17.7.12

Jeffrey T. Kuhner -Hãy chôn Lenin không kèn không trống

Trần Quốc Việt dịch

Cuối cùng, ngưòi Nga đang xem xét chuyện chôn cất Vladimir Lenin. Xác ướp của nhà lãnh đạo Bolshevik nằm trong quan tài thủy tinh tại lăng Hồng Trường ở Mạc Tư Khoa kể từ khi ông qua đời vào năm 1924 cho đến nay. Đối với nhiều người, ông là biểu tượng sáng chói của chế độ cộng sản Xô Viết, là người xả thân cho sự nghiệp lý tưởng cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nhưng ông thực trái ngược hẳn lại, là hiện thân của ý thức hệ toàn trị sát nhân khiến hàng chục triệu người chết. Vấn đề không phải là có nên chôn ông hay không, mà vấn đề là tại sao phải mất quá lâu để chôn ông. Đây là nỗi xấu hổ của nước Nga.

Nhà cầm quyền Nga có thể cuối cùng bắt đầu hành động. Tuần này, bài viết của Marc Bennetts trên tờ Washington Times tường thuật Bộ trưởng Văn hóa Nga Vladimir Medinsky đang nghĩ đến chuyện có nên an táng xác Lenin hay không.

"Tôi luôn luôn tin xác chết nên được ký thác cho đất," ông Medinsky nói."Hơn nữa, thân nhân của Lenin đã xin nhà cầm quyền không đặt ông ở trong lăng."

Lenin không chỉ là nhà lãnh đạo nổi bật của cuộc cách mạng Bolshevik vào năm 1917. Ông còn là người phát động và là lực đẩy trí thức và chính trị của cuộc mạng ấy. Không có ông người cộng sản không thể nào cướp được chính quyền. Khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, xác Lenin lẽ ra nên được chôn chung với chế độ cộng sản thất bại của ông.

Thay vì thế, như ông Bennetts chỉ ra, mộ Lenin đã trở thành đền thờ cho nhiều người Nga còn hoài niệm về đế quốc Xô Viết. Từ Mạc Tư Khoa đến dãy Urals, nhà độc tài Bolshevik vẫn còn được tôn thờ. Tên và hình ảnh của Lenin vẫn còn tô điểm các băng nhạc rock, tàu điện ngầm, thư viện, chính quyền tỉnh, tượng, tượng đài, chứng tỏ uy tín của Lenin vẫn còn. Liên Xô chết, nhưng tệ sùng bái cá nhân Lenin vẫn tồn tại.

Đây là lý do rất nhiều người Nga tiếp tục phản đối việc an táng ông. Theo Andrei Vorobyov, viên chức cấp cao trong đảng Nước Nga Thống nhất cầm quyền, vấn đề này là "vấn đề gây nhiều tranh cãi". Ngay cả ông Medinsky nghĩ Lenin nên được an táng với "đầy đủ các nghi lễ danh dự quốc gia" còn lăng Hồng Trường được biến thành viện bảo tàng rất lớn để tưởng niệm quá khứ Xô Viết. Khác với thường lệ nhà độc tài Nga Vladimir Putin tuyên bố trung lập về vấn đề này, khẳng định nên để "nhân dân tự quyết định."

Những người Nga nên cảm thấy xấu hổ. Đền thờ Lenin phải dẹp bỏ. Nhưng chôn ông với sự trang trọng và lễ nghi dành cho bậc anh hùng quốc gia sẽ là sự sỉ nhục đối với vô số nạn nhân của ông. Ý tưởng ấy phản ánh căn bệnh đạo đức trầm trọng trong nước Nga hiện đại, hay sự bất lực đối mặt với quá khứ Xô Viết.

Lenin là người kiến tạo ra hệ thống giết người tập thể lớn nhất trong lịch sử. Ông được xếp cùng hạng với những bạo chúa diệt chủng như Josef Stalin, Mao Trạch Đông và Adolf Hitler. Thật sự Lenin đã khai sinh ra cả chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa quốc xã trong thế kỷ hai mươi. Trái với niềm tin sai lầm, ông không phải là người cộng sản nhân ái hoang tưởng ấp ủ những lý tưởng vượt qua xa tầm tay với của nhân loại. Thực ra ông là bạo chúa tàn bạo đã thiết kế nên một nhà nước toàn trị tàn độc chưa từng có trong lịch sử.

Lenin đã cướp và duy trì quyền lực bằng cách thực hiện cuộc chiến tranh tàn nhẫn không khoan nhượng nhằm chống lại những kẻ thù, vừa thực vừa giả, ở trong nước ông. Ông kết hợp chính sách khủng bố của nhà nước với sự cai trị độc đảng trong nỗ lực chưa từng có nhằm cải tạo hoàn toàn mọi phương diện của xã hội. Mục tiêu của ông không chỉ là cuộc cách mạng vô sản. Mục tiêu là tái tạo lại chính bản chất con người-  để tạo ra cái mà ông gọi là "con người mới". Giấc mơ cộng sản về sự giải phóng và bình đẳng giữa người với người- về trật tự mới không có chủ nghĩa tư bản, nhà nước-quốc gia và tôn giáo- đòi hỏi sự kiểm soát tuyệt đối của nhà nước và sự hủy diệt toàn bộ xã hội.

