Mã Kiện
Trần Quốc Việt dịch
London- Khi cựu tổng thống Tiệp Khắc Vaclav Havel gõ cửa tòa đại sứ Trung Quốc ở Prague để yêu cầu thả nhà văn Lưu Hiểu Ba ra, tôi cảm thấy có gì đó quen thuộc đến kỳ lạ. Cách đây ba mươi ba năm Havel đã góp phần khởi thảo ra Hiến Chương 77, một văn kiện quan trọng kết tinh các lý tưởng của tất cả những người bất đồng chính kiến, và của bao nhiêu người khác, đang còn bị mắc kẹt sau Bức Màn Sắt.
Havel, dĩ nhiên, được ban một bản án dài hạn cho các nỗ lực của ông. Bây giờ ông Lưu bị kết án 11 năm tù cho vẫn chính tội đó: khởi thảo ra Hiến Chương 08, có lẽ đây là cố gắng can đảm nhất từ trước đến nay nhằm phác thảo ra con đường ôn hoà tiến đến tự do cho Trung Quốc.
Người ta nói rằng lịch sử lập lại, lần đầu là bi kịch, lần hai là hài kịch. Và quả thật là khôi hài khi chính quyền Trung Quốc cố đàn áp nỗi khao khát tự do bằng chính những phương cách tàn bạo mà những người cộng sản thời Xô Viết đã từng làm. Việc bỏ tù ông Lưu dựa trên cái tội vô lý lật đổ nhà nước Trung Quốc là điển hình cho kiểu suy nghĩ ta thấy trong các xã hội khép kín của chủ nghĩa cộng sản trong thế kỷ hai mươi, là nơi mà nhà nước khẳng định quyền tuyệt đối của họ để phán xét tất cả các tư tưởng và tất cả các trí thức.
Trong một nhà nước như thế, đối với mọi người cách duy nhất để tồn tại là trở thành công an tư tưởng của chính bản thân, tức là tự kiểm duyệt và không bao giờ dám chất vấn. Nhưng phán xét và giam cầm tư tưởng của chính mình, hay bất kỳ tư tưởng nào khác, có nghĩa là kết tội chính nền văn minh.
Hơn nữa trong thời đại internet ngày nay, không có nhà tù hay chế độ kiểm duyệt nào có thể giết chết một tư tưởng một khi thời của tư tưởng ấy đã đến. Chẳng hạn, trong cuộc chiến hiện nay với Google, chính quyền Trung Quốc dường như đang nghĩ rằng những chuyên gia về kỹ thuật của họ có thể cung cấp phương tiện để duy trì sự kiểm soát tư tưởng cũ kỹ. Nhưng, may mắn thay, đối với người có kiên nhẫn và một chút kỹ năng máy tính, internet lại rò rỉ như cái rây.
Tiến bộ lớn lao của nền kinh tế Trung Quốc trong 30 năm vừa qua là điều mà tất cả người Trung Quốc vui mừng. Nhưng việc bỏ tù ông Lưu cũng chứng minh bằng những lời rất rõ ràng rằng sự coi thường nhân quyền của Trung Quốc qua đó cũng nương theo dòng hàng hoá Trung Quốc mà chảy ra khắp thế giới. Thật vậy, càng ngày người ta càng thấy rõ rằng Trung Quốc mở cửa kinh tế chỉ để duy trì tầng lớp cai trị đang nắm quyền lực rất lớn, chứ không tôn trọng và nâng cao cuộc sống của những người Trung Quốc bình thường.
Mặc dù chính quyền Trung Quốc không tuân theo bất kỳ các cam kết quốc tế nào của họ về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá, các nước dân chủ trên thế giới có vẻ đã không còn muốn bảo vệ các niềm tin của mình nữa, như đã thể hiện môt cách đau lòng qua thái độ hạ mình trước Trung Quốc của tổng thống Obama trong chuyến thăm vào tháng Mười Một. Nhưng chính sự từ chối bó mình theo các giá trị của chủ nghĩa quốc xã và của chủ nghĩa cộng sản trong thế kỷ hai mươi đã bảo đảm chiến thắng của tự do. Tự do ngày nay cần lại chính sự bảo vệ cương quyết này.
