Ở Việt Nam tháng Năm là tháng của lãnh tụ. Karl Marx và Hồ Chí Minh sinh vào tháng Năm. Đức Phật cũng sinh vào tháng Năm. Trong tháng Năm này, tôi đọc nhiều câu chuyện cũ và mới có liên quan đến các lãnh tụ trong các nước cộng sản. Nói xa trước nói gần sau.
Khởi đầu là Bắc Hàn. Tháng Mười Một năm ngoái, 5 thuỷ thủ tàu Bắc Hàn chết đắm trong khi cố cứu ảnh chân dung của các lãnh tụ Kim Chính Nhật và cha của ông, Kim Nhật Thành, khi chiếc tàu chở hàng chìm trong nước giá lạnh ở ngoài khơi Trung Quốc. Chính phủ Bắc Hàn khen ngợi những thuỷ thủ đã chết là những anh hùng và trao tặng huân chương cho gia đình những người đã khuất. Ở Bắc Hàn chân dung hai cha con lãnh tụ đều phải được treo trong mọi nhà và tại tất cả những nơi công cộng. Bắc Hàn luôn luôn khen ngợi những công dân nào đã liều mình cứu những ảnh chân dung lãnh tụ khi nhà họ bị cháy. Nhân dân biết rằng hình ảnh của lãnh tụ còn quý giá hơn mạng sống của họ.[1]
Cách đây nhiều năm, tôi có đọc được một cuốn sách tiếng Anh có tựa đề Bể nuôi cá của Bình Nhưỡng viết về cảnh tù đầy ở Bắc Hàn. Tác giả là Kang Chol-Hwan, người ở tù 10 năm cùng với gia đình. Năm chín tuổi Kang theo cả nhà vào tù với tội danh không rõ. Cuốn sách tôi đọc qua chỉ một lần nhưng tôi luôn nhớ về câu chuyện một gia đình tan nát trong cảnh tù đày sau khi họ hồi hương từ Nhật về Bắc Hàn. Mới đây tôi đọc một bài báo về tác giả, trong đó có đoạn viết về ngày tác giả rời khỏi “thiên đường” như sau:
“Năm 1987, Kang và gia đình anh bất ngờ được thả ra khỏi tù. Với không một lời giải thích nào từ chính quyền.
Năm năm sau, Kang đào thoát được, sau khi hối lộ người lính biên phòng để cho anh vượt qua con sông biên giới với Trung Quốc. Một khi đặt chân lên phía bên kia biên giới, anh dừng lại để thực hiện một hành động nổi loạn và uất hận cuối cùng: anh lấy ra một huy hiệu tôn vinh lãnh tụ lúc đó là Kim Nhật Thành và đập mạnh nó vào một tảng đá.
‘Thật là một cảm giác hân hoan khôn tả,’ anh nhớ lại. ‘Huy hiệu đó là biểu tượng của chế độ. Đập nát nó đi là cách tôi nói rằng tôi vĩnh viễn ra đi.’”[2]
Kế đến là chuyện lãnh tụ Liên Xô. Giáo sư Paul R. Gregory ở đại học Houston, Hoa Kỳ, viết một cuốn sách có tựa đề Não Lenin và những câu chuyện khác tìm được từ hồ sơ lưu trữ Xô Viết. Sau khi Lenin mất vào năm 1924, não của ông được ngâm trong dung dịch formaldehyde. Sau đó não được cắt ra 30,953 mảnh được chọn lọc cẩn thận để nghiên cứu nhằm chứng minh, theo lệnh của Stalin, lãnh tụ sáng lập ra Liên Xô là một thiên tài. Hồ sơ từ năm 1925 đến năm 1936 chứng tỏ rằng kết luận được rút ra trước khi người ta bắt đầu nghiên cứu não của lãnh tụ. Viện não khẳng định với Stalin rằng Lenin thông minh hơn bất kỳ người nào khác. Điều này nhắc ta nhớ rằng các lãnh tụ cộng sản đều coi quần chúng không ra gì cả và cơ bản là xem họ không đáng tin cậy, vì vậy nếu không có “tầng lớp lãnh tụ tinh hoa khai hoá quản lý quần chúng thì sẽ không bao giờ có thiên đường của giai cấp công nông. Theo lập luận này, những lãnh tụ sáng lập ra nền chuyên chính vô sản họ ắt hẳn phải cao hơn tất cả quần chúng một cái đầu và hai cái vai.”[3]
Giờ tới câu chuyện về lãnh tụ cuối cùng của Liên Xô, Gorbachev. Nhà nghiên cứu độc lập người Nga, Pavel Stroilov, đã bí mật sao chép trong thời gian dài những hồ sơ lưu trữ của tổ chức Hội Gorbachev. Đây là những bản sao hồ sơ tuyệt mật chưa từng được công bố mà Gorbachev đã mang theo một cách bất hợp pháp khi ông rời điện Kremlin.