Hậu quả là diệt chủng- cố tình tiêu diệt hàng chục triệu người. Từ năm 1917 đến lúc ông mất vào năm 1924, Lenin đã thiết lập đế quốc Xô Viết  bằng sự tàn bạo vô biên- lập ra Cheka (công an chìm Bolshevik và là tiền thân của KGB), tịch thu và quốc hữu hóa tất cả các tư hữu, tàn sát hàng triệu người Bạch Nga và những kẻ thù khác của chế độ, gây ra một cách có hệ thống nạn đói kinh hoàng để bỏ đói đến chết hơn 5 triệu "kulak"( những địa chủ nhỏ), tiêu diệt vô số nhà thờ và linh mục, đàn áp dã man các quyền tự do căn bản, xây dựng nên những quần đảo ngục tù mênh mông, đô hộ rất nhiều dân tộc khao khát độc lập dân tộc. Tóm lại, Lenin đã dựng nên mô hình toàn trị độc đảng mà về sau được Stalin, Hitler và Mao làm theo.

Tội nặng của Lenin-thừa hưởng từ thời Khai Sáng- là ông coi cá nhân là phương tiện để đạt tới cứu cánh- ông không bao giờ thừa nhận hay quan tâm đến giá trị và nhân phẩm thiên phú của họ. Ông tin nhóm nhỏ các chuyên gia nắm quyền có thể tái tạo trật tự xã hội để thích hợp với bao tham vọng xã hội chủ nghĩa, ý thức hệ của ông. Đối với ông, con người chỉ là những miếng đất sét để nặn thành thế giới tương lai sau Thiên Chúa, sau tư bản. Ông là kẻ cuồng tín cách mạng.

Những đồ đệ Mác-xít của ông cuối cùng đã thảm sát gần 100 triệu người trong mưu toan điên cuồng nhằm thực hiện các mục tiêu bệnh hoạn của ông. Các dân tộc Baltic, những người Ukrain, Ba Lan, Czech, Slovak, Hungary, Rumani,  Croatia, Serbia, Trung Quốc, Nicaragua, Cambodia và Việt Nam- nếu ta có thể xếp chồng lên tất cả những xác của tất cả các nạn nhân bị chủ nghĩa cộng sản sát hại ấy, núi xác ấy sẽ cao ngất đến trời xanh.

Đã đến lúc người Nga đối mặt với hiện thực đen tối của quá khứ Xô Viết của họ. Giống như nước Đức Quốc Xã, nước Nga Xô Viết còn hơn cả chế độ độc tài tàn bạo. Nó là nhà nước công an toàn trị và là đế quốc bành trướng dựa trên những tội ác hầu như không thể nào diễn tả nỗi. Búa và liềm Xô Viết là tương đương với chữ vạn của quốc xã.

Liệu ai có thể tưởng tượng tên của Hitler đang được xử dụng và tôn thờ trên khắp nước Đức ngày nay? Hay lăng có xác ướp của ông được trưng bày tại quảng trường chính ở Berlin như đền thờ cho những kẻ tân Phát-xít? Chính ý nghĩ ấy thôi cũng đủ khiến ta buồn nôn, và lại càng không thể hiểu nổi. Tội ác của chủ nghĩa Phát-xít đã bị lên án xứng đáng. Nhưng tội ác của chủ nghĩa cộng sản vẫn còn chưa được cứu chuộc, mà vẫn còn bị giam kín trong những hốc nhỏ sâu thẳm trong ký ức lịch sử tập thể của chúng ta. Điều này phải chấm dứt.

Lenin là nhà độc tài, kẻ giết người diệt chủng và tội phạm chiến tranh. Hãy chôn ngưòi này-một lần cho dứt khoát. Và bỏ qua các nghi thức danh dự quốc gia. Ông không xứng đáng với những nghi thức danh dự như thế.

Nguồn: The Washington Times  12/7/2012
http://www.washingtontimes.com/news/2012/jul/12/bury-lenin-without-honors

13.7.12

Srdja Popovic -Làm thế nào lật đổ nhà độc tài

Trần Quốc Việt dịch

Chào các bạn, tôi hãnh diện có mặt ở đây ở TEDxKrakow này, nơi hôm nay tôi sẽ cố gắng nói sơ qua về một hiện tượng mà có thể thay đổi thế giới, và thực sự đang thay đổi thế giới. Hiện tượng ấy có tên Sức mạnh Nhân dân (People Power).

Tôi sẽ mở đầu bằng một câu chuyện... Câu chuyện như sau. Hôm ấy là ngày 15 tháng Mười Hai, 2010. Có người đề nghị với ta như thế này:

Ta sẽ nhìn vào quả cầu pha lê, và ta sẽ thấy được tương lai; tương lai sẽ chính xác. Nhưng ta cần cho thế giới biết trước tương lai ấy. Đồng ý, dù tò mò quá chỉ thiệt thân, ta chấp nhận đề nghị ấy. Ta nhìn vào quả cầu pha lê. Một giờ sau, ta ngồi ở tòa nhà truyền hình quốc gia, trong một chương trình đông khách, và ta nói về tương lai như sau:

"Vào cuối năm 2011, Ben Ali và Mubarak và Gadhafi sẽ bị lật đổ, và bị xét xử. Saleh ở Yemen và Assad ở Syria hoặc là sẽ bị chống đối hoặc là sẽ bị khuất phục. Osama bin Laden chết, còn Ratko Mladic sẽ bị xử ở tòa án quốc tế Hague." Bấy giờ người dẫn chương trình nhìn ta chăm chăm với khuôn mặt và ánh mắt lộ vẻ kinh ngạc. Và rồi, thêm vào đó, ta nói tiếp: "...và hàng ngàn người trẻ ở Athens, Madrid và New York sẽ biểu tình đòi công bằng xã hội và tuyên bố những người Ả Rập đã khích lệ họ xuống đường." Bỗng bất chợt hai người mặc áo choàng trắng xuất hiện, bắt ta mặc áo phông kỳ lạ, giải ta đến nhà thương điên gần nhất.

Cho nên tôi muốn nói sơ qua về hiện tượng đằng sau năm đã rất xấu cho những kẻ xấu xa. Hiện tượng này có tên là Sức mạnh Nhân dân.

