Trần Quốc Việt dịch
Cairo
Vào ngày thứ Sáu, "ngày phẫn nộ", tôi xuống đường cùng bao người khác. Bạn bè và tôi tham gia cuộc biểu tình ôn hoà xuất phát từ giáo đường Hồi giáo Amr Ibn-al-As ở phố cổ Cairo gần nhà thờ Thánh George. Chúng tôi bắt đầu hô vang không ngừng khẩu hiệu, " Nhân dân muốn chế độ sụp đổ!" và cảnh sát bắn hơi cay mù mịt đón chào chúng tôi. Chúng tôi bắt đầu la to, "Ôn hoà, Ôn hoà," nhằm cố gắng chứng minh với cảnh sát chúng tôi không thù oán, chúng tôi chỉ đòi lại tự do của mình. Điều ấy chỉ càng làm cho cảnh sát thêm hung bạo. Rồi từ đấy cuộc đụng độ bắt đầu lan ra các con đường nhỏ trong khu phố cổ đa phần theo Công giáo.
Tôi cùng người bạn ẩn tránh trong đường hẻm nhỏ, ở đây mọi người ai cũng niềm nở chào hỏi chúng tôi. Dân dịa phương ở đây báo cho chúng tôi biết đừng cố gắng vượt thoát đến ga điện ngầm, mà chỉ cho chúng tôi đường thoát khác; ngay cả nhiều người trong họ cũng tham gia các cuộc biểu tình. Cuối cùng, một ngưòi lái xe hơi của mình đưa chúng tôi đến nơi an toàn.
Rõ ràng, mùi hương "cách mạng hoa nhài" đã toả nhanh đến Ai Cập. Sau cuộc truất phế thành công nhà độc tài Tunisia Zine el-Abidine Ben Ali, trên Facebook xuất hiện lời kêu gọi xuống đường làm cách mạng Ai cập, bắt đầu vào ngày 25 tháng Giêng. Tuy nhiên dân chúng ở đây đã chế giễu những người trẻ này khi họ dùng Twitter và Facebook để đưa ra những lời kêu gọi xuống đường: có đời nào cách mạng được châm ngòi vào ngày giờ đã định trước? Phải chăng cách mạng đã biến thành hẹn hò lãng mạng?
Những câu hỏi như thế xuất hiện rất nhiều trên các mạng xã hội; nhưng ngay cả những người hoài nghi, trong đó có tôi, đã trở nên hy vọng khi các lời kêu gọi xuống đường tiếp tục lan rộng trên mạng. Trong nháy mắt, thế hệ Twitter và Facebook đã tập hợp thành công hàng trăm ngàn người trên khắp cả nước cho sự nghiệp của thế hệ mình. Đa số họ là những người trẻ chưa từng tích cực về chính trị, và họ không thuộc về giới đối lập chính trị truyền thống. Không như chế độ tuyên bố, tổ chức Huynh đệ Hồi giáo không đứng đằng sau cuộc cách mạng toàn dân này. Những ai đã khởi xướng và tổ chức cuộc cách mạng này đã căm giận sôi sục từ lâu trước sự hành xử dã man của cảnh sát và trước sự trấn áp và tra tấn chế độ Hosni Mubarak thi hành.
Và, ngay từ đầu, chính quyền quyết định áp dụng tối đa vũ lực và sự tàn bạo để đối phó lại nhân dân với niềm hy vọng là kinh nghiệm Tunisia sẽ không được lập lại. Giờ đây suốt hàng mấy ngày trời, hơi cay đã trở thành dưỡng khí người Ai Cập phải hít vào. Hơi cay trong không khí nhiều đến nỗi có những báo cáo về trẻ nhỏ và người già nghẹt thở vì hơi độc ấy lan toả vào nhà họ. Lực lượng an ninh ở Cairo đầu tiên bắn đạn cao su vào người biểu tình, rồi tiến đến xử dụng đạn thật, qua đó cướp đi sinh mạng của hàng chục người.