Năm 2003 Stroilov trốn khỏi nước Nga sang Anh xin tỵ nạn chính trị. Năm 2006, sau khi đánh giá các tài liệu này với sự hợp tác của các nhà bất đồng chính kiến Xô Viết nổi tiếng và các điệp viên thời Chiến tranh Lạnh, các chánh án Anh kết luận rằng Stroilov nói thật và cho ông hưởng quy chế tỵ nạn. Chính Hội Gorbachev từ đó cũng thừa nhận những tài liệu này là thật. Trong một tài liệu, Gorbachev cười với Bộ Chính trị về chuyện Liên Xô bắn hạ máy bay hãng hàng không Nam Hàn năm 1983 khi bay lạc vào không phận cấm của Nga làm 269 người thiệt mạng, một tội ác đáng ghê tởm và suýt nữa gây ra thảm hoạ hạt nhân. Còn sau đây là một đoạn trích từ biên bản cuộc họp của Bộ Chính trị vào ngày 4 tháng Mười năm 1989:
“Lukyanov báo cáo rằng số người chết thật sự ở Quảng Trường Thiên An Môn là 3000 người.
Gorbachev: Chúng ta phải thực tế. Họ, cũng giống như chúng ta thôi, phải bảo vệ mình chứ. Ba ngàn… thì đã sao nào?”[4]
Ở đây người ta nhìn thấy một hình ảnh đen tối hơn của lãnh tụ cuối cùng Xô Viết, người thường được ca ngợi là góp phần làm sụp đổ các nước cộng sản ở Đông Âu.
Tháng Năm là tháng ra đời lãnh tụ của các lãnh tụ. Đó là Karl Marx, ngưòi có những học trò quá xuất sắc ngoài sự mong đợi của thầy như Stalin và Pol Pot. Trong phần II của Tuyên ngôn Cộng sản do Marx và Engels viết có đưa ra 10 biện pháp những người cộng sản nên áp dụng sau khi cách mạng thành công. Tôi xin nêu ra biện pháp số 9: “Kết hợp nông nghiệp với công nghiệp sản xuất; xoá bỏ dần sự phân biệt giữa thành thị và nông thôn, bằng sự phân phối bình đẳng hơn dân số trên khắp nước.”[5]
Thế là Pol Pot ra lệnh “toàn bộ dân số rời về miền quê. Lệnh này áp dụng không phân biệt tình cảnh của người dân- trẻ em, người già, người tàn tật, người bệnh ở nhà hay trong bệnh viện – tất cả mọi người đều phải đi. Hàng triệu người tản cư ra khỏi nhà và phải đi bộ suốt mấy ngày trời. Có rất nhiều người nằm trên giường bệnh viện được người nhà đẩy đi. Những ai đi không nổi đều bị giết. Thiếu thực phẩm và nước uống, vệ sinh, y tế và dịch bệnh xảy ra; ‘Ước tính khoảng độ 100,000 người chết trong một cơn dịch tả xảy ra ở vùng tây nam Phnom – Penh 15 ngày sau cuộc tản cư vĩ đại.’”[6] Pol Pot đi xa hơn nữa: làm lại từ đầu bằng Năm Zero. Nền văn minh đã biến mất!
Còn Stalin nhận được báo cáo trong năm 1944 của trùm công an chìm là công việc lưu đày 180,014 người dân Tatar ở Crimea ra khỏi vùng đất tổ tiên của họ đã diễn ra “êm thắm”. Chỉ hai chữ không thôi cũng đã nói lên bản chất dã man và tàn bạo của “thiên đường”.[7]
Hôm nay đọc lại Tuyên ngôn Cộng sản, tôi thấy Marx chỉ nói về giai cấp tư sản và giai cấp vô sản mà không thấy nhắc đến con người cá nhân cụ thể. Qua ngòi bút của ông, con người chỉ còn lại là tập thể quần chúng và tập thể kẻ thù. Tôi nhớ lại lời nói của viên sĩ quan công an Xô Viết trong bộ phim Bác sĩ Zhivago rằng “cuộc đời riêng của cá nhân đã chết trong nước Nga mới.”