Thật ra, Sức mạnh Nhân dân, đã tồn tại từ lâu. Sức mạnh ấy đã giúp Gandhi đã đuổi người Anh ra khỏi Ấn Độ, sức mạnh ấy đã giúp Martin Luther King trong cuộc đấu tranh chủng tộc lịch sử. Sức mạnh ấy cũng giúp một người địa phương ở đây, Lech Walesa, đã đuổi được một triệu lính Xô Viết ra khỏi Ba Lan, để từ đấy Liên Xô như chúng biết không còn tồn tại. Vậy sức mạnh ấy ngày nay có gì mới?  Điều hình như rất mới, chính là điều tôi muốn chia xẻ với các bạn hôm nay, đó là một loạt những nguyên tắc và kỹ năng mà ta có thể học và dạy để thực hiện thành công cuộc đấu tranh bất bạo động. Nếu điều này đúng, chúng ta có thể giúp đỡ những phong trào này.

Trước hết, kỹ năng đầu tiên-kỹ năng phân tích. Tôi sẽ thử phân tích Trung Đông nơi các phong trào này đều xuất phát. Trong suốt nhiều năm trời, chúng ta đều sống với một nhận thức hoàn toàn sai lầm về Trung Đông. Trung Đông trông giống như vùng bị đóng băng. Đúng ra là một tủ lạnh. Trong tủ lạnh ấy trước đây chỉ có hai món. Bò bít tết, tượng trưng cho chế độ độc tài cảnh sát và quân đội kiểu Mubarak-Ben Ali. Hay khoai tây, tượng trưng cho độc tài thần quyền kiểu Tehran. Nhưng mọi người kinh ngạc khi tủ lạnh bật mở ra: hàng triệu những người trẻ tuổi, hầu hết thế tục, bước ra để thực hiện thay đổi. Hãy đoán thử xem- họ không theo dõi thống kê về dân số. Tuổi trung bình của người Ai Cập là bao nhiêu? 24. Còn Mubarak nắm quyền lực bao nhiêu năm? 31. Như vậy, chế độ này đã quá lỗi thời, đã hết đát. Còn người trẻ trên khắp thế giới một sáng mai thức dậy hiểu ra rằng quyền lực nằm trong tay mình. Và những gì còn lại là năm trước mặt chúng ta. Và các bạn hãy đoán thử? Vẫn Thế hệ Y(1), với các nguyên tắc, công cụ, trò chơi, và ngôn ngữ mà hơi xa lạ với tôi. Tôi hiện nay 38 tuổi...Và hãy thử nhìn tuổi của người dân trên đường phố Châu Âu? Ở đấy hình như là thời của Thế hệ Y.

Bây giờ, tôi nói đến trường hợp khác. Tôi có dịp gặp gỡ nhiều người khác nhau trên thế giới; và như các bạn biết, họ là các viện sĩ và giáo sư, và bác sĩ. Và họ đều luôn luôn nói về điều kiện này điều kiện nọ. Họ sẽ nói: "Sức mạnh Nhân dân chỉ thành công nếu chế độ không trấn áp quá mức." Họ sẽ nói: "Sức mạnh Nhân dân thành công, nếu thu nhập hằng năm của quốc gia là giữa X và Z." Họ sẽ nói: "Sức mạnh Nhân dân chỉ thành công nếu có áp lực nước ngoài." Họ sẽ nói: "Sức mạnh Nhân dân chỉ thành công nếu không có dầu hỏa." Ở đây, tôi muốn nói rằng, điều kiện thì rất nhiều.

Tuy nhiên, thông tin mới ở đây là trong cuộc đấu tranh kỹ năng dường như quan trọng hơn các điều kiện. Cụ thể, kỹ năng đoàn kết, kế hoạch và duy trì sự tuân thủ bất bạo động. Để tôi kể cho các bạn một trường hợp. Tôi đến từ quốc gia tên Serbia. Chúng tôi phải mất mười năm mới đoàn kết được các nhà lãnh đạo của 18 đảng đối lập, mà người nào cũng có cái tôi lớn, đằng sau một ứng cử viên duy nhất ra tranh cử với Slobodan Milosevich. Các bạn hãy đoán xem chuyện gì xảy ra? Ngày họ đoàn kết là ngày thất bại của nhà độc tài.

Ta nhìn sang những người Ai Cập, họ đấu tranh trên Quảng trường Tahrir, họ dẹp bỏ hết những biểu tượng cá nhân riêng tư, để họ xuất hiện chung trên đường phố với chỉ lá cờ Ai Cập. Tôi sẽ nêu ra ví dụ ngược hẳn lại. Ta đã thấy chín ứng cử viên tổng thống ra tranh cử với Lukashenko. Kết quả thế nào thì ai cũng biết. Cho nên đoàn kết là điều rất quan trọng. Và ta có thể đạt được sự đoàn kết chung ấy. Tương tự với việc kế hoạch. Ai nói cách mạng bất bạo động thành công tức thì là kẻ nói láo. Chuyện như thế trên thế giới chẳng bao giờ có. Bất kỳ khi nào ta thấy những người trẻ tuổi ở trên hàng đầu cố gắng thân thiện như thể anh chị em với cảnh sát hay quân đội,  thì người nào đấy đã suy nghĩ trước điều đó. Bây giờ, cuối cùng, là sự tuân thủ bất bạo động. Đây có lẽ chính là điều then chốt quyết định sự thành bại. Nếu ta duy trì được sự tuân thủ bất bạo động, ta nắm chắc phần thắng. Ta có 100.000 người tuần hành bất bạo động, chợt một kẻ ngu ngốc hay một tên nào đấy trà trộn vào dòng người để khiêu kích bằng cách ném đá. Các bạn hãy đoán chuyện gì xảy ra trước tất cả các máy quay phim. Đó chỉ là một tên. Chỉ một hành động bạo lực thôi cũng đủ có thể tiêu diệt cả phong trào của ta.