Ở Suez, nơi các cuộc biểu tình diễn ra rất dữ dội, ngay từ ngày đầu cảnh sát đã dùng đạn thật bắn vào thường dân. Người bạn của tôi sống ở đấy đã gởi tôi tin nhắn, vào sáng thứ Năm, thành phố trông như thể mới vừa trải qua cuộc chiến tranh rất tàn khốc: phố xá bị đốt cháy tan tành, xác người nằm la liệt khắp nơi; rồi bạn tôi kết luận nghiêm túc, chúng tôi sẽ chẳng bao giờ biết được có bao nhiêu người đã ngả xuống trước làn đạn của cảnh sát ở Suez.
Hôm thứ Sáu sau khi thoát ra được phố cổ Cairo, các bạn của tôi và tôi tiến về Quảng trường Tự Do, tâm điểm của thành phố hiện đại và nơi diễn ra các cuộc biểu tình lớn nhất. Trên đường đi chúng tôi hoà vào một cuộc biểu tình khác, gồm chủ yếu những người trẻ tuổi, đang tiến qua trung tâm thành phố. Từ đằng xa, chúng tôi đã có thể nghe tiếng vang rền như sấm động phát đi từ cuộc biểu tình đang diễn ra ở Quảng trường Tự do, và thỉnh thoảng được điểm nhịp bằng những tiếng đạn rít lên và tiếng người la thất thanh. Từng phút, từng phút hết sức cẩn trọng trôi qua, những người biểu tình chúng tôi dần dần chiếm ưu thế, và số lượng chúng tôi càng lúc càng tăng lên. Mọi người chia xẻ với nhau những chai Coca- Cola để lấy nước soda vỗ lên mặt nhằm tránh những biến chứng do tiếp xúc với hơi cay. Nhiều người mang khẩu trang, còn những người khác rắc giấm lên khăn choàng đầu của họ.
Những người chủ cửa hàng phân phát những chai nước khoáng cho người biểu tình, còn những người dân thường phân phát thực phẩm đều đặn. Từ các cửa sổ và ban công phụ nữ và trẻ em nghiêng người ra để cùng hô khẩu hiệu với những người xuống đường. Tôi chắc chắn không bao giờ quên hình ảnh một phụ nữ quý tộc vừa lái chiếc xe sang trọng qua những đường phố nhỏ hẹp vừa cổ vũ những người biểu tình hãy giữ vững tinh thần, và nói với họ rằng chẳng bao lâu từ các nơi khác nhau trong thành phố hàng chục ngàn người khác sẽ sớm gia nhập với họ.
Sau vài cố gắng không thành để vượt qua những trạm kiểm soát an ninh để đến Quảng trường Tự do, chúng tôi ngồi nghỉ ở quán cà phê. Ngồi kế bên chúng tôi là ba sĩ quan từ Lực lượng An ninh Trung ương của chế độ. Họ có vẻ hoàn toàn bình thản, như thể họ chẳng mảy may bận tâm gì đến bao tiếng đạn rít lên và tiếng la hét bên ngoài, hay đến số người Ai Cập thương vong được Al Jazeera tường thuật đang phát ra từ chiếc ti vi ở trong quán. Họ và các đồng nghiệp của họ có mặt khắp thành phố để theo dõi đồng bào mình.
Vào tối thứ Sáu cảnh tượng hỗn loạn tăng lên theo từng giờ. Những đồn cảnh sát và trụ sở của Đảng Dân chủ Quốc gia cầm quyền bị đốt cháy khắp nơi trên cả nước. Tôi khóc khi biết tin 3000 người tình nguyện đã tạo ra vành đai người bao quanh viện bảo tàng quốc gia để bảo vệ nơi này khỏi bị cảnh cướp bóc và phá hoại. Những ai tình nguyện làm những chuyện như thế chắc chắn là người học cao và có văn hoá, chứ không phải những kẻ cắp hay bọn phá hoại như họ đã bị tố cáo bởi chính những kẻ phá hoại và ăn cắp Ai Cập trong suốt bao thế hệ.