Trong một bài viết gần đây nhan đề “Trí thức và xã hội”, giáo sư Thomas Sowell của Đại học Standford nhận xét rằng các tư tưởng của Marx đã làm đảo điên bao quốc gia, gây ra bao chiến tranh, bao đau thương chết chóc cho hàng triệu người thuộc bao thế hệ khác nhau.[8] Dù ông không muốn, tư tưởng của ông được các lãnh tụ cộng sản áp dụng và qua đó đã giết 150 triệu người trong thế kỷ 20.
Đối với các nước cộng sản lãnh tụ không bao giờ chết. Chẳng hạn Kim Nhật Thành quá cố của Bắc Hàn vẫn là là chủ tịch nước vĩnh viễn. Lenin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh là những lãnh tụ “bất tử” nằm mãi trong lăng.
Tháng Năm năm nay ở Việt Nam Đảng Cộng sản mừng 120 năm ngày sinh lãnh tụ. Bao ngôn từ và giấy mực đã được dùng đến để tụng ca lãnh tụ. Nhưng nói gì thì nói, Hồ chí Minh vẫn là người chịu trách nhiệm cao nhất vì đã du nhập chủ nghĩa cộng sản vào nước ta và từ đó gây ra bao cái chết và bao tang thương bể dâu cho hàng triệu cá nhân người Việt Nam qua cuộc nội chiến nồi da xáo thịt, phá vỡ đi bao giá trị đạo lý và văn hoá lâu đời của xã hội. Tổng thống Kennedy có nói đại ý là một xã hội không có tự do và dân chủ khi một cá nhân bị đối xử bất công. Tự do và hạnh phúc chỉ là những từ hoa mỹ trên những tờ đơn của người dân gõ cửa các nơi công quyền để xin xỏ, van lơn, cầu khẩn. Có tự do và dân chủ không khi một Hà Sĩ Phu bị cấm dùng điện thoại hơn 11 năm trời? Có độc lập, tự do, hạnh phúc không khi công an mới đây lại hành xử quá thô bạo với một Lê Thị Công Nhân như đối xử với thú vật? Có tự do hạnh phúc không khi một Tạ Phong Tần, một blogger Anh Ba Saigon bị công an xông vào nhà để giải lên làm việc với công an? Có tự do hạnh phúc không, khi vì công an và chế độ, một Lê Trần Luật lao đao đi tìm chỗ trọ và việc làm? Và một Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long và Trần Huỳnh Duy thức đang “bận đi tù” trong tháng Năm rất nóng ở Việt Nam này? Họ chỉ thể hiện ôn hoà quyền tự do tư tưởng của mình nhưng phải trả những cái giá quá đắt cho quyền tự do ấy ở một nơi mà trên mọi tờ đơn đều có dòng chữ “Độc lập – Tự Do – Hạnh Phúc”.
Ông Hồ đã chết nhưng đối với lịch sử ông vẫn có tội như số phận chung của bao lãnh tụ công sản khác trải dài từ Marx, Lenin, Stalin, Trosky đến Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Pol Pot, anh em nhà lãnh tụ Castro, và hai cha con Kim lãnh tụ ở Bắc Hàn.
Lãnh tụ vô sản của các nước, hãy đoàn kết lại để bước vào toà án muôn đời của lịch sử!
Nhưng lãnh tụ, xét cho cùng, không thể nào tự mình tạo ra tầm vóc “thần thánh” được nếu không có sự reo hò cuồng nhiệt của tập thể quần chúng mang danh văn nghệ, nhà báo, và trí thức khấu đầu tụng ca không ngưng nghỉ ở sân chầu bên dưới. Tố Hữu trong bài thơ Nhà Lê Nin khen lãnh tụ như sau: “Với Lê-nin, làm lại loài người /Với Lê-nin, làm thế kỷ hai mươi.”
Ca tụng như vậy, không ai giành nổi chức vô địch về nịnh hót của nhà thơ cung đình này, nhưng những lời thơ bọc đường như vậy sẽ làm ô nhiễm những tâm hồn non nớt thơ ngây, và qua thời gian, tạo ra đội quân mới chỉ làm có hai việc là tuân phục lãnh tụ và ca tụng lãnh tụ.