Bây giờ cho phép tôi chuyển sang phần khác. Đó là sự chọn lọc các chiến lược và chiến thuật. Trong cuộc đấu tranh bất bạo động có những nguyên tắc nào đấy ta có thể tuân theo.

Hãy khởi đầu từ những chuyện nhỏ. Thứ hai, ta hãy chọn những trận đánh nào ta có thể thắng. Trong phòng này chỉ có 200 người chúng ta. Tất nhiên, chúng ta sẽ không thể nào kêu gọi cả triệu người tuần hành. Nhưng nếu chúng ta tổ chức được việc vẽ graffiti suốt đêm ở khắp mọi nơi trong thành phố Cracow này. Cả thành phố đều biết. Cho nên, chúng ta chọn những chiến thuật phù hợp với việc làm, nhất là chiến thuật chúng tôi gọi chiến thuật phân tán mỏng này. Những chiến thuật như thế rất hiệu quả trong hoàn cảnh trấn áp khốc liệt. Chúng ta đều thực sự đang chứng kiến hình ảnh của một trong những chiến thuật tuyệt vời nhất từng được xử dụng. Hình ảnh này ở Quảng trường Tahrir, nơi cộng đồng quốc tế luôn luôn rất lo sợ những người Hồi giáo sẽ chiếm đoạt cuộc cách mạng. Điều họ đã tổ chức được...  những người Công giáo bảo vệ những người Hồi giáo khi những người Hồi giáo cầu nguyện,  một đám cưới ngưòi Công giáo được hàng ngàn người Hồi giáo hoan hô chúc mừng. Thế giới đã vừa thay đổi sau hình ảnh ấy, nhưng người nào đấy đã suy nghĩ trước đó điều này.
Cho nên có rất nhiều điều ta có thể thực hiện thay vì phải tập trung tại một nơi, la hét và ra vẻ hiên ngang ta đây trước lực lượng an ninh.

Còn có một động lực khác rất quan trọng. Đây là động lực các chuyên gia thường không thấy. Đó là động lực giữa một bên là sợ hãi và thờ ơ và bên kia là say mê và hài hước. Động lực này hoạt động giống như trong video game vậy. Ta sợ nhiều thì thực trạng vẫn như cũ, còn ta say mê nhiều thì sợ hãi bắt đầu tan biến. Ngày thứ hai, ở Ai Cập ta thấy mọi người chạy ùa tới cảnh sát thay vì chạy tránh xa ra cảnh sát. Ta biết điều gì đó đang diễn ra ở đấy.

Rồi về hài hước. Hài hước là một điều rất then chốt quyết định sự thành bại, và tất nhiên hài hước đóng vai trò rất lớn ở Ba Lan. Như các bạn biết, chúng tôi chỉ là một nhóm sinh viên cuồng nhiệt ở Serbia khi chúng tôi thực hiện trò nghịch ghê gớm này. Chúng tôi đặt thùng dầu lớn có chân dung của tổng thống dán trên thùng ngay giữa đường phố chính. Trên đầu thùng có cái lỗ. Ta có thể bước đến, bỏ đồng xu vào lỗ, nhặt lấy cây bóng chày, và đập mạnh vào mặt y. Đập như thế tiếng vang rất to. Còn chúng tôi ngồi nhâm nhi cà phê trong quán cà phê gần đấy, và chỉ độ vài phút sau đã có nhiều người xếp hàng chờ đến phiên mình đập cho sướng tay. Nhưng đó chỉ là màn đầu. Tấn hài kịch thật sự bắt đầu khi cảnh sát xuất hiện. (Cười) "Họ làm gì được nào?" Bắt chúng tôi ư? Chả thấy ai đâu mà bắt. Từ quầy cà phê cách đó khoảng ba khu phố chúng tôi quan sát mọi sự. Bắt giam khách qua đường có con nít ư? Tất nhiên là chẳng hợp lý. Cảnh sát lại làm điều ngu ngốc nhất. Họ bắt giam cái thùng! Bấy giờ khuôn mặt trên thùng đã bị đánh tả tơi, cảnh sát chỉ còn cách kéo lê thùng lên xe. Ngày ấy là ngày huy hoàng nhất cho những người chụp hình cho các báo.

Điều tôi muốn nói ở đây là ta có thể làm được nhiều việc, và ta có thể luôn luôn xử dụng hài hước. Còn có một điều quan trọng khác về hài hước. Hài hước làm cho kẻ bị chế giễu đau đớn. Vì những kẻ này vốn coi mình là rất quan trọng. Vì vậy khi ta bắt đầu chế giễu họ, họ cảm thấy đau đớn.

Hiện nay, mọi người đang nói về Hoàng đế của mình, tức Internet, và nó là một kỹ năng rất ích lợi. Nhưng đừng vội vàng dán nhãn hiệu "Cách mạng Facebook", "Cách mạng Twitter" lên mọi sự. Đừng lầm lẫn giữa công cụ và thực chất. Đúng là Internet và các phương tiện truyền thông mới rất ích lợi vì khiến thông tin truyền nhanh hơn và rẻ hơn. Đồng thời  internet làm cho những người tham gia cảm thấy an toàn hơn một chút vì nó che dấu phần nào danh tính họ. Chúng ta đang nhìn thấy một ích lợi lớn lao khác mà Internet có thể làm được. Nó có thể dán cái giá của bạo lực do nhà nước bảo trợ đối với những người phản kháng bất bạo động. Đây là trường hợp nhóm nổi tiếng "Tất cả chúng ta là Khaled Said", do Wael Ghonim và các bạn anh ở Ai Cập lập ra.  Đây là khuôn mặt bị biến dạng của người bị cảnh sát đánh chết. Do đấy mọi người đều biết đến anh nhưng đây có lẽ cũng trở thành cọng rơm cuối cùng làm gãy lưng con lạc đà. Tuy nhiên tin xấu cũng ở đây. Cuộc đấu tranh bất bạo động chiến thắng trong thế giới thực, trên đường phố. Ta sẽ không bao giờ thay đổi xã hội theo chiều hướng dân chủ hay thay đổi kinh tế nếu ta cứ ngồi nhà gõ phím. Có nhiều rủi ro chúng ta phải chấp nhận, và chỉ có những người đang sống mới giành được thắng lợi trong cuộc đấu tranh này.

