống đến tầng thấp nhất của quyền lực người dân Trung Quốc mới nhận ra bản chất của Đảng Cộng Sản đằng sau lớp son phấn thịnh vượng và đạo đức giả ngụy trang qua những lời hoa mỹ về xã hội hài hòa và công bằng. Nhưng quan trọng nhất họ hiểu rằng họ không có nhân phẩm như được minh họa qua câu chuyện sau.

Bà Lý Ngọc Phương, 42 tuổi, là một dân oan thâm niên. Bà nhiều lần lên Bắc Kinh để khiếu kiện về nhà cửa bị giải tỏa mà không được đền bù thỏa đáng. Giống như vô vàn dân oan khác, con đường khiếu kiện của bà là con đường vô vọng và tràn đầy đau khổ. Bà kể bà bị bắt vào các nhà tù đen- nơi chuyên giam giữ bất hợp pháp dân oan khiếu kiện- cả hơn chục lần. Đợt bị bắt giam lâu nhất của bà trong các nhà tù đen là 10 ngày. Trong lần bị bắt vào năm 2009 bà đòi an ninh phải trao cho bà xem lệnh bắt. Họ liền trói bà. Bà uất hận kể lại:

"Họ trói tay tôi vào sau lưng và tôi bị còng vào cửa. Tôi đứng ở đấy ba ngày và ba đêm tức 72 tiếng đồng hồ! Những người bạn tù khác phải đút thức ăn và nước uống vào miệng tôi. Tôi phải nhắc chân lên để tiểu tiện hay để đại tiện vào cái chậu trên sàn nhà."

Những câu chuyện như thế có lẽ rất nhiều ở ít nhất hàng trăm nhà tù đen dùng để giam dân oan. Chính quyền Trung Quốc phủ nhận sự tồn tại của các hắc ngục này dù thế giới bên ngoài biết rất rõ về chúng từ lâu.

Trong một cuốn phim tài liệu về dân oan đi khiếu kiện người xem nhìn thấy cảnh một cựu chiến binh quỳ xuống trước mặt viên chức để van xin ông ta đừng ngăn cản họ lên Bắc Kinh khiếu kiện. Trong phim viên phó thị trưởng, người có nhiệm vụ ngăn cản dân oan đi khiếu kiện, bày tỏ nỗi niềm:

"Viên chức giống như đĩ vậy. Đĩ bán thân, còn chúng tôi bán nụ cười. Nhưng chúng tôi còn bán nhiều hơn cả họ. Chúng tôi bán nhân phẩm của mình."

Rồi ông tả lại chuyến viếng thăm Trung Nam Hải, nơi ở của các nhà lãnh đạo Trung Quốc ở Bắc Kinh. Ông ta cảm thấy ấn tượng trước bầu không khí trang nghiêm tĩnh lặng ở nơi này. Nhưng đối với đạo diễn Chương Trâm Bác, người thực hiện phim tư liệu, bầu không khí ở thượng đỉnh quyền lực ấy tổng kết tình hình hiện nay ở Trung Quốc.

"Rõ ràng đây là ẩn dụ cho thời đại ổn định chính trị." Ông nói." Sự tĩnh lặng mà ông ta nói về khu ở của ban lãnh đạo thật ra có được là do bóp nghẹt tiếng nói của những người ở bên ngoài."

Cho nên nghịch lý là càng duy trì ổn định thì càng dẫn đến sự mất ổn định. Hay nói cách khác guồng máy trấn áp chỉ tạo ra một lớp băng rất mỏng phủ hờ lên trên mặt biển đang sôi sục dưới đáy.

Phải chăng Trung Quốc đã chín muồi cho cuộc cách mạng từ bên dưới khi cuộc cách mạng từ bên trên là điều không tưởng?

Câu trả lời chắc chắn là cuộc cách mạng sẽ đến vì không có chế độ toàn trị nào có thể thiên thu trường trị trên bề mặt của núi lửa khổng lồ đang trở mình vì uất hận tích tụ từ hơn 60 năm qua.

Có lẽ linh cảm được điều này nên mỗi năm hàng trăm ngàn người Trung Quốc, đa số là những người có học, di dân đến các nước dân chủ. Họ không thể sống ở một nơi mà môi trường đạo đức và xã hội và tự nhiên xuống cấp ghê gớm. Và họ không bao giờ tin hoàn cảnh chính trị đang ổn định như Đảng không ngừng khẳng định. Như lời của bà Vương Thụy Kim, người đang lo cho con gái ra nước ngoài du học, dù phải vay mượn tiền, để hy vọng con mình có thể ở lại và bắc cầu cho cả gia đình ra đi sau này:" Chúng tôi cảm thấy Trung Quốc không thích hợp cho những người như chúng tôi. Ở đây muốn thăng tiến người ta phải tham những hay phải có các mối liên hệ; chúng tôi thích cuộc sống ổn định."

Có lẽ linh cảm được điều này nên lãnh đạo Trung Quốc rất sợ. Họ sợ đủ thứ từ tên của một loài hoa đến chim bồ câu. Họ sợ đến nỗi họ kiểm duyệt luôn cả cụm từ "thập bát đại" trên mạng vì họ sợ dân dùng cụm từ này để ám chỉ đại hội 18.