Hay nhà thơ Chế Lan Viên ca tụng lãnh tụ Hồ Chí Minh trong bài thơ Người đi tìm hình của nước.” “Bác” đi tìm đường cứu nước, và trong cái đêm đầu tiên trên biển, “Bác” trải qua tâm trạng: “Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ?/ Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương!” Và Chế Lan Viên thấy thương” Bác” vì theo nhà thơ, chúng ta không thể nào: “Hiểu sao hết những tấm lòng lãnh tụ/Tìm đường đi cho dân tộc theo đi.” Rồi từ “Luận cương của Lê Nin”, “Bác” tìm ra hình ảnh của nước Việt tương lai. Toàn bộ bài thơ là sự tưởng tượng hoa mỹ của nhà thơ họ Chế về lãnh tụ ngoại trừ một câu duy nhất có vẻ thật: “Hình của Đảng lồng trong hình của Nước.” Nhưng sau khi nương theo cao trào yêu nước của nhân dân để lên nắm chính quyền, Đảng Cộng sản của ông Hồ đã đảo ngược rất nhanh câu thơ trên thành: Hình của nước lồng trong hình của Đảng.
Từ đấy, Đảng lồng lên hết tất cả, từ mùa xuân như trong khẩu hiệu “Mừng Đảng Mừng Xuân”, đến quốc gia, dân tộc, lịch sử, văn hoá, đạo lý – mọi thứ. Đảng là quyền lực tối cao, Đảng là người thẩm định duy nhất toàn bộ mọi giá trị. Đảng là tất cả.
Từ đấy lãnh tụ và Đảng ám cả dân tộc![9]
Đảng triệt tiêu lòng yêu nước tiềm tàng, chặn lối về quá khứ, bít lối đi đến tương lai qua khẩu hiệu: “Yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội.”
Hơn nữa, trong Tuyên ngôn Cộng sản, Marx viết “Những người vô sản không có tổ quốc.” Vì vậy đối với tầng lớp lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, chuyện nhượng biển, nhượng đất hôm nay chẳng có gì quan trọng. Lenin khi nhìn các đoàn quân Nga Sa Hoàng tan rã vào đầu năm 1917 đã nghĩ ra cụm từ “cuộc bỏ phiếu bằng chân.”[10] Đảng và lãnh tụ đi đến đâu, người dân bỏ phiếu bằng chân đến đấy. Cuộc di cư tập thể vĩ đại cả triệu người trên các con tàu há mồm từ Bắc vào Nam là sự thực tập bi hùng cho hàng triệu những cuộc di cư cá nhân riêng rẽ trên biển sau này sau năm 1975. Người dân liều mình vượt biên trên những con thuyền mỏng manh bất chấp sóng to, hải tặc, và tương lai mờ mịt để đi tìm hình của cá nhân mình trên những bờ biển xa lạ. Và khi những con tàu bập bềnh như chiếc lá này đến được vùng biển nơi “Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương!”, họ mừng rỡ hân hoan đến trào nước mắt. Đi là để được trở lại làm người. Người Việt Nam vượt biển, băng rừng, người dân Đông Đức đào hầm, trèo tường, người Bắc Hàn lội qua sông, còn người Cuba thì liều chết, bất chấp cá mập, vượt biển trên những thuyền làm bằng xốp và các lốp xe cũ. Tất cả họ đều thực hiện những cuộc bỏ phiếu sinh tử bằng chân để thoát lô cốt và chủ nghĩa cộng sản.
Tháng Năm là tháng hướng về yêu thương khi ta tưởng đến ngày sinh của đức Phật. Tôi không phải là phật tử, nhưng tôi dường như thấy hình ảnh thấp thoáng của đức Phật qua khuôn mặt hiền hoà, qua nụ cười muôn thuở của đức Dalai Lama, người đơn độc đương đầu với “đế quốc Ác” Trung Quốc. Đây là câu chuyện tôi đọc trong tháng Năm về ông.