Còn đây là câu hỏi đáng giá ngàn vàng. Điều gì sẽ  diễn ra trong thế giới Ả Rập?

Tuy những người trẻ tuổi trong thế giới Ả Rập đã khá thành công trong việc lật đổ được ba nhà độc tài, làm rung chuyển cả khu vực, và về mức độ nào đấy đã thuyết phục các vị vua thức thời ở Jordan và Morocco thực hiện những cải cách căn bản, nhưng vẫn còn sớm để thấy kết quả sẽ như thế nào. Liệu những người Ai Cập và Tunisia sẽ thành công trong thời gian thay đổi chính trị, hay rốt cuộc sẽ chìm đắm trong cuộc xung đột đẫm máu về tôn giáo và sắc tộc, liệu những người Syria còn duy trì được sự tuân thủ bất bạo động một khi hàng ngày phải đối mặt với bạo lực tàn bạo đã sát hại cả hàng ngàn người, hay sẽ rơi vào cuộc đấu tranh bạo lực rồi biến thành cuộc nội chiến xấu xa. Những cuộc cách mạng này sẽ tiếp tục suốt trong thời gian thay đổi chính trị và dân chủ hay bị quân đội và những kẻ quá khích đủ loại chiếm đoạt? Chúng ta không thể nói được.

Những điều trên cũng đúng cho khu vực Phương tây, nơi ta có thể thấy tất cả những người trẻ tuổi đầy phấn khích biểu tình trên toàn thế giới, chiếm nơi này chiếm nơi nọ. Liệu họ sẽ trở thành làn sóng toàn cầu? Liệu họ sẽ tìm được kỹ năng, niềm say mê, và chiến lược của họ để tìm ra được điều họ thật sự muốn và đẩy mạnh cải cách, hay họ sẽ cứ tiếp tục than phiền mãi dựa trên bảng liệt kê vô tận về những điều họ ghét?
Đây là sự khác biệt giữa hai con đường. 

Còn thống kê cho ta biết gì. Sách của bạn tôi Maria Stephan bàn nhiều về đấu tranh bạo động và bất bạo động; và có vài số liệu đáng kinh ngạc. Nếu ta nghiên cứu các cuộc thay đổi xã hội khác nhau suốt trong 35 năm vừa qua, từ độc tài đến dân chủ, ta sẽ thấy rằng trong số 67 trường hợp khác nhau, thì trong 50 trường hợp cuộc đấu tranh bất bạo động là sức mạnh thay đổi chủ chốt. Đây là một lý do nữa để nghiên cứu hiện tượng này. Đây là một lý do nữa để nghiên cứu Thế hệ Y. Dù sao cũng đủ cho tôi để thừa nhận công lao của họ, và hy vọng rằng họ sẽ tìm thấy kỹ năng và lòng can đảm để áp dụng cuộc đấu tranh bất bạo động và nhờ thế sửa lại ít nhất phần nào sự hỗn loạn thế hệ chúng ta đang gây ra trên thế giới này.

(1)Thế hệ Y là thế hệ sinh sau năm 1980 (chú thích của người dịch).

Nguồn: Từ video của tổ chức TEDxKrakow, Ba Lan, tháng 11, 2011
www.ted.com/talks/srdja_popovic_how_to_topple_a_dictator.html

7.7.12

Bryan Farrell & Eric Stoner -Những bài học quý giá từ cuộc cách mạng của tuổi trẻ Serbia

Trần Quốc Việt dịch

Cách đây mười năm, vào ngày 5 tháng Mười năm 2000, hàng trăm ngàn người biểu tình Serbia đã tràn ra các đường phố ở Belgrade và tiến qua các lực lượng an ninh thờ ơ để chiếm lĩnh tòa nhà Quốc hội, từ đấy kết liễu thành công chế độ độc tài của Slobodan Milosovic. Hành động ấy là hành động cuối cùng của cuộc đấu tranh bất bạo động kéo dài hai năm trời dưới sự lãnh đạo của phong trào của tuổi trẻ mang tên Otpor, hay "Phản kháng", và nắm đấm biểu tượng của phong trào đã mở đường tiến đến các cuộc bầu cử tự do và nền dân chủ mới giành được.

Một trong những nhà lãnh đạo của phong trào này là Srdja Popovic 27 tuổi, người được bầu vào Quốc hội Serbia sau khi Milosovic bị lật đổ. Năm 2004, Popovic rời bỏ chính trường để lập ra Trung tâm Chiến lược Bất bạo động Ứng dụng (Canvas) ở Belgrade, một tổ chức đào tạo các nhà hoạt động dân chủ ở hàng chục nước trên khắp thế giới- từ những người đã tham gia trong các phong trào dân chủ thành công tại Ukraine và Maldives đến những cuộc đấu tranh đang diễn ra tại Miến Điện và Iran.