Ngày hôm qua người ta nhìn thấy trên Quảng trường Thiên An Môn hình ảnh hai người lính cứu hỏa với đầy đủ dụng cụ cứu lửa đứng trong tư thế sẵn sàng trong khi chung quanh không có đám cháy nào. Họ đứng đó im lìm giữa các du khách để sẵn sàng dập tắt bất kỳ mưu toan tự thiêu nào ở Quảng Trường. Họ lường trước chuyện người dân có thể tự thiêu trong thời gian đại hội. Một nhà nước có chính danh không bao giờ sợ đến thế


Và đây chính là sự ổn định chính trị dưới nòng súng và trong nỗi sợ hãi tận cùng của một chế độ bất nhân. Và liệu chiếc thuyền quyền lực trôi lững lờ được bao lâu trên mặt biển đau khổ và uất hận đang bắt đầu nổi sóng ấy?


Tài liệu tham khảo:
1. Frank Langfitt, For Complainers, A Stint in China's 'Black Jails', National Public Radio, 01/11/2012
 
2. Louisa Lim, China's New Leaders Inherit Country At A Cross Roads, National Public Radio, 29/10/2012
 
3. Louisa Lim, In China, A Ceaseless Quest To Silence Dissent, National Public Radio, 30/10/2012
 
4. Louisa Lim, At 79, Ex-Party Official Lambastes Chinese Leaders, National Public Radio, 25/10/2012
 
5. Stephen R. Platt, Is China Ripe for a Revolution?, New York Times, 12/2/2012
 
6. Ian Johnson, Wary of Future, Professionals Leave China in Record Numbers, New York Times, 01/11/20
7. Ian Johnson, 'In the Current System, I'd Be Corrupt Too': An Interview with Bao Tong, The New York Time Review of Books, 14/6/2012
 
8.Peter Ford, China crackdown underscores nervousness ahead of key Communist party meeting, Christian Sicence Monitor, 01/11/2012
 
9.Max Fisher,The creepiest sight in China? Tiananmen anti-self-immolator firemen, Washington Post, 8/11/2012

1.11.12

Trần Quốc Việt - Con đường Lương Tâm

Nhà văn Anh Geogre Orwell viết "Trong thời đại dối trá phổ quát-nói lên sự thật là hành động cách mạng."

Nhiều người thuộc nhiều thế hệ ở Việt Nam đã hay đang trả giá cho hành động cách mạng ấy từ Nguyễn Mạnh Tường đến Việt Khang. Người kế đến thuộc thế hệ trẻ hơn- Nguyễn Phương Uyên.

Trong chế độ toàn trị nơi bạo lực và dối trá ngự trị tự do ngôn luận là điều không tưởng. Cho nên nói lên sự thật trước tiên là một hành động can đảm. Khi Việt Khang viết "chống kẻ nhu nhược bán nước Việt Nam" và"bàn tay nào nhuộm đầy máu đồng bào" anh đã đánh thẳng vào thành trì của quyền lực, vào lực lượng thanh kiếm và lá chắn ra sức bảo vệ thành trì ấy. Mọi người ai ai cũng có thể nói ra những điều như thế hoặc hơn thế nữa ở chốn riêng tư nhưng anh là người đầu tiên nói ra một cách công khai qua âm nhạc. Bằng hai bản nhạc bất hủ chưa từng có này Việt Khang đã khắc tên anh trong lòng hàng triệu người Việt trong và ngoài nước.

Con đường Sự Thật đã in dấu chân can đảm của nhiều thế hệ. Con đường ấy khởi đi từ nỗi đau của Nguyễn Mạnh Tường "một người công dân đau khổ trước bao nhiêu cái chết oan của người vô tội", đến thơ của Lê Đạt "đem bục công an đặt giữa trái tim người/ Bắt tình cảm ngược xuôi/ Theo luật lệ đi đường nhà nước" đến nhạc của Việt Khang đến thơ của Nguyễn Phương Uyên "Đất nước tôi không có chiến tranh/ Mà nghe đau thắt ở trong lòng.../Núp dưới ảnh Bác và cờ đảng/ Chúng cơ hội bóc lột dân lành". Tinh thần Tự do và Sự thật vẫn quật cường tiềm ẩn trong từng thế hệ Việt Nam cho đến khi nào chế độ toàn trị đi vào nghĩa trang lịch sử.

Nhưng tại sao Lịch sử chọn họ mà không chọn ta để đi trên con đường đau khổ ấy? Lịch sử chọn họ vì họ can đảm. Họ can đảm không phải vì họ không sợ. Họ sợ như tất cả mọi người trong chúng ta nhưng họ đã nhìn thật sâu vào tâm hồn của mình để vượt qua được sợ hãi. Can đảm là phía bên kia của bức tường sợ hãi. Sau lưng họ là bức tường đổ nát, trước mắt họ là ánh sáng soi đường của lương tâm.

Nhiều người đứng bên lề trách họ "dại khờ". Tại sao họ chọn con đường khó mà đi? Họ không chọn con đường dễ hay khó. Họ chỉ theo con đường lương tâm họ đã soi sáng. Họ có thể buồn vì gia đình vì họ mà đau khổ vất vả hay con họ lớn lên vắng bóng cha. Nhưng họ không buồn và hối hận đã đi theo con đường lương tâm đã chọn cho họ.

Ước gì có nhiều người "dại khờ" như họ để nói lên sự thật như lời của nhà văn Nga Boris Pasternak: "Trong mỗi thế hệ phải có những kẻ dại khờ sẽ nói lên sự thật như họ thấy."

Nhưng như cơn gió đưa hương thơm của hoa đi xa, ngày họ vào tù là ngày họ đã gieo những hạt giống hy vọng và can đảm trong lòng những người ở bên ngoài. Trong những hạt giống rơi xuống lòng nhiều người ấy sẽ có những hạt giống sống được để ươm mầm can đảm cho những người khác tiếp tục đi trên con đường chung đã chọn của nhiều thế hệ.