Do giới nghiêm nên tôi không thể về nhà được, tôi đành qua đêm tại nhà người bạn gần toà nhà Quốc hội và bộ Nội vụ, một trong những nơi sóng gió nhất trong thành phố. Tối hôm đó, tiếng đạn rít lên liên tục. Từ cửa sổ chúng tôi theo dõi cảnh sát bắn mà không sợ bị kết tội vào những người biểu tình và vào trạm bán xăng gần đấy có lẽ như mong xảy ra vụ nổ. Bất chấp tất cả những điều này và bất chấp lệnh giới nghiêm, những cuộc biểu tình không chấm dứt, mà còn sôi sục kéo dài thêm ra do dân chúng tức giận khi thấy tổng thống Mubarak chậm phát biểu trước nhân dân, và vài giờ sau đó, họ lại càng tức giận hơn khi ông ta cuối cùng đọc bài diễn văn mà đáng bị lên án .
Vào sáng thứ Bảy, tôi rời nhà bạn tôi để đi về nhà mình. Tôi bước qua những mảnh thuỷ tinh vương vãi trên đường phố, và tôi có thể ngủi được hậu quả của những đám cháy hoành hoành suốt đêm qua. Quân đội, được chế độ điều đến để dẹp tan các cuộc biểu tình, hiện diện ở khắp mọi nơi. Tôi lúc đầu cố gắng đi băng qua Quảng trường Tự do để chính mắt mình xem viện bảo tàng có an toàn hay không. Một người qua đường cho tôi hay quân đội giờ đang cấm mọi người đi vào quảng trường và họ đang bắn súng. Vẻ lo lắng, tôi hỏi anh ta, " Thế quân đội đang bắn vào những người biểu tình ư ?" Anh trả lời tự tin: "Tất nhiên là không rồi. Quân đội Ai Cập chưa bao giờ bắn vào người dân Ai Cập nào, và bây giờ chắc chắn sẽ không bắn dân." Cả hai chúng tôi đều công khai bày tỏ mong muốn điều đó là sự thật, mong muốn quân đội đứng về phía nhân dân.
Binh lính hiện đang canh chừng các cuộc biểu tình vì lực lượng cảnh sát đã hoàn toàn biến mất trên đường phố, như thể muốn khiêu khích dân chúng phải chọn lựa giữa sự hiện diện của cảnh sát và cảnh hỗn loạn. Khắp thành phố băng đảng vũ trang mọc lên như nấm tìm cách đánh cướp các cửa hàng và xông vào nhà dân khủng bố.( Đêm thứ Bảy, một băng đảng mưu cướp tại toà nhà nơi tôi ở, nhưng chúng không thể đột nhập vào được.) Những người dân địa phương tình nguyện đã lập ra những uỷ ban để đương đầu với bọn tội phạm, trong tâm trạng rất bức xúc là chế độ cầm quyền cố tình gây ra cảnh hỗn loạn này.
Vào cuối ngày thứ Bảy, khi đi dọc theo bờ sông Nile về hướng đường Corniche, tôi đi ngang qua con đường nhỏ trong khu Phố Vườn giàu có, tại đây tôi bắt gặp một phụ nữ đang khóc. Tôi hỏi bà chuyện gì đã xảy ra, bà cho biết con trai bà, nhân viên của khách sạn sang trọng, đã bị trúng đạn của cảnh sát ở ngay cổ họng dù anh không tham gia biểu tình. Giờ đây người con bị tê liệt đang nằm ở trong bệnh viện, còn bà đang trên đường đi đến khách sạn để xin phép cho con được nghỉ bệnh. Tôi ôm bà và cố gắng an ủi, rồi bà nói qua dòng nước mắt, " Chúng ta không thể nào im lặng trước những chuyện đã xảy ra. Im lặng là tội ác. Máu của những người đã ngả xuống không thể nào bị chảy phí đi."
Tôi đồng ý. Im lặng là tội ác. Dù chế độ vẫn tiếp tục tấn công chúng tôi liên tục bằng đạn và hơi cay, tiếp tục ngăn chặn truy cập mạng và cắt điện thoại di động của chúng tôi, chúng tôi nhất định tìm đủ mọi cách để truyền tiếng nói của mình ra khắp nơi thể giới, và nhất định tìm đủ mọi cách để giành lại tự do và công bằng.
Mansoura Ez-Eldin là tác giả các tiểu thuyết " Mê cung của Maryam" và " Bên kia thiên đường". Nguyên tác tiếng Ả Rập, bản dịch sang tiếng Anh của Ghenwa Hayek.
Nguồn: New York Times, ngày 31 tháng Giêng năm 2011