Mới đây chúng tôi đã có dịp trò chuyện với Popovic và hỏi anh về vai trò mà hài hước đã đóng trong cuộc đấu tranh chống lại Milosovic, làm thế nào họ có thể thu phục được lực lượng an ninh đáng sợ và về các phương diện nào Otpor vẫn tồn tại đến ngày nay.

Hỏi: Tại sao quan trọng cuộc phản kháng Milosovic phải là bất bạo động?

Srdja Popovic: Sự tuân thủ bất bạo động là một trong những nguyên tắc thành công chính trong công cuộc đấu tranh bất bạo động. Một khi bạo động nổ ra, phong trào sẽ mất số lượng, mất đà và mất sự tin tưởng- gây tổn hại đến các mục tiêu chung. Rất quan trọng là những người Serbia, vốn bị coi là "bạo động" trong thập niên 1990, phải chứng tỏ cho mình và cho thế giới thấy chúng tôi thừa khả năng để thay đổi chính quyền một cách văn minh, qua các cuộc bầu cử và bảo vệ các kết quả bầu cử một cách ôn hòa.
Hơn nữa, nếu ta nhìn vào cuộc nghiên cứu rất hay của Freedom House được công bố trong năm 2005 có tên "Làm thế nào giành được tự do", cuộc nghiên cứu này phân tích những cuộc thay đổi chính trị trong vòng 35 năm của thế kỷ vừa qua- một số cuộc thay đổi chính trị bằng phương tiện bạo lực, một số bằng phương tiện bất bạo động. Cuộc nghiên cứu chúng minh rõ ràng những cuộc thay đổi chính trị đạt được nhờ đấu tranh bất bạo động rất có thể sẽ bảo đảm nhân quyền, dân chủ và ổn định chính trị lâu dài.

Hỏi: Sự sáng tạo và hài hước quan trọng như thế nào trong cuộc đấu tranh làm sụp đổ Slobodan Milosevic?

Srdja Popovic: Tuyệt đối quan trọng. Hài hước và châm biếm, nhãn hiệu của Otpor, đã có thể tạo ra thông điệp tích cực, hấp dẫn lượng khán giả lớn nhất có thể, làm cho các đối thủ của chúng tôi- những quan chức chán ngắt và cổ hủ ấy-trông ngu ngốc và lố bịch. Quan trọng nhất, nó phá tan sợ hãi và khích lệ xã hội Serbia vốn mệt mỏi, thất vọng, và thờ ơ vào cuối thập niên 1990.

Hỏi: Diện mạo và hình ảnh của phong trào quan trọng như thế nào để tránh được sự chỉ trích từ chế độ và các phương tiện truyền thông?

Srdja Popovic: Những kẻ định hướng dư luận nói "nhận thức là hiện thực", mà rõ ràng không sai lắm. Vì đã lường trước chuyện những người tuyên truyền cho chế độ sẽ cố mô tả Otpor là "những tên lính đánh thuê của Tây Phương", "những kẻ không yêu nước" và "bọn phản bội cánh hữu", ngay từ đầu trong quá trình đấu tranh chúng tôi đã có thể chuẩn bị cho sự vu cáo này. Chúng tôi dùng nắm đấm, một biểu tượng thiên tả từ thời cộng sản xa xưa của thế hệ ông bà chúng tôi, những khẩu hiệu yêu nước đúng đắn, những khuôn mặt trẻ trung trong sáng luôn luôn đi hàng đầu cho Otpor, vốn tương tự những gì MLK thực hiện trong các cuộc tuần hành ở Nashville. Chế độ đã tốn rất nhiều thời gian nhằm thuyết phục công chúng rằng chúng tôi thật ra còn xấu xa hơn cả bọn khủng bố thực sự, nhưng nhìn thấy những khuôn mặt trong sáng trẻ trung mặc áo phông Otpor đã làm cho sự vu cáo trông lố bịch và, cuối cùng, nó rõ ràng còn hại ngược lại chính họ.

Hỏi: Làm thế nào Otpor đã thu phục được cảnh sát và lực lượng an ninh? Sự thuyết phục đóng vai trò gì trong cuộc phản kháng dân sự?

Srdja Popovic: Điều cốt lõi cho các phong trào bất bạo động là phải kéo được mọi người ra khỏi các trụ cột quyền lực như cảnh sát và quân đội, thay vì đẩy họ đến các trụ cột ấy và thay vì tỏ ra đe dọa và hiếu chiến. Otpor học được bài học này từ các cuộc xuống đường của sinh viên vào năm 1966 và 1977, nhưng cũng học được từ Gandhi. Vì thế, ngay từ đầu, chúng tôi đã hành xử một cách rất thân thiết như thể anh em với cảnh sát và quân đội, chúng tôi mang hoa và bánh ngọt đến tặng họ, thay vì la hét hay ném đá. Mô hình này đã thành công trên khắp thế giới tại những nơi như Georgia và Ukraine. Một khi ta hiểu rằng "cảnh sát chỉ là những người dưới bộ đồng phục cảnh sát " thì nhận thức của ta thay đổi và sự thuyết phục sẽ diễn ra.

Hỏi: Cấu trúc lãnh đạo của Otpor khác với các phong trào bất bạo động khác như thế nào?

Srdja Popovic: Đó là "lãnh đạo tập thể" với cấu trúc của cuộc vận động "chính trị /bầu cử" mà rất hiệu quả trong việc thực hiện các quyết định. Lãnh đạo cũng hoàn toàn phân cấp, tạo ra nhiều lớp lãnh đạo để nếu 10 đến 15 người lãnh đạo cao nhất bị bắt, thì guồng máy phong trào to lớn không vì thế mà ngừng hoạt động. Cấu trúc như thế cũng cho các thành viên trẻ và mới gia nhập có cơ hội để công khai bày tỏ ý kiến thẳng thắn với tư cách "các nhà lãnh đạo của Otpor".

Hỏi: Phải chăng việc NATO ném bom Serbia đã làm Milosevich suy yếu và dù sao cũng làm cho phong trào bất bạo động can đảm hơn?

Srdja Popovic: Tấn công một quốc gia từ bên ngoài luôn luôn khiến nhân dân tập hợp lại quanh lãnh đạo. Điều đó đã xảy ra khi NATO ném bom Serbia trong năm 1999, rõ ràng càng làm Milosevich mạnh thêm. Nếu ta nhìn số lượng người ủng hộ George W. Bush, ta sẽ thấy số lượng người ủng hộ ông tăng cao nhất ngay sau vụ 11 tháng 9. Cho nên bất kỳ ai trong chính quyền Mỹ nghĩ ném bom Serbia sẽ làm suy yếu Milosevich là hoàn toàn sai. Rốt cuộc ném bom chỉ làm tổn thương quốc gia và dân thường. Còn tệ hơn nữa, Milosevich lấy cớ ấy để tấn công và tiêu diệt bất kỳ nhóm đối lập nào còn sót lại trong tình trạng khẩn cấp (Lệnh thiết quân luật được ban ra trong lúc bom rơi !). Nhà báo và biên tập viên nổi tiếng Slavko Curuvija bị giết ngay trước nhà ông sau khi bị tố cáo công khai "hợp tác với những kẻ ném bom Serbia." Nhà chính trị đối lập Zoran Djindjic và phần lớn lãnh đạo Otpor bị mật vụ đe dọa đánh đập đã phải trốn ra khỏi nước. Bài học ở đây là "dân chủ không đến từ nắp xe tăng."

Hỏi: Sự ủng hộ của Mỹ dành cho Otpor quan trọng như thế nào cho sự thành công của phong trào và anh có khuyên các tổ chức bất bạo động khác nhận tài trợ từ chính quyền Mỹ hay từ các cơ quan được chính quyền tài trợ?

Srdja Popovic: Vai trò của Phương Tây ở Balkans có mặt sáng và mặt tối, nên tôi nghĩ những vấn đề này nên được xét riêng rẽ. Đúng, Mỹ và Liên Âu đã giúp đối lập Serbia về tiền bạc và vật chất trong những năm cuối cùng của thập niên 90. Quan trọng nhất, họ giúp về các phương tiện truyền thông tự do và đào tạo những nhân viên giám sát bầu cử. Họ cũng cung cấp dầu để sưởi ấm cho các công dân ở các đô thị do đối lập quản lý. Nhưng cũng chính "những nhà dân chủ Tây Phương" này ủng hộ Milosevic vào trước hiệp ước hòa bình Dayton năm 1995 ở Bosnia và ban hành luật cấm vận kinh tế vào năm 1992, mà gần như tiêu diệt giai cấp trung lưu ở Serbia và cho phép Milosevic và đồng minh của y trong cảnh sát và tội phạm có tổ chức nắm chắc sự kiểm soát hơn nữa. Các nhà ngoại giao Phương Tây cố gắng quản lý đối lập Serbia một cách quá tỉ mỉ và chi tiết, từ đấy đưa đến sự phân tán. Do cách hành xử như thế, trong suốt nhiều năm trời cộng đồng quốc tế là một phần của vấn đề thay vì một phần của giải pháp. Phải tốn rất nhiều thời gian và công sức để sửa chữa điều đó.

Mặt khác, ta không được đánh giá thấp vai trò của nỗ lực đấu tranh cho dân chủ của Mỹ trên khắp thế giới, với tư cách là siêu cường dân chủ hàng đầu. Bài học từ Serbia- như tổ chức của tôi, Trung tâm Chiến lược Bất bạo động Ứng dụng (Canvas), nhìn thấy- là ta cần cố gắng có được càng nhiều sự ủng hộ từ bên ngoài. Nếu ta muốn có các cuộc cách mạng thành công, ta cần đưa những người nước ngoài, như các nhà ngoại giao và những người gọi là "các chuyên gia", ra khỏi cuộc đấu tranh của chúng ta và không để họ tham gia vào quá trình ra những quyết định quan trọng. Nhưng kiến thức và kỹ thuật có thể có lợi, điều này chúng tôi biết nhờ chia sẽ kiến thức cùng kinh nghiệm với nhiều nhà hoạt động dân chủ trên khắp thế giới, trong đó có những người Georgia, Ukrain, Lebanon, và Maldives ( kể tên những người đã thành công trong cuộc đấu tranh cho sự thay đổi ), cũng như những người Zimbabwe, Miến Điện, Iran, và Venezuela ( những người mà cuộc đấu tranh của họ ta vẫn còn thấy rõ trên khắp địa cầu ). Mỗi lần chúng tôi nhận câu hỏi này lời khuyên của chúng tôi vẫn trước sau như một: chính quyền nước ngoài không có bạn, chỉ có quyền lợi. Vì vậy hãy cố gắng có nhiều sự ủng hộ từ bên ngoài, nhận kiến thức và tiền bạc và vật chất từ những ai muốn giúp và dùng nó cho sứ mạng của phong trào của ta. Nhưng coi chừng những lời khuyên chính trị của họ vì những cuộc cách mạng thành công đều là những cuộc cách mạng hình thành từ trong nước, được thiết kế và được thực hiện theo đấy bởi những ngưòi địa phương trong nước nào đấy.

Hỏi: Sau cách mạng phong trào đã làm gì để chính quyền mới chịu trách nhiệm?

