28.9.12

Kitd-Dòng máu can đảm

Trần Quốc Việt dịch

Tạ Phong Tần rất có thể là Socrates tái sinh. Chắc chắn những lời dạy của bậc hiền triết này dường như nhập tâm vào người cựu sĩ quan công an Việt Nam:"Nếu các ông đề nghị tha tôi lần này với điều kiện tôi không còn được nói thẳng những điều tôi nghĩ..tôi nên nói với các ông, "Hỡi những người ở thành Athens, tôi sẽ vâng lời các đấng thần linh chứ không vâng lời các người."

Là thành viên của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do, một tổ chức bị chính quyền Việt Nam cấm, Tạ Phong Tần hầu như biết chắc chắn rằng những bài viết bày tỏ quan điểm của mình trên blog là bất hợp pháp.
Cách đây gần một năm chị bị cáo buộc tội tuyên truyền chống nhà nước và sẽ bị đưa ra xử cùng với hai thành viên khác của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do vào tuần tới và có thể sẽ đối diện với án tù hai mươi năm.

Tội của chị? Chị đã viết blog.

Như Socrates, chị đã chọn nói thẳng những điều mình nghĩ chứ không tuân theo những luật lệ bất hợp pháp ở nước mình.

Mẹ chị Tạ Phong Tần bà Đặng Thị Kim Liêng còn đi một bước xa hơn nữa nhằm phản đối lệnh bịt miệng của chính quyền: bà đến trụ sở chính quyền địa phương tự thiêu để phản đối việc bắt giam con gái.

Buồn thay, Tạ Phong Tần chỉ là một blogger trong hàng dài những blogger Việt Nam đối mặt với những bản án trừng phạt nặng nề vì đã viết bài trên mạng: Phan Thanh Hải, Lư Văn Bảy, Vũ Quốc Tú và vợ anh blogger Trăng Đêm, Vi Đức Hối, Nguyễn Văn Tính, Phạm Minh Hoàng, Điếu Cày. Và còn nữa. Còn nhiều nữa.

Tôi đã viết blog ngay cả trước khi người ta đặt tên cho nó. Tôi đã viết hàng trăm blog, và số lượng blog tôi đọc còn nhiều hơn thế. Tôi không luôn luôn đồng ý với các quan điểm, chủ trương, phong cách riêng của các blog tôi đọc. Những người khác đôi khi phản đối tôi dữ dội, nhiều khi đến độ nói thẳng với tôi là hãy câm miệng lại.

Cách đây gần năm trăm năm, có lẽ cũng nhập tâm những lời dạy của Socrates, Erasmus viết, "Trong một nhà nước tự do, lưỡi cũng nên tự do." Trong lịch sử chưa có thời nào trên thế giới chúng ta lại có nhiều người có thể nói năng tự do thoải mái đến như thế. Những ai trong chúng ta được hưởng quyền tự do nói năng một cách tự do, tự do viết blog mà không sợ bị bắt giam, trong tâm tưởng mình phải luôn luôn nghĩ về tình cảnh của những blogger đang sống ở những nơi không có tự do như thế.

Không có chỗ cho bất kỳ ai ra lệnh cho người khác phải giới hạn quan điểm của họ. Thế giới khai sáng sẽ là thế giới nơi mọi người có thể có những quan niệm bất đồng mà không sợ bị trả thù, không sợ bị bỏ tù, không sợ bị một vài blogger bạn khác chế diễu bảo câm miệng lại.

Cuộc ném đá bắt đầu khi một cá nhân nhặt đá lên.

Mẹ tôi là người dễ tánh, không quá nghiêm khắc, và khá cấp tiến trong cách nuôi dạy con cái. Tuy nhiên có một điều bà không chấp nhận ở trong gia đình là nếu ai đó trong chúng tôi bảo người khác phải "câm miệng lại". Tước đi ở ai khả năng thể hiện mình chẳng khác gì đánh họ.

Và có thể còn nguy hiểm hơn thế.

Có lẽ nhiều người trong chúng ta cần nhìn lại Socrates, để học ở ông lòng can đảm nói thẳng ra cho dù phải đối diện với bao sự trừng phạt nặng nề. Có lẽ nhiều người trong chúng ta cần nhớ rằng bất kỳ mưu toan nào nhằm hạn chế người khác bày tỏ ý tưởng là cái chết của tự do.

Chúng ta có thể không thể nhớ những cái tên Tạ Phong Tần và tên các đồng bào chị trong cuộc chiến vì tự do ngôn luận ở đất nước họ. Tuy nhiên tất cả họ đều mang chung dòng máu Socrates, và vì thế chúng ta không kém phần ngưỡng mộ họ.


Nguồn: Open Salon ngày 31/7/2012. Tựa đề của người dịch.
http://open.salon.com/blog/kitd/2012/07/31dangers_of_blogging_free_speech_revisited