Vâng, nền văn minh dường như đang ở thế phòng thủ. Tuy nhiều người hình như phủ nhận điều này, nhưng chính trị thực đã lùi dần tới sự khai chiến trở lại cuộc đấu tranh trường kỳ ở thế kỷ vừa qua cho dân chủ và tự do. Mô hình chủ nghĩa tư bản chuyên chế của Trung Quốc có vẻ đang thắng thế, nhưng thật sự không có gì mới về mô hình này; giống như tất cả các chế độ độc tài, nó tước đi người dân các quyền chính trị và tự do ngôn luận. Các trí thức Trung Quốc còn đối diện với hiện thực tàn nhẫn nhất, đó là sự đàn áp khắc nghiệt và một quần chúng tôn thờ của cải và vật chất.
Nhưng sự toàn cầu hoá các quyền lợi thương mại vẫn còn giữ lại quyền lực nào đấy để hạn chế chủ nghĩa chuyên chế Trung Quốc, đặc biệt nỗ lực của nó nhằm đàn áp nhân dân Tây Tạng và Tân Cương, nếu ước gì các nước dân chủ trên thế giới biết nắm lấy quyền lực ấy. Các nước yếu, tất nhiên, có khuynh hương bi quan về sức mạnh đang lên của Trung Quốc. Vấn đề là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã khiến ngay cả các nước Tây phương tiên tiến cũng hoài nghi về sự đúng đắn về việc cho phép nền văn minh nhân quyền thuộc về chính trị can thiệp vào nỗ lực tìm cách phục hồi sự phát triễn về kinh tế.
Các nhà chính trị dân chủ không được đánh mất lương tâm để lấy lòng hoặc các công dân của họ đang bất an về kinh tế hay chế độ Trung Quốc. Con đường đó nhất định chỉ dẫn đến sự thối nát về đạo đức và chính trị. Havel đã thấu đạt ý này khi ông chỉ trích thái độ im lặng của Obama về nhân quyền tại Bắc Kinh. Sự hạ mình đến như thế sẽ chỉ khiến cho mọi người bắt đầu hoài nghi phải chăng dân chủ là một hệ thống xã hội vẫn còn sức sống.
May mắn thay, sự việc Trung Quốc bỏ tù Lưu Hiều Ba sẽ không thành công trong mưu toan của họ, như theo cách nói của người Trung Quốc chúng tôi, là giết gà để nhát khỉ. Đôi với người Trung Quốc bình thường ông Lưu quá đỗi vô hình cho nên điều đó không thể xảy ra. Không, mục tiêu của vụ bắt giam ông Lưu là nhắm vào những ai coi trọng dân chủ ở bên trong Trung Quốc và cả ở nước ngoài. Đây là một nỗ lực nhằm kết tội các tư tưởng dân chủ và buộc người ta chọn những tư tưởng này hay là chọn muốn làm ăn với Trung Quốc.
Đây là một chọn lựa sai lầm. Nền kinh tế Trung Quốc cần các thị trường thế giới nhiều như các thị trường thế giới cần đến Trung Quốc, nếu không nói là cần hơn. Hơn thế nữa, xu hướng xoa dịu Trung Quốc của Phương Tây sẽ dần dần khiến cho người dân thường Trung Quốc mất đi lòng tin rằng công cuộc hiện đại hoá nền kinh tế rồi sẽ cho phép họ được tự do. Vì thế cứ mãi im lặng trước cảnh các nhà thơ, nhà văn, hay luật sư, những người như Sư Đào, Vương Tiểu Ninh, và Đàm Tác Nhân, bị đối xử như tội phạm sẽ chỉ khẳng định rằng rồi cuối cùng thị trường Trung Quốc cũng sẽ mất đi cùng với bao tự do của Trung Quốc. Một xã hội khép kín trước sau gì cũng trở lại một nền kinh tế khép kín.
Thủ phạm thật sự trong vụ Lưu Hiểu Ba, tất nhiên, là nhà nước Trung Quốc. Những ai cho rằng chủ nghĩa chuyên chế chính trị biến thái của Trung Quốc và nền kinh tế hùng mạnh có thể trường tồn cũng đều là những kẻ có tội. Một chế độ như thế không thich hợp với tương lai giống như chế độ của Mao không thich hợp với quá khứ.
Nguồn: www.project-syndicate.org/commentary/ma4
Mã Kiện là nhà văn Trung Quốc lưu vong hiện sống ở Anh.
Bản tiếng Việt © 2010 Trần Quốc Việt
Bản tiếng Việt © 2010 talawas