Srdja Popovic: Otpor có một vai trò "người theo dõi" rất quan trọng sau cách mạng. Nó phát động hai chiến dịch quan trọng (Tháng Mười Một năm 2000 và mùa hè 2001) buộc chính quyền mới chịu trách nhiệm, đòi hỏi những cải cách dân chủ và bài trừ tham nhũng. Ít được biết đến là vai trò của phong trào rộng lớn nhằm chuẩn bị dư luận cho việc bắt giam cựu tổng thống Milosevic và giải giao y cho Tòa án Hague. Tên của chiến dịch, khởi động từ tháng Ba và đầu tháng Tư trước khi ông ta bị bắt giam, là "HẮN CÓ TỘI!" Đây là thời điểm rất quan trọng vì thủ tướng Serbia mới can đảm Zoran Djindjic vào lúc đó hầu như đơn độc trong nhiệm vụ cần thiết nhưng rất "mất lòng dân" này. Tất cả những điều này chứng minh rằng tự thân một cuộc cách mạng dân chủ hóa thật sự vẫn không đủ.  Tiếp theo sau đó ta cần xây dựng khả năng và củng cố các thể chế dân chủ để đạt đến một xã hội dân chủ. Serbia may mắn đã đạt đến xã hội dân chủ, và đôi khi tôi nghĩ các quốc gia khác như Georgia thật sự đang thiếu phần nào sự ủng hộ " hậu chấn thương" từ các phong trào bất bạo động chính của họ và từ các nước dân chủ trên thế giới.

Hỏi: Ý nghĩa của Otpor hiện nay trên thế giới là gì và anh thấy nó tồn tại như thế nào trên thế giới ngày nay?

Srdja Popovic: Otpor và cuộc cách mạng bất bạo động đã thật sự trở thành hàng hiệu có thể nhận ra trên khắp thế giới. Ta có thể thấy những trường hợp thành công của các phong trào tương tự ở Georgia (2003), Ukrain (2004), Lebanon (2006) và xa tận Maldives (2008). Ta sẽ thấy vẫn các biểu tượng và sự giống nhau về hình ảnh ở Ai Cập và Kenya. Ta sẽ thấy các nhà sư Phật giáo đi đầu trong cuộc Cách mạng màu Vàng Nghệ (Saffron Revolution) được khích lệ từ bộ phim Đánh Gục Nhà độc tài. Ta sẽ thấy những phong trào dựa trên chiến lược tương tự ở Vennezuela và Việt Nam. Ta sẽ thấy sách và phim được phân phát rộng rãi ở Cuba và Iran. Có vẻ như tư tưởng và mô hình "cách mạng bất bạo động" đã khích lệ nhiều người và trong số họ có một số đã thực hiện thành công những chiến thuật thông minh và sáng tạo một phần nhờ bộ phim Đánh Gục Nhà độc tài, và những bộ sách bao gồm "Cuộc đấu tranh bất bạo động: 50 điểm cốt yếu", và phần rất lớn nhờ vào lòng can đảm và quan tâm của các nhà hoạt động dân chủ địa phương trên toàn thế giới. Điều đó làm cho chúng tôi tự hào vì chúng tôi tin tưởng vững chắc rằng mỗi người nam hay nữ trên thế giới này đều có đầy đủ quyền mà cũng có bổn phận ủng hộ nhân quyền và dân chủ.

Nguồn: tạp chí Wagingnonviolence  5/10/2010 . Tựa đề của người dịch

http://wagingnonviolence.org/2010/10/bringing-down-serbias-dictator-10-years-later-a-conversation-withnonviolence-movement-leader-srdja-popovic./

1.7.12

Trần Quốc Việt -Ngày của Lịch Sử

Ngày 01.07.2012 là ngày xuống đường phản đối Trung Quốc. Lịch sử sánh bước với chúng ta, lịch sử hò reo với chúng ta, lịch sử hiện ra trong ánh mắt của mỗi người trong chúng ta. Lịch sử bàng bạc trong khí trời, nắng gió, cảnh vật, và con người quanh chúng ta vào ngày này.

Ngày hôm nay chúng ta viết sử bằng bước chân mạnh mẽ của mình, bằng tiếng thét vang trời của mình trên đường phố dù chúng ta chỉ là một nhóm nhỏ lọt thỏm trên phố xá đông người thờ ơ.

Ngày hôm qua chúng ta không được học lịch sử đích thực, thì ngày hôm nay chúng ta tự học và viết tiếp trang sử tồn tại của dân tộc qua hành động biểu tượng thiêng liêng tối thiểu: cất lên tiếng nói khẳng định chúng ta là Người Việt.

Chúng ta không cần biết chế độ toan tính những gì. Chúng ta chỉ biết chúng ta là người Việt Nam đang thực hiện sứ mệnh lịch sử thiêng liêng tự ngàn đời được truyền lại: luôn luôn chống lại mọi mưu toan xâm lược và đồng hóa của Trung Quốc.

Hôm nay chúng ta còn tiếng nói, còn khuôn mặt, còn tính cách, còn văn hóa, còn món ăn đặc trưng của người Việt Nam là nhờ sự hy sinh của hàng ngàn thế hệ đã không ngừng làm thất bại bao cuộc xâm lược của Trung Quốc. Nếu không có những hy sinh vô cùng tận này của họ thì ngày hôm nay chúng ta không cần xuống đường vì chúng ta đã là người Trung Quốc tự lâu rồi. "Chúng ta học lịch sử không phải để biết cách hành xử hay biết cách thành công, mà để biết chúng ta là ai."(1)

Và câu hỏi chúng ta là ai sẽ được trả lời chung trên các đường phố Hà Nội và Sài Gòn.

Chúng ta hãy nhớ lời của Martin Luther King: "Chúng ta bắt đầu chết vào ngày chúng ta im lặng về những điều quan trọng."


(1) Lời của triết gia Leszek Kolakowski .