Trận động đất xảy ra vào ngày 14 tháng Tư tại thị xã Ngọc Thụ, tỉnh Thanh Hải, Tây Tạng, đã làm thiệt mạng hơn 2000 người. Trung Quốc không cho phép đức Dalai Lama về thăm các nạn nhân đồng bào của ông. Tuy nhiên mỗi lần nhìn thấy máy bay trên đầu, những nạn nhân người Tây Tạng lại hồi hộp vì họ hy vọng biết đâu đức Dalai Lama ở trên máy bay ấy. Nhiều người, sau khi động đất đã qua, đã cố đào bới tìm ảnh của đức Dalai Lama chôn vùi trong những đống gạch vụn đổ nát.[11]
Tôi đọc tin này mà thấy lòng bồi hồi xúc động trước niềm yêu thương của người dân Tây Tạng dành cho đức Dalai Lama, người đã dành gần hết cuộc đời để đi khắp nơi kêu gọi thế giới lưu tâm đến tình cảnh Tây Tạng dưới ách cai trị của Trung Quốc. Còn người Tây Tạng trong nước liều mình cất giấu ảnh Dalai Lama và mong ước sao có ngày nhìn lại vị lãnh đạo mà họ một đời tôn thờ.
Có lãnh tụ cộng sản nào được nhân dân mình yêu mến thật lòng đến như vậy?
Nhà thơ người Nga lưu vong Brodsky bất mãn với lãnh tụ ngay khi còn nhỏ, như ông nhớ lại: “Tôi bắt đầu khinh bỉ lãnh tụ, ngay khi tôi còn học lớp một, không hẳn vì triết học hay thực tiễn chính trị của lãnh tụ… mà vì ảnh của Người ở khắp mọi nơi.”[12]
Năm 15 tuổi ông bỏ học, làm đủ mọi nghề tay chân để kiếm sống và làm thơ, rồi năm 23 tuổi ông “bận đi tù” 5 năm ở trại lao động với tội danh “thi sĩ ăn bám xã hội”. Năm 31 tuổi, ông nhận hai giấy mời di dân đến Israel. Tháng Năm năm sau (1972), Bộ Nội vụ Liên Xô mời ông lên hỏi tại sao ông không chịu nhận lời ra nước ngoài. Ông nói ông không muốn rời quê hương. Trong vòng 10 ngày, công an xông vào nhà ông, tịch thu giấy tờ, giải ông ra phi trường và ép ông lên máy bay đến Vienna, Áo. Đêm đầu tiên ở nước ngoài, trong một phòng khách sạn, ông ngồi cặm cụi suốt đêm ráp lại chiếc máy đánh chữ cũ công an đã tháo rời ra từng mảnh để lục soát ở phi trường. Ông không bao giờ về lại Nga ngay cả khi đoạt giải Nobel văn chương năm 1987.
Ngày ông mất, lúc ấy tôi mới qua Mỹ được 4 năm. Lòng ban ngày vẫn còn bỡ ngỡ ở xứ lạ, hồn ban đêm vẫn còn tưởng đến quê cũ, tôi đọc bài viết trên báo Mỹ về ông mà lòng dậy lên niềm cảm khích xen lẫn bồi hồi khi đọc một lời thơ của ông trích trong báo: “Tự do là khi ta bắt đầu quên tên lãnh tụ.”
Xin cảm ơn ông đã nói lên một câu rất thấm thía đối với những ai đã sống qua những chế độ cộng sản. Xin lặp lại câu nói của ông để thay lời kết.
Tự do là khi ta bắt đầu quên tên lãnh tụ.
© 2010 Trần Quốc Việt
© 2010 talawas
--------------------------------------------------------------------------------
[1] John M. Glionna, Los Angeles Times, 23/1/2010.
[2] John M. Glionna, Los Angeles Times 7/4/2010.
[3] Andrew Nagorski, Newsweek 10/1/2008 & Andrew Stuttaford, New York Sun 21/5/2008,
[4] Claire Berlinski, City Journal, số mùa xuân năm 2010.
[5] Karl Marx và Friedrich Engles, Tuyên ngôn Cộng sản, trongThe Making Of Society do V.F. Calverton biên tập, nhà xuất bản The Mordern Library, New York, trang 362.
[6] Democratiya 16, Spring/Summer 2009, trang 156.
[7] Xem chú thích số 3.
[8] Thomas Sowell, Townhall.com, 5/1/2010.
[9] Tôi mượn từ “ám” của nhà văn Phạm Thị Hoài trong bài “Tư cách trí thức Việt Nam”, phần “thằng khách quan”, từ trang mạng Dân Luận.
[10] George F. Will, Suddenly, The Free Press, 1990, trang 84.
[11] The Economist, 29/4/2010.
[12] Robert D. McFadden, New York Times, 29/